Trước đó Viên Thuật dự định tiếp đón Y Tịch cùng Phỉ Tiềm theo quy chuẩn triều đình.

Ở thời Hán, tiệc tùng là thú vui lớn nhất của những quý tộc thế gia, dựa theo cấp bậc khác nhau sẽ có những loại yến tiệc khác nhau. Trong đó có một buổi tiệc dành riêng cho sứ giả, kèm theo rất nhiều quy củ.

Lấy ví dụ, món ăn trong buổi tiệc được mang lên nhiều hay ít cũng là một hình thức phân chia cấp bậc để tiếp đãi. [Lễ Ký] có ghi chép, thiên tử được phục vụ hai mươi sáu món, công khanh mười sáu món, nhóm quan thuộc thượng đại phu được tám món còn hạ đại phu sẽ được sáu món. Người cổ đại thời Hán sẽ dùng “đậu”, tất nhiên không phải hạt đậu mà là một loại chén dĩa để đựng đồ ăn.

Nói cách khác người tổ chức tiệc phải dựa theo quy củ để dâng lên số lượng món ăn, nếu như cố tình làm sai, sẽ rất dễ bị người khác chụp mũ tội vượt quyền, thiếu lễ nghi, hoặc sỉ nhục người dự tiệc.

Buổi yến tiệc chiêu đãi Phỉ Tiềm cùng Y Tịch được Viên Thuật dựa theo tiêu chuẩn dành cho sứ giả, khách tham dự sẽ được phân phối trên bàn ăn một bát cơm, một bát canh, một đĩa trứng nấu giá hẹ, một đĩa thịt thái nhỏ, một đĩa dưa chua và một đĩa hoa quả.

Những món ăn này đều rất bình thường, nhưng sau khi Dương Hoằng được Viên Thuật ra ám hiệu, buổi tiệc đột nhiên có thêm một món nữa là “dê nấu đỉnh”. Nghe tên rất ghê đúng không, nhưng thật ra chỉ có một chiếc đỉnh bằng đồng, đầu bếp bỏ thịt dê và nước lã vào rồi nấu lên mà thôi.

Ừ thì người cổ đại hay dùng đỉnh nấu ăn, nhưng cái đỉnh này lại khiến Phỉ Tiềm phải đăm chiêu rất nhiều. Đồng thường được dùng để đúc tiền và vũ khí, như vậy một chiếc đỉnh bằng đồng to như vậy chỉ để nấu đồ ăn, cũng tương tự như thời hiện đại có tên giàu xổi cầm chén nạm vàng nạm ngọc để ăn cơm với thịt kho tiêu vậy. Hương vị đồ ăn vẫn thế, nhưng sẽ mang lại cảm giác xa hoa.

Yến tiệc mang quy chuẩn cao như thế tất nhiên sẽ làm hài lòng thực khách, nhưng lúc tàn cuộc lại làm Y Tịch – một người đang mang nhiệm vụ bí mật cảm thấy lo lắng.

Y Tịch biết rõ Viên Thuật cố tình nâng tiêu chuẩn đãi tiệc không phải vì mình mà là vì Phỉ Tiềm. Mặc dù lúc chè chén với nhau, Viên Thuật chỉ toàn nói những chuyện vụn vặt vui đùa, tuy nhiên thái độ của Viên Thuật làm Y Tịch cảm nhận được hàm ý muốn chào mời nhân tài.

Làm thuộc hạ thân tín cho Lưu Biểu suốt mấy năm nay, Y Tịch hiểu tính cách Lưu Biểu như lòng bàn tay. Ban đầu Phỉ Tiềm quyết tâm xin từ chức biệt giá, Y Tịch cũng chẳng có suy nghĩ gì đặc biệt. Hiện giờ đến chỗ Viên Thuật, Y Tịch bỗng nhiên cảm thấy Lưu Biểu đang tính toán sai lầm.

Có lẽ đặt bản thân vào lập trường của Lưu Biểu, Y Tịch sẽ thông cảm được. Vốn dĩ Lưu Biểu cho Phỉ Tiềm làm biệt giá là để thu hút nhân tài khắp nơi về Kinh Châu, nhưng không nghĩ tới kẻ chỉ mang tính biểu tượng lại càng ngày càng trở nên nổi tiếng, dẫn đến Lưu Biểu bắt đầu cảm thấy mình không thể khống chế nổi nữa. Đó là lý do vì sao Phỉ Tiềm vừa đề nghị từ quan, Lưu Biểu lại đồng ý nhanh như vậy.

Nhưng như thế có phải là lựa chọn tốt hay không? Nhìn Viên Thuật đi, một gã suốt ngày đầu hất lên trời lại làm đủ trò để lấy thiện cảm từ Phỉ Tiềm, rõ ràng hắn cũng nhận ra được tài năng của chàng thanh niên này.

Chiến lược thống trị Kinh Châu đang dần đến lúc gay cấn. Y Tịch cũng đồng ý rằng Lưu Biểu nên bắt đầu tấn công phía nam Kinh Châu, ổn định hậu phương rồi lại tìm thêm hướng đi mới để nâng cao thế lực. Nhưng Nam Quận trước mắt đã ổn chưa? Một mình nhà họ Khoái có đấu lại ba gia tộc lâu đời nhất Kinh Châu gồm họ Thái, họ Bàng, họ Hoàng chăng?

Y Tịch do dự, thầm vuốt nhẹ lá thư trong ngực áo của mình. Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay hắn chưa từng đọc một chữ nào trong thư, nhưng hắn cũng không phải gà mờ, đã đoán ra nội dung từ lâu. Để cầu hòa Viên Thuật, tối thiểu Lưu Biểu phải rút hết quân đội ở Uyển Thành, thậm chí khi cần thiết cũng có thể cắt Uyển Thành tặng cho Viên Thuật. Thứ hai, Lưu Biểu chính thức thừa nhận sự thống trị của Viên Thuật ở Nam Dương. Chỉ có làm vậy, Viên Thuật mới không coi phe Lưu Biểu là một mối họa.

Thử nghĩ xem gia tộc Viên Thuật giàu có như vậy, Lưu Biểu tặng bảo vật hay thuế ruộng, liệu Viên Thuật có thèm để mắt tới không? Thứ Viên Thuật cần nhất lúc này chính là quân đội và lãnh địa.

Như vậy Lưu Biểu cần làm hai việc để thừa nhận Viên Thuật là chủ dải đất Nam Dương. Đầu tiên hắn phải dâng tấu chương xin triều đình phong cho Viên Thuật chức thái thú Nam Dương, sau đó tỏ vẻ Viên Thuật có thể cầm thuế ruộng Nam Dương trong tay, muốn làm gì thì làm.

Tuy nhiên một khi Lưu Biểu làm vậy, lãnh địa của Viên Thuật sẽ bao trùm hết toàn bộ Uyển thành và cả vùng lân cận Tân Dã. Đến khi đó nhà họ Hoàng ở Miện Nam sẽ rơi vào cảnh khó xử. Phủ ẩn cư của họ Hoàng đặt ở phía nam sông Miến Thủy, cũng trùng hợp nằm tại phía nam Uyển Thành và phía bắc Tương Dương. Nếu Viên Thuật chiếm được Uyển Thành, như vậy Miện Nam sẽ trở thành vùng đệm cho hai thế lực Lưu Biểu và Viên Thuật.

Kể từ đó nhà họ Hoàng đang nằm ở vùng an toàn, đột nhiên bị đẩy lên khu vực giao chiến, chắc chắn gia tộc này sẽ phản đối kịch liệt, bởi vậy Lưu Biểu mới cố tình giấu diếm Phỉ Tiềm, đồng thời ném củ khoai nóng vào tay Y Tịch.

Về phần thư gửi riêng cho Viên Thiệu, Y Tịch cũng chưa đọc và cũng chẳng đoán nổi, có điều Lưu Biểu chắc chắn sẽ sắp xếp một kế hoạch nào đó.

Hừm, hai bức thư này rất có khả năng được chính anh em nhà họ Khoái đứng sau tư vấn. Ài, gia tộc này giỏi thì giỏi thật, nhưng lại quá tham vọng. Lần trước lật thuyền trong mương làm bọn họ mất hết mặt mũi, nên chắc cũng định mượn cơ hội này va chạm với nhà họ Hoàng để chứng minh gia tộc họ không phải ăn chay…

Y Tịch rầu rĩ thở dài, ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tương Dương màu mỡ, chính nhà họ Khoái là người đầu tiên giang tay chào đón Lưu Biểu, cũng bỏ ra nhiều công sức tiền của nhất để ủng hộ Lưu Biểu. Nhưng mà có thật sự phải làm tới mức này hay không? Cuộc sống mà, đôi khi có xích mích với nhau, chẳng lẽ nhà họ Khoái không ngồi xuống thương lượng với họ Bàng và họ Hoàng được à?

Hắn lo lắng vô cùng, một khi hắn đem bức thư này giao cho Viên Thuật, kể cả có đạt được công lao trong chiến dịch bình định Nam Kinh Châu đi chăng nữa, cái giá phải trả cũng quá lớn. Bản thân hắn sẽ bị thế gia Kinh Châu nhớ tên, mà Lưu Biểu cũng làm cho toàn bộ quần thể thế gia ở Kinh Châu bất mãn.

Thật ra Y Tịch cũng có thể đoán được Lưu Biểu nghĩ như thế nào, dù sao Lưu Biểu xuất thân từ dòng dõi Lỗ Cung Vương, lại là một người trong thế hệ tài năng nhất của hoàng gia ở thời Hán Mạt. Trong quan niệm của Lưu Biểu, bình dân hay sĩ tộc đều là con dân của đế quốc, đều là con cờ trên bàn cờ do nhà họ Lưu sắp đặt. Hôm nay hắn có thể lợi dụng nhà họ Khoái cản bước sĩ tộc khác, ngày mai cũng có thể ném nhà họ Khoái xuống bùn để làm dịu lửa giận của mọi người.

Tuy nhiên sự việc có thuận lợi như Lưu Biểu tưởng tượng hay không? Mặt trời còn có lúc lên lúc xuống, huống chi thiên hạ bây giờ không còn là thiên hạ thời Hán Vũ Đế hay Hán Quang Vũ Đế nữa rồi. Vậy thì bức thư này có nên lấy ra hay không đây?

Thân là thuộc hạ thân cận của Lưu Biểu, đi theo từ thuở khổ cực cho đến lúc thành công, trong lòng Y Tịch luôn mong mỏi Lưu Biểu làm nên việc lớn. Như vậy nỗ lực của hắn mới có giá trị. Y Tịch thật lòng thay Lưu Biểu cân nhắc, cấp trên đã ra quyết định, phận làm chân chạy cứ làm theo là được, nghĩ nhiều như vậy làm gì.

Sau một hồi đi tới đi lui trong phòng khách, Y Tịch do dự rất lâu, cuối cùng vẫn quyết định hành động theo kế hoạch của Lưu Biểu. Về phía Phỉ Tiềm và nhà họ Hoàng, đợi đi sứ xong hắn sẽ dành thời gian để ngồi lại bàn bạc thật kỹ với Lưu Biểu một phen.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương