Bóng Hình Của Gió
-
Chương 31
“CẬU ĐÃ HỨA GÌ VỚI ÔNG GIÀ KHÚ ĐÓ HẢ?”
“Anh nghe rồi đấy.”
“Ý cậu đấy là chuyện đùa, tôi hy vọng vậy.”
“Tôi không đi lừa một ông già sắp chết, cho dù ông ta có vẻ tươi sống thế nào.”
“Ừ thì công nhận về cái đó cậu giỏi, Daniel, nhưng cậu nghĩ làm thế nào để nhón một ả điếm vào được chốn linh thiêng này hả?”
“Trả tiền gấp ba, tôi nghĩ vậy. Còn chi tiết ra sao tôi trông cả vào anh.”
Fermín nhún vai cam chịu. “Ờ, dù thế nào thì thỏa thuận cũng là thỏa thuận. Chúng ta sẽ tìm ra cách nào đó. Nhưng nhớ lần sau có dàn xếp những việc như thế này, hãy để tôi đứng ra nói chuyện.”
“Đồng ý.”
Đúng như ông già láu cá đã chỉ, chúng tôi tìm thấy Jacinta Coronado trong một cái gác xép mà lối lên duy nhất là từ một cầu thang tầng ba. Theo ông già kia, căn gác này là nơi trú ngụ cho số bệnh nhân ít ỏi mà định mệnh hãy còn chưa rủ lòng thương lấy đi nhận thức. Rõ ràng, chốn ẩn kín này, trong thời vinh quang của nó, là phòng ở của Baltasar Deulofeu, còn gọi là Laszlo de Vicherny, từ đấy hắn ta điều hành các hoạt động của Tenebrarium và tu dưỡng món nghệ thuật ái ân mới du nhập từ phương Đông, giữa những làn hơi và hương dầu thơm ngát. Và hiện giờ ở đây cũng không hề thiếu mùi, tuy rằng mang một bản chất khác. Một người phụ nữ chỉ có thể là Jacinta Coronado héo hon trên chiếc ghế liễu gai, quấn mình trong chăn.
“Bà Coronado? tôi hỏi, cao giọng, nhỡ đâu bà cụ tội nghiệp bị điếc, dở người, hoặc cả hai.
Bà già thận trọng nhìn chúng tôi, đôi chút dè dặt. Đôi mắt bà đã lòa, trên trán lơ thơ vài nhúm tóc bạc. Tôi nhận thấy bà nhìn tôi bối rối, ngỡ như trước đây bà đã gặp tôi nhưng không thể nhớ ở đâu. Tôi e sợ Fermín sẽ xông vào giới thiệu tôi là con trai của Carax hoặc một lời nói dối nào đại loại như vậy, nhưng anh ta chỉ quỳ xuống cạnh bà cụ đoạn nắm lấy bàn tay run rẩy, nhăn nhúm của bà.
“Jacinta, tôi là Fermín, và anh chàng điển trai này là Daniel, bạn tôi. Cha Fernando Ramos phái chúng tôi đến đây. Hôm nay ông ấy không thể đến được bởi vì ông ấy có cả tá lễ mixa phải giảng – bà biết lịch các ngày thánh thế nào mà – ông ấy gửi lời thăm hỏi bà đấy. Bà cảm thấy thế nào rồi?”
Bà cụ cười dịu dàng với Fermín. Anh bạn tôi vuốt nhẹ lên mặt, lên trán bà cụ. Bà đón nhận sự đụng chạm với da người khác như một con mèo đang kêu rừ rừ thích thú. Tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại.
“Câu hỏi thật ngu ngốc, có phải vậy không?” Fermin nói tiếp. “Điều bà muốn là được ra khỏi đây, để nhảy điệu fox-trot. Trông bà như một vũ công ấy; hẳn ai cũng nói với bà như vậy.”
Tôi chưa bao giờ thấy anh ta đối xử với ai tinh tế như vậy, cho dù là với Bernarda. Lời của anh ta đơn thuần là nịnh ngọt, nhưng giọng điệu và biểu hiện trên mặt anh ta quả thật chân thành.
“Anh nói những điều thật đẹp đẽ,” bà thì thầm, giọng ngắt quãng vì lâu rồi không có ai để nói chuyện hoặc không có gì để nói.
“Không đẹp đẽ bằng một nửa bà đâu, Jacinta ạ. Chúng tôi có thể hỏi bà một vài câu không? Như những cuộc thi trên đài phát thanh ấy?”
Bà cụ chỉ chớp mắt thay cho câu trả lời.
“Tôi hiểu như vậy nghĩa là đồng ý. Bà có nhớ Penélope không, Jacinta? Penélope Aldaya ấy? Chúng tôi muốn hỏi bà về cô ấy.”
Mắt Jacinta bỗng sáng rực lên và bà gật đầu.
“Ôi cô gái của tôi,” bà lẩm nhẩm, cơ hước mắt sắp tuôn trào.
“Đúng cô ấy đấy. Bà còn nhớ, đúng không? Chúng tôi là bạn của Julián. Julián Carax, người hay kể những câu chuyện nghe rất sợ. Bà cũng nhớ đúng không?”
Đôi mắt bà cụ bừng lên, như thể những lời đó và những đụng chạm trên da đã mang sự sống quay lại với bà chỉ trong phút chốc.
“Cha Fernando ở trường San Gabriel nói bà yêu mến Penélope. Ông ấy cũng rất yêu mến bà, ngày nào cũng nghĩ đến bà. Nếu ông ấy không đến thăm được thường xuyên, đó là vì lão giám mục mới, một kẻ chỉ quan tâm đến chuyện trèo cao, đã giao cho ông ấy chủ trì lễ mixa nhiều đến mức ông ấy khản cả giọng.”
“Cháu có chắc là đã ăn no chưa?” bà cụ bỗng hỏi, mặt tỏ vẻ lo lắng.
“Cháu ăn như ngựa ấy, Jacinta ạ. Rắc rối ở chỗ cháu có một hệ tiêu hóa rất là khủng, và cháu tiêu hết rồi. Bà tin cháu đi, dưới lớp quần áo này chỉ toàn là cơ bắp thôi. Bà sờ đi, sờ đi này. Giống như Charles Atlas[1] vậy, chỉ khác là nhiều lông hơn thôi.”
[1. Người đã phát triển phương pháp luyện tập thể hình.]
Jacinta gật đầu và yên tâm. Bà không thể rời mắt khỏi Fermín. Bà đã hoàn toàn quên mất tôi.
“Bà kể gì về Penélope và Julián đi?”
“Tất cả bọn họ, họ đã cướp đi cô ấy của tôi,” bà nói. “Cô gái của tôi.”
Tôi tiến lên một bước và định nói gì đó, nhưng Fermín ném cho tôi cái nhìn ngầm bảo tôi dừng lại.
“Ai đã mang Penélope đi, Jacinta? Bà có nhớ không?”
“Ngài ấy,” bà nói, ngước mắt lên sợ hãi, như thể bà nghĩ sẽ có ai nghe thấy.
Fermín dường như đang đánh giá sự căng thẳng trong cử chỉ của bà cụ và theo ánh mắt bà ngước nhìn lên trần, dò xét những khả năng.
“Có phải bà đang nói đến Chúa Quyền năng không, là Chúa Trời, hay là bà đang nói đến ông chủ, cha của cô Penélope, Don Ricardo?”
“Fernando thế nào?” bà hỏi.
“Cha đạo ư? Thật sáng ngời. Ngày nào đó ông ấy sẽ lên chức giáo hoàng và sẽ đưa bà vào Nhà nguyện Sistine. Ông ấy gửi bà lời chúc tốt lành nhất.”
“Ông ấy là người duy nhất đến thăm ta. Ông ấy đến vì ông ấy biết ta không còn ai khác thân quen.”
Fermín liếc nhìn tôi, như thể anh ta đang nghĩ điều mà tôi đang nghĩ. Jacinta Coronado tỉnh táo hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của bà. Cơ thể của bà đang tàn lụi đi, nhưng lý trí và tâm hồn bà vẫn còn sáng chói nỗi đau khổ ở chốn tồi tàn ấy. Tôi tự hỏi còn mắc kẹt ở đây bao nhiêu người như bà ấy, hoặc như ông già nhỏ thó và minh mẫn kia, người đã chỉ cho chúng tôi nơi ở của bà.
“Ông ấy đến bởi vì ông ấy quý mến bà, Jacinta ạ. Vì ông ấy nhớ rõ bà đã chăm sóc ông ấy, và bà đã mang đồ ăn cho ông ấy khi ông còn nhỏ. Ông ấy đã kể chúng tôi nghe tất cả. Bà còn nhớ không, Jacinta? Bà còn nhớ những ngày đó không, khi bà đến trường học để đón Jorge, bà còn nhớ Fernando và Julián không?”
“Julián ư...”
Cái tên ấy bà chỉ thì thầm, nhưng nụ cười đã làm bộc lộ điều bà cố không bộc lộ.
“Bà còn nhớ Julián Carax không, Jacinta?”
“Ta vẫn nhớ cái ngày Penélope bảo với ta cô bé sẽ lấy cậu ấy...”
Fermín và tôi nhìn nhau kinh ngạc.
“Lấy ư? Lúc nào vậy, Jacinta?”
“Ngày cô bé gặp cậu ấy lần đầu tiên. Lúc ấy cô bé mới mười ba tuổi, và không biết cậu bé là ai hay tên gì.”
“Vậy làm sao cô ấy biết sẽ lấy cậu ấy?”
“Vì cô ấy đã gặp cậu ấy. Trong giấc mơ.”
***
Lúc còn nhỏ, María Jacinta Coronado tin rằng thế giới chỉ kéo dài đến ngoại ô Toledo và xa hơn ngoài thị trấn là bóng đen và biển lửa, chẳng còn gì khác. Ý nghĩ ấy đến với Jacinta từ một giấc mơ năm bà mới bốn tuổi và bà bị một cơn sốt suýt nữa đã giết chết bà. Giấc mơ này là giấc mơ đầu tiên trong một loạt giấc mơ, tất cả đều bắt đầu bằng một trận sốt bí ẩn, mà có người đổ cho vết đốt của một con bọ cạp lớn màu đỏ xuất hiện trong nhà chỉ một ngày và không bao giờ thấy nữa, còn những người khác lại vấy cho những hình vẽ ác của một bà sơ bị điên đêm đêm lẻn vào nhà thiên hạ để đầu độc trẻ nhỏ, nhiều năm sau này bà ta bị thắt cổ lúc đang hát Bài cầu nguyện Chung, mắt lồi ra khỏi hốc, trong khi một đám mây đỏ bao phủ khắp thị trấn và phóng xuống một cơn bão toàn những con gián chết. Trong giấc mơ của mình, Jacinta nhìn thấy được quá khứ và tương lai, và đôi khi điều nhìn thấy đã hé lộ cho bà những bí mật và huyền hoặc ở những con phố cổ của Toledo. Một trong những nhân vật bà thường xuyên gặp trong giấc mơ là một người tên Zacarías, một thiên thần luôn vận đồ đen cùng con mèo đen có cặp mắt vàng và thở ra mùi lưu huỳnh. Zacarías biết mọi thứ: anh ta đoán được ngày giờ chết của bác Benancio của bà – người bán dạo thuốc mỡ và nước thánh. Anh ta tiết lộ nơi mẹ bà, một con chiên mộ đạo, giấu một tập thư của một chàng sinh viên y khoa đầy nhiệt huyết tuy nghèo song lại rất hiểu biết về giải phẫu cơ thể, trong phòng ngủ của anh ta trên ngõ nhỏ ở Santa María bà mẹ từ khi còn nhỏ đã khám phá cánh cửa lên thiên đường. Zacarías báo cho Jacinta rằng trong bụng bà có tà độc, một linh hồn chết mong muốn bà ốm yếu, và bà sẽ biết đến tình yêu của chỉ một người đàn ông duy nhất: một tình yêu suông hão và ích kỷ sẽ khiến tâm hồn bà vỡ đôi. Anh ta dự đoán cả cuộc đời bà sẽ chứng kiến cái chết của những người bà yêu thương nhất, và trước khi được lên thiên đường, bà sẽ phải xuống địa ngục. Vào ngày bà có kỳ kinh đầu tiên, Zacarías và con mèo mùi lưu huỳnh của anh ta biến mất khỏi giấc mơ của bà, nhưng nhiều năm sau Jacinta vẫn nhớ, với ánh mắt rưng rưng, về những chuyến viếng thăm của thiên thần áo đen, bởi vì tất cả những tiên đoán của anh ta đã trở thành sự thật.
Nên khi các bác sĩ chẩn đoán bà sẽ không bao giờ có thể có con, Jacinta cũng không lấy làm ngạc nhiên. Bà cũng không ngạc nhiên, dẫu bà gần như đã chết đi vì đau khổ, khi người chồng đã ba năm chung sống tuyên bố sẽ bỏ bà vì bà giống như một mảnh đất cằn cỗi không thể cho cây trái, vì bà không phải là đàn bà. Khi Zacarías (người mà bà cho là giả của thiên đường, vì dù anh có mặc đồ đen hay không thì anh vẫn là một thiên thần tỏa sáng và là người đàn ông đẹp trai nhất bà từng gặp trong mơ) không xuất hiện nữa, Jacinta đã trốn trong ngóc ngách mà tự mình cầu Chúa, không nhìn thấy Người hay trông đợi Người đáp lại, vì thế giới này có quá nhiều nỗi đọa đày cho nên những truân chuyên của bà, xét cho cùng, chỉ là vặt vãnh mà thôi. Những cuộc độc thoại của bà với Chúa chỉ về một chủ đề duy nhất: bà chỉ muốn một điều trong đời, là được làm mẹ, được làm phụ nữ.
Một ngày kia, khi đang cầu nguyện trong nhà thờ, một người đàn ông, mà bà nhận ra là Zacarías, đã đến gần bà. Anh ăn mặc như mọi khi, và ôm con mèo ác hiểm trong lòng. Anh không hề già đi dù chỉ một chút và vẫn để bộ móng tay tráng lệ, như móng tay của một nữ công tước, dài và nhọn. Thiên thần thừa nhận anh có mặt ở đó là vì Chúa không định trả lời những nguyện cầu của bà. Nhưng anh bảo bà không nên lo lắng, vì bằng cách nào đấy anh sẽ gửi đến bà một đứa trẻ. Anh cúi người xuống thì thầm “Tibidabo,” rồi hôn rất khẽ lên môi bà. Lúc chạm vào đôi môi mềm mại và ngọt ngào đó, Jacinta có một ảo ảnh: bà sẽ có một đứa con gái mà không cần biết đến đàn ông nữa (mà xét từ ba năm chung chăn gối với chồng, kẻ cứ nhất quyết đòi quan hệ trong khi lấy gối bịt mặt bà và lầm bầm chửi “Mày không được nhìn, đồ con điếm” thì điều này chẳng khác nào trút đi được gánh nặng). Đứa con gái này sẽ đến với bà từ một thành phố rất xa xôi, ở giữa những rặng núi và biển ánh sáng, một thành phố đầy những tòa nhà và chỉ có thể tồn tại trong mơ. Sau này, Jacinta không thể biết chuyến viếng thăm của Zacarías có phải là một giấc mơ khác của bà hay vị thiên thần kia thực sự đã đến với bà ở nhà thờ Toledo, cùng với con mèo và những móng tay sơn màu đỏ thắm. Điều mà không một giây phút bà nghi ngờ, ấy là sự chân thực của những tiên đoán kia. Ngay chiều hôm đó, bà đã hỏi người trợ tế giáo khu, một người đọc rộng hiểu nhiều và đã nhìn thấy thế giới (người ta nói ông đã đến tận Andorra và biết một chút tiếng Basque). Viên trợ tế tuyên bố ông không hề biết thiên thần nào là Zacarías trong số đoàn người có cánh trên thiên đường, tuy nhiên ông chăm chú lắng nghe Jacinta kể lại ảo ảnh của mình. Sau nhiều suy xét, và xem qua mô tả một số dạng nhà thờ mà, nói theo lời của nhà thấu nhãn ấy, nghe giống như một chiếc lược lớn làm từ sô cô la tan chảy, con người thông thái ấy nói, “Jacinta, thứ mà con đã thấy là Barcelona, người đàn bà quyến rũ vĩ đại, và nhà thờ Sagrada Familia...” Hai tuần sau, Jacinta khăn gói lên đường đến Barcelona, với một túi nhỏ quần áo, một cuốn kinh, và nụ cười đầu tiên trong suốt năm năm, tin rằng mọi điều mà thiên thần đã nói với bà sẽ trở thành sự thật.
Nhiều tháng gian nan trôi qua, rồi Jacinta cũng tìm được công việc ổn định trong một cửa hàng của Công ty Aldaya và Con trai, gần khu lều rạp của riển lãm Quốc tế 1888 cũ trong Công viên Ctudadelo. Barcelona trong giấc mơ của bà đã đổi thay thành một thành phố hiểm ác, thù nghịch, đầy những tòa nhà khép kín, đầy những nhà máy phả ra những đám khói dày muội than và lưu huỳnh đầu độc bầu không khí. Ngay từ đầu Jacinta biết thành phố này là một người đàn bà tàn nhẫn và phù phiếm; bà dần thấy sợ nó và không dám nhìn thẳng vào nó. Bà sống một mình trong căn nhà trọ ở khu phố Ribera, nơi mà lương của bà chỉ vừa đủ trả tiền thuê một căn phòng tồi tàn không cửa sổ, nguồn ánh sáng duy nhất là từ những ngọc nến bà lấy cắp của nhà thờ. Bà thắp sáng chúng cả ngày lẫn đêm để xua đi lũ chuột đã gặm tai và các ngón tay của một đứa bé sáu tháng tuổi, con của Ramoneta – một cô điếm thuê phòng bên cạnh và là người bạn duy nhất Jacinta làm quen được trong mười một tháng ở Barcelona. Mùa đông năm ấy trời mưa suốt, và mưa đen đục vì tro bụi. Rồi nhanh chóng Jacinta bắt đầu e sợ rằng Zacarías đã lừa dối bà, rằng mình đã đến thành phố kinh hoàng đó để chết trong lạnh lẽo, trong đau khổ và lãng quên.
Jacinta sẵn sàng để sinh tồn. Bà đến cửa hàng mỗi ngày trước lúc bình minh và không về cho đến khi màn đêm đã buông xuống. Ở đó Don Ricardo tình cờ bắt gặp bà đang chăm sóc đứa con gái của một người đốc công, người này đã ngã bệnh lao. Khi ông nhận thấy sự tận tụy và dịu dàng toát ra từ cô gái trẻ, ông quyết định mang bà về nhà để chăm sóc vợ ông, người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng của ông. Thế là lời cầu nguyện của Jacinta đã được đền đáp. Tối hôm ấy, Jacinta lại gặp Zacarías trong giấc mơ. Thiên thần không mặc đồ đen nữa. Anh ở trần, làn da anh đóng vảy. Anh không còn mang theo con mèo, nhưng một con rắn trắng quấn quanh thân trên anh. Tóc anh mọc xuống tận hông, và nụ cười, nụ cười ngọt ngào bà đã hôn ở Nhà thờ Toledo, giờ hé ra một hàm răng sắc nhọn, như hàm răng bà nhìn thấy ở một số loài cá biển quẫy đuôi ngoài chợ cá. Nhiều năm sau, bà sẽ kể lại ảo ảnh đó cho chàng thanh niên mười tám tuổi Julián Carax khi nhớ lại cái ngày bà rời căn nhà trọ ở khu phố Ribera và chuyển đến nhà ông Aldaya, bà nghe kể rằng bạn của bà, Ramoneta, đã bị đâm đến chết ở ngay trước cửa vào đêm hôm trước và con của Ramoneta đã bị chết vì lạnh trong vòng tay người mẹ. Khi hay tin, khách trọ đã đến phỉ nhổ, chửi bới và cào nát mớ đồ đạc thảm hại của người đàn bà đã chết. Thứ duy nhất họ để lại là cái kho báu lớn nhất của Ramoneta: một cuốn sách. Jacinta nhận ra nó, vì đêm đêm Ramoneta thường đòi bà đọc cho cô ta một vài trang. Cô ta chưa bao giờ biết đọc.
Bốn tháng sau, Jorge Aldaya chào đời, và dầu Jacinta đã thể hiện hết tình yêu mà bà mẹ đẻ không bao giờ biết cách bày tỏ với cậu bé, hoặc không bao giờ muốn thể hiện – vì bà là một mệnh phụ thanh cao, Jacinta nghĩ, bà dường như luôn bị mắc kẹt vào chính hình ảnh của mình trong gương – người bảo mẫu vẫn nhận ra đây không phải là đứa con Zacarías đ với mình. Trong những năm ấy, Jacinta đã từ bỏ tuổi thanh xuân và trở thành một phụ nữ khác. Con người Jacinta kia đã bị bỏ lại ngôi nhà trọ ở khu phố Ribera, đã chết như Ramoneta. Giờ bà sống trong cái bóng xa hoa của nhà Aldaya, cách xa cái thành phố tăm tối mà bà đã trở nên rất căm thù và không bao giờ mạo hiểm bước vào, kể cả vào ngày nghỉ hằng tháng cũng không. Bà học được cách sống thông qua những người khác, qua một gia đình ngồi trên một đống tài sản lớn đến mức chắc chắn bà không thể mường tượng nổi. Bà sống trong sự mong đợi đứa con kia, nó sẽ là một đứa con gái, giống như thành phố này, và bà sẽ dành hết tình yêu mà Chúa đã dùng để đầu độc linh hồn bà. Đôi khi Jacinta tự hỏi liệu cái sự yên bình mơ hồ ấy xâm chiếm bà từng ngày ấy, liệu cái sự thiếu tỉnh thức ấy có phải là điều người ta gọi là hạnh phúc không, và bà muốn tin rằng Chúa, trong yên lặng vô hạn của Người, đã trả lời những cầu nguyện của bà theo cách của Người.
Penélope Aldaya sinh vào mùa xuân năm 1902. Lúc ấy Don Ricardo Aldaya đã mua ngôi nhà ở Đại lộ Tibidabo, dinh thự nguy nga mà những người hầu làm cùng Jacinta tin rằng đang chịu một lời nguyền ghê gớm, nhưng Jacinta không sợ, vì bà biết điều người khác cho là bí ẩn lại không gì khác hơn một linh hồn mà chỉ bà mới có thể thấy được trong giấc mơ: cái bóng của Zacarías, người không còn giống như người đàn ông bà vẫn nhớ và giờ đây chỉ hiện hình là một con sói đi bằng hai chân.
Penélope là một đứa trẻ mong manh, gầy gò và yếu đuối. Jacinta đã chứng kiến cô bé lớn lên như bông hoa trước gió đông. Trong nhiều năm, bà chăm nom cô bé hằng đêm, tự tay chuẩn bị mỗi bữa ăn, tự tay may đồ cho cô bé, ở bên cạnh mỗi khi cô ốm đau, bệnh tật, khi cô bé cất tiếng nói đầu tiên, khi cô bé trở thành phụ nữ. Bà Aldaya là một nhân vật nữa trong khung cảnh ấy, một nhân vật phụ xuất hiện và rời khỏi sân khấu theo mệnh lệnh của phép tắc. Trước khi đi ngủ, bà ta đến chúc con gái mình ngủ ngon và nói rằng bà yêu cô bé hơn hết thảy trên đời này, rằng đối với bà cô bé là điều quan trọng nhất trên thế giới này. Jacinta không bao giờ nói với Penélope rằng bà yêu cô bé. Người bảo mẫu biết rằng, những người yêu thực sự, yêu trong lặng lẽ, họ yêu bằng hành động chứ không bằng lời nói. Jacinta âm thầm khinh thường bà Aldaya, cái sinh vật rỗng tuếch, phù phiếm ấy, cái con người đang già đi trong những hành lang của tòa nhà, bị kéo khom xuống bởi những thứ trang sức mà chồng bà ta – người nhiều năm nay đã hạ neo ở một bến khác – đã dùng để khiến bà ta câm lặng. Bà căm ghét bà ta bởi vì, trong tất cả phụ nữ, Chúa đã chọn bà ta để sinh ra Penélope, trong khi tử cung của bà, tử cung của người mẹ đích thực, lại vẫn cằn cỗi. Theo thời gian, như thể những lời nói của chồng bà có tính tiên tri, Jacinta thậm chí còn mất đi hình dáng đàn bà. Dáng vẻ bà ngày càng gầy gò khắc khổ, bà mang vẻ mệt mỏi trên làn da và trong tận xương cốt. Ngựcà phẳng phiu dần cho đến khi chỉ còn là một nhúm da, hông bà giống như hông của một cậu bé, còn da thịt bà, khô cứng và xù xì, thậm chí không thu hút nổi ánh mắt của ông Ricardo Aldaya, người chỉ cần cảm nhận thấy dấu hiệu của sự sống thôi là cũng đã phát cuồng lên – như mọi cô hầu trong nhà và trong nhà đám bạn thân ông ta biết rất rõ. Như thế này tốt hơn, Jacinta nghĩ. Bà không có thì giờ cho những chuyện không đâu.
Tất cả thời gian của bà được dành cho Penélope. Bà đọc cho cô bé nghe, đi cùng cô đến mọi nơi, tắm cho cô, mặc đồ cho cô, cởi đồ cho cô, chải tóc cho cô, dẫn cô đi dạo, đưa cô đi ngủ và đánh thức cô. Nhưng trên hết, bà nói chuyện với cô. Mọi người coi bà là bảo mẫu gàn dở, một bà cô chẳng còn việc gì khác trên đời ngoài công việc ở nhà Aldaya, nhưng không biết được sự thật: Jacinta không chỉ là mẹ của Penélope, bà còn là bạn thân thiết nhất. Từ lúc cô bé bắt đầu tập nói và biết diễn đạt suy nghĩ, sớm hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác Jacinta biết, họ đã chia sẻ với nhau những bí mật và cuộc sống của mình.
Thời gian trôi đi chỉ càng củng cố thêm mối gắn bó của họ. Khi Penélope đến tuổi dậy thì, họ đã là hai người bạn không thể tách rời. Jacinta chứng kiến Penélope nở hoa thành một phụ nữ, mà sắc đẹp và vẻ rực rỡ hiển nhiên không chỉ dưới con mắt bà. Khi cậu bé bí ẩn Julián đến căn nhà đó, Jacinta nhận ra ngay từ đầu một luồng điện giữa cậu và Penélope. Nó được nối với nhau bởi một sợi dây, tương tự như sợi dây đã nối bà với Penélope, nhưng cũng khác. Mạnh mẽ hơn. Nguy hiểm. Lúc đầu bà nghĩ bà sẽ ghét cậu bé, nhưng rồi bà sớm nhận ra mình không ghét bỏ Julián Carax, và không bao giờ có thể. Khi Penélope rơi vào vòng mê hoặc của Julián, bà cũng để mình bị cuốn vào và dần dần chỉ khao khát những gì Penélope khao khát. Không ai nhận ra, không ai thèm để ý đến, nhưng, như chuyện vẫn xảy ra, phần cơ bản nhất của vấn đề đã được sắp đặt trước khi câu chuyện bắt đầu, và lúc này đã quá muộn.
Nhiều tháng trôi qua cùng những ánh mắt đam mê và chờ đợi, cuối cùng Julián Carax và Penélope cũng được ở riêng bên nhau. Cuộc đời của họ được quyết định bởi sự tình cờ. Họ gặp nhau trong hành lang, họ nhìn nhau từ hai đầu bàn, họ lặng thầm phớt chạm qua nhau, họ cảm thấy sự vắng mặt của nhau. Họ trao nhau lời đầu tiên là khi ở trong thự viện tòa nhà trên Đại lộ Tibidabo vào một chiều bão bùng mưa gió, lúc ấy “Villa Penélope” bỗng nhiên ngập tràn ánh nến mờ ảo – chỉ vài giây đánh cắp được từ bóng đêm, Julián nghĩ chàng đã nhìn thấy trong ánh mắt cô gái niềm tin chắc mà cả hai đều cảm thấy như nhau, rằng chính cái bí mật ấy đang tàn phá họ. Dường như không ai nhận ra. Không ai, ngoại trừ Jacinta, người ngày càng lo lắng khi chứng kiến trò chơi liếc nhìn lén lút mà Penélope và Julián đang chơi ngay trước mũi. Bà lo sợ cho họ.
Lúc này, Julián bắt đầu bị những đêm mất ngủ, chàng thức từ đêm đến lúc trời hừng sáng để viết những câu chuyện dành tặng Penélope. Rồi, sau khi đến ngôi nhà ở Đại lộ Tibidabo với bất kỳ lý do cũ rích nào, chàng sẽ tìm ra dịp có thể lẻn vào phòng Jacinta và đưa cho bà những trang giấy, rồi bà sẽ đem cho cô gái. Đôi khi, Jacinta chuyển cho Julián bức thư Penélope đã viết cho chàng, và chàng sẽ đọc đi đọc lại nó suốt nhiều ngày sau. Trò chơi ấy cứ diễn ra ngày này sang tháng khác. Khi thời gian không mang lại cho họ vận may, Julián làm bất cứ điều gì cần thiết để được gần Penélope. Jacinta giúp chàng, để được nhìn Penélope hạnh phúc, để giữ cho ngọn lửa ấy cháy mãi. Về phần mình, Julián cảm nhận rằng sự ngây thơ vô tình lúc ban đầu đang phai nhạt và đã đến lúc cần phải bắt đầu mở hướng khác. Và đấy là lý do chàng bắt đầu nói dối Don Ricardo về dự định tương lai của mình, chàng vờ hứng thú với sự nghiệp trong ngành ngân hàng và tài chính, giả đò cảm mến và gắn bó với Jorge Aldaya dù thực tế không phải vậy, để biện minh cho sự hiện diện thường xuyên của mình ở ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo; chàng bắt đầu nói những điều chàng biết người khác muốn nghe chàng nói, để đọc được những cái nhìn của họ và những hy vọng của họ, bắt đầu gạt sang một bên lòng chân thành và trung thực, bắt đầu cảm thấy chàng đang bán đi từng mảnh linh hồn mình. Chàng bắt đầu sợ rằng nếu chàng có được Penélope thì sẽ không còn lại gì của con người Julián đã gặp nàng lúc ban đầu nữa. Đôi khi Julián tỉnh giấc lúc mờ sáng, giận dữ bùng cháy, mong mỏi được giãi bày cảm xúc thực của chàng cho thế giới này biết, để đối diện với Don Ricardo Aldaya và nói với ông rằng chàng không quan tâm gì đến gia sản của ông, đến cơ hội tương lai của chàng, hay công ty của ông ta; rằng chàng chỉ muốn con gái của ông, Penélope, và đang tính đưa nàng đi xa khỏi cái thế giới trống rỗng, bị phủ kín nơi cha nàng đã cầm tù nàng. Ánh sáng ban ngày đã xua đi can đảm của chàng.
Có nhiều lần Julián mở lòng với Jacinta, người bắt đầu yêu mến chàng trai hơn bà từng muốn. Bà thường để Penélope một mình, lấy lý do phải đi đón Jorge ở trường, để đi gặp Julián và chuyển cho chàng thông điệp của Penélope. Vậy nên bà mới gặp Fernando, người nhiều năm sau này vẫn là người bạn duy nhất còn lại trong khi bà chờ chết ở chốn Santa Lucía địa ngục – cái địa ngục đã được thiên thần Zacarías dự báo trước. Đôi khi người bảo mẫu khôn khéo mang Penélope đến trường và tìm cách cho đôi trẻ được gặp nhau dù ngắn ngủi, và ngắm nhìn một tình yêu đang lớn dần lên giữa họ, một thứ tình yêu mà bà chưa bao giờ được biết đến, một tình yêu mà bà luôn luôn bị chối bỏ. Cũng vào lúc này, Jacinta nhận ra bóng đen và sự hiện diện đầy phiền nhiễu của thằng bé ít lời mà mọi người gọi là Francisco Javier, con trai ông bảo vệ trường San Gabriel. Bà bắt gặp nó rình mò họ, nó đứng từ xa đọc những cử chỉ của họ và ngốn ngấu Penélope bằng đôi mắt.
Jacinta vẫn giữ một bức ảnh của Julián và Penélope được chụp bởi Recasens, thợ chụp chân dung chính cho gia đình Aldaya, bức ảnh bên cạnh cửa hàng mũ trên phố Ronda de San Antonio. Một tấm ảnh bình thường vô hại, chụp vào giữa trưa, trước sự có mắt của Don Ricardo và Sophie Carax. Jacinta luôn mang theo nó bên mình. Một ngày nọ, trong khi chờ Jorge ở ngoài trường, người bảo mẫu lơ đễnh bỏ quên túi xách cạnh đài phun nước, và khi quay lại để lấy túi, bà thấy Fumero đang lảng vảng gần khu vực ấy, nó nhìn bà đầy lo lắng. Đêm hôm ấy, bà tìm bức ảnh nhưng không thấy đâu, và tin chắc đứa bé kia đã đánh cắp. Một dịp khác, vài tuần sau đó, Francisco Javier Fumero đến chỗ Jacinta hỏi xem bà có thể giúp nó chuyển cho Penélope một món đồ được không. Khi Jacinta hỏi đồ vật đó là gì, nó lôi ra mảnh vải bọc một thứ trông như hình khắc gỗ thông. Jacinta nhận ra hình khắc Penélope và cảm thấy ớn lạnh. Bà chưa kịp nói gì, đứa bé đã bỏ đi. Trên đường về ngôi nhà ở Đại lộ Tibidabo, Jacinta quăng hình khắc đó qua cửa sổ ô tô, như thể đó là một mẩu xác chết bốc mùi. Không dưới một lần, Jacinta thức giấc lúc mờ sáng, người đầm mồ hôi, bị phiền não bởi cơn ác mộng trong đó đứa bé với vẻ mặt khó chịu kia lao mình vào Penélope với sự tàn bạo lạnh lùng và thờ ơ của một loài côn trùng lạ.
Có những chiều, khi Jacinta đến đón Jorge ở trường, và cậu ta ra muộn, bà bảo mẫu sẽ nói chuyện với Julián. Chàng cũng bắt đầu yêu mến người phụ nữ có ngoại hình khắc khổ kia. Rồi không lâu sau, mỗi khi có rắc rối phủ bóng lên cuộc sống của chàng, thì bà và Miquel Moliner luôn là người đầu tiên được biết. Một lần Julián kể cho Jacinta chàng đã thấy mẹ mình và Don Ricardo Aldaya nói chuyện gần khu vực đài phun nước trong khi chờ đám học sinh tan trường. Don Ricardo dường như thích thú với việc ở bên cạnh Sophie, và Julián cảm thấy đôi chút khó chịu, bởi chàng có biết về tiếng tăm Don Juan của ông trùm tư bản kia và thói hám của lạ của ông ta – không phân biệt đẳng cấp hay điều kiện – mà bà vợ thánh thiện của ông dường như miễn dịch. “Ta đã kể với mẹ cháu rằng cháu thích ngôi trường mới như thế nào,” Don Ricardo bảo chàng. Khi chào tạm biệt họ, Don Ricardo nháy mắt với họ và bước đi, cười ngặt nghẽo. Mẹ chàng yên lặng suốt trên đường về nhà, rõ ràng khó chịu vì những lời nhận xét của Don Ricardo Aldaya với bà.
Sophie nghi ngờ về mối quan hệ ngày càng gắn bó của Julián với gia đình Aldaya và cách chàng bỏ bê bạn củ và gia đình mình. Bà không phải là người duy nhất. Trong khi bà mẹ bày tỏ sự phật ý bằng cách buồn rầu và lặng lẽ, thì ông bán mũ thể hiện sự cay nghiệt và ghét bỏ. Sự hứng thú ban đầu của ông về việc mở rộng khách hàng sang giới thượng lưu Barcelona giờ đã tan biến. Giờ ông hiếm khi gặp con trai mình và phải thuê Quimet, một cậu bé trong phố và cũng là bạn của Julián, làm trợ lý và học việc trong cửa hàng. Antoni Fortuny là người chỉ cảm thấy có thể nói chuyện cởi mở về những chiếc mũ. Ông khóa chặt cảm xúc sâu kín trong ngục tù trái tim ông nhiều tháng liền, cho đến khi chúng trở nên cay đắng vô vọng. Ông nóng tính và dễ cáu bẳn hơn bao giờ hết. Nhìn vào đâu ông cũng thấy lỗi lầm – từ những nỗ lực học nghề của Quimet tội nghiệp đến những cố gắng của Sophie muốn làm nhẹ bớt cái sự thật rằng Julián hình như đang bỏ rơi họ.
“Con trai của mụ nghĩ rằng nó là ai đó vì những kẻ giàu có kia đối xử với nó như một con khỉ diễn trò,” ông nói, giọng thất vọng và đầy giận dữ.
Rồi một ngày, sau gần ba năm kể từ hôm Don Ricardo Aldaya lần đầu tiên đến cửa hàng mũ Fortuny và Con trai, ông bán mũ để Quimet trông cửa hàng và bảo đến trưa ông sẽ về. Ông đánh bạo đến tận văn phòng của tập đoàn Aldaya trên phố Gracia yêu cầu được gặp Don Ricardo.
“Tôi được hân hạnh thông báo tên ai đây?” tay thư ký hống hách hỏi.
“Thợ làm mũ của ông ấy.”
Don Ricardo đón tiếp ông, đôi chút ngạc nhiên nhưng khá thiện cảm, nghĩ rằng có lẽ Fortuny mang hóa đơn đòi nợ đến – những ông chủ cửa hàng nhỏ không bao giờ hiểu được nghi thức khi bàn chuyện tiền nong.
“Xem nào, tôi có thể làm gì cho ông, Fortunato, ông bạn già?”
Không thể trì hoãn hơn được nữa, Antoni Fortuny bắt đầu giải thích cho Don Ricardo rằng ông ta đã nhìn nhầm về con trai ông, Julián.
“Con trai tôi, thưa Don Ricardo, không phải là đứa như ngài nghĩ đâu. Ngược lại, nó là một đứa ngu dốt, lười biếng, không có tài năng gì hơn tính ngạo mạn mà mụ vợ tôi đã nhồi nhét vào đầu nó. Rồi nó chẳng làm nên trò trống gì đâu, ngài hãy tin tôi. Nó không có tham vọng và thiếu cá tính. Ngài không hiểu nó đâu. Nó có thể rất thông minh ở việc nói điều ngon ngọt với người lạ, khiến họ tin là nó hiểu biết nhiều, trong khi thực sự nó chẳng biết gì hết. Nó là một đứa tầm thường. Nhưng tôi hiểu rõ nó hơn bất kỳ ai, và tôi nghĩ mình nên cảnh báo ngài.”
Don Ricardo yên lặng lắng nghe bài diễn thuyết, mắt không hề chớp.
“Xong chưa, Fortunato?”
Khi nghe xong, nhà công nghiệp nhấn nút trên bàn. Một lát sau, tay thư ký đã đón Fortuny xuất hiện nơi cửa văn phòng.
“Ông bạn Fortunato đây muốn về, Bacells,” Don Ricardo thông báo. “Tiễn ông ấy ra cửa.”
Giọng lạnh băng của nhà công nghiệp khiến ông làm mũ không vui.
“Nếu không phiền, thưa Don Ricardo: tôi là Fortuny, không phải Fortunato.”
“Sao cũng được. Ông thật tẻ nhạt, Fortuny. Tôi rất biết ơn nếu ông không đến đây nữa.”
Khi Fortuny ra đường, ông cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết, và càng tin rằng mọi người chống lại ông. Chỉ vài ngày sau, những khách hàng khôn ngoan mà cửa hàng có được nhờ mối quan hệ với Aldaya bắt đầu gửi tin báo hủy đơn hàng và thanh toán hóa đơn. Chỉ trong vòng vài tuần, ông phải cho Quimet nghỉ, vì không đủ việc làm cho cả hai người ở cửa hàng. Dù sao cậu bé kia cũng không giúp gì nhiều, ông tự nhủ. Nó tầm thường và lười biếng, như tất cả bọn chúng.
Cũng trong thời gian này, mọi người xung quanh bắt đầu nói rằng ông Fortuny trông già đi, cô đơn hơn, cay đắng hơn rất nhiều. Ông hầu như không nói chuyện với bất kỳ ai nữa, ở lì nhiều giờ trong cửa hàng khóa chặt, không có việc gì làm, nhìn người qua lại ngoài phố, những cảm giác khinh bỉ xen lẫn hy vọng. Sau này mọi người bảo thời trang đã thay đổi, rằng những người trẻ không còn đội mũ nữa, rằng những người đội mũ lại thích đến các cửa hiệu khác, nơi người ta bán những chiếc mũ làm sẵn với nhiều kích cỡ khác nhau, mẫu mã hiện đại, và giá rẻ hơn. Cửa hàng mũ nhà Fortuny và Con trai dần chìm vào trong giấc ngủ u buồn, lặng lẽ.
Tất cả các người đang chờ ta chết, Fortuny tự nhủ. Được, ta sẽ cho các người diễm phúc đó. Thực sự, ông đã bắt đầu chết từ rất lâu rồi.
Julián ngày càng lao mình vào thế giới nhà Aldaya, vào cái tương lai duy nhất chàng có thể biết đến, cái tương lai có Penélope. Gần hai năm trôi qua, trong thời gian đó, hai người lén lút đi cùng nhau trên một sợi dâ bí mật. Bằng cách của mình, Zacarías đã cảnh báo chàng rất lâu rồi. Bóng đen bao bủa quanh Julián, và chúng nhanh chóng siết chặt chàng.
Tín hiệu đầu tiên xuất hiện vào một ngày tháng Tư năm 1928. Jorge Aldaya sắp tròn mười tám tuổi, và Don Ricardo, trong vai trò người trưởng tộc vĩ đại, đã quyết định tổ chức (hay đúng hơn, ra lệnh cho ai đó tổ chức) một bữa tiệc sinh nhật hoành tráng mà con trai ông không muốn và chính ông sẽ vắng mặt: vì lý do có công việc quan trọng, ông sẽ đi gặp một cô gái thơm ngon, vừa mới từ St. Petersburg đến, tại căn phòng lộng lẫy màu xanh của khách sạn Colón. Ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo trở thành chốn huyên náo nhân sự kiện này; hàng trăm đèn lồng, dây móc và lều rạp được dựng lên trong vườn để mua vui cho khách khứa.
Hầu hết các bạn học của Jorge Aldaya ở trường San Gabriel đều được mời. Theo đề nghị của Julián, Jorge cũng mời cả Francisco Javier Fumero. Miquel Moliner cảnh báo họ rằng con trai ông bảo vệ sẽ lạc lõng ở khung cảnh hoa lệ và phô trương kia. Francisco Javier nhận lời mời, nhưng cũng dự cảm y như vậy, nên quyết định từ chối. Khi Doña Yvonne, mẹ hắn, hay tin con trai mình định bỏ một lời mời đến biệt thự tráng lệ nhà Aldaya, mụ như muốn ăn tươi nuốt sống hắn. Lời mời đó có thể là gì khác ngoài cái tín hiệu mụ sẽ nhanh chóng gia nhập giới thượng lưu? Bước tiếp theo chỉ có thể là một lời mời đến uống trà chiều với bà Aldaya và những mệnh phụ danh giá khác. Doña Yvonne dốc hết số tiền tiết kiệm mụ chắt góp được từ khoản lương của ông chồng để đi mua một bộ cánh thủy thủ cho con trai.
Lúc đó Francisco Javier đã mười bảy tuổi, nhưng bộ đồ xanh dương với chiếc quần ngắn, được may để thỏa mãn cái khiếu thẩm mỹ không có lấy một chút tinh tế của Doña Yvonne trông lố bịch làm sao và khiến cậu trai bẽ mặt. Bị bà mẹ ép buộc, Francisco Javier chấp nhận lời mời và dành cả tuần khắc một cái mở thư để làm quà cho Jorge. Vào ngày tiệc, Doña Yvonne nhất quyết đòi đi theo con trai đến cửa nhà Aldaya. Mụ muốn hít ngửi mùi vương giả và tắm mình trong niềm vinh quang được thấy con trai mụ đi qua những cánh cửa mà sớm thôi cũng sẽ mở ra cho mụ. Đến lúc phải khoác bộ cánh thủy thủ lên người, Francisco Javier phát hiện ra nó quá nhỏ so với hắn. Yvonne quyết định sửa đôi chút. Họ đến trễ. Trong lúc ấy, lợi dụng sự huyên náo và sự vắng mặt của Don Ricardo – người chắc chắn đang ăn mừng theo cách của riêng mình – Julián đã lẻn khỏi bữa tiệc. Chàng và Penélope hẹn gặp nhau trong thư viện, nơi họ sẽ không bắt gặp những người dự tiệc khác. Họ quá bận rộn khám phá môi nhau nên không nhận ra có hai người đang đến trước cổng tòa nhà. Francisco Javier, trong bộ đồ thủy thủ lần đầu đi dự tiệc và mặt tím tái vì xấu hổ, cơ hồ đang bị Doña Yvonne kéo đi, nhân dịp này mụ cũng sửa sang lại chiếc mũ rộng vành cùng chiếc váy hợp tông có nếp gấp và thêu hoa; chúng khiến cho mụ trông giống như một thanh kẹo, hay nói như Miquel Moliner, người thấy mụ từ đằng xa, giống một con bò rừng ăn mặc như Madame Récamier. Hai người hầu gác cửa dường như không lấy làm ấn tượng với những vị khách. Doña Yvonne tuyên bố con trai mụ, Don Francisco Javier Fumero de Sotoceballos đang vào dự tiệc. Hai người hầu đáp lại, bằng giọng châm chọc, rằng cái tên đó chẳng gợi lên gì cả. Bực tức, nhưng vẫn giữ điệu bộ đường hoàng, Yvonne bảo con trai đưa giấy mời ra. Khốn thay, khi bộ đồ được sửa, tấm vé mời đã bị bỏ lại trên bàn khâu của Doña Yvonne.
Francisco Javier cố giải thích đầu đuôi, nhưng hắn cứ lắp ba lắp bắp, và tiếng cười của hai người hầu không giúp xóa đi sự hiểu lầm. Hai mẹ con họ bị mời ra khỏi đó. Doña Yvonne bừng bừng nổi giận và tuyên bố rằng hai tên hầu kia không biết bọn chúng đang đối mặt với ai. Hai người hầu đáp lại rằng vị trí lau sàn đã có người nhận rồi.
Từ cửa sổ phòng ngủ của mình Jacinta chứng kiến Francisco Javier toan quay về thì bỗng nhiên dừng lại. Ngay bên trên cảnh tượng mẹ hắn đang tạo ra, đang chửi mắng những kẻ hầu ngu ngốc đến khản cả giọng, hắn đã thấy họ: Julián đang hôn Penélope bên khung cửa sổ lớn của thư viện. Họ đang hôn nhau với niềm say đắm của những người thuộc về nhau, không biết gì thế giới xung quanh.
Ngày hôm sau, trong giờ nghỉ trưa, Francisco Javier bất ngờ xuất hiện. Tin tức về cảnh tượng ngày hôm trước đã lan ra trong đám học sinh: hắn bắt gặp những tiếng cười nhạo và câu hỏi rằng hắn đã làm gì với bộ áo quần thủy thủ chật ních kia. Tiếng cười chấm dứt đột ngột khi đám học sinh thấy hắn mang theo khẩu súng của ông bố. Im phăng phắc, rồi thì nhiều đứa bỏ đi. Chỉ nhóm Aldaya, Moliner, Fernando và Julián quay nhìn chằm hắn, không hiểu chuyện gì. Francisco Javier không hề báo trước: hắn giơ súng lên nhắm. Sau này, các nhân chứng kể lại rằng nét mặt hắn chẳng hề tỏ dấu hiệu giận dữ hay hùng hổ. Francisco Javier thể hiện vẻ lạnh lùng vô thức như khi hắn thực hiện công việc dọn dẹp trong vườn. Viên đạn đầu tiên sượt đầu Julián. Viên thứ hai đáng lẽ đã xuyên qua họng chàng nếu Miquel Moliner không lao vào con trai ông bảo vệ, đấm vào hắn và giật lấy khẩu súng. Julián Carax chứng kiến cảnh tượng trong kinh hoàng và bất động. Mọi người nghĩ phát đạn là nhằm vào Jorge Aldaya để trả thù cho sự bẽ mặt mà Javier đã phải chịu ngày hôm trước. Chỉ sau đó, khi Cảnh sát đưa hắn đi và ông bảo vệ bị tống ra khỏi nhà, Miquel Moliner mới đến chỗ Julián mà bảo, không chút tự hào, rằng anh ta đã cứu mạng chàng.
Đó là năm cuối của Julián và bạn bè ở trường San Gabriel. Hầu hết đều đang nói về những dự định của họ hoặc gia đình sắp xếp cho họ năm tiếp theo. Jorge Aldaya đã biết rằng ông bố sẽ đưa anh ta đi học ở Anh quốc, và Miquel Monliner chấp nhận chuyện anh sẽ vào Đại học Barcelona như lẽ đương nhiên. Fernando Ramos hơn một lần nhắc lại rằng có lẽ anh sẽ vào trường Dòng Tên, một viễn cảnh mà các thầy của anh cho là khôn ngoan nhất đối với hoàn cảnh cụ thể của anh. Còn Francisco Javier Fumero, điều duy nhất người ta biết về hắn, nhờ Don Ricardo Aldaya, người đã đứng ra can thiệp, là hắn đã được đưa vào trường giáo dưỡng ở một thung lũng xa xăm vùng Pyrénées; nơi một mùa đông dài đang đợi hắn. Nhận thấy tất cả bạn bè mình đã có định hướng cho cuộc đời, Julián tự hỏi chàng sẽ trở thành người thế nào. Giấc mộng và tham vọng văn chương dường như xa xôi và khó trở thành hiện thực hơn bao giờ hết. Tất cả những gì chàng trông đợi là được gần Penélope.
Trong khi chàng băn khoăn về tương lai của trai mình, những người khác lại đang lên kế hoạch cho chàng. Don Ricardo Aldaya đã nhắm cho chàng một vị trí trong công ty của ông ta để chàng làm quen với việc kinh doanh. Ông bán mũ, về phần mình, đã quyết định rằng nếu con trai ông không muốn tiếp tục nối nghiệp gia đình, thì ông sẽ quên ngay chuyện để lại di chúc cho chàng. Ông đã bí mật làm các thủ tục để đưa Julián vào quân đội, vài năm sống trong quân ngũ sẽ chữa cho chàng căn bệnh ảo tưởng trở thành người vĩ đại. Julián không biết gì về những kế hoạch như vậy, và đến khi phát hiện ra điều người khác sắp xếp cho mình, thì đã quá muộn. Chỉ có Penélope chiếm lĩnh hết ý nghĩ của chàng, giờ đây sự xa cách giả tạo và những hẹn hò bí mật không còn làm chàng thỏa mãn nữa. Chàng cứ muốn được gặp nàng thường xuyên hơn, mặc cho nguy cơ bại lộ ngày càng lớn. Jacinta làm những gì có thể để bao che họ: bà thường xuyên nói dối và bịa ra ngàn lẻ một mưu kế để họ được đôi ba giây phút bên nhau. Bà hiểu rằng điều này là không đủ cho Penélope va Julián. Người bảo mẫu giờ đây nhận ra trong ánh mắt họ lòng khát khao kiêu căng và thách thức: một nguyện vọng mù quáng muốn bị bại lộ, một hy vọng rằng bí mật của họ sẽ trở thành một vụ tai tiếng để họ không còn phải chui nhủi trong ngóc ngách và gác mái và yêu nhau trong bóng tối nữa. Có đôi lần, khi Jacinta an ủi Penélope lúc đêm về, nàng sẽ đổ lệ thành dòng và thú nhận nàng muốn bỏ trốn cùng Julián, để bắt chuyến tàu sớm và chạy trốn đến một nơi không ai biết họ. Jacinta, vốn vẫn còn nhớ cái loại thế giới như thế nào tồn tại bên ngoài cổng sắt nhà Aldaya, đã rùng mình và cố khuyên can nàng. Penélope vốn bản tính vâng lời, và nỗi sợ hãi nàng thấy trên nét mặt Jacinta là đủ làm nàng chùn bước. Song Julián thì khác.
Trong mùa xuân cuối cùng đó ở San Gabriel, Julián bối rối phát hiện ra Don Ricardo Aldaya và mẹ chàng đôi khi hẹn gặp bí mật. Lúc đầu, chàng sợ rằng nhà công nghiệp hẳn muốn thêm cuộc chinh phục Sophie vào bộ sưu tập của ông ta, nhưng chàng sớm nhận ra rằng những cuộc hẹn đó, tường ở quán cà phê tại trung tâm thành phố và diễn ra bội phần đúng mực, chỉ dừng lại ở chuyện trò. Sophie vẫn không nói gì về những cuộc hẹn này. Khi cuối cùng Julián quyết định đến gặp Don Ricardo mà hỏi ông ta đang có chuyện gì giữa ông ta và mẹ chàng, ông trùm tư bản cười phá lên.
“Không có gì qua được mặt cháu, đúng không Julián? Thật ra ta đã định nói với cháu chuyện này. Mẹ cháu và ta đang bàn về tương lai của cháu. Bà ấy đã đến gặp ta vài tuần trước. Bà ấy lo lắng vì cha cháu muốn đưa cháu vào quân đội năm tới. Mẹ cháu hiển nhiên là muốn điều tốt nhất cho cháu, và bà ấy đến gặp ta để nói chuyện riêng, xem ta có giúp được gì không. Cháu đừng lo; Don Ricardo Aldaya đã hứa rằng cháu sẽ không trở thành pháo thủ đâu. Mẹ cháu và ta đã có một kế hoạch tuyệt vời cho cháu. Hãy tin ta đi.”
Julián muốn tin ông ta, nhưng Don Ricardo tạo ra bất cứ điều gì, ngoại trừ lòng tin. Khi chàng hỏi ý kiến Miquel Moliner, anh đồng ý với Julián.
“Nếu điều cậu muốn làm là bỏ trốn cùng Penélope, và có lẽ Chúa sẽ giúp cậu, thì cái cậu cần đến là tiền.”
Tiền lại là thứ Julián không có.
“Cái đó có thể sắp xếp được,” Miquel nói với chàng. “Có bạn giàu sang là để cho những dịp này đây.”
Thế là Miquel và Julián bắt đầu kế hoạch chạy trốn cho đôi tình nhân. Nơi đến, theo gợi ý của Miquel, sẽ là Paris. Theo suy nghĩ của Moliner, nếu Julián định trở thành một nghệ sĩ nghèo phóng túng, thì ít nhất một môi trường như Paris là không thể tốt hơn. Penélope biết một chút tiếng Pháp, còn Julián, chàng đã học tiếng Pháp từ mẹ chàng, nó giống như ngôn ngữ thứ hai của chàng vậy.
“Ngoài ra, Paris đủ lớn để ta mất hút đi, và đủ nhỏ để tạo cơ hội,” Miquel lý lẽ.
Miquel đã tích góp được chút vốn, cộng với số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm nhờ xin xỏ từ ông bố với những lý do kỳ dị nhất. Chỉ có anh mới biết số tiền ấy dùng để làm gì.
“Tớ sẽ chết lặng vào giây phút hai người lên tàu.”
Ngay chiều hôm ấy, sau khi chốt lại cá chi tiết với Moliner, Julián đến ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo để báo với Penélope kế hoạch bỏ trốn.
“Em không được kể cho ai điều anh nói với em. Không một ai. Kể cả Jacinta,” Julian bắt đầu.
Cô gái lắng nghe trong sững sờ. Kế hoạch của Moliner thật không chê vào đâu được. Miquel sẽ dùng tên giả để mua vé và thuê một bên thứ ba để nhận vé tại nhà ga. Nếu tình cờ cảnh sát có phát hiện ra, thì điều duy nhất anh ta có thể khai báo là mô tả ai đó trông không giống Julián. Julián và Penélope sẽ gặp nhau trên tàu. Sẽ không có chuyện chờ đợi trên sân ga, nơi người ta có thể thấy họ. Cuộc trốn chạy sẽ diễn ra ngày Chủ nhật, vào buổi trưa. Julián sẽ đi một mình đến nhà ga Francia. Miquel sẽ đợi chàng ở đó, cùng với vé và tiền.
Phần khó nhất của kế hoạch là về phần Penélope. Nàng phải nói dối Jacinta và bắt bà tìm ra một lý do đưa nàng đi lễ mixa lúc mười một giờ rồi quay về nhà. Trên đường, Penélope sẽ bảo Jacinta đưa nàng đi gặp Julián, hứa là nàng sẽ về trước khi cả gia đình về nhà. Đây sẽ là cơ hội cho Penélope đến nhà ga. Cả hai người đều biết nếu họ nói với bà sự thật, Jacinta sẽ không cho họ đi. Bà quá yêu họ.
“Kế hoạch thật hoàn hảo, Miquel,” Julián nói.
Miquel gật đầu buồn bã. “Ngoại trừ một chi tiết. Nỗi đau cậu gây ra cho nhiều người khi ra đi mãi mãi.”
Julián gật đầu, nghĩ đến mẹ chàng và Jacinta. Chàng không hề ngờ Miquel Moliner đang nói đến bản thân anh.
Phần khó khăn nhất là thuyết phục Penélope rằng cần phải giữ bí mật với Jacinta. Chỉ có Miquel mới biết sự thật. Chuyến tàu khởi hành lúc một giờ chiều. Lúc người ta nhận ra sự biến mất của Penélope thì họ đã qua khỏi biên giới rồi. Một khi đến Paris, họ sẽ dùng tên giả trọ trong một khách sạn như là vợ chồng. Họ sẽ gửi cho Miquel Moliner một bức thư để chuyển đến gia đình họ, thú nhận tình yêu của họ, cho mọi người biết là họ vẫn khỏe, thông báo lễ cưới ở nhà thờ, và cầu xin gia đình tha thứ và cảm thông. Miquel Moliner sẽ bỏ bức thư vào một phong bì khác để xóa đi dấu bưu điện Paris và sẽ đích thân gửi từ một thị trấn gần đấy.
“Bao giờ?” Penélope>
“Sáu ngày nữa,” Julián nói. “Chủ nhật tới.”
Miquel đề nghị tốt nhất là Julián không nên gặp Penélope trong những ngày trước khi bỏ trốn, để tránh gây nghi ngờ. Cả hai đều đồng ý không gặp nhau nữa, cho tới lúc lên chuyến tàu đi Paris. Sáu ngày không được gặp nàng, không được chạm vào nàng, dường như dài vô tận với Julián. Họ kết ước thỏa thuận, hôn lễ bí mật, bằng đôi môi.
Lúc ấy Julián đưa Penélope vào phòng ngủ của Jacinta trên tầng ba. Tầng này chỉ dành cho người hầu, và Julián dám chắc không ai phát hiện ra họ. Họ sốt sắng cởi quần áo, với đam mê sôi sục, cào cấu vào da nhau và tan chảy vào yên lặng. Họ đã thuộc làu cơ thể của nhau và chôn vùi tất cả những ý nghĩ về sáu ngày xa cách kia. Julián đi vào Penélope bằng cơn thịnh nộ, áp nàng xuống sàn nhà. Penélope đón nhận chàng với đôi mắt mở to, hai chân quắp lấy thân chàng, đôi môi hé mở khao khát. Không hề có một chút tia mong manh hay thơ trẻ trong ánh mắt hay trong cơ thể ấm áp của nàng. Sau đó, khi khuôn mặt chàng vẫn vùi vào lòng nàng và tay vẫn đặt trên bộ ngực trắng ngần rung rinh của nàng, Julián biết chàng phải nói lời từ biệt. Chàng không có thời gian ngồi dậy khi cửa phòng từ từ hé mở và một bóng dáng phụ nữ xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Trong một lát, Julián nghĩ đó là Jacinta, nhưng rồi chàng nhận ra ấy là bà Aldaya. Bà đang nhìn họ, như bị bỏ bùa, cảm giác mê hoặc xen lẫn ghê tởm. Bà chỉ có thể lẩm bẩm thốt ra “Jacinta đâu rồi?” Rồi bà quay đi không nói một lời, trong khi Penélope bò trên sàn nhà trong đau đớn lặng câm còn Julián cảm thấy thế giới đang sụp đổ quanh chàng.
“Đi đi, Julián. Đi trước khi cha em tới.”
“Nhưng..."
“Đi.”
Julián gật đầu. “Cho dù có chuyện gì, anh sẽ đợi em vào ngày Chủ nhật trên chuyến tàu đó.”
Penélope cố nở nụ cười nhợt nhạt. “Em sẽ đến. Bây giờ hãy đi đi...”
Nàng vẫn trần truồng khi chàng rời nàng và lẻn ra cầu thang dành cho người hầu xuống phía chuồng ngựa rồi băng ra ngoài trời, trong một đêm lạnh giá nhất chàng từng gặp trong đời.>Những ngày sau đó thật đớn đau. Suốt mấy đêm Julián không ngủ, nghĩ rằng bất cứ lúc nào sát thủ do Don Ricardo thuê sẽ đến tìm chàng. Ngày hôm sau, ở trường, chàng không thấy một chút gì thay đổi trong thái độ của Jorge Aldaya. Bị giày xé vì đau khổ, chàng kể cho Miquel Moliner chuyện xảy ra. Miquel lắc đầu.
“Cậu thật điên rồ, Julián, nhưng điều đó chẳng có gì lạ. Điều lạ là đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì ở nhà Aldaya. Mà điều đó, ngẫm ra cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Nếu, như cậu nói, bà Aldaya phát hiện ra các cậu, thì có lẽ chính bà ấy vẫn không biết phải làm gì. Trong đời mình tớ đã ba lần nói chuyện với bà ấy, và từ những cuộc nói chuyện đó, tớ có hai kết luận: thứ nhất, bà Aldaya có tâm lý của đứa trẻ mười hai tuổi; thứ hai, bà mắc bệnh ái kỷ mạn tính nên không thể nhận thấy hay hiểu được bất cứ điều gì bà không muốn thấy hoặc muốn tin, đặc biệt là nếu liên quan đến bản thân bà.”
“Dẹp cái phần chẩn đoán ấy đi, Miquel.”
“Ý tớ là, có lẽ bà ấy vẫn đang phân vân không biết phải nói gì, nói thế nào, lúc nào và với ai. Trước tiên, bà phải nghĩ đến hậu quả cho bản thân, vụ tai tiếng tiềm ẩn, và cơn thịnh nộ của ông chồng... Phần còn lại thì bà ta chẳng quan tâm, tớ dám chắc thế.”
“Nên cậu nghĩ bà ấy sẽ không nói gì ư?”
“Chắc phải mất một vài ngày. Nhưng tớ không nghĩ bà ấy có thể giấu một bí mật như vậy với chồng được. Còn kế hoạch chạy trốn thế nào? Vẫn tiến hành chứ?”
“Hơn bao giờ hết.”
“Tớ mừng khi nghe vậy. Vì tớ tin là giờ không còn đường quay lại nữa.”
Một tuần trải dài vô tận. Julián đến trường mỗi ngày với nỗi khắc khổ trên hai gót chân. Chàng trải qua quãng thời gian ấy, vờ như đang ở đó, hầu như không thể nhìn Miquel Moliner, người cũng bắt đầu lo lắng như chàng, hoặc còn hơn thế. Jorge Aldaya không nói gì. Anh ta lịch sự hơn bao giờ hết. Jacinta không đến trường đón Jorge nữa. Lái xe của Don Ricardo đến mỗi buổi chiều. Julián cảm thấy như muốn chết đến nơi, ước rằng chuyện có xảy ra thế nào thì cũng hãy xảy ra đi, để thời gian chờ đợi sẽ kết thúc. Vào chiều thứ Năm, sau giờ học, Julián bắt đầu nghĩ rằng may mắn về phía chàng. Bà Aldaya không nói gì, có lẽ vì xấu hổ, ngu ngốc, hoặc vì bất cứ lý do gì như Miquel đã ngờ. Điều đó không mấy quan trọng. Quan trọng nhất là bà vẫn giữ bí mật cho đến Chủ nhật. Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong nhiều ngày, chàng có thể ngủ ngon.
Sáng thứ Sáu, khi đến lớp, Cha Romanoes đợi chàng trước cổng.
“Julián, ta cần nói chuyện với con.”
“Có chuyện gì, thưa Cha?”
“Ta luôn biết ngày này sẽ đến, và ta phải thú nhận rằng ta vui mừng được làm người báo tin cho con.”
“Tin gì, thưa Cha?”
Julián Carax không còn là học sinh trường San Gabriel. Sự hiện diện của chàng trong khuôn viên, trong lớp học, thậm chí trong vườn trường bị nghiêm cấm. Các đồ dùng học tập của chàng, sách vở, và tất cả những vật dụng khác giờ đây thuộc tài sản của trường.
“Nói cho chính xác ‘là ngay lập tức và đuổi thẳng’," Cha Romanoes nói ngắn gọn.
“Con có thể biết lý do không?”
“Ta có thể nghĩ ra hàng trăm lý do, nhưng ta chắc con sẽ biết chọn ra lý do phù hợp nhất. Chúc một ngày tốt lành, Carax. Và chúc may mắn trong đời. Con sẽ cần điều đó đấy.”
Cách chừng ba mươi thước, ở sân đài phun nước, một nhóm học sinh đứng nhìn chàng. Một số đang cười, vẫy tay chào tạm biệt. Những người khác nhìn chàng với vẻ thương xót và bối rối. Chỉ có một người cười buồn: anh bạn Miquel Moliner, người chỉ gật đầu và nói thầm gì đó mà Julián nghĩ là chàng có thể đọc được: “hẹn gặp ngày Chủ nhật.”
Khi quay về căn hộ trên phố San Antonio, Julián thấy chiếc Mercedes-Benz của Don Ricardo đỗ ngoài cửa hàng. Chàng dừng lại nơi góc phố, chờ đợi. Một lúc sau, Don Ricardo bước ra khỏi cửa hàng và vào xe. Julián nấp vào một cánh cửa cho đến khi chiếc xe chạy ra Quảng trường Universidad. Chỉ đến lúc đó, chàng mới tất tả chạy lên cầu thang về nhà. Mẹ chàng, bà Sophie, đang ngồi đợi, nước mắt tuôn trà>
“Con đã làm gì, Julián?” bà thì thào không hề tức giận.
“Tha thứ cho con, thưa mẹ...”
Sophie kéo con trai lại gần. Bà đã gầy và già đi, như thể tất cả những người xung quanh đã cướp đi mạng sống và tuổi thanh xuân của bà. Mình cướp đi nhiều hơn cả, Julián nghĩ.
“Nghe kỹ lời mẹ này, Julián. Cha con và Don Ricardo đã sắp đặt mọi thứ để đưa con vào quân đội vài ngày tới. Aldaya có quyền thế... Con phải trốn đi, Julián. Con phải đến nơi họ không thể tìm được con...”
Julián nghĩ chàng đã thấy trong mắt mẹ chàng một bóng đen, nó dường như đã chiếm lấy bà.
“Còn gì khác nữa không, thưa mẹ? Còn điều gì mẹ chưa nói với con.”
Bà Sophie nhìn chàng, môi bà run rẩy.“Con phải đi. Cả hai ta phải rời khỏi đây mãi mãi.”
Julián ôm bà thật chặt, và thì thầm vào tai bà, “Đừng lo cho con, mẹ ơi. Mẹ đừng lo lắng.”
Cả ngày thứ Bảy Julián giam mình trong phòng, giữa đống sách vở và những bức vẽ. Ông làm mũ đã xuống cửa hàng lúc hừng sáng và đến gần sáng mới quay về. Ông ấy không đủ can đảm để nói thẳng vào mặt mình, Julián nghĩ. Đêm hôm ấy, mắt nhòe lệ, Julián nói lời từ biệt những năm tháng chàng đã sống trong căn phòng tối tăm, lạnh lẽo ấy, lạc giữa những giấc mơ mà giờ chàng biết sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Chủ nhật, lúc trời mờ sáng, mang theo chỉ một túi đựng vài bộ quần áo và mấy cuốn sách, chàng hôn vào trán Sophie khi bà đang nằm cuộn tròn trong chăn nơi phòng khách, rồi ra đi. Đường phố dường như bao phủ bởi làn sương xanh mờ. Ánh sáng màu đồng lóe lên trên những mái nhà phẳng của khu phố cũ. Chàng bước chậm rãi, nói lời từ biệt với mỗi cánh cửa, mỗi góc phố, lòng tự hỏi liệu những ảo ảnh thời gian sẽ hóa thành sự thật không và trong những ngày tới đây chàng còn có thể nhớ được chỉ những điều tốt đẹp hay không, và có quên đi nỗi cô đơn thường theo đuổi chàng trên những con phố ấy không.
Nhà ga Francia vắng tanh; sân ga, phản chiếu ánh sáng bừng cháy của rạng đông, uốn cong trong sương mờ như những lưỡi gươm Ả r lấp lánh. Julián ngồi xuống một băng ghế trong sảnh vòm và lấy sách ra. Chàng để nhiều giờ trôi qua bằng cách lạc lối trong ma thuật của ngôn từ, lột bỏ hết da thịt và tên tuổi của mình, cảm giác như một người khác. Chàng để cho mình bị cuốn đi theo những giấc mơ của những nhân vật mờ ảo, nơi nương náu duy nhất còn lại cho chàng. Lúc đấy chàng biết rằng Penélope sẽ không đến. Chàng biết chàng sẽ lên tàu không có người bạn đồng hành nào khác ngoài những ký ức của chàng. Rồi, trước ban trưa, Miquel Moliner đến ga đưa vé cho chàng cùng toàn bộ số tiền anh gom góp được, hai người bạn ôm nhau không nói nên lời. Julián chưa bao giờ thấy Miquel Moliner khóc. Đồng hồ ở khắp nơi đang đếm từng phút trôi qua.
“Vẫn còn thời gian,” Miquel thì thầm khi mắt vẫn dán chặt về phía cổng nhà ga.
Lúc một giờ năm phút, người trưởng ga gọi khách đi Paris lần cuối. Chuyến tàu đã bắt đầu chuyển bánh dọc sân ga khi Julián quay lại nói lời tạm biệt bạn. Miquel Moliner đứng đó nhìn chàng, tay anh run run trong túi áo.
“Viết nhé,” anh nói.
“Tớ sẽ viết cho cậu ngay khi đến nơi,” Julián trả lời.
“Không. Không viết cho tớ. Hãy viết sách. Không phải viết thư. Hãy viết những cuốn sách cho tớ, cho Penélope.”
Julián gật đầu, chỉ lúc này chàng mới nhận ra mình sẽ nhớ người bạn này biết nhường nào.
“Và hãy giữ những ước mơ,” Miquel nói. “Cậu không bao giờ biết được khi nào sẽ cần đến chúng đâu.”
“Tớ sẽ giữ mãi,” Julián lẩm bẩm, nhưng tiếng gầm thét con tàu đã át đi lời chàng.
***
“Vào đêm mẹ cô ấy bắt gặp họ trong phòng tôi, Penélope đã kể cho tôi nghe chuyện xảy ra. Ngày hôm sau, bà Aldaya gọi tôi đến hỏi tôi biết gì về Julián. Tôi bảo tôi không biết gì hết, ngoại trừ cậu ấy là một chàng thanh niên tốt, một người bạn của Jorge... Bà ấy lệnh cho tôi giữ Penélope trong phòng cho đến khi cô ấy được phép đi ra ngoài. Don Ricardo lúc đấy đang ở Madrid đến tận thứ Sáu mới quay về. Ngay khi ông ấy về, bà Aldaya đã kể hết cho ông những gì bà chứng kiến ở đó. Don Ricardo nhảy bật lên khỏi ghế và tát vợ mạnh đến mức bà ấy ngã xuông sàn. Rồi ông ấy chửi rủa như một người điên, ông bảo bà lặp lại những gì đã kể. Bà Aldaya kinh hãi. Chưa bao giờ chúng tôi thấy ông Aldaya như vậy. Chưa hề. Trông ông ấy như thể tất cả ác quỷ dưới địa ngục đã xâm chiếm ông ấy. Sùng sục tức giận, ông lên phòng Penélope lôi cô ấy ra khỏi giường, nắm tóc kéo cô ấy. Tôi cố ngăn ông ấy lại, nhưng ông đá tôi sang bên. Ngay đêm hôm ấy ông ấy gọi bác sĩ gia đình đến khám cho Penélope. Khi bác sĩ khám xong, ông ta nói chuyện với ngài Aldaya. Họ nhốt Penélope trong phòng, và bà Aldaya bảo tôi gói ghém đồ đạc.
“Họ không cho tôi gặp Penélope. Tôi không bao giờ được nói lời từ biệt cô ấy. Don Ricardo dọa báo cảnh sát nếu tôi kể cho bất kỳ ai chuyện xảy ra. Đêm hôm đó, họ tống tôi ra khỏi nhà, tôi không biết đi đâu, sau tám năm liền phục dịch trong căn nhà đó. Hai ngày sau, trong một nhà trọ trên phố Muntaner, Miquel Moliner đến thăm tôi, cậu ấy cho tôi biết Julián đã đến Paris. Cậu ấy muốn tôi kể chuyện gì đã xảy ra, tại sao Penélope không đến nhà ga như đã hẹn. Trong nhiều tuần, tôi đã quay lại ngôi nhà đó, cầu xin được gặp mặt cô ấy, nhưng tôi thậm chí còn không được phép qua cổng. Tôi cứ đứng nơi góc đường đối diện hằng ngày, từ sáng đến đêm, hy vọng thấy họ ra khỏi nhà. Tôi không bao giờ thấy cô ấy. Cô ấy không ra khỏi nhà. Sau đó, ngài Aldaya gọi cảnh sát, và với sự giúp đỡ của những bạn bè chức sắc, buộc tôi phải vào nhà thương điên ở Horta, với lý do không ai quen biết tôi, rằng tôi là mụ đàn bà loạn trí cứ làm phiền gia đình và con cái họ. Hai năm trời tôi ở trong đó, bị nhốt như một con vật. Việc đầu tiên tôi làm khi ra viện là đến ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo để gặp Penélope.”
“Rồi bà có gặp được cô ấy không?” Fermín hỏi.
“Ngôi nhà bị khóa và treo biển bán. Không ai sống ở đó cả. Tôi nghe nói nhà Aldaya đã sang Argentina. Tôi viết thư theo địa chỉ mà họ cho tôi. Bức thư sau đó được gửi trả lại tôi, không mở...”
“Đã có chuyện gì xảy ra với Penélope? Bà có biết không?”
Jacinta lắc đầu, trong tình trạng gần như ngã gục. “Tôi không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.”
Bà cụ rên rỉ và bắt đầu khóc lóc không kìm nén được. Fermín ôm bà trong lòng mà vỗ về. Jacinta Coronado đã co rúm lại như một em bé, và bên cạnh bà Fermín trông như một người khổng lồ. Tôi có những câu hỏi đang thiêu đốt trong đầu, nhưng anh bạn tôi ra dấu rằng cuộc thăm hỏi đã kết thúc. Tôi thấy anh đưa quanh căn gác mái bẩn thỉu, lạnh lẽo nơi Jacinta Coronado sống những ngày cuối đời.
“Thôi nào, Daniel. Chúng ta về thôi. Cậu đi trước.”
Tôi làm như được bảo. Trong khi quay đi, tôi ngoảnh lại một thoáng thì thấy Fermín quỳ xuống cạnh bà cụ rồi hôn vào trán bà. Bà cười móm mém với anh ta.
“Xem nào, Jacinta,” tôi nghe Fermín nói. “Bà thích kẹo Sugus, đúng không?”
***
TRÊN CON ĐƯỜNG NGOẰN NGOÈO QUAY TRỞ LẠI LỐI RA, chúng tôi đi qua ông chủ nhà đòn thực thụ và hai trợ tá xanh xao của ông ta đang khiêng một cỗ quan tài gỗ thông rẻ tiền, dây thừng, và một thứ trông có vẻ như là vải liệm tái sử dụng. Toán người đó bốc lên mùi formaldehyde đầy ám khí và mùi nước thơm rẻ tiền. Những con người hốc hác như xác chết kia ngoác ra những nụ cười ghê rợn. Fermín chỉ vào căn phòng nơi xác chết đang đợi rồi cầu phước cho ba người kia, họ gật đầu lễ phép và làm dấu thánh.
“Hãy đi thanh thản,” Fermín lẩm bẩm, kéo tôi về phía cổng, nơi một bà xơ cầm chiếc đèn dầu tiễn chúng tôi bằng vẻ hằn học, buộc tội.
Khi chúng tôi ra khỏi tòa nhà, con đường Moncada lát đá xấu xí và sẩm tối với tôi lại giống như một thung lũng đầy mời gọi và hy vọng. Fermín thở thật sâu, lòng nhẹ nhõm, và tôi biết mình không phải người duy nhất đang hân hoan được bỏ lại chốn ấy sau lưng. Câu chuyện của Jacinta đè nặng lương tâm chúng tôi nhiều hơn chúng tôi muốn thừa nhận.
“Này, Daniel. Cậu nói sao về món bánh khoai tây trộn thịt và vài ly rượu sủi tăm ngay ở Xampanet này, để tẩy đi cái mùi khó chịu trong miệng chúng ta?”
“Nói thẳng là tôi sẽ không từ chối đâu.”
“Cậu không có hẹn với cô bé kia hôm nay à?”
“Ngày mai cơ.”
“A, cậu thật xấu xa... chắc phải vất vả lắm mới đạt được nhỉ? Chúng ta học nha
Chúng tôi đi chưa được mười bước về phía quán rượu ầm ĩ chỉ cách vài căn nhà trên phố kia thì ba dáng người trong bóng đêm hiện ra ngăn chúng tôi lại. Hai người đứng sau tôi, sát đến mức tôi có thể cảm thấy hơi thở của họ trên gáy mình. Người thứ ba, nhỏ hơn nhưng trông ác hiểm hơn, chặn lối chúng tôi. Hắn ta mặc áo khoác bình thường, và nụ cười nhầy nhụa toát rả vẻ hoan hỉ không kìm nén nổi.
“A, chúng ta được gặp ai đây nhỉ? Nếu không phải tên bạn cũ của ta, kẻ biến hình!” Thanh tra Fumero kêu lên.
Cơ hồ tôi có thể nghe mọi xương cốt của Fermín run lên kinh hãi trước bóng ma đó. Anh bạn ba hoa của tôi chỉ có thể rên lên một tiếng tắc nghẹn. Hai tên côn đồ, mà tôi đoán là mật vụ của Đội Điều tra Tội phạm, nắm lấy ót chúng tôi và giữ cổ tay phải chúng tôi, sẵn sàng vặn tay nếu chúng tôi tỏ ra chống cự.
“Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của mày, tao biết mày tưởng đã lẩn trốn được tao từ lâu, đúng không? Chắc chắn mày không nghĩ một cục cứt như mày sẽ bò ra khỏi cống rãnh và leo lên hàng công dân tử tế. Mày có thể ngu ngốc, nhưng không ngu ngốc đến vậy. Ngoài ra, tao nghe nói mày đang nhúng mũi – cái mũi to tổ bố của mày – vào một đống thứ không phải chuyện của mày. Dấu hiệu xấu đấy... Mày đang gạ gẫm bọn họ à? Bọn họ đòi bao nhiêu?”
“Tôi tôn trọng việc của người khác, ông thanh tra, đặc biệt là những người ở tu viện. Có lẽ nếu ông có ý làm điều tương tự thì ông sẽ đỡ được một khoản kha khá tiền thuốc kháng sinh và tiêu hóa cũng dễ dàng hơn đấy”
Fumero hé răng cười tức tối.
“Đúng vậy. Bi sắt[2]. Tao nói vậy đấy. Nếu mọi tên khốn đều giống mày thì công việc của tao sẽ như một bữa tiệc. Mày nói xem, bây giờ tên mày là gì nhỉ, thằng khốn kiếp? Gary Cooper à? Thôi nào, mày đang làm chuyện gì, đang nhúng cái mũi thô lỗ của mày vào Nhà tế bần Santa Lucía làm gì, rồi tao sẽ để mày đi với một lời cảnh báo. Có khai ra không? Bọn mày đến đây làm gì?”
[2. Được lắm, can đảm lắm.]
“Chuyện riêng. Chúng tôi đến thăm người thân.
“Hẳn rồi, con mẹ nhà mày. Mày gặp tao đúng vào ngày mát trời, chứ không thì tao đưa mày về trụ sở rồi cho mày một trận đốt que hàn nữa. Mày nên tỏ ra ngoan ngoãn và thành khẩn khai báo với ông bạn Thanh tra Fumero là mày và bạn mày làm cái chó gì ở đây. Khốn kiếp nhà mày, hãy tỏ ra hợp tác, để tao khỏi đụng đến thằng lỏi con mà mày chọn làm người đỡ đầu này.”
“Ông mà động đến một sợi tóc của cậu ấy, tôi thề sẽ...”
“Mày làm tao sợ quá. Tao vừa vãi cả cứt ra quần rồi đấy.”
Fermín nuốt ực, như thể lấy hết mọi can đảm đang rò rỉ ra khỏi người anh ta. “Chắc đấy không phải là cái quần thủy thủ mà bà mẹ đáng kính của ông, Bà Hầu bếp Rạng rỡ, bắt ông mặc chứ? Thật là xấu hổ; tôi nghe bảo hợp với ông lắm.”
Mặt thanh tra Fumero tái đi, và mọi xúc cảm liền biến khỏi mắt hắn ta. “Mày vừa nói gì, thằng chó chết?”
“Tôi bảo có vẻ như ông thừa hưởng gu thẩm mỹ và vẻ quyến rũ của Doña Yvonne Sotoceballos, một bà danh giá...”
Fermín không phải người nặng ký, nên cú đấm đầu tiên đủ để khiến anh bật tung lên và rơi nhào xuống một vũng nước. Anh nằm co quắp như quả bóng khi Fumero đá túi bụi vào bụng, vào lưng, vào mặt. Tôi không đếm nổi nữa sau cú đá thứ năm. Fermín như mất đi hơi thở, và sau đó mất cả khả năng phòng vệ trước những đòn đánh. Hai gã cảnh sát ghìm tôi lại bằng những bàn tay sắt và cười rồ lên đầy mẫn cán.
“Đừng can vào,” một tên nói với tôi. “Tao không muốn bẻ tay mày.”
Tôi cố xoay sở trong vô vọng hòng thoát khỏi vòng kìm kẹp, và trong khi vùng vẫy, tôi nhìn thấy hắn. Tôi nhận ra ngay khuôn mặt hắn. Hắn là người mặc áo khoác, cùng với tờ báo, kẻ đã ở trong quán bar tại Quảng trường Sarria vài ngày trước, cũng chính là kẻ đã đi theo chúng tôi trên chuyến xe buýt và cười hùa theo trò đùa của Fermín.
“Này, điều làm tao cực ghét là có hạng người chuyên đi bới móc quá khứ!” Fumero hét lên. “Chuyện trong quá khứ phải được để yên, mày hiểu không? Điều đó cũng đúng với mày và thằng bạn đần độn của mày. Hãy nhìn mà học tập, nhóc con. Tiếp theo sẽ là mày đấy.”
Suốt thời gian chứng kiến Thanh tra Fumero tấn công Fermín với những cú đá dưới ánh sáng xiên xiên của đèn đường, tôi không sao thốt được một lời. Tôi vẫn nhớ những cú đấm đá khủng khiếp, lien hồi kỳ trận như mưa tàn nhẫn trút xuống anh bạn của tôi. Chúng vẫn còn khiến tôi đau nhói. Điều duy nhất tôi làm là nấp trong ghì tay dễ chịu của hai tên cảnh sát, run rẩy và lặng lẽ tuôn ra những giọt nước mắt của kẻ hèn nhát.
Khi Fumero đã phát mệt vì đá vào thân người bất động kia, hắn cởi áo khoác ra, rồi mở khóa quần và đái lên người Fermín. Anh bạn tôi vẫn không động đậy; trông anh như một đống vải cũ dưới vũng nước. Khi Fumero phun xối xả lên người Fermín, tôi vẫn câm lặng. Khi xong việc, tay thanh tra kéo khóa quần lại rồi bước về phía tôi, mặt nhễ nhãi mồ hôi, thở hổn hển. Một tên cảnh sát đưa cho hắn khăn tay, hắn chùi lên mặt và cổ. Hắn tiến sát hơn, cho đến khi mặt hắn chỉ cách mặt tôi vài xăng ti mét, rồi cứ chằm chằm nhìn.
“Mày không đáng để đánh, nhóc con. Đấy là chuyện của thằng bạn mày. Hắn luôn đi sai đường. Lần sau, tao sẽ dần cho hắn một trận nặng nề nhất trong đời, và lần đó tao chắc chắn là lỗi của mày.”
Tôi nghĩ hắn sắp sửa đánh tôi, rằng bây giờ đến phiên tôi. Vì lý do nào đấy mà tôi thấy vui. Tôi muốn tin rằng nhũng cú đánh của hắn sẽ cứu tôi khỏi nỗi xấu hổ vì không giơ lên dù chỉ một ngón tay để giúp Fermín, khi điều duy nhất anh ấy cố gắng làm, như mọi lần, là bảo vệ tôi.
Nhưng chẳng có cú đấm nào hết. Fumero chỉ vỗ nhẹ vào má tôi.
“Được rồi nhóc. Tao không muốn bẩn tay với kẻ hèn nhát.”
Hai tên cảnh sát tặc lưỡi, thoải mái hơn vì bọn chúng biết màn diễn đã kết thúc. Rõ ràng là chúng muốn rời khỏi hiện trường. Chúng bỏ đi, vào bóng tối, cười cợt.
Lúc tôi đến giúp, Fermín đang vô vọng cố ngồi dậy tìm chiếc răng bị rơi trong vũng nước bẩn. Miệng, mũi, tai và mi mắt anh ràn rụa máu. Thấy tôi không việc gì, anh cố mỉm cười và tôi nghĩ anh sẽ chết ngay tại chỗ. Tôi quỳ xuống bên cạnh đỡ anh đứng dậy. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là anh còn nhẹ hơn cả Bea.
“Fermín, vì Chúa, phải đưa anh đến bệnh viện ngay.”
Anh lắc đầu nguầy nguậy. “Đưa tôi đến chỗ cô ấy.”
“Đến ai, Fermín?”
“Đến Bernarda. Nếu tôi sắp chết, tôi muốn ra đi trong vòng tay cô ấy.”
“Anh nghe rồi đấy.”
“Ý cậu đấy là chuyện đùa, tôi hy vọng vậy.”
“Tôi không đi lừa một ông già sắp chết, cho dù ông ta có vẻ tươi sống thế nào.”
“Ừ thì công nhận về cái đó cậu giỏi, Daniel, nhưng cậu nghĩ làm thế nào để nhón một ả điếm vào được chốn linh thiêng này hả?”
“Trả tiền gấp ba, tôi nghĩ vậy. Còn chi tiết ra sao tôi trông cả vào anh.”
Fermín nhún vai cam chịu. “Ờ, dù thế nào thì thỏa thuận cũng là thỏa thuận. Chúng ta sẽ tìm ra cách nào đó. Nhưng nhớ lần sau có dàn xếp những việc như thế này, hãy để tôi đứng ra nói chuyện.”
“Đồng ý.”
Đúng như ông già láu cá đã chỉ, chúng tôi tìm thấy Jacinta Coronado trong một cái gác xép mà lối lên duy nhất là từ một cầu thang tầng ba. Theo ông già kia, căn gác này là nơi trú ngụ cho số bệnh nhân ít ỏi mà định mệnh hãy còn chưa rủ lòng thương lấy đi nhận thức. Rõ ràng, chốn ẩn kín này, trong thời vinh quang của nó, là phòng ở của Baltasar Deulofeu, còn gọi là Laszlo de Vicherny, từ đấy hắn ta điều hành các hoạt động của Tenebrarium và tu dưỡng món nghệ thuật ái ân mới du nhập từ phương Đông, giữa những làn hơi và hương dầu thơm ngát. Và hiện giờ ở đây cũng không hề thiếu mùi, tuy rằng mang một bản chất khác. Một người phụ nữ chỉ có thể là Jacinta Coronado héo hon trên chiếc ghế liễu gai, quấn mình trong chăn.
“Bà Coronado? tôi hỏi, cao giọng, nhỡ đâu bà cụ tội nghiệp bị điếc, dở người, hoặc cả hai.
Bà già thận trọng nhìn chúng tôi, đôi chút dè dặt. Đôi mắt bà đã lòa, trên trán lơ thơ vài nhúm tóc bạc. Tôi nhận thấy bà nhìn tôi bối rối, ngỡ như trước đây bà đã gặp tôi nhưng không thể nhớ ở đâu. Tôi e sợ Fermín sẽ xông vào giới thiệu tôi là con trai của Carax hoặc một lời nói dối nào đại loại như vậy, nhưng anh ta chỉ quỳ xuống cạnh bà cụ đoạn nắm lấy bàn tay run rẩy, nhăn nhúm của bà.
“Jacinta, tôi là Fermín, và anh chàng điển trai này là Daniel, bạn tôi. Cha Fernando Ramos phái chúng tôi đến đây. Hôm nay ông ấy không thể đến được bởi vì ông ấy có cả tá lễ mixa phải giảng – bà biết lịch các ngày thánh thế nào mà – ông ấy gửi lời thăm hỏi bà đấy. Bà cảm thấy thế nào rồi?”
Bà cụ cười dịu dàng với Fermín. Anh bạn tôi vuốt nhẹ lên mặt, lên trán bà cụ. Bà đón nhận sự đụng chạm với da người khác như một con mèo đang kêu rừ rừ thích thú. Tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại.
“Câu hỏi thật ngu ngốc, có phải vậy không?” Fermin nói tiếp. “Điều bà muốn là được ra khỏi đây, để nhảy điệu fox-trot. Trông bà như một vũ công ấy; hẳn ai cũng nói với bà như vậy.”
Tôi chưa bao giờ thấy anh ta đối xử với ai tinh tế như vậy, cho dù là với Bernarda. Lời của anh ta đơn thuần là nịnh ngọt, nhưng giọng điệu và biểu hiện trên mặt anh ta quả thật chân thành.
“Anh nói những điều thật đẹp đẽ,” bà thì thầm, giọng ngắt quãng vì lâu rồi không có ai để nói chuyện hoặc không có gì để nói.
“Không đẹp đẽ bằng một nửa bà đâu, Jacinta ạ. Chúng tôi có thể hỏi bà một vài câu không? Như những cuộc thi trên đài phát thanh ấy?”
Bà cụ chỉ chớp mắt thay cho câu trả lời.
“Tôi hiểu như vậy nghĩa là đồng ý. Bà có nhớ Penélope không, Jacinta? Penélope Aldaya ấy? Chúng tôi muốn hỏi bà về cô ấy.”
Mắt Jacinta bỗng sáng rực lên và bà gật đầu.
“Ôi cô gái của tôi,” bà lẩm nhẩm, cơ hước mắt sắp tuôn trào.
“Đúng cô ấy đấy. Bà còn nhớ, đúng không? Chúng tôi là bạn của Julián. Julián Carax, người hay kể những câu chuyện nghe rất sợ. Bà cũng nhớ đúng không?”
Đôi mắt bà cụ bừng lên, như thể những lời đó và những đụng chạm trên da đã mang sự sống quay lại với bà chỉ trong phút chốc.
“Cha Fernando ở trường San Gabriel nói bà yêu mến Penélope. Ông ấy cũng rất yêu mến bà, ngày nào cũng nghĩ đến bà. Nếu ông ấy không đến thăm được thường xuyên, đó là vì lão giám mục mới, một kẻ chỉ quan tâm đến chuyện trèo cao, đã giao cho ông ấy chủ trì lễ mixa nhiều đến mức ông ấy khản cả giọng.”
“Cháu có chắc là đã ăn no chưa?” bà cụ bỗng hỏi, mặt tỏ vẻ lo lắng.
“Cháu ăn như ngựa ấy, Jacinta ạ. Rắc rối ở chỗ cháu có một hệ tiêu hóa rất là khủng, và cháu tiêu hết rồi. Bà tin cháu đi, dưới lớp quần áo này chỉ toàn là cơ bắp thôi. Bà sờ đi, sờ đi này. Giống như Charles Atlas[1] vậy, chỉ khác là nhiều lông hơn thôi.”
[1. Người đã phát triển phương pháp luyện tập thể hình.]
Jacinta gật đầu và yên tâm. Bà không thể rời mắt khỏi Fermín. Bà đã hoàn toàn quên mất tôi.
“Bà kể gì về Penélope và Julián đi?”
“Tất cả bọn họ, họ đã cướp đi cô ấy của tôi,” bà nói. “Cô gái của tôi.”
Tôi tiến lên một bước và định nói gì đó, nhưng Fermín ném cho tôi cái nhìn ngầm bảo tôi dừng lại.
“Ai đã mang Penélope đi, Jacinta? Bà có nhớ không?”
“Ngài ấy,” bà nói, ngước mắt lên sợ hãi, như thể bà nghĩ sẽ có ai nghe thấy.
Fermín dường như đang đánh giá sự căng thẳng trong cử chỉ của bà cụ và theo ánh mắt bà ngước nhìn lên trần, dò xét những khả năng.
“Có phải bà đang nói đến Chúa Quyền năng không, là Chúa Trời, hay là bà đang nói đến ông chủ, cha của cô Penélope, Don Ricardo?”
“Fernando thế nào?” bà hỏi.
“Cha đạo ư? Thật sáng ngời. Ngày nào đó ông ấy sẽ lên chức giáo hoàng và sẽ đưa bà vào Nhà nguyện Sistine. Ông ấy gửi bà lời chúc tốt lành nhất.”
“Ông ấy là người duy nhất đến thăm ta. Ông ấy đến vì ông ấy biết ta không còn ai khác thân quen.”
Fermín liếc nhìn tôi, như thể anh ta đang nghĩ điều mà tôi đang nghĩ. Jacinta Coronado tỉnh táo hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của bà. Cơ thể của bà đang tàn lụi đi, nhưng lý trí và tâm hồn bà vẫn còn sáng chói nỗi đau khổ ở chốn tồi tàn ấy. Tôi tự hỏi còn mắc kẹt ở đây bao nhiêu người như bà ấy, hoặc như ông già nhỏ thó và minh mẫn kia, người đã chỉ cho chúng tôi nơi ở của bà.
“Ông ấy đến bởi vì ông ấy quý mến bà, Jacinta ạ. Vì ông ấy nhớ rõ bà đã chăm sóc ông ấy, và bà đã mang đồ ăn cho ông ấy khi ông còn nhỏ. Ông ấy đã kể chúng tôi nghe tất cả. Bà còn nhớ không, Jacinta? Bà còn nhớ những ngày đó không, khi bà đến trường học để đón Jorge, bà còn nhớ Fernando và Julián không?”
“Julián ư...”
Cái tên ấy bà chỉ thì thầm, nhưng nụ cười đã làm bộc lộ điều bà cố không bộc lộ.
“Bà còn nhớ Julián Carax không, Jacinta?”
“Ta vẫn nhớ cái ngày Penélope bảo với ta cô bé sẽ lấy cậu ấy...”
Fermín và tôi nhìn nhau kinh ngạc.
“Lấy ư? Lúc nào vậy, Jacinta?”
“Ngày cô bé gặp cậu ấy lần đầu tiên. Lúc ấy cô bé mới mười ba tuổi, và không biết cậu bé là ai hay tên gì.”
“Vậy làm sao cô ấy biết sẽ lấy cậu ấy?”
“Vì cô ấy đã gặp cậu ấy. Trong giấc mơ.”
***
Lúc còn nhỏ, María Jacinta Coronado tin rằng thế giới chỉ kéo dài đến ngoại ô Toledo và xa hơn ngoài thị trấn là bóng đen và biển lửa, chẳng còn gì khác. Ý nghĩ ấy đến với Jacinta từ một giấc mơ năm bà mới bốn tuổi và bà bị một cơn sốt suýt nữa đã giết chết bà. Giấc mơ này là giấc mơ đầu tiên trong một loạt giấc mơ, tất cả đều bắt đầu bằng một trận sốt bí ẩn, mà có người đổ cho vết đốt của một con bọ cạp lớn màu đỏ xuất hiện trong nhà chỉ một ngày và không bao giờ thấy nữa, còn những người khác lại vấy cho những hình vẽ ác của một bà sơ bị điên đêm đêm lẻn vào nhà thiên hạ để đầu độc trẻ nhỏ, nhiều năm sau này bà ta bị thắt cổ lúc đang hát Bài cầu nguyện Chung, mắt lồi ra khỏi hốc, trong khi một đám mây đỏ bao phủ khắp thị trấn và phóng xuống một cơn bão toàn những con gián chết. Trong giấc mơ của mình, Jacinta nhìn thấy được quá khứ và tương lai, và đôi khi điều nhìn thấy đã hé lộ cho bà những bí mật và huyền hoặc ở những con phố cổ của Toledo. Một trong những nhân vật bà thường xuyên gặp trong giấc mơ là một người tên Zacarías, một thiên thần luôn vận đồ đen cùng con mèo đen có cặp mắt vàng và thở ra mùi lưu huỳnh. Zacarías biết mọi thứ: anh ta đoán được ngày giờ chết của bác Benancio của bà – người bán dạo thuốc mỡ và nước thánh. Anh ta tiết lộ nơi mẹ bà, một con chiên mộ đạo, giấu một tập thư của một chàng sinh viên y khoa đầy nhiệt huyết tuy nghèo song lại rất hiểu biết về giải phẫu cơ thể, trong phòng ngủ của anh ta trên ngõ nhỏ ở Santa María bà mẹ từ khi còn nhỏ đã khám phá cánh cửa lên thiên đường. Zacarías báo cho Jacinta rằng trong bụng bà có tà độc, một linh hồn chết mong muốn bà ốm yếu, và bà sẽ biết đến tình yêu của chỉ một người đàn ông duy nhất: một tình yêu suông hão và ích kỷ sẽ khiến tâm hồn bà vỡ đôi. Anh ta dự đoán cả cuộc đời bà sẽ chứng kiến cái chết của những người bà yêu thương nhất, và trước khi được lên thiên đường, bà sẽ phải xuống địa ngục. Vào ngày bà có kỳ kinh đầu tiên, Zacarías và con mèo mùi lưu huỳnh của anh ta biến mất khỏi giấc mơ của bà, nhưng nhiều năm sau Jacinta vẫn nhớ, với ánh mắt rưng rưng, về những chuyến viếng thăm của thiên thần áo đen, bởi vì tất cả những tiên đoán của anh ta đã trở thành sự thật.
Nên khi các bác sĩ chẩn đoán bà sẽ không bao giờ có thể có con, Jacinta cũng không lấy làm ngạc nhiên. Bà cũng không ngạc nhiên, dẫu bà gần như đã chết đi vì đau khổ, khi người chồng đã ba năm chung sống tuyên bố sẽ bỏ bà vì bà giống như một mảnh đất cằn cỗi không thể cho cây trái, vì bà không phải là đàn bà. Khi Zacarías (người mà bà cho là giả của thiên đường, vì dù anh có mặc đồ đen hay không thì anh vẫn là một thiên thần tỏa sáng và là người đàn ông đẹp trai nhất bà từng gặp trong mơ) không xuất hiện nữa, Jacinta đã trốn trong ngóc ngách mà tự mình cầu Chúa, không nhìn thấy Người hay trông đợi Người đáp lại, vì thế giới này có quá nhiều nỗi đọa đày cho nên những truân chuyên của bà, xét cho cùng, chỉ là vặt vãnh mà thôi. Những cuộc độc thoại của bà với Chúa chỉ về một chủ đề duy nhất: bà chỉ muốn một điều trong đời, là được làm mẹ, được làm phụ nữ.
Một ngày kia, khi đang cầu nguyện trong nhà thờ, một người đàn ông, mà bà nhận ra là Zacarías, đã đến gần bà. Anh ăn mặc như mọi khi, và ôm con mèo ác hiểm trong lòng. Anh không hề già đi dù chỉ một chút và vẫn để bộ móng tay tráng lệ, như móng tay của một nữ công tước, dài và nhọn. Thiên thần thừa nhận anh có mặt ở đó là vì Chúa không định trả lời những nguyện cầu của bà. Nhưng anh bảo bà không nên lo lắng, vì bằng cách nào đấy anh sẽ gửi đến bà một đứa trẻ. Anh cúi người xuống thì thầm “Tibidabo,” rồi hôn rất khẽ lên môi bà. Lúc chạm vào đôi môi mềm mại và ngọt ngào đó, Jacinta có một ảo ảnh: bà sẽ có một đứa con gái mà không cần biết đến đàn ông nữa (mà xét từ ba năm chung chăn gối với chồng, kẻ cứ nhất quyết đòi quan hệ trong khi lấy gối bịt mặt bà và lầm bầm chửi “Mày không được nhìn, đồ con điếm” thì điều này chẳng khác nào trút đi được gánh nặng). Đứa con gái này sẽ đến với bà từ một thành phố rất xa xôi, ở giữa những rặng núi và biển ánh sáng, một thành phố đầy những tòa nhà và chỉ có thể tồn tại trong mơ. Sau này, Jacinta không thể biết chuyến viếng thăm của Zacarías có phải là một giấc mơ khác của bà hay vị thiên thần kia thực sự đã đến với bà ở nhà thờ Toledo, cùng với con mèo và những móng tay sơn màu đỏ thắm. Điều mà không một giây phút bà nghi ngờ, ấy là sự chân thực của những tiên đoán kia. Ngay chiều hôm đó, bà đã hỏi người trợ tế giáo khu, một người đọc rộng hiểu nhiều và đã nhìn thấy thế giới (người ta nói ông đã đến tận Andorra và biết một chút tiếng Basque). Viên trợ tế tuyên bố ông không hề biết thiên thần nào là Zacarías trong số đoàn người có cánh trên thiên đường, tuy nhiên ông chăm chú lắng nghe Jacinta kể lại ảo ảnh của mình. Sau nhiều suy xét, và xem qua mô tả một số dạng nhà thờ mà, nói theo lời của nhà thấu nhãn ấy, nghe giống như một chiếc lược lớn làm từ sô cô la tan chảy, con người thông thái ấy nói, “Jacinta, thứ mà con đã thấy là Barcelona, người đàn bà quyến rũ vĩ đại, và nhà thờ Sagrada Familia...” Hai tuần sau, Jacinta khăn gói lên đường đến Barcelona, với một túi nhỏ quần áo, một cuốn kinh, và nụ cười đầu tiên trong suốt năm năm, tin rằng mọi điều mà thiên thần đã nói với bà sẽ trở thành sự thật.
Nhiều tháng gian nan trôi qua, rồi Jacinta cũng tìm được công việc ổn định trong một cửa hàng của Công ty Aldaya và Con trai, gần khu lều rạp của riển lãm Quốc tế 1888 cũ trong Công viên Ctudadelo. Barcelona trong giấc mơ của bà đã đổi thay thành một thành phố hiểm ác, thù nghịch, đầy những tòa nhà khép kín, đầy những nhà máy phả ra những đám khói dày muội than và lưu huỳnh đầu độc bầu không khí. Ngay từ đầu Jacinta biết thành phố này là một người đàn bà tàn nhẫn và phù phiếm; bà dần thấy sợ nó và không dám nhìn thẳng vào nó. Bà sống một mình trong căn nhà trọ ở khu phố Ribera, nơi mà lương của bà chỉ vừa đủ trả tiền thuê một căn phòng tồi tàn không cửa sổ, nguồn ánh sáng duy nhất là từ những ngọc nến bà lấy cắp của nhà thờ. Bà thắp sáng chúng cả ngày lẫn đêm để xua đi lũ chuột đã gặm tai và các ngón tay của một đứa bé sáu tháng tuổi, con của Ramoneta – một cô điếm thuê phòng bên cạnh và là người bạn duy nhất Jacinta làm quen được trong mười một tháng ở Barcelona. Mùa đông năm ấy trời mưa suốt, và mưa đen đục vì tro bụi. Rồi nhanh chóng Jacinta bắt đầu e sợ rằng Zacarías đã lừa dối bà, rằng mình đã đến thành phố kinh hoàng đó để chết trong lạnh lẽo, trong đau khổ và lãng quên.
Jacinta sẵn sàng để sinh tồn. Bà đến cửa hàng mỗi ngày trước lúc bình minh và không về cho đến khi màn đêm đã buông xuống. Ở đó Don Ricardo tình cờ bắt gặp bà đang chăm sóc đứa con gái của một người đốc công, người này đã ngã bệnh lao. Khi ông nhận thấy sự tận tụy và dịu dàng toát ra từ cô gái trẻ, ông quyết định mang bà về nhà để chăm sóc vợ ông, người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng của ông. Thế là lời cầu nguyện của Jacinta đã được đền đáp. Tối hôm ấy, Jacinta lại gặp Zacarías trong giấc mơ. Thiên thần không mặc đồ đen nữa. Anh ở trần, làn da anh đóng vảy. Anh không còn mang theo con mèo, nhưng một con rắn trắng quấn quanh thân trên anh. Tóc anh mọc xuống tận hông, và nụ cười, nụ cười ngọt ngào bà đã hôn ở Nhà thờ Toledo, giờ hé ra một hàm răng sắc nhọn, như hàm răng bà nhìn thấy ở một số loài cá biển quẫy đuôi ngoài chợ cá. Nhiều năm sau, bà sẽ kể lại ảo ảnh đó cho chàng thanh niên mười tám tuổi Julián Carax khi nhớ lại cái ngày bà rời căn nhà trọ ở khu phố Ribera và chuyển đến nhà ông Aldaya, bà nghe kể rằng bạn của bà, Ramoneta, đã bị đâm đến chết ở ngay trước cửa vào đêm hôm trước và con của Ramoneta đã bị chết vì lạnh trong vòng tay người mẹ. Khi hay tin, khách trọ đã đến phỉ nhổ, chửi bới và cào nát mớ đồ đạc thảm hại của người đàn bà đã chết. Thứ duy nhất họ để lại là cái kho báu lớn nhất của Ramoneta: một cuốn sách. Jacinta nhận ra nó, vì đêm đêm Ramoneta thường đòi bà đọc cho cô ta một vài trang. Cô ta chưa bao giờ biết đọc.
Bốn tháng sau, Jorge Aldaya chào đời, và dầu Jacinta đã thể hiện hết tình yêu mà bà mẹ đẻ không bao giờ biết cách bày tỏ với cậu bé, hoặc không bao giờ muốn thể hiện – vì bà là một mệnh phụ thanh cao, Jacinta nghĩ, bà dường như luôn bị mắc kẹt vào chính hình ảnh của mình trong gương – người bảo mẫu vẫn nhận ra đây không phải là đứa con Zacarías đ với mình. Trong những năm ấy, Jacinta đã từ bỏ tuổi thanh xuân và trở thành một phụ nữ khác. Con người Jacinta kia đã bị bỏ lại ngôi nhà trọ ở khu phố Ribera, đã chết như Ramoneta. Giờ bà sống trong cái bóng xa hoa của nhà Aldaya, cách xa cái thành phố tăm tối mà bà đã trở nên rất căm thù và không bao giờ mạo hiểm bước vào, kể cả vào ngày nghỉ hằng tháng cũng không. Bà học được cách sống thông qua những người khác, qua một gia đình ngồi trên một đống tài sản lớn đến mức chắc chắn bà không thể mường tượng nổi. Bà sống trong sự mong đợi đứa con kia, nó sẽ là một đứa con gái, giống như thành phố này, và bà sẽ dành hết tình yêu mà Chúa đã dùng để đầu độc linh hồn bà. Đôi khi Jacinta tự hỏi liệu cái sự yên bình mơ hồ ấy xâm chiếm bà từng ngày ấy, liệu cái sự thiếu tỉnh thức ấy có phải là điều người ta gọi là hạnh phúc không, và bà muốn tin rằng Chúa, trong yên lặng vô hạn của Người, đã trả lời những cầu nguyện của bà theo cách của Người.
Penélope Aldaya sinh vào mùa xuân năm 1902. Lúc ấy Don Ricardo Aldaya đã mua ngôi nhà ở Đại lộ Tibidabo, dinh thự nguy nga mà những người hầu làm cùng Jacinta tin rằng đang chịu một lời nguyền ghê gớm, nhưng Jacinta không sợ, vì bà biết điều người khác cho là bí ẩn lại không gì khác hơn một linh hồn mà chỉ bà mới có thể thấy được trong giấc mơ: cái bóng của Zacarías, người không còn giống như người đàn ông bà vẫn nhớ và giờ đây chỉ hiện hình là một con sói đi bằng hai chân.
Penélope là một đứa trẻ mong manh, gầy gò và yếu đuối. Jacinta đã chứng kiến cô bé lớn lên như bông hoa trước gió đông. Trong nhiều năm, bà chăm nom cô bé hằng đêm, tự tay chuẩn bị mỗi bữa ăn, tự tay may đồ cho cô bé, ở bên cạnh mỗi khi cô ốm đau, bệnh tật, khi cô bé cất tiếng nói đầu tiên, khi cô bé trở thành phụ nữ. Bà Aldaya là một nhân vật nữa trong khung cảnh ấy, một nhân vật phụ xuất hiện và rời khỏi sân khấu theo mệnh lệnh của phép tắc. Trước khi đi ngủ, bà ta đến chúc con gái mình ngủ ngon và nói rằng bà yêu cô bé hơn hết thảy trên đời này, rằng đối với bà cô bé là điều quan trọng nhất trên thế giới này. Jacinta không bao giờ nói với Penélope rằng bà yêu cô bé. Người bảo mẫu biết rằng, những người yêu thực sự, yêu trong lặng lẽ, họ yêu bằng hành động chứ không bằng lời nói. Jacinta âm thầm khinh thường bà Aldaya, cái sinh vật rỗng tuếch, phù phiếm ấy, cái con người đang già đi trong những hành lang của tòa nhà, bị kéo khom xuống bởi những thứ trang sức mà chồng bà ta – người nhiều năm nay đã hạ neo ở một bến khác – đã dùng để khiến bà ta câm lặng. Bà căm ghét bà ta bởi vì, trong tất cả phụ nữ, Chúa đã chọn bà ta để sinh ra Penélope, trong khi tử cung của bà, tử cung của người mẹ đích thực, lại vẫn cằn cỗi. Theo thời gian, như thể những lời nói của chồng bà có tính tiên tri, Jacinta thậm chí còn mất đi hình dáng đàn bà. Dáng vẻ bà ngày càng gầy gò khắc khổ, bà mang vẻ mệt mỏi trên làn da và trong tận xương cốt. Ngựcà phẳng phiu dần cho đến khi chỉ còn là một nhúm da, hông bà giống như hông của một cậu bé, còn da thịt bà, khô cứng và xù xì, thậm chí không thu hút nổi ánh mắt của ông Ricardo Aldaya, người chỉ cần cảm nhận thấy dấu hiệu của sự sống thôi là cũng đã phát cuồng lên – như mọi cô hầu trong nhà và trong nhà đám bạn thân ông ta biết rất rõ. Như thế này tốt hơn, Jacinta nghĩ. Bà không có thì giờ cho những chuyện không đâu.
Tất cả thời gian của bà được dành cho Penélope. Bà đọc cho cô bé nghe, đi cùng cô đến mọi nơi, tắm cho cô, mặc đồ cho cô, cởi đồ cho cô, chải tóc cho cô, dẫn cô đi dạo, đưa cô đi ngủ và đánh thức cô. Nhưng trên hết, bà nói chuyện với cô. Mọi người coi bà là bảo mẫu gàn dở, một bà cô chẳng còn việc gì khác trên đời ngoài công việc ở nhà Aldaya, nhưng không biết được sự thật: Jacinta không chỉ là mẹ của Penélope, bà còn là bạn thân thiết nhất. Từ lúc cô bé bắt đầu tập nói và biết diễn đạt suy nghĩ, sớm hơn bất kỳ đứa trẻ nào khác Jacinta biết, họ đã chia sẻ với nhau những bí mật và cuộc sống của mình.
Thời gian trôi đi chỉ càng củng cố thêm mối gắn bó của họ. Khi Penélope đến tuổi dậy thì, họ đã là hai người bạn không thể tách rời. Jacinta chứng kiến Penélope nở hoa thành một phụ nữ, mà sắc đẹp và vẻ rực rỡ hiển nhiên không chỉ dưới con mắt bà. Khi cậu bé bí ẩn Julián đến căn nhà đó, Jacinta nhận ra ngay từ đầu một luồng điện giữa cậu và Penélope. Nó được nối với nhau bởi một sợi dây, tương tự như sợi dây đã nối bà với Penélope, nhưng cũng khác. Mạnh mẽ hơn. Nguy hiểm. Lúc đầu bà nghĩ bà sẽ ghét cậu bé, nhưng rồi bà sớm nhận ra mình không ghét bỏ Julián Carax, và không bao giờ có thể. Khi Penélope rơi vào vòng mê hoặc của Julián, bà cũng để mình bị cuốn vào và dần dần chỉ khao khát những gì Penélope khao khát. Không ai nhận ra, không ai thèm để ý đến, nhưng, như chuyện vẫn xảy ra, phần cơ bản nhất của vấn đề đã được sắp đặt trước khi câu chuyện bắt đầu, và lúc này đã quá muộn.
Nhiều tháng trôi qua cùng những ánh mắt đam mê và chờ đợi, cuối cùng Julián Carax và Penélope cũng được ở riêng bên nhau. Cuộc đời của họ được quyết định bởi sự tình cờ. Họ gặp nhau trong hành lang, họ nhìn nhau từ hai đầu bàn, họ lặng thầm phớt chạm qua nhau, họ cảm thấy sự vắng mặt của nhau. Họ trao nhau lời đầu tiên là khi ở trong thự viện tòa nhà trên Đại lộ Tibidabo vào một chiều bão bùng mưa gió, lúc ấy “Villa Penélope” bỗng nhiên ngập tràn ánh nến mờ ảo – chỉ vài giây đánh cắp được từ bóng đêm, Julián nghĩ chàng đã nhìn thấy trong ánh mắt cô gái niềm tin chắc mà cả hai đều cảm thấy như nhau, rằng chính cái bí mật ấy đang tàn phá họ. Dường như không ai nhận ra. Không ai, ngoại trừ Jacinta, người ngày càng lo lắng khi chứng kiến trò chơi liếc nhìn lén lút mà Penélope và Julián đang chơi ngay trước mũi. Bà lo sợ cho họ.
Lúc này, Julián bắt đầu bị những đêm mất ngủ, chàng thức từ đêm đến lúc trời hừng sáng để viết những câu chuyện dành tặng Penélope. Rồi, sau khi đến ngôi nhà ở Đại lộ Tibidabo với bất kỳ lý do cũ rích nào, chàng sẽ tìm ra dịp có thể lẻn vào phòng Jacinta và đưa cho bà những trang giấy, rồi bà sẽ đem cho cô gái. Đôi khi, Jacinta chuyển cho Julián bức thư Penélope đã viết cho chàng, và chàng sẽ đọc đi đọc lại nó suốt nhiều ngày sau. Trò chơi ấy cứ diễn ra ngày này sang tháng khác. Khi thời gian không mang lại cho họ vận may, Julián làm bất cứ điều gì cần thiết để được gần Penélope. Jacinta giúp chàng, để được nhìn Penélope hạnh phúc, để giữ cho ngọn lửa ấy cháy mãi. Về phần mình, Julián cảm nhận rằng sự ngây thơ vô tình lúc ban đầu đang phai nhạt và đã đến lúc cần phải bắt đầu mở hướng khác. Và đấy là lý do chàng bắt đầu nói dối Don Ricardo về dự định tương lai của mình, chàng vờ hứng thú với sự nghiệp trong ngành ngân hàng và tài chính, giả đò cảm mến và gắn bó với Jorge Aldaya dù thực tế không phải vậy, để biện minh cho sự hiện diện thường xuyên của mình ở ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo; chàng bắt đầu nói những điều chàng biết người khác muốn nghe chàng nói, để đọc được những cái nhìn của họ và những hy vọng của họ, bắt đầu gạt sang một bên lòng chân thành và trung thực, bắt đầu cảm thấy chàng đang bán đi từng mảnh linh hồn mình. Chàng bắt đầu sợ rằng nếu chàng có được Penélope thì sẽ không còn lại gì của con người Julián đã gặp nàng lúc ban đầu nữa. Đôi khi Julián tỉnh giấc lúc mờ sáng, giận dữ bùng cháy, mong mỏi được giãi bày cảm xúc thực của chàng cho thế giới này biết, để đối diện với Don Ricardo Aldaya và nói với ông rằng chàng không quan tâm gì đến gia sản của ông, đến cơ hội tương lai của chàng, hay công ty của ông ta; rằng chàng chỉ muốn con gái của ông, Penélope, và đang tính đưa nàng đi xa khỏi cái thế giới trống rỗng, bị phủ kín nơi cha nàng đã cầm tù nàng. Ánh sáng ban ngày đã xua đi can đảm của chàng.
Có nhiều lần Julián mở lòng với Jacinta, người bắt đầu yêu mến chàng trai hơn bà từng muốn. Bà thường để Penélope một mình, lấy lý do phải đi đón Jorge ở trường, để đi gặp Julián và chuyển cho chàng thông điệp của Penélope. Vậy nên bà mới gặp Fernando, người nhiều năm sau này vẫn là người bạn duy nhất còn lại trong khi bà chờ chết ở chốn Santa Lucía địa ngục – cái địa ngục đã được thiên thần Zacarías dự báo trước. Đôi khi người bảo mẫu khôn khéo mang Penélope đến trường và tìm cách cho đôi trẻ được gặp nhau dù ngắn ngủi, và ngắm nhìn một tình yêu đang lớn dần lên giữa họ, một thứ tình yêu mà bà chưa bao giờ được biết đến, một tình yêu mà bà luôn luôn bị chối bỏ. Cũng vào lúc này, Jacinta nhận ra bóng đen và sự hiện diện đầy phiền nhiễu của thằng bé ít lời mà mọi người gọi là Francisco Javier, con trai ông bảo vệ trường San Gabriel. Bà bắt gặp nó rình mò họ, nó đứng từ xa đọc những cử chỉ của họ và ngốn ngấu Penélope bằng đôi mắt.
Jacinta vẫn giữ một bức ảnh của Julián và Penélope được chụp bởi Recasens, thợ chụp chân dung chính cho gia đình Aldaya, bức ảnh bên cạnh cửa hàng mũ trên phố Ronda de San Antonio. Một tấm ảnh bình thường vô hại, chụp vào giữa trưa, trước sự có mắt của Don Ricardo và Sophie Carax. Jacinta luôn mang theo nó bên mình. Một ngày nọ, trong khi chờ Jorge ở ngoài trường, người bảo mẫu lơ đễnh bỏ quên túi xách cạnh đài phun nước, và khi quay lại để lấy túi, bà thấy Fumero đang lảng vảng gần khu vực ấy, nó nhìn bà đầy lo lắng. Đêm hôm ấy, bà tìm bức ảnh nhưng không thấy đâu, và tin chắc đứa bé kia đã đánh cắp. Một dịp khác, vài tuần sau đó, Francisco Javier Fumero đến chỗ Jacinta hỏi xem bà có thể giúp nó chuyển cho Penélope một món đồ được không. Khi Jacinta hỏi đồ vật đó là gì, nó lôi ra mảnh vải bọc một thứ trông như hình khắc gỗ thông. Jacinta nhận ra hình khắc Penélope và cảm thấy ớn lạnh. Bà chưa kịp nói gì, đứa bé đã bỏ đi. Trên đường về ngôi nhà ở Đại lộ Tibidabo, Jacinta quăng hình khắc đó qua cửa sổ ô tô, như thể đó là một mẩu xác chết bốc mùi. Không dưới một lần, Jacinta thức giấc lúc mờ sáng, người đầm mồ hôi, bị phiền não bởi cơn ác mộng trong đó đứa bé với vẻ mặt khó chịu kia lao mình vào Penélope với sự tàn bạo lạnh lùng và thờ ơ của một loài côn trùng lạ.
Có những chiều, khi Jacinta đến đón Jorge ở trường, và cậu ta ra muộn, bà bảo mẫu sẽ nói chuyện với Julián. Chàng cũng bắt đầu yêu mến người phụ nữ có ngoại hình khắc khổ kia. Rồi không lâu sau, mỗi khi có rắc rối phủ bóng lên cuộc sống của chàng, thì bà và Miquel Moliner luôn là người đầu tiên được biết. Một lần Julián kể cho Jacinta chàng đã thấy mẹ mình và Don Ricardo Aldaya nói chuyện gần khu vực đài phun nước trong khi chờ đám học sinh tan trường. Don Ricardo dường như thích thú với việc ở bên cạnh Sophie, và Julián cảm thấy đôi chút khó chịu, bởi chàng có biết về tiếng tăm Don Juan của ông trùm tư bản kia và thói hám của lạ của ông ta – không phân biệt đẳng cấp hay điều kiện – mà bà vợ thánh thiện của ông dường như miễn dịch. “Ta đã kể với mẹ cháu rằng cháu thích ngôi trường mới như thế nào,” Don Ricardo bảo chàng. Khi chào tạm biệt họ, Don Ricardo nháy mắt với họ và bước đi, cười ngặt nghẽo. Mẹ chàng yên lặng suốt trên đường về nhà, rõ ràng khó chịu vì những lời nhận xét của Don Ricardo Aldaya với bà.
Sophie nghi ngờ về mối quan hệ ngày càng gắn bó của Julián với gia đình Aldaya và cách chàng bỏ bê bạn củ và gia đình mình. Bà không phải là người duy nhất. Trong khi bà mẹ bày tỏ sự phật ý bằng cách buồn rầu và lặng lẽ, thì ông bán mũ thể hiện sự cay nghiệt và ghét bỏ. Sự hứng thú ban đầu của ông về việc mở rộng khách hàng sang giới thượng lưu Barcelona giờ đã tan biến. Giờ ông hiếm khi gặp con trai mình và phải thuê Quimet, một cậu bé trong phố và cũng là bạn của Julián, làm trợ lý và học việc trong cửa hàng. Antoni Fortuny là người chỉ cảm thấy có thể nói chuyện cởi mở về những chiếc mũ. Ông khóa chặt cảm xúc sâu kín trong ngục tù trái tim ông nhiều tháng liền, cho đến khi chúng trở nên cay đắng vô vọng. Ông nóng tính và dễ cáu bẳn hơn bao giờ hết. Nhìn vào đâu ông cũng thấy lỗi lầm – từ những nỗ lực học nghề của Quimet tội nghiệp đến những cố gắng của Sophie muốn làm nhẹ bớt cái sự thật rằng Julián hình như đang bỏ rơi họ.
“Con trai của mụ nghĩ rằng nó là ai đó vì những kẻ giàu có kia đối xử với nó như một con khỉ diễn trò,” ông nói, giọng thất vọng và đầy giận dữ.
Rồi một ngày, sau gần ba năm kể từ hôm Don Ricardo Aldaya lần đầu tiên đến cửa hàng mũ Fortuny và Con trai, ông bán mũ để Quimet trông cửa hàng và bảo đến trưa ông sẽ về. Ông đánh bạo đến tận văn phòng của tập đoàn Aldaya trên phố Gracia yêu cầu được gặp Don Ricardo.
“Tôi được hân hạnh thông báo tên ai đây?” tay thư ký hống hách hỏi.
“Thợ làm mũ của ông ấy.”
Don Ricardo đón tiếp ông, đôi chút ngạc nhiên nhưng khá thiện cảm, nghĩ rằng có lẽ Fortuny mang hóa đơn đòi nợ đến – những ông chủ cửa hàng nhỏ không bao giờ hiểu được nghi thức khi bàn chuyện tiền nong.
“Xem nào, tôi có thể làm gì cho ông, Fortunato, ông bạn già?”
Không thể trì hoãn hơn được nữa, Antoni Fortuny bắt đầu giải thích cho Don Ricardo rằng ông ta đã nhìn nhầm về con trai ông, Julián.
“Con trai tôi, thưa Don Ricardo, không phải là đứa như ngài nghĩ đâu. Ngược lại, nó là một đứa ngu dốt, lười biếng, không có tài năng gì hơn tính ngạo mạn mà mụ vợ tôi đã nhồi nhét vào đầu nó. Rồi nó chẳng làm nên trò trống gì đâu, ngài hãy tin tôi. Nó không có tham vọng và thiếu cá tính. Ngài không hiểu nó đâu. Nó có thể rất thông minh ở việc nói điều ngon ngọt với người lạ, khiến họ tin là nó hiểu biết nhiều, trong khi thực sự nó chẳng biết gì hết. Nó là một đứa tầm thường. Nhưng tôi hiểu rõ nó hơn bất kỳ ai, và tôi nghĩ mình nên cảnh báo ngài.”
Don Ricardo yên lặng lắng nghe bài diễn thuyết, mắt không hề chớp.
“Xong chưa, Fortunato?”
Khi nghe xong, nhà công nghiệp nhấn nút trên bàn. Một lát sau, tay thư ký đã đón Fortuny xuất hiện nơi cửa văn phòng.
“Ông bạn Fortunato đây muốn về, Bacells,” Don Ricardo thông báo. “Tiễn ông ấy ra cửa.”
Giọng lạnh băng của nhà công nghiệp khiến ông làm mũ không vui.
“Nếu không phiền, thưa Don Ricardo: tôi là Fortuny, không phải Fortunato.”
“Sao cũng được. Ông thật tẻ nhạt, Fortuny. Tôi rất biết ơn nếu ông không đến đây nữa.”
Khi Fortuny ra đường, ông cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết, và càng tin rằng mọi người chống lại ông. Chỉ vài ngày sau, những khách hàng khôn ngoan mà cửa hàng có được nhờ mối quan hệ với Aldaya bắt đầu gửi tin báo hủy đơn hàng và thanh toán hóa đơn. Chỉ trong vòng vài tuần, ông phải cho Quimet nghỉ, vì không đủ việc làm cho cả hai người ở cửa hàng. Dù sao cậu bé kia cũng không giúp gì nhiều, ông tự nhủ. Nó tầm thường và lười biếng, như tất cả bọn chúng.
Cũng trong thời gian này, mọi người xung quanh bắt đầu nói rằng ông Fortuny trông già đi, cô đơn hơn, cay đắng hơn rất nhiều. Ông hầu như không nói chuyện với bất kỳ ai nữa, ở lì nhiều giờ trong cửa hàng khóa chặt, không có việc gì làm, nhìn người qua lại ngoài phố, những cảm giác khinh bỉ xen lẫn hy vọng. Sau này mọi người bảo thời trang đã thay đổi, rằng những người trẻ không còn đội mũ nữa, rằng những người đội mũ lại thích đến các cửa hiệu khác, nơi người ta bán những chiếc mũ làm sẵn với nhiều kích cỡ khác nhau, mẫu mã hiện đại, và giá rẻ hơn. Cửa hàng mũ nhà Fortuny và Con trai dần chìm vào trong giấc ngủ u buồn, lặng lẽ.
Tất cả các người đang chờ ta chết, Fortuny tự nhủ. Được, ta sẽ cho các người diễm phúc đó. Thực sự, ông đã bắt đầu chết từ rất lâu rồi.
Julián ngày càng lao mình vào thế giới nhà Aldaya, vào cái tương lai duy nhất chàng có thể biết đến, cái tương lai có Penélope. Gần hai năm trôi qua, trong thời gian đó, hai người lén lút đi cùng nhau trên một sợi dâ bí mật. Bằng cách của mình, Zacarías đã cảnh báo chàng rất lâu rồi. Bóng đen bao bủa quanh Julián, và chúng nhanh chóng siết chặt chàng.
Tín hiệu đầu tiên xuất hiện vào một ngày tháng Tư năm 1928. Jorge Aldaya sắp tròn mười tám tuổi, và Don Ricardo, trong vai trò người trưởng tộc vĩ đại, đã quyết định tổ chức (hay đúng hơn, ra lệnh cho ai đó tổ chức) một bữa tiệc sinh nhật hoành tráng mà con trai ông không muốn và chính ông sẽ vắng mặt: vì lý do có công việc quan trọng, ông sẽ đi gặp một cô gái thơm ngon, vừa mới từ St. Petersburg đến, tại căn phòng lộng lẫy màu xanh của khách sạn Colón. Ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo trở thành chốn huyên náo nhân sự kiện này; hàng trăm đèn lồng, dây móc và lều rạp được dựng lên trong vườn để mua vui cho khách khứa.
Hầu hết các bạn học của Jorge Aldaya ở trường San Gabriel đều được mời. Theo đề nghị của Julián, Jorge cũng mời cả Francisco Javier Fumero. Miquel Moliner cảnh báo họ rằng con trai ông bảo vệ sẽ lạc lõng ở khung cảnh hoa lệ và phô trương kia. Francisco Javier nhận lời mời, nhưng cũng dự cảm y như vậy, nên quyết định từ chối. Khi Doña Yvonne, mẹ hắn, hay tin con trai mình định bỏ một lời mời đến biệt thự tráng lệ nhà Aldaya, mụ như muốn ăn tươi nuốt sống hắn. Lời mời đó có thể là gì khác ngoài cái tín hiệu mụ sẽ nhanh chóng gia nhập giới thượng lưu? Bước tiếp theo chỉ có thể là một lời mời đến uống trà chiều với bà Aldaya và những mệnh phụ danh giá khác. Doña Yvonne dốc hết số tiền tiết kiệm mụ chắt góp được từ khoản lương của ông chồng để đi mua một bộ cánh thủy thủ cho con trai.
Lúc đó Francisco Javier đã mười bảy tuổi, nhưng bộ đồ xanh dương với chiếc quần ngắn, được may để thỏa mãn cái khiếu thẩm mỹ không có lấy một chút tinh tế của Doña Yvonne trông lố bịch làm sao và khiến cậu trai bẽ mặt. Bị bà mẹ ép buộc, Francisco Javier chấp nhận lời mời và dành cả tuần khắc một cái mở thư để làm quà cho Jorge. Vào ngày tiệc, Doña Yvonne nhất quyết đòi đi theo con trai đến cửa nhà Aldaya. Mụ muốn hít ngửi mùi vương giả và tắm mình trong niềm vinh quang được thấy con trai mụ đi qua những cánh cửa mà sớm thôi cũng sẽ mở ra cho mụ. Đến lúc phải khoác bộ cánh thủy thủ lên người, Francisco Javier phát hiện ra nó quá nhỏ so với hắn. Yvonne quyết định sửa đôi chút. Họ đến trễ. Trong lúc ấy, lợi dụng sự huyên náo và sự vắng mặt của Don Ricardo – người chắc chắn đang ăn mừng theo cách của riêng mình – Julián đã lẻn khỏi bữa tiệc. Chàng và Penélope hẹn gặp nhau trong thư viện, nơi họ sẽ không bắt gặp những người dự tiệc khác. Họ quá bận rộn khám phá môi nhau nên không nhận ra có hai người đang đến trước cổng tòa nhà. Francisco Javier, trong bộ đồ thủy thủ lần đầu đi dự tiệc và mặt tím tái vì xấu hổ, cơ hồ đang bị Doña Yvonne kéo đi, nhân dịp này mụ cũng sửa sang lại chiếc mũ rộng vành cùng chiếc váy hợp tông có nếp gấp và thêu hoa; chúng khiến cho mụ trông giống như một thanh kẹo, hay nói như Miquel Moliner, người thấy mụ từ đằng xa, giống một con bò rừng ăn mặc như Madame Récamier. Hai người hầu gác cửa dường như không lấy làm ấn tượng với những vị khách. Doña Yvonne tuyên bố con trai mụ, Don Francisco Javier Fumero de Sotoceballos đang vào dự tiệc. Hai người hầu đáp lại, bằng giọng châm chọc, rằng cái tên đó chẳng gợi lên gì cả. Bực tức, nhưng vẫn giữ điệu bộ đường hoàng, Yvonne bảo con trai đưa giấy mời ra. Khốn thay, khi bộ đồ được sửa, tấm vé mời đã bị bỏ lại trên bàn khâu của Doña Yvonne.
Francisco Javier cố giải thích đầu đuôi, nhưng hắn cứ lắp ba lắp bắp, và tiếng cười của hai người hầu không giúp xóa đi sự hiểu lầm. Hai mẹ con họ bị mời ra khỏi đó. Doña Yvonne bừng bừng nổi giận và tuyên bố rằng hai tên hầu kia không biết bọn chúng đang đối mặt với ai. Hai người hầu đáp lại rằng vị trí lau sàn đã có người nhận rồi.
Từ cửa sổ phòng ngủ của mình Jacinta chứng kiến Francisco Javier toan quay về thì bỗng nhiên dừng lại. Ngay bên trên cảnh tượng mẹ hắn đang tạo ra, đang chửi mắng những kẻ hầu ngu ngốc đến khản cả giọng, hắn đã thấy họ: Julián đang hôn Penélope bên khung cửa sổ lớn của thư viện. Họ đang hôn nhau với niềm say đắm của những người thuộc về nhau, không biết gì thế giới xung quanh.
Ngày hôm sau, trong giờ nghỉ trưa, Francisco Javier bất ngờ xuất hiện. Tin tức về cảnh tượng ngày hôm trước đã lan ra trong đám học sinh: hắn bắt gặp những tiếng cười nhạo và câu hỏi rằng hắn đã làm gì với bộ áo quần thủy thủ chật ních kia. Tiếng cười chấm dứt đột ngột khi đám học sinh thấy hắn mang theo khẩu súng của ông bố. Im phăng phắc, rồi thì nhiều đứa bỏ đi. Chỉ nhóm Aldaya, Moliner, Fernando và Julián quay nhìn chằm hắn, không hiểu chuyện gì. Francisco Javier không hề báo trước: hắn giơ súng lên nhắm. Sau này, các nhân chứng kể lại rằng nét mặt hắn chẳng hề tỏ dấu hiệu giận dữ hay hùng hổ. Francisco Javier thể hiện vẻ lạnh lùng vô thức như khi hắn thực hiện công việc dọn dẹp trong vườn. Viên đạn đầu tiên sượt đầu Julián. Viên thứ hai đáng lẽ đã xuyên qua họng chàng nếu Miquel Moliner không lao vào con trai ông bảo vệ, đấm vào hắn và giật lấy khẩu súng. Julián Carax chứng kiến cảnh tượng trong kinh hoàng và bất động. Mọi người nghĩ phát đạn là nhằm vào Jorge Aldaya để trả thù cho sự bẽ mặt mà Javier đã phải chịu ngày hôm trước. Chỉ sau đó, khi Cảnh sát đưa hắn đi và ông bảo vệ bị tống ra khỏi nhà, Miquel Moliner mới đến chỗ Julián mà bảo, không chút tự hào, rằng anh ta đã cứu mạng chàng.
Đó là năm cuối của Julián và bạn bè ở trường San Gabriel. Hầu hết đều đang nói về những dự định của họ hoặc gia đình sắp xếp cho họ năm tiếp theo. Jorge Aldaya đã biết rằng ông bố sẽ đưa anh ta đi học ở Anh quốc, và Miquel Monliner chấp nhận chuyện anh sẽ vào Đại học Barcelona như lẽ đương nhiên. Fernando Ramos hơn một lần nhắc lại rằng có lẽ anh sẽ vào trường Dòng Tên, một viễn cảnh mà các thầy của anh cho là khôn ngoan nhất đối với hoàn cảnh cụ thể của anh. Còn Francisco Javier Fumero, điều duy nhất người ta biết về hắn, nhờ Don Ricardo Aldaya, người đã đứng ra can thiệp, là hắn đã được đưa vào trường giáo dưỡng ở một thung lũng xa xăm vùng Pyrénées; nơi một mùa đông dài đang đợi hắn. Nhận thấy tất cả bạn bè mình đã có định hướng cho cuộc đời, Julián tự hỏi chàng sẽ trở thành người thế nào. Giấc mộng và tham vọng văn chương dường như xa xôi và khó trở thành hiện thực hơn bao giờ hết. Tất cả những gì chàng trông đợi là được gần Penélope.
Trong khi chàng băn khoăn về tương lai của trai mình, những người khác lại đang lên kế hoạch cho chàng. Don Ricardo Aldaya đã nhắm cho chàng một vị trí trong công ty của ông ta để chàng làm quen với việc kinh doanh. Ông bán mũ, về phần mình, đã quyết định rằng nếu con trai ông không muốn tiếp tục nối nghiệp gia đình, thì ông sẽ quên ngay chuyện để lại di chúc cho chàng. Ông đã bí mật làm các thủ tục để đưa Julián vào quân đội, vài năm sống trong quân ngũ sẽ chữa cho chàng căn bệnh ảo tưởng trở thành người vĩ đại. Julián không biết gì về những kế hoạch như vậy, và đến khi phát hiện ra điều người khác sắp xếp cho mình, thì đã quá muộn. Chỉ có Penélope chiếm lĩnh hết ý nghĩ của chàng, giờ đây sự xa cách giả tạo và những hẹn hò bí mật không còn làm chàng thỏa mãn nữa. Chàng cứ muốn được gặp nàng thường xuyên hơn, mặc cho nguy cơ bại lộ ngày càng lớn. Jacinta làm những gì có thể để bao che họ: bà thường xuyên nói dối và bịa ra ngàn lẻ một mưu kế để họ được đôi ba giây phút bên nhau. Bà hiểu rằng điều này là không đủ cho Penélope va Julián. Người bảo mẫu giờ đây nhận ra trong ánh mắt họ lòng khát khao kiêu căng và thách thức: một nguyện vọng mù quáng muốn bị bại lộ, một hy vọng rằng bí mật của họ sẽ trở thành một vụ tai tiếng để họ không còn phải chui nhủi trong ngóc ngách và gác mái và yêu nhau trong bóng tối nữa. Có đôi lần, khi Jacinta an ủi Penélope lúc đêm về, nàng sẽ đổ lệ thành dòng và thú nhận nàng muốn bỏ trốn cùng Julián, để bắt chuyến tàu sớm và chạy trốn đến một nơi không ai biết họ. Jacinta, vốn vẫn còn nhớ cái loại thế giới như thế nào tồn tại bên ngoài cổng sắt nhà Aldaya, đã rùng mình và cố khuyên can nàng. Penélope vốn bản tính vâng lời, và nỗi sợ hãi nàng thấy trên nét mặt Jacinta là đủ làm nàng chùn bước. Song Julián thì khác.
Trong mùa xuân cuối cùng đó ở San Gabriel, Julián bối rối phát hiện ra Don Ricardo Aldaya và mẹ chàng đôi khi hẹn gặp bí mật. Lúc đầu, chàng sợ rằng nhà công nghiệp hẳn muốn thêm cuộc chinh phục Sophie vào bộ sưu tập của ông ta, nhưng chàng sớm nhận ra rằng những cuộc hẹn đó, tường ở quán cà phê tại trung tâm thành phố và diễn ra bội phần đúng mực, chỉ dừng lại ở chuyện trò. Sophie vẫn không nói gì về những cuộc hẹn này. Khi cuối cùng Julián quyết định đến gặp Don Ricardo mà hỏi ông ta đang có chuyện gì giữa ông ta và mẹ chàng, ông trùm tư bản cười phá lên.
“Không có gì qua được mặt cháu, đúng không Julián? Thật ra ta đã định nói với cháu chuyện này. Mẹ cháu và ta đang bàn về tương lai của cháu. Bà ấy đã đến gặp ta vài tuần trước. Bà ấy lo lắng vì cha cháu muốn đưa cháu vào quân đội năm tới. Mẹ cháu hiển nhiên là muốn điều tốt nhất cho cháu, và bà ấy đến gặp ta để nói chuyện riêng, xem ta có giúp được gì không. Cháu đừng lo; Don Ricardo Aldaya đã hứa rằng cháu sẽ không trở thành pháo thủ đâu. Mẹ cháu và ta đã có một kế hoạch tuyệt vời cho cháu. Hãy tin ta đi.”
Julián muốn tin ông ta, nhưng Don Ricardo tạo ra bất cứ điều gì, ngoại trừ lòng tin. Khi chàng hỏi ý kiến Miquel Moliner, anh đồng ý với Julián.
“Nếu điều cậu muốn làm là bỏ trốn cùng Penélope, và có lẽ Chúa sẽ giúp cậu, thì cái cậu cần đến là tiền.”
Tiền lại là thứ Julián không có.
“Cái đó có thể sắp xếp được,” Miquel nói với chàng. “Có bạn giàu sang là để cho những dịp này đây.”
Thế là Miquel và Julián bắt đầu kế hoạch chạy trốn cho đôi tình nhân. Nơi đến, theo gợi ý của Miquel, sẽ là Paris. Theo suy nghĩ của Moliner, nếu Julián định trở thành một nghệ sĩ nghèo phóng túng, thì ít nhất một môi trường như Paris là không thể tốt hơn. Penélope biết một chút tiếng Pháp, còn Julián, chàng đã học tiếng Pháp từ mẹ chàng, nó giống như ngôn ngữ thứ hai của chàng vậy.
“Ngoài ra, Paris đủ lớn để ta mất hút đi, và đủ nhỏ để tạo cơ hội,” Miquel lý lẽ.
Miquel đã tích góp được chút vốn, cộng với số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm nhờ xin xỏ từ ông bố với những lý do kỳ dị nhất. Chỉ có anh mới biết số tiền ấy dùng để làm gì.
“Tớ sẽ chết lặng vào giây phút hai người lên tàu.”
Ngay chiều hôm ấy, sau khi chốt lại cá chi tiết với Moliner, Julián đến ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo để báo với Penélope kế hoạch bỏ trốn.
“Em không được kể cho ai điều anh nói với em. Không một ai. Kể cả Jacinta,” Julian bắt đầu.
Cô gái lắng nghe trong sững sờ. Kế hoạch của Moliner thật không chê vào đâu được. Miquel sẽ dùng tên giả để mua vé và thuê một bên thứ ba để nhận vé tại nhà ga. Nếu tình cờ cảnh sát có phát hiện ra, thì điều duy nhất anh ta có thể khai báo là mô tả ai đó trông không giống Julián. Julián và Penélope sẽ gặp nhau trên tàu. Sẽ không có chuyện chờ đợi trên sân ga, nơi người ta có thể thấy họ. Cuộc trốn chạy sẽ diễn ra ngày Chủ nhật, vào buổi trưa. Julián sẽ đi một mình đến nhà ga Francia. Miquel sẽ đợi chàng ở đó, cùng với vé và tiền.
Phần khó nhất của kế hoạch là về phần Penélope. Nàng phải nói dối Jacinta và bắt bà tìm ra một lý do đưa nàng đi lễ mixa lúc mười một giờ rồi quay về nhà. Trên đường, Penélope sẽ bảo Jacinta đưa nàng đi gặp Julián, hứa là nàng sẽ về trước khi cả gia đình về nhà. Đây sẽ là cơ hội cho Penélope đến nhà ga. Cả hai người đều biết nếu họ nói với bà sự thật, Jacinta sẽ không cho họ đi. Bà quá yêu họ.
“Kế hoạch thật hoàn hảo, Miquel,” Julián nói.
Miquel gật đầu buồn bã. “Ngoại trừ một chi tiết. Nỗi đau cậu gây ra cho nhiều người khi ra đi mãi mãi.”
Julián gật đầu, nghĩ đến mẹ chàng và Jacinta. Chàng không hề ngờ Miquel Moliner đang nói đến bản thân anh.
Phần khó khăn nhất là thuyết phục Penélope rằng cần phải giữ bí mật với Jacinta. Chỉ có Miquel mới biết sự thật. Chuyến tàu khởi hành lúc một giờ chiều. Lúc người ta nhận ra sự biến mất của Penélope thì họ đã qua khỏi biên giới rồi. Một khi đến Paris, họ sẽ dùng tên giả trọ trong một khách sạn như là vợ chồng. Họ sẽ gửi cho Miquel Moliner một bức thư để chuyển đến gia đình họ, thú nhận tình yêu của họ, cho mọi người biết là họ vẫn khỏe, thông báo lễ cưới ở nhà thờ, và cầu xin gia đình tha thứ và cảm thông. Miquel Moliner sẽ bỏ bức thư vào một phong bì khác để xóa đi dấu bưu điện Paris và sẽ đích thân gửi từ một thị trấn gần đấy.
“Bao giờ?” Penélope>
“Sáu ngày nữa,” Julián nói. “Chủ nhật tới.”
Miquel đề nghị tốt nhất là Julián không nên gặp Penélope trong những ngày trước khi bỏ trốn, để tránh gây nghi ngờ. Cả hai đều đồng ý không gặp nhau nữa, cho tới lúc lên chuyến tàu đi Paris. Sáu ngày không được gặp nàng, không được chạm vào nàng, dường như dài vô tận với Julián. Họ kết ước thỏa thuận, hôn lễ bí mật, bằng đôi môi.
Lúc ấy Julián đưa Penélope vào phòng ngủ của Jacinta trên tầng ba. Tầng này chỉ dành cho người hầu, và Julián dám chắc không ai phát hiện ra họ. Họ sốt sắng cởi quần áo, với đam mê sôi sục, cào cấu vào da nhau và tan chảy vào yên lặng. Họ đã thuộc làu cơ thể của nhau và chôn vùi tất cả những ý nghĩ về sáu ngày xa cách kia. Julián đi vào Penélope bằng cơn thịnh nộ, áp nàng xuống sàn nhà. Penélope đón nhận chàng với đôi mắt mở to, hai chân quắp lấy thân chàng, đôi môi hé mở khao khát. Không hề có một chút tia mong manh hay thơ trẻ trong ánh mắt hay trong cơ thể ấm áp của nàng. Sau đó, khi khuôn mặt chàng vẫn vùi vào lòng nàng và tay vẫn đặt trên bộ ngực trắng ngần rung rinh của nàng, Julián biết chàng phải nói lời từ biệt. Chàng không có thời gian ngồi dậy khi cửa phòng từ từ hé mở và một bóng dáng phụ nữ xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Trong một lát, Julián nghĩ đó là Jacinta, nhưng rồi chàng nhận ra ấy là bà Aldaya. Bà đang nhìn họ, như bị bỏ bùa, cảm giác mê hoặc xen lẫn ghê tởm. Bà chỉ có thể lẩm bẩm thốt ra “Jacinta đâu rồi?” Rồi bà quay đi không nói một lời, trong khi Penélope bò trên sàn nhà trong đau đớn lặng câm còn Julián cảm thấy thế giới đang sụp đổ quanh chàng.
“Đi đi, Julián. Đi trước khi cha em tới.”
“Nhưng..."
“Đi.”
Julián gật đầu. “Cho dù có chuyện gì, anh sẽ đợi em vào ngày Chủ nhật trên chuyến tàu đó.”
Penélope cố nở nụ cười nhợt nhạt. “Em sẽ đến. Bây giờ hãy đi đi...”
Nàng vẫn trần truồng khi chàng rời nàng và lẻn ra cầu thang dành cho người hầu xuống phía chuồng ngựa rồi băng ra ngoài trời, trong một đêm lạnh giá nhất chàng từng gặp trong đời.>Những ngày sau đó thật đớn đau. Suốt mấy đêm Julián không ngủ, nghĩ rằng bất cứ lúc nào sát thủ do Don Ricardo thuê sẽ đến tìm chàng. Ngày hôm sau, ở trường, chàng không thấy một chút gì thay đổi trong thái độ của Jorge Aldaya. Bị giày xé vì đau khổ, chàng kể cho Miquel Moliner chuyện xảy ra. Miquel lắc đầu.
“Cậu thật điên rồ, Julián, nhưng điều đó chẳng có gì lạ. Điều lạ là đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì ở nhà Aldaya. Mà điều đó, ngẫm ra cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Nếu, như cậu nói, bà Aldaya phát hiện ra các cậu, thì có lẽ chính bà ấy vẫn không biết phải làm gì. Trong đời mình tớ đã ba lần nói chuyện với bà ấy, và từ những cuộc nói chuyện đó, tớ có hai kết luận: thứ nhất, bà Aldaya có tâm lý của đứa trẻ mười hai tuổi; thứ hai, bà mắc bệnh ái kỷ mạn tính nên không thể nhận thấy hay hiểu được bất cứ điều gì bà không muốn thấy hoặc muốn tin, đặc biệt là nếu liên quan đến bản thân bà.”
“Dẹp cái phần chẩn đoán ấy đi, Miquel.”
“Ý tớ là, có lẽ bà ấy vẫn đang phân vân không biết phải nói gì, nói thế nào, lúc nào và với ai. Trước tiên, bà phải nghĩ đến hậu quả cho bản thân, vụ tai tiếng tiềm ẩn, và cơn thịnh nộ của ông chồng... Phần còn lại thì bà ta chẳng quan tâm, tớ dám chắc thế.”
“Nên cậu nghĩ bà ấy sẽ không nói gì ư?”
“Chắc phải mất một vài ngày. Nhưng tớ không nghĩ bà ấy có thể giấu một bí mật như vậy với chồng được. Còn kế hoạch chạy trốn thế nào? Vẫn tiến hành chứ?”
“Hơn bao giờ hết.”
“Tớ mừng khi nghe vậy. Vì tớ tin là giờ không còn đường quay lại nữa.”
Một tuần trải dài vô tận. Julián đến trường mỗi ngày với nỗi khắc khổ trên hai gót chân. Chàng trải qua quãng thời gian ấy, vờ như đang ở đó, hầu như không thể nhìn Miquel Moliner, người cũng bắt đầu lo lắng như chàng, hoặc còn hơn thế. Jorge Aldaya không nói gì. Anh ta lịch sự hơn bao giờ hết. Jacinta không đến trường đón Jorge nữa. Lái xe của Don Ricardo đến mỗi buổi chiều. Julián cảm thấy như muốn chết đến nơi, ước rằng chuyện có xảy ra thế nào thì cũng hãy xảy ra đi, để thời gian chờ đợi sẽ kết thúc. Vào chiều thứ Năm, sau giờ học, Julián bắt đầu nghĩ rằng may mắn về phía chàng. Bà Aldaya không nói gì, có lẽ vì xấu hổ, ngu ngốc, hoặc vì bất cứ lý do gì như Miquel đã ngờ. Điều đó không mấy quan trọng. Quan trọng nhất là bà vẫn giữ bí mật cho đến Chủ nhật. Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong nhiều ngày, chàng có thể ngủ ngon.
Sáng thứ Sáu, khi đến lớp, Cha Romanoes đợi chàng trước cổng.
“Julián, ta cần nói chuyện với con.”
“Có chuyện gì, thưa Cha?”
“Ta luôn biết ngày này sẽ đến, và ta phải thú nhận rằng ta vui mừng được làm người báo tin cho con.”
“Tin gì, thưa Cha?”
Julián Carax không còn là học sinh trường San Gabriel. Sự hiện diện của chàng trong khuôn viên, trong lớp học, thậm chí trong vườn trường bị nghiêm cấm. Các đồ dùng học tập của chàng, sách vở, và tất cả những vật dụng khác giờ đây thuộc tài sản của trường.
“Nói cho chính xác ‘là ngay lập tức và đuổi thẳng’," Cha Romanoes nói ngắn gọn.
“Con có thể biết lý do không?”
“Ta có thể nghĩ ra hàng trăm lý do, nhưng ta chắc con sẽ biết chọn ra lý do phù hợp nhất. Chúc một ngày tốt lành, Carax. Và chúc may mắn trong đời. Con sẽ cần điều đó đấy.”
Cách chừng ba mươi thước, ở sân đài phun nước, một nhóm học sinh đứng nhìn chàng. Một số đang cười, vẫy tay chào tạm biệt. Những người khác nhìn chàng với vẻ thương xót và bối rối. Chỉ có một người cười buồn: anh bạn Miquel Moliner, người chỉ gật đầu và nói thầm gì đó mà Julián nghĩ là chàng có thể đọc được: “hẹn gặp ngày Chủ nhật.”
Khi quay về căn hộ trên phố San Antonio, Julián thấy chiếc Mercedes-Benz của Don Ricardo đỗ ngoài cửa hàng. Chàng dừng lại nơi góc phố, chờ đợi. Một lúc sau, Don Ricardo bước ra khỏi cửa hàng và vào xe. Julián nấp vào một cánh cửa cho đến khi chiếc xe chạy ra Quảng trường Universidad. Chỉ đến lúc đó, chàng mới tất tả chạy lên cầu thang về nhà. Mẹ chàng, bà Sophie, đang ngồi đợi, nước mắt tuôn trà>
“Con đã làm gì, Julián?” bà thì thào không hề tức giận.
“Tha thứ cho con, thưa mẹ...”
Sophie kéo con trai lại gần. Bà đã gầy và già đi, như thể tất cả những người xung quanh đã cướp đi mạng sống và tuổi thanh xuân của bà. Mình cướp đi nhiều hơn cả, Julián nghĩ.
“Nghe kỹ lời mẹ này, Julián. Cha con và Don Ricardo đã sắp đặt mọi thứ để đưa con vào quân đội vài ngày tới. Aldaya có quyền thế... Con phải trốn đi, Julián. Con phải đến nơi họ không thể tìm được con...”
Julián nghĩ chàng đã thấy trong mắt mẹ chàng một bóng đen, nó dường như đã chiếm lấy bà.
“Còn gì khác nữa không, thưa mẹ? Còn điều gì mẹ chưa nói với con.”
Bà Sophie nhìn chàng, môi bà run rẩy.“Con phải đi. Cả hai ta phải rời khỏi đây mãi mãi.”
Julián ôm bà thật chặt, và thì thầm vào tai bà, “Đừng lo cho con, mẹ ơi. Mẹ đừng lo lắng.”
Cả ngày thứ Bảy Julián giam mình trong phòng, giữa đống sách vở và những bức vẽ. Ông làm mũ đã xuống cửa hàng lúc hừng sáng và đến gần sáng mới quay về. Ông ấy không đủ can đảm để nói thẳng vào mặt mình, Julián nghĩ. Đêm hôm ấy, mắt nhòe lệ, Julián nói lời từ biệt những năm tháng chàng đã sống trong căn phòng tối tăm, lạnh lẽo ấy, lạc giữa những giấc mơ mà giờ chàng biết sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Chủ nhật, lúc trời mờ sáng, mang theo chỉ một túi đựng vài bộ quần áo và mấy cuốn sách, chàng hôn vào trán Sophie khi bà đang nằm cuộn tròn trong chăn nơi phòng khách, rồi ra đi. Đường phố dường như bao phủ bởi làn sương xanh mờ. Ánh sáng màu đồng lóe lên trên những mái nhà phẳng của khu phố cũ. Chàng bước chậm rãi, nói lời từ biệt với mỗi cánh cửa, mỗi góc phố, lòng tự hỏi liệu những ảo ảnh thời gian sẽ hóa thành sự thật không và trong những ngày tới đây chàng còn có thể nhớ được chỉ những điều tốt đẹp hay không, và có quên đi nỗi cô đơn thường theo đuổi chàng trên những con phố ấy không.
Nhà ga Francia vắng tanh; sân ga, phản chiếu ánh sáng bừng cháy của rạng đông, uốn cong trong sương mờ như những lưỡi gươm Ả r lấp lánh. Julián ngồi xuống một băng ghế trong sảnh vòm và lấy sách ra. Chàng để nhiều giờ trôi qua bằng cách lạc lối trong ma thuật của ngôn từ, lột bỏ hết da thịt và tên tuổi của mình, cảm giác như một người khác. Chàng để cho mình bị cuốn đi theo những giấc mơ của những nhân vật mờ ảo, nơi nương náu duy nhất còn lại cho chàng. Lúc đấy chàng biết rằng Penélope sẽ không đến. Chàng biết chàng sẽ lên tàu không có người bạn đồng hành nào khác ngoài những ký ức của chàng. Rồi, trước ban trưa, Miquel Moliner đến ga đưa vé cho chàng cùng toàn bộ số tiền anh gom góp được, hai người bạn ôm nhau không nói nên lời. Julián chưa bao giờ thấy Miquel Moliner khóc. Đồng hồ ở khắp nơi đang đếm từng phút trôi qua.
“Vẫn còn thời gian,” Miquel thì thầm khi mắt vẫn dán chặt về phía cổng nhà ga.
Lúc một giờ năm phút, người trưởng ga gọi khách đi Paris lần cuối. Chuyến tàu đã bắt đầu chuyển bánh dọc sân ga khi Julián quay lại nói lời tạm biệt bạn. Miquel Moliner đứng đó nhìn chàng, tay anh run run trong túi áo.
“Viết nhé,” anh nói.
“Tớ sẽ viết cho cậu ngay khi đến nơi,” Julián trả lời.
“Không. Không viết cho tớ. Hãy viết sách. Không phải viết thư. Hãy viết những cuốn sách cho tớ, cho Penélope.”
Julián gật đầu, chỉ lúc này chàng mới nhận ra mình sẽ nhớ người bạn này biết nhường nào.
“Và hãy giữ những ước mơ,” Miquel nói. “Cậu không bao giờ biết được khi nào sẽ cần đến chúng đâu.”
“Tớ sẽ giữ mãi,” Julián lẩm bẩm, nhưng tiếng gầm thét con tàu đã át đi lời chàng.
***
“Vào đêm mẹ cô ấy bắt gặp họ trong phòng tôi, Penélope đã kể cho tôi nghe chuyện xảy ra. Ngày hôm sau, bà Aldaya gọi tôi đến hỏi tôi biết gì về Julián. Tôi bảo tôi không biết gì hết, ngoại trừ cậu ấy là một chàng thanh niên tốt, một người bạn của Jorge... Bà ấy lệnh cho tôi giữ Penélope trong phòng cho đến khi cô ấy được phép đi ra ngoài. Don Ricardo lúc đấy đang ở Madrid đến tận thứ Sáu mới quay về. Ngay khi ông ấy về, bà Aldaya đã kể hết cho ông những gì bà chứng kiến ở đó. Don Ricardo nhảy bật lên khỏi ghế và tát vợ mạnh đến mức bà ấy ngã xuông sàn. Rồi ông ấy chửi rủa như một người điên, ông bảo bà lặp lại những gì đã kể. Bà Aldaya kinh hãi. Chưa bao giờ chúng tôi thấy ông Aldaya như vậy. Chưa hề. Trông ông ấy như thể tất cả ác quỷ dưới địa ngục đã xâm chiếm ông ấy. Sùng sục tức giận, ông lên phòng Penélope lôi cô ấy ra khỏi giường, nắm tóc kéo cô ấy. Tôi cố ngăn ông ấy lại, nhưng ông đá tôi sang bên. Ngay đêm hôm ấy ông ấy gọi bác sĩ gia đình đến khám cho Penélope. Khi bác sĩ khám xong, ông ta nói chuyện với ngài Aldaya. Họ nhốt Penélope trong phòng, và bà Aldaya bảo tôi gói ghém đồ đạc.
“Họ không cho tôi gặp Penélope. Tôi không bao giờ được nói lời từ biệt cô ấy. Don Ricardo dọa báo cảnh sát nếu tôi kể cho bất kỳ ai chuyện xảy ra. Đêm hôm đó, họ tống tôi ra khỏi nhà, tôi không biết đi đâu, sau tám năm liền phục dịch trong căn nhà đó. Hai ngày sau, trong một nhà trọ trên phố Muntaner, Miquel Moliner đến thăm tôi, cậu ấy cho tôi biết Julián đã đến Paris. Cậu ấy muốn tôi kể chuyện gì đã xảy ra, tại sao Penélope không đến nhà ga như đã hẹn. Trong nhiều tuần, tôi đã quay lại ngôi nhà đó, cầu xin được gặp mặt cô ấy, nhưng tôi thậm chí còn không được phép qua cổng. Tôi cứ đứng nơi góc đường đối diện hằng ngày, từ sáng đến đêm, hy vọng thấy họ ra khỏi nhà. Tôi không bao giờ thấy cô ấy. Cô ấy không ra khỏi nhà. Sau đó, ngài Aldaya gọi cảnh sát, và với sự giúp đỡ của những bạn bè chức sắc, buộc tôi phải vào nhà thương điên ở Horta, với lý do không ai quen biết tôi, rằng tôi là mụ đàn bà loạn trí cứ làm phiền gia đình và con cái họ. Hai năm trời tôi ở trong đó, bị nhốt như một con vật. Việc đầu tiên tôi làm khi ra viện là đến ngôi nhà trên Đại lộ Tibidabo để gặp Penélope.”
“Rồi bà có gặp được cô ấy không?” Fermín hỏi.
“Ngôi nhà bị khóa và treo biển bán. Không ai sống ở đó cả. Tôi nghe nói nhà Aldaya đã sang Argentina. Tôi viết thư theo địa chỉ mà họ cho tôi. Bức thư sau đó được gửi trả lại tôi, không mở...”
“Đã có chuyện gì xảy ra với Penélope? Bà có biết không?”
Jacinta lắc đầu, trong tình trạng gần như ngã gục. “Tôi không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.”
Bà cụ rên rỉ và bắt đầu khóc lóc không kìm nén được. Fermín ôm bà trong lòng mà vỗ về. Jacinta Coronado đã co rúm lại như một em bé, và bên cạnh bà Fermín trông như một người khổng lồ. Tôi có những câu hỏi đang thiêu đốt trong đầu, nhưng anh bạn tôi ra dấu rằng cuộc thăm hỏi đã kết thúc. Tôi thấy anh đưa quanh căn gác mái bẩn thỉu, lạnh lẽo nơi Jacinta Coronado sống những ngày cuối đời.
“Thôi nào, Daniel. Chúng ta về thôi. Cậu đi trước.”
Tôi làm như được bảo. Trong khi quay đi, tôi ngoảnh lại một thoáng thì thấy Fermín quỳ xuống cạnh bà cụ rồi hôn vào trán bà. Bà cười móm mém với anh ta.
“Xem nào, Jacinta,” tôi nghe Fermín nói. “Bà thích kẹo Sugus, đúng không?”
***
TRÊN CON ĐƯỜNG NGOẰN NGOÈO QUAY TRỞ LẠI LỐI RA, chúng tôi đi qua ông chủ nhà đòn thực thụ và hai trợ tá xanh xao của ông ta đang khiêng một cỗ quan tài gỗ thông rẻ tiền, dây thừng, và một thứ trông có vẻ như là vải liệm tái sử dụng. Toán người đó bốc lên mùi formaldehyde đầy ám khí và mùi nước thơm rẻ tiền. Những con người hốc hác như xác chết kia ngoác ra những nụ cười ghê rợn. Fermín chỉ vào căn phòng nơi xác chết đang đợi rồi cầu phước cho ba người kia, họ gật đầu lễ phép và làm dấu thánh.
“Hãy đi thanh thản,” Fermín lẩm bẩm, kéo tôi về phía cổng, nơi một bà xơ cầm chiếc đèn dầu tiễn chúng tôi bằng vẻ hằn học, buộc tội.
Khi chúng tôi ra khỏi tòa nhà, con đường Moncada lát đá xấu xí và sẩm tối với tôi lại giống như một thung lũng đầy mời gọi và hy vọng. Fermín thở thật sâu, lòng nhẹ nhõm, và tôi biết mình không phải người duy nhất đang hân hoan được bỏ lại chốn ấy sau lưng. Câu chuyện của Jacinta đè nặng lương tâm chúng tôi nhiều hơn chúng tôi muốn thừa nhận.
“Này, Daniel. Cậu nói sao về món bánh khoai tây trộn thịt và vài ly rượu sủi tăm ngay ở Xampanet này, để tẩy đi cái mùi khó chịu trong miệng chúng ta?”
“Nói thẳng là tôi sẽ không từ chối đâu.”
“Cậu không có hẹn với cô bé kia hôm nay à?”
“Ngày mai cơ.”
“A, cậu thật xấu xa... chắc phải vất vả lắm mới đạt được nhỉ? Chúng ta học nha
Chúng tôi đi chưa được mười bước về phía quán rượu ầm ĩ chỉ cách vài căn nhà trên phố kia thì ba dáng người trong bóng đêm hiện ra ngăn chúng tôi lại. Hai người đứng sau tôi, sát đến mức tôi có thể cảm thấy hơi thở của họ trên gáy mình. Người thứ ba, nhỏ hơn nhưng trông ác hiểm hơn, chặn lối chúng tôi. Hắn ta mặc áo khoác bình thường, và nụ cười nhầy nhụa toát rả vẻ hoan hỉ không kìm nén nổi.
“A, chúng ta được gặp ai đây nhỉ? Nếu không phải tên bạn cũ của ta, kẻ biến hình!” Thanh tra Fumero kêu lên.
Cơ hồ tôi có thể nghe mọi xương cốt của Fermín run lên kinh hãi trước bóng ma đó. Anh bạn ba hoa của tôi chỉ có thể rên lên một tiếng tắc nghẹn. Hai tên côn đồ, mà tôi đoán là mật vụ của Đội Điều tra Tội phạm, nắm lấy ót chúng tôi và giữ cổ tay phải chúng tôi, sẵn sàng vặn tay nếu chúng tôi tỏ ra chống cự.
“Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của mày, tao biết mày tưởng đã lẩn trốn được tao từ lâu, đúng không? Chắc chắn mày không nghĩ một cục cứt như mày sẽ bò ra khỏi cống rãnh và leo lên hàng công dân tử tế. Mày có thể ngu ngốc, nhưng không ngu ngốc đến vậy. Ngoài ra, tao nghe nói mày đang nhúng mũi – cái mũi to tổ bố của mày – vào một đống thứ không phải chuyện của mày. Dấu hiệu xấu đấy... Mày đang gạ gẫm bọn họ à? Bọn họ đòi bao nhiêu?”
“Tôi tôn trọng việc của người khác, ông thanh tra, đặc biệt là những người ở tu viện. Có lẽ nếu ông có ý làm điều tương tự thì ông sẽ đỡ được một khoản kha khá tiền thuốc kháng sinh và tiêu hóa cũng dễ dàng hơn đấy”
Fumero hé răng cười tức tối.
“Đúng vậy. Bi sắt[2]. Tao nói vậy đấy. Nếu mọi tên khốn đều giống mày thì công việc của tao sẽ như một bữa tiệc. Mày nói xem, bây giờ tên mày là gì nhỉ, thằng khốn kiếp? Gary Cooper à? Thôi nào, mày đang làm chuyện gì, đang nhúng cái mũi thô lỗ của mày vào Nhà tế bần Santa Lucía làm gì, rồi tao sẽ để mày đi với một lời cảnh báo. Có khai ra không? Bọn mày đến đây làm gì?”
[2. Được lắm, can đảm lắm.]
“Chuyện riêng. Chúng tôi đến thăm người thân.
“Hẳn rồi, con mẹ nhà mày. Mày gặp tao đúng vào ngày mát trời, chứ không thì tao đưa mày về trụ sở rồi cho mày một trận đốt que hàn nữa. Mày nên tỏ ra ngoan ngoãn và thành khẩn khai báo với ông bạn Thanh tra Fumero là mày và bạn mày làm cái chó gì ở đây. Khốn kiếp nhà mày, hãy tỏ ra hợp tác, để tao khỏi đụng đến thằng lỏi con mà mày chọn làm người đỡ đầu này.”
“Ông mà động đến một sợi tóc của cậu ấy, tôi thề sẽ...”
“Mày làm tao sợ quá. Tao vừa vãi cả cứt ra quần rồi đấy.”
Fermín nuốt ực, như thể lấy hết mọi can đảm đang rò rỉ ra khỏi người anh ta. “Chắc đấy không phải là cái quần thủy thủ mà bà mẹ đáng kính của ông, Bà Hầu bếp Rạng rỡ, bắt ông mặc chứ? Thật là xấu hổ; tôi nghe bảo hợp với ông lắm.”
Mặt thanh tra Fumero tái đi, và mọi xúc cảm liền biến khỏi mắt hắn ta. “Mày vừa nói gì, thằng chó chết?”
“Tôi bảo có vẻ như ông thừa hưởng gu thẩm mỹ và vẻ quyến rũ của Doña Yvonne Sotoceballos, một bà danh giá...”
Fermín không phải người nặng ký, nên cú đấm đầu tiên đủ để khiến anh bật tung lên và rơi nhào xuống một vũng nước. Anh nằm co quắp như quả bóng khi Fumero đá túi bụi vào bụng, vào lưng, vào mặt. Tôi không đếm nổi nữa sau cú đá thứ năm. Fermín như mất đi hơi thở, và sau đó mất cả khả năng phòng vệ trước những đòn đánh. Hai gã cảnh sát ghìm tôi lại bằng những bàn tay sắt và cười rồ lên đầy mẫn cán.
“Đừng can vào,” một tên nói với tôi. “Tao không muốn bẻ tay mày.”
Tôi cố xoay sở trong vô vọng hòng thoát khỏi vòng kìm kẹp, và trong khi vùng vẫy, tôi nhìn thấy hắn. Tôi nhận ra ngay khuôn mặt hắn. Hắn là người mặc áo khoác, cùng với tờ báo, kẻ đã ở trong quán bar tại Quảng trường Sarria vài ngày trước, cũng chính là kẻ đã đi theo chúng tôi trên chuyến xe buýt và cười hùa theo trò đùa của Fermín.
“Này, điều làm tao cực ghét là có hạng người chuyên đi bới móc quá khứ!” Fumero hét lên. “Chuyện trong quá khứ phải được để yên, mày hiểu không? Điều đó cũng đúng với mày và thằng bạn đần độn của mày. Hãy nhìn mà học tập, nhóc con. Tiếp theo sẽ là mày đấy.”
Suốt thời gian chứng kiến Thanh tra Fumero tấn công Fermín với những cú đá dưới ánh sáng xiên xiên của đèn đường, tôi không sao thốt được một lời. Tôi vẫn nhớ những cú đấm đá khủng khiếp, lien hồi kỳ trận như mưa tàn nhẫn trút xuống anh bạn của tôi. Chúng vẫn còn khiến tôi đau nhói. Điều duy nhất tôi làm là nấp trong ghì tay dễ chịu của hai tên cảnh sát, run rẩy và lặng lẽ tuôn ra những giọt nước mắt của kẻ hèn nhát.
Khi Fumero đã phát mệt vì đá vào thân người bất động kia, hắn cởi áo khoác ra, rồi mở khóa quần và đái lên người Fermín. Anh bạn tôi vẫn không động đậy; trông anh như một đống vải cũ dưới vũng nước. Khi Fumero phun xối xả lên người Fermín, tôi vẫn câm lặng. Khi xong việc, tay thanh tra kéo khóa quần lại rồi bước về phía tôi, mặt nhễ nhãi mồ hôi, thở hổn hển. Một tên cảnh sát đưa cho hắn khăn tay, hắn chùi lên mặt và cổ. Hắn tiến sát hơn, cho đến khi mặt hắn chỉ cách mặt tôi vài xăng ti mét, rồi cứ chằm chằm nhìn.
“Mày không đáng để đánh, nhóc con. Đấy là chuyện của thằng bạn mày. Hắn luôn đi sai đường. Lần sau, tao sẽ dần cho hắn một trận nặng nề nhất trong đời, và lần đó tao chắc chắn là lỗi của mày.”
Tôi nghĩ hắn sắp sửa đánh tôi, rằng bây giờ đến phiên tôi. Vì lý do nào đấy mà tôi thấy vui. Tôi muốn tin rằng nhũng cú đánh của hắn sẽ cứu tôi khỏi nỗi xấu hổ vì không giơ lên dù chỉ một ngón tay để giúp Fermín, khi điều duy nhất anh ấy cố gắng làm, như mọi lần, là bảo vệ tôi.
Nhưng chẳng có cú đấm nào hết. Fumero chỉ vỗ nhẹ vào má tôi.
“Được rồi nhóc. Tao không muốn bẩn tay với kẻ hèn nhát.”
Hai tên cảnh sát tặc lưỡi, thoải mái hơn vì bọn chúng biết màn diễn đã kết thúc. Rõ ràng là chúng muốn rời khỏi hiện trường. Chúng bỏ đi, vào bóng tối, cười cợt.
Lúc tôi đến giúp, Fermín đang vô vọng cố ngồi dậy tìm chiếc răng bị rơi trong vũng nước bẩn. Miệng, mũi, tai và mi mắt anh ràn rụa máu. Thấy tôi không việc gì, anh cố mỉm cười và tôi nghĩ anh sẽ chết ngay tại chỗ. Tôi quỳ xuống bên cạnh đỡ anh đứng dậy. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là anh còn nhẹ hơn cả Bea.
“Fermín, vì Chúa, phải đưa anh đến bệnh viện ngay.”
Anh lắc đầu nguầy nguậy. “Đưa tôi đến chỗ cô ấy.”
“Đến ai, Fermín?”
“Đến Bernarda. Nếu tôi sắp chết, tôi muốn ra đi trong vòng tay cô ấy.”
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook