Papillon - Người Tù Khổ Sai
-
Chương 43: Nước Vanezuela, các ngư dân Irapa
Tôi đã khám phá ra một thế giới mới, những con người, một nền văn minh hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Những phút đầu tiên trên đất Venezuela vô cùng cảm động, và phải một tài năng hơn hẳn cái vốn liếng chữ nghĩa ít ỏi của tôi mới giải thích, diễn đạt, vẽ lên nổi cái không khí tiếp đón nồng nhiệt mà những người dân hào hiệp ở đây đã giành cho chúng tôi.
Đàn ông, da trắng hay da đen, nhưng đa số là da màu sáng như màu da trắng bị rám nắng vài ngày, hầu hết mặc quần xắn đến đầu gối.
- Tội nghiệp, sao trông các ông thảm hại đến vậy - cánh đàn ông nói.
Làng dân chài nơi chúng tôi đến là làng Irapa, một công xã thuộc một bang tên là Sucre. Các cô gái và các thiếu phụ, hơi nhỏ người nhưng duyên dáng vô cùng, và cả các bà già nữa không trừ một ai, đều biến thành nữ y tá, xơ từ thiện hay mẹ bảo trợ chúng tôi. Họ tập họp ở một căn nhà đã mắc sẵn năm cái võng len, kê sẵn bàn cho chúng tôi, họ lấy dầu ca-cao xoa lên thân thể chúng tôi từ đầu đến chân, không bỏ sót một centimét da bị tróc. Chúng tôi lả đi vì đói và mệt, vì phải nhịn ăn quá lâu ngày nên bị mất nhiều nước. Những người vùng ven biển này biết là chúng tôi cần ngủ nhưng cũng phải cho ăn chút ít một.
Mỗi đứa chúng tôi nằm trên võng, vừa ngủ, vừa được các nữ y tá bất ngờ bón cho ăn từng miếng. Tôi quá mệt mỏi, khi được đặt lên võng, những chỗ da bị trơ thịt ra được xoa dầu ca-cao rồi, sức lực của tôi đã hoàn toàn tan biến đâu mất và tôi cứ mơ mơ màng màng ngủ, ăn và uống mà không biết gì hết. Một món gì giống cháo bột sắn ở quê tôi không được dạ dày rỗng tuếch của tôi tiếp thu. Mà không phải chỉ mình tôi như vậy. Tất cả chúng tôi đã nhiều lần nôn ra một phần hay tất cả những món ăn mà các bà các chị đã đưa vào mồm chúng tôi từng muỗng một. Dân trong làng này nghèo xác xơ. Nhưng tất cả mọi người, không trừ một ai, đều giúp đỡ chúng tôi.
Ba ngày sau, do được tập thể này săn sóc và do tuổi còn trẻ, chúng tôi đã gần lại người. Chúng tôi ngồi dậy hàng giờ dưới mái lán lợp bằng lá dừa râm mát, các bạn tôi và tôi đã trò chuyện với người làng. Họ không dư dả để cho chúng tôi có quần áo mặc ngay một lúc. Và những nhóm nhỏ đã được hình thành. Nhóm này chuyên lo cho Guittou, nhóm nọ, cho Deplanque. Độ gần mười lo cho tôi. Những ngày đầu, họ cho chúng tôi mặc đủ thứ đồ hú họa, cũ kỹ nhưng rất sạch. Bây giờ, mỗi khi có điều kiện, họ mua cho chúng tôi chiếc áo sơ-mi mới, cái quần dài, sợi thắt lưng hay đôi giày vải. Trong số phụ nữ săn sóc tôi có những cô gái trẻ, dân tộc Anh- điêng pha trộn với máu Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Một cô tên là Tibisay, cô kia là Nenita. Các cô đã mua cho tôi một cái áo sơ mi, một cái quần dài, một đôi giày vải mà họ gọi là "aspargate", đế giày bằng da, không có gót, phần che chân là sợi vải tết lại. Chỉ có cổ chân và gót chân được bao bọc còn ngón chân thì để hở.
- Không cần hỏi các anh từ đâu đến. Cứ trông các anh xăm mình, chúng tôi cũng biết là các anh đã vượt ngục từ trại giam của Pháp.
Điều đó lại càng làm tôi cảm động hơn.
Chao ôi! Biết chúng tôi là tù vì đã phạm tội nặng, lại vượt khỏi một trại tù mà sách báo đã mô tả tình trạng khắc nghiệt của nó, những người dân bình thường này cho việc cứu trợ, giúp đỡ chúng tôi là tự nhiên sao? Khi người ta giàu có hay khá giả mà đi cho quần áo, khi gia đình và bản thân mình không thiếu thốn gì mà cho một người lạ ăn uống, thế cũng đã là tốt lắm rồi. Đằng này chia đôi một mẩu bánh ngô hay bánh sắn nướng lấy ở lò nhà, trong lúc chính mình và gia đình mình cũng chưa đủ ăn, rồi chia sẻ bữa ăn đạm bạc không đủ nuôi sống được gia đình mình, với những người xa lạ, hơn thế nữa, với những kẻ trốn tránh công lý như chúng tôi, lại càng đáng khâm phục.
Sáng nay, tất cả mọi người, đàn ông lẫn đàn bà, đều nín lặng. Họ có vẻ bực bội và lo âu. Có chuyện gì vậy? Tibisay và Nenita đang ở cạnh tôi. Sau mười lăm ngày, lần đầu tiên tôi đã có thể cạo râu. Chúng tôi ở cùng những con người hết sức tận tình này đã được tám ngày. Các vết bỏng của tôi đã lên da non cho nên tôi mới dám cạo. Vì bộ râu của tôi, các cô các bà chẳng biết tuổi tác của tôi ra sao. Khi thấy tôi còn trẻ. Họ rất mừng và nói thẳng điều đó ra một cách chất phác. Tôi đã ba mươi lăm tuổi nhưng trông chỉ độ hăm tám, ba mươi. Phải, đúng là những người đàn ông, đàn bà mến khách này có chuyện gì lo lắng cho chúng tôi, tôi cảm thấy thế.
- Có chuyện gì vậy Tibisay, nói cho tôi nghe, có chuyện gì vậy?
- Các quan chức ở bên Quiria sắp tới đây: ở đây không có ủy viên dân sự. Chẳng hiểu tại sao, nhưng cảnh sát ở bên ấy đã được tin các anh ở đây. Họ sắp tới.
Một người phụ nữ da đen, cao và đẹp, đi với một thanh niên mình trần, quần xắn tới đầu gối, đã đến gặp tôi. Anh thanh niên có một thân hình lực sĩ cân đối, chị da đen, "La Negrita" (ở Venezuela không hề có phân biệt chủng tộc hay tôn giáo và đấy là một lối gọi âu yếm rất thông dụng đối với phụ nữ da màu) đã hỏi tôi:
- Ông Henri ơi (Senor Enriquez) cảnh sát sắp đến đây. Tôi không biết họ sẽ làm điều tốt hay xấu cho ông. Ông có muốn trốn một thời gian vào núi không? Em tôi có thể dẫn ông đến một căn nhà nhỏ mà không ai tìm được ông. Tibisay, Nenita và tôi có thể hàng ngày đem thức ăn cho ông và tin cho ông biết tình hình.
Cảm động đến tột độ, tôi muốn hôn tay người con gái cao thượng này nhưng chị đã rút tay lại, và chị nhẹ nhàng giản dị hôn má tôi.
Lát sau, một tốp người ngựa phi nước đại đến. Tất cả đều mang một con dao dài, loại dao đẵn mía, đeo bên trái như đeo kiếm, một thắt lưng to bản đựng đầy đạn và một khẩu súng ngắn to đựng trong bao đeo bên phải. Họ xuống ngựa. Một người mặt như Mông Cổ mắt xếch kiểu người Anh- điêng, da màu đồng đỏ, cao và gầy, chừng bốn mươi tuổi, đầu đôi mũ rơm to, tiến về phía chúng tôi.
- Chào các ông. Tôi là xếp dân sự, cảnh sát trưởng đây
- Chào ông.
- Còn các người kia, sao các người không báo cho chúng tôi biết là có năm người dân Cayenne vượt ngục đến ở đây? Người ta nói là họ ở đây đã được tám ngày. Trả lời đi!
- Chúng tôi chờ khi nào họ đi lại được và các vết bỏng của họ lành đã.
- Chúng tôi đến để dẫn họ về Guiria đây. Sẽ có xe tải đến ngay.
- Ông uống cà phê nhé?
- Được, cám ơn ông.
Tất cả ngồi thành vòng tròn uống cà phê. Tôi nhìn cảnh sát trường và các nhân viên của ông. Họ không có vẻ ác. Tôi có cảm giác là họ phải làm theo lệnh của cấp trên mà không tán thành lệnh đó.
- Các ông vượt ngục từ Đảo Quỷ phải không?
- Không, chúng tôi từ Georgetown ở Guyane thuộc Anh đến.
- Tại sao các ông không ở đấy?
- Chỗ ấy kiếm ăn cực lắm.
Ông ta mỉm cười nói:
- Các ông cho là ở đây dễ chịu hơn là ở với người Anh?
- Phải, vì chúng tôi cũng gốc La-tinh như ông.
Một nhóm bảy, tám người tiến lại vòng tròn của chúng tôi. Đứng đầu là một người trạc năm mươi tuổi, tóc bạc trắng, cao hơn một mét bảy mươi lăm, da màu sô-cô-la rất sáng. Đôi mắt to đen biểu lộ trí thông minh và một sức mạnh tinh thần khác thường. Tay phải ông ta đặt trên cán con dao dài đeo bên đùi.
- Ông cảnh sát trưởng định làm gì đối với những người này?
- Tôi sẽ giải họ về nhà tù ở Guiria.
- Sao ông không để họ sống với gia đình chúng tôi? Mỗi gia đình sẽ nhận một người.
- Không thể được, vì đây là lệnh của tỉnh trưởng.
- Nhưng họ có phạm tội gì trên đất Venezuela đâu?
- Tôi công nhận điều đó. Dù sao đây cũng là những người rất nguy hiểm vì họ phạm tội rất nặng mới phải đi đày ở nhà tù khổ sai. Ngoài ra họ còn vượt ngục không có giấy tờ căn cước, chắc chắn cánh sát nước họ sẽ đòi họ khi biết họ ở Venezuela.
- Chúng tôi muốn giữ họ lại với chúng tôi.
- Không thể được, vì đây là lệnh của tỉnh trưởng.
- Cái gì cũng có thể được. Ông tỉnh trưởng biết gì về những con người khốn khổ này? Không có ai là đồ bỏ. Dù có phạm tội gì, đến một lúc nào đó trong đời người ta, cũng có cơ hội phục hồi nhân phẩm để trở thành người tốt, có ích cho xã hội, có phải thế không các ông, các bà?
- Đúng vậy - đàn ông, đàn bà đều đồng thanh đáp - Các ông cứ để họ ở lại với chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp họ làm lại cuộc đời. Tám ngày qua, chúng tôi đã hiểu họ khá đủ : chắc chắn đây là những người tốt.
- Có những người văn minh hơn chúng ta đã giam họ vào ngục để họ không làm gì có hại, - viên cảnh sát trưởng nói.
- Theo ông thì thế nào là văn minh, thưa ông cảnh sát trường? - Tôi hỏi - Ông tưởng có thang máy, máy bay, xe điện ngầm, là người Pháp chúng tôi văn minh hơn những người đã tiếp đón và săn sóc chúng tôi? Ông nên biết rằng theo ngụ ý của tôi, văn minh của nhân loại là có được một tâm hồn cao thượng, sự thông cảm với con người. Ở làng này, sống giữa thiên nhiên, đúng là người ta thiếu những lợi ích của nền văn minh máy móc, nhưng đối với con người, người ta lại có tâm hồn cao thượng hơn, có sự thông cảm hơn; tuy không được hưởng lợi ích của sự tiến bộ, họ lại có ý thức về lòng kính Chúa thương người cao hơn tất cả những kẻ tự nhận là văn minh ở trên đời này. Tôi quý một người thất học ở xóm này hơn là một cứ nhân văn học tại trường Sorbonne ở Paris, nếu anh cử nhân kia một ngày nào đó đầu óc giống như viên biện lý đã kết tội tôi. Một đằng là con người thật sự, còn kẻ kia đã quên mất mình là người rồi.
- Tôi hiểu anh. Nhưng tôi chẳng qua cũng là cái phận chỉ đâu đánh đấy. Xe đến rồi. Tôi xin tất cả hãy giúp tôi sao cho mọi việc đều êm đẹp.
Mỗi nhóm phụ nữ ôm hôn người mà họ chăm sóc, Tibisay, Nenita La và Negrita vừa hôn tôi vừa khóc như mưa như gió. Đàn ông đều bắt tay chúng tôi, biểu lộ nỗi đau khổ của họ khi thấy chúng tôi phải vào tù.
- Xin tạm biệt, dân làng Irapa, giòng giống cực kỳ cao thượng đã can đảm đương đầu với chính quyền của nước mình để bảo vệ những kẻ khốn khổ hôm qua còn xa lạ với mình. Miếng bánh mà tôi ăn ở nhà các vị, miếng bánh mà các vị đã dám nhịn để dành cho chúng tôi, miếng bánh tượng trưng cho tình nhân loại anh em, đối với tôi là tấm gương cao cả của thời xưa: "Không được giết người, hãy làm điều lành cho những người đang đau khổ dù có vì vậy mà phải thiếu thốn, hãy luôn luôn giúp người bất hạnh hơn mình".
Sau này nếu có ngày tôi được tự do, tôi sẽ cố sức giúp đỡ người khác, như những người đầu tiên tôi gặp ở Venezuela đã dạy tôi. Tôi còn gặp nhiều người như thế trong tương lai.
Đàn ông, da trắng hay da đen, nhưng đa số là da màu sáng như màu da trắng bị rám nắng vài ngày, hầu hết mặc quần xắn đến đầu gối.
- Tội nghiệp, sao trông các ông thảm hại đến vậy - cánh đàn ông nói.
Làng dân chài nơi chúng tôi đến là làng Irapa, một công xã thuộc một bang tên là Sucre. Các cô gái và các thiếu phụ, hơi nhỏ người nhưng duyên dáng vô cùng, và cả các bà già nữa không trừ một ai, đều biến thành nữ y tá, xơ từ thiện hay mẹ bảo trợ chúng tôi. Họ tập họp ở một căn nhà đã mắc sẵn năm cái võng len, kê sẵn bàn cho chúng tôi, họ lấy dầu ca-cao xoa lên thân thể chúng tôi từ đầu đến chân, không bỏ sót một centimét da bị tróc. Chúng tôi lả đi vì đói và mệt, vì phải nhịn ăn quá lâu ngày nên bị mất nhiều nước. Những người vùng ven biển này biết là chúng tôi cần ngủ nhưng cũng phải cho ăn chút ít một.
Mỗi đứa chúng tôi nằm trên võng, vừa ngủ, vừa được các nữ y tá bất ngờ bón cho ăn từng miếng. Tôi quá mệt mỏi, khi được đặt lên võng, những chỗ da bị trơ thịt ra được xoa dầu ca-cao rồi, sức lực của tôi đã hoàn toàn tan biến đâu mất và tôi cứ mơ mơ màng màng ngủ, ăn và uống mà không biết gì hết. Một món gì giống cháo bột sắn ở quê tôi không được dạ dày rỗng tuếch của tôi tiếp thu. Mà không phải chỉ mình tôi như vậy. Tất cả chúng tôi đã nhiều lần nôn ra một phần hay tất cả những món ăn mà các bà các chị đã đưa vào mồm chúng tôi từng muỗng một. Dân trong làng này nghèo xác xơ. Nhưng tất cả mọi người, không trừ một ai, đều giúp đỡ chúng tôi.
Ba ngày sau, do được tập thể này săn sóc và do tuổi còn trẻ, chúng tôi đã gần lại người. Chúng tôi ngồi dậy hàng giờ dưới mái lán lợp bằng lá dừa râm mát, các bạn tôi và tôi đã trò chuyện với người làng. Họ không dư dả để cho chúng tôi có quần áo mặc ngay một lúc. Và những nhóm nhỏ đã được hình thành. Nhóm này chuyên lo cho Guittou, nhóm nọ, cho Deplanque. Độ gần mười lo cho tôi. Những ngày đầu, họ cho chúng tôi mặc đủ thứ đồ hú họa, cũ kỹ nhưng rất sạch. Bây giờ, mỗi khi có điều kiện, họ mua cho chúng tôi chiếc áo sơ-mi mới, cái quần dài, sợi thắt lưng hay đôi giày vải. Trong số phụ nữ săn sóc tôi có những cô gái trẻ, dân tộc Anh- điêng pha trộn với máu Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Một cô tên là Tibisay, cô kia là Nenita. Các cô đã mua cho tôi một cái áo sơ mi, một cái quần dài, một đôi giày vải mà họ gọi là "aspargate", đế giày bằng da, không có gót, phần che chân là sợi vải tết lại. Chỉ có cổ chân và gót chân được bao bọc còn ngón chân thì để hở.
- Không cần hỏi các anh từ đâu đến. Cứ trông các anh xăm mình, chúng tôi cũng biết là các anh đã vượt ngục từ trại giam của Pháp.
Điều đó lại càng làm tôi cảm động hơn.
Chao ôi! Biết chúng tôi là tù vì đã phạm tội nặng, lại vượt khỏi một trại tù mà sách báo đã mô tả tình trạng khắc nghiệt của nó, những người dân bình thường này cho việc cứu trợ, giúp đỡ chúng tôi là tự nhiên sao? Khi người ta giàu có hay khá giả mà đi cho quần áo, khi gia đình và bản thân mình không thiếu thốn gì mà cho một người lạ ăn uống, thế cũng đã là tốt lắm rồi. Đằng này chia đôi một mẩu bánh ngô hay bánh sắn nướng lấy ở lò nhà, trong lúc chính mình và gia đình mình cũng chưa đủ ăn, rồi chia sẻ bữa ăn đạm bạc không đủ nuôi sống được gia đình mình, với những người xa lạ, hơn thế nữa, với những kẻ trốn tránh công lý như chúng tôi, lại càng đáng khâm phục.
Sáng nay, tất cả mọi người, đàn ông lẫn đàn bà, đều nín lặng. Họ có vẻ bực bội và lo âu. Có chuyện gì vậy? Tibisay và Nenita đang ở cạnh tôi. Sau mười lăm ngày, lần đầu tiên tôi đã có thể cạo râu. Chúng tôi ở cùng những con người hết sức tận tình này đã được tám ngày. Các vết bỏng của tôi đã lên da non cho nên tôi mới dám cạo. Vì bộ râu của tôi, các cô các bà chẳng biết tuổi tác của tôi ra sao. Khi thấy tôi còn trẻ. Họ rất mừng và nói thẳng điều đó ra một cách chất phác. Tôi đã ba mươi lăm tuổi nhưng trông chỉ độ hăm tám, ba mươi. Phải, đúng là những người đàn ông, đàn bà mến khách này có chuyện gì lo lắng cho chúng tôi, tôi cảm thấy thế.
- Có chuyện gì vậy Tibisay, nói cho tôi nghe, có chuyện gì vậy?
- Các quan chức ở bên Quiria sắp tới đây: ở đây không có ủy viên dân sự. Chẳng hiểu tại sao, nhưng cảnh sát ở bên ấy đã được tin các anh ở đây. Họ sắp tới.
Một người phụ nữ da đen, cao và đẹp, đi với một thanh niên mình trần, quần xắn tới đầu gối, đã đến gặp tôi. Anh thanh niên có một thân hình lực sĩ cân đối, chị da đen, "La Negrita" (ở Venezuela không hề có phân biệt chủng tộc hay tôn giáo và đấy là một lối gọi âu yếm rất thông dụng đối với phụ nữ da màu) đã hỏi tôi:
- Ông Henri ơi (Senor Enriquez) cảnh sát sắp đến đây. Tôi không biết họ sẽ làm điều tốt hay xấu cho ông. Ông có muốn trốn một thời gian vào núi không? Em tôi có thể dẫn ông đến một căn nhà nhỏ mà không ai tìm được ông. Tibisay, Nenita và tôi có thể hàng ngày đem thức ăn cho ông và tin cho ông biết tình hình.
Cảm động đến tột độ, tôi muốn hôn tay người con gái cao thượng này nhưng chị đã rút tay lại, và chị nhẹ nhàng giản dị hôn má tôi.
Lát sau, một tốp người ngựa phi nước đại đến. Tất cả đều mang một con dao dài, loại dao đẵn mía, đeo bên trái như đeo kiếm, một thắt lưng to bản đựng đầy đạn và một khẩu súng ngắn to đựng trong bao đeo bên phải. Họ xuống ngựa. Một người mặt như Mông Cổ mắt xếch kiểu người Anh- điêng, da màu đồng đỏ, cao và gầy, chừng bốn mươi tuổi, đầu đôi mũ rơm to, tiến về phía chúng tôi.
- Chào các ông. Tôi là xếp dân sự, cảnh sát trưởng đây
- Chào ông.
- Còn các người kia, sao các người không báo cho chúng tôi biết là có năm người dân Cayenne vượt ngục đến ở đây? Người ta nói là họ ở đây đã được tám ngày. Trả lời đi!
- Chúng tôi chờ khi nào họ đi lại được và các vết bỏng của họ lành đã.
- Chúng tôi đến để dẫn họ về Guiria đây. Sẽ có xe tải đến ngay.
- Ông uống cà phê nhé?
- Được, cám ơn ông.
Tất cả ngồi thành vòng tròn uống cà phê. Tôi nhìn cảnh sát trường và các nhân viên của ông. Họ không có vẻ ác. Tôi có cảm giác là họ phải làm theo lệnh của cấp trên mà không tán thành lệnh đó.
- Các ông vượt ngục từ Đảo Quỷ phải không?
- Không, chúng tôi từ Georgetown ở Guyane thuộc Anh đến.
- Tại sao các ông không ở đấy?
- Chỗ ấy kiếm ăn cực lắm.
Ông ta mỉm cười nói:
- Các ông cho là ở đây dễ chịu hơn là ở với người Anh?
- Phải, vì chúng tôi cũng gốc La-tinh như ông.
Một nhóm bảy, tám người tiến lại vòng tròn của chúng tôi. Đứng đầu là một người trạc năm mươi tuổi, tóc bạc trắng, cao hơn một mét bảy mươi lăm, da màu sô-cô-la rất sáng. Đôi mắt to đen biểu lộ trí thông minh và một sức mạnh tinh thần khác thường. Tay phải ông ta đặt trên cán con dao dài đeo bên đùi.
- Ông cảnh sát trưởng định làm gì đối với những người này?
- Tôi sẽ giải họ về nhà tù ở Guiria.
- Sao ông không để họ sống với gia đình chúng tôi? Mỗi gia đình sẽ nhận một người.
- Không thể được, vì đây là lệnh của tỉnh trưởng.
- Nhưng họ có phạm tội gì trên đất Venezuela đâu?
- Tôi công nhận điều đó. Dù sao đây cũng là những người rất nguy hiểm vì họ phạm tội rất nặng mới phải đi đày ở nhà tù khổ sai. Ngoài ra họ còn vượt ngục không có giấy tờ căn cước, chắc chắn cánh sát nước họ sẽ đòi họ khi biết họ ở Venezuela.
- Chúng tôi muốn giữ họ lại với chúng tôi.
- Không thể được, vì đây là lệnh của tỉnh trưởng.
- Cái gì cũng có thể được. Ông tỉnh trưởng biết gì về những con người khốn khổ này? Không có ai là đồ bỏ. Dù có phạm tội gì, đến một lúc nào đó trong đời người ta, cũng có cơ hội phục hồi nhân phẩm để trở thành người tốt, có ích cho xã hội, có phải thế không các ông, các bà?
- Đúng vậy - đàn ông, đàn bà đều đồng thanh đáp - Các ông cứ để họ ở lại với chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp họ làm lại cuộc đời. Tám ngày qua, chúng tôi đã hiểu họ khá đủ : chắc chắn đây là những người tốt.
- Có những người văn minh hơn chúng ta đã giam họ vào ngục để họ không làm gì có hại, - viên cảnh sát trưởng nói.
- Theo ông thì thế nào là văn minh, thưa ông cảnh sát trường? - Tôi hỏi - Ông tưởng có thang máy, máy bay, xe điện ngầm, là người Pháp chúng tôi văn minh hơn những người đã tiếp đón và săn sóc chúng tôi? Ông nên biết rằng theo ngụ ý của tôi, văn minh của nhân loại là có được một tâm hồn cao thượng, sự thông cảm với con người. Ở làng này, sống giữa thiên nhiên, đúng là người ta thiếu những lợi ích của nền văn minh máy móc, nhưng đối với con người, người ta lại có tâm hồn cao thượng hơn, có sự thông cảm hơn; tuy không được hưởng lợi ích của sự tiến bộ, họ lại có ý thức về lòng kính Chúa thương người cao hơn tất cả những kẻ tự nhận là văn minh ở trên đời này. Tôi quý một người thất học ở xóm này hơn là một cứ nhân văn học tại trường Sorbonne ở Paris, nếu anh cử nhân kia một ngày nào đó đầu óc giống như viên biện lý đã kết tội tôi. Một đằng là con người thật sự, còn kẻ kia đã quên mất mình là người rồi.
- Tôi hiểu anh. Nhưng tôi chẳng qua cũng là cái phận chỉ đâu đánh đấy. Xe đến rồi. Tôi xin tất cả hãy giúp tôi sao cho mọi việc đều êm đẹp.
Mỗi nhóm phụ nữ ôm hôn người mà họ chăm sóc, Tibisay, Nenita La và Negrita vừa hôn tôi vừa khóc như mưa như gió. Đàn ông đều bắt tay chúng tôi, biểu lộ nỗi đau khổ của họ khi thấy chúng tôi phải vào tù.
- Xin tạm biệt, dân làng Irapa, giòng giống cực kỳ cao thượng đã can đảm đương đầu với chính quyền của nước mình để bảo vệ những kẻ khốn khổ hôm qua còn xa lạ với mình. Miếng bánh mà tôi ăn ở nhà các vị, miếng bánh mà các vị đã dám nhịn để dành cho chúng tôi, miếng bánh tượng trưng cho tình nhân loại anh em, đối với tôi là tấm gương cao cả của thời xưa: "Không được giết người, hãy làm điều lành cho những người đang đau khổ dù có vì vậy mà phải thiếu thốn, hãy luôn luôn giúp người bất hạnh hơn mình".
Sau này nếu có ngày tôi được tự do, tôi sẽ cố sức giúp đỡ người khác, như những người đầu tiên tôi gặp ở Venezuela đã dạy tôi. Tôi còn gặp nhiều người như thế trong tương lai.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook