Chỗ này là một ngôi nhà nhỏ được xây bằng đất và gỗ. Trải qua bao năm tháng, tường vách bắt đầu có dấu hiệu nứt nẻ, lộ ra mấy miếng gỗ màu nâu nằm sâu bên trong. Mái ngói cũng sứt mẻ đủ chỗ, chủ nhà cũng chẳng buồn tu sửa, chỉ dùng chút cỏ tranh lợp lên coi như xong chuyện. Giờ phút này, anh chủ nhà Hoàng Trung đang ngồi trên ghế đá trong sân với bộ mặt rầu rĩ.

Căn phòng bên cạnh vang lên từng trận ho khan, tiếng động làm người khác cảm giác như có thứ gì đang cào xé cuống họng bệnh nhân, cực kì khó chịu.

Mỗi mùa đông về, cái rét lạnh dễ làm người ta sinh bệnh. Con trai Hoàng Trung bắt đầu ho khan mãi không khỏi. Bệnh tình kéo dài hơn năm tháng, tiết trời ngày càng trở lạnh, hắn ho càng lúc càng khủng khiếp. Dần dà bước sang mùa hè, sức khỏe thằng nhóc được cải thiện đôi chút, dè đâu đến cuối thu, cơn ho lại trở nên kịch liệt.

Ban đầu cuộc sống của Hoàng Trung vốn không tệ, tự mình lên núi săn bắt hái lượm, có đôi khi săn được một vài thú dữ có bộ da tốt, đổi được chút tiền. Nhưng từ khi con trai hắn bị bệnh, toàn bộ tiền của tích lũy trong nhà đều trôi theo những tiếng ho đầy xót xa.

Thầy thuốc cứ lũ lượt ghé thăm, thuốc chẳng biết sắc được bao nhiêu thang rồi, thế nhưng thằng nhóc vẫn không khá nổi. Mỗi lần thầy đến xem bệnh, đều nói những câu giống nhau, Hoàng Trung nghe đến thuộc lòng, tuy nhiên hắn chẳng hiểu gì cả.

Nào là nội tạng biến chứng, gây ra rối loạn. Rồi thì âm dương không đủ, làm mất cân bằng. Nói chung là mấy câu trong Đông Y dùng để ám chỉ sự mất cân bằng cơ thể, khi nội tạng và năng lượng trong người hoạt động sai cách sẽ gây ra các triệu chứng bệnh tật.

Những đơn thuốc cũng cực kì quái dị, Đông Y đa số dùng thảo dược để chữa bệnh, có loại thầy thuốc tìm được, có loại hiệu thuốc không có hàng, Hoàng Trung cũng đành dùng tạm vài thứ thay thế để sắc cho con trai uống.

Tất nhiên thuốc không đủ thì khỏi bệnh thế quái nào được? Thế là con trai hắn biến thành vật thí nghiệm, sức khỏe cứ lên xuống như nước sông Hán, chẳng cách nào trừ tận gốc.

Quan niệm dân gian thời Hán có câu, nam sợ ho, nữ sợ tiêu chảy. Đồng nghĩa thời đại này nam giới dễ mắc những bệnh liên quan đến hô hấp, còn phụ nữ dễ bị những bệnh liên quan đến tiêu hóa.

Thằng con của Hoàng Trung ho nhiều năm như vậy, thể chất càng ngày càng kém. Một đứa trẻ mười mấy tuổi, đang thanh xuân phơi phới, mắc phải bệnh quái ác nên còn gầy yếu hơn cả một đứa trẻ mười tuổi.

Tiếng ho trong phòng đột nhiên cao vút lên, sau đó người bệnh thở hổn hển, từ từ bình ổn lại. Cánh cửa phòng bật mở, một người phụ nữ trung niên với sắc mặt vàng như nghệ bưng chiếc mâm gỗ bước ra. Cô lặng lẽ nhìn Hoàng Trung, từng giọt nước mắt lăn dài trên gò má.

Hoàng Trung giơ tay như muốn lau đi, nhưng rồi hắn rụt tay lại, nghiến răng đi vào phòng thật nhanh rồi quay lại với cung tiễn trong tay:

“Nàng chờ ở đây, ta lên núi một chuyến nữa.”

Hoàng Trung chuẩn bị lên núi xem thử có bắt được thêm thú dữ nào không. Người phụ nữ trung niên mở miệng như muốn nói gì đó, cuối cùng cô ta thở dài, giọng như nghẹn lại:

“Ừ, thiếp biết rồi. Chàng nhớ cẩn thận.”

Kỳ thật cả hai đều biết thời tiết này vẫn còn rét buốt, những con thú lớn sẽ vùi mình sâu trong ổ, họa hoằn lắm mới có một hai con chui ra ngoài. Huống chi ngọn núi này là nhà của Hoàng Trung, hắn đã rảo bước rất nhiều lần nhưng chẳng thu hoạch được gì hết. Chẳng qua đi thêm một lần thì níu được một chút hy vọng mà thôi.

Hoàng Trung nhẹ gật đầu, vừa đi ra cửa đã thấy từ đằng xa có hai người cưỡi ngựa chạy tới nhà mình. Một trong số đó vừa nhìn thấy Hoàng Trung đã liên tục huơ tay ra hiệu. Hắn nhìn kỹ, hóa ra là gia chủ Hoàng Thừa Ngạn và con rể lão là Phỉ Tiềm. Hoàng Thừa Ngạn hớn hở hô to:

“Haha, đã lâu không gặp, Hán Thăng lại muốn đi săn à?”

Phỉ Tiềm ở phía sau thầm hô may mắn, mình đến sớm một bước là tốt rồi. Lỡ như trễ chừng vài phút, chẳng biết khi nào Hoàng Trung mới quay về.

Hoàng Trung vội chạy tới đón Hoàng Thừa Ngạn vào nhà, còn Phỉ Tiềm buộc ngựa vào cây, móc trong túi ra vài hạt đậu cho hai con ngựa ăn, sau đó mới lấy một cái túi lớn và hai bình rượu trên lưng ngựa xuống.

Có vẻ như Hoàng Thừa Ngạn đã từng đến nơi này, tuy nhiên cũng lâu lắm hắn chưa ghé lại thăm, bây giờ đột nhiên nhìn thấy đồ vật trong nhà ít hẳn đi, tường vách nứt nẻ không người tu sửa, lòng lão bỗng cảm thấy thổn thức. Lão vừa cười vừa chỉ vào Phỉ Tiềm đang bước tới:

“Nói đi cũng phải nói lại, lần này lão già ta vô tình đụng trúng một con thỏ, biết Hán Thăng rất có nghề trong việc làm thịt động vật hoang dã, liền ghé qua phiền Hán Thăng một hai.”

Phỉ Tiềm cũng đem cái túi đưa lên:

“Làm phiền Hoàng tướng quân rồi.”

Hoàng Trung trầm mặc hồi lâu, sau đó chắp tay hành lễ với Hoàng Thừa Ngạn:

“Thôi được, mời hai vị ngồi chờ, ta sẽ đi chuẩn bị.”

Nói xong, hắn cầm lấy chiếc túi trên tay Phỉ Tiềm rồi quay vào phòng.

Phỉ Tiềm đảo mắt nhìn quanh, phát hiện nhà Hoàng Trung cũ nát đến không ngờ, trong không khỏi bùi ngùi. Nếu như không nói, ai lại nghĩ một tướng quân nằm top đầu thời Tam Quốc lại sống trong một căn nhà tồi tàn đến thế.

Từ bước tường bị nước mưa làm thấm dột cho đến mái ngói hư hỏng nặng cũng chỉ có thể che lại bằng cỏ tranh, đủ nói lên hoàn cảnh khó khăn về tài chính của chủ nhà. Vì sao Hoàng Trung nhất quyết không ra làm quan? Ngoại trừ con trai bị bệnh ra, có lẽ tính cách của Hoàng Trung cũng là một nhân tố quan trọng.

Trước khi đến đây, Hoàng Thừa Ngạn đã dặn đi dặn lại Phỉ Tiềm, đừng mang thêm bất cứ thứ gì ngoài con thỏ này và một chút rượu. Vừa nghe xong Phỉ Tiềm đã đoán được phần nào.

Chẳng bao lâu sau, Hoàng Trung liền bưng chậu thịt thỏ ra ngoài, cả ba lấy bát đũa, rót rượu rồi bắt đầu cắm cúi ăn. Hoàng Thừa Ngạn chỉ gắp vài đũa rồi cười bảo:

“Hán Thăng, lão già ta đây có chuyện muốn nhờ.”

Lão kể lại chuyện Phỉ Tiềm đi sứ một lần, sau đó bảo:

“Đoạn đường này tuy được Lưu thứ sử phái trọng binh theo hộ vệ, chỉ có điều thời gian gần đây đế quốc rơi vào loạn lạc. Ta hy vọng Hán Thăng có thể đi cùng, sẵn tiện chiếu cố con rể ta một phen.”

Phỉ Tiềm cũng đứng lên cúi đầu hành lễ:

“Trước đó Tiềm biết được Hoàng tướng quân võ nghệ cao cường, nếu có tướng quân đi bên cạnh hỗ trợ, chính là phúc phận của Tiềm vậy!”

Hoàng Trung vội vươn tay đỡ Phỉ Tiềm dậy, do dự một chút vẫn bảo:

“Ta biết Phỉ biệt giá có ơn chế tiễn, bản thân ta sẵn lòng đền đáp, nhưng ngặt nỗi trong nhà có chuyện khó khăn, nên…”

Hoàng Trung thở dài rồi lắc đầu không nói. Hoàng Thừa Ngạn vừa định thuyết phục thêm, bỗng nhiên trong phòng lại vang lên tiếng ho khan kịch liệt, lão đành thở dài không khuyên bảo nữa.

Dù gì nhà người ta đang có chuyện, bảo Hoàng Trung bỏ rơi con trai ruột để đi một chuyến xa xôi, nếu trở về mà bệnh tình con hắn thuyên giảm còn đỡ, lỡ như có chuyện gì bất trắc, vậy Hoàng Trung phải làm sao? Phỉ Tiềm lại lẳng lặng nghe tiếng ho khan, bỗng nhiên hỏi:

“Chẳng hay lệnh lang có bị sốt không?”

Mặc dù hỏi không đầu không đuôi, nhưng Hoàng Trung vẫn biết Phỉ Tiềm muốn làm gì, đôi mắt hắn sáng rực lên, vội vàng bảo:

“Bình thường sẽ sốt, nhưng chẳng hiểu sau mấy ngày gần đây không có.”

Mặc dù Phỉ Tiềm không phải bác sĩ, hắn là kỹ sư chứ không phải ngành y, nhưng bản thân cũng tiếp xúc rất nhiều tin tức từ internet, người thời hiện đại đều tìm hiểu về thông tin phòng ngựa các bệnh xoàng. Thêm vào đó đại dịch covid xuất hiện, có người ho một tiếng làm cả đám xung quanh sợ hãi nên hắn hiểu khá rõ về cảm sốt. Nguyên nhân gây ra ho khan có rất nhiều, sợ nhất chính là viêm phổi, bởi vì bệnh này lây nhiễm rất ghê.

Nếu viêm phổi không chữa khỏi, lâu ngày sẽ biến thành ho lao, thời cổ đại không có thuốc tiêm ngừa, bị là chết chắc. Nhưng người bị viêm phổi sẽ kèm theo triệu chứng nóng ran cả người. Hoàng Trung bảo thằng bé không bị sốt, như vậy thì khả năng không phải viêm phổi, mà là bị viêm phế quản mãn tính hoặc viêm họng.

Tuy thời cổ đại vẫn chưa có người tìm ra bệnh viêm phế quản mãn tính, đồng thời Phỉ Tiềm chẳng biết gì về Đông Y nên hắn không tự bốc thuốc được. Nhưng hắn lại cảm thấy đây là một cơ hội để thuyết phục Hoàng Trung hiệu lực cho mình…

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương