Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ
Chương 34: Trà bưởi mật ong

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Trên đường từ xã về nhà, hai người ghé qua vườn rau của thím Uông hái ít đồ. Uông Tễ bứt vài nhánh cải bó xôi và cải cúc non đem về xào, còn đậu nành trong vườn đã già, không ngon để xào nữa. Anh hái một ít mang về hầm chung với đậu hũ nấu canh.

Đậu nành già nếu phơi khô có thể đập ra lấy hạt làm đậu vàng. Đến mùa đông, đem hầm với giò heo thì mềm thơm khó cưỡng.

Ở góc vườn thím Uông còn có một cây su su. Loại này chẳng cần chăm sóc, đến mùa là tự ra quả, nhưng ăn không ngon, gà vịt cũng ít khi thèm. Những quả su su xanh mướt, căng mọng bám trên dây leo, phần lớn chỉ để ngắm.

Về đến nhà, hai người không vội vào trong. Chú chó trong sân đã thức, tự mình ăn xong bữa rồi tung tăng chạy nhảy. Có Phù Tô đứng gần, nó không dám lao vào phá hoa, chỉ vẫy đuôi nghịch ngợm dưới giàn nho.

Giàn nho ở sân trước là hai người cùng dựng hồi mùa hè. Vì trồng trễ nên nho chưa kịp ra trái, giờ đây những cành lá đung đưa trong làn gió thu.

Cả hai ngồi xuống ghế mây. Đậu hũ non mua về vẫn còn ấm. Mở nắp, đường trắng rắc lên trên đã tan một nửa. Dùng muỗng khuấy đều, múc một thìa, vị ngọt dịu và hương thơm của đậu hũ tươi lập tức tan trên đầu lưỡi.

Nhưng trời mát, gió thổi vài cái là đậu hũ nguội ngay. Lúc đầu, Phù Tô còn kiên nhẫn xúc từng muỗng, sau đó thì cầm luôn chén nhỏ chỉ bằng bàn tay, ngửa đầu uống ực như uống sữa đậu nành.

Phần còn lại trong chén của Uông Tễ, anh đẩy qua cho hắn uống nốt.

Phù Tô vốn chẳng kén chọn chuyện này. Hai người quen rồi, chút nước miếng không đáng để phải bỏ phí đồ ăn.

Lên lầu hai, việc đầu tiên là mở cửa sổ. Gió từ núi vào cuối thu mang theo cảm giác dễ chịu mà không hệ thống máy lạnh nào có được.

Không chỉ mát, gió còn mang theo mùi vị riêng, một mùi khô ráo, hoang vắng, đặc trưng của mùa thu trên núi.

Ăn xong đậu hũ, Uông Tễ bắt đầu rán mỡ heo. Đứa trẻ lớn lên ở quê như anh thì chuyện này chẳng có gì xa lạ. Hồi nhỏ, mỗi lần nhà rán mỡ, đứa nào cũng háo hức đợi phần tóp mỡ giòn tan còn lại trong nồi.

Trước đây, mỡ heo trong nhà đều do thím Uông cho. Mỗi lần thím nấu một mẻ, hai nhà ăn cũng được cả tháng.

Đây là lần đầu anh tự làm. Uông Tễ đứng trước bếp, lấy điện thoại lướt qua vài công thức trên mạng. Nhưng các công thức khác nhau quá, nào là chần nước sôi trước, nào là thêm hành tỏi, hồi quế hay rượu để khử mùi…

Xem đến hoa cả mắt, anh quyết định tắt điện thoại, làm theo cách dân dã ngày xưa.

Mỡ heo mua về được rửa sạch, thái miếng. Không cần bước nào cầu kỳ, anh cứ thế đổ thẳng vào chảo.

Để rán mỡ, hôm qua anh còn về nhà tìm lại một chiếc chảo gang cũ, loại không có nhãn mác, được rèn thủ công bởi những người thợ trước đây.

Không thêm nước, mỡ được đảo đều trên lửa nhỏ để ép nước ra từ từ, tránh dính chảo.

Quá trình này khá lâu, và trong lúc đảo không được ngừng tay. Uông Tễ chợt có cảm giác như đang quay về tiết Thanh Minh, khi anh không ngừng tay để sao một mẻ trà.

Nhưng lần này, Phù Tô không giúp được gì.

Thật ra, từ lúc anh thái mỡ heo trên thớt, nhìn những miếng mỡ trắng nhễ nhại, Phù Tô đã nhíu mày.

Đến khi mỡ bắt đầu tan chảy, mùi đặc trưng của nó không thể tránh khỏi lan ra, hắn đứng trước bếp liền buột miệng phát ra tiếng “ọe” đầu tiên.

Tiếng nôn khan của Phù Tô vang lên, khiến cả hắn lẫn Uông Tễ đều sững người.

“Không phải, lúc ăn sao không thấy anh nôn?” Uông Tễ trố mắt, vẻ mặt ngơ ngác.

Nhưng Phù Tô lại đưa tay lên bịt miệng, lần nữa phát ra âm thanh khó chịu, dáng vẻ quý phái kỳ lạ khiến anh không khỏi sửng sốt.

Chẳng còn cách nào khác, nhìn miếng mỡ heo trắng toát trên thớt, hắn lập tức nghĩ đến chén đậu hũ lúc nãy. Liên tưởng ấy, cộng thêm mùi dầu mỡ trong không khí, khiến dạ dày như bị nhồi đầy thứ chất béo ấy.

Phù Tô gắng nén cảm giác buồn nôn, thậm chí còn muốn giúp một tay. Nhưng Uông Tễ liền xua tay: “Thôi, thôi, mỡ heo giờ cũng mười tệ một cân đấy! Đừng để tới lúc tôi đang đảo thì anh nôn thẳng vào nồi.”

Vậy nên, khi cánh tay của Uông Tễ bắt đầu mỏi nhừ, Phù Tô chỉ ngồi cách xa hai mét ở bàn ăn, lặng lẽ nhìn anh, đóng vai trò như nguồn cổ vũ tinh thần.

Mỡ heo khi ráo nước bắt đầu tiết ra dầu, trong vắt và óng ánh. Lúc này, Uông Tễ hạ lửa xuống mức nhỏ, để dầu từ từ chảy ra, hòa vào làn gió mát từ cửa sổ.

Khi tóp mỡ trong chảo chuyển sang màu vàng sậm, mọi thứ coi như hoàn tất. Uông Tễ cẩn thận vớt ra.

Ở quê, người ta thường đựng mỡ heo trong những chiếc thố tráng men, đáy vàng hoa văn giản dị. Uông Tễ đổ đầy hai thố rưỡi, một phần để nhà mình dùng, phần còn lại mang biếu thím Uông.

Mỡ đã đổ xong, giờ còn lại một chảo tóp mỡ vàng rộm.

Hồi nhỏ, Uông Tễ lúc nào cũng háo hức chờ phần tóp mỡ sau mỗi lần ông rán mỡ. Anh nhặt một miếng, thổi nguội rồi cho vào miệng. Vị giòn tan, beo béo, chẳng khác gì ký ức xưa.

“Ngon không?” Lúc này, với sự hỗ trợ của máy hút mùi và gió trời, mùi dầu trong bếp đã dịu đi nhiều. Phù Tô bước tới, tò mò hỏi.

Uông Tễ gắp một miếng đưa qua. Tóp mỡ khá dầu, Phù Tô không muốn cầm tay, hắn cúi đầu ăn luôn, vẻ mặt hài lòng: “Thơm lắm.”

“Anh thì việc chẳng làm được bao nhiêu, ăn thì không chừa thứ gì.”

Phù Tô đưa tay xoa vai phải của anh, từ vai xuống cánh tay, lực vừa phải, hắn cười nhạt: “Tôi cũng giúp rồi còn gì.”

Sau khi rán mỡ xong, buổi sáng coi như rảnh rỗi. Hai người ngồi thư giãn trên sân thượng.

Phù Tô pha hai cốc cà phê. Cốc của Uông Tễ có thêm lớp bọt sữa, hắn còn tỉ mỉ vẽ hoa trên đó. Lượng sữa nhiều, uống xong để lại viền sữa trên môi. Phù Tô nhanh tay chụp lại khoảnh khắc ấy.

Mùa này, cảnh vật trên núi không còn xanh ngát nữa. Nhiều cây bắt đầu ngả vàng, lá rụng rải rác. Nhìn ra xa, một phần những ngọn núi đã nhuốm sắc đỏ.

Cây hồng trên núi cũng ra trái. Ở Vân Lĩnh, hồng nhiều vô số, không chỉ trên núi mà cả sân nhà dân cũng có ít nhất một cây. Vì vậy, hồng chẳng mấy ai để tâm. Ở nơi khác, người ta đã hái hồng phơi khô làm bánh, còn ở đây, trái vẫn lủng lẳng trên cành, như những chiếc đèn lồng nhỏ xinh.

Khi đông đến, lá cây sẽ rụng hết, áo khoác dày thêm, hơi lạnh trong không khí rõ ràng hơn, và gió lạnh táp vào mặt gây tê buốt, hồng trên cây lúc ấy đã chín mọng.

Dưới gốc cây, chỉ cần cầm cây gậy nhẹ nhàng đập vào cành, hồng rụng xuống mềm mịn, bóc vỏ ra là ăn được ngay. Thịt quả bên trong ngọt lịm, sánh như mật ong, chẳng cần cắn mà chỉ đưa đến miệng hút, hương vị tràn ngập.

Những trái hồng này cũng là nguồn lương thực giúp chim chóc trên núi vượt qua mùa đông.

Buổi trưa ăn xong, họ không vội ngủ mà ra ngoài đi dạo.

Khi đi ngang nhà, Uông Tễ vào trong lấy một gói thuốc, rồi chậm rãi bước xuống con đường rợp lá rơi.

Chú chó ban đầu còn ngoan ngoãn đi theo, nghe tiếng lá khô kêu xào xạc dưới chân. Nhưng chẳng bao lâu, nó thấy chán, tự chạy vào ruộng nằm ngủ.

Qua một gốc đào bên đường, Phù Tô giơ tay chạm vào cành cây.

Uông Tễ nhìn thấy, bất giác nhớ về chiều hè nọ, hoàng hôn nhuộm đỏ cả bầu trời, hương đào ngọt dịu phảng phất, anh khẽ cười: “Sang năm lại có nữa.”

Đi thêm khoảng mười phút, cả hai đến trước một cổng sân rộng mở. Trong bếp, có người đang rửa bát. Ngoài sân, một người đàn ông trung niên ngồi tách ngô khô. Những hạt ngô được bóc ra dùng để nuôi gà vịt hoặc xay thành bột ngô. Đến mùa lạnh, ngô còn được dùng làm bánh áp chảo ăn kèm món hầm.

“Chú ơi.” Uông Tễ đứng ngoài cổng gọi.

Người đàn ông nghe tiếng bèn đứng lên: “Định hái bưởi à?”

“Dạ đúng rồi.” Uông Tễ gật đầu.

Ở Vân Lĩnh cây bưởi rất hiếm, hầu như chỉ có một cây duy nhất do chú này trồng. Vì cháu gái chú thích ăn bưởi nên chú đã cất công mang giống từ nơi khác về trồng.

Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây bưởi lớn nhanh, lại rất “trách nhiệm”. Chỉ sau ba năm trồng, nó đã ra hoa kết trái. Nhưng cũng vì quá “trách nhiệm”, trái ra nhiều đến mức không ai ăn xuể. Thành thử, mỗi mùa bưởi chín, cả làng ai cũng có phần, có thể đến hái vài quả mang về.

Chú Uông trước khi đi Bắc Kinh mấy hôm đã dặn Uông Tễ: “Đừng ngại. Ai trong làng cũng hái cả, về để trong nhà còn thơm. Mà tranh thủ đi hái giờ ăn cơm đi, lúc này ít việc đồng áng, vợ chồng họ thường sang xã đánh bài, không ở nhà đâu.”

Quả nhiên, người đàn ông trung niên cũng nói thêm: “Các cháu đến đúng lúc đó. Vợ chú rửa bát xong, vợ chồng chú cũng phải đi thôi, bên kia đang thiếu người kìa, hai bên đều ba thiếu một cả rồi.”

Cuộc sống ở quê là vậy. Đến mùa thu đông, việc đồng áng giảm bớt, người đi làm xa cũng lần lượt quay về. Trong túi có tiền, lại rảnh rỗi, mà các hoạt động giải trí chẳng phong phú như ở thành phố, thế là mọi người tụ tập đánh bài, chơi mạt chược để giết thời gian.

Cây bưởi nằm sau nhà, cao vừa phải, chỉ vượt nhẹ qua mái ngói. Trái sai oằn cây, đến mức nhánh nào nhánh nấy cũng như sắp gãy, chỉ cần nhìn thoáng qua đã thấy đếm không xuể.

“Nhiều quá, thật sự nhiều quá,” người đàn ông nhìn cây, lắc đầu than thở. “Hồi trước chú còn hay bày ghế nằm dưới gốc, phơi nắng nghe sách nói. Giờ thì đâu dám, sợ nó rụng xuống đập trúng đầu.”

Bắt đầu hái bưởi, dưới gốc có sẵn một cái ghế nhỏ để đứng lên với tới trái cao. Nhưng Phù Tô cao ráo, chỉ cần kiễng chân là hái được những trái gần tầm. Uông Tễ đứng cạnh đó, làm nhiệm vụ nhận trái.

Người đàn ông bên cạnh thì không ngừng giục: “Hái nhiều vào, hái thêm đi, trái tròn này nè, hái trái đó luôn, ừ, trái kia cũng tròn, hái cả đi…”

Ban đầu, Uông Tễ chỉ định hái vài quả, thậm chí còn không mang giỏ, nghĩ cầm tay vài trái là đủ về nhà. Ai ngờ, cuối cùng người đàn ông ép buộc, nhét cho nguyên một bao đầy ụ.

Không phải túi nilon, mà là một cái bao gai to đùng.

Trước khi rời đi, Uông Tễ móc gói thuốc trong túi áo ra đưa cho người đàn ông. Hai bên kẻ nhường người đẩy, giằng co mãi cuối cùng chú mới chịu nhận. Nhưng trong lúc họ không chú ý, chú lại lén nhét thêm hai quả bưởi vào bao.

Hai người mỗi người xách một bên bao gai, khệ nệ khiêng bưởi về nhà. Phù Tô vừa đi vừa nghĩ đến cảnh tượng lúc nãy: “Đúng là rất biết giằng co.”

Một gói thuốc nhỏ, mà qua tay Uông Tễ với chú tới lui đến mấy lần, nhìn chẳng khác gì hai người đang luyện khinh công.

Uông Tễ cũng ngán ngẩm mà nói: “Ở quê ai cũng vậy. Đến Tết lì xì cho con nít còn kéo co hơn, mà kéo đến mức trở thành thói quen luôn rồi.”

Bao nhiêu trái bưởi vàng ươm, tròn trịa, giữ lại một trái để trong sân cho chó chơi, mấy trái còn lại dùng để nấu trà.

Thật ra, mùa này đúng ra phải nấu cao lê mùa thu. Sau núi có một cây lê, nhưng từ lúc trở về từ Hàng Châu, bận bịu nên quên mất. Nghe chú Uông bảo trong làng có bưởi, Uông Tễ nghĩ nấu trà bưởi mật ong cũng hay.

Bưởi được đổ từ bao gai ra, chưa kịp gọt vỏ mà mùi thơm nhẹ, thanh thanh đã thoang thoảng trong không khí.

Hai người xếp bưởi ngay ngắn. Vì trưa không ngủ, giờ mà ngủ nữa sợ tối lại trằn trọc. Trong phòng khách có cả ghế sô-pha lẫn ghế nằm, mỗi người chọn một chỗ để chợp mắt.

Nấu trà không vội, mùa thu đông ở núi chậm rãi và dài dằng dặc, thời gian còn nhiều, không nhất thiết phải làm ngay hôm nay.

Uông Tễ nằm nghiêng trên ghế sô-pha, ôm gối che bụng, khẽ ngáp dài.

Ngoài trời, mây trắng bồng bềnh, lá rụng báo thu.

Anh nghiêng đầu nhìn Phù Tô đang nhắm mắt, thả lỏng người trong chiếc ghế nằm khẽ đong đưa. Lông mi rủ xuống như đôi cánh mỏng của loài bướm dại.

Uông Tễ nhắm mắt lại.

Phút chốc, những phiền muộn tan biến, nhường chỗ cho sự an yên, thư thái.

Không lo buồn vô cớ.

Mặt trời vào cuối thu ở Vân Lĩnh chỉ rực rỡ từ sáng đến trưa, tầm bốn, năm giờ chiều trời đã xám xịt, gió thổi lá rụng, mây đen phủ lơ lửng cuối trời, gợi cảm giác cô quạnh, tiêu điều.

Nhưng trong ngôi nhà nhỏ, ánh đèn ấm áp rực sáng, xua tan mọi giá lạnh.

Hai người đang bận rộn nấu trà bưởi mật ong. Số bưởi chất ở góc bếp đã để đấy ba, bốn ngày, hôm nay mới nhớ ra mà bắt tay vào làm.

Họ chia nhau công việc: rửa bưởi, gọt vỏ, tách múi, lột lớp cùi trắng, thái nhỏ vỏ bưởi rồi cho vào nồi luộc…

Khâu chuẩn bị thật sự tỉ mỉ, bận bịu cả buổi chiều mà còn chưa đến giai đoạn nấu. Hai người ngồi trước quầy bếp, vẫn đang cẩn thận tách từng sợi xơ trắng và hạt khỏi múi bưởi.

Uông Tễ nghiêm túc làm việc, còn Phù Tô thì cứ làm một nửa, ăn một nửa. Không khí thoang thoảng vị chua nhẹ của múi bưởi tươi vừa cắn.

“Bảo sao chú kia nói cháu gái chú không thích ăn bưởi nhà trồng. Chua thế này, trẻ con ăn nhiều chắc rụng răng mất.”

Loại bưởi này là bưởi đỏ truyền thống, nhiều nước nhưng không ngọt.

“Vậy mà anh ăn nhiều thế?”

“Răng tôi khỏe.” Phù Tô lại bẻ thêm một miếng bỏ vào miệng.

Chuông báo thức trên điện thoại reo. Uông Tễ đứng dậy, vận động tại chỗ vài động tác. Phù Tô vừa nhai nốt miếng bưởi vừa đứng lên đi theo anh.

“Mai chạy xe xuống bệnh viện khám đi.” Hắn nói.

“Không sao.” Uông Tễ xoa xoa chỗ thắt lưng, “Chắc mấy ngày nay ngồi lâu trên ghế sofa, ít vận động quá.”

Đau lưng do ngồi làm việc nhiều, không chú ý là tái phát, nhưng không nghiêm trọng. Dân văn phòng giờ ai cũng đau cột sống, đau cổ vai gáy, đến bệnh viện khám mà bác sĩ đôi khi chỉ dặn dò vài câu rồi cho về.

Trong tủ thuốc có miếng dán giảm đau, hôm qua đi trạm y tế xã anh đã mua sẵn. Phù Tô đi tới lấy ra một miếng.

“Cởi áo ra.” Hắn xé bao bì, ngón tay gõ nhẹ lên áo len của Uông Tễ.

Dưới lớp áo len còn một cái áo khác, vạt áo nhét trong quần. Uông Tễ dùng một tay kéo áo ra.

Mặc nhiều lớp quá. Phù Tô ấn nhẹ ngón tay lên lưng anh, không dán ngay mà rà qua một lượt, lòng bàn tay lướt qua, hỏi: “Chỗ này phải không?”

Trong nhà ấm áp, tay hắn cũng không lạnh, nhưng khi chạm vào, Uông Tễ vẫn thấy hơi ngại ngùng: “…Ừm.”

Phù Tô rút tay lại, dán miếng thuốc lên, ngón tay miết nhẹ để thuốc bám chắc hơn.

“Xong rồi.” Hắn nói.

Uông Tễ thả áo len xuống, chỉnh lại lớp áo trong, cẩn thận nhét vạt áo vào quần.

Mùi thuốc bốc lên, Phù Tô rút khăn ướt lau tay, rồi trở lại ngồi ở quầy bếp:

“Thiệt chứ, trẻ vậy mà lưng đã yếu rồi…”

“Nè,” Uông Tễ ngẩng đầu, tay giữ cạp quần, “tôi cảnh cáo nha, nói năng cho cẩn thận, đừng có mà bừa bãi.”

Phù Tô tựa vào quầy, chống tay lên thái dương, khẽ cười nhìn anh.

“Được rồi, tôi sai.” Ánh mắt hắn lướt qua đoạn eo lộ ra của Uông Tễ, cười mỉm: “Lưng cậu cũng đâu đến nỗi tệ.”

Không nói lưng có tốt không, chỉ biết dáng người thì rất ổn.

Đến khi cả bàn đầy múi bưởi đã được bóc sạch, trời bên ngoài cũng tối hẳn.

“Ăn cơm xong rồi nấu trà sau.” Uông Tễ đề nghị.

Bữa tối rất đơn giản. Hôm trước anh nấu mỡ lợn, còn thừa một nồi tóp mỡ. Uông Tễ băm cà rốt, thái khoai lang và bắp cải nhỏ, trộn làm nhân, gói thành bánh bao và há cảo, nhét đầy ngăn đông tủ lạnh.

“Tối nay ăn bánh bao hay ăn há cảo?”

“Bánh bao đi, há cảo ăn mệt lắm.” Phù Tô chống tay lên bếp, lười biếng trả lời.

Miệng thì không ngừng ăn, nhưng tay thì mỏi.

“Một lần anh ăn đến bốn chục cái, không mệt mới lạ.” Uông Tễ vừa nói vừa đổ nước vào nồi hấp.

Phù Tô mở tủ lạnh, lấy bánh bao ra. Ngăn đông toàn túi bảo quản, bánh bao hay há cảo đều được chia phần sẵn đủ cho hai người ăn một bữa.

“Đổi qua nhân chay thì chỉ ăn được hai chục cái.”

“Anh thật nên ra ngoài Bắc,” Uông Tễ vừa thao tác trên điện thoại vừa nói, “Nghe nói ở đó há cảo cân ký bán, nhân thì đầy ú ụ, anh ăn chắc vừa một mâm.”

“Mâm gì?” Phù Tô đặt bánh bao vào nồi hấp.

Uông Tễ tìm hình trên mạng, đưa điện thoại cho hắn xem: “Mâm này đây. Há cảo luộc xong có vân của mâm in lên, nhìn cũng đẹp mắt.”

Há cảo bên này thường gói dài, dẹt, không tròn trịa, mũm mĩm như vậy.

Phù Tô xem hình, tỏ vẻ hứng thú. Ở trong núi lâu quá, hắn nói: “Vậy khi nào rảnh mình làm chuyến đi thử xem.”

Đối diện với cách nói như thể “chúng ta” của Phù Tô, Uông Tễ thoáng dừng lại một chút, sau đó lựa chọn im lặng.

“Chẳng lẽ cậu để tôi đi một mình sao?” Phù Tô liếc nhìn anh.

Là một người trưởng thành, hơn nữa còn là một người trưởng thành rủng rỉnh tiền bạc, Uông Tễ bình thản nhìn lại hắn: “Chẳng lẽ anh không đi một mình được, còn cần người hộ tống à?”

“À,” Phù Tô thật sự gật đầu, “nhỡ tôi phát bệnh thì sao? Một mình ở chỗ xa lạ không ai quen biết cả.”

Uông Tễ không vui khi nghe kiểu nói này: “Nói chuyện đừng xui xẻo vậy được không?”

Phù Tô cười nhạt: “Nên tôi mới nói là ‘nhỡ đâu’ mà.”

Bánh bao được xếp gọn gàng trong xửng hấp. Uông Tễ bật bếp, vừa quay núm lửa vừa nói: “Trước đây anh đi xa một mình bao lần rồi, có lần nào xảy ra chuyện gì đâu. Nói những lời đó chỉ tổ gở miệng thôi. Anh là dân ABC, chắc chẳng hiểu.”

Phù Tô khựng lại vài giây, sau đó nhướn mày, vẻ mặt đầy hứng thú: “Vậy hả? Trước đây tôi đã đi xa một mình như thế nào?”

Uông Tễ chậm rãi quay đầu nhìn hắn.

Hai người nhìn nhau, không ai nói gì.

Một lúc sau, Uông Tễ mới cất tiếng: “Không phải anh từ Canada chạy về đây à?”

Từ lúc trở về từ Hàng Châu, Uông Tễ đã lén xem toàn bộ tài khoản Instagram của Phù Tô, từ những bài đăng đầu tiên đến giờ. Tài khoản được lập cách đây vài năm, bức ảnh đầu tiên chụp tại sân bay. Sau đó, hắn đã đi qua châu Âu và Bắc Mỹ, thậm chí trở về Trung Quốc, từng tham dự một triển lãm giống như nhiếp ảnh gia mà họ quen biết từng nhắc đến. Cũng vào mùa thu đó, Phù Tô đã đứng ở công viên Cảnh Sơn chụp bức ảnh mặt trời lặn sau Tử Cấm Thành.

Trong lòng Uông Tễ vừa hồi hộp vừa dè chừng, sợ rằng việc mình biết tài khoản của hắn sẽ bị phát hiện.

Nhưng Phù Tô dường như bị câu nói của anh qua loa ứng phó khiến phân tâm, chỉ gật đầu: “Cũng đúng.”

Uông Tễ vừa thở phào nhẹ nhõm, Phù Tô lại nói thêm: “Thôi bỏ qua chuyện Đông Bắc trước đã. Nhưng còn vụ Hoàng Sơn, cậu hứa với tôi rồi, không định quỵt đâu nhỉ?”

Hoàng Sơn?

Trong cơn căng thẳng, Uông Tễ cố nhớ lại. Hình như lúc đi Hàng Châu anh từng nói với hắn, sẽ dẫn hắn đi thử món đậu phụ mốc nổi tiếng của vùng đó.

“Được, có dịp sẽ đưa anh đi.” Anh gật đầu nhận lời, chỉ cần qua được tình huống này thì đi núi nào cũng không thành vấn đề.

Hơi nước bốc lên từ xửng bánh bao. Phù Tô rửa rau sạch sẽ, bắt đầu trộn salad.

Hắn ăn uống không kiêng cữ gì, có chi thì ăn nấy. Từ lúc dùng bữa cùng Uông Tễ, món dầu mỡ, cay, mặn, chiên xào đều không hề kén chọn. Chỉ duy nhất giữ thói quen là mỗi ngày phải ăn một tô đầy rau xanh. Uông Tễ sống chung lâu ngày, dần dà cũng quen với cách ăn này.

Bánh bao mềm xốp, cắn một miếng là ngập tràn hương vị. Nhân bên trong, cải bắp và cà rốt hòa quyện, làm giảm bớt vị ngậy của tóp mỡ. Miến khoai lang thái nhỏ thêm vào lại khiến nhân có chút dẻo bùi.

Uông Tễ thưởng thức tài nghệ nấu ăn của mình, không kìm được mà khen: “Nghỉ ngơi vài năm nữa, tôi mở cái tiệm nhỏ dưới thị trấn. Biết đâu làm được một sự nghiệp mới cũng nên!”

Phù Tô nuốt xong miếng bánh bao, mặt mũi đầy kích động, đáp lại: “Nhân là tôi trộn mà. Lỡ đâu sau này cậu thuê tôi làm phụ bếp, người nhà, làm thì yên tâm!”

Uông Tễ chỉ mải nhai bánh, chẳng buồn trả lời. Anh không thích nói về “chuyện sau này” với Phù Tô. Hễ nghe đến hai chữ đó, anh hoặc là đổi chủ đề, hoặc là im lặng.

Cuộc đời giống như một dòng sông dài, nhưng ký ức thì không.

Thời gian quả thật kỳ diệu. Nó nhẹ nhàng xóa nhòa những ngày tháng bình lặng, chỉ chừa lại vài khoảnh khắc đáng nhớ – hoặc là sáng ngời, hoặc là đau đớn. Vì vậy, ký ức chỉ là những mảnh ghép vụn vặt.

Từ khi Uông Tễ quay về đây, ngay khoảnh khắc anh bước chân lên ngọn núi này, qua làn sương mờ ảo của mùa xuân mà nhìn thấy căn nhà nhỏ đằng xa, thì Phù Tô đã là một phần trong đoạn ký ức này của anh.

Nhưng cũng chỉ là “đoạn” này mà thôi.

Với Uông Tễ, đoạn đời này rất quan trọng. Nhưng lý trí mách bảo rằng với Phù Tô, đây có thể chỉ là một đoạn ngắn ngủi, nhẹ nhàng. Nhẹ đến mức giống như những bức ảnh hắn chụp – dù có yêu thích hay tán dương thế nào, thì khoảnh khắc máy ảnh bấm nút, hình ảnh đã hóa thành vĩnh hằng. Sau khi đóng ống kính, hắn sẽ buông máy xuống mà rời đi.

Nghĩ đến đây, miếng bánh bao trong miệng suýt làm Uông Tễ nghẹn. Nhưng thôi, bánh vẫn ngon mà.

Nhìn vào ánh mắt của Phù Tô, Uông Tễ đáp qua loa: “Để sau nói đi.”

Phù Tô không vội, ngón tay vô thức gõ nhịp lên bàn, chậm rãi. Đến khi Uông Tễ chú ý, ngước mắt nhìn qua, hắn mới dừng lại. Sau đó, chẳng nói chẳng rằng, hắn xiên miếng salad đưa vào miệng.

Bữa tối xong, cả hai bắt tay nấu trà bưởi.

Nồi đất đổ đầy nước lọc, cho vào phần múi bưởi đã tách nhỏ, ít vỏ bưởi thái sợi và hai viên đường phèn. Đầu tiên đun lửa lớn đến sôi, rồi hạ nhỏ lửa, nấu liu riu đến khi nước sệt lại.

Nấu một nồi trà bưởi đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng.

Ban đầu, nước trong nồi còn nhiều, không lo bị khê. Uông Tễ bỏ chiếc muôi sang một bên, tựa vào bàn đảo bếp nghỉ ngơi.

Phù Tô đi xuống sân cho chó ăn. Khi con chó quay về, vừa ăn hạt vừa phấn khích sủa vài tiếng. Trời lạnh, đôi khi Phù Tô mở thêm một hộp đồ ăn cho nó. Con chó thích lắm, vừa ăn vừa nũng nịu, một bữa cho ăn kéo dài cả chục phút.

Uông Tễ cảm thấy mệt mỏi, nằm úp mặt lên bàn đảo, nhắm mắt.

Không rõ mệt ở đâu, chỉ biết là lòng anh nặng nề.

Mặt bàn đá khá cứng, xương sườn anh chạm mép, đau ê ẩm.

Biết dịch qua chút sẽ bớt đau, nhưng Uông Tễ không muốn nhúc nhích. Mệt mỏi làm anh thấy lười, mặc kệ, dù đau vẫn chẳng buồn cử động.

Nằm như thế một lát, anh cảm giác mình như đã ngủ. Nhưng thật ra không ngủ, vì ý thức vẫn biết mình tỉnh, chỉ là đầu óc trống rỗng, hồn như bay bổng ở ngoài thân thể – một cảm giác kỳ lạ khó diễn tả.

Bình thường, anh kiểm soát rất tốt khoảng thời gian này. Nhưng hôm nay, mọi thứ như trật nhịp, không rõ đã qua năm phút, hay mười phút?

Nghĩ bụng, chắc Phù Tô sắp lên rồi. Xương sườn bắt đầu đau hơn, Uông Tễ chống tay ngồi dậy, nhưng lập tức sững sờ.

Dưới ánh đèn, Phù Tô nghiêng người dựa vào khung cửa, không biết đã đứng đó từ khi nào.

“…Gặp người yếu tim chắc bị anh dọa chết khiếp luôn rồi đó.” Uông Tễ lẩm bẩm.

Có vẻ hôm nay không chỉ lệch thời gian. Anh thả hồn quá xa. Đến cả bước chân của Phù Tô khi lên cầu thang, anh cũng chẳng hề nghe thấy.

“Cứ nghĩ cậu ngủ rồi.” Phù Tô lên tiếng.

“Không có.”

“Vậy nằm bò ra làm gì?” Phù Tô bước lại gần quầy bếp.

Vừa thấy hắn đến, Uông Tễ đứng bật dậy, hoàn toàn là phản xạ vô thức.

“Có phải chơi bập bênh đâu.” Phù Tô thở dài.

Uông Tễ nói: “Tôi đứng lên xem nồi trà bưởi có bị cháy không.”

Còn lâu mới cháy, nước trong nồi vẫn chưa cạn, nhưng Uông Tễ vẫn cầm lấy muỗng gỗ khuấy vài cái, trông bận rộn ra trò.

“Uông Tễ.” Phù Tô nhẹ nhàng gõ đầu ngón tay lên bàn.

Rất ít khi hắn gọi tên đầy đủ của Uông Tễ như vậy.

Uông Tễ quay đầu lại.

Phù Tô nói: “Mình nói chuyện một chút đi.”

“Nói chuyện một chút” và “nói chuyện phiếm” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Trong mắt Uông Tễ, khi ai đó muốn “nói chuyện phiếm” với bạn, đó là một kiểu tự nhiên, không có mục đích cụ thể, có thể bắt đầu từ chuyện hôm nay trời đẹp đến kế hoạch ăn chân giò vào tối mai.

Nhưng khi một người đề nghị “nói chuyện một chút”, thì chắc chắn là họ nhắm đến một chủ đề nhất định.

Khoảnh khắc đó, Uông Tễ gần như hiểu ra Phù Tô muốn nhắm đến điều gì.

Anh nắm chặt tay, không thể kiểm soát được cảm giác hồi hộp.

Gió thổi, cây ngoài cửa sổ bếp xào xạc rung động. Trong nồi trà bưởi đang sôi lăn tăn, tỏa ra một mùi thơm thanh dịu pha lẫn chút vị đắng chát.

Trên quầy bếp đặt một chiếc cốc sứ, ngón tay Uông Tễ khẽ lướt qua quai cốc: “Nói gì đây?”

“Nói về những nơi tôi đã đi qua một mình.”

Phù Tô đi thẳng vào vấn đề, ánh mắt hắn chân thành: “Cậu đã thấy tài khoản của tôi đúng không?”

Uông Tễ siết chặt chiếc cốc trong tay: “…Ừm.”

“Tôi không cố ý…” Anh lúng túng tìm cách giải thích, nhưng chỉ vừa nói được nửa câu đã bị Phù Tô nhẹ nhàng ngắt lời.

“Không cần giải thích chuyện đó.” Phù Tô nhìn anh, giọng điềm tĩnh: “Cậu đã xem rồi, vậy có gì muốn hỏi tôi không?”

Không hiểu sao, ngay khi Phù Tô nói ra câu đó, cảm giác căng thẳng trong lòng Uông Tễ bỗng chùng xuống một nửa. Như một tấm kính vỡ nứt, thoạt đầu khiến người ta hoang mang, nhưng khi nó hoàn toàn tan tành, lại mang đến một sự nhẹ nhõm kỳ lạ.

Uông Tễ buông tay khỏi chiếc cốc, ngẩng đầu lên. Anh là một người trưởng thành, giữa những người trưởng thành, khi nhắc đến tình cảm, dù là chủ động hay bị động, đều cần có sự cân bằng.

Anh nói: “Tôi nên hỏi, hay nên chất vấn?”

Phù Tô bật cười, hắn hơi nghiêng người về phía trước, bàn tay đặt hờ trên mặt bàn cũng khẽ dịch chuyển, chỉ còn cách ngón tay Uông Tễ một chút: “Cái nào cũng được, nhưng tôi mong không phải vế sau.”

Hai người đều biết rõ câu hỏi cần đặt ra là gì, nhưng Uông Tễ bất ngờ chuyển hướng: “Tôi quay về đây, lý do thì anh biết rồi.”

Phù Tô gật đầu.

Họ ít khi nhắc về quá khứ, nhưng những lời nói vụn vặt trong các cuộc trò chuyện đủ để hắn hiểu về quãng đời đơn giản của Uông Tễ.

“Còn anh thì sao?” Uông Tễ hỏi, “Muốn công bằng, thì anh không được làm người bí ẩn mãi.”

Phù Tô mỉm cười: “Không có gì bí ẩn đâu.”

Có những chuyện không nói ra không phải vì không thể, mà chỉ là chưa tìm được cơ hội thích hợp.

Bài đăng thứ hai trên tài khoản của Phù Tô xuất hiện vào mùa đông bốn năm trước, cách bài đăng đầu tiên chỉ hai ngày.

Khung cảnh tĩnh lặng của một hồ băng trên núi tuyết, Mộng Liên Hồ phủ kín băng giá, thế giới trong ống kính như chìm vào giấc ngủ đông vĩnh cửu.

Phù Tô hồi tưởng: “Năm đó đầu năm tôi bị bệnh, sau đó phải điều trị liên tục. Tài khoản này được lập khi bệnh tình đã có dấu hiệu cải thiện.”

Bốn năm trước, sau một chuyến công tác dài ngày, Phù Tô bắt đầu sốt nhẹ.

Dự án trong tay đã gần hoàn thành, mà những năm ấy hắn tập trung toàn lực vào công việc, tuyệt đối không để chuyện cá nhân làm trễ tiến độ. Vì vậy, hắn uống thuốc hạ sốt, cố gắng cầm cự. Đợi dự án kết thúc, thậm chí chưa kịp tham gia tiệc mừng, hắn đã được trợ lý chở thẳng đến bệnh viện.

Sốt nhẹ chuyển thành sốt cao, Phù Tô phải nằm viện nửa tuần. Công việc ùn ứ không ngừng, hắn bỏ qua lời khuyên của bác sĩ, quyết định xuất viện sớm.

Mọi người khi đó đều nghĩ rằng cơn bệnh bất ngờ này chỉ là một điểm dừng nhỏ trên con đường bằng phẳng của hắn. Xét cho cùng, Phù Tô chăm tập thể dục, ăn uống điều độ, báo cáo sức khỏe hàng năm luôn thuộc hàng lý tưởng.

Thế nhưng, vài ngày sau, vào một buổi sáng, sau khi chịu đựng cơn đau ở thái dương suốt cả đêm, hắn bắt đầu bị ù tai ở cả hai bên.

Ban đầu, hắn vẫn cố gắng đến công ty. Nhưng trong một cuộc họp định kỳ hàng tháng, giữa những tòa nhà chọc trời, Phù Tô ngồi trên ghế, dáng vẻ chỉnh tề trong bộ vest may đo vừa vặn. Hắn trẻ tuổi như vậy, đã vươn lên đến trung tâm tài chính thế giới. Thế nhưng, khi cố gắng chịu đựng cơn ù tai quen thuộc, hắn chợt nhận ra thế giới xung quanh mình bỗng chốc như bị tắt âm.

Có những căn bệnh khó lòng lý giải, như thể định mệnh muốn can thiệp. Sau hơn hai mươi năm sống một cuộc đời thuận buồm xuôi gió, cuối cùng định mệnh cũng trao cho Phù Tô một phép thử đầy khắc nghiệt để nhấn mạnh sự công bằng.

Bị chẩn đoán mắc chứng điếc thần kinh đột ngột, chỉ trong hai tuần ngắn ngủi, tình trạng của hắn diễn biến từ ù tai, ảo thính, đến mất thính lực nhanh chóng, buộc phải dùng máy trợ thính.

“Rồi tôi nghỉ việc, quay về Canada.” Phù Tô kể lại bằng giọng điềm tĩnh.

Bệnh tình không thể giấu được nữa, ba mẹ hắn vội vàng bay sang Mỹ khuyên hắn từ bỏ công việc để về nhà. Sau khi trở lại Toronto, họ gần như tìm đến tất cả các bác sĩ tư ở đó, thậm chí cả những thầy thuốc Đông y trong cộng đồng người Hoa.

Hỏi về nguyên nhân, bác sĩ nói có thể là do áp lực công việc, thiếu nghỉ ngơi, hoặc trạng thái tâm lý. Nhưng chẳng ai có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng. Hỏi về khả năng hồi phục, họ chỉ ngập ngừng đáp rằng cơ hội là rất mong manh.

Từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu, đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời Phù Tô. Cách hắn lớn lên và được giáo dục đã khiến hắn quen với việc kiểm soát mọi thứ. Lần đầu tiên, hắn chẳng thể làm được gì ngoài phối hợp với bác sĩ, bám víu vào tia hy vọng mong manh rằng căn bệnh này sẽ chữa được.

“Nhưng tôi vẫn còn may mắn.” Nói đến đây, Phù Tô khẽ mỉm cười với Uông Tễ.

Sau một thời gian dài điều trị, trước khi mùa đông đến, bệnh tình vốn nghiêm trọng của hắn đã có những tiến triển tốt không ngờ.

Nhưng Uông Tễ biết mọi chuyện chưa phải đã kết thúc. Tài khoản của Phù Tô đăng bài đều đặn suốt hai năm, nhưng bất ngờ ngừng lại vào năm ngoái. Anh cũng nhớ rõ lúc mới quen, Phù Tô từng giải thích về vấn đề thính lực: “Sau khi điều trị, bệnh tình có cải thiện, nhưng năm ngoái lại trở nặng.”

Năm ngoái bệnh trở nặng, và nửa cuối năm hắn xuất hiện ở Vân Lĩnh.

“Giữa chừng đã xảy ra chuyện gì sao?”

Phù Tô nói: “Chắc tôi chưa kể, ba tôi có một công ty ở Canada, tôi còn có một người em trai.”

Chỉ với hai câu nói ngắn gọn, trong đầu Uông Tễ lập tức hiện lên vô số tình tiết ly kỳ thường thấy trong phim truyền hình.

Thấy Phù Tô không có vẻ gì nặng nề, anh đùa: “Anh tranh gia sản thất bại, bị đày đến đây hả?”

Phù Tô cười nhạt: “Cũng gần như vậy.”

Ba của Phù Tô, Phù Lãng, trước đây làm trong lĩnh vực đầu tư vốn tư nhân, sau đó thành lập công ty riêng, mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng và bất động sản.

Em trai hắn, Phù Minh, kém hắn bốn tuổi. Ba hắn dành phần lớn thời gian cho công việc, mẹ sau khi sinh Phù Minh được nửa năm đã quay lại trường cũ để giảng dạy. Bận rộn là vậy, người lớn ít khi ở nhà, nên Phù Minh lớn lên dưới sự đồng hành của anh trai.

“Thế sao lại…” Uông Tễ ngập ngừng.

Phù Tô đáp: “Có lẽ chính vì thế mà tôi quá khắt khe với nó.” Sau khi ngẫm nghĩ rất lâu, hắn mới chọn từ “khắt khe” để miêu tả.

Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp, Phù Tô quyết định ở lại Mỹ, vào làm tại một ngân hàng đầu tư. Vài năm sau, Phù Minh ra trường, trở về Canada, làm trong công ty gia đình. Những năm đó, Phù Tô bận rộn với công việc, chỉ thỉnh thoảng về Canada để đoàn tụ gia đình. Trong những lần ấy, Phù Lãng thường kể hắn nghe về tình hình của Phù Minh trong công ty, tốt hay xấu, hắn đều thẳng thắn nói rõ ngay trước mặt em trai.

Điều này khiến mẹ thường kín đáo nhắc hắn rằng, dường như Phù Minh sợ anh trai mình còn hơn sợ ba mẹ.

Lúc đó, Phù Tô chỉ coi lời mẹ là câu đùa. Anh cả như cha, hắn đã đồng hành cùng Phù Minh từ những ngày thơ bé. Hắn là người chứng kiến những bước đi đầu tiên, lần đầu chạy, cũng là người dạy em cưỡi ngựa, leo núi.

Hắn đã dồn không biết bao nhiêu thời gian, tâm sức và tình cảm cho người em trai này. Nếu nói có một phần sợ hãi, thì hắn tin rằng chín phần còn lại là sự tin cậy và phụ thuộc.

Sau khi bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe Phù Tô không còn phù hợp để quay lại ngân hàng đầu tư. Hai năm đó, hắn chủ yếu dưỡng bệnh, đồng thời đi du lịch một mình để thư giãn.

Phù Lãng lúc này cũng đã có tuổi, nên sau vài lần được ba thuyết phục, Phù Tô bắt đầu tiếp xúc với công việc của công ty.

Mâu thuẫn bùng nổ vào đầu năm ngoái, khi Phù Minh do sai lầm trong phán đoán và quyết định đã khiến dự án bị đình trệ, chi nhánh rơi vào khủng hoảng, kéo theo cả tổng công ty gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn.

“Chạy theo lợi ích trước mắt.” Lúc đó, gương mặt Phù Tô lạnh lùng, chỉ buông ra bốn chữ ngắn gọn trong buổi họp.

Trong mắt hắn, sai lầm trong phán đoán là điều có thể thông cảm, nhưng vấn đề lớn nhất lại nằm ở tâm lý của Phù Minh.

Không ai ngờ rằng, chính bốn chữ này lại khiến Phù Minh phản ứng dữ dội đến vậy.

Không ai trong số họ biết rằng, trong thế giới của Phù Minh, anh trai cậu là mặt trời chói chang luôn treo trên đỉnh đầu. Suốt hơn hai mươi năm, cậu sống dưới ánh sáng rực rỡ ấy, cảm giác bức bối, bất an, như thể bất cứ lúc nào mình cũng sẽ bị thiêu cháy.

Khi bị quở trách, cậu nhìn ánh mắt lạnh lẽo, sắc bén mà anh trai hướng về phía mình — ánh mắt đó, hàng chục năm qua chưa từng thay đổi, luôn đứng trên cao mà nhìn xuống.

Và chính khoảnh khắc ấy, những cảm xúc phức tạp bị đè nén trong lòng Phù Minh suốt hàng chục năm qua đã khiến cậu mất kiểm soát, không màng gì nữa mà xé toang lớp mặt nạ anh em hòa thuận.

Khung cảnh khi đó, Phù Tô đã hồi tưởng lại vô số lần. Điều khiến hắn ấn tượng nhất là khoảnh khắc cuối cùng của ngày hôm ấy, khi trong mắt Phù Minh ánh lên một vẻ tối tăm, nửa như cười nửa như không, cậu nói: “Dạo gần đây, em cứ nghĩ mãi, thậm chí mơ cũng nghĩ… Nếu bệnh của anh không khỏi thì tốt biết mấy…”

Câu nói đó chưa kịp kết thúc thì bị Phù Tô cắt ngang: “Phù Minh, anh cho em cơ hội, rút lại lời này.”

Sau hơn một năm rơi xuống đáy vực, câu nói như vậy tuyệt đối không nên, cũng không thể xuất phát từ miệng người thân nhất của cậu.

Phù Tô dùng ánh mắt lạnh đến tận xương để ép Phù Minh im lặng. Nhưng câu nói dang dở ấy của em trai, ý tứ cũng đã quá rõ ràng.

Chấn động, giận dữ, đau lòng — những cảm xúc dồn dập khiến bệnh tình vốn chưa hoàn toàn ổn định của Phù Tô tái phát ngay tại chỗ.

Ngoài cửa sổ, gió thổi cuốn lá khô. Đêm cuối thu lạnh lẽo, trong căn phòng, bầu không khí rơi vào im lặng ngột ngạt.

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương