Vương Mệnh
Chương 116: Vô Danh Sơn Chiến Dịch 1


“Mùa đông năm Nhâm Tuất (2879 trước công nguyên), Vương thân chinh thảo phạt Man tộc.

Vô Danh Sơn chiến dịch, Vương sư đánh tan địch quân đông hơn 45 lần, trảm địch vô số.

Từ đó, Vô Danh Sơn cải danh thành Man Đầu Sơn, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại của thời kỳ Khai quốc.”
(Thần Thánh quốc sử - Khai quốc bản kỷ)
Vô Danh Sơn, một ngọn núi vô danh không ai biết đến, nhưng từ khi Giang Phong đặt chân đến đấy, nó đã trở thành chứng nhân của lịch sử.
Ngọn núi không cao lắm, chỉ khoảng 800 thước (320 mét), nhưng rất hiểm trở.

Trên đỉnh núi có một vùng bằng phẳng tiện việc đóng quân.

Sườn núi dốc cao, cây rừng rậm rạp, dã thú độc xà vô số.

Chỉ có hai con đường nhỏ quanh co ở mặt trước và mặt sau dẫn lên đỉnh núi.
Hành quân đến nơi, Giang Phong truyền lệnh binh sĩ phát quang cây cỏ trên đỉnh núi, rồi cho thợ mộc dựng một số Trại mộc và Trại khai thác đá gần bìa rừng.

Vì lo vật tư không đủ nên Giang Phong quyết tận dụng tất cả những gì có trên núi.

Tiếp đó là xây dựng Giếng và Quân doanh.

Do chỉ có 10 thợ mộc nên việc xây dựng kéo dài khá lâu.

Quan quân được lệnh nghỉ ngơi tại chỗ và luân phiên canh phòng hai đầu yếu đạo dẫn lên đỉnh núi.
Trong lúc đó, Giang Phong dẫn theo Cấm vệ đi tuần tra xung quanh, nhất là hai yếu đạo.

Tuy thám báo đã điều tra trước đó, nhưng tận mắt nhìn thấy vẫn tốt hơn.


Giang Phong có thể dựa vào địa hình thực tế mà bố trí phòng ngự.
Sơn đạo ở mặt trước dài khoảng ba dặm, tuy không dốc lắm nhưng quanh co khúc khuỷu.

Nhiều khúc quanh khá hẹp, một bên là sườn núi cao, một bên và vực sâu, thông đạo ở giữa chỉ rộng chưa đầy hai mét, chỉ cần bố trí một chút sẽ trở thành cứ điểm dễ thủ khó công.

Còn mặt sau, sơn đạo ngắn hơn, chỉ dài gần hai dặm, nhưng có một số đoạn rất dốc, chỉ có thể leo chứ không thể đi.

Thay vì gọi là sơn đạo thì gọi là đường mòn thì đúng hơn.

Đường không hề bằng phẳng, Giang Phong nghĩ rằng đường mòn này là do dã thú đi qua nhiều lần mà thành chứ không phải do con người.
Thị sát một vòng, Giang Phong trở lại đỉnh núi.

Vì đang hoạt động trong vùng địch, mà chiến đấu ở vùng rừng núi Kinh tộc không thể bằng Man tộc, Giang Phong không chọn cách du kích chiến mà dùng nơi đây làm cứ điểm để xuất quân nhiễu loạn hậu phương của giặc.

Nếu có bị phát hiện thì dựa vào cứ điểm hiểm yếu mà tiêu hao bớt quân lực của giặc.

Dù có toàn quân phúc diệt, chỉ cần tiêu diệt được hơn vạn Man binh là có thể xem như mỹ mãn.
Lên núi nghỉ ngơi một lúc, thấy vẫn chưa dựng xong một nửa số Quân doanh cần thiết, Giang Phong sốt ruột, điều 4 thợ mộc đi xuống sơn đạo xây dựng Tiễn lâu dùng cho việc phòng thủ cứ điểm.

Nơi này là ở dã ngoại, không thể xây dựng được những công trình kiên cố như Tiễn tháp, chỉ có thể xây dựng được Tiễn lâu, là loại kiến trúc đơn giản, chỉ gồm một giàn gỗ cao dựng trên bốn chiếc cột gỗ, xung quanh giàn có vách gỗ để chắn tên.

Tiễn lâu cao đến 6 mét, không chỉ giúp cho cung thủ chiếm ưu thế về độ cao, còn có thể dùng để cảnh giới, có thể phát hiện giặc từ xa.

Mỗi tòa Tiễn lâu chỉ cung cấp vị trí cho 4 cung thủ.

Giang Phong hạ quyết tâm cho dựng đến 55 tòa, mặt trước 30 tòa, mặt sau 25 tòa.

Đương nhiên việc xây dựng cũng mất rất nhiều thời gian.

Cùng thời gian đó, một số Cấm vệ được Giang Phong phái xuống núi theo dõi tình hình của giặc.

Bọn họ không cần đi đâu xa, chỉ cần loanh quanh chân núi, khi phát hiện bóng dáng quân giặc đi qua thì lên núi hồi báo.
Cả ngày bình tĩnh, không chuyện gì xảy ra.

Quân doanh trên núi đều đã dựng xong.

Quan quân đều có chỗ nghỉ ngơi.

Các thợ mộc còn xây dựng mấy gian Nhà gỗ để bọn họ và Giang Phong cư trú.

Ở dã ngoại không xây dựng được Biệt viện, mọi người đành chịu vậy.
Đến trưa hôm sau, Giang Phong được tin báo có toán vận lương của Man binh sắp đi qua.

Giang Phong chọn vị trí này rất đắc địa, cách Thạch Khê trấn gần nửa ngày đường.

Các toán vận lương của Man binh xuất phát từ buổi sáng, đến đây đã gần trưa, lúc đó vừa nóng vừa mệt, sự cảnh giác không còn cao, tiện việc phục kích.
Giang Phong thân thống lĩnh Cấm vệ xuống núi mai phục, tìm cơ hội tập kích.

Do quân giặc không đông lắm, chỉ vài trăm người nên Giang Phong chỉ điều động Cấm vệ, để quan quân ở lại trấn giữ cứ địa.
Một quãng sơn đạo hẹp, hai bên vệ đường cây rừng rậm rạp, cảnh sắc thâm u.

Giang Phong ẩn sau một đám cỏ dại trên một gò cao bên đường, quan sát mấy trăm Man binh đang hộ tống đoàn xe lương ngày càng đến gần.
Khi Man binh đến nơi, theo lệnh Giang Phong, một viên Cấm vệ xuất hiện chặn đường, cao giọng quát :
“Núi nầy do ta giữ.
Đường này do ta khai.
Nếu muốn lưu tính mạng.

Mau nộp mãi lộ ngay.”
Biến cố đột ngột khiến Man binh chững lại giây lát.

Có lẽ sự việc thế này không có trong trình tự nên hệ thống chưa kịp xử lý.

Nhân cơ hội đó, Giang Phong phát lệnh tấn công.

Hơn trăm Cấm vệ lần lượt buông tên.

Chỉ trong chốc lát, hơn trăm mũi tên bắn ra như mưa, tất cả đều nhắm vào thân thể Man binh đang đứng sửng sốt trên đường.
“A !”, “A !”, “A !” …
Vô số tiếng gào thét trong đội hình Man binh, đau đớn, sợ hãi, giận dữ, … đủ mọi thanh âm.

Thần Miếu Cấm vệ là đội quân tinh nhuệ nhất trong quân đội của Giang Phong, gồm toàn 50 cấp thống lĩnh hợp thành, lại đa kỹ năng : đi bộ thành trường thương binh, đại đao binh; lên ngựa thành kỵ binh; dùng cung tên thành cung binh; còn có thể thi triển cả tế tự thuật như các tế tự.

Do đó hơn trăm Cấm vệ 50 cấp cùng tấn công độ khoảng 400 Man binh đại đa số chỉ 30 – 40 cấp, hiệu suất rất cao.

Chỉ sau vài lượt tên, gần trăm Man binh đã trọng thương, mất sức chiến đấu.

Cũng có hơn chục Man binh tử vong vì bị trúng tên ở chỗ yếu hại.
Trong “Vương Mệnh”, sĩ binh có lượng máu lên đến vài nghìn điểm (huyết trị = đẳng cấp x100, đặc thù nhân vật tính theo cách riêng), khi bị trúng tên chỉ bị mất máu từ từ, nhiều hay ít tùy theo công kích lực.

Nên có khi bị trúng hàng chục mũi tên vẫn chưa tử trận.

Tuy nhiên, nếu bị công kích vào chỗ yếu hại, như bị tên bắn xuyên qua đầu, xuyên qua tim, hay bị chém rơi đầu, … thì sẽ tử vong.

Cả người chơi cũng vậy.

Trường hợp đó được gọi là “Nhất kích tất sát”.
Chỉ huy tối cao của Man binh ở đây là một viên Man tướng, lập tức hô hào Man binh ổn định đội hình, tiến hành phản kích.

Gã ta tổ chức số Man binh còn lại thành ba nhóm, chia ba đường tấn công lên gò cao chỗ địch nhân mai phục.


Giang Phong cũng chia quân thành ba nhóm ứng chiến.

Nhân lúc Man binh xung phong, Cấm vệ quân lại xạ thương thêm một số nữa.

Song phương chưa tiếp chiến mà phía Man binh đã có gần một nửa trọng thương, bị loại khỏi vòng chiến.
Chiến quả có thể nói là huy hoàng.
Song phương cận thân tiếp chiến, Cấm vệ quân bỏ cung tên chuyển sang dùng đại đao.

Tiếng quát tháo chém giết vang trời.

Tuy nhân số có ít hơn, nhưng Cấm vệ quân đẳng cấp cao hơn, vũ khí tinh lương, kỹ năng chiến đấu tinh luyện, nên một địch hai vẫn chiếm thượng phong.

Ngay cả bốn viên thống lĩnh 50 cấp hiện có của Man binh, dù có đơn đả độc đấu cũng yếu thế thấy rõ.

Duy chỉ có viên Man tướng là khó đối phó.

Cấp tướng quân thì đẳng cấp phải từ 55 đến dưới 60, thậm chí đôi khi có những vị tướng quân quá 60 cấp, nhưng vì chưa đủ thanh vọng hay công huân nên chưa thể thăng lên Đại tướng quân.

Giữa trên và dưới 50 cấp là hai cảnh giới khác nhau : tiên thiên cảnh giới và hậu thiên cảnh giới.

Tiên thiên cảnh giới, mỗi thăng một cấp thì thực lực tăng rất nhiều, hậu thiên cảnh giới không thể so sánh được.

Mà thật ra thì quá 50 cấp, mỗi thăng một cấp thì cần một lượng kinh nghiệm trị rất lớn.

Do đó mà tướng quân so với thống lĩnh, tuy chỉ hơn có 5 cấp, nhưng thực lực chênh lệch còn lớn hơn giữa thống lĩnh và đội trưởng mà thực lực hơn nhau đến 10 cấp.
Thấy viên Man tướng tả xung hữu đột, không ai địch nổi, mới giây lát mà đã có hai Cấm vệ quân tử thương, Giang Phong vội điều động 10 Cấm vệ quân vây đánh Man tướng.

Sau đó thêm 10 Cấm vệ khác đã diệt xong địch nhân, cũng gia nhập vòng chiến.

Tình hình được vãn hồi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương