Thợ Sửa Giày FULL
-
97: Đồ Vô Dụng
Cùng lúc đó, kệ sách trong nhà Nhiếp Chấn Hoành lại có thêm một quyển tạp chí mới.
Lần này, tạp chí không bao gồm tranh minh họa của Lâm Tri, nhưng phía dưới một đoạn phỏng vấn mộc mạc và chân thành, là bức ảnh một chàng trai đang nghiêm túc vẽ tranh.
Chàng trai đó có có gương mặt thanh tú, đường nét rõ ràng.
Dù mặt mũi không có biểu cảm gì, nhưng ánh mắt cậu nhìn bảng vẽ lại sinh động vô cùng.
Chỉ với vài nét bút ít ỏi, một chú mèo con lông xù đã hiện lên trên trang giấy rập.
Mèo con nằm chổng mông trên miếng lót giày, ngây thơ chất phác.
Đối chiếu với thành phẩm mà bà cụ đã thêu ở một bức tranh khác, độc giả vừa nhìn là đã muốn mua ngay.
Nói tới đây cũng phải nhắc thêm, lúc Hà Khiêm mang bản in mẫu qua, một cuộc hội thoại dở khóc dở cười còn diễn ra.
Nguyên nhân là Lâm Tri không hiểu tại sao lần nào đến đây tổng biên tập Hà cũng mang hai quyển tạp chí, rõ ràng cậu với anh Hoành đọc chung một quyển là đủ rồi.
Vì thế cậu bèn nhét trả một quyển cho Hà Khiêm, nói không cần.
Hà Khiêm cũng chẳng hiểu mô tê ra làm sao cả, Lâm Tri bèn chủ động giải thích, “Đọc một quyển là đủ rồi ạ.”
“À, có sao đâu, cậu không đọc chữ thì xem tranh cũng được mà!” Qua mấy lần tiếp xúc, Hà Khiêm cũng biết đại khái về chứng khó đọc của Lâm Tri rồi.
Anh ta tự lý giải theo ý mình, “Dù sao cũng có “ảnh ngọc” chụp cậu, giữ lại mà làm kỷ niệm!”
“Có một quyển rồi mà.” Lâm Tri nói.
“À, quyển đấy cho ông chủ Nhiếp, tặng hai người mỗi người một bản luôn!” Hà Khiêm cực kỳ hào phóng.
Lâm Tri lại mím môi, “Không cần.”
Trong ánh mắt khó hiểu của Hà Khiêm, cậu chạy đến bên cạnh Nhiếp Chấn Hoành cực kỳ tự nhiên, ôm rịt cánh tay người đàn ông, hếch cằm với Hà Khiêm: “Của em là của anh Hoành!”
Cậu với anh Hoành đã ôm ấp hôn hít ngủ chung rồi, sao còn phải đọc hai quyển sách giống hệt nhau nữa?
Hà Khiêm kinh ngạc nhìn động tác của Lâm Tri chằm chằm, mắt đờ đẫn rõ lâu.
Đoạn, anh ta lại liếc về phía Nhiếp Chấn Hoành đang để mặc Lâm Tri thân mật dính lấy mình, bấy giờ mới vỗ đầu, hiểu ra rồi.
“… Tôi bảo nha hai cái đứa này, giỏi thật đấy!”
Anh ta vỗ vỗ Nhiếp Chấn Hoành, “Ông chủ Nhiếp, xấu bụng quá, yêu nhau bao giờ mà không tiết lộ với tôi tí nào!”
Advertisement
Nhiếp Chấn Hoành vứt bao thuốc lá lâu không dùng trong túi mình cho Hà Khiêm, cười nói, “Đấy là tại anh có hỏi em đâu.”
“Tại tôi á hả!” Hà Khiêm chửi thầm vài câu trong bụng, nhưng vẫn nhận thuốc lá, “Cu này hay thật, ai mà ngờ nổi cái thằng thợ sửa giày tẩm ngẩm tầm ngầm như chú, lại còn đi trước thời đại hơn cả nhà thơ nhà văn như tôi?!”
Câu này hài thật, Nhiếp Chấn Hoành cũng phải bật cười khẽ, “Ngày xưa em cũng đâu ngờ.”
Chẳng phải đấy chính là thứ khiến cuộc đời thú vị hơn đó sao? Khi ta cho rằng mình đã rơi xuống đáy, thì bỗng nhiên có một bàn tay xuất hiện trước mặt ta.
Ở nơi ta chưa từng để ý, lại bất chợt gặp người mình sẽ chung sống suốt quãng đời còn lại.
Hà Khiêm tự xưng là người làm công việc liên quan đến văn hóa, đọc bao nhiêu sách vở, tiếp xúc với đủ kiểu nghệ sĩ, vậy nên anh ta chẳng hề ố á gì trước xu hướng tính dục của hai người.
Ngược lại, anh ta quan sát Lâm Tĩnh đang yên lặng ngồi tựa vào Nhiếp Chấn Hoành chăm chú lật tạp chí, rồi lại nhìn Nhiếp Chấn Hoành dù đang sửa giày nhưng nét cười vẫn vương vấn nơi khóe môi, chỉ hướng sự chú ý về cậu thanh niên bên cạnh mình, thì không khỏi tự vả cho mình một cái tát ở trong lòng.
Đúng ra phải phát hiện từ sớm chứ!
Đây là kiểu thích không giấu nổi nữa rồi còn gì.
*
Ánh đèn rực rỡ vừa lên.
Khi Nhiếp Chấn Hoành ăn tối với Lâm Tri xong, ngồi trên sofa đọc cuốn tạp chí mẫu mà Hà Khiêm mang sang thật tỉ mẩn cho bé con, thì ở một góc khác trong thành phố, một gia đình khác cũng nhìn thấy cuốn tạp chí này.
Đó là một khu dân cư phức hợp tầm trung ở phía Tây.
Khu dân cư này đã được xây mười mấy năm rồi, một thời cũng được coi là khu hạng sang ở địa phận này, phải tốn khá nhiều tiền mới mua được một căn.
Phần lớn dân sống trong đấy là người làm ăn.
Chẳng qua theo thời gian, nơi này dần mất đi vẻ sang trọng ban đầu.
Những người giàu có đều dọn qua khu sang chảnh hơn.
Mà ai đã nghèo thì lại càng nghèo thậm tệ.
Cho tới giờ, phần lớn dân ở đây đều là các hộ gia đình ba người, thuê để tiện đường đưa con đi học.
Tiện nghi và quy hoạch bên ngoài của khu phức hợp cũng đã trở nên cũ kỹ và tầm thường.
Trong một căn hộ hai phòng ngủ một phòng khách bình thường ở một tòa nào đấy trong khu dân cư này, bà chủ nhà đang vừa xem TV vừa sơn móng tay trong phòng khách.
Còn đứa con trai 9 tuổi của mụ thì đang ngồi bên bàn ăn cắn cán bút làm bài tập dưới bóng đèn.
Đồng hồ chỉ 7 giờ, cuối cùng ông chủ nhà cũng đã về.
Lưng lão hơi còng xuống, lão xách một cái cặp tài liệu nặng trĩu.
Nhìn xuyên qua sắc mặt khó coi và những nếp nhăn chằng chịt trên mặt lão, người ta vẫn có thể lờ mờ thấy dáng vẻ hào hoa điển trai thời trẻ của lão.
“Ô, về rồi đấy à?” Người đàn bà ngước mắt lên nhìn lão rồi tiếp tục cúi đầu sơn móng tay.
Còn gã đàn ông thì ném cặp táp đánh “bộp” lên bàn nước, tức tối ra mặt, “Lại chưa nấu cơm à?!”
“Phải có tiền thì mới mua gạo nấu cơm được chứ!” Người đàn bà kia chẳng sợ lão tẹo nào, châm chọc nhếch khóe môi, “Không phải ông nói hôm nay sẽ đòi được nợ từ sếp à?”
Mụ vừa nói vừa xòe bàn tay sơn móng hồng chóe ra, “Lấy tiền ra đây! Tôi còn định hầm con gà quê làm canh bổ não cho Diệu Tổ nhà mình đấy!”
Đứa con trai bị gọi tên thì ngẩng đầu lên từ quyển sách bài tập, nuốt nước miếng hỏi, “Mẹ ơi, tối nay nhà mình ăn gà ạ?”
Cu cậu quệt nước mũi, vừa lén cọ ngón tay lên quần áo, vừa ôm bụng.
Trời tối rồi, thằng bé đói quá.
“Ăn ăn ăn, suốt ngày chỉ biết ăn thôi!”
Chẳng biết là tại lời của người đàn bà hay đứa con trai, mà gã đàn ông kia nổi cơn cáu tiết.
Lão sải bước đến cạnh bàn ăn, đập vào gáy con, “Lần trước thi ba môn mày trượt hết hai môn! Còn không biết xấu hổ mà đòi ăn à?! Tao thấy mày nuốt hết sách vào bụng rồi đấy!”
“Ối! Bố đừng đánh con!” Đứa con trai lập tức ôm đầu, ngồi xổm xuống trốn dưới bàn ăn theo thói quen, trông có vẻ rất sợ bị đánh.
“Này! Họ Lâm kia! Ông có còn là đàn ông nữa không? Mà suốt ngày chỉ biết xả tức lên vợ với con?!” Người đàn bà nọ thấy thế thì nhặt cái cặp gã đàn ông quẳng xuống, đập vào lưng lão, vừa đập vừa mắng, “Diệu Tổ mới bao nhiêu tuổi đầu chứ? Nó trượt thì có sao? Ông tưởng ông có IQ 180 chắc? Dựa vào đâu mà ông đòi con mình thi đỗ được Thanh Hoa với chả Bắc Kinh?”
(Đại học Thanh Hoa và đại học Bắc Kinh là hai đại học hàng top của TQ, có điểm đầu vào cực kỳ cao.)
“Dù thế nó cũng không thể chỉ thi được 40 điểm chứ?!” Gã đàn ông kia quay người lại xô xát với người đàn bà.
Trông tướng này thì đây cũng chẳng phải lần đầu hai người đánh lộn với nhau, “Thằng lớn còn chẳng đọc nổi con chữ, nhưng ngày xưa bằng tuổi này nó vẫn thi đỗ được!”
(Các môn thi ở TQ có điểm max tầm 120-150 tùy môn, điểm sàn qua môn sẽ cỡ 60-80 điểm.)
“Á à! Ông bảo Lâm Tri ấy hả?” Người đàn bà kia đạp gã đàn ông một cú rõ mạnh, cười khẩy nói, “Dòng thứ đuổi cả con đẻ mình ra khỏi nhà như ông mà còn không biết xấu hổ nhắc đến nó nữa à? Tôi nhổ vào mặt ông thay cho nó! Nó được thế là nhờ bà mẹ quá cố của nó nuôi nó tốt, liên quan đếch gì đến ông?!”
Nhìn gương mặt tức nghẹn của gã đàn ông, người đàn bà khoan khoái hơn nhiều, chỉ ước có thể đâm chọc lão thêm phát nữa.
Tuy mụ cũng chẳng ưa cái thằng ngu ngơ ấy lắm, nhưng vẫn lấy một quyển báo ra từ cặp sách của con trai, vẫy vẫy, nói với điệu bộ rất hả hê, “Tự ông đi mà nhìn! Giờ người ta còn lên cả tạp chí, kiếm được tiền nhờ vẽ tranh rồi đây! Nó sống chả hơn đứt một thằng già trung niên phá sản như ông à?!
“Ngày xưa làm giấy chứng nhận kết hôn ông hứa hẹn gì với tôi? Hả? Còn bảo sẽ cho tôi sống như phu nhân nhà giàu! Tôi nhổ vào! Bà đây xui đổ máu 20 năm nên mới bị ông lừa! Hỏi tiền, tiền đếch có, con trai, thây kệ nó, đến cả cái nhà còn là ăn sẵn của vợ cũ, ông đúng là thằng vô dụng!”
Gã đàn ông kia vốn chỉ cướp cuốn tạp chí khỏi tay người đàn bà để lật xem thôi, nhưng càng đọc mắt lão càng đỏ quạch.
Theo những tiếng chửi bới mỗi lúc một thêm bén nhọn của người đàn bà, hồi ức và nỗi hối hận trong mắt lão lập tức bị cơn giận điên cuồng trong lòng che khuất, lão túm tóc người đàn bà đập đầu mụ lên bàn.
“Á ——!”
“Rầm —— loảng xoảng ——”
“Đồ khốn nạn! Á à —— mày còn đánh nữa à? Bà phải báo cảnh sát! Bà đếch bỏ qua cho mày đâu!”
Dù cách một cánh cửa phòng trộm, nhưng tiếng đánh chửi của người đàn bà và gã đàn ông vẫn vọng ra ngoài hành lang rõ ràng.
Căn hộ đối diện họ là của một cặp vợ chồng già đã về hưu.
Hai ông bà đang ngồi sofa xem TV sau bữa tối.
Nghe được tiếng động từ nhà đối diện, họ không khỏi lắc đầu.
“Thằng con nhà đấy tạo nghiệt quá!”
“Lại chẳng thế.
Mấy năm trước tôi còn tưởng Tiểu Hứa đã khổ tận cam lai, đưa con trai ra ngoài sống cũng tốt.
Nào ngờ con bé vừa đi, cái thằng cha khốn kiếp ấy lại quay về.”
“Chẳng rõ đứa con trai tự kỷ nhà Tiểu Hứa đi đâu về đâu rồi nhỉ? Nếu còn tiếp tục thế này, sớm muộn gì đứa nhỏ trong cái nhà này cũng gặp vạ tương tự!”
“Thôi thôi, vợ chồng mình tuổi già sức yếu, không quản được chuyện nhà người ta đâu.”
“Yên tâm, ông trời có mắt cả mà, kẻ nên gặp báo ứng sớm muộn cũng chịu báo ứng thôi.”
“Đúng đấy.
Nghe nói thằng đó quay về là vì bị phá sản, đáng đời nó! Giờ trông cái tướng nó cũng chẳng có của nả gì, con vợ đứa con đi bước nữa này rồi cũng sẽ chạy hết cả thôi.
Để xem nó sống một mình làm sao được!”
“Sao tôi lại nhớ căn hộ này ghi tên Tiểu Hứa cơ mà nhỉ? Đáng ra phải để lại cho con trai của con bé chứ?”
“Thằng bé ấy ít nói lắm, chắc là không cướp không đánh lại được bố nó.
Hơn nữa giờ người ta cứ mặt dày ở đây đấy, ông đuổi chúng đi được chắc?”
“Sao lại không được? Thuê thợ khóa đổi khóa luôn là xong việc chứ gì?!”
[HẾT CHƯƠNG 97].
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook