Các Loại Việt Phục
15: Sắp Xếp Thứ Bậc Trong Hậu Cung Qua Các Triều Đại

SẮP XẾP THỨ BẬC TRONG HẬU CUNG QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

– – 0 – –

Raw: Truyện Hậu Cung

Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, đã có nhiều phụ nữ có ngôi vị Hoàng hậu – vợ chính thức của Hoàng đế, là phụ nữ có ngôi vị cao nhất trong cung cấm. Một số vị vua không lập Hoàng hậu, người có địa vị cao nhất là những bà được phong làm Hoàng Quý Phi.

Đại Việt thông sử do Lê Quý Đôn biên soạn có đoạn viết: “Quốc thống nước ta nếu vẫn noi gương người xưa, phong tục cũ chưa đổi, có Đinh Tiên Hoàng lập năm Hoàng hậu, một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông. Lê Đại Hành lập Hoàng thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu, cùng với Phụng Càn Chí Lý, Thuận Thánh Minh Đạo, Trịnh Quốc, Phạm Hoàng hậu là năm Hoàng hậu. Lý Thái Tổ lập sáu Hoàng hậu, duy có đích phu nhân gọi là Lập Giáo hoàng hậu, quy chế xe kiệu và y phục khác hẳn với các cung khác, sau lại lập thêm ba Hoàng hậu nữa. Lý Thái Tông lập bảy Hoàng hậu, có Mai Hoàng hậu, Đinh Hoàng hậu, Vương Hoàng hậu, lại có nàng hầu được lập làm Thiên Cảm Hoàng hậu. Lý Nhân Tông lập hai Hoàng hậu là Thánh Cực, Chiêu Thánh, sau lại lập thêm ba Hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo.”

Triều đại nhà Lý, Thái Tông ban chỉ dụ về thứ bậc chốn nội cung: “Hoàng hậu và phi tần mười ba người, Ngự nữ mười tám người, Nhạc kỹ hơn trăm người”. Ghi chú của chính sử không phân định về tôn ty danh phận, nhưng dựa theo sử liệu qua các đời Thánh Tông, Thần Tông, Anh Tông, nội cung phi tần trừ Nguyên phi kế dưới Hoàng hậu, có danh phận cao nhất, còn có các tước vị Thần phi, Quý phi, Đức phi, Thục phi, Hiền phi, Thứ phi, Phu nhân. Bậc Phu nhân lệ được ban hai mỹ từ làm huy hiệu, như Thánh Tông có Ỷ Lan, Nhân Tông có Thần Anh, Thần Tông có Minh Bảo, Cảm Thánh, Phụng Thánh, Huệ Tông có Thuận Trinh. Chế độ nội cung nhà Trần ban đầu xếp đặt thứ bậc theo cách gọi của nhà Lý. Thời Minh Tông có Sung viên Lê thị, nhiều khả năng nhà Vua dựa theo lễ giáo cung đình phương Bắc mà dùng các tước vị trong Cửu tần ban phong cho nội cung.

Triều đại Lê sơ, Thánh Tông đặt ra chế độ nội cung:
• Tam phi: Quý phi, Minh phi, Kính phi.
• Cửu tần :

• Tam chiêu : Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên.
• Tam tu: Tu nghi, Tu dung, Tu viên.
• Tam sung: Sung nghi, Sung dung, Sung viên.
• Lục chức: Tiệp dư, Dung hoa, Tuyên vinh, Tài nhân, Lương nhân, Mỹ nhân .

Các Hoàng đế Lê sơ thường không lập Hoàng hậu, chỉ lấy bậc Quý phi đứng đầu trông nom công việc nội cung.

Triều nhà Nguyễn thường không lập Hoàng hậu, trừ trường hợp Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, người vợ tào khang theo phò Gia Long từ thuở hàn vi, Lệ Thiên Anh Hoàng hậu được Tự Đức di chiếu tấn phong và Nam Phương Hoàng hậu, Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, được Bảo Đại – vị Hoàng đế chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sách lập. Hầu hết vợ chính của các Hoàng đế từ Minh Mạng đến Khải Định đều chỉ là Hoàng quý phi hoặc Nhất giai phi. Theo quy định nhà Nguyễn, Hoàng quý phi ở trên bậc nhất giai, giúp Hoàng thái hậu cất đặt và chỉnh tề công việc nội cung, là danh hiệu tôn quý nhất nội cung nhà Nguyễn.

Theo Nội các triều Nguyễn-Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào đầu thời Nguyễn, thứ bậc nội cung được quy định: “Lúc quốc sơ định lệ cung giai. Tam phi là Quý phi, Minh phi, Kính phi. Tam tu là Tu nghi, Tu dung, Tu viên. Cửu tần là Quý tần, Hiền tần, Trang tần, Đức tần, Thục tần, Huệ tần, Lệ tần, An tần, Hòa tần. Tam chiêu là Chiêu nghi, Chiêu dung, Chiêu viên. Tam sung là Sung nghi, Sung dung, Sung viên. Lục chức là Tiệp dư, Dung hoa, Nghi nhân, Tài nhân, Linh nhân, Lương nhân”.

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ có chỉ dụ định lại thứ bậc của nội cung, “Nay theo gương cổ nhân, đặt chín bậc phi tần ở nội cung, khiến cho chốn khuê môn trật tự phân minh, phong hóa tôn nghiêm, tuân theo mãi mãi”:

• Hoàng quý phi.

• Quý phi, Hiền phi, Thần phi làm bậc nhất hay Nhất giai phi.
• Đức phi, Thục phi, Huệ phi làm bậc nhì hay Nhị giai phi .
• Quý tần, Hiền tần, Trang tần làm bậc ba hay Tam giai tần.
• Đức tần, Thục tần, Huệ tần làm bậc bốn hay Tứ giai tần.
• Lệ tần, An tần, Hòa tần làm bậc năm hay Ngũ giai tần.
• Tiệp dư làm bậc sáu hay Lục giai Tiệp dư.
• Quý nhân làm bậc bảy hay Thất giai Quý nhân.
• Mỹ nhân làm bậc tám hay Bát giai Mỹ nhân.
• Tài nhân làm bậc chín hay Cửu giai Tài nhân .
• Tài nhân vị nhập giai, còn gọi là Tài nhân vị nhập lưu
• Cung nga, Thể nữ, gọi chung là Cung nhân.

Lại xuống dụ: “Trước đã chuẩn định nội cung chín bậc, trong đó có Đức phi, nay đổi làm Gia phi “.


Các danh hiệu không cố định mà thay đổi qua các triều Hoàng đế hoặc ngay trong cùng một triều. Như hai năm sau khi ban hành chế độ trên, năm Minh Mạng thứ 19 (1838), Thánh Tổ lại có chỉ dụ thay đổi trong bậc ngũ giai như sau: “Nguyên trước định lệ cung giai, Lệ tần, An tần, Hòa tần cùng là bậc ngũ giai, nay đổi làm An tần, Hòa tần, Lệ tần”.
Cũng trong năm này, danh xưng của các phi tần trong chín bậc lại có sự thay đổi như sau:

• Hoàng quý phi.
• Quý phi, Đoan phi, Lệ phi làm bậc nhất hay Nhất giai phi.
• Thành phi, Tính phi, Thục phi làm bậc nhì hay Nhị giai phi.
• Quý tần, Lương tần, Đức tần làm bậc ba hay Tam giai tần.
• Huy tần, Ý tần, Nhu tần làm bậc bốn hay Tứ giai tần.
• Nhân thần, Nhã tần, Thuận tần làm bậc năm hay Ngũ giai tần.
• Còn lại không thay đổi.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Hiến Tổ lại cho đổi gọi Đoan phi làm Lương phi, vì chữ “Lương” đã được đưa lên tấn phong cho bậc nhất giai nên Lương tần ở tam giai được đổi thành Thụy tần.

Quốc Sử quán ghi lại trong Đại Nam thực lục vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 3 (1850), Dực Tông xuống dụ “Định rõ thứ bậc ở nội cung”. Theo tờ dụ này, “Về Hoàng quý phi trở lên, đã có lệ sẵn, còn từ phi tần trở xuống, thì chia làm các bậc với các danh xưng và mỹ từ như sau”:

• Thuận phi, Thiện phi, Nhã phi làm bậc nhất hay Nhất giai phi.

• Cung phi, Cần phi, Chiêu phi làm bậc nhì hay Nhị giai phi.
• Khiêm tần, Thận tần, Nhân tần, Thái tần làm bậc ba hay Tam giai tần.
• Khoan tần, Giai tần, Tuệ tần, Giản tần làm bậc bốn hay Tứ giai tần.
• Tĩnh tần, Cẩn tần, Tín tần, Uyển tần làm bậc năm hay Ngũ giai tần.
• Tiệp dư làm bậc sáu hay Lục giai Tiệp dư.
• Quý nhân làm bậc bảy hay Thất giai Quý nhân.
• Mỹ nhân làm bậc tám hay Bát giai Mỹ nhân.
• Tài nhân làm bậc chín hay Cửu giai Tài nhân.
• Tài nhân vị nhập giai, còn gọi là Tài nhân vị nhập lưu.
• Cung nga, Thể nữ, gọi chung là Cung nhân.

Riêng hàng phi trong chín bậc ấy, đến tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 (1862), Cần phi được đổi thành Đôn phi, và sau đó một tháng, Chiêu phi được đổi thành Mẫn phi. Đến năm Tự Đức thứ 23 (1870), Lượng tần Nguyễn Văn thị được tấn phong làm Khiêm phi, sau đổi làm Học phi.

Tháng 8 năm Đồng Khánh nguyên niên (1885), Cảnh Tông ban dụ: “Căn cứ theo tấu trình của Cơ Mật viện và Lễ bộ nói rằng nội chức cũng cần có người, nên xin xem xét ban phong để sáng tỏ quốc điển, vì vậy đành phải chuẩn y cho phép thi hành. Nay xét những cung tần gồm năm người hầu hạ trong cung đã lâu ngày, nghiêm chỉnh tuân thủ phép tắc, truyền chuẩn y tấn phong cho Trần Đăng thị làm Quán phi, Phan Văn thị làm Giai phi, Hồ Văn thị làm Chính tần, Nguyễn Văn thị làm Nghi tần, Trần Văn thị làm Dự tần”.

Chế độ hậu cung ở nước ta càng về sau càng phức tạp và phát triển hơn rất là nhiều. Nhưng cũng nhờ vậy mà định rõ tôn ti trật tự, người trên kẻ dưới, ổn định hậu cung. Tuy nhiên các triều đại không sáng tạo quá nhiều mà chủ yếu dựa theo quy định ở bên phía Trung Quốc. Điển hình ở nhà Nguyễn có tương đối nhiều nét giống với nhà Thanh. Nếu bạn nào muốn biết chế độ hậu cung nhà Thanh ra sao thì mình khuyên nên xem Hậu Cung Chân Hoàn truyện để biết thêm chi tiết.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương