REVIEW TRUYỆN THANH HUYỀN ĐẠO CHỦ
Tình cờ gặp được một bài review về bộ truyện: Thanh Huyền Đạo Chủ. Đây là một bộ tiên hiệp khá là hay, theo cảm nhận cá nhân. Mà cách người làm review bộ này thực sự quá xuất sắc, mình nghỉ những bài hay như vậy cần được nhiều người biết đến hơn. Nên nay mình xin phép đăng lại bài này để các bạn cùng tham khảo.
Thể Loại: Tiên Hiệp
Tác Giả: Trung Nguyên Ngũ Bách
Nguồn: Thanh Huyền (Độ Nhân Tử)
Ta đến với Thanh Huyền trong một lần trùng hợp. Lúc ấy tâm trạng đã chán ngấy thể loại tu chân, bắt đầu có hứng thú với thể loại tiên hiệp cổ điển. Đừng hỏi ta Trung Nguyên Ngũ Bách là ai ? Hãy hỏi ta tại sao hứng thú ! Đơn giản là vì hai chữ Đạo Chủ!
Phải biết giữa thị trường truyện trôi nổi mọc lên như nấm sau mưa lúc bấy giờ. Mỗi khi có truyện dám nhắc đến Đạo, liền chẳng khác nào khiêu khích một cái nửa đạo sĩ như ta. Thế là ta lao vào đọc như con nghiện nhìn thấy cần sa.
Người ta nói, ba phần hình hiện lên bảy phần ý. Một phần ý tỏ chín phần hồn. Quan trọng nhất vẫn là ý cảnh. Thường tiêu chuẩn để mọi người quyết định đọc tiếp một quyển truyện hay không nằm ở chương một tới chương ba.
Chương một cuốn hút ta bằng một chi tiết rất nhỏ, một câu đối :
Lòng như mây trắng thường tự tại
Ý như nước chảy mặc đông tây
Mặc dù không biết câu đối này là tác giả viết hay mượn, nhưng ta phải công nhận một điều là gừng càng già càng cay. Ý cảnh ẩn chứa một phần đạo vận của phong thái của bậc thanh đạm, ẩn cư nơi rừng sâu núi thẳm. Đọc qua một lần, liền không muốn cũng phải công nhận tác gia có ba phần tài trí.
Nhưng điều làm ta khâm phục nhất, chính là bút lực của tác giả. Tuy dần về sau, có vẻ phong vận không còn như trước, nhưng vẫn hàm chứa được cái mà hầu hết mọi người đọc đến thể loại này đều cố tình quên mất : “Tiên”
Cái gì là tiên ? Đối với mỗi người, đó là một định nghĩa khác nhau. Riêng với ta. Thanh Huyền chính là Tiên ! Phong vị ấy chính là tiên, từ trong câu chữ, từ trong phong thái của nhân vật, từ trong tên của mỗi chương. Chỉ cần lướt qua tên chương, đều có thể cảm giác phần phiêu diêu tự tại ập vào trong tầm mắt. Cái dư vị của những con người tầm tiên học đạo. Cái cảm giác của tiên hiệp cổ điển truy cầu. Không cần thanh phong ba ngàn dặm, chỉ mong thoát khỏi chuyện thế gian…Thế giới này không bi tráng như Thư Kiếm Trường An, không quỷ dị như Tham Thiên, không có thế sự vô thường như Tử Dương…chỉ có ảo diệu trường sinh, thế giới hoa lệ, thuật pháp nhẹ nhàng, khuấy đảo núi sông.
Đã từng là đọc giả của tiên hiệp cổ điển, chúng ta chẳng thể nào quên mất những cái tên đã đi sâu vào trong tiềm thức của tiên gia cổ điển : Súc Địa Thành Thốn ngày đi ngàn dặm, Càn Khôn Nhất Khí trấn đất trời, Tụ Lý Càn Khôn chứa vạn vật, Hô Phong Hoán Vũ lật tay làm mây, ngửa tay thành mưa, Khẩn Cô Chú một niệm mà thành, Đinh Đầu Thất Tiễn giết người ngoài ngàn dặm, Điểm Thạch Thành Kim hóa đá thành vàng, Phần Thiên Chử Hải đốt trời nấu biển chẳng bận tâm…
Thanh Huyền tái hiện phong thái thần tiên một cách mê hoặc vô cùng ảo diệu. Từ nhân vật chính là Thẩm Luyện cho đến ma đầu tu luyện Tha Hóa Tự Tại Thiên Ma Diệu Pháp, mỗi người dù chính dù tà, vẫn mang trong người tư chất của chân chính “tiên”, giơ tay nhấc chân, khí độ thong dong, không cách nào bắt bẻ, tới lui có chuẩn mực,mỗi người có đường riêng. Không cách nào chê vào đâu được.
Tự nhìn vào cách mà các nhân vật tung hoành trời đất, nhìn xa trông rộng, liền nhìn ra bản thân ngày nay quả thật thiếu khuyết “khí độ” quá nhiều. Thế giới này không cách nào dung nạp được một bản thân ung dung như thế. Nên đành mang tâm tình ấy phó thác cho Thẩm Luyện tiểu chưởng giáo. Một thân ngang dọc, sừng sững trong trời đất.
Hô Phong Hoán Vũ, gió mưa sa
Tụ Lý Càn Khôn, tựa thiên hà
Thái Hư, Đào Mộc chưa kịp hiện
Thanh Huyền danh chấn, thế gian ca !
Con người, cuối cùng vẫn biến thành dáng vẻ mình ghét nhất…
Đời người quý ở chỗ thỏa chí của mình, không cùng đào mận vướng trần ai….
Lầm đường lạc lối có biết chăng, chỉ sợ rằng vừa đây ly biệt nhân thế đã trăm năm…
Dục niệm tựa biển, khó lòng thu, ngại gì không thả chậm bước…rong rủi hồng trần…
Tình như mây bay, ý tựa gió về …bồng bềnh bốn biển chẳng vết chi…
Sinh không gặp, chết không gỡ, người có rượu, ta có chuyện xưa…
Không nhập trần, chẳng thị phi…thế gian vạn cổ, nơi nào mà chẳng...
.................... chính là trần ai…........