Top 15 truyện ngụ ngôn hay nhất mọi thời đại ai cũng nên đọc

Đang HOT

Truyện ngụ ngôn thường mang tính giải trí cao để châm biếm, phê phán thói hư tật xấu và truyền tải bài học sâu sắc. Dưới đây là Top 15 truyện ngụ ngôn hay nhất mọi thời đại truyện online Vlognovel muốn gửi đến bạn!

Top truyện ngụ ngôn hay

Rùa và Thỏ

Ở một khu rừng nọ, có một chú thỏ lúc nào cũng chỉ thích khoe khoang về tài chạy nhanh như gió của mình. Một ngày nọ, Rùa đưa ra lời thách thức Thỏ chạy thi với mình để xem ai sẽ về đích trước. Trong khi đó, một chú sư tử xung quanh đã nghe được và quyết định sẽ làm trọng tài của cuộc đua này.

Truyện ngụ ngôn hay: Rùa và thỏ

Khi tiếng còi từ tất cả động vật trong rừng đồng thanh hô to “1…2…3… bắt đầu!”, chú thỏ lập tức chạy vụt nhanh như gió,  quay lại đã không thấy bóng dáng Rùa đâu. Chú thỏ cười khuẩy tự tin rằng mình sẽ về đích trước: “Còn lâu mới đuổi kịp mình, cứ ngủ một giấc cho sướng đã”  - Thỏ ta thầm nghĩ.

Trong khi đó, chú rùa tiếp tục chạy chậm nhưng kiên trì. Cho đến lúc rùa vượt qua chỗ thỏ đang nằm ngủ và gần chạm tới vạch kết thúc.

Động vật trong rừng hò hét cổ vũ rất lớn cho rùa, thỏ giật mình tỉnh giấc. Chú thỏ vắt chân lên cổ cố gắng chạy nhanh hơn nhưng đã quá muộn. Thỏ vô cùng xấu hổ và trốn thật kĩ vì chẳng còn mặt mũi nào để gặp mọi người.

Bài học rút ra: Rùa đã cán đích trước và chiến thắng cuộc đua bằng tinh thần nghiêm túc của mình. Những người tài giỏi đến đâu nhưng có tính cẩu thả trong suy nghĩ và hành động cuối cùng sẽ bị đánh bại bởi những người siêng năng, chăm chỉ . Chỉ cần chúng ta không từ bỏ, thì chắc chắn sẽ đạt được ước muốn.

Câu chuyện Bó đũa 

Ngày xưa, ở một gia đình nọ, một ông già có bốn người con,  khi còn nhỏ, anh em sống rất hòa thuận nhưng khi có gia đình riêng họ lại không thương yêu, đùm bọc nhau, luôn nói xấu chê bai người kia  khiến người cha rất buồn.

Một hôm, ông gọi các con đến. Ông cầm một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi bảo các con:

- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng túi tiền.

Bốn người con lần lượt cố hết sức bẻ bẻ bó đũa nhưng không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

Cả bốn người con thấy vậy cùng nói:

– Thưa cha, lấy từng chiếc ra mà bẻ thì có gì là khó ạ!

Ông già liền bảo:

– Đúng! Như thế là các con đều thấy: chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết đùm bọc lấy nhau, có đoàn kết thì mới có sức mạnh.

Từ đó, bốn người con trở nên hòa thuận.

Bài học rút ra: Câu chuyện bó đũa là truyện ngụ ngôn hay của Việt Nam cho thấy sức mạnh to lớn của sự tinh thần đoàn kết, khuyên nhủ anh em trong gia đình phải đồng sức đồng lòng, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu cứ tị nạnh, ganh ghét lẫn nhau thì sẽ mãi cô độc. Phải biết giúp đỡ khi sống chung với nhau thì mới vững mạnh như bó đũa không thể bẽ gãy được vậy.

Truyện ngụ ngôn Người lái buôn và con lừa

Người lái buôn thường xuyên vào thành phố để mua đồ về buôn và ông chất lên vai Lừa để trở về nhà. Con Lừa của người lái buôn nghĩ rằng mình rất thông minh, lúc nào cũng suy nghĩ ra mọi cách để có thể khiến cho đồ mình chở càng nhẹ càng tốt.

Một lần người lái buôn mua một tải muối. Ông ta buộc tải thật chặt, chất lên lưng Lừa, rồi đi đằng sau thúc Lừa đi nhanh. Đi được một lúc, người lái buôn và Lừa đi đến một con sông nhỏ nhưng Lừa thật không may đã bị trượt chân, ngã xuống nước khiến cho muối bị tan ra rất nhiều.

Khi Lừa đứng dậy thì phát hiện ra tải muối mà mình chở đã nhẹ hơn rất nhiều.Có được kinh nghiệm lần này, mỗi lần qua sông, Lừa ta đều giả vờ trượt chân ngã để cho bớt một ít đồ trên lưng xuống sông và tỏ ra thích chí vì sự thông minh của mình. 

Người lái buôn biết vậy, định bụng sẽ tìm cách để phạt Lừa. Người lái buôn vào trong thành mua một tải bông, và chất lên lưng Lừa. Lại một lần nữa đi qua con sông nhỏ, như mọi lần, Lừa ta lại giả vờ trượt chân ngã. 

Nhưng bất ngờ khi Lừa ta vừa mới đứng dậy, đột nhiên thấy đồ trên lưng mình nặng hơn trước rất nhiều. Thì ra, tải bông sau khi hút nước đã trở nên nặng hơn. Lừa ta không ngờ sự việc lại thành ra như thế này nhưng chỉ đành cúi đầu ngậm ngùi đi tiếp nào dám dám than vãn gì.

Bài học rút ra: Trong cuộc sống, thành quả luôn đi kèm với nỗ lực, nỗ lực bao nhiêu thì thành quả đạt được sẽ tương xứng bấy nhiêu, vì vậy không nên vì lười biếng mà gian trá, tìm mọi cách thoái thác công việc sẽ phải nhận hậu quả thích đáng. 

Truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường

Xưa có một người thợ mộc nghèo sống bằng việc đẽo  cày, anh ta dốc hết vốn trong nhà ra mua gỗ để làm đẽo cày mà bán. Cửa hàng anh ta mở ngay bên đường, ngổn ngang gỗ dài gỗ ngắn. Người đi qua kẻ đi lại, thường ghé vào xem anh ta đục đẽo.

Người thì nói phải đẽo cho cao, cho to thì mới dễ cày. Kẻ thì rằng đẽo nhỏ hơn, thấp hơn thì mới dễ cày. Lại có người nói anh ta đẽo cày cho thật cao, thật to gấp đôi gấp ba như thế để cày voi được, thì hàng bán sẽ đắt, như tôm tươi.

Thành ra bao nhiêu gỗ đẽo cái nhỏ thì nhỏ quá, cái to thì to quá, chẳng thấy ai mua cho một cái nào.

Bài học rút ra: Đây là một trong những truyện ngụ ngôn hay từ ông bà xưa mà bạn không thể bỏ qua. Từ câu chuyện này người đời sau mới có câu tục ngữ: Đẽo cày giữa đường để răn dạy chúng ta không nên vội cả tin nghe theo lời người mà phải có chính kiến cho bản thân.

Con quạ thông minh

Một con quạ đang khát nước nên nó bay rất lâu để tìm nước nhưng chẳng thấy một giọt nước nào. Mệt quá, nó đậu xuống cành cây nghỉ và bỗng thấy một cái bình ở dưới một gốc cây.

truyện ngụ ngôn hay: Con quạ thông minh

Khi tới gần, nó mới phát hiện ra rằng nước trong bình chỉ chạm gần đáy, và nó không thể chạm mỏ mà uống được. Nó thử đủ cách nhưng mọi cố gắng của nó đều thất bại.

Nhìn chung quanh, quạ thấy những viên sỏi nhỏ nằm ở gần đấy. Lập tức, nó dùng mở gắp một viên sỏi thả vào bình. Cứ như vậy, nó gắp những viên sỏi khác và lần lượt thả vào bình.

Chẳng bao lâu, nước đã dâng lên đến miệng bình. Giờ thì nó có thể thò mỏ vào để uống. Quạ rất vui sướng rồi uống thỏa thích những giọt nước mát ngọt và bay lên cây nghỉ ngơi.

Bài học rút ra: Nhờ vào trí thông minh và sự cố gắng nỗ lực, quạ đã có thể uống nước cứu sống bản thân mình. Vì vậy khi gặp khó khăn chúng ta nhất định không được từ bỏ khuất phục mà hãy kiên trì tìm cách để vượt qua, vì sự kiên trì là chìa khóa để giải quyết bất kỳ vấn đề nào.

Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

Nếu bạn đang tìm kiếm truyện ngụ ngôn hay để giáo dục cho bé thì “Ếch ngồi đáy giếng” là truyện ngụ ngôn rất hữu ích đấy!

Truyện kể rằng có một con ếch sống lâu ngày trong một cái giếng nọ, xung quanh nó chỉ toàn những con vật nhỏ bé như nhái, cua, ốc bé nhỏ. Hằng ngày nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng, khiến các con vật kia rất hoảng sợ

Từ dưới đáy giếng nhìn lên, ếch ta chỉ thấy một khoảng trời bé bằng cái vung, Ếch cứ tưởng tất cả vũ trụ chỉ có vậy, và bản thân nó to bằng trời, tự coi mình là chúa tể. 

Một năm nọ, trời làm mưa to đưa ếch ra bên ngoài. Ếch nhâng nháo nhìn trời thì bỗng thấy bầu trời rộng lớn hơn nhiều so với cái khoảng trời quen thuộc kia. Ếch ta không tin và thấy bực bội. Quen thói ra oai, nó cất tiếng kêu ồm ộp. Nhưng vì mải nhìn lên trời đã không chú ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua dẫm bẹp.

Bài học rút ra: Qua câu chuyện về chú ếch thiếu hiểu biết về cuộc sống nhưng luôn dương dương tự đắc, ông cha ta gửi gắm nhiều bài học quan trọng về cách ứng xử cũng như cách nhìn nhận, đánh giá mọi việc trong cuộc sống.

Chúng ta nên ra ngoài tìm hiểu , cũng như học hỏi mọi thứ xung quanh, chứ không nên chỉ ở đáy giếng mãi như chú ếch. Để đến khi ra ngoài, thấy mọi thứ đều mới lạ, ngỡ ngàng.

Nếu muốn giỏi, muốn tiến bộ thì không ngừng tích lũy tri thức, trau dồi năng lực của bản thân để tiến bộ hằng ngày, những hiểu biết sai lầm kém cỏi sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng mà ta không lường trước được

Truyện ngụ ngôn Cháy nhà hàng xóm

Trong một làng nọ có một căn nhà bị cháy, người dân xung quanh đều tìm mọi cách để dập ngọn lửa. Cả làng đổ ra, kẻ thùng, người chậu, ai nấy ra sức tìm cách dập đám cháy giúp nhà hàng xóm. 

Duy chỉ có người ở nhà kế bên là vẫn trùm chăn nghĩ rằng việc nhà ai người nấy lo. Hắn nghĩ:

– Cháy nhà hàng xóm, chẳng việc gì mình phải bận tâm.

Nào ngờ có ngọn gió thổi qua làm lửa cháy sang nhà đó làm tàn lửa bay tứ tung , bén sang mái nhà ông ta. Lúc bấy giờ người kia mới chồm dậy, cuống cuồng tìm cách dập lửa nhưng đã quá muộn.

Nhà cửa, của cải của ông ta đã bị ngọn lửa thiêu sạch

Bài học rút ra: Truyện nhằm phê phán những người chỉ sống ích kỉ vì bản thân của mình, vô cảm trước những tai họa và vận hạn của người khác dù cho đó là những người gần gũi. Cho đến khi bản thân gặp phải tình huống đó thì mới thấy được hậu quả của lối sống ích kỷ, vô cảm ấy.

Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi

Một trong những truyện ngụ ngôn hay mà bạn không nên bỏ qua là truyện “Thầy bói xem voi”.

Nhân buổi không có khách, năm ông thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng thắc mắc bàn luận không biết hình thù con voi nó ra sao. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem

Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau

Thầy sờ vòi bảo:

– Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

– Không phải! Nó chần chẫn như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo:

– Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi:

– Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình.

Thầy sờ đuôi lại nói:

– Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tun tủn như cái chổi sể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho là mình nói đúng, không ai tin ai nên đánh nhau tọac đầu, chảy máu.

Bài học rút ra: Truyện ngụ ngôn phản ánh về những người luôn tỏ ra hơn người nhưng thật chất lại ít vốn hiểu biết. Người xưa đã nhắc nhở ta phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều cho mọi vấn đề, không nên đánh giá sự vật, sự việc bằng sự nhìn nhận phiến diện chủ quan

Truyện ngụ ngôn Hai con dê qua cầu

Ngày xưa có một con dê trắng đang ăn cỏ trên đoạn của ngọn đồi gần một con suối. Dê trắng quyết định thưởng thức mùi vị cỏ trên ngọn đồi bên kia.

Nhưng để qua được ngọn đồi thì Dê phải đi qua một lối đi hẹp dài được làm như một chiếc cầu bắc ngang qua con suối. Nó nhìn thấy một con dê khác đang đến từ đồi bên kia. Cái cầu quá nhỏ chỉ đủ cho một con đi qua mà thôi.

truyện ngụ ngôn hay: Hai con dê qua cầu

Con Dê trắng nói với Dê đen, "Để tôi qua cầu trước".

"Bạn để tôi qua trước", Dê đen kiên quyết.

Chúng không ai nhường ai và rồi mất cân bằng, cả hai đều đã ngã xuống dòng suối.

Những con dê khác gặm cỏ trên ngọn đồi đã nhìn cảnh tượng đó và rút được một bài học.

Vài ngày sau, hai con dê khác cũng gặp chuyện như vậy. Chúng cũng gặp nhau trên chiếc cầu đó và không thể đi qua cầu được.

Một con dê nói với con dê khác:" Tôi sẽ đi xuống bạn có thể bước qua trước."

"Cảm ơn bạn nha! Lần sau, mình sẽ nnhường bạn để bạn bước qua trước."

Và rồi chúng đều vượt qua chiếc cầu an toàn.

Bài học rút ra: Câu chuyện là bài học rất lớn về sự nhường nhịn và chia sẻ trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Không nên tranh giành, ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mình. Nếu biết nhường nhịn, biết nghĩ đến người khác cũng là cách ta mang niềm vui đến cho người khác.

Cả truyện ngụ ngôn và truyện ngắn đều có giá trị nghệ thuật và truyền tải những ý nghĩa sâu xa đến người đọc. Tuy nhiên truyện ngụ ngôn dùng hình ảnh tưởng tượng và nhân vật biểu trưng để truyền đạt ý nghĩa, trong khi truyện ngắn tập trung vào việc kể câu chuyện ngắn gọn và diễn đạt thông điệp một cách trực tiếp. Đón đọc top 12 truyện ngắn hay nên đọc nhất trong năm tại Vlog Novel.

Truyện ngụ ngôn Lừa và Ngựa

Một người đàn ông có một con lừa và một con ngựa, anh ta chất hàng hóa lên cả hai con vật cùng ông đi công việc ở xa.

Lúc đầu lừa đi rất nhanh, nhưng dần dần, họ tới vùng có nhiều đồi nơi con đường vừa gồ ghề vừa dốc đứng và con lừa thở hổn hển vì mệt. Vì thế, nó van xin con ngựa chở giúp nó một ít hàng nhưng ngựa từ chối. Cuối cùng, do kiệt sức, Lừa chết bên vệ đường.

Người đàn ông vội chất thêm hàng của con lừa lên lưng con ngựa, con ngựa đã phải chở toàn bộ số hàng, và còn thêm cả bộ da lừa nữa. Con ngựa chỉ còn biết cố gắng lê bước một cách đau đớn, lúc này ngựa mới nhận ra mình đã quá ích kỷ và nhận lấy hậu quả đắng

Bài học rút ra: Truyện muốn khuyên chúng ta hãy  thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Vì có thể giúp bạn khi khó khăn cũng là giúp mình, bỏ mặc bạn chính là làm hại mình.

Truyện ngụ ngôn Đeo chuông cho mèo

Vì mèo mà cuộc sống họ nhà chuột trở nên khó khăn. Ngày nào chuột cũng bị mèo săn bắt.

Con giun xéo lắm cũng quằn. Một hôm, họ nhà chuột tụ họp bàn tính xem làm cách nào để thoát được mèo. Bàn đi tính lại, chuột không nghĩ được giải pháp nào.

Bấy giờ một con chuột nhắt mới lên tiếng:

─ Tôi xin có ý kiến. Sở dĩ chúng ta bị bắt là bởi vì chúng ta không biết khi nào mèo đến cạnh chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy đeo cái chuông này quanh cổ mèo. Như vậy, nghe tiếng chuông kêu, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa.

Lời đề nghị này được mọi người khen hay.

Khi chuông đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp. Con nào con nấy lao xao hớn hở rằng sắp tới ngày thoát được ông Miu ranh mãnh rồi.

Nhưng kịp lúc hội đồng hỏi ai dám đeo chuông cho mèo, thì thấy cả họ nhà chuột im phăng phắc.

Cuối cùng cả họ ép Chuột Chù phải nhận, chú ta sợ lệ làng phải lại gần, thì thấy mèo nhe nanh, giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu chạy khốn chạy khổ về báo cho làng hay

Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái chuông nữa

Thành ra từ đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi.

Bài học rút ra: “ Đeo chuông cho mèo”  là truyện ngụ ngôn hay thể hiện sự lên án, phê phán đối với những kẻ nhát gan sợ chết, nói thì hăng hái mà hành động thì hèn nhát trốn tránh. Ông bà ta còn ngầm có răn đe con cháu khi đưa ra ý kiến ​​nên xem xét tính khả thi của việc thực hiện sáng kiến ​​đó

Truyện ngụ ngôn Con lừa và bác nông dân

Ngày xửa, ngày xưa Rùa và Bọ Cạp kết bạn với nhau. Một lần chúng rủ nhau đi dạo khắp khu rừng. Trên đường đi gặp một con sông lớn cần phải bơi qua. Bọ Cạp buồn rầu nói là nó không biết bơi, Rùa vui vẻ bảo: “Trèo lên lưng tớ đi, tớ sẽ chở cậu sang.”

Bọ Cạp nghe thấy mừng rỡ trèo ngay lên lưng Rùa. Nhưng Rùa vừa mới bơi ra khỏi bờ thì Bọ Cạp chích liên tiếp ngay vào lưng rùa.

Rùa hỏi: “Này anh bạn, cậu làm gì tớ thế?”

Bọ Cạp trả lời: “Mong cậu hiểu cho, tớ cũng chẳng muốn đâu nhưng cái giống nhà Bò Cạp chúng tớ nó thế, chúng tớ phải cắn cả kẻ thù lẫn bạn.”

Rùa nghe thế, liền lặn xuống một hơi, hất Bò Cạp ra giữa dòng nước và rằng: “Anh bạn ơi, tớ thật cũng chẳng muốn đâu, nhưng mà cái giống nhà Rùa chúng tớ nó thế, hễ bị cắn một cái là phải rửa chỗ bị cắn ngay, nếu không thì nó sẽ sưng to lên đấy.”

Bài học rút ra: Câu chuyện là bài học sâu sắc về mối quan hệ giữa bạn bè. Khi chúng ta chơi xấu bạn bè thì rất có thể bạn bè sẽ tìm cách phục thù chúng ta. Thế nên hãy chọn cách sống hòa đồng, yêu thương mọi người xung quanh.

Truyện ngụ ngôn Gió và Mặt Trời

Một hôm, thần Gió và Mặt Trời tranh cãi xem ai là kẻ mạnh nhất. Trong lúc đó có một người đang đi bộ ngang qua,  Mặt Trời bảo:

– Chẳng cần cãi nhau làm gì. Hễ ai làm cho người khách bộ hành kia phải cởi chiếc áo ra sẽ thắng cuộc và là kẻ mạnh nhất!

Khi Gió dương oai  thổi làm cát bụi bốc lên mù mịt, cây cối đổ rạp hết cỡ thì người đó vẫn không buông áo choàng mà còn giữ chặt hơn. Mặt Trời lúc này tỏa ra những tia nắng dịu êm khiến người đi bộ thấy ấm áp và người đó đã cởi áo choàng ra. 

Cuối cùng Mặt Trời đã chiến thắng.

truyện ngụ ngôn hay: Gió và Mặt Trời

Bài học rút ra: Truyện muốn đưa đến người đọc thông điệp rằng lòng tốt chính là thứ cảm hóa nhiều thứ. Cách hay nhất để thay đổi quan điểm là hãy giúp họ nhận ra những điều tốt đẹp và họ sẽ tự thay đổi. Sự dịu dàng, ấm áp và những lời nói tốt đẹp là thứ giúp xoa dịu lòng người.

Truyện ngụ ngôn Chú chó và cái bóng

Trên con đường nọ có một chú chó lững thững đi dạo trên đường. Bỗng nhiên chú nghe mùi thơm xung quanh và phát hiện có một chú chó con kia đang ngậm một khúc xương trong miệng. 

Thế rồi chú chó hung dữ tham lam liền nhe răng gầm gừ, dọa cho chú con hoảng sợ chạy mất và phải bỏ lại khúc xương.

Sau khi chiếm được một bữa ăn ngon, nó lo sợ mình và sẽ lại bị cướp mất miếng mồi ngon như cách mình làm với chú chó con vừa rồi. Nó bèn chạy nhanh đến một nơi thật kín đáo và an toàn 

Trên đường đi, nó đi qua một cây cầu. Nhìn xuống sông, nó bỗng thấy một con chó khác cũng đang ngậm một khúc xương trong miệng và giương mắt nhìn nó. Chú chó ta nghĩ bụng: ”Mình sẽ lại dọa cho nó bỏ chạy rồi lại cướp khúc xương của nó”

Nghĩ xong nó liền ngay tức thì sủa lớn ”gâu gâu gâu” mà quên mất rằng mình đang ngậm khúc xương. Thế là khúc xương trong miệng nó rơi tõm xuống sông. Chú chó tham lam tiếc nuối nhìn theo rồi đành lủi thủi ôm bụng đói về nhà.

Bài học rút ra: Câu chuyện mượn hình tượng chú chó để phê phán những kẻ tham lam, thiếu hiểu biết, hành động thiếu suy nghĩ rồi cuối cùng nhận lấy thất bại.

Chúng ta luôn muốn nhiều hơn những thứ đang có, điều này là không xấu nhưng  đôi khi chúng ta phải cẩn thận với những lựa chọn của mình.

Khi muốn những thứ to lớn và tốt đẹp hơn thì phải dựa trên động cơ trong sáng và từ thực lực chứ không phải cướp đoạt của người khác.

Truyện điền văn là một thể loại văn học phổ biến trong văn hóa dân gian, thường mang tính chất miêu tả và tái hiện cuộc sống nông thôn, cuộc sống của người dân làng quê. Truyện điền văn thường dựa trên các tình tiết, sự kiện, và nhân vật có thật trong cuộc sống hàng ngày của người dân nông thôn. Nó thường truyền đạt những giá trị văn hóa, đạo đức và những bài học về cuộc sống.

Truyện điền văn với mục đích truyền đạt những giá trị văn hóa, đạo đức và những bài học về cuộc sống là một thể loại truyện ngắn được nhiều độc giá yêu thích. Ghé Vlog Novel để tìm hiểu thêm top truyện điền văn hay nhé.

Truyện ngụ ngôn Con lừa và bác nông dân

Một ngày kia, con lừa của bác nông dân không may sảy chân ngã xuống cái giếng bỏ hoang. Con vật kêu lên thảm thiết nhiều giờ,  người chủ của nó sau một lúc lâu suy nghĩ xem nên làm gì để cứu con lừa lên đã quyết định rằng, vì con lừa cũng già rồi và cái giếng thì đằng nào cũng phải lấp, nên ông ta quyết định lấp đất che cái giếng.

Ông mời hàng xóm đến giúp ông một tay. Mỗi ngưởi cầm một cái xẻng xúc đất đổ vào giếng. Những xẻng đất đầu tiên rơi vào đầu, nó hoàn toàn tuyệt vọng, nhìn lên với đôi mắt đầy ai óan. Chỉ đến khi đất ngập đến gần hết chân, nó mới bừng tỉnh, và cố gắng xoay sở để trồi lên. Cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng, con lừa lại lắc mình cho đất rôi xuống chân và bước lên lớp đất ấy. Cứ thế, từng xẻng đất, rồi từng lớp đất. Và chẳng bao lâu, chú lừa đã có thể bước lên miệng giếng, mệt nhọc chạy ra ngoài trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người.

Bài học rút ra: Trong cuộc sống, chúng ta có những lúc sẽ rơi vào những nghịch cảnh vô cùng khắc nghiệt, điều quan trọng không nên ngồi và than vãn, mà phải biết lợi dụng khó khăn để biến nó thành cơ hội, cố gắng hết sức vươn lên và không được bỏ cuộc cho dù hoàn cảnh có ra sao.

Kết luận

Trên đây là top 15 truyện ngụ ngôn hay, đơn giản, ý nghĩa sâu sắc mà Vlog Novel muốn đem đến cho bạn, hy vọng bạn sẽ tìm được cho mình một lựa chọn phù hợp và hữu ích.

Bài đọc nhiều nhất

Lên đầu trang