Các Loại Việt Phục
-
7: | Áo Bà Ba - Khăn Rằn - Nón Lá: Sự Kết Hợp Giản Dị, Hài Hòa Và Đậm Chất Nam Bộ |
| ÁO BÀ BA – KHĂN RẰN – NÓN LÁ: SỰ KẾT HỢP GIẢN DỊ, HÀI HÒA VÀ ĐẬM CHẤT NAM BỘ |
– – 0 – –
ÁO BÀ BA
Giữa miền đất phương Nam đi về hai mùa mưa nắng, không biết tự bao giờ chiếc áo bà ba đã hiện hữu, đồng hành với người Nam Bộ như một trang phục đặc trưng cho chất thuần hậu, dịu dàng của họ. Người dân nơi đây bao đời nay sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, quanh năm chân lấm tay bùn, cho nên không mấy thích hợp cho việc ăn mặc sang trọng, cầu kì. Và, áo bà ba đã đáp ứng được điều kiện tự nhiên và lối sống đặc trưng của người dân nơi đây, cũng như trở thành trang phục phổ biến được người dân ưa chuộng.
Về màu sắc, áo thường có gam chủ đạo là đen và nâu sậm. Khi chưa có thuốc nhuộm hóa học, người dân dùng màu nhuộm tự nhiên từ lá bàng, vỏ dà, trái mặc nưa, vỏ trâm bầu… rồi phủ bùn chống phai màu. Áo bà ba không kén loại vải may. Nếu may đi đồng, đi rẫy thì chọn màu tối, vải dày để mặc được bền hơn. Còn nếu mặc đi chợ, đi chơi thì các loại vải mỏng, vải lụa, vải có màu sáng như mạ non, xanh lơ nhạt, hồng hoặc bông hoa tươi tắn được người ta chuộng hơn nhằm tôn dáng của người phụ nữ. Kiểu dáng cho ngày lễ, Tết cũng được bày vẽ hơn, không chỉ cổ áo tròn ôm sát truyền thống mà còn được cách điệu hình trái tim, cổ thuyền, cổ hình cánh én, lá sen và thêu các đường viền áo. Với thiết kế tiện dụng, áo bà ba được mặc như một loại thường phục trong sinh hoạt, sản xuất và cả trong chiến đấu.
KHĂN RẰN
Nhắc đến áo bà ba, phần đông nghĩ ngay đến chiếc khăn rằn Nam Bộ. Khăn rằn Nam Bộ xuất phát từ khăn Krama của người Khmer gốc Campuchia. Trong quá trình cộng cư trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành loại trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác tại đây. Ban đầu, khăn rằn chủ yếu có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu sắc cơ bản này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ cũng từ các lằn ngang dọc ấy mà tên gọi “khăn rằn” đã ra đời. Trước khi có sự du nhập của thời trang phương Tây, chiếc khăn rằn đóng vai trò chủ chốt trong lối ăn mặc của người dân Nam Bộ, bất kể người lao động lam lũ hay người giàu có. Trong lao động, chiếc khăn vừa làm bầu bạn, lau đi những giọt mồ hôi cho đỡ cơn vất vả. Những trưa hè oi ả, chiếc khăn rằn còn được các mẹ mang ra làm võng ru con. Trong chiến tranh, chiếc khăn rằn như người bạn đồng hành, biến hóa thần kỳ làm phương tiện phù hợp cho các chiến sĩ: lúc thì dùng để băng bó vết thương, khi lại dùng để làm dây trói quân thù. Qua thời gian, chiếc khăn rằn đã trở thành nét đẹp văn hóa trong trang phục của người dân miền sông nước. Ngày nay, dù có nhiều đổi thay trong văn hóa trang phục nhưng chiếc khăn rằn Nam Bộ cùng áo bà ba vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, biểu trưng cho sự duyên dáng, cho tấm chân tình, cho vẻ chất phác nồng hậu của người dân Nam Bộ.
NÓN LÁ
Mảnh ghép cuối cùng trong bộ ba bất ly thân của người dân Nam Bộ chính là nón lá. Cũng như áo bà ba và khăn rằn, nón lá Nam Bộ không kén người dùng, từ già trẻ, gái trai đều có thể sắm cho mình một chiếc để trong nhà. Nón lá Việt Nam ra đời vào khoảng thế kỷ XIII thời nhà Trần. Tuy nhiên, lúc bấy giờ nón lá chỉ được sử dụng để làm phụ kiện cho cung tần mỹ nữ, cũng như khá dày và nặng. Dần dần chiếc nón lá trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát hơn như một vật dụng cần thiết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày với rất nhiều mục đích. Nón lá được làm từ những nguyên liệu gần gũi như lá cọ, lá nón, tre… Và nhờ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, chiếc nón lá đã trở thành một một biểu tượng của nhiều làng nghề truyền thống trong hàng thế kỷ qua. Ở nông thôn, nón lá đã theo chân người nông dân miệt vườn trôi nổi theo con nước lớn mênh mông, dầm dãi nắng mưa sớm chiều. Mỗi khi ra đồng, những khi cày cấy, chiếc nón lá được dùng để che mưa, che nắng, hay để quạt mát lúc nghỉ trưa bên gốc cây già. Đặc biệt, nón lá đồng hành cùng các bà, các mẹ ra chợ và được dùng để đựng củ khoai, củ sắn, mớ rau muống… Vì những lí do trên, nón lá là biểu tượng của con người Việt Nam hiền hòa, chăm chỉ với những nét đẹp trong lao động.
Áo bà ba – khăn rằn – nón lá là bộ ba trang phục thể hiện rõ cốt cách người dân Nam Bộ. Đây đều là những trang phục đơn giản, tiện lợi và phù hợp với hoàn cảnh sống của người dân Nam Bộ. Sự kết hợp này còn ẩn chứa những giá trị văn hóa khi không chỉ tô thêm vẻ đẹp vốn hiền hòa, chân quê của những cô gái miền Tây mộc mạc mà còn là những vật dụng bất ly thân của người nông dân vùng đồng bằng sông nước này từ ngàn xưa. Khăn rằn – nón lá – áo bà ba đã trở thành một liên kết “tam vị nhất thể” tạo dựng nên biểu tượng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người Nam Bộ.
#Colere
141304972_183403143574436_5783981586725777933_n
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook