Cất Giấu Một Tấm Chân Tình
-
Chương 2
Hà Phương men theo bờ suối cạn đi ngược lên phía trên, càng đi càng vào sâu trong rừng thì lòng suối càng rộng, cây cối dày đặc, không khí âm u không một bóng người.
Bước chân cô ngập trong lá mục và dòng nước ẩm ướt bên bờ suối, Hà Phương đi đến khi mặt trời sắp lặn mới ngửi thấy mùi thức ăn nhè nhẹ theo gió bay đến.
Cô dừng bước, ngẩng đầu về hướng nam nghe ngóng, xen kẽ với tiếng nước suối róc rách chảy hình như có nghe thấy vài tiếng người nói chuyện.
Hà Phương men theo âm thanh đó đi vào trong rừng, cuối cùng cũng thấy phía trước có một vùng đất thưa thớt cây cối, ở đó có mấy dãy nhà bằng gỗ san sát nhau, dãy nhà cao nhất có treo một tấm băng rôn cũ kỹ, trên đó dán mấy chữ bằng giấy màu: Trường tiểu học A Tứ.
Hà Phương thở phào một tiếng, cuối cùng cũng đến rồi!
Cô xách ba lô đi thẳng vào bên trong, giờ này bọn trẻ đã tan học nên chỉ có mấy người đang loay hoay ở dãy nhà phía trước, lúc Hà Phương mở miệng chào thì tất cả đều quay đầu lại nhìn cô, vẻ mặt ai nấy đều ngạc nhiên:
“Cô là…?”
“Tôi là nhà văn tự do Hà Phương”.
Cô theo thói quen muốn chìa tay ra bắt tay, nhưng nghĩ lại, đành móc chiếc thẻ nhà văn có đóng dấu đỏ của hiệp hội văn học ra, cùng với một tờ giấy giới thiệu của chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: “Tôi muốn viết một cuốn sách về điểm trường vùng cao, được một người quen giới thiệu lên đây”.
Một cậu thanh niên trẻ tuổi đang nhặt rau gần đó, nghe thấy thế mới sửng sốt ngước lên: “Chị là nhà văn tự do á? Có phải viết sách về chỗ này thì sẽ có nhiều người biết đến bản A Tứ không?”
Hà Phương mỉm cười: “Có thể”.
“Ôi như thế thì tốt quá, nhiều người biết đến thì sẽ có nhiều nhà hảo tâm quyên góp tiền cho bọn trẻ trong trường.
Cách đây mấy năm cũng có vài phóng viên với đoàn từ thiện, nhưng quyên góp chưa được nửa kỳ học đã ngưng không làm nữa.
Bọn nhỏ không có sách vở tử tế học ba năm nay rồi”.
Cậu thanh niên kia cười rạng ngời như ánh mặt trời: “Chị chắc là người thành phố, lần đầu tiên lên vùng này đúng không?”
Hà Phương gật đầu, cậu ấy lại nói tiếp: “Bọn trẻ trên này còn nghèo lắm, chị nhìn xem, chỗ này là trường học mà đến cái bàn chẳng còn tử tế nữa.
Bọn tôi người lớn chịu khổ được, nhưng bọn nhóc ăn cơm rau dưa suốt nên chẳng đứa nào cao lớn cả.
Khổ lắm”.
Người đàn ông trung niên đứng bên cạnh vừa cười vừa nói: “A Văn, thôi nào, cậu làm cô ấy sợ đấy”.
Nói đến đây, ông ấy lại quay sang liếc Hà Phương.
Phong cách của cô bụi bặm, gương mặt sáng sủa, đôi mắt trong veo toát ra một vẻ bướng bỉnh và có chút bất cần, đúng chất nhà văn: “Tôi là A Sì Lử, hiệu trưởng ở đây.
Cậu ấy là A Văn, làm ở trạm xá bên kia”.
Hà Phương nhìn theo cánh tay thầy A Sì Lử mới thấy ngay sát bên trường học có một căn nhà gỗ mới xây dựng, nằm cheo leo bên sườn núi, phía trước cũng có một tấm biển gỗ, chữ viết tay trên đó rất đẹp: Trạm xá bản A Tứ.
Hà Phương “Ồ” lên một tiếng: “Hóa ra trường học ở đây ngay cạnh trạm xá, như thế thì tiện quá”.
“Trường học cạnh trạm xá thì tiện, nhưng nhà người dân ở đây xa lắm.
Thường cách vài kilomet mới có một thôn, bọn trẻ đi học xa, mà người dân đến khám bệnh cũng xa”.
Hà Phương không hiểu tại sao lại xây dựng xa như vậy nên hỏi: “Tại sao không xây dựng gần hơn ạ?”
A Văn bật cười ha ha: “Ở đây có phải thành phố đâu, cách mấy cây số mới có một thôn, một nhà có khi cách nhà hàng xóm cả nửa quả đồi, đường thì toàn cheo leo đồi núi khó đi, chỗ này trông thế thôi nhưng là trung tâm của bản rồi đấy”.
Hà Phương có hơi lúng túng: “Xin lỗi, lần đầu tôi đến đây nên không biết”.
“Không sao đâu”.
Hiệu trưởng A Sì Lử mỉm cười ôn hòa: “Cô là người nơi khác mà một mình tìm được đường đến bản chúng tôi là giỏi lắm rồi đấy.
Chắc là không định đi luôn trong ngày hôm nay chứ?”
“Không ạ.
Cháu muốn xin phép ở lại một thời gian”.
Hà Phương mỉm cười lịch sự: “Viết sách cần hiểu kỹ lưỡng về thứ mình viết, cần cảm hứng, hơn nữa cũng phải đích thân trải nghiệm thì mới hiểu được cuộc sống ở đây để viết vào sách.
Cháu xin phép ở lại, chú và mọi người không phiền chứ ạ?”
“Không phiền, không phiền”.
Hiệu trưởng xua tay: “Chúng tôi còn mong chẳng được ấy chứ.
Như A Văn nói đấy, bọn trẻ chỗ này còn khó khăn lắm, có nhiều người biết đến chúng tôi nghĩa là cũng sẽ có cơ hội được các nhà hảo tâm quyên góp nhiều hơn.
Điều kiện kinh tế ở đây hơi khó khăn, người lớn chịu được, nhưng trẻ con còn phải phát triển, phải ra ngoài học hành nữa.
Với cả cô Phương được đích thân chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh viết giấy giới thiệu, bọn tôi tất nhiên phải đón tiếp tử tế rồi, chỉ sợ cô Phương từ thành phố đến sẽ không chịu được khổ thôi”.
“Nhà văn như cháu rong ruổi đi khắp mọi nơi, bình thường chịu khổ cũng quen rồi.
Không sao đâu ạ.
Vậy nhờ chú cho cháu ở lại một thời gian nhé”.
“Được chứ”.
Hiệu trưởng A Sì Lử ngoái đầu gọi A Văn: “A Văn, cậu đưa cô ấy đến phòng dành cho khách nhé”.
“Vâng”.
A Văn dẫn Hà Phương đến căn phòng có vẻ sạch sẽ nhất trong dãy nhà cũ kỹ, trên đường đi, hai người trò chuyện mấy câu, A Văn nói cậu ta cũng là người dân tộc Phù Lá, nhưng ở bản khác cách đây hơn 30km.
A Văn năm nay 26 tuổi, vừa vặn kém Hà Phương một tuổi.
A Văn đẩy cửa phòng, ván gỗ mục nát vang lên những tiếng kêu kẽo kẹt: “Chị ở tạm chỗ này nhé.
Phòng lâu ngày không ai ở nên hơi có mùi ẩm mốc, nhưng ngày hôm qua em vừa quét dọn, không bẩn lắm đâu”.
“Thế này là tốt rồi.
Cảm ơn A Văn”.
Cậu ta ngượng ngùng gãi đầu: “Không có gì.
Chị Phương buổi tối muốn ăn gì?”
“Mọi người ăn gì tôi ăn cái đó”
“Chị không kén ăn à? Chỗ này chỉ có rau rừng, dưa muối thôi”.
“Không, tôi đi khắp nơi tìm cảm hứng viết lách, hiếm khi ăn cơm ba bữa, cũng không kén chọn đồ ăn.
Tôi ăn gì cũng được”.
“Thế chị nghỉ ngơi đi, lát nữa xong xuôi em sẽ gọi”.
A Văn đi rồi, Hà Phương mới tháo ba lô xuống, nhìn một lượt căn phòng, ngoài một chiếc giường được ghép lại bằng vài tấm ván gỗ loại và một bàn trà bằng nứa, trong này chẳng còn thêm gì cả, đơn giản đến sơ sài.
Điều kiện kinh tế ở vùng sâu vùng xa thiếu thốn, cô cũng không dám đòi hỏi gì hơn, chỉ lặng lẽ thu dọn quần áo rồi tìm nơi đi tắm.
Hai ngày trời rong ruổi trên đường, cả người đã đầy bụi đất, nhưng chỗ này không có phòng tắm tử tế mà chỉ có mấy tấm phiên ghép lại thành một nhà tắm lộ thiên, bên cạnh có một ống nứa dẫn nước từ trên núi xuống.
Hà Phương ngần ngừ nhìn xung quanh một lúc, thấy chỗ này dù sao cũng là rừng núi, cũng chẳng ai nhìn vào, nhanh chóng chui vào tắm rửa.
Lúc cô đi ra thì A Văn cũng đã làm cơm xong, cậu ta thấy cô mới cười bảo:
“Chị Phương vào ăn cơm”.
“Đến ngay”.
Bữa cơm hôm ấy hầu như chỉ toàn rau rừng, có một đĩa dưa cải muối và một ít thịt muối chua.
Ở bàn ăn xuất hiện thêm một người nữa, là một chị gái khoảng gần 40 tuổi, mọi người giới thiệu đó là cô giáo từ miền xuôi lên, đã dạy ở trường tiểu học A Tứ 4 năm, thời gian tới sẽ xin chuyển công tác về mạn dưới.
A Văn ăn như gió cuốn mây lùa, chỉ một chốc đã hết hai bát cơm đầy, Hà Phương cùng thầy hiệu trưởng thì ăn chậm hơn, bọn họ vừa ăn vừa trò chuyện về cuộc sống ở đây.
Thầy hiệu trưởng A Sì Lử nói ông cũng là người vùng này, nhưng dạy một trường học trên núi như vậy bao nhiêu năm nên mãi không có cô nào dám lấy, đến tận năm 40 tuổi mới cưới được vợ là người bản bên cạnh, nhưng kết hôn được 5 năm thì vợ thầy mắc bệnh nặng rồi mất.
Hai vợ chồng không có con, thầy hiệu trưởng cũng không muốn đi thêm bước nữa, chỉ mãi gắn bó cuộc đời với trường tiểu học nghèo nàn kham khổ này.
A Văn nghe thế mới nói đùa: “Thầy A Sì Lử nói mấy anh em bọn tôi học thầy gì thì học, đừng học không lấy vợ đấy”
Hà Phương cũng cười: “Thầy hiệu trưởng là cống hiến toàn bộ cuộc đời và trái tim cho sự nghiệp phát triển học đường quốc gia.
Cậu làm ở trạm xá sẽ khác chứ?”
“Em cũng cống hiến toàn bộ cuộc đời và trái tim cho sự nghiệp phát triển…”.
Nói đến đây, A Văn không nghĩ ra được phát triển cái gì nên gãi đầu ấp úng hồi lâu.
Hà Phương thấy thế mới bảo: “Phát triển sức khỏe quốc gia”.
“À đúng đúng, phát triển sức khỏe quốc gia”.
A Văn cười rộ lên: “Nhưng em mới chỉ bắt đầu học việc thôi, không phải bác sĩ, cũng không giỏi như trưởng trạm.
Sau này phải phấn đấu nhiều mới được”.
Thầy hiệu trưởng tủm tỉm cười: “Nhà văn Phương ăn đi, ở đây thức ăn hơi thiếu thốn, cô chịu khó nhé”.
“Không sao ạ.
Thế này là ngon lắm rồi.
Cháu mời hiệu trưởng”.
“Ăn đi”.
Ăn xong, hơi mệt nên Hà Phương về phòng ngủ sớm, lúc này mới nhớ phải sạc điện thoại, hơn một ngày trời hết pin, đến khi màn hình sáng lên thì lại phát hiện ra nơi này không có sóng.
Hà Phương cầm trên tay lắc lắc mấy lượt mới thấy có một vạch sóng yếu ớt, hạ tay xuống lại mất sóng, lắc qua lắc lại như vậy mỏi tay, cuối cùng cô chán nản vứt điện thoại sang một bên, nhắm mắt ngủ.
Sáng hôm sau, mọi người ở trường học A Tứ dậy rất sớm, Hà Phương vẫn ngủ say, đến tận khi những tiếng trẻ em nói chuyện cười đùa râm ran, cô mới tỉnh dậy.
Vừa mở cửa nhìn ra ngoài đã thấy dãy nhà có băng rôn ghi “Trường tiểu học A Tứ” có rất nhiều đứa trẻ đang nô đùa, có đứa rất cao, có đứa thì bé xíu, trên lưng còn địu theo một em nhỏ.
Hầu hết bọn trẻ đều ăn mặc nhem nhuốc bẩn thỉu, chân không đi dép, nhưng đôi mắt đứa nào cũng sáng ngời như sao, nụ cười rực rỡ.
Có đứa trông thấy cô thì giơ tay bẽn lẽn chỉ một cái, sau đó bốn năm đứa bên cạnh cũng tủm tỉm nhìn về phía này, chụm đầu xì xào nói mấy câu gì đó, chưa được bao lâu đã thấy A Văn đứng ở đầu hiên cầm dùi trống gõ ‘Tùng… tùng…’ mấy tiếng, lũ trẻ vội vàng tản ra, co giò chạy vào lớp.
Hà Phương ra giếng rửa mặt xong, quay về phòng lục trong ba lô mới thấy mình đã bỏ quên không mang sổ, cuối cùng đành phải dùng cuốn sổ cũ cất ở một ngăn riêng trong ba lô, lững thững mang nó đến trường tiểu học A Tứ.
Nói là trường tiểu học nhưng ở đây chỉ có duy nhất một lớp, lũ trẻ cả nhỏ cả lớn ngồi chen chúc với nhau trên những chiếc bàn được xẻ ra từ thân cây, mặt bàn cong vênh khắp nơi, thỉnh thoảng xuất hiện vài chiếc lỗ có thể nhét vừa một ngón tay.
Thứ duy nhất quý giá trong lớp có lẽ chỉ là một chiếc bảng xanh được dựng trên bục giảng.
Hà Phương tựa vào cánh cửa sổ cũ kỹ, nhìn một vòng, lúc này mới phát hiện ra người đang say sưa giảng bài trên bục là cô gái đã gặp trong rừng hôm qua.
Cô ta thấy cô thì hơi kinh ngạc, nhưng sau đó ngay lập tức quay đi, tiếp tục giảng bài.
Hà Phương cũng chẳng thèm để ý, rút bút và sổ ra bắt đầu làm việc.
Mấy nét bút phác họa trên tay cô khẽ hạ xuống, chẳng mấy chốc bức tranh đã dần dần hiện ra.
Mấy đứa trẻ ngồi gần cửa sổ thấy người lạ, lại đang vẽ bọn chúng thì không tập trung nghe giảng, vài đứa còn nhoài đầu ra ngó nghiêng, lớp học bắt đầu xôn xao như một đàn ong, vo ve đến mức đau cả đầu.
Một đứa mặt mày lấm lem hỏi: “Cô ơi, cô vẽ gì thế?”
“Vẽ chơi thôi.
Học tiếp đi”.
“Cô cho con xem được không?”
Hà Phương nhíu mày, giấu quyển sổ ra sau lưng: “Không xem được”.
“Sao không xem được ạ? Con có mang theo một cục than đấy, cô vẽ xong con lấy than tô màu cho cô được không?”
“Không được”.
Vừa nói xong thì có cảm giác tay trống rỗng, cuốn sổ bị giật mất, Hà Phương quay đầu lại mới thấy người đàn ông cắt đầu đinh hôm qua đang đứng ngay phía sau mình.
Đình Việt liếc cô: “Ai cho cô đến đây?”
“Trả lại sổ cho tôi”.
“Giờ học của bọn nhóc, cô đến làm phiền”.
“Tôi làm phiền gì? Tôi đâu có lên tiếng”.
Hà Phương khoanh tay nhìn anh ta: “Anh đang muốn gây sự với tôi đấy à?”.
Mấy đứa trẻ thấy ở bên ngoài tranh cãi thì càng tò mò ngó ra nhìn, không đứa nào chịu học tiếp.
Nhã Lam thấy vậy mới gõ thước xuống bàn: “Các em, tập trung nào”.
Bọn trẻ lập tức quay đầu lại, nhưng tai vẫn vểnh lên nghe ngóng bên ngoài.
Đình Việt không muốn tiếp tục thế này nên nắm cổ tay Hà Phương kéo ra bên hông lớp.
Cổ tay cô bị kéo đau, cố nhẫn nhịn đến khi rời khỏi dãy nhà mới giằng ra, nghiến răng quát một tiếng: “Anh nổi đ.iê.n gì thế? Việc của tôi ai cần anh quản”.
“Tôi quản?”.
Đình Việt liếc cô: “Cô đừng làm phiền người khác thì không ai thèm quản loại người như cô”.
“Tôi là loại người gì?”
“Chỉ biết phá đám người khác”.
Hà Phương xoa xoa cổ tay, mỉm cười: “Phá đám? Ý anh là tôi phá đám chuyện dã chiến hôm qua của hai người ấy hả? Phải rồi, tôi còn cho hai người mượn dù để chơi cho thoải mái cơ mà.
Anh không cảm ơn tôi thì thôi, còn bảo tôi phá đám”.
Đình Việt liếm răng, không muốn đôi co với kiểu phụ nữ cợt nhả thế này nên chỉ nói: “Về chỗ của cô đi, đừng làm phiền đến việc học của bọn trẻ”.
“Anh là gì ở trường tiểu học A Tứ?”.
Nói đến đây, Hà Phương mới để ý trên người Đình Việt khoác một chiếc áo blouse trắng, cả người toát ra vẻ trong lành sạch sẽ, lại có cảm giác khó tới gần: “Ồ, làm ở trạm xá bên kia?”
“Không phải việc của cô”
“Biết sửa xe, biết chữa bệnh, còn biết cả chơi dã chiến, anh trai, anh đỉnh thật đấy”.
Đình Việt nhịn đến mức môi mím chặt lại thành một đường, lát sau, anh đành thở hắt ra một hơi, lạnh lùng nhìn cô: “Về nơi của cô đi, còn đến đây làm phiền bọn trẻ học, tôi sẽ không để yên cho cô”.
Nói xong, liền xoay người đi về phía trạm xá, cuốn sổ kia cũng không buồn trả cho cô.
Hà Phương nhìn theo bóng anh ta, trong lòng muốn nhào đến cướp lại cuốn sổ nhưng lại sợ giằng co sẽ làm rách giấy bên trong, cuối cùng đành dằn lại nỗi khó chịu vào trong lòng, quay người trở về ký túc xá.
Giờ ấy cô giáo Lương vẫn đang giặt quần áo trong sân, thấy Hà Phương mới ngước lên mỉm cười một cái.
Hà Phương cũng cười lại: “Chị Lương giặt đồ à?”
“Ừ.
Em mới từ trường về à? Đã có cảm hứng gì để viết sách chưa?”
“Mới tìm được ít cảm hứng, nhưng chưa đủ để viết sách chị ạ”.
Nghĩ đến quyển sổ bị Đình Việt cướp mất, Hà Phương vẫn cảm thấy vô cùng bất an.
Cô ngước lên nhìn bóng blouse trắng đang loay hoay trong trạm xá, cô giáo Lương cũng nhìn theo tầm mắt cô, thấy Đình Việt mới bảo:
“Hôm qua em chưa gặp cậu ấy phải không?”
“Vâng”.
“Bác sĩ Việt của trạm xá đấy, cậu ấy với A Văn quản lý trạm xá, mấy năm nay nhờ có cậu ấy mà cứu được nhiều người lắm”.
“Thế ạ?”
“Ừ, cậu ấy bốc thuốc giỏi, mà còn tốt bụng nữa.
Trước ở đây còn lạc hậu hơn thế này nhiều, có bệnh là chỉ làm lễ trừ ma trừ tà, không chịu đi bệnh viện, Việt đến tận nhà vận động người dân có bệnh thì nên gặp bác sĩ khám và lấy thuốc.
Mới đầu không ai nghe, nhưng cậu ấy vẫn kiên trì chữa bệnh cho mọi người, dần dần người ta cúng bái không hết bệnh lại tìm đến cậu ấy”.
“Anh ấy là trạm trưởng trạm y tế hả chị?”.
Hà Phương ngồi xuống chiếc ghế dài trong sân: “Em nghe giọng anh ta hình như không phải người vùng này”.
“Là người miền xuôi, cũng chẳng biết cậu ấy ở đâu, lúc chị lên đây thì cậu ấy đã làm ở trạm xá trên này rồi.
Hồi đó trạm xá không được như giờ đâu, cũng được nhà nước xây tường gạch, nhưng lâu quá rồi nên đổ xiêu đổ vẹo, sau đợt mưa to là sập hẳn luôn.
Chờ kinh phí cấp về để xây dựng trạm xá mới lâu quá, cậu ấy với A Văn tự kiếm gỗ về dựng lại đấy”.
Từ bên ngoài nhìn vào có thể thấy trạm xá cũng sơ sài, chẳng có bao nhiêu đồ, nhưng trong ngoài đều gọn gàng sạch sẽ, nhất là những tấm gỗ ghép lại thành tường, được xẻ rất đẹp đẽ vuông vắn.
Hà Phương nheo mắt: “Bình thường em thấy thanh niên ít muốn lên vùng cao lắm, bác sĩ trẻ mà lên tận đây công tác trong thời gian dài như thế thì khá can đảm đấy chị nhỉ?”
“Ừ”.
Cô giáo Lương vò mấy món quần áo cũ kỹ trong tay, gật đầu: “Bọn chị biên chế ở miền xuôi khó lắm, xin lên vùng cao làm vài năm để được biên chế thẳng, hết 5 năm là chị về xuôi làm.
Còn cậu ấy, nghe nói đã ở đây gần 6 năm rồi, mấy lần hỏi chuyện cũng thấy cậu ấy không có ý định về xuôi.
Vừa trẻ vừa đẹp trai, cũng chưa vợ con gì, chẳng biết sao cậu ấy lại cứ thích ở chỗ nghèo khổ thế này chứ”.
Hà Phương cười cười, không nói nữa, chỉ lần mò tìm bao thuốc trong túi rồi vòng ra phía sau nhà hút thuốc.
Buổi trưa, cô cũng không có tâm trạng ăn uống nên chỉ ngồi lì trong phòng bắt đầu viết bản thảo sách, A Văn có gọi cũng không ra ăn cơm.
Đến tối, bụng kêu réo òng ọc, Hà Phương mới đi ra ngoài.
Mọi người đang quanh quẩn trong sân, A Văn và cô gái hôm qua đang sửa soạn cơm tối.
Thấy Hà Phương, cô ta cũng chỉ liếc một cái, thái độ không thích rất rõ ràng.
A Văn không biết điều này nên vẫn niềm nở giới thiệu: “Hôm qua chị Phương đến chưa gặp cô giáo Lam phải không? Giới thiệu với chị Phương, đây là cô giáo Nhã Lam, người ở Tuyên Quang, cô Lam lên đây dạy được hơn một năm rồi, dạy môn chính là môn toán.
Cô giáo Lương thì dạy ngữ văn”.
Nói xong mới quay sang nhìn Nhã Lam: “Chị Lam, đây là nhà văn Hà Phương em vừa kể cho chị xong đấy”.
“Ừ, biết rồi”.
Nhã Lam hờ hững đáp.
Hà Phương cũng chỉ cười một cái: “Hôm qua gặp rồi nhưng không biết, hóa ra là cô giáo, hân hạnh hân hạnh”.
Nhã Lam không biết Hà Phương đang chào hỏi thật hay cố tình nói móc cô, trong lòng hơi buồn bực, cuối cùng chỉ nói xã giao mấy câu rồi kiếm cớ đi ra ngoài.
Đợi cô ta đi xong, Hà Phương mới liếc chảo rau A Văn đang xào trên bếp: “Cậu nấu món gì thế?”
“Hôm qua anh Việt với chị Lam đi rừng hái thuốc, tiện tay hái được ít rau rừng này ngon lắm, hiếm nữa.
Lâu lắm mới hái được loại này đấy, tý nữa chị ăn thử xem sao, mùi vị cực kỳ khó quên nhé”.
Hà Phương tự động bỏ qua vế sau, ngả ngớn trêu chọc: “Đi rừng hái thuốc á? Một nam một nữ?”
“Đầu óc chị đang nghĩ đen tối đó hả?”.
A Văn cười cười: “Một tháng anh Việt thường sẽ đi hái thuốc một lần, có loại cây thuốc chỉ hái được vào ban đêm nên phải ở lại qua đêm, chị Lam xin đi cùng để học thuốc nam.
Anh Việt là người đứng đắn, không làm mấy chuyện vớ vẩn đâu”.
“Tôi còn nghe nói anh ta làm mạnh đến mức sập lán nữa đấy”.
A Văn lại càng cười to hơn: “Không phải đâu, là giã thuốc đấy.
Có một loại thuốc hái xong phải giã ngay, lần trước trú ở lán cũ, gỗ mục hết cả, anh Việt chưa giã được bao nhiêu thuốc đã sập lán.
Với cả em nói cho chị nghe một bí mật nhé”.
A Văn nói đến đây lại ghé sát gần tai cô, thì thầm nói nhỏ: “Anh Việt lên đây 7 năm rồi, nhưng em chưa thấy anh ấy có bạn gái bao giờ.
Mấy cô bé trong làng thích anh ấy lắm, nhưng đến phim con heo anh ấy còn không xem, lấy đâu ra hứng thích bạn gái.
Chị bảo một thanh niên hơn 30 tuổi hừng hực như thế mà chỉ quanh quẩn ở chỗ khỉ ho cò gáy này, tay phải bằng tay trái, chắc phương diện nào đó cũng có vấn đề rồi, chị Lam có muốn thì anh Việt cũng lực bất tòng tâm thôi”.
Hà Phương nghe đến đây cũng bật cười, nhưng còn chưa kịp đáp lại thì đã nghe một giọng nói lạnh lùng vang lên ngay sau lưng: “Cậu nấu xong rồi còn ở trong bếp làm cái gì? Buôn chuyện khỏi cần ăn cơm nữa phải không?”
Mặt mày A Văn ngay lập tức cứng ngắc, lén lút liếc Đình Việt một cái rồi nhanh chóng cụp mắt xuống, ấp a ấp úng nói: “A… em xong rồi, xong rồi đây.
Em dọn ra ngay”.
Hà Phương cũng ngay lập tức cầm lấy đĩa rau trên kệ bếp: “Tôi giúp cậu đem ra bên ngoài”.
Lúc cô ra đến sân vẫn cảm thấy có ánh mắt đang nhìn chằm chằm mình, Đình Việt đứng dưới chiếc bóng đèn tròn phủ đầy muội bếp, thân thể cao lớn như chắn toàn bộ ánh sáng hắt ra.
Anh nhìn cô hồi lâu mới quay lại, đá cho A Văn một cái: “Không được nói linh tinh với cô ta, cậu còn nói nữa, tôi lấy thuốc liệt dương cho cậu”.
“Sao thế anh Việt?”.
A Văn nghe đến thuốc liệt dương thì mặt mày xanh mét: “Chị Phương đến đây thì cũng coi như bạn mà.
Đùa chút thôi”.
“Cô ta là nhà văn”.
Đình Việt hừ một tiếng: “Không biết được cô ta viết những gì vào sách.
Bây giờ thật giả lẫn lộn, nhiều nhà văn muốn thu hút sự chú ý của độc giả nên không từ thủ đoạn gì cả đâu, viết trắng thành đen còn được, ai mà biết cô ta viết những gì để nổi tiếng.
Đừng có chuyện gì cũng đi kể hết với người ta”.
A Văn nhớ lại cách đây mấy năm, có mấy phóng viên đến nơi này lấy tin viết báo, hồi đó tất cả mọi người đều tiếp đón đoàn phóng viên này rất nhiệt tình, con gà nuôi nửa năm trời béo tốt, vốn định dành cho học sinh cũng phải m.ổ t.hịt tiếp đãi bọn họ.
Ai cũng hứa hẹn sẽ viết một bài báo tốt để các nhà hảo tâm chú ý đến nơi này, nhưng kết quả bọn họ nhận lại là một bài báo viết rằng: Ban lãnh đạo trường tiểu học A Tứ đồng lõa với trạm xá ăn chặn tiền của dân, không những thu quỹ tiền ăn của học sinh mà còn bắt học sinh mang đồ ăn đến góp.
Bài viết này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người, nhóm phóng viên kia cũng trở nên nổi tiếng, ở phía bên này, sở giáo dục và sở y tế mở cuộc điều tra, kết quả mọi người đều trong sạch.
Nhưng dù có đăng báo thanh minh thì thanh danh của tất cả mọi người đều không thể nào rửa được.
Đình Việt ác cảm với người lạ đến đây từ lúc đó, thầy hiệu trưởng thì thường xua tay nói: “Danh dự dù sao cũng mất rồi, không quan trọng, chủ yếu là có nhiều người chú ý đến bọn nhỏ, được nhiều người quyên góp để bọn nhóc có cuộc sống tốt hơn, mất danh dự cũng không sao”.
Thế nhưng, sau bài báo chấn động kia, các nhà hảo tâm cũng chỉ nhớ đến nơi này hơn nửa năm, đến bây giờ cũng đã mất hút từ lâu.
Bọn trẻ lứa này đến lứa khác, đã rất lâu không có sách vở mới, cũng hiếm khi có quần áo sạch và thịt để ăn.
Cuối cùng, A Văn chỉ có thể cúi đầu thở dài nói với Đình Việt: “Em biết rồi, em sẽ chú ý”.
Một lát sau, tất cả mọi người đều tụ tập ở chiếc bàn dài trước sân.
Trạm xá và trường học chẳng có bao nhiêu người, mọi người cùng ở trong dãy nhà ký túc xá dột nát này, cùng ăn một mâm cơm.
Mấy người đàn ông ăn rất nhanh, cô giáo Lương cũng ăn nhanh, chỉ có mỗi Nhã Lam và Hà Phương ăn chậm nhất.
Ánh trăng sáng rọi qua mấy phiến lá, soi lên mâm cơm đạm bạc chỉ toàn rau với dưa, hôm nay đến cả đĩa thịt muối nhỏ xíu như hôm qua cũng không có.
Nhã Lam chọn một miếng rau ngon nhất, gắp bỏ vào bát của Đình Việt, tủm tỉm cười như hoa: “Anh Việt hôm qua vất vả tìm thuốc cả đêm rồi, hôm nay ăn nhiều một chút đi”.
Động tác và cơm của anh ta hơi dừng lại, nhìn miếng rau giây lát rồi gật đầu: “Cảm ơn, em cũng ăn đi”.
“Vâng”.
Thầy hiệu trưởng liếc thấy Hà Phương chẳng ăn bao nhiêu mới nói: “Phương chịu khó nhé, vài hôm nữa có phiên chợ, chúng tôi mua thịt sau.
Ngại quá, ở đây hết thịt rồi”.
Ban nãy ở trong bếp, cô phát hiện ra bếp chỗ này vẫn còn đun củi, mắm muối gia vị cũng chẳng có bao nhiêu, hạt nêm cũng không có, để nói ăn thịt ở bản nghèo này là một điều vô cùng xa xỉ.
Hà Phương cũng chẳng muốn người khác vì mình mà phải tốn kém, đành cười: “Không sao ạ, bình thường cháu cũng ít ăn thịt.
Phụ nữ mà, toàn ăn rau để giảm cân thôi.
Chú mua thịt chắc cháu cũng không dám ăn đâu”.
“Không phải chứ, nhìn cháu gầy thế mà vẫn giảm cân hả?”.
Nói xong lại quay sang nhìn Đình Việt: “Hôm nay chú còn bảo với cậu ấy là cháu hơi suy dinh dưỡng, có khi cần cậu ấy lấy thêm ít lá nam uống cho béo thêm nữa đấy”.
Đình Việt không nói gì, chỉ khẽ cười qua loa với thầy hiệu trưởng rồi tiếp tục ăn cơm.
Hà Phương thấy anh từ đầu đến cuối không buồn nhìn mình, tự nhiên lại nổi hứng muốn trêu đùa: “Thuốc để tăng cân thì cháu không cần, nhưng cháu cũng có một vài bệnh muốn uống thuốc nam.
Để khi nào có thời gian phải nhờ bác sĩ Việt mới được”.
Thầy hiệu trưởng phụ họa: “Cậu ấy không những bốc thuốc tây giỏi mà lấy thuốc nam cũng giỏi lắm đấy”.
Nói xong lại liếc về phía anh, khẽ vỗ vai một cái.
Lần này Đình Việt không làm lơ được nữa, trong lòng dù không muốn nhưng vẫn nghiến răng hỏi: “Cô thì bị bệnh gì?”
“Tôi hơi nhiều bệnh, không tiện nói ở đây, để khi nào gặp riêng anh tôi nói sau”.
Anh ta hờ hững “ừ” một tiếng, cũng không nói nữa mà lại cúi đầu ăn cơm, bát cơm to chẳng mấy chốc đã ăn hết sạch.
Mọi người ở đó đều nghĩ Hà Phương nói thật nên không để tâm đến ‘bệnh tình’ của cô, chỉ nhắc nhở Hà Phương có bệnh thì mau lấy thuốc, thuốc nam của người dân tộc Phù Lá trên này rất tốt.
Chỉ có mình Nhã Lam nghe ra được ý trêu chọc trong lời nói của cô, hơi liếc xéo một cái.
Sau bữa cơm, Hà Phương tìm một chỗ thoáng đãng hút thuốc, điếu thuốc cháy được một nữa thì có tiếng bước chân dẫm trên lá đến gần.
Nhã Lam thấy người phụ nữ này bình thường ăn nói thô tục, hay cợt nhả lại còn hút thuốc, trong lòng không khỏi cảm thấy ác cảm.
Nhưng thầy hiệu trưởng đã đích thân bảo cô ta quan tâm đến người mới tới, Nhã Lam cũng chẳng có cách nào, đành ra đây hỏi:
“Hiệu trưởng bảo cô có cần đồ dùng gì không?”
Hà Phương quay đầu lại: “Đồ gì?”
“Cô cần đồ gì sao tôi biết? Cô ở đây bao lâu?”
“Chưa biết, khi nào lên xong ý tưởng viết sách sẽ đi, không cố định thời gian bao lâu”.
Hà Phương nhìn người phụ nữ đứng cách mình không xa, Nhã Lam có nước da trắng trẻo, không quá mập mạp nhưng có vẻ rất khỏe mạnh, giọng nói cũng không phải ở vùng này nhưng chắc hẳn không phải phụ nữ thành thị: “Muốn đuổi tôi đi nhanh à?”.
“Thầy hiệu trưởng nói cô ở lại bao lâu là tùy cô, miễn sao sách của cô có ảnh hưởng tốt đến bọn tôi là được.
Nhưng tôi thấy nơi này không thích hợp với người như cô, tìm được ý tưởng thì đi sớm vẫn hơn”
“Sao thế? Sợ tôi nhăm nhe người đàn ông của cô à?”
Nhã Lam đỏ bừng mặt: “Ai là người đàn ông của tôi?”
“Thì cái người cùng cô chơi trò dã chiến trong rừng ấy”
“Bọn tôi không chơi trò dã chiến”.
Nhã Lam xấu hổ đến mức lúng túng: “Bọn tôi đi hái thuốc, cô đừng đầu óc đen tối”.
“À à, đi hái thuốc nhân tiện dã chiến”.
“Cô…”.
Nhã Lam tức đến mức nghẹn họng, không nói được câu gì.
Cô ta thở hổn hển, mãi sau mới thốt ra một câu: “Cô không được nói xấu anh ấy.
Anh ấy là người đàn ông đứng đắn”
“Đứng đắn thế nào?”.
Hà Phương nheo mắt: “Bao nhiêu phút một lần? Kỹ thuật có tốt không?”
“Cô quá đáng vừa thôi.
Hôm qua anh ấy với tôi đi hái thuốc ở trong rừng, bọn tôi không dùng võng dù của cô, cũng không chơi… dã chiến gì gì đó mà cô nói.
Bọn tôi trong sáng, anh Việt cũng trong sạch”
Hà Phương bật cười, thấy mặt cô ta đỏ bừng cũng không muốn trêu chọc nữa.
Cô ném tàn thuốc xuống chân, lấy mũi giày di di vài cái: “Bảo với thầy hiệu trưởng, tôi không cần gì cả, có thời gian sẽ ra chợ phiên mua.
Ngày bao nhiêu có chợ phiên?”.
“Không biết”.
Nhã Lam nói đến đây liền quay người đi vào bên trong.
Hà Phương đứng một lúc, sương muối trong núi bắt đầu xuống, không khí lạnh dần, tiếng động vật kêu trong rừng thêm rõ ràng, cô mới lẳng lặng quay người đi vào bên trong.
Cô bước đến căn phòng ở cuối dãy ký túc, bên ngoài cây cột chống bị mối mọt ăn đã đổ xiêu đổ vẹo.
Hà Phương nhìn ánh đèn hắt ra từ khe cửa, chần chừ một lúc mới đưa tay lên gõ.
Rất nhanh, có tiếng bước chân đàn ông đi ra, Đình Việt mở cửa, thấy cô đứng bên ngoài thì lập tức nhíu mày:
“Có chuyện gì?”
Hà Phương liếc một vòng bên trong, phòng ngủ của anh ta còn đơn sơ hơn cả phòng của cô, các bức vách gỗ được trám lỗ hổng bằng bùn đất, bàn trà cũng không có, cả phòng chỉ có mỗi một thanh nứa treo mấy bộ quần áo và một chiếc giường nhỏ.
Đình Việt thấy cô nhìn chòng chọc phòng mình mới xoay người, dùng cơ thể vững chãi như núi của anh chắn tầm mắt Hà Phương, không kiên nhẫn nói: “Hỏi cô đấy.
Không có chuyện gì thì về phòng đi”.
Hà Phương thu lại tầm mắt, xòe tay ra: “Trả sổ cho tôi”.
“Khi nào cô quay về thì tôi sẽ trả”.
“Anh lấy tư cách gì lấy sổ của tôi?”
“Cô làm phiền đến việc học của bọn trẻ, tôi là người quản lý việc học ở trường, có quyền tịch thu”
“Từ khi nào bác sĩ lại kiêm thêm cả người quản lý việc học thế?”.
Cô nheo mắt nhìn anh ta: “Anh tự phong cho mình cái chức đó để ăn cướp sổ của người khác đấy à?”.
“Cô nhà văn, cô sống sung sướng quen rồi nên không hiểu được nơi nghèo khổ thế này”.
Giọng nói của anh có phần mỉa mai: “Viết văn không liên quan gì đến vẽ.
Cô muốn có cảm hứng viết sách, đó là việc của cô.
Còn việc vẽ tranh và làm phiền mấy đứa nhóc, tôi quản”.
“Tôi không hiểu được nơi nghèo khổ thế này, cũng giống như bác sĩ Việt không hiểu được người viết văn vậy”.
Hà Phương cười khẩy: “Chúng ta đều không hiểu được nhau, tốt nhất không can thiệp vào chuyện của nhau.
Trả sổ cho tôi”.
Đình Việt rất cao, dù Hà Phương có cao một mét bảy tư đi nữa thì anh vẫn hơn cô cả một cái đầu, lúc nói chuyện, anh phải cúi xuống, trong ánh mắt chỉ có sự lạnh nhạt.
Nhưng anh không hỏi, chỉ lẳng lặng nhìn cô.
Hà Phương lại tiếp tục: “Trong sổ của tôi có nhiều điều thầm kín lắm, có cả ảnh tôi tự vẽ mình khỏa thân, bác sĩ Việt, anh thừa nhận đi, có phải anh muốn tìm lý do giữ nó để ngắm ảnh khỏa thân của tôi phải không?”..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook