Buổi tối hôm lập hạ, tôi với hắn rủ nhau ra chỗ giàn nho trước nhà ngồi hóng mát. Ban đầu hai đứa vẫn còn cười đùa rộn rã lắm, thế rồi nói được một lúc thì Vu Kính bỗng dưng lại nín thinh mà tôi, trong cái khung cảnh chỉ còn đong được vài giọt sáng tù mù như thế, thông thường chỉ cần vài phút không mở miệng là lại bắt đầu buồn ngủ ríu cả mắt lại, thế là quyết mặc kệ tất cả mà ngửa mặt ra gà gật dưới vòm trời đầy sao ấy.

Trong giấc ngủ chập chờn, tôi cảm thấy như có thứ gì đó nóng ấm mơn man khắp trên khuôn mặt mình.

Đừng tỉnh dậy, làm ơn đừng tỉnh dậy nhé. Tôi không ngừng tự ám thị bản thân.

“Liệu sau này, em có còn nhớ đến tôi không?” Một giọng nói trầm ấm cất lên, là Vu Kính. Tại sao, tại sao anh ta lại nói vậy? Lẽ nào anh ấy sắp phải đi rồi hay sao?

“Một năm sau, có còn nhớ đến chăng? Rồi mười năm sau? Thậm chí là một trăm năm sau? Tuổi thọ của yêu hồ vốn dĩ rất dài, thế nhưng em sẽ còn có thể nhớ về tôi được đến bao giờ?” Thoảng nghe đâu đây như có tiếng thở dài. Tôi trộm lé mắt nhìn anh, nhưng lại chỉ có thể trông thấy những đường nét mơ hồ của một bên gương mặt khi nhìn nghiêng. Đúng lúc ấy, bỗng có một ngọn gió nghịch mùa vô tình thổi qua, dường như còn cuốn theo cả thứ gì đó len vào trong đôi mắt đang nhắm nghiền của tôi nữa, xót lắm, nước mắt cũng vì thế mà trào ra.

Chẳng hiểu sao tự nhiên lại nhớ tới sư phụ. Ngay khi chuẩn bị chui trở vào trong động bỗng dưng ổng lại quay đầu về, ôm siết lấy thằng tôi còn đang nước mắt nước mũi tèm lem một cái. Rồi tranh thủ lúc Vu Kính vùng vằng quay đầu đi, khẽ thì thầm vào tai tôi: “Huynh ấy cũng cô đơn lắm đấy.”

Sư phụ hẳn là phải căm ghét Vu Kính lắm mới phải chứ, thế nhưng vì sao thầy lại nói với tôi câu ấy? Cái gã Vu Kính này, tôi hoàn toàn không thể hiểu được con người anh ta. Theo lý mà nói thì mỗi ngày có mười hai canh giờ, anh ta đã tốn hết bảy tám canh để ngủ rồi còn đâu, làm gì còn thời gian để mà cô đơn nữa chứ.

Trong lúc tôi còn đang thả hồn theo mây, chợt đâu xuất hiện một bàn tay vươn ra giúp tôi vén lại những lọn tóc bị gió thổi bay tán loạn, “Tôi nguyện nhớ mãi em cho dù là đến hàng nghìn năm sau, chỉ tiếc rằng tôi…” Không một lời nào được thốt ra sau đó nữa.

Trái tim tôi hẫng một nhịp, vội mở choàng mắt ra hỏi ngay: “Tiếc cái gì cơ?”

Vu Kính xoay đầu lại nhìn tôi, đột nhiên mỉm cười. Việc này trước giờ chưa từng có tiền lệ, chỉ một nụ cười điềm đạm, thấp thoáng bên trong là sự cam chịu nhẫn nhục như thế, ́lại có thể khiến trái tim tôi xao xuyến. Muôn vàn ánh sao lấp lánh trên bầu trời kia, chỉ làm nổi bật lên hơn nét hao gầy cô tịch nơi người nọ mà thôi, tựa như anh ta bất cứ lúc nào cũng có thể tan biến đi mất vậy. Dáng hình phảng phất nét u sầu thê lương thế này, khiến người ta không khỏi xúc động khôn cùng. (Sau này nghĩ lại mới thấy, trong một khung cảnh như vậy, cho dù có thay vào đó bằng một cái đầu heo thì cũng sẽ trở thành đầu heo u sầu thôi ấy mà!)

“Chỉ tiếc là anh, đã đến lúc rồi.” Ánh mắt anh nhìn về nơi tăm tối nhất của màn trời đêm thăm thẳm, bình thản nói tiếp, “Mỗi ngày đều phải hồn lìa khỏi xác như vậy, đã làm cạn kiệt hết nguyên khí của anh, xem ra cũng sắp tới ngày đại nạn lâm đầu rồi.”

“Sao lại thế?” Tôi ngồi bật dậy, “Chẳng phải anh rất lợi hại hay sao, anh, anh, anh đó nha, sao có thể chết một cách lãng nhách như vầy được! Đã thế thì sao anh không quay về đi?”

Vu Kính ráng nặn ra một nụ cười méo xệch: “Chết hồi nào đâu mà chết, chỉ là cần phải ngủ thôi, ngủ xong một giấc dài thật dài là ổn, có lẽ là sẽ dài đến mức trong suốt phần đời còn lại của em, hai ta cũng còn có cơ hội ngồi đối ẩm tâm tình như hôm nay nữa rồi.” Rồi anh ta lại như chợt nghĩ tới điều gì, liền vội móc ra mấy viên thuốc để vào lòng bàn tay tôi: “Đây là số thuốc mà anh lấy được từ chỗ sư phụ em, giờ đây đã trở nên vô dụng đối với anh, em cứ giữ lấy mà dùng. Bất Tư hẳn là sẽ không ra ngoài trong một thời gian ngắn đâu, nếu em thấy cô đơn hay buồn chán, thì hãy đút cho mấy con thú non uống, rồi mang nó về chăm sóc, bầu bạn qua ngày. Năm xưa Bất Tư cũng là vì lý do này nên mới đưa em về nuôi đó.”

“Thế thì anh mau quay về đi! Đi ngay bây giờ luôn đi!”

Vu Kính điềm nhiên lắc đầu: “Đã không còn kịp nữa rồi, muộn lắm là tới lúc hừng đông, anh sẽ phải rơi vào trạng thái ngủ thôi.”

Tôi cuống đến hoảng loạn cả lên: “Hay để tôi đi tìm sư phụ ra đây! Ông ấy nhất định sẽ có cách mà!”

“Không cần đâu. Nếu em thật sự quan tâm anh như thế thì hãy ở cạnh anh một lát đi.” Vu Kính tựa người trên xích đu, siết chặt lấy tay tôi, bàn tay trước giờ vẫn luôn ấm áp đó, cớ sao giờ đây lại trở nên lạnh lẽo đến nhường này.

Suy nghĩ của tôi giờ đây lung lắm, không thể nào, thế này thì có khác gì chia xa mãi mãi đâu chứ! Những cuộc ly biệt trong sách viết chẳng phải đều sẽ trải qua một quá trình dài đằng đẵng trước đó hay sao, bước đầu tiên hẳn là hai bên sẽ coi nhau như kẻ thù, bước thứ hai là cùng nhau trải qua vô số thăng trầm, kế đó mới đến đoạn cả hai tâm đầu ý hợp hoặc là một bên sẽ ôm ấp mối tình đơn phương chẳng hạn, sau nữa lại đến phân cảnh hết người này đến người khác nhào vô tranh giành tình cảm của hắn hoặc tôi gì đó, sau khi vượt qua muôn vàn gian nan khổ cực cuối cùng mới tới thời điểm nhân vật chính tử ẹo cơ mà?! Thế thì tại sao tôi với anh ta chưa gì đã nhảy ngay tới đoạn kết rồi thế này? Đương khi tôi còn đang rối như tơ vò, lại thấy anh khẽ nghiêng nghiêng mặt, ung dung ngắm nghía tôi, “Em thật sự lo cho anh đến vậy sao?”

“Đương nhiên rồi! Anh, cái đồ ba trợn này, tốt xấu gì cũng là một mạng người đó có biết không hả!” Tôi đã quẫn trí đến độ chẳng thèm uốn lưỡi bảy lần trước khi nói nữa rồi.

“Thế à.” Vu Kính dòm tôi cả buổi trời, như thể muốn khẳng định lại lần nữa mức độ quyết tâm của tôi, rồi mới cho tay vào trong ngực áo, moi ra một miếng ngọc đỏ rực hình bán nguyệt. Mảnh ngọc phát ra những tia sáng lấp lánh kì ảo, chẳng hiểu sao tôi lại thấy hơi quen quen, giống như đã từng gặp qua ở đâu đó rồi vậy.

“Tôi cóc thèm cái thứ di vật giẻ rách này của anh đâu nhé!” Tôi sụt sùi, nghẹn ngào buông lời cự tuyệt.

Vu Kính vừa bực mình vừa buồn cười, bẹo má tôi một phát: “Thiệt tình, đang sống sờ sờ cũng sẽ bị em chọc cho tức chết luôn đó! Chẳng phải em muốn giúp anh sao? Cầm lấy đi này!”

“Còn cái này nữa.” Anh tháo chiếc đai tơ tằm màu xanh mà bình thường vẫn hay quấn quanh eo xuống, trải rộng ra trước gió rồi mới thấy nó cũng dài tới những bảy thước, rộng tới bốn thước lận chứ chẳng ít, “Thứ này sẽ chở em đến núi Tĩnh, tới nơi rồi thì hãy đi đến hang động sâu nhất nằm dưới chân núi, tìm một vị tu sĩ đeo miếng ngọc giống như vầy, mời ông ấy về đây.”

Một canh giờ sau đó, tôi gục mặt dưới chân núi Tĩnh, tiến hành công tác ói mửa.

Nguyên nhân của vụ này cũng rất chi là… ba chấm: vốn dĩ cứ tưởng là phải mà hiên ngang đứng thẳng trên cái thắt lưng ấy để bay tới đây thì ngầu bá chấy luôn rồi bằng không làm biếng quá thì ngồi bệt ra mặt vải luôn cho nó khoẻ, để dành sức lát đi tiếp, còn mà không được nữa thì đành chịu khó ngồi chồm hổm cũng được nữa, coi như nhân cơ hội này ngắm phong cảnh bên dưới luôn. Kết quả là mới vừa bay ra khỏi quả núi già thân yêu nhà mình, đã bị một trận cuồng phong quét qua, hất văng cả tôi lẫn cái đai xuống đất, khốn khổ thân tôi phải nằm vắt vẻo trên cái sào tre mặc cho gió thổi đu đưa như con mực khô ráng phơi cho đủ một cái nắng vậy, đã thế thì thôi đi, hai chân lại còn bị cái đồ đai lưng chết tiệt kia quấn chặt lấy không động đạy gì được khiến cho tôi phải rơi xuống đây trong tình trạng vó chổng lên trời. Vẫn còn sống sót tới giờ đã là kì tích rồi đó, nay người ta chỉ mới tranh thủ nôn oẹ có tí mà đã la làng la xóm lên là sao hả?

Lại nhớ tới tình cảnh hiện tại của Vu Kính, chẳng biết đã thành ra cái giống gì rồi, không thể tiếp tục lãng phí thêm một phút giây nào nữa. Cố gắng định thần lại, tôi bắt đầu đánh vật với cơn buồn nôn để mà lết cái tấm thân dặt dẹo vào trong núi. Thế nhưng hậu quả của trận chóng mặt hoa mắt này nghiêm trọng hơn tôi tưởng nhiều, khiến cho suốt chặng đường đi cứ tái diễn một cảnh tượng như thế này, hễ tôi đi được mấy bước lại phải dừng lại nôn thốc nôn tháo vài chập, đi rồi lại ói, ói rồi lại đi… May sao giữa đường gặp được một người dưng tốt bụng ban cho mấy lời vàng ngọc, tôi mới hạ được quyết tâm nghỉ ngơi một hồi rồi hẵng đi tiếp, anh chàng đó nói như vầy: “Say tàu say xe này nọ tôi đã thấy nhiều rồi, chỉ riêng có loại người say… cẳng chân như anh là tôi mới thấy lần đầu tiên đó…”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương