Các Loại Việt Phục
-
14: Xưng Hô Của Hoàng Đế: Thời Trần
XƯNG HÔ CỦA HOÀNG ĐẾ: THỜI TRẦN
– – 0 – –
Tiếp nối bài viết về xưng hô của hoàng đế các triều Đinh – Tiền Lê và Lý, lần này, Đại Việt Phong Hoa xin giới thiệu tới các bạn một số cách xưng hô của vua Trần được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.
1. “Bệ hạ”:
Có thể nói, “Bệ hạ” (陛下) chính là danh xưng phổ biến nhất, được sử dụng bởi nhiều triều đại quân chủ Á Đông. Tiếp nối những lễ chế của tiền triều, nhà Trần tiếp tục áp dụng danh xưng này trong các cuộc nói chuyện giữa quốc chủ và bề tôi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất, Thái sư Trần Thủ Độ đã có câu nói nổi tiếng sau:
“Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” (Nguyên văn: 帝即移舟問太師陳守度對曰臣首未至地陛下無煩他慮)
“Bệ hạ” còn được quần thần dùng để xưng hô với Thượng hoàng, ví dụ như Trần Nguyên Đán đã gọi Thượng hoàng Nghệ Tông là “Bệ hạ”(Nguyên văn: 願陛下敬明國如父愛占城如子則國家無事臣雖死且不朽 )
2. “Quan gia” – “Quốc gia”:
Danh xưng “Quan gia” khởi phát thời Đông Hán, sang triều Ngụy-Tấn bắt đầu được sử dụng, mà một trong số những sử liệu sớm nhất ghi nhận danh xưng này chính là “Ngụy thư” của tác giả Ngụy Thâu (xem Ngụy thư- Quyển 21 thượng: Hiến Văn lục vương thượng- Bắc Hải Vương), tuy nhiên, phải tới thời Bắc Tống thì “Quan gia” mới thường xuyên được sử dụng khi bề tôi xưng hô với quân chủ.
Bộ “Tương sơn dã lục” (湘山野錄) có diễn giải hai chữ “Quan gia” như sau: “Tam hoàng lấy thiên hạ làm của công, Ngũ đế lấy thiên hạ làm nhà, (vua) hội đủ đức của Tam hoàng Ngũ đế thì gọi là Quan gia” (三皇官天下,五帝家天下,兼三五之德,故曰官家。) Đây phần nào cũng chính là câu trả lời của Uy Văn Vương để đáp lại Trần Thánh Tông khi ông được hỏi về ý nghĩa của danh xưng này.
Cách gọi “Quan gia” được sử dụng cho đến những đời vua cuối cùng của nhà Trần, ví dụ như “[…] Biên soạn thành 8 quyển, đầu đề là Bảo Hòa dư bút, sai Đào Sư Tích đề tựa ở đầu sách đề dạy bảo Quan gia” (Nguyên Văn: 葆和餘筆令陶師錫序其端以教訓官家); mà “Quan gia” ở đây là Trần Phế Đế.
Ngoài danh xưng “Quan gia”, Toàn thư ghi lại sự kiện Thái Tông xuống chiếu gọi mình là “quốc gia” (國家):
“Canh Tuất, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 19 [1250], (Tống Thuần Hựu) năm thứ 10) […] Xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là “quốc gia” (Nguyên văn: 庚戌十九年宋淳祐十年春三月地震, 詔天下稱帝為國家[…])
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nghi vấn xung quanh danh xưng này, ví dụ như Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng “quốc gia” là chép nhầm từ “Quan gia”.
3. “Thánh thượng” – “Chúa thượng”
Ngoài những cách xưng hô chúng tôi đã đề cập ở trên, Toàn thư cũng đã ghi nhận cách gọi “thánh thượng” (聖上) và “chúa thượng” (主上) để chỉ vua thông qua lời của Phạm Ngũ Lão:
“Thánh thượng vừa quở trách ân chúa và đuổi ra ngoài […]” (Nguyên văn: 聖上方責恩主而擯之于外)
Viên quan Huệ Khả khi đối đáp với Minh Tông, đã gọi vua là “chúa thượng”:
“Chúa thượng có cái khéo của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi” (Nguyên văn: 主上斯為之善臣下亦為臣下)
Tranh minh họa: Thoái Mạc, Uyên Ương và Vũ Trụ Lan Quyên
Raw: Đại Việt Phong Hoa 大越豐華
211298251_342289280673788_3143053258392836614_n
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook