Các Loại Việt Phục
-
13: Tóc Nữ Thời Lý - Trần
TÓC NỮ THỜI LÝ – TRẦN
– – 0 – –
Phụ trách nghiên cứu tạo hình: nhóm Đại Việt Phong Hoa
Tranh vẽ bởi: Nùng Thị
Thiết kế trang sức: Quan Gia
Cảm ơn 500 anh em đã giúp đỡ trong quá trình thực hiện bộ tóc này.
CÁC KIỂU TÓC HAI BÊN
Đây là 3 kiểu tóc với đặc điểm chung là được cố định hai bên. Chúng tôi xin gọi tắt như sau:
– Kiểu 1 (bên trái) được vẽ dựa trên hiện vật tượng đầu bùa bằng gốm men vàng Lý-Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội);
– Kiểu 2 (ở giữa) tham khảo từ hiện vật đầu tượng thời Lý-Trần, lấy từ nguồn của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO);
– Kiểu 3 (bên phải) được vẽ theo hiện vật đầu tượng Lý-Trần, tìm được tại quận Ba Đình, Hà Nội, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
1. Tóc và trang sức:
Cả 3 kiểu đều có kết cấu là chải ngôi giữa, chia đều tóc rồi cố định sang 2 bên. Cụ thể, ba kiểu tóc trên khác nhau như sau:
– Kiểu 1: Búi hai bên. Nhìn theo tranh vẽ, có thể nhận thấy một dải nối giữa hai búi tóc. Chúng tôi phỏng đoán đây là dải dây vải buộc tóc, có tác dụng cố định tóc hoặc để trang trí. Quan sát nhiều hiện vật còn lại từ thời Lý – Trần, chúng tôi cho rằng lối trang sức tạo thành dải phía trước mái này rất phổ biến trên các tạo hình đầu tượng của thời kỳ này.
– Kiểu 2: Buộc tóc hai bên sau đó gập tóc sao cho dải tóc che kín tai, cố định ngọn của dải tóc sao cho đè lên phần dây buộc. Cuối cùng, kẹp phần thấp nhất của dải tóc bằng cặp vàng. Hoặc kiểu tóc này cũng có thể là búi thành dải dài phía trước, gài trang sức hình hoa – tạm gọi “kim hoa điền” (金花鈿) – vào phần thấp nhất. Chúng tôi lựa chọn chất liệu vàng cho trang sức này bởi tính chất dễ tạo tác và độ phổ biến ở Đại Việt của kim loại này.
– Kiểu 3: Tết tóc hai bên, gập làm đôi. Hình thức dải hoa trước phần tóc mái lại xuất hiện ở bức tượng này. Ở đây, chúng tôi lựa chọn chất liệu của hoa này là hoa lụa, lý do xin được nêu ở phần tiếp theo.
2. Giả thuyết về tầng lớp sử dụng kiểu tóc này:
Chúng tôi cho rằng đây là các kiểu tóc của nữ thị (hầu gái) trẻ tuổi hoặc trẻ em gái vì 3 lý do sau:
– Thứ nhất, hình dáng mặt của các bức tượng ngắn và tròn hơn so với các bức tượng cùng kiểu, cùng thời, đào được cùng thời điểm. Khuôn mặt này rất có thể đang diễn tả một người con gái ít tuổi hơn so với các bức còn lại.
– Thứ hai, chúng tôi tương đối đồng ý với quan điểm của tác giả San Nguyễn trong bài nghiên cứu khoa học “Trang phục và trang sức Lý-Trần qua tư liệu khảo cổ học” về kiểu tóc 1: “đề tài mạnh dạn nghi ngờ rằng đây là kiểu tóc của tầng lớp nô tỳ. Qua khảo sát hệ thống tượng ở miền Bắc, chúng tôi nhận thấy chỉ có các tượng Phỗng mới được tạo hình với hai búi tóc xoắn hai bên như một sự “hình thành bản sắc” mà người chiến thắng gán cho kẻ thua cuộc với mục đích hạ thấp đối thủ. Kiểu tóc này có thể kết hợp với tóc mái rủ trước trán.” (link nghiên cứu cuối bài)
Tuy nhiên, có thể bổ sung thêm rằng kiểu tóc này không chỉ dành cho tầng lớp nô tì mà có khả năng áp dụng cho những người có vai vế thấp của xã hội, ví dụ như trẻ em. Chính vì vậy, chúng tôi sử dụng màu đỏ cho dải dây buộc, dựa trên một số tranh vẽ tầng lớp nô tì, trẻ em thời Đường và Tống, Trung Quốc.
– Thứ ba, đối chiếu sang tư liệu hình ảnh thời Tống, nữ quan nhà Tống đội mũ hoa (花冠 – hoa quan) cài “hoa lụa năm màu” (五色帛花 – ngũ sắc bạch hoa) trong các dịp quan trọng. Chúng tôi lựa chọn chất liệu lụa cho dây hoa ở kiểu tóc 3 bởi tính chất và màu sắc phù hợp với tạo hình. Đồng thời cũng phỏng đoán, tượng cài hoa có thể mô tả nữ quan hoặc nữ thị trong dịp lễ tết.
Tài liệu tham khảo: Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2017). Báo cáo nghiên cứu khoa học sinh viên “Trang phục và trang sức Lý-Trần qua tư liệu khảo cổ học”. Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN:
https://drive.google.com/file/d/0B00D-2GLb4R8aXY1WlpPVlFCT00/view?fbclid=IwAR3NiLs6_Q670uXaw5Bn2gAwCmVd8tMwv4hxDpC7GdMDknr0T1KLM7qKbr4&resourcekey=0-meikSPpWf99cjSVIMAVBCg
131912730_222956119273772_3260368223067662623_n
TÓC HÌNH CON ỐC
Kiểu tóc hình ốc được vẽ phỏng lại theo hiện vật đầu tượng Lý-Trần, tìm được tại quận Ba Đình, Hà Nội, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Kiểu tóc có tạo hình là một búi lớn hai vòng trên đỉnh đầu, với chóp nhọn như hình con ốc. Trước phần tóc mai có buộc một chuỗi hạt, kết thúc bằng dải dây thắt ngay sau tai, ở đây chúng tôi tái hiện bằng chất liệu ngọc trai trắng. Đến đây, ta có thể kết luận lối trang sức bằng dải trước phần tóc mái và dải dây thắt hai bên tai rất phổ biến trên các đầu tượng được tạo tác trong thời kỳ Lý – Trần. Không loại trừ khả năng lối trang sức này cũng được sử dụng trong thực tế.
Về dáng tóc hình con ốc này, tuy phần phía sau của bức tượng có hư hại, nhưng nhìn chung vẫn giữ được hình dạng nhất định của tóc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp đối chiếu sang các nước đồng văn như tại Trung Quốc, ta có thể tìm thấy kiểu tóc “đơn loa kế” (單螺髻) tồn tại trên bức bích họa tại khu mộ cổ Astana, niên đại khoảng giữa thế kỷ VIII.
131989492_222956162607101_980243952271229079_n
TÓC MỆNH PHỤ
Ba kiểu tóc được Đại Việt Phong Hoa phỏng dựng dựa trên các hiện vật mảnh gạch trang trí hình người có niên đại tương ứng hai triều Lý-Trần được tìm thấy tại các khu vực Kim Mã, Cầu Giấy, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), hiện lưu ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội.
Phần trang sức được sáng tạo dựa trên các cơ sở:
Ghi chép về “lược phát tử” (掠髮子) trong “Nhật dụng thường đàm” (日用常談) của Phạm Đình Hổ.
Hoa văn trên hiện vật thời Lý- Trần.
1. Tạo hình tóc:
Cả ba kiểu tóc ở đây đều có đặc điểm nổi bật là phần tóc bồng ra ôm hai bên rìa mặt từ thái dương cho đến hết gò má, làm nổi bật gương mặt tròn trịa, phúc hậu của ba nhân vật trong tạo hình nguyên gốc trên hiện vật ngói. Phần tóc mái trước trán được vuốt lên trên, không rẽ ngôi. Phía trên búi tóc có gài trang sức mà ở đây, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng món trang sức này là “lược phát tử” (掠髮子).
– Kiểu số 1 (ở giữa) có phần trên của tóc tạo thành hình chữ thập. Kiểu tóc này có 2 cách tạo hình: thứ nhất là tạo hình từ ba búi tóc (như trong hình minh họa); thứ hai là tạo hình từ một búi tóc cao chính giữa, sau đó cài hai trâm dài bên cạnh. Trước búi tóc ở giữa cài một lược phát tử (như nguyên mẫu trên hiện vật ngói).
– Kiểu số 2 (bên phải) có phần trên của tóc là một búi lớn,chiều cao của búi tóc thấp hơn so với kiểu số 1. Chính giữa búi tóc gài một lược phát tử (như nguyên mẫu trên hiện vật ngói). Chúng tôi sáng tạo hai hoa áp mái bằng vàng cài ở phần tóc phồng hai bên mai.
– Kiểu số 3 (bên trái) có phần trên của tóc được tạo hình lệch sang một bên. Ở giữa cài lược phát tử (như nguyên mẫu trên hiện vật ngói). Chúng tôi sáng tạo một trâm tròn bằng vàng (dựa trên hiện vật trâm Lý – Trần bằng bạc, tham khảo từ bộ sưu tập tư nhân của ông Phúc Nguyễn, đăng tải hình ảnh trên nhóm “Di sản Việt”). Hai bên tóc mai bồng ra gài hai lược phát tử nhỏ bằng vàng.
Xét về kết cấu, ba lối tạo kiểu tóc trên từng tồn tại ở các quốc gia khác như Trung Quốc (thời Đường), Nhật Bản (còn được bảo lưu tới hiện tại); vậy nên, trong bối cảnh triều Lý-Trần, khi mà các vị quân chủ Đại Việt chủ trương học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh Hoa Hạ thì việc phụ nữ Việt ở giai đoạn này để kiểu tóc trên là hoàn toàn có cơ sở.
2. Trang sức:
2.1. Chất liệu
Chúng tôi chọn vàng làm chất liệu chủ đạo cho các trang sức này dựa trên hai lí do:
– Thứ nhất, Đại Việt thời Lý có nguồn vàng dồi dào. Chu Khứ Phi (周去非) trong “Lĩnh ngoại đại đáp” (嶺外代答), chép: “Khe động Ung Châu cho tới đất An Nam đều có mỏ vàng, vàng ở những nơi này nhiều hơn các quận khác. Châu Vĩnh An ở Ung Quản chỉ cách Giao Chỉ một con sông thôi, vịt ngan bơi đến bến nước Giao Chỉ tìm ăn rồi quay về, trong phân có lẫn vàng, ở bến nước trong địa phận nước ta (tức Nam Tống) thì không có. Vàng không ở trong mỏ mà ở ngoài tự nhiên, lẫn trong đất cát, nhỏ thì bằng hạt mạch, lớn thì như hạt đậu, lớn hơn to cỡ ngón tay, đều gọi là vàng sống […] Cũng có hột to bằng quả trứng gà, gọi là kim mẫu. Có được vàng này, giàu có hẳn phải biết. Giao Chỉ có mối lợi là các mỏ vàng, mua dân ta (tức người Tống) về làm nô lệ.” (Nguyên văn: 邕州溪峒及安南境內皆有金坑, 其所產多於諸郡. 邕管安州與交趾一水之隔爾, 鵝鴨之屬至交趾水濱遊食而歸者, 遺糞類得金, 在吾境水濱則無矣. 凡金不自礦出, 自然融結於沙土之中, 小者如麥麩, 大者如豆, 更大者如指面, 皆謂之生金 […] 亦有大如雞子者, 謂之金母. 得是者, 富固可知. 交趾金坑之利, 遂買吾民為奴.- dịch bởi Trần Quang Đức, đăng trong “Ngàn năm áo mũ”).
– Thứ hai, người Việt chuộng sử dụng vàng, thậm chí từng tìm mua đoạn (một loại vải) xe sợi vàng của nhà Tống, trong đó, sách “Tống hội yếu tập cảo” (宋會要輯稿) ghi lại sự việc vào năm Thiệu Hưng thứ 26 (1156), bọn Thẩm Cai tâu lên vua Tống rằng người An Nam muốn mua đoạn xe sợi vàng, loại trang phục này xa hoa, không phải thứ đem trưng cho bốn phương. (Nguyên văn: 沈該等奏: 安南人慾買捻金綫緞. 此服華奢, 非所以示四方).
Ngoài ra, sách “Văn hiến thông khảo” (文獻通考)chép rằng các loại mũ phốc đầu, ủng, hốt, hài đỏ, đai vàng, đai sừng tê của đoàn sứ thần nhà Lý đều dát vàng (使者幞头, 靴, 笏, 紅鞋, 金帶, 犀帶, 每夸以金箱之); hay “Lĩnh ngoại đại đáp” miêu tả kim ngư đại của bá quan Đại Việt “rất dài và lớn” (金魚甚長大).
– Thứ ba, vàng sở hữu các tính chất vật lý giúp cho việc chế tác trang sức từ kim loại này được thực hiện dễ dàng.
2.2. Tạo hình trang sức:
Các trang sức được thiết kế bởi thành viên Quan Gia, tạo hình như sau: thiết kế hoa văn cụ thể sẽ được công bố sau.
3. Giả thuyết về tầng lớp sử dụng kiểu tóc này
Trên mảnh ngói còn sót lại, chúng ta có thể thấy hình dáng của ba người phụ nữ, người thứ nhất ngồi khoanh chân, dáng ngồi thẳng; người bên phải và trái đều hướng mặt về phía người ngồi giữa, người phụ nữ bên trái được chạm khắc trong tư thế quỳ. Có thể phỏng đoán rằng người phụ nữ ngồi giữa có địa vị cao hơn hai người còn lại, đồng thời cũng có một vị trí nhất định trong xã hội. Bà có thể là một mệnh phụ và hai người còn lại hoàn toàn có thể là con gái, con dâu, em gái, vợ lẽ của chồng bà hoặc nữ thị thân thiết của bà.
132093892_226514322251285_1212591425917772009_n
TÓC PHỤ NỮ
Hai kiểu tóc này vẽ phỏng theo hiện vật tượng đầu bùa bằng gốm men vàng Lý-Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội).
Hai kiểu tóc đều có phần tóc ôm hai bên rìa mặt từ thái dương cho đến gần hết cằm (dài và ít bồng hơn 3 kiểu ở bài số 3). Kiểu tóc có phần tóc mái trước trán được vuốt lên trên (sử dụng nhiều tóc hơn), không rẽ ngôi. Cụ thể từng kiểu:
– Kiểu bên trái: Phía trên búi một búi trên đỉnh đầu, không cài thêm trang sức, hoặc có thể đội “quan” (冠) – tức là “mũ” (theo “Nhật dụng thường đàm”- 日用常談).
– Kiểu bên phải Phía trên búi lớn. Chúng tôi cho rằng đây là dạng thức búi lớn như kiểu tóc Tằng cẩu của đồng bào dân tộc Thái hiện nay (không loại trừ khả năng bảo trì từ thời Lý). Về trang sức, một kim hoa điền lớn giữa búi tóc và một thanh trang sức ngang sát chân búi tóc. Chúng tôi lựa chọn vàng làm chất liệu cho các trang sức này.
Trong 19 hiện vật tượng đầu bùa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), có 4 hiện vật mô tả cách để phần tóc ôm mặt như trên. Chúng tôi xin cho rằng đây là một cách để tóc khá phổ biến với phụ nữ thời kỳ này.
133347657_226518405584210_8886788532447698848_n
TÓC BÚI ĐỘI TIỂU QUAN
Kiểu tóc búi trên đỉnh đầu, đội “quan” (冠) – tức là “mũ” (theo “Nhật dụng thường đàm”- 日用常談).
Kiểu bên phải vẽ phỏng theo:
Hiện vật tượng đầu bùa bằng gốm men vàng Lý-Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội);
Hoa văn trang trí kiến trúc hình hoa sen thời Lý, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội).
Kiểu bên trái vẽ phỏng lại theo:
Hiện vật tượng đầu bùa bằng gốm men vàng Lý-Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội);
Hoa văn trên bình gốm hoa nâu thời Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội).
1. Tóc và trang sức:
Cả hai kiểu tóc đều có phần tóc được búi trên đỉnh đầu, tóc được vuốt gọn, không để thả tóc gáy và tóc mai. Phần búi của kiểu tóc khá lớn và cao hơn so với kiểu tóc búi đỉnh đầu đội “quan” (冠) của nam giới trong bức “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” (竹林大士出山圖). Kiểu bên phải có phần búi mập và cao hơn bên trái.
Kiểu tóc bên phải cùng trang sức hay “quan” (冠) về tổng thể có tạo hình tổng thể giống với một búp sen, trong đó, phần tóc là cánh sen chưa nở, phần trang sức là các lá đài ôm quanh phần cánh sen. Chúng tôi phỏng dựng phần “quan” bằng vàng và được cố định bằng trâm ngọc.
Kiểu tóc bên trái có phần búi nhỏ nhưng dài, phần “quan” (冠) lớn hơn, nhìn như một bông hoa với nhiều cánh tỏa ra, đây là phong cách tạo hình tương đồng với nhiều hiện vật hộp và đĩa thời Lý Trần. Chúng tôi phỏng dựng phần quan và trâm cố định bằng chất liệu ngà voi.
2. Chất liệu:
Chúng tôi chọn vàng làm chất liệu cho phần quan của mẫu bên phải và ngà (hoặc xương) cho mẫu bên trái.
Đối với vàng, đây là một chất liệu hết sức quen thuộc, dồi dào về số lượng và dễ tạo hình. Còn chất liệu ngà (hoặc xương), chúng tôi lựa chọn dựa trên các ghi chép về việc sử dụng ngà trong chế tác trang trí, mỹ nghệ trong giai đoạn Lý – Trần như hốt ngà hay ngà dùng làm cổng phẩm.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Hưng Long năm thứ 6 (1298), lấy Trần Thì Kiến làm Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu, được vua ban hốt (笏) có khắc bài minh ngự chế.
Về việc nước ta sử dụng ngà voi hoặc voi làm cống phẩm, chúng tôi đã tổng hợp thông tin từ phần “Bang giao chí” trong “Lịch triều Hiến chương loại chí” (歷朝憲章類誌) của Phan Huy Chú, mà cụ thể, dưới hai triều Lý, Trần, Đại Việt đã từng cống voi cho Trung Quốc:
Tháng 8/1034: 2 con voi nhà;
Năm 1042: voi nhà;
Năm 1118: 1 con tê ngưu trắng, 1 con tê ngưu đen và 3 con voi nhà;
Năm 1123: voi nhà; 1126: voi nhà, tê ngưu;
Năm 1174: 15 con voi nhà (10 con voi làm lễ mừng Tống Hiếu Tông lên ngôi, 5 con voi làm lễ cung tiến đại lễ, bành voi để vua ngự, ngà, móng chân và trán voi đều trang sức bằng vàng bạc cả…);
Năm 1278: 2 con voi nhà.
132667363_226515642251153_1522522070427857764_n
TÓC HÌNH NGỌN BÚT LÔNG
Đây là kiểu tóc được ghi lại trong sử liệu thành văn nhưng không có hiện vật. Theo “Trần Cương Trung thi tập” (陳剛中詩集) (viết thời nhà Nguyên), quyển 2, đoạn 212, phụ nữ Đại Việt thời Trần được miêu tả như sau như sau:
“婦人斷髮留三寸束于頂上□其杪再束如筆無後鬢鬟亦無膏沐環珥之屬富者玳瑁珥餘骨角而已錙銖金珠無有也人皆文身為鉤連屈之文如古銅爐鼎欵識又有涅字于胸曰義以捐軀形於報國雖酋子侄亦然” [1]
Vì bản chữ Hán trong “Trần Cương Trung thi tập” khuyết một chữ, nên chúng tôi đã tham khảo thêm bản trong “Nguyên thi tuyển” (元詩選)- sách chọn lọc các bài thơ thời Nguyên, bản chép vào thời Thanh: “婦人斷髮,留三寸束于頂上,屈其杪,再束如筆,無後鬢鬟,亦無膏沐環珥之屬。富者玳瑁珥,余骨角而已,錙銖金珠無有也。人皆文身,為鉤連屈曲之文,如古銅爐鼎款識。又有涅字于胸,曰義以捐軀,形於報國,雖有子姓亦然。” [2] (Tạm dịch: “Phụ nhân cắt tóc ngắn để chừa lại ba tấc, buộc trên đỉnh đầu, uốn phần ngọn rồi buộc lại như bút, không có tóc mai và tóc thừa ở đằng sau, không vuốt sáp hoặc mỡ gì cả. Nhà giàu đeo khuyên tai đồi mồi, ngoài ra xương, sừng mà thôi, không có một chút vàng hoặc ngọc châu nào cả. Mọi người đều xăm mình, hoa văn dạng như những chữ khắc trên lò hoặc đỉnh đồng ngày xưa. Trước ngực còn xăm chữ niết (涅), ý nghĩa là có thể vì nghĩa quyên thân, báo đáp đất nước.”)
Trong “Kiến văn tiểu lục” (見聞小录), Lê Quý Đôn chép: “婦人剃髮,留三寸,束于頂上,束其杪再束如笄,無後鬢鬟,亦無膏沐環珥之属。富者玳瑁珥,餘骨角而已,緇銖金珠無有也。人皆文身,為鈎連屈曲之文,如古銅爐鼎欸式。又有涅字于胸,愚謂此乃陳朝之俗,今青中黒衣断髪文,本朝己改之,但炎方暑熱卑湿,人民平居不中履始便食作,不可改也。” [3] (Tạm dịch: “Phụ nhân cạo tóc, để chừa ba tấc, buộc trên đỉnh đầu, buộc phần ngọn rồi lại buộc như trâm(?), không có tóc mai và tóc thừa ở đằng sau, không vuốt sáp hoặc mỡ gì cả…..”)
Chúng tôi phỏng đoán đây là kiểu tóc phổ biến ở nữ thường dân thời Trần. Tuy nhiên, tầng lớp cao hơn cũng có thể áp dụng kiểu tóc giản tiện này.
Đại Việt Phong Hoa phỏng dựng lại kiểu tóc này dựa trên tư liệu chữ viết. Cảm ơn @Họa Lý Lai Chân trợ giúp trong quá trình phỏng dựng và chụp hình.
#Vũ_Trụ_Lan_Quyên
—–
Phụ trách nghiên cứu tạo hình: nhóm Đại Việt Phong Hoa
Tranh vẽ bởi: Nùng Thị
Mẫu ảnh: Thơ Trần
Người chụp: Chi Trịnh của Họa Lý Lai Chân 畫裏來真
Phông nền: Vương Sư Kiên Duệ
132413343_226514782251239_8597884942515620692_n
TÓC HÌNH RẺ QUẠT
4 kiểu tóc với đặc điểm chung là tạo hình tóc thành búi trên đỉnh đầu, không sử dụng “quan” (冠). Nhìn từ phía trước, các kiểu tóc này có hướng đi của tóc giống với hình nan quạt, ở phần chân rẻ quạt thắt dây hoặc có trang sức. Cụ thể, các kiểu tóc trên có những điểm khác biệt như sau:
– Kiểu 1 và 2 được vẽ phỏng lại theo hiện vật đầu tượng thời Lý-Trần, lấy từ nguồn của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Búi tóc tạo hình rẻ quạt xòe lớn và cao. Trang sức ở kiểu 1 là một mảnh trang sức vàng hình tam giác gắn sát chân tóc phần hình rẻ quạt. Trang sức ở kiểu 2 là một dải lụa đỏ buộc bao quanh chân tóc, thắt tại hai bên.
– Kiểu 3 được vẽ phỏng lại theo hiện vật tượng đầu bùa bằng gốm men vàng Lý-Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Kiểu tóc này có phần tóc cao nhưng rẻ quạt không xòe bằng kiểu 1 và 2. Phía giữa rẻ quạt có một phần hình tròn, chúng tôi phỏng dựng lại dưới dạng trâm cài dựa trên hiện vật trâm Lý – Trần bằng bạc, tham khảo từ bộ sưu tập tư nhân.
– Kiểu 4 được vẽ phỏng lại theo hiện vật tượng đầu bùa bằng gốm men vàng Lý-Trần, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Kiểu tóc này có phần búi tóc thấp, quanh chân búi tóc cài một đai trang sức. Chúng tôi phỏng dựng loại đai này bằng chất liệu sừng.
132913239_226516205584430_1680837449815825192_n
TÓC TIÊN NỮ
Hai kiểu tóc tiên nữ được phỏng đoán dựa trên các hiện vật sau:
Kiểu bên phải vẽ phỏng lại theo:
Tượng Kinnari đánh trống tại chùa Phật Tích, niên đại 1057, thời Lý, hiện được lưu tại Bảo tãng Mỹ thuật Việt Nam;
Đầu tượng tiên nữ chùa Phật Tích, niên đại 1057, thời Lý, hiện được lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội);
Kiểu bên trái: phỏng dựng dựa trên hiện vật đầu tượng Lý-Trần, tìm được tại quận Ba Đình, Hà Nội, hiện lưu tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội).
1. Tóc và trang sức:
Phần tóc chính của cả hai kiểu đều được búi thành một cuộn lớn trên đỉnh đầu.
Kiểu bên phải, chúng tôi tạo hình phần tóc mai xõa dài, dựa trên bức tượng Kinnari đánh trống ở chùa Phật Tích (góc trên bên phải). Trang sức gồm các trang sức áp mái, tạo thành một dải trước trán, tạo hình bông hoa – chúng tôi xin tạm gọi là “kim hoa điền” (金花鈿) – dải này gồm 7 miếng: 5 miếng có tạo hình hoa cúc và 2 miếng có tạo hình hoa sen bố trí ở 2 bên vành tai. Dải kim hoa điền này được kết thúc bằng dải dây được thắt ngay sau vành tai. Phần chân búi tóc có miếng trang sức dẹt ôm lấy mặt trước chân búi tóc. Chính giữa búi tóc cài một kim hoa điền lớn, xung quanh cài các hoa điền nhỏ hơn.
Kiểu bên trái, phần tóc búi vuốt hết lên, không để thừa tóc mai và gáy. Trang sức gồm một dải trang sức gồm 5 chiếc lá, dựng đứng bao quanh đầu, cấu tạo giống như chiếc mũ Ngũ Phật. Dải này được kết thúc bằng dải dây được thắt ngay sau vành tai. Chính giữa búi tóc cài một trang sức hình hoa lớn.
Chúng tôi chọn vàng làm chất liệu các trang sức này vì độ phổ biến ở Đại Việt và tính dễ tạo tác của nó.
2. Giả thuyết về đối tượng sử dụng kiểu tóc này:
Kiểu tóc bên phải được vẽ dựa trên tượng tiên nữ Kinnari. Từ đó, chúng tôi dựa vào hai yếu tố sau để xếp kiểu tóc bên trái vào nhóm các kiểu tóc tiên nữ: thứ nhất là cuộn tóc lớn đặt trên đỉnh đầu tương đồng với kiểu tóc thứ nhất, thứ hai là dải trang sức hình lá trước trán mang phong cách Phật giáo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận khả năng các kiểu tóc này vẫn được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
133366992_226517052251012_3206655268742248258_n
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook