Nói thật thì ngay từ lúc Vu Kính vừa đề cập tới chuyện người nào đó ở trong núi Tĩnh với tôi, tôi đã bắt đầu liên tưởng tới hình ảnh giữa nơi núi rừng hoang vu có một hang động nằm sâu hun hút dưới chân vách đá dựng đứng cao sừng sững nọ, ngụ ở bên trong là một vị cao nhân toàn thân khoác lên bộ y phục trắng toát như tuyết, từng cử chỉ giơ tay nhất chân đều khiến người ta phải sợ hãi. Chưa dừng ở đó, tôi lại còn mơ mộng tới viễn cảnh thắng lợi của bản thân khi thuyết phục được vị ẩn sĩ từ lâu đã xa rời thế tục kia đồng ý xuất sơn cứu người sau khi đã vượt qua hàng loạt những thử thách gian lao khốn khổ, mà xét về độ khó thì tuyệt đối sẽ không thua kém những gì Đường Tăng đã gặp phải trong quá trình đi đến Tây Thiên thỉnh kinh khi xưa đâu, ấy là chưa kể tới việc tôi còn phải làm việc đó trong tình trạng thiếu vải nữa nha…

Chỉ mới nghĩ thôi đã khiến tôi thấy mình thật có khí khái anh hùng cùng với tinh thần hi sinh vì nghĩa lớn rồi, tuy rằng sau khi hết xây xẩm mặt mày rồi mới phát hiện ra rằng hoá ra núi Tĩnh kia cũng chỉ là một trái núi bé tẹo mà thôi, hơn nữa còn nằm kế cận một cái thị trấn nữa lại phát hiện ra rằng bọn trẻ trong trấn đứa nào đứa nấy đều khoái kéo nhau lên núi vui chơi, tận dụng bãi cỏ nơi đây mà thả bò, chăn dê, thả heo, chăn gà túa lua xua lại phát hiện ra một điều, phàm là cây cối trên núi Tĩnh (số lượng cũng chẳng được là bao) thì đều bị trưng dụng làm nơi giăng mắc biểu ngữ các loại, nào là “Cấm tiểu tiện, phóng uế bừa bãi”, rồi thì “Cấm xả rác bừa bãi” này nọ (Chả trách sao trên cành cây ở đây lại treo đầy rác rến như vậy) một câu thôi, sau khi phát hiện ra ngọn núi Tĩnh này kì thực chẳng có tí ti gì gọi là thần bí âm u như trong tưởng tượng của mình cả, tôi vẫn chưa đến nỗi thất vọng hoàn toàn, vì dù gì thì người tôi cần tìm cũng là một vị cao nhân ẩn dật ở nơi thâm sơn cùng cốc mà.

Chỉ có điều là, tôi rảo một vòng khắp cả chân núi, ngạc nhiên thay đến cả một cái hố cũng không có nữa là!

Tôi sốt ruột chết đi được! Lại không khỏi nghĩ có khi nào Vu Kính lại nhớ nhầm chỗ rồi hay không, hay là hệ thống tìm đường của cái đai lưng này bị trục trặc ở đâu rồi, hoặc cũng có thể là do vị cao nhân ấy vốn có xuất thân từ tộc người du mục, nên đã di cư sang nơi ở mới rồi?

Làm sao bây giờ, bây giờ phải làm sao??!! Chỉ còn cách duy nhất là phải quay về hỏi kĩ lại Vu Kính thôi! Cũng may là cái đai vẫn luôn được mình buộc lại trên người á! Luống cuống tay chân tháo nó xuống, cố gắng nhớ lại coi lúc đó Vu Kính đã làm những gì, đúng rồi, bung ra đón gió! Tôi vội kéo lấy hai đầu đai, ra sức mà giũ tung nó lên… Tấm vải mềm mại buông rũ trên mặt đất… Lại giũ giũ tiếp… Vẫn nằm ì ra đó… Này thì giũ này, giũ này… Tôi giũ đến nỗi đầu cổ mướt hết mồ hôi, mà nó thì vẫn nhũn nhẹo dưới đất, sao lại thế chứ?

Đừng có nói là bởi vì trên ngọn núi này chẳng có lấy một ngọn gió nào đó nha? Thiệt là vô lương tâm quá đi mà, mấy trận kình phong tung hoành bốn phương tám hướng ban nãy đã thổi cho tôi bay tới nỗi gan phổi lộn tùng phèo đâu hết rồi, thế quái nào mà giờ đây lại chẳng thấy chút tăm hơi gì cả là sao.

Không hề chi, không có gió tự nhiên thì ta xài tạm sản phẩm nhân tạo vậy! Vừa hay dưới chân núi có đầy những đồng cỏ lớn bạt ngàn, bên kia còn có một bầy trẻ con đang nô đùa chạy giỡn. Chậm rãi lùi về sau mấy bước, hít sâu thở đều vài ba cái, tôi kéo lấy tấm đai bắt đầu cắm cúỉ mà chạy, ha, nhìn xem chẳng phải là nó đã bay lên rồi đó sao! Chẳng qua là cứ hễ mà tôi chùn chân một tí là nó lại rơi cái phạch xuống đất hà. Bó tay hết cách, đành phải dốc hết sức bình sinh ra mà nhấc tấm đai lên chạy từ phía đông bãi cỏ sang tới phía tây bãi cỏ, tấm đai chết tiệt xìu xìu ển ển lượn lên lượn xuống rồi thôi, sao còn chưa chịu bay nữa nè trời? Hay là tại chạy đà chưa đủ ta, đợt này ráng nhanh hơn một tí xem nào!!! Tôi vừa chạy vừa thở phì phò như kéo bễ…

Một canh giờ sau đó.

Tôi rốt cục cũng sức cùng lực kiệt mà nằm vật ra trên mặt cỏ, tay vẫn còn túm chặt lấy cái đai lì lợm đánh chết cũng không chịu bay lên ấy, đúng lúc này, chợt thấy thằng nhóc con nãy giờ vẫn đứng bên kia quan sát tôi đang chầm chậm tiến lại gần, bẽn lẽn nhét một con diều cánh én đã rách tả tơi vào trong tay tôi, rồi dùng một giọng điệu hết sức cảm thông mà nói với tôi: “Anh gì ơi, chơi cái này sẽ dễ hơn nè.”

… (Bi phẫn trào dâng!)

Tưởng tao quởn lắm sao mà đi lấy thắt lưng ra làm diều thả tới thả lui cho vui hả thằng kia!!! Tôi gắng nhịn xuống ngọn lửa giận đang bốc lên ngùn ngụt trong đầu, ráng nặn ra một nụ cười còn khó coi hơn cả mếu để trả lời nó: “Cảm ơn em nha, cậu bé, thế nhưng cái đai lưng này là một loại bửu bối phép thuật á, nó có thể bay được đó nha.”

Thằng bé rất lấy làm ngạc nhiên mà dòm tôi, sau đó lại toét miệng cười hớn hở, khoe ra hàm răng trắng tinh: “Thế thì anh gì đó hãy cố lên nhé.”

Thằng nhỏ coi vậy cũng dễ thương ghê ta! Cục tức của tôi cũng trôi bớt xuống cổ họng theo tiếng cười giòn tan của cậu bé rồi.

Tôi dõi mắt trông theo khi nó lon ton chạy về chỗ lũ trẻ, ngắm nhìn mấy đứa kia bu quanh thằng bé, tíu ta tíu tít hỏi chuyện, từng câu từng lời bọn nó nói với nhau đều không thoát khỏi được tai tôi. Đành chịu thôi, ai bảo tôi là hồ ly làm chi, lỗ tai thính lắm đó nha.

“Thằng cha đó đần có hạng luôn tụi bây!” Đây là lời của cậu bé đáng yêu ban nãy, nó dám nhạo tôi, đây rõ ràng là muốn nhạo báng trí tuệ của tôi mà!

“Có tao làm chứng luôn nè! Vậy mà đó giờ tao cứ tưởng mấy ông dòm cù lần vậy thôi chứ cũng hổng tới nỗi nào đâu không à!” Một thằng ranh khác hùa theo nó sỉ nhục tướng mạo của tôi!

“Thằng chả cứ khăng khăng cho là cái thắt lưng của chả bay được cơ! Cái loại người này người ta hay gọi là ngu mà lì nè! Thuộc dạng khó bảo nhất trong số mấy tên đầu óc tưng tửng đó mày! Tao nghe nói mấy cha kiểu này nhân cách nhất định có vấn đề đó!” Thằng quỷ con lên tiếng sau cùng tổng kết lại một câu, xúc phạm nặng nề đến nhân cách của tôi.

Tôi đứng thộn mặt ra đó, nhìn cảnh tụi nhỏ sau một hồi cười giỡn rần rần rồi mới ồ ạt giải tán, bỏ lại một thằng tôi đã từ một cậu trai trẻ hiền lành, tốt bụng, thật thà, chất phác biến thành cái phường nhân cách tởm lợn, ngoan cố cứng đầu, ngu si đần độn từ trong ra ngoài thế này đây. Đứa nào nói đôi mắt trẻ con luôn nhìn người rất tinh thì đứa đó trăm phần trăm là không có mắt rồi!



Cái hang động chết tiệt đó nằm ở đâu vậy không biết! (Tội nghiệp thằng bé, chỉ có thể giả vờ đánh trống lảng để tự an ủi bản thân.)

Tôi ôm theo một bụng lửa giận ngút trời mà sàn qua sàn lại dưới chân núi Tĩnh, nói không quá chứ cái lối mòn này sắp sửa bị tôi cào bằng luôn rồi. Sau cùng vì để tránh cho trào máu họng mới phải xách đại một cây gậy bị đứa nào đó vứt chỏng chơ bên đường lên, nhằm vào đống đất trước mặt mà cạy cạy móc móc, “Ta không tin là moi không ra nổi cái đồ cao nhân nhà mi đó!”

Cơ mà sao mặt đất ở đây cứng dữ vậy hổng biết, gặp tôi nãy giờ chạy ngược chạy xuôi suốt cả buổi trời, hơn phân nửa thể lực đều bị nướng hết vào đấy rồi còn đâu. Trách sao mà đào bới thêm cả buổi trời nữa cũng chỉ ra được một cái hốc cạn queo, bất đắc dĩ lắm mới phải buông cây gậy xuống, đúng lúc đó liền bắt gặp một con lừa đang đứng bên kia đường mồm thì trệu trạo nhai cỏ trong khi mắt vẫn nhìn chòng chọc về phía tôi.

“Dòm cái gì mà dòm?” Tôi quắc mắt nhìn nó. (Thông cảm cho thằng bé, nó giờ đây nào có dám chọc tới bất cứ thứ gì biết nói chuyện nữa đâu, đành phải trút giận vào một con lừa vậy.)

Con lừa già bỗng dưng đi sang chỗ tôi, dừng lại đúng ngay chóc chỗ cái lỗ bé xíu mà tôi đã phải vắt kiệt sức lực để khoét ra, quan sát một hồi.Đoạn, nó nhếch phiến môi dày cộp lên, khoe ra hai cái răng cửa vàng khè bự chảng, làm tôi có cảm tưởng như nó đang cười với mình vậy, kế tiếp, nó co hai chân sau lên giẫm đạp loạn xạ xuống đất, nháy mắt đã thấy nơi đó xuất hiện một cái hố to tướng, so ra thì cái lỗ mà tôi đã hì hục đào cả buổi trời kia còn chẳng bằng một góc cái này nữa. Nó giơ chân trước lên lần lượt chỉ vào hai cái hốc, rồi nhìn tôi với ánh mắt khinh bỉ, dòm chán rồi lại nhấc chân đạp loạn xà ngầu một chập, đem cái hố kia lấp lại cho thật kín kẽ bằng phẳng như ban đầu, huênh hoang bỏ đi.



Chưa gì đã thấy muốn nản rồi nha!

Tôi ngồi chồm hổm bên lề đường bứt trụi đầu mấy cọng cỏ đuôi chó, lại bắt đầu than thân trách phận cái số kiếp bất hạnh của chính mình, Vu Kính thì thôi không nói đi, bây giờ ngay đến tụi con nít với cả lừa già cũng muốn bắt nạt tôi nữa là sao chứ, tôi có thật là hồ ly tinh không vậy hả? Có con yêu quái nào vừa bạc nhược như tôi không cơ chứ!

Đương khi tôi đang tập trung tinh thần nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân, bỗng đâu có tiếng quát lên làm đứt đoạn dòng suy nghĩ của tôi: “Này này cái cậu kia, nhổ đủ chưa vậy, chừa cho con bò một ít với chứ.”

Ngẩng đầu lên nhìn, là một bà thím đứng tuổi tay dắt theo con bò đang nhìn tôi với vẻ phật ý.

“Thành thật xin lỗi bác, cháu không phải cố ý giành ăn cỏ với bò của bác đâu ạ.” Cái đệch, tôi đang nói nhảm gì vậy nè!

Bà thím bị tôi chọc cho phì cười: “Chú em này, hình như cậu không phải là dân xứ này đâu nhỉ?”

Tôi lắc đầu nguầy nguậy.

“Thế cậu đến đây có việc gì?” Bà ấy mỉm cười niềm nở hỏi thăm tôi, sao mà dịu dàng quá đỗi thế này! Chẳng hiểu sao nước mắt tôi không kìm được mà nhạt nhoà tuôn rơi, lật đật bò toài đất, nức nở thưa chuyện: “Tìm người, cháu đến đây, là để tìm người.”

Bà thím đại để là đã bị thái độ của tôi hù cho điếng hồn rồi: “Chú em à, cậu không sao đấy chứ? Thế đã tìm được chưa?

Tôi lắc đầu, ngậm ngùi lau nước mắt.

Bà thím tỏ vẻ đồng tình: “Hỡi ôi, ai lại chẳng từng gặp qua những chuyện không như ý mình chứ? Nhà tôi có mở một quán trà, nếu cậu không ngại, trước cứ ghé qua chỗ ta đã. Tôi trông cậu cũng có vẻ là người thành thật, thôi thì cứ tạm nghỉ ngơi một lúc đi đã, còn người ấy à, từ từ mà tìm thế nào cũng ra thôi.”

Suy cho cùng cũng chẳng còn chỗ nào để đi, còn chờ gì nữa mà không theo bà ấy về. Tôi mồm thì giả vờ khách khí “Thế thì làm phiền bác quá” trong khi tay lại không chút ngại ngùng đoạt lấy sợi dây thừng cột con bò từ trong tay bà ấy, lôi nó đi xềnh xệch. Mặc cho bà thím tội nghiệp ì ạch đuổi theo đằng sau, “Quán trà nhà tôi lấy tên rất là đặc biệt nhé, chao ôi, cậu đi chậm lại một chút đã nào… Làm gì mà cứ như muốn trộm bò nhà người ta thế kia?”

Cái trấn nhỏ bên cạnh núi Tĩnh quả thật là bé như cái lỗ mũi vậy, ước chừng chỉ có khoảng vài trăm hộ gia đình là cùng. Nguyên cái trấn vậy mà chỉ có mỗi một hàng trà nước duy nhất, tôi hỏi một phát là ra ngay. Độ chừng ba phút sau, tôi đã đứng trước cửa quán trà nhà bà thím, ngước lên ngắm cái bảng hiệu ghi mấy chữ to đùng “Hang động sâu nhất” đang phản chiếu ánh nắng lấp lánh trong buổi hoàng hôn rực rỡ, lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác kích động tới nỗi muốn đập đầu tự tử ngay dưới tấm bảng hiệu như vậy đấy.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương