Phải nói là điều kiện vật chất ở doanh trại Viên Thuật tốt hơn rừng hoang sương núi rất nhiều. Không riêng gì Phỉ Tiềm cùng Y Tịch, ngay cả thân binh như Hoàng Trung và Hoàng Thành cũng được cấp cho một phòng để ở.

Tất nhiên Phỉ Tiềm và Y Tịch mỗi người một phòng riêng, còn Hoàng Trung cùng Hoàng Thành phải ở chung một căn phòng. Có vẻ như Hoàng Trung chẳng hề để ý đến chuyện này, ăn chút hoa quả bánh mứt rồi quay về phòng nghỉ ngơi. Hắn sờ vào bản ghi chép bệnh lý trong ngực áo, gương mặt đăm chiêu vô cùng, hiển nhiên là vì lo lắng cho bệnh tình của con trai.

Hoàng Thành cũng trở nên trầm lặng, dưới bề ngoài chất phác là một tâm hồn vô cùng nhạy cảm tinh tế. Hắn biết mỗi người đều có việc riêng trong nhà, mấy câu an ủi vô dụng chẳng nói thì hơn. Từ đầu hắn có nghe qua bệnh tình của con trai Hoàng Trung. Đối với người có gia cảnh khốn khó, Hoàng Thành rất đồng cảm. Nhưng không vì thế mà hắn chạy đi an ủi hoặc ra vẻ thương người, làm thế có khi để người nghe chán ghét thêm.

Đặc biệt những người giỏi võ như Hoàng Trung sẽ có lòng tự trọng rất cao. Hoàng Thành cảm thấy mình để cho Hoàng Trung một không gian yên tĩnh, đó mới là giúp ích và an ủi thật sự.

Trong lần đi sứ này, gia chủ Hoàng Thừa Ngạn đã gặp riêng Hoàng Thành và dặn dò hắn thật kĩ, đối với việc này, Hoàng Thành cũng có chút chờ mong. Nếu Hoàng Thừa Ngạn kế thừa kỹ thuật luyện kim của nhà họ Mặc và Hàn Phi Tử, vậy thì Hoàng Trung cùng Hoàng Thành chính là người kế thừa võ học nhà họ Mặc.

Ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, nhà họ Mặc trở thành tổ chức dân sự có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả vương quyền, chắc chắn không thể thiếu người tài trên phương diện quân sự. Những truyền thừa khác một phần gặp phải sự chèn ép từ triều đình, một phần bị các học thuyết khác nổi lên cạnh tranh. Lâu dần không còn người ghi danh xin học, học thuyết Mặc Tử biến thành học phái ẩn danh, nhà họ Mặc cũng chính thức từ bỏ hào quang nơi sân khấu chính trị.

Trải qua nhiều thế hệ, rất nhiều thứ bị thất truyền, hoặc bị các học phái khác hấp thụ. Vì thế Hoàng Trung cùng Hoàng Thành đều là người nhà họ Hoàng nhưng cách luyện tập võ nghệ lại khác nhau nhiều lắm.

Lại nói về thời kì Bách gia chư tử thời Tiền Tần, bốn học phái ảnh hưởng lớn nhất chính là Nho, Mặc, Đạo, Pháp. Đến khi nhà Hán nắm được chính quyền, Nho gia độc tôn, thế lớn vô cùng. Đạo gia bắt đầu chuyển mình biến thành thần tiên thoát tục, dần tránh xa trần thế. Pháp gia cũng bị suy yếu trầm trọng, hầu như người theo pháp luật đều phủ thêm một lớp áo Nho gia bên ngoài để tránh lời ra tiếng vào.

Chỉ riêng Mặc gia, sau thời kỳ huy hoàng tột đỉnh, lại đột nhiên biến mất khỏi dòng chảy lịch sử, cho dù là học thuyết, tổ chức hay nhật ký thành viên… đều mất tích một cách bí ẩn.

Học thuyết Mặc Tử có tốt không? Thật ra chúng ta rất khó phán xét thuyết kiêm ái. Mạnh Tử từng phê phán rất nghiêm khắc rằng: Nay thuyết của Dương Chu cùng Mặc Địch lan tràn thiên hạ... Họ Dương chủ trương vị kỷ, ấy là không có chúa; họ Mặc chủ trương kiêm ái, đó là không có cha; kẻ không chúa không cha, là loài cầm thú vậy. Tuân Tử cũng có lời phê phán tương tự, cho rằng thuyết của Mặc Tử làm đảo lộn luân thường, mà thoáng nghe như là có lý, rất dễ mê hoặc người đời. Tuy nhiên họ vẫn than thở rằng: có người như Mặc Tử mới tốt cho thiên hạ.

Thực tế Mặc Tử rất tốt, nhưng học thuyết của ông ta quá mức lý tưởng hóa. Đó cũng là lý do nhà họ Mặc bị xóa sổ. Thuyết kiêm ái của Mặc Tử đề cao giá trị bác ái, bình đẳng, theo ông, nếu con người yêu thương nhau như yêu thương chính bản thân họ thì không còn loạn lạc, đau khổ, tai ương. Kiêm ái khiến mọi người quan tâm và lắng nghe lẫn nhau. Với Mặc Tử, ông tin vào Đấng Thượng Đế yêu thương, vì ông thấy Trời công bằng, soi chiếu, chứa đựng và nuôi dưỡng. Nghe sơ qua, học thuyết này tương tự giáo lý của đạo thiên chúa.

Và đó chính là vấn đề mà các hoàng đế sợ nhất! Không một quốc gia nào thích thú việc bên trong dân gian đột nhiên xuất hiện một tổ chức đầy kỷ luật và có tầm ảnh hưởng cực lớn. Kể cả nhà họ Mặc chỉ có một bầu nhiệt huyết, muốn mang lại tình yêu thương cho loài người, và không hề có dã tâm, nhưng xin lỗi đời không như là mơ. Hoàng đế có thể chấp nhận gian thần, có thể chấp nhận nịnh thần, có thể chấp nhận đám ăn nhờ ở đậu hoặc phá làng phá xóm. Nhưng thứ duy nhất ông ta không thể chấp nhận được chính là một thánh nhân có khả năng can thiệp vào chính trị.

Năm đó Hán Cao Tổ Lưu Bang vừa ngồi vững ngai vàng, mưu sĩ của Thừa Tướng Tiêu Hà cực lực khuyên rằng Tiêu Hà phải tìm cách đầu tư nhiều ruộng đất, lại âm thầm tỏ vẻ tham tiền một chút, như vậy mới sống thọ được. Tiêu Hà nghe theo lời mưu sĩ, khước từ phong thưởng, đồng thời hiến hết tải sản cá nhân trong nhà, tất cả đều đem cho quân sử dụng, sau lại tự làm ô uế thanh danh, cưỡng ép mua rẻ ruộng bách tính.

Đến khi Lưu Bang tiêu phản quân của Anh Bố, trở lại Trường An thấy dân chúng kêu oan, tố cáo Tướng quốc cưỡng ép người nghèo. Kết quả thì sao? Lưu Bang chỉ triệu Tiêu Hà tới, ném toàn bộ thư tố cáo cho hắn rồi bảo hắn tự giải quyết chứ chẳng hề xử tội gì cả.

Tiêu Hà biết Lưu Bang thấy uy vọng của hắn đã mất, trong lòng sẽ vô cùng vui vẻ. Bản thân Tiêu Hà cũng thở phào nhẹ nhõm. Tuy vậy Tiêu Hà vẫn chưa từ bỏ lòng nhân nghĩa, tiếp tục khuyên Lưu Bang lấy đất hoang ở vườn Thượng Uyển chia cho một số dân chúng làm ruộng. Chuyện gì đến cũng đến, Lưu Bang nảy sinh nghi ngờ, cho rằng Tiêu Hà định dùng đất để giành lấy lòng dân, tức giận bắt giam ông.

Cuối cùng nhờ các đồng đội chiến đấu nhiều năm cầu xin can gián, nói Tiêu Hà nhiều năm trấn thủ Quan Trung, danh vọng lớn, nếu thật sự muốn làm phản thì đã phản lâu rồi. Vì vậy Tiêu Hà được phóng thích.

Lúc Tiêu Hà đến tạ tội với Lưu Bang, vị lưu manh thiên tử có nói một câu:

“Thôi bỏ đi, Tướng quốc hãy về nghỉ ngơi. Ngươi thỉnh cầu vì thiên hạ mà trẫm không cho phép, thì trẫm chẳng khác nào vua Kiệt đời Hạ, vua Trụ đời Thương. Trẫm là vua ác, còn khanh là Tể tướng hiền. Việc trẫm bắt khanh đã chỉ ra rằng trẫm đã phạm sai lầm.”

Qua điển cố này đủ thấy góc nhìn của hoàng đế về các vị thánh nhân ra sao. Thời điểm nhà họ Mặc hào quang vô hạn là lúc Xuân Thu Chiến Quốc bước vào thời kỳ Bách Gia chư tử. Khi đó Trung Quốc vẫn chưa thống nhất, kẻ thù lớn nhất của các nước chính là nước khác, ít khi nào dành thời gian để ý đến dân chúng.

Nhưng một khi chính quyền đã lập, điều đâu tiên họ làm là triệt tiêu thần quyền. Loại tổ chức như nhà họ Mặc rất nguy hiểm cho chế độ, thậm chí những hiệp khách sau này dùng tư tưởng trừ bạo an dân cũng bị triều đình từ chối chứa chấp.

Vào lúc Hán Sở tranh hùng, cự tử - cũng tức là người lãnh đạo Mặc gia tên Điền Hoành đã cùng Lưu Bang, Hạng Vũ khởi nghĩa phản Tần. Kết quả Lưu Bang trở thành khai quốc hoàng đế nhà Hán, còn Điền Hoành cùng năm trăm chiến binh bị lưu đày ngoài đảo xa.

Có tin đồn Hán Cao Tổ nghe nói Điền Hoành rất được lòng người, lo lắng kẻ này trở thành mối họa, bèn hạ chiếu rằng nếu Điền Hoành chịu đầu hàng, hắn sẽ được phong vương phong hầu. Nếu như không đến, liền phái binh đem người trên đảo giết sạch.

Vì mạng sống các anh em chiến sĩ, Điền Hoành đành dắt theo hai tùy tùng rời khỏi đảo đi gặp Hán Cao Tổ. Khi còn cách Lạc Dương gần 15km, Điền Hoành nói với hai tùy tùng rằng:

“Ta với Hán vương ngày trước đều cùng nhau khởi nghĩa, nay Hán vương đã là thiên tử, còn ta trở thành kẻ vong quốc, sẽ cực kỳ nhục nhã nếu làm bầy tôi phụng sự cho Hán Vương. Huống hồ ta lại từng giết chết Lịch Tự Cơ mà bây giờ lại cùng em trai Tự Cơ theo hầu Hán vương. Dù Lịch Thương có sợ oai vua mà không nhắc đến, lòng ta lại không áy náy sao? Vả lại hoàng đế bảo ta về kinh cũng chỉ muốn nhìn mặt tôi. Ở đây chỉ cách Lạc Dương 15km, sau khi ta chết, hai vị nhanh chóng mang thủ cấp của tôi về Lạc Dương, mặt mũi ta chắc còn chưa thay đổi.”

Nói xong bèn tự sát. Hai tùy tùng của Điền Hoành bưng đầu hắn cùng với sứ giả nhà Hán phóng gấp vào thành tâu lại với Lưu Bang. Lưu Bang buồn bã thở dài, dùng nghi lễ vương hầu an táng và phong cho hai người kia làm Đô Úy. Sau khi chôn cất Điền Hoành xong, hai tùy tùng đào sẵn hai cái hố bên cạnh mộ Điền Hoành rồi tự sát luôn ở hai hố đó. Lưu Bang nghe tin hai môn khách từ chối làm quan mà chết theo Điền Hoành càng kinh ngạc hơn, khâm phục Điền Hoành có những thủ hạ hiền năng. Sau đó lại cho triệu năm trăm chiến binh ngoài đảo về Lạc Dương.

Năm trăm chiến binh của Điền Hoành nghe tin đều đi gấp về Lạc Dương. Thấy Điền Hoành và hai tùy tùng đã chết, các chiến binh hỏi rõ chỗ mộ phần của hắn, rồi cùng đến trước mộ, vái tạ ba vái và nhất loạt tự vẫn chết theo. Từ đó những người bước ra xã hội của nhà họ Mặc đều chết hết, học phái lại chưa lập ra cự tử mới nên từ từ thất truyền.

Tuy nhiên học vấn của nhà họ Mặc vẫn còn một vài nơi giữ lại được, dù bọn họ không mang họ Mặc.

Hoàng Thành liếc nhìn Hoàng Trung đang ngồi trong góc, thầm nghĩ may mà nhà mình còn hai người em, chứ giống như Hoàng Trung chỉ có một đứa con trai duy nhất mà có nguy cơ chết yểu, truyền thừa sẽ bị đứt đoạn.

Lần này đi theo Phỉ Tiềm, Hoàng Thừa Ngạn đã nói rất rõ ràng, trong lợi ích luôn có những rủi ro đi kèm, nhưng Hoàng Thành cảm thấy không liều thì sao mà ăn nhiều được. Người học võ hay học văn cũng chủ yếu là để lập được công danh mà thôi. Bất chợt hắn nghe động tĩnh, vội vàng bước ra phía sau cửa một cách lặng lẽ, cẩn thận hé cửa ra.

Hắn nhìn thấy Y Tịch thò đầu ra khỏi phòng, lấm la lấm lét nhìn quanh rồi khoác tạm một chiếc áo ngoài sau đó rón rén bước đi trong đêm…

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương