Thị Mầu
C3: Phú Ông

Buổi chiều, Nô thấy tạnh ráo liền chủ trương ra đồng gom cỏ cho trâu ăn. Mầu dọn dẹp nhà cửa xong, vào nhìn Phú ông đang còn say sưa nằm ngáy rền, dém cho ông góc chăn rồi cũng mang dụng cụ vào vườn.

Vườn rau nhà Mầu ngay bên trái nhà, rộng vừa đủ, trồng thập cẩm các loại rau ăn lá, rau thơm và mấy loại cây ăn quả.

Cơn mưa rào lớn, như giận dữ, trút lực xuống khu vườn, khiến lũ cây cỏ chịu một phen chật vật. Mầu vén váy, ngồi thu lu giữa đám rau ủ rũ, thở dài một hơi, tay cầm cái xẻng gỗ nhỏ, bên vun vén đất, bên nhổ cỏ. Cạnh Mầu là một cái rổ đại, chốc chốc lại rung rinh bởi một đám rau nát bị quẳng vào.

Bầu trời xám xịt, những đám mây trĩu nặng còn vần vũ không thôi, gió thốc từng cơn kéo theo mấy đám nước đọng, tạt từ trên cây xuống làm gương mặt Mầu ướt nhèm, tê tái. Cô cũng không để tâm, thoạt nhìn thoan thoắt như vậy, nhưng trong lòng là cả một mớ hỗn tạp, mọi hành động chỉ theo thói quen, chứ tầm mắt thực ra đã mịt mùng, có lúc còn nhỡ tay nhổ nhầm cả đám rau lành lặn.

Cũng không biết qua bao lâu, chợt nghe tiếng hù lớn làm Mầu đang phân tâm suýt chút ngã ngửa ra vườn.

Tiếng cười con gái bên cạnh bờ dậu vang lên lảnh lót như chuông. Mầu nhìn cái Thơ hàng xóm, mắt chớp chớp định thần.

Nếu nói Mầu trong quá khứ là con ngựa bất kham, thì Thơ chính là cái móng sắt bền chắc cho con ngựa ấy cơ sở càng thêm ngông cuồng.

Mầu thu lại ánh nhìn, giả gắt gỏng:

- Con ranh, làm tao hết hồn!


- Sao, lại nhớ "thầy" hả! - Thơ kéo dài giọng, ngụ ý vừa trêu chọc, vừa khích lệ.

Đối với một đứa con gái sớm mất mẹ, người bạn tâm đầu ý hợp như Thơ quả đã từng là điều vô cùng quý giá với Mầu.

- Xì, vớ vẩn - Mầu kiềm lại chất giọng muốn rung rẩy, cái lạnh như lan tràn trong máu.

- Mày á – Thơ chỉa tay giật giọng chì chiết – còn không nhanh con Liên nó giựt mất thì đừng có tiếc...

- Tiếc cái gì...Giọng thầy Mầu từ trong nhà vọng ra, theo bước guốc loẹt xoẹt, ông xuất hiện nơi bậu cửa, chiếu cái nhìn sắc lẻm lên Thơ.

- Chào bác, con đang bảo cái Mầu không đi chợ hồi sáng, lỡ mất mấy món thật tiếc...

Đối mặt với sự lanh lợi của Thơ, Phú ông không mảy may chú ý, ông gọi giật Mầu:

- Con Mầu vào nhà sắp cơm cho thầy – Ý đuổi khách vô cùng rõ ràng.

- Vậy thưa bác, con về - Thơ chào ngọt, lúc quay đi còn lén le lưỡi, đá mắt cùng Mầu.

Mầu bê rổ rau cất vào bếp, xong ra lu nước rửa ráy sạch sẽ. Đưa tay vào bếp thấy đám tro còn tỏa hơi ấm nhè nhẹ, Mầu mới yên lòng dọn cơm ra. Đã nửa buổi chiều, thầy Mầu còn đòi cơm nước, không biết có muốn dùng thật không?

- Con mời thầy dùng cơm - Mầu đặt mâm lên phản, khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh bới cơm, xong hai tay lễ phép đưa đến trước mặt Phú Ông.

Phú ông nhận bát, và vội miếng lớn, nghẹn một trận muốn trợn cả hai mắt. Mầu hốt hoảng lấy canh cho cha, run tay kề sát miệng, giúp ông uống, tay còn lại đấm đấm lưng, giọng nghẹn sít "thầy thật là!".

Uống nước xong, phú ông thấy tay mình ướt, nhìn sang mới thấy mắt Mầu đỏ rực tự bao giờ. Ông kéo cô ngồi xuống đối diện, hắng giọng hỏi khẽ:

- Con nói thầy nghe xẩy ra chuyện gì?!

Há miệng muốn phân bua, nhưng không thể phát ra tiếng, Mầu càng cố nuốt xuống, cơn nghẹn càng nghẹn thêm. Đầu óc cô mịt mùng muốn ngất. Tay cô áp lên tay Phú ông, tham lam cảm nhận hơi ấm, mạch đập vững vàng, tự trấn tĩnh hàng trăm lần mới có thể ngẩng lên nhìn ông.

Cô đã suy nghĩ nát rồi, đời này hẳn chẳng mấy ai diễm phúc như cô, còn được trao cho vật báu đã mất đi, lại vì chính lỗi lầm của bản thân mà mất. Không cần biết khó khăn thế nào, chịu đựng ra sao, nhất thiết phải trân trọng, yêu thương, trăm nghe nghìn thuận.


Mầu mỉm cười, lắc đầu:

- Chỉ là tự dưng con nhớ mẹ, lại thương thầy nữa...

- Mày nghĩ thầy là ai – Phú ông không cho là phải – nuôi mày lớn từng này còn không hiểu nết mày sao! – Ông ngừng lại nhìn con gái chăm chú - chắc chắn mày có chuyện giấu thầy, thầy bảo thật, có chuyện phải nói, trời sập thày cũng có cách, sợ nhất mày không nói, thầy muốn giải quyết cũng vô phương...

- Con biết thầy thương con - Mầu níu áo ông, bày ra nụ cười rạng rỡ nhất – có mấy chuyện con nít mà thôi, thầy đừng lo!

- Thầy lo gì chứ! Con gái lớn rồi, như bát nước hắt đi, vớt sao cho lại. Thầy chỉ hận, không níu mẹ mày ở lại nhân thế được lâu hơn...Haiz...- Ông thở dài buồn bã – Gà trống nuôi con, mày lớn lúc nào, thầy còn chẳng tận...

- Thầy cứ đùa, con lớn đến thế này, còn chẳng rớt một cọng tóc, ăn trắng mặc trơn. Mẹ con còn, cũng không tốt hơn được đâu...

Phú ông vỗ vỗ tay con, suy nghĩ xoay chuyển mãi, cuối cùng đằng hắng:

- Người đấy không được con ạ, không phải phép...

Để nói ra khúc triết, minh bạch truyện này thật khó, thực chất Phú ông muốn bảo thẳng rằng "con là vàng bạc của thầy, muốn vớt trăng thầy cũng sai người vớt cho, không phải con không được mà là người ta không được!".

Thấy rõ nỗi lòng người cha hiện hết lên mặt, Mầu lớn giọng cười "Xì".

- Thầy rõ thật! lại nghe ai đồn đoạn gì, con gái thầy lá ngọc cành vàng, xinh đẹp giỏi giang, có muốn ai, cũng phải là người thầy đã bỏ công chọn lựa...


Lời này có phần tự mãn, ngông cuồng nhưng thực hợp ý, cũng thực mát dạ, khiến cho Phú ông cười không khép được khuôn miệng.

Trong lòng người cha ấy khéo chỉ tiếc, con gái mình thiệt thòi sinh ra chẳng được khoác tấm da của đấng nam nhi, đặng phóng sức tung hoành bốn bể.

Phú ông cười mà ràn rụa nước mắt, run run tự rót ly rượu, ngửa cổ một hơi uống cạn. Đầu ông nghênh nghênh, tay đũa tay bát gõ nhịp, ca mấy lời ngắt quãng:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Giữa mênh mông rét mướt, giọng ông như than thở, như chịu nhận, làm cho lòng Mầu cũng trĩu lại. Không khí vui tươi mới nãy thành ra tắt lịm. Mầu đăm đắm nhìn cha, lòng đầy khổ sở.

"Cha à, phải chăng cha cũng linh cảm mệnh con sẽ chẳng ra gì, phải làm sao bây giờ!?? con thật tội lỗi quá cha ơi..."

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương