Thợ Sửa Giày FULL
-
96: Quảng Cáo
Có câu người đông thì sức lớn, chỉ trong một buổi trưa, mấy người họ đã lên kế hoạch rõ ràng công việc bà Cam cần làm trong một năm sau khi lành bệnh.
Từ chuyện đổi qua mẫu mã lót giày mới mẻ, đến dùng loại vải và bông gì thì lời nhất, sau đấy là khâu lót giày xong thì định giá và tuyên truyền ra sao, vân vân và mây mây, họ đều tính cả hộ bà Cam luôn.
Dù sao, Nhiếp Chấn Hoành cũng cảm thấy mình vỡ vạc ra nhiều so với thời còn làm ăn buôn bán với mấy anh em ngày xưa.
Kế hoạch của họ là chia khách hàng mua miếng lót giày ra làm ba tệp chính: trẻ con, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Mỗi tệp khách hàng thì lại dùng kiểu mẫu thêu riêng: hoạt hình, giản dị tươi mới, retro,… Mỗi loại lại có nhiều chủ đề và màu sắc, làm thế mới thu hút được nhu cầu mua sắm của mọi người nhiều nhất.
Phan Tri Nhạc và Uông Tiểu Quân cùng học chung một trường cấp 3, dạo này hai đứa toàn sưu tầm và tình hiểu về mẫu mã vào giờ ra chơi.
Còn Thượng Hách Giai và Đỗ Tử Vân thì lại thích rong ruổi thế giới 2D.
Mấy đứa lần lượt đưa ra ý kiến, rồi Lâm Tri nhanh chóng cầm bút lên, bắt đầu phác họa theo ý tưởng của mọi người.
Trùng hợp nữa là, khi mấy cô cậu đang nhiệt tình bàn luận với nhau, thì lại tình cờ gặp được tổng biên tập Hà Khiêm mang tiền qua cho cậu họa sĩ trẻ.
Giờ Hà Khiên coi như đã ngồi vững trên ghế tổng biên tập tạp chí, càng ngày càng tràn trề quyền lực hơn, về sớm cũng chẳng bị ai cự nự gì.
Vậy nên anh ta công khai tan sở sớm tới chơi ở tiệm Nhiếp Chấn Hoành.
Anh ta rảnh rỗi chẳng có việc gì làm, thấy mấy đứa nhóc bàn tán hăng say quá thì cũng xích lại gần nghe ngóng.
Mà cũng hay, càng nghe anh ta lại càng thấy hứng thú hơn.
Lúc tìm hiểu hết toàn bộ câu chuyện từ Nhiếp Chấn Hoành, Hà Khiêm quyết định chủ động vào cuộc, chia sẻ là tạp chí nhi đồng của mình có thể để một trang quảng cáo cho bà Cam.
Đương nhiên, đấy không phải quảng cáo thật, mà Hà Khiêm muốn phỏng vấn độc quyền bà Cam, tiện thể phô bày những chiếc lót giày mà bà cụ tự tay khâu từng đường kim mũi chỉ.
Ai làm trong nghề xuất bản này, thì gần như ngày nào cũng phải sầu lo chuyện chọn đề tài, Hà Khiêm lại càng như thế.
Vất vả lắm nội dung kỳ này mới được duyệt rồi mang đi in, thì lại phải bắt đầu chuẩn bị cho số tháng sau.
Chẳng bao giờ được ngưng nghỉ, cũng phải nảy ra linh cảm và ý tưởng mới liên tục.
Hà Khiêm nhìn trái xem Lâm Tri được một đám các cô các cậu vây quanh, chuyên tâm vẽ mẫu thêu, liếc phải ngắm Cam Khả Khả đang ngoan ngoãn ăn kẹo mút.
Linh cảm chợt ùa về, anh ta móc máy ảnh ra khỏi túi làm vài pô ngay tại chỗ.
Thậm chí anh ta còn nghĩ xong tiêu đề cho bài báo rồi, đặt là “Đôi lót giày chở mồ hôi, tình yêu và hy vọng”!
Cha chả mình giỏi gớm, anh ta cảm thấy có hy vọng được tiền thưởng cuối năm rồi đây.
Nhưng chuyện này chẳng liên quan gì đến Lâm Tri đang đổ hết tâm huyết vào việc vẽ vời cả.
Sau khi nghiêm túc vẽ xong những mẫu mã mà mọi người mô tả, cậu bèn ném chuyện này ra sau đầu, lại tập trung sáng tác tác phẩm mới.
Nhưng cậu vẫn nhớ hỏi han anh Hoành thường xuyên về tình trạng sức khỏe của bà Cam trên bệnh viện.
Còn Nhiếp Chấn Hoành thì luôn theo sát tiến trình tiếp theo của dự án.
Cũng chính bởi vậy, nên anh mới là người đầu tiên ý thức được hành động của bé con có tác dụng to tát đến mức nào, có ý nghĩa lớn lao ra sao với hai bà cháu họ Cam.
Chuyện này phải kể từ đoạn mấy hôm sau khi số tạp chí có bài phỏng vấn bà Cam của Hà Khiêm lên kệ.
Con phố trong khu tập thể cũ của họ, tuy thường ngày hay ồn ào nhốn nháo, nhưng lượng người qua lại về cơ bản chẳng thay đổi gì nhiều.
Ngày nào cũng thấy những gương mặt ấy, gần như đã quen cả rồi, hầu hết đều là hàng xóm láng giềng xung quanh.
Nhưng mấy ngày gần đây, lại có sự lạ xảy ra trên con phố này.
Chủ yếu là vào buổi chiều sau giờ tan học, người ta hay thấy những tốp học sinh mặc đồng phục tiểu học hoặc cấp hai kéo đàn kéo đống đến.
Các em cầm tạp chí trong tay, vừa đi vừa hỏi đường, cuối cùng đi theo hướng mà bà con khối xóm chỉ, tìm thấy tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành, hỏi họ có bán lót giày không.
—— Chính là loại lót giày thủ công vừa đẹp vừa bền như ảnh chụp trong tạp chí, được bà cụ thêu tay ý.
Ban đầu Nhiếp Chấn Hoành cũng không ý thức được chuyện ấy có nghĩa gì.
Anh chỉ dốc lòng giải thích với các bé học sinh là bà cụ còn đang nằm viện, lót giày mới khâu chưa gửi tới được, trong tiệm chỉ còn mấy đôi theo kiểu dáng ngày xưa thôi, không đẹp lắm đâu.
Anh còn tưởng các bé sẽ thất vọng bỏ đi, nào ngờ anh vừa lấy chúng ra, lũ trẻ đã tranh nhau mua như ong vỡ tổ.
“Con mua cho ông con một đôi ạ! Cỡ 42!”
“Chú ơi, chú có cỡ 37 không? Cháu muốn mua một đôi cho mẹ cháu!”
“Chân, chân con 34, chú ơi, có đôi nào con dùng được không ạ?”
Một nhóm học sinh tiểu học tầm lớp 4 lớp 5 đang chen chúc trước mặt anh.
Một số bé đeo giày Nike Adidas, vài bé lại móc ra toàn tờ tiền 5 tệ.
Tuy gia cảnh khác nhau, nhưng tấm lòng muốn dâng hiến lại như nhau.
“Bà Cam vất vả quá.
Bà ấy bằng tuổi bà cháu, nhưng tóc bà cháu còn chưa bạc đâu.”
“Cô giáo con bảo, nghề thủ công kiểu này sắp thất truyền rồi! Một đôi lót giày phải khâu cả mấy chục nghìn mũi mới xong, con muốn mua về đếm thử xem có phải mấy chục nghìn mũi thật không!”
“Đồ ngốc, cậu đếm thế đến sáng mai cũng chẳng xong được! Tớ thì khác, mẹ tớ bảo lót loại lót giày này vào thì sẽ không bị thối chân, chủ động đưa tiền cho tớ đi mua mấy đôi về đấy!”
“Ha ha ha! Hôm nào mẹ cậu cũng bị cái chân thối của cậu hành hạ gần chết đúng không?! Tiết thể dục sau cậu phải nhớ đeo đấy nhé!”
Đám trẻ con tranh nhau gào thét cãi cọ, chỉ một lát sau chúng đã mua hết sạch số hàng tồn trong tiệm Nhiếp Chấn Hoành.
Một bé trai cầm di động đời mới, còn cố ý để lại số máy cho Nhiếp Chấn Hoành, để bao giờ lót giày mới về thì anh báo cho tụi nó, ở lớp còn nhiều bạn muốn mua lắm, quả thực rất ra dáng lớp trưởng nhỏ.
Về sau lại có học sinh và phụ huynh đến hỏi, Nhiếp Chấn Hoành đành phải chỉ tiệm may cách đó không xa, để họ qua đấy hỏi bà chủ Tôn xem có còn dư lót giày để bán không.
Chuyện này cũng khiến Tôn Mạn Cầm, người luôn phải bận rộn lo lắng cho hai bà cháu họ Cam, vui quá thể.
Dù gì, dẫu dì có thân thiết với hai bà cháu họ Cam đến thế nào, thì cũng không thể như một gia đình được.
Giờ thấy bà cụ đã thực sự có nghề kiếm ra tiền, dì cũng vui thay cho hai bà cháu.
Rồi cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp lên.
Hôm sau Tôn Mạn Cầm cố ý lên bệnh viện, cầm mấy chục đôi lót giày bà Cam vừa thêu xong về, đồng thời báo tin lành này với bà Cam.
Ban đầu dì tính nhẩm chắc số lót giày này còn bán được mười ngày nửa tháng, nào ngờ mới mấy ngày ngắn ngủi mà hàng đã bay veo!
Nhất là loại lót giày mới có hoa văn khác hẳn những mặt hàng ngoài thị trường, vừa không bị quê mùa hai lúa, vừa phù hợp với thẩm mỹ bây giờ hơn.
Bình thường dì bày lót giày ra ngoài, chẳng cần chào hàng giới thiệu mà đã có người hỏi mua, bán xong ngay tức thời.
Bất kể là trẻ nhỏ thích tranh hoạt hình, hay lớp trẻ mê style phục dựng đồ truyền thống, nhờ đôi bàn tay khéo léo của bà Cam, những đôi lót giày đều được thổi một vẻ đẹp và giá trị hoàn toàn mới.
Đồng thời, điều ấy cũng khiến ngón nghề thủ công vừa tốn sức lại khó kiếm tiền này, thực sự trở thành cọng rơm cứu mạng có thể nuôi sống hai bà cháu họ Cam.
Đến tận đây, hoạt động cứu trợ kéo dài mấy tháng ròng, kết nối ba thế hệ già trẻ trung niên của khu tập thể cũ, mới thực sự hạ màn.
Mà tất cả những người tham dự trong đó, đều thấy vui vẻ từ tận đáy lòng vì cuộc sống của bà Cam và bé Khả Khả đang dần khấm khá lên.
Chuyện ấy chẳng liên quan gì đến quan hệ xa gần thân sơ giữa mọi người, cũng không quan trọng họ trao đi bao nhiêu tình thương.
Mà đó là sự mong mỏi và lời chúc phúc chân thành đến cuộc sống và những mảnh đời xung quanh, xuất phát từ nội tâm mỗi một người dân bình thường.
—
Nha Đậu:
Nếu một ngày nào đó bạn gặp phải chuyện khó gì không giải quyết nổi, thì xin hãy thử nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Tôi tin rằng vẫn có rất nhiều người tốt trên thế giới này.
Đừng làm gì cực đoan, mặt trời vẫn còn đó, hơi thở hẵng còn đây, hi vọng vẫn sống mãi, rồi ta sẽ vượt qua cơn bĩ cực này..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook