Mười Bảy Mùa Hè Ở Nam Giang
Chương 3-3: Chúng ta tiền đồ Vô lượng (3)

Được sự đồng ý của Tô Khởi, Trình Anh Anh chuyển cây đàn cho vợ chồng Lý Viện Bình và Phùng Tú Anh. Lý Viện Bình ra giá 3000 tệ, nhưng Trình Anh Anh nhớ rõ năm xưa nhà họ cho nhà cô cây quạt điện, chỉ lấy 2000 tệ. Nói sau này Tô Khởi muốn đánh đàn thì cho con bé sang nhà đánh là được rồi.

Kể từ đó, hẻm Nam Giang chỉ có tiếng nhạc nhẹ nhàng tuyệt vời, tiếng sáo tiếng cưa gỗ ồn ào ầm ĩ trước kia dần biến mất. Khang Đề rốt cuộc cũng nhận ra con mình không có thiên phú về âm nhạc, không bắt Lương Thuỷ kéo đàn nữa.

Tô Khởi cũng thành công giảm gánh nặng đánh đàn, lại trải qua những tháng ngày vui vẻ lên lớp thì nói chuyện tan học thì đi chơi.

Hẻm Nam Giang trở về như lúc trước, "kế hoạch bồi dưỡng thiên tài nhỏ tuổi" như thế cứ tiêu tan, không ai nhắc lại.

Trình Anh Anh nghe tiếng đàn từ Lý gia truyền đến, không khỏi cảm thán —— thiên phú là không thể ép buộc, rồi lại bắt đầu lo lắng sau này Tô Thất Thất không thể thành tài. Cô dừng công việc trong tay, đến nhà của Lý Phong Nhiên.

Lý Phong Nhiên đang đánh đàn, bốn đứa nhỏ còn lại dọn ghế cao và băng ghế nhỏ ra tụ lại ngồi làm bài tập.

Tô Khởi mở tập vở ra, trên cùng là tập tô màu công chúa. Cô bé lấy màu nước tô, trên bàn tay nhỏ dính đầy màu.

Cô bé vừa mới tô xong một bức, nhìn nhìn, vô cùng hài lòng, đưa cho Lương Thuỷ xem. Lương Thuỷ đang làm bài tập, không hề hứng thú với bức tranh của cô bé. Lâm Thanh và Lộ Tử Hạo cũng đang vùi đầu viết chữ.

Tô Khởi ngó trái ngó phải, ánh mắt cuối cùng dừng ở Lý Phong Nhiên đang đánh đàn. Cô nhếch miệng cười, thò lại đứng bên đàn, chìa tay ra đánh đàn.

Cô bé đàn bài Jingle Bells, hoà với bài Hungarian Dance của Lý Phong Nhiên, độ kỳ quái thì miễn bàn. Nhưng Lý Phong Nhiên không bị ảnh hưởng chút nào, vẫn đàn bài của mình. Tô Khởi cũng vô cùng say sưa với bài Jingle Bells của mình, lắc lư cái đầu.

Lộ Tử Hạo giả vờ đau khổ bịt lỗ tai.

Lương Thuỷ nói: "Tô Thất Thất, cậu lại phát điên hả? Buông tha cho Lý Phàm đi."

Trình Anh Anh đứng cạnh cửa cực kỳ lo lắng, gọi: "Tô Thất Thất.".

Tô Khởi ngẩng đầu, khuôn mặt nhỏ nở nụ cười, đôi mắt cười khanh khách giống hai trái nho đen.

Tim Trình Anh Anh tan chảy một nửa, nhưng giọng lại nghiêm khắc: "Con làm xong bài tập xong chưa?".

"Con xong hết rồi nha, đang chờ mấy bạn đó.".

Trình Anh Anh không còn gì để nói.

Đêm đó, cô nói chuyện với Tô Miễn Cần, lo lắng sau này Tô Khởi lớn lên không có tương lai.

"Con bé y hệt con khỉ nhỏ, nhặt hạt vừng mà vứt hạt dưa [1], làm gì cũng không tập trung. Lúc thì nhảy múa lúc thì đánh đàn, đổi tới đổi lui. Sau này phải làm thế nào đây?"

[1] Nhặt hạt vừng mà vứt hạt dưa: không biết nhìn xa trông rộng, tham món lợi nhỏ trước mắt mà bỏ món lợi lớn.

Tô Miễn Cần nói: "Thất Thất ham chơi thì ham chơi, nhưng em không thấy trước giờ em không cần lo chuyện con làm bài tập à? Con cũng không chép bài tập của người khác. Mỗi lần nghỉ đông và nghỉ hè, không phải trước đó một tuần con gái làm hết bài tập rồi mới chơi suốt mùa hè à?".

Trình Anh Anh sửng sốt.

"So với làm một đứa trẻ ưu tú, anh càng hy vọng con gái làm một đứa trẻ vui vẻ hơn. Thất Thất cười lên dễ thương thấy mồ."

"Hừ, con bé sẽ dùng cái chiêu này. Mỗi lần gặp rắc rối là cứ giở chiêu ra, chỉ biết cười tủm tỉm."

"Em cũng đừng nhọc lòng, con còn nhỏ, để con vui vẻ chơi đi. Chờ lên cấp 2 cấp 3 rồi lại nói.".

Cùng lo lắng cho tương lai của con cái còn có Lâm Gia Dân. Anh triệu tập các ông bố bà mẹ của hẻm Nam Giang mở cuộc họp. Anh cho rằng bọn trẻ không kiên định, thiếu kiên trì, không có nghị lực.

"Là bố mẹ, chúng ta vẫn chưa bồi dưỡng nghị lực của con cái, đây là thất bại của người lớn. Giờ bọn trẻ còn nhỏ, mới lên lớp 5. Mọi thứ vẫn còn cơ hội.".

Khang Đề hỏi: "Anh có biện pháp nào?".

"Bắt đầu từ ngày mai, mỗi sáng lúc 6 giờ rưỡi, tôi sẽ dắt bọn trẻ ra chỗ đê sông chạy bộ nửa tiếng.".

Vừa có thể rèn nghị lực, vừa có rèn luyện thân thể, một công đôi việc.

Sáng sớm hôm sau, Tô Khởi vẫn còn chìm trong mộng đẹp bị Trình Anh Anh kéo khỏi chăn xách ra cửa. Bốn đứa trẻ còn lại cũng lim dim buồn ngủ.

"Vẫn chưa tỉnh sao?" Lâm Gia Dân trong bộ đồ thể thao, vô cùng nhiệt tình mà nhảy lên hai cái, giọng nói sang sảng, "Mọi người cùng nhảy lên nào, nâng cao tinh thần."

Trên mặt của năm đứa trẻ viết sống không còn gì luyến tiếc: "......".

"......." Huấn luyện viên Lâm gặp phải cản trở nhỏ trong sự nghiệp giáo dục, anh hắng giọng: "Mọi người ngẩng đầu ưỡn ngược nhé, lắc cái chân lắc cái chân.".

Năm đứa trẻ khom vai, cong lưng, ngửa đầu, hai mắt vô định, hệt như mộng du.

Huấn luyện viên Lâm: "......".

Lương Thuỷ quay đầu hỏi Lâm Thanh: "Bọn mình đắc tội với bố cậu à?".

Lâm Thanh che mặt, nói: "Thất Thất, khi nào mẹ tiên nữ đến đón cậu? Giờ không đến nữa hả?".

Tô Khởi: "Sao anh Tử Thâm không chạy bộ?".

Lộ Tử Hạo: "Anh tớ còn lâu mới lời chú ấy.".

Lâm Gia Dân: "....."

Mấy đứa nhóc này, vẫn là lúc còn nhỏ dễ dạy hơn. Bây giờ lên lớp 5 thì đều có chút tinh quái rồi. Ở trường học nghe lời thầy cô như thế, ra khỏi cổng trường một cái là không thèm để ý đến người lớn nữa.

Lâm Gia Dân cười gượng: "Vận động nhiều có lợi cho sự phát triển của trẻ em. Không phải trong trường dạy mấy đứa khẩu hiệu này sao, "Phát triển thể dục thể thao! Tăng cường thể chất của người dân! Rèn luyện thân thể, bảo vệ tổ quốc [2]!"

[2] Đây là khẩu hiệu của Đại hội Thể thao Trung Quốc lần thứ nhất vào năm 1959.

Năm cặp mắt trong veo im lặng nhìn anh. Khi anh chịu thất bại lần nữa, Tô Khởi bỗng nhiên tỉnh táo, vui vẻ giơ nắm đấm nhỏ, hô to: "Rèn luyện thân thể, xây dựng tổ quốc!".

Lâm Gia Dân cực kỳ cảm động, lập tức nhìn về phía thành viên tích cực này, tương tác với cô bé: "Thất Thất, cái bài kia hát thế nào nhỉ? Trái ba vòng phải ba vòng.....".

Người yêu ca hát - Tô Khởi - nhảy lên: "Xoay xoay cổ rồi lắc lắc mông, ngủ sớm dậy sớm, chúng ta cùng tập thể dục." Lúc này, Lâm Thanh và Lộ Tử Hạo cũng làm theo: "Lắc lắc cái chân là lắc lắc cái chân, hít thở thật sâu....."

Tô Khởi nhảy nhót: "Học theo ông nội ca hát nhảy múa, em sẽ không già đi đâu!".

Lương Thuỷ làm mắt lé nhìn cô bé, càng ngày càng ghét bỏ, nói: "Đồ nịnh bợ [3]!"

[3] Đồ nịnh bợ: 狗腿子 (dịch sát theo tiếng Trung là đồ chân chó).

Tiếng hát đột ngột dừng lại.

Tô Khởi báo cáo: "Thưa chú Lâm, cậu ấy nói chú là chó ạ!".

Lâm Gia Dân: "......."

Lương Thuỷ: "......."

Tô Khởi quay đầu về phía Lương Thuỷ, le lưỡi: "Lêu lêu lêu!".

Lâm Gia Dân cảm thấy mình đã đánh giá thấp bọn nhóc này rồi.

Lương Thuỷ: "Đồ nịnh bợ mách lẻo."

"Cậu là đồ chân heo!" Tô Khởi nói, "Cậu là đồ chân dê, chân ngựa, chân bò!" Nói xong liền xông lên đánh Lương Thuỷ. Lương Thuỷ làm gì đứng yên cho cô bé đánh, nhướn đuôi lông mày tỏ vẻ khinh thường, chạy cái vèo.

Hai người vừa chạy thì Lâm Thanh, Lộ Tử Hạo và Lý Phong Nhiên liền nhanh như gió mà đuổi theo.

Lâm Gia Dân ở phía sau kêu: "Này này! Chạy bộ phải chạy đều, chú ý hơi thở, một hai một, chú ý tiết tấu! Tiết tấu!".

Không ai để ý đến ông.

Năm đứa trẻ đã xông ra chỗ đê, chạy mất dạng.

Khi Lâm Gia Dân chạy đến đê lớn, bọn trẻ đã xếp thành một hàng, chạy đến bờ sông phía xa. Thân hình nhỏ phản chiếu trên dòng sông lóng lánh, trẻ trung và sôi nổi.

Đợi đến khi Lâm Gia Dân đuổi theo kịp thì đã là mười lăm phút sau.

Bọn trẻ chạy mệt, ngồi trên mỏm đá cạnh bờ sông.

Mặt trời vừa nhô lên một nửa, bình minh lên cao, ánh sáng trên mặt nước dao động.

Lâm Gia Dân đi đến, nghe Tô Khởi nói: "Bình minh ở chỗ tiên quốc của tớ cũng đẹp thế này nè. Đẹp y chang luôn. Thật đó.".

Lương Thuỷ nói: "Cậu im miệng được không Tô Thất Thất?".

Tô Khởi lần này không cãi với cậu, ngoan ngoãn nói: "Được thôi. Tụi mình không nói gì nữa, chuyên tâm thưởng thức....."

Lương Thuỷ quay đầu nhìn cô bé một cái.

Tô Khởi che miệng lại, tỏ vẻ không nói chuyện.

Bốn phía yên tĩnh, năm đứa trẻ lẳng lặng nhìn mặt trời mọc.

Sông Dương Tử vỗ nhẹ, Lâm Gia Dân cúi đầu nhìn, bỗng nhiên hy vọng bọn trẻ mãi nhỏ bé, mãi vô lo vô nghĩ như thế là được. Lớn lên rồi sẽ giống như anh, áp lực và lo lắng nhiều không đếm xuể.

Đến 7 giờ, Lâm Gia Dân gọi mọi người về nhà. Tinh thần phấn chấn, anh bảo: "Hôm nay mấy đứa làm rất tốt, duy trì trạng thái chạy bộ, đến trường học hành thật tốt, biết chưa?".

Lần này, năm đứa trẻ cùng nhau hô to: "Dạ biết ạ!".

Lâm Gia Dân trở về báo cáo lại với nhóm người lớn, cực kỳ vui mừng.

Chỉ là, năm đứa trẻ đến trường học, mệt rã rời chịu không nổi, vùi đầu ngủ suốt một tiết học, bị giáo viên xách hết ra ngoài phạt đứng.

Còn Lâm Gia Dân, mấy ngày sau khi dắt bọn trẻ chạy thì eo nhức lưng đau, ngủ cả buổi sáng không dậy nổi. Cái gọi là "kế hoạch rèn luyện thân thể" cứ như thế mà từ bỏ.

Khang Đề cảm thán, không thể trách bọn nhỏ. Đám người lớn ở hẻm Nam Giang chả có gì hay cả.

Những tháng ngày náo nhiệt của năm 1999 trôi qua như thế.

Chớp mắt đã đến năm 2000.

Tuy là thiên niên kỷ nhưng bọn trẻ lại không để ý lắm, giao thừa còn chẳng có ý nghĩ bằng Ngày Thiếu nhi. Thế mà người lớn, nhất là phụ nữ, cảm thán rằng thời gian trôi qua nhanh vô cùng.

Lúc mới đến hẻm Nam Giang là cuối thập niên 80, mưởi mấy năm trôi qua trong chớp mắt.

Khang Đề mời hàng xóm cùng nhau ăn Giao thừa, mọi người tụ họp ở Lương gia ca hát mua vua, uống rượu tán dóc.

Người lớn mượn rượu nổi hứng ca hát, "Ngoài cửa sổ", "Queen"s Road East", "Tình khúc 1990", bài này đến bài khác.

Bọn Lương Thuỷ không muốn chơi với người lớn, chạy lên gác mái xem "Tom và Jerry", xem phim của Châu Tinh Trì, chơi cờ máy bay [4] và cờ tỉ phú. Chỉ khi thiếu đồ ăn vặt thì bầy ong này mới xuống lầu cướp.

[4] Cờ máy bay (飞行旗) là một trò chơi của Trung Quốc, giống với cờ cá ngựa của nước mình, cách chơi cũng tương tự.

Không khí tụ họp vô cùng hoà hợp. Khi trời đã khuya, gần đến 12 giờ, Khang Đề gọi bọn trẻ xuống lầu ra hẻm đốt pháo hoa.

Đúng lúc này, Lương Tiêu nói muốn cho Khang Đề một bất ngờ. AnH ở trước mặt mọi người khoa trương nhưng trìu mến nói: "Em vì cái nhà này mà đã làm quá nhiều, vất vả cho em rồi. Lần này anh đặc biệt chuẩn bị cho em một món quà." Nói rồi biến mất ở đầu hẻm.

Người lớn đều cười cả lên, Trình Anh Anh nói: "Chậc chậc chậc, trước mặt nhiều người ngọt ngọt ngào ngào. Thế này là muốn phá hư tình cảm vợ chồng nhà khác đây này.".

Thẩm Huỷ Lan thở dài: "Vẫn là chồng em có tình thú, cưới nhau nhiều năm như vậy vẫn nhớ tạo bất ngờ.".

Khang Đề cười: "Tính tình của anh ấy, đừng có doạ em sợ là tốt rồi.".

"Đến rồi đây đến rồi đây!" Tô Khởi và Lộ Tử Hạo canh cửa hô to, nhóm người lớn đi ra ngoài.

Đèn ở ngoài cửa chiếu sáng một khu ngõ.

Lương Tiêu mỉm cười, đẩy đến một vật to đùng được che bằng tấm vải đỏ.

Người lớn tò mò trao đổi ánh mắt, trẻ con mong chờ nhảy tới nhảy lui.

"Tán tán tán tàn!" Lương Tiêu xốc mạnh tấm vải đỏ một cách trang trọng, một chiếc mô-tô Harley-Davidson mới tinh đầy khí phách xuất hiện trước mặt mọi người.

"A!!!" Bọn trẻ kích động thét chói tai, xông lên vây quanh chiếc mô-tô, sờ sờ, leo lên rồi ôm ôm.

Người lớn cũng thở hắt ra.

Trong mắt mấy người đàn ông đầy hâm mộ và vui sướng. Mấy người phụ nữ thì vẻ mặt khiếp sợ, cẩn thận quay lại nhìn Khang Đề.

Khang Đề đứng ở cửa, ngọn đèn ở cửa chiếu vào gáy bà. Khuôn mặt của cô giấu trong bóng tối, không thấy rõ nét mặt.

Pháo hoa bay vút trên bầu trời đêm, đã đến năm 2000.

Lúc đó, giá gạo là 1 tệ/cân, thịt heo 6 tệ/cân. Phí sinh hoạt một năm của nhà Trình Anh Anh là 5000 tệ.

Mà chiếc môtô kia, ít nhất là 3 vạn.

(*3 vạn ~ 102.000.000 đồng)

_____________________________

[Người lớn trò chuyện (3)]

Dì Hai ở thành phố của Trình Anh Anh bị bệnh, đến nhà Trình Anh Anh ở một thời gian, tích tụ rất nhiều bất mãn với Tô Khởi.

Lúc ăn cơm Tô Khởi thích giành đồ ăn với Tô Lạc, Tô Khởi ở nhà không quét nhà không rửa chén, Tô Khởi không gấp chăn.

Dì Hai nhìn không nổi nữa nên phàn nàn lại. Trình Anh Anh không đồng ý, nói: "Con bé mới bao tuổi đâu, ngày nào đi học cũng rất vất vả, còn bắt bọn nhỏ quét nhà rửa chén làm gì?"

Dì Hai: "Đến trường thì có cái gì khổ? Ai mà chẳng phải khổ như thế? Trước kia dì cày ruộng nuôi heo còn phải dắt theo mấy đứa em, còn chưa than khổ. Lúc trước con đi học chẳng phải cũng đi cắt cám cho heo sao, có ai không khổ như vậy?"

Trình Anh Anh: "Vậy giờ con phải dắt con heo về đây cho Thất Thất nuôi à? Bản thân trải qua ngày tháng khó khăn, giờ cũng bắt con cái thử một lần? Sinh con cái ra để chúng chịu tội à?"

Dì Hai nói không lại cô, hừ một tiếng: "Nuông chiều như vậy, đứa nhỏ sau này không có tiền đồ, cháu chờ xem đi!"

Trình Anh Anh nghĩ thầm: Dì thì tốt hơn bao nhiêu?

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương