Vờ Như Không Biết Sẽ Không Bị Ăn Thịt
-
44: Người Anh Em Của Thầy Nhiếp
Chuyến đi đến sở thú khác xa những gì Nguyên Ngải tưởng tượng.
Vốn dĩ cô chỉ định đến xem thử chú vẹt cú kia thế nào, dù sao chủ nhân của nó cũng là một tên gấu trúc cực kỳ không đáng tin cậy.
Mà giờ đây, sở thú đông nghẹt người, tất cả đều chen chúc đi xem vẹt cú, còn kéo theo một con gấu trúc ngốc nghếch.
Từ sau câu "bạn trai bạn gái" của Nguyên Ngải, vẻ mặt thầy Hùng đã cứng đờ được mấy phút.
Nguyên Ngải chưa giải thích gì thêm, thầy Phó bên cạnh đã tỏ vẻ: "Cậu có ý kiến gì không?"
Thầy Hùng vội lắc đầu, giống như cậu học trò giỏi cũng phải bó tay trước bài toán khó.
"Thầy ấy sao vậy?" Nguyên Ngải có hơi thắc mắc, biểu cảm của thầy Hùng khiến cô cảm tưởng mình và thầy Phó yêu nhau làm thế giới thầy ấy sụp đổ.
Thầy Hùng lớn lên trong sở thú, chẳng lẽ lại không biết nhân loại sẽ yêu đương?
Ngẫm lại thấy cũng có lý, thời điểm còn làm tình nguyện viên, đám người bọn họ chẳng ai dẫn theo bạn trai, bạn gái đến.
Nhưng cũng có rất nhiều cặp tình nhân đến tham quan sở thú, không lẽ thầy Hùng cho rằng bọn họ nắm tay nhau để thể hiện tình chị em bạn dì cảm động thấu trời xanh?
"Thầy Hùng, thầy ổn không?"
Thầy Hùng chỉ có thể khóc không ra nước mắt.
Phó Trăn nhìn thoáng qua gấu trúc nọ rồi nói: "Để tôi tâm sự với cậu ta."
"Được."
"Khu vẹt cú đông người quá, em sang chỗ báo săn chụp hình cho thầy Nhiếp trước, khi nào hai người nói chuyện xong thì cứ sang đó tìm em." Nguyên Ngải vô cùng tin tưởng thầy Phó, tuy anh không thích giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhưng con người anh rất đáng tin cậy.
Khu báo săn không có ai, Nguyên Ngải bước vào.
Bên ngoài cửa kính là thảm cỏ xanh mướt, ba bốn chú báo hoặc tụ bên nhau, hoặc nằm phơi nắng.
Không có chú báo nào trông đặc biệt hung hăng, vừa nhìn là có thể nhận ra ngay như thầy Nhiếp nói.
Trong mắt Nguyên Ngải, mấy chú báo này trông đều không khác nhau mấy.
Cô gọi video cho thầy Nhiếp, muốn hỏi xem là con nào, nhưng vừa mới rung chuông hai tiếng, bên kia đã ngắt máy.
"Tôi đang họp, cô Nguyên, để tôi gửi ảnh cho cô xem, dễ nhận ra lắm."
[Hình ảnh], tin nhắn của thầy Nhiếp nhanh chóng gửi tới.
Trong hình, chú báo săn đang cắn cuốn sách giáo khoa hóa, đúng thật vừa nhìn là nhận ra sách gì ngay.
Nhưng cô chẳng nhìn ra được chú báo này có gì khác biệt.
Không gọi video cũng không sao, cô chụp hết tất cả báo ở đây cho thầy Nhiếp coi là được.
Báo nằm lăn trên cỏ, báo yên lặng phơi nắng, báo tụ năm tụ bảy, cả con báo đang vươn chân chạy ra tấm kính nữa --
Cô chụp hết gửi cho thầy Nhiếp, thầy ấy nhắn lại: "Đều không phải, chú báo kia rất đặc biệt, liếc mắt cũng có thể nhìn ra được."
Thú thật chú báo trong bức ảnh thầy Nhiếp gửi cô chẳng thấy đặc biệt chỗ nào.
Nhưng thầy Nhiếp liên tục lặp lại rằng chú báo kia cực kỳ đặc biệt, nhìn thoáng một giây cũng sẽ nhận ra được nó trong cả đàn.
Có lẽ ảnh chụp không thể hiện ra được cảm giác này.
Nguyên Ngải lần nữa ngó qua bên kia cửa kính, muốn tìm ra chú báo nào mang lại cảm giác khác biệt nhất.
"Cô là cô Nguyên mà em trai tôi nhắc tới sao?" Sau lưng có giọng nói trẻ trung gọi cô.
Nguyên Ngải quay đầu lại, nhìn thấy một người đàn ông mặc bộ đồng phục màu xanh dương, mang khẩu trang đội mũ, cặp mắt lạnh lùng nghiêm nghị.
Vẻ bề ngoài hoàn toàn không tương thích với giọng nói.
"Tôi là Nguyên Ngải, xin hỏi em trai của anh là?"
"Nhiếp bé."
"Thầy Nhiếp là em trai anh?"
"Bọn tôi là anh em song sinh, thằng bé sinh ra muộn hơn tôi, dĩ nhiên là em rồi." Giọng nói của người đàn ông trước mặt tựa như cậu thiếu niên, làn da bên dưới khẩu trang có màu lúa mì, dáng người cao ráo cường tráng.
Tuy đang đeo khẩu trang, cô vẫn cảm nhận rằng người này trông không giống thầy Nhiếp lắm.
Nguyên Ngải nhớ thầy Nhiếp đã nhắc tới...!người anh em của mình rất nhiều lần?
Đúng rồi, thầy Nhiếp luôn gọi là người anh em, chứ không nói rõ là anh hay em trai.
Nhưng lần nào trông thầy ấy cũng sầu lo thúi ruột, cho nên cô tự mặc định thầy Nhiếp là anh.
"Anh làm nhân viên chăm sóc động vật ở đây à?" Nguyên Ngải có chút bất ngờ, vì chưa nghe thầy Nhiếp nói anh mình làm ở sở thú bao giờ.
Thầy Nhiếp chỉ nói muốn tới xem một chú báo, sắc mặt vô cùng bi thương.
Bây giờ ngẫm lại mới thấy muốn xem báo là giả, muốn đến xem người anh trai chăm sóc báo mới là thật, Nguyên Ngải không biết giữa hai anh em bọn họ xảy ra sự tình gì, rõ ràng hai người làm việc đâu xa nhau mấy, nhưng tựa hồ cả hai đều không hề có ý định đến gặp đối phương.
"Cứ xem là vậy đi.
Nghe em trai tôi nói, cô mang đồ đến cho tôi?"
Nghe vậy, Nguyên Ngải mới sực nhớ ra chiếc mũ len, suýt nữa thì cô quên mất.
Cô lấy trong balo ra một chiếc mũ màu xám do chính tay thầy Nhiếp làm, nhớ lại lời thầy ấy dặn dò --
"Cô có thể mang chiếc mũ này cho chú báo kia chứ? Mấy hôm nay trời trở lạnh, để nó có mũ đội buổi tối."
"Em trai anh dặn anh buổi tối nhớ đội mũ." Lúc ấy cô còn tưởng thầy Nhiếp thật sự đan mũ cho báo.
Hóa ra là cho người chăm sóc.
Người đàn ông trẻ tuổi nhận lấy, nhìn chằm chằm chiếc mũ len.
Em trai y bị đưa đi khi còn nhỏ, đưa tới trại trẻ mồ côi, nhân loại ở đó sẽ dạy những đứa nhóc mồ côi làm những chuyện như đan móc áo, mũ, khăn choàng.
Y ghét bỏ mà nói: "Chỉ biết làm những chuyện bào mòn ý chí."
Nói xong, y xoay người rời đi, cũng không nhắn gửi lời nào với em trai mình.
Nguyên Ngải nhìn theo bóng dáng đối phương rời đi, lúc này cô mới nhớ ra chưa nhắn tin báo cho thầy Nhiếp.
"Tôi mới gặp được anh trai thầy, mũ là thầy đan cho anh ấy đúng không?"
Thầy Nhiếp vội vàng nhắn "???" qua.
"Anh trai thầy là nhân viên chăm sóc báo săn mà nhỉ?" Nguyên Ngải hỏi.
Lúc này thứ Nguyên Ngải nhận được không còn là tin nhắn mà là cuốc điện thoại.
"Cô Nguyên, cô nói cô nhìn thấy người anh em của tôi là nhân viên sở thú sao?"
Ở một góc xa xăm nào đó, nhân viên hàng real bị lột sạch quần áo chậm rãi tỉnh dậy, rồi hét toáng lên.
"Thầy Nhiếp, thầy làm tôi khó hiểu quá, người kia không phải nhân viên của sở thú á? Nhưng đúng là anh trai thầy?"
Lúc nghe điện thoại, Nguyên Ngải vẫn đứng nhìn vào khu báo săn, bàn tay cô đặt trên cửa kính chắn, đôi mắt ngắm nhìn những chú báo ung dung tắm nắng.
Đột nhiên, nhóm báo săn đồng loạt quay sang nhìn cùng một hướng.
Nguyên Ngải thấy lạ nên xoay đầu nhìn theo, bắt gặp một chú báo khoác bộ đồng phục màu xanh chạy vụt tới.
Tốc độ của chú báo này cực kỳ nhanh, nhưng Nguyên Ngải vẫn nhìn rõ cặp mắt hoang dã của nó, rất có khí chất.
Khác hẳn những chú báo ưỡn mình phơi nắng đằng kia.
Trong khoảnh khắc ấy, cô chợt hiểu ra lời của thầy Nhiếp--
"Cô nhìn thấy là biết, chú báo đó thật sự rất khác biệt."
Quả thật.
Bởi vì tác động thị giác quá mạnh mẽ, phản ứng của Nguyên Ngải chậm vài giây
Cô chỉ có thể nhìn thấy chú báo kia chạy tới, tay không kịp lấy thuốc.
Báo săn vụt qua người cô, tiện thể để lại một mớ lông trên mặt cô.
Cảm giác quen thuộc trở lại, năm xưa, cũng tại sở thú này, chính cảm giác này, Nguyên Ngải dần thấy khó thở.
Báo săn chạy vượt qua cô Nguyên một đoạn, sắp tới được đường ngầm y đào mất một khoảng thời gian dài.
Đột nhiên y thấy có gì đó không đúng, cô Nguyên kia sao không ê a hét lên?
Báo săn quay đầu lại, nhìn thấy nhân loại ngã trên mặt đất, đồ đạc trong túi rơi vãi khắp nơi.
Có phải ban nãy y đụng trúng người ta không? Nếu không sao lại vương vãi đồ đạc thế này.
Đây là giáo viên trong trường của em trai mình, báo săn ngừng lại, quay đầu xem người nọ rốt cuộc bị gì.
Y đi tới trước mặt cô Nguyên.
Khuôn mặt trên mặt đất bắt đầu sưng đỏ --
Dần dần biến thành bộ dạng mà y vô cùng quen thuộc.
Báo săn cúi đầu ngửi ngửi nhân loại nằm dưới đất, người này vốn luôn ám mùi loài hổ, trong trường có một gã hổ, bị vương mùi cũng không phải chuyện gì lạ.
Nhưng lại gần mới ngửi ra một mùi hương quen thuộc ẩn sâu bên dưới.
Y nhìn nhân loại dưới đất, không kiềm được mà phát ra âm thanh phẫn nộ.
Tới nữa rồi đó!!!
Bên kia, nhân viên sở thú vừa vặn thấy được cảnh tượng như vậy.
Không ổn! Báo săn xổng chuồng, chạy tới khu cho khách tham quan rồi nổi cơn thịnh nộ, uy hiếp tính mạng của khách!
"Mau, bắn nó!"
Có thanh âm vèo vèo xé gió, báo săn chỉ cảm nhận được cơn đau dần nhói lên trên người.
Cảm giác này vô cùng quen thuộc, cảnh xưa lần nữa tái hiện.
Đã vậy còn do cùng một người!
Y ngã nhoài xuống đất, nhìn nhân loại bên cạnh trong cơn đau, tức đến co giật cả mình..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook