Việt Hùng Diễn Nghĩa
-
104: Đấu Với Trời 12
Sáng mở mắt ra, chẵng thấy mây mù, chỉ còn nắng gió, cuốn lá khô bay.
Những cơn giông bão ngày hè cuối cùng cũng qua đi và gió thu lại đến, mang theo thanh kiếm hanh khô rét lạnh, chém phăng những mây đen u ám, chỉ để lại nắng rát cùng cực treo vất vưỡng trên cành cây thay lá xác xơ và từng ngọn cỏ héo úa.
Ngước mắt nhìn cây bạch quả cổ thụ đang từ từ khoác lên mình tấm áo long bào hoàng kim rực rỡ, tâm trạng của vị hoàng đế vừa bước qua tuổi mụ 30 vui vẻ đến lạ thường.
Cây bạch quả cổ thụ này khi trước được tổ tiên Lưu Tú của hắn dời từ ngự hoa viên của Tây Hán ở Trường An sang, đến giờ đã có 130-140 tuổi.
Nghe nói ổng tổ của nó do chính tay Lưu Triệt trồng xuống, đã từng chứng kiến những ngày huy hoàng nhất của Đại Hán, nếu như cây cũng có máu huyết, thì chảy trong máu huyết của cây bạch quả cổ thụ trước mặt này hẵn cũng là hùng phong Lưu thị.
Tất nhiên, cây không có máu huyết, nhưng …
“Ngươi sẽ được chứng kiến hùng phong Lưu thị lần nữa vang dội trời xanh.
Ngươi rất may mắn đấy biết không cây già.
Hahahahahaa!”
Lưu Hoành cười lớn sãi bước rời đi, một thoáng trong vườn chỉ còn lại bạch quả già nua cằn cỗi tiếp tục công việc thường niên mà từ lúc sinh ra đã được mẹ tự nhiên ban tặng chỉ dẫn vào sâu trong gen di truyền chỉ với 2 mục đích duy nhất là để duy trì sự sống và tô điểm thêm sắc màu đa dạng cho mẹ.
Hơn 20 ngày trước, thành bảo của Viên thị bị công phá, Khăn Vàng lần đầu tiên không nhận hàng, máu trôi trăm dặm, thây chất đụng trời, mùi tanh hôi quyện vào mưa gió thổi tin dữ khắp Trung Nguyên, kéo đổ không ít thành trại của thế gia vốn đã sức cùng lực kiệt.
Tư Đồ Viên Phùng đang trên triều đường, vừa nghe tin thì lăn quay tại chỗ.
Bắt đầu từ nửa tháng trước, không còn nghe được tin nhà này bị công phá, nhà kia khóc bù lu bù loa nữa, bởi vì Trường Xã báo nguy, Trương Lương hợp binh với Ba Tài, vây chặt như nêm, mà tại mặt phía Đông thì Trương Bảo cũng thúc binh tới gần, Tư Lệ bị cách trở hoàn toàn với các châu Trung Nguyên khác ngoài Ký Châu.
Dưới áp lực kêu gào lên màng nhĩ lẫn món hời béo bở mà thế gia bỏ ra, Lưu Hoành phát lệnh cho Hoàng Phủ Tung xuôi Nam giải vây Trường Xã.
Bảy ngày trước, một số kẻ may mắn còn sống sót ở Nhữ Nam len lõi qua vòng vây lõng lẽo của quân Khăn Vàng ở Dự Bắc, gặp được Hoàng Phủ Tung cứu trợ, những cũng bởi vậy mà khiến cho Hoàng Phủ Tung lỡ mất thời cơ chiến đấu, cuối cùng bị nhốt luôn vào Trường Xã.
Trước khi Trường Xã bị cô lập hoàn toàn, một tin tức kình bạo được đưa tới Lạc Dương:
Viên thị giấm giếm thiên hạ, in sách hàng vạn, đặt tên là [Viên thị gia học], ý đồ mê hoặc sĩ tử, mua chuộc dân tâm, thất đức mất đạo.
Cùng ngày, phủ Tư Đồ cũng truyền ra một tin tức kình bạo không kém:
Viên Phùng đã bệnh nặng hấp hối, trước khi hôn mê từng thốt lên ý muốn từ quan, chủ động chấm dứt hơn trăm năm độc bá triều cương của phái hệ Nhữ Nam.
Ngay triều hội ngày hôm sau, quan lại thế gia liên danh mời bãi nhiệm Tư Đồ Viên Phùng, đề cử Thượng Thư Dương Bưu lên thay, Lưu Hoành lấy cớ Dương Bưu vừa mới rời chức Tư Không chưa lâu, nhất quyết đem chức Tư Đồ đưa cho Hoàng Uyển.
Lần đầu tiên sau hơn trăm năm, phái bảo hoàng chiếm cứ 2 chiếc ghế Tam Công, trở thành phái hệ hùng mạnh nhất trong triều.
Làm điều kiện đánh đổi, hôm nay là lúc Tây Viên xuất động!
Giờ Thìn 2 khắc (7h40 sáng), kèn lệnh nổi lên, trống quân vang dồn, tám quân lên đường, gươm giáo chỉnh tề, giáp mũ sáng loáng, ngựa xe tùy tùng.
Nhưng không có chinh phụ bồng con ngoái trông, cũng không có gia đình bạn hữu đưa tiễn.
Bởi hầu hết quân binh Tây Viên, bất kể là được tuyển chọn đúng theo lệnh Lưu Hoành hay được thế gia đút tiền nhét vào, thì đều là đứa cô nhi hoặc kẻ không nhà.
Thời loạn, không thiếu nhất chính là loại người này.
Tuy vậy, vẫn có người đưa tiễn.
Chỉ thấy trên đầu tường Lạc Dương tụ tập từng tốp từng tốp người, đều là quan lại triều đình, thế gia quý tộc, những kẻ thường ngày đám binh lính không dám ngẩng mặt lên nhìn.
Còn ở trên đài phong tướng xa xa, đương kim hoàng đế Lưu Hoành cầm kiếm giơ cao.
Nghe những tay lính già kể, kiếm ấy chính là thứ khi xưa Hán Quang Võ dùng để chặt đầu Vương Mãng, cùng với hộp sọ của Vương Mãng, được lưu giữ trong tư khố của hoàng đế.
Bây giờ Xích Tiêu của Cao Đế đã mất tích gần 200 năm, kiếm này chính là chí bảo đế kiểm của hoàng tộc, đại diện cho quyền uy của thiên tử.
Tên của nó là Thanh Công!
Chữ thanh trong thanh thiên, trời xanh.
Chữ công trong công tượng, rèn đúc.
Kiếm do trời tạo, thuận theo ý trời, huy động mười phương, bình dẹp thiên hạ, trấn áp sơn hà, trung hưng xã tắc, trận đầu ra quân, nhất định thất bại.
- ---------
Trường Xã vốn là thành lớn nằm trên trục giao thông nam bắc, lại là nơi giao giới của Duyện- Dự- Tư, ngoài thành đường xá mở rộng, chung quanh vây kín ruộng đồng.
Nhưng từ mấy năm trở lại đây, việc thông thương Nam Bắc đình trệ nhỏ giọt do lệnh kiểm soát của triều đình, rồi thì thiên tai liên miên khiến mùa màng thất bát, dân nghèo lũ lượt rơi đi, kẻ thì theo đạo Thái Bình, người lại dắt trẻ dìu già đến Nam Dương khất thực.
Ruộng đồng hóa thành đầm bãi, làng xóm trồng tiêu mọc điều, cỏ cây um tùm phủ khắp tám hướng, nhiều nơi cao qua đầu người, Trường Xã bổng biến thành một tòa cô thành giữa nơi hoang dã.
Mà bây giờ thì nó cũng bị cô lập thật rồi bởi vì mấy chục vạn quân Khăn Vàng mang theo thế thắng lợi không thể đỡ từ Dự Duyện đổ ào ạt về đây, ý muốn:
Đánh xong Trường Xã, lại phá Hổ Lao, rồi vào Tư Lệ, đá mông hoàng đế, thay đổi màu trời!
Công cuộc lật đổ Hán triều của đạo Thái Bình chưa bao giờ gần với thành công đến như vậy.
Không!
Phải nói là từ sau khi Vương Mãng soán Hán đến nay thì chưa từng có một cuộc nổi dậy nào đến gần với thành công như vậy.
Đặc biệt là sau ngày hôm qua.
Hôm qua Tây Viên ùn ùn kéo đến, khí thế cường thịnh vô cùng, trang bị tinh nhuệ vô cùng, sĩ khí hùng hổ vô cùng, bị Lực Sĩ Khăn Vàng dí chạy cũng nhanh vô cùng.
Biết sao được, lính mới, gan mỏng, lại càng chết là lời đồn về Lực Sĩ Khăn Vàng đã len lõi vào Tư Lệ từ 2-3 tháng trước, sớm gieo mầm sợ hãi vào trong tim lũ lính mới này.
Càng chết là thủ lĩnh của Tây Viên, Trung Lang Tướng Kiển Thạc bị cừ soái Khăn Vàng Ba Tài trảm ngay trước trận.
Nhớ đến việc ấy, 8 tên giáo úy vẫn còn căm tức hô to đã yếu còn máu ra gió.
Biết sao được, Kiển Thạc được vinh dự Hoàng thành đệ nhất dũng sĩ quá lâu rồi, lâu đến độ những lời tâng bốc đã chuyển hóa thành ma túy rượu chè, ăn mòn đầu óc hắn, họa hại chẵng kém gì tác dụng phụ của ma phí tán.
(P/s: Nếu thấy Kiển Thạc chết hơi nhanh và lãng xẹt thì có thể xem giải thích ở cuối chương)
Cũng may cho Tây Viên là đám giáo úy đều có đầu óc bình thường, không một ai bị động kinh như Kiển Thạc cho nên quân đoàn này không đến nổi toàn diệt.
Thậm chí, nhờ vào một lần thất bại này mà loại bỏ được phần đông binh lính có tố chất yếu kém, chỉ để lại tinh binh cường tướng thực sự.
Trong khi quân đoàn Tây Viên lùi xa mấy chục dặm, dựng trại nơi hiểm yếu, chính đốn lại binh lực, thì ở doanh trại Khăn Vàng, tiệc tùng lại nổi lên để ăn mừng chiến thắng.
Nhưng tình cảnh trong Trường Xã thì khác xa tình cảnh trong thành bảo Viên thị.
Không có rệu rã ngự trị, cũng không có sợ hãi tràn lan, cũng không có minh tranh ám đấu hay toan tính qua lại kéo chân nhau.
Bởi vì người thủ lĩnh quân sự trong thành Trường Xã hiện giờ không mang họ Kỷ, họ Viên hay họ Chu, họ Tôn, mà mang họ Hoàng Phủ.
Hoàng Phủ Tung đứng trên đầu tường thành nhìn ra xa về phía doanh trại quân địch.
Đêm đã muộn mà đèn đuốc nơi quân trại Khăn Vàng vẫn sáng bừng bừng, tiếng huyên náo hãy còn văng vẵng trong gió thu.
Dưới ánh trăng mờ, khóe môi ông lão thở ra hơi cười nhè nhẹ.
Hắn đã chờ thời điểm nay từ lâu rồi.
Gió đêm thu thổi thời gian qua giờ Tý sang giờ Sửu (sau 1 giờ đêm).
Thời điểm này lúc trâu bò bắt đầu ngấu nghiến nhai lại thức ăn để chuẫn bị theo người nông dân ra đồng.
Ngày trước, khi Trường Xã còn là vựa lúa của Duyện châu và đất Tư Lệ, thì trâu bò cũng từng là đặc sản nơi đây.
Nhưng không phải hoàn toàn để cày bừa, mà là để buôn chui thịt bò cho thế gia, nhà quan và một vài cường hào lớn như Tiếu Huyền Tào thị.
Đó là bởi vì đám quyền quý Trung Nguyễn tin rằng trâu bò ăn cỏ ở trên đầu ‘trái tim thiên hạ’ Nhữ Nam sẽ sản sinh ra một loại thịt quý giá gọi là ‘thịt hươu’.
Hươu trong câu ‘Tần đã mất hươu rồi, thiên hạ cùng bắt ăn’.
Nhưng bây giờ thì nguồn cung thịt bò chủ yếu của Lạc Dương đã dời sang Kinh Tương, cũng không cần buôn chui như Trường Xã hồi xưa vì những trại bò rộng lớn ở Kinh Tương không chỉ tập hợp nhiều giống bò ngon vị lạ từ thảo nguyên đến Thiên Trúc, cực kỳ hợp gu của đám quyền quý ăn chơi đua đòi, mà lại mỗi trại đều treo cao tấm biển ‘Ngự Chỉ Nuôi Bò’.
Đây cũng là một phần lý do khiến cho kinh tế Trường Xã suy yếu, khiến cho bầu không khí ở Trường Xã đêm nay vô cùng êm ắng.
Hiển nhiên, sự tĩnh lặng ấy còn được tạo ra bởi cuộc nhậu nhẹt bét nhè hồi nãy, thứ khiến cho phần đông quân Khăn Vàng xiểng liễng ngây ngất ngáy o o.
À đúng, còn có tiếng ngáy o o của mấy tay miệng rộng, thứ đã át đi hoàn toàn tiếng vang lách cách như tiếng va đập vào nhau của đá.
Đá đánh lửa!
Hỏa công và thủy công xưa nay vẫn là đại kỵ.
Không một học phái nào, bao gồm cả binh gia, đưa ra lời khích lệ cổ vũ đối với những chiến thắng đạt được từ việc mượn sức thiên nhiên này.
Đơn giản là vì …
Chết quá nhiều!
30-40 vạn liên quân Khăn Vàng Duyện Dự ở Trường Xã sau đêm ấy còn không đến 10 vạn bị Hoàng Phủ Tung bắt giữ.
Số còn lại có đến 8-9 phần chết cháy hoặc bị quân triều đình chém giết.
Chỉ có một bộ phận nhỏ được Trương Lương và Trương Bảo dẫn đi.
Cừ soái chết 6 người, bao gồm cả Ba Tài.
Con hổ Khăn Vàng danh vang Trung Nguyên, thậm chí từng được xem là hi vọng của trăm vạn giáo chúng Thái Bình, đã vùi thây trên đỉnh cao của cuộc đời mình, khi chỉ còn cách Lạc Dương có 3 bước chân.
Hắn không chết trong biển lửa ngoài thành Trường Xã.
Hắn cũng đã thoát khỏi sự truy đuổi của Hoàng Phủ Tung, thậm chí còn chém bị thương ông lão.
Nhưng có lẽ do chơi phục kích quá nhiều nên bị nghiệp quật,
Hắn lọt vào ổ mai phục của Tào Tháo, bị đám anh em họ của hắn đánh hội đồng đến kiệt sức mà chết.
Sau trận thua hồi sáng sớm, 8 vị giáo úy Tây Viên tuy đồng loạt chỉ huy quân binh lui ra xa chỉnh đốn nhưng kỳ thực vẫn có bất đồng.
Triệu Dung và Phùng Phương muốn đóng trại nghĩ ngơi, mau chóng thông báo với Lạc Dương xin chỉ lệnh từ Lưu Hoành.
Trương Mạc và Tang Hồng lại chủ trương liên lạc với Hoàng Phủ Tung để phối hợp hay nói nôm na là chờ đợi sai khiến.
Viên Thuật thì hào sảng cổ vũ sách lược của Thuần Vu Quỳnh, cho rằng đêm nay có thể tập kích doanh trại Khăn Vàng rữa nhục.
Viên Thiệu và Tào Tháo mặt ngoài đồng ý cả 3 bên, vừa gửi cấp báo cho Lạc Dương, vừa tìm cách liên lạc với Trường Xã, nhưng đến tối thì 2 tên này cũng giống y như Viên Thuật, len lén dẫn quân đi vòng ra sau, chọn đường hiểm yếu mai phục.
Chỉ có mỗi Thuần Vu Quỳnh đâm đầu vào lửa đỏ, đánh đấm hăng tiết gà, xuýt nửa tự biến mình thành gà quay, nếu không có hai thuộc tướng là Nhan Lương, Văn Xú ứng cứu kịp thời thì thịt Thuần Vu Tế Tửu có thể sẽ phải gặp cảnh ‘kẻ đầu bạc tiễn người đầu khét’.
(P/s: Tế Tửu là tên một chức quan, thường gắn liền với kiến thức và mưu trí, ví dụ như Quân sư tế tửu, Thái học tế tửu, Quốc tử giám tế tửu)
Tuy vậy, Thuần Vu Quỳnh cũng không thoát số đen.
Khi Tào Tháo hí hửng xách theo đầu của Ba Tài tới Trường Xã thì được biết Thuần Vu Quỳnh đang gánh chịu lửa giận của Hoàng Phủ Tung, bởi vì theo Hoàng Phủ Tung thì chính hành động xốc nổi của Thuần Vu Quỳnh đã phá hỏng mưu kế của lão, khiến cho anh em Trương Bảo, Trương Lương chạy thoát.
“Tướng quân,
Tây Viên Bắc doanh Giáo Úy Tào Tháo cầu được gặp!”
Hoàng Phủ Tung vừa nghe báo thì nheo mày tỏ vẻ khó chịu, thầm nghĩ Tào Tháo hoặc là cầu xin cho Thuần Vu Quỳnh, hoặc là tìm cách bỏ đá xuống giếng.
Đám thế gia chính là như vậy, hắn dù biết những vẫn cảm thấy thật mợ nó mệt mỏi.
Anh lính báo tin thấy Hoàng Phủ Tung có ý phất tay đuổi đi thì bồi thêm:
“Tào Giáo Úy mang theo đầu của Ba Tài!”
Chốc lát sau,
“Tào Tháo kính chào Nghĩa Chân công”
- Tào Tháo vừa thấy Hoàng Phủ Tung thì niềm nở ra hoa.
Hoàng Phủ Tung tặng hắn một quả mặt lạnh băng:
“Trong doanh trại quân đội không nói chuyện tình nghĩa giao tế bên ngoài.
Tào Giáo Úy, nghe nói ngươi chặn giết Ba Tài?
Bản tướng rất muốn biết ngươi dựa vào đâu mà đoán được quân Khăn Vàng sẽ bại thua?”
Tào Tháo thu lại vẻ tí tởn, hơi nghiêm túc nói:
“Trung Lang Tướng liệu sự như thần.
Tháo vốn muốn nói khoác là ban đêm đi tuần gặp may.
Nhưng nếu Trung Lang Tướng đã suy đoán ra thì Tháo xin nói thật.
Khăn Vàng tuy thế lớn nhưng điểm yếu cũng rõ rệt.
Tất cả chiến thắng của Khăn Vàng từ đầu đến giờ đều dựa trên ưu thế quân lực và một chút trò vặt.
Những thứ này có thể ảnh hưởng tới tướng nhỏ và binh tốt địa phương nhưng rất khó phát huy tác dụng khi gặp phải người dày dặn kinh nghiệm như Hoàng Phủ Trung Lang Tướng.
Nghe nói hai vị Chu Tuấn và Tôn Kiên dưới trướng ngài hiện giờ đã từng bị khí thế của Khăn Vàng làm cho hãi kinh mà chia binh để rồi chuốc họa tan tác.
Ngài hiển nhiên sẽ không mắc phải những loại sai lầm tương tự để tự loạn nổi lòng.
Quả nhiên không sai,
Hồi sáng hôm qua, Tây Viên dù bại nhưng Tháo vẫn kịp nhìn qua bố trí trên tường thành Trường Xã, vô cùng ngay ngắn chỉnh tề, không có chút dấu hiệu muốn ra thành.
Tháo về suy nghĩ hồi lâu, cảm thấy nếu là tướng lĩnh bình thường tất nhiên sẽ thừa lúc Kiển Trung Lang tấn công Khăn Vàng mà mang binh ra giúp.
Nhưng nói thật, nếu đặt mình vào vị trí của Hoàng Phủ Trung Lang thì Tháo cũng sẽ làm như ngài,
Không phải bởi vì Tháo tài cao hay gì mà là bởi Tháo quá hiểu năng lực của Kiển Trung Lang tới đâu.
Thế nhưng Hoàng Phủ Trung Lang là trụ cột triều đình, hẵn nhiên sẽ không vì một lý do tiểu nhân nhỏ bé như của Tháo mà bỏ mặc sĩ tốt triều đình chịu chết.
Tháo cảm thấy Hoàng Phủ Trung Lang hẵn là đã có kế sách phá địch, cho nên vì việc lớn mới không tiện cứu trợ Kiển Trung Lang”
Nói đến đây thì ngữa mặt lên trời cười xúc động trong nước mắt:
“Bây giờ phản tặc đã bị đánh bại.
Kiển Trung Lang trên trời có linh hẵn cũng có thể nhắm mắt”
Hoàng Phủ Tung lúc đầu nghe dài dòng chán ngấy đánh mấy quả ngáp bù cho tối qua, nhưng rồi càng nghe đến gần cuối thì càng tập trung, mặc dù yên lặng không nói nhưng khóe môi vểnh lên ý cười.
Hắn đúng là đang lo việc hắn không cứu trợ Kiển Thạc sẽ trở thành đề tài bàn luận trong buổi triều hội tiếp theo.
Nếu như Kiển Thạc thuộc phe thế gia thì cũng thôi đi, thế gia bây giờ bị đánh cho tan nát, không còn như ngày xưa nữa, ngay cả cháu ruột của Thuần Vu Tế Tửu cũng vừa mới bị hắn chỉ mũi bạt tai.
Nhưng căng là ở chổ Kiển Thạc lại không thuộc phe thế gia mà thuộc phe bảo hoàng đang rần rần rộ rộ, thậm chí không phải bảo hoàng bình thường mà là bảo hoàng hạch tâm.
Khi nhìn thấy Kiển Thạc ngu ngốc chọi cứng với Ba Tài rồi bị chém rơi ngựa thì Hoàng Phủ Tung đã đấm vào tường thành đến tóe máu tay.
Ông lão biết tội này thế nào cũng rơi lên đầu mình thế nên mới liều lĩnh tự mình dẫn binh truy sát Ba Tài để rồi bị chém thương.
Lúc quay đầu về Trường Xã, đang tự than tiếc sức già không còn dùng được thì Hoàng Phủ Tung nghe thuộc cấp báo lại về hành động của Thuần Vu Quỳnh.
Thế là ông lão mới bày ra thế trận chuẫn bị đổ tội cho Thuần Vu Quỳnh.
Bây giờ thì xem chừng không cần nữa rồi:
“Mạnh Đức,
Nói đến, ta và Thái Bá Dương cũng có chút giao tình.
Ngươi từng bái vào môn hạ của hắn, có thể xưng ta một tiếng sư thúc”
“Học sinh Tào Mạnh Đức xin kính chào sư thúc”
“Hahahahaha!”
P/s: giải thích vụ Kiển Thạc lên dĩa.
Theo lịch sử thì mãi đến khi sắp chết thì Lưu Hoành mới thành lập Tây Viên (năm 188), Kiển Thạc bị chết trước chính biến Lạc Dương khi giao chiến với Hà Tiến (năm 189).
Cũng dựa trên tư liệu lịch sử mà tác biết thì Hà Tiến không phải chết vì lỗ mãng như Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả.
Sau khi Lưu Hoành chết, Thập Thường Thị hoàn toàn không giấu được, và Lưu Biện thực sự đã lên ngôi.
Vậy nên mở đầu chính biến Lạc Dương không hề có chuyện hoạn quan giả chiếu chỉ hoàng đế mời Hà Tiến vào cung, mà Hà Tiến chỉ đơn giãn là đi gặp Hà hoàng hậu như hắn vẫn làm từ sau khi Lưu Hoành chết để bàn mưu đem quyền lực thu vào tay nhà mình/ hoặc có lẽ là riêng mình, vì thằng cháu Lưu Biện còn quá nhỏ.
Hà Tiến bị phục kích cũng hoàn toàn là do bất ngờ/ hoặc có lẽ chính Hà hậu đã bày mưu vì sợ con trai mình bị ông anh soán ngôi.
Hà Tiến đã bị hoạn quan và cung nữ xúm lại đánh chết bằng gậy gộc và chắc là cả chổi chà lẫn móng tay nữa, chứ chả có giáo gươm cung tiễn gì hết.
Đơn giản là đen!
Kẻ lỗ mãng kỳ thực là Kiển Thạc vì sau khi thế gia suy bại, Lưu Hoành chết thì quyền lực đã rơi hết vào trong tay anh em họ Hà vậy mà Kiển Thạc vẫn hổ báo muốn dựa vào Tây Viên, đội quân thành lập chưa tới 1 năm, để đánh nhau với Hà Tiến.
Kiển Thạc cũng chết trước khi chính biến Lạc Dương xảy ra.
Nhưng bởi vì thời cơ thích hợp nên Tây Viên trong truyện được tạo ra sớm hơn 4 năm, Kiển Thạc cũng có cơ hội đưa đầu ra khỏi cổ sớm hơn.
Thêm nữa, người gọi Đổng Trác và Đinh Nguyên vào Lạc Dương là Viên Thiệu chứ không phải Hà Tiến.
Hà Tiến có ngu đến đâu cũng trãi qua mấy chục năm quan trường, sao có thể không hiểu được điều đơn giãn là binh quyền trong tay ai thì người đó bá nhất.
Hơn nữa như đã nói ở trên, Hà Tiến đã hoàn toàn kiểm soát Lạc Dương sau khi Lưu Hoành lên dĩa, Thập Thường Thị cũng bị làm thịt dần dần bắt đầu từ Kiển Thạc, người duy nhất nắm giữ binh quyền trong Thập Thường Thị.
Cho nên Hà Tiến không hề có lý do gì để gọi Đổng Trác và Đinh Nguyên vào Lạc Dương cả.
Viên thị thì ngược lại,
Chỉ có Lạc Dương toang, Lưu thị toang thì quần hùng mới có thể danh chính ngôn thuận cát cứ tự lập.
Thậm chí Đinh Nguyên khi đó là Thứ Sử Tịnh Châu, trụ sở đặt ở Thái Nguyên, ngay sát nách nhà Vương Doãn nên rất có khả năng là Đinh Nguyên thuộc về phe Viên thị,
Chỉ là Viên thị cũng đen không kém Hà Tiến khi Đinh Nguyên bị Đổng Trác hốt gọn.
Túm cái váy lại, Kiển Thạc trong truyện này được xây dựng tính cách theo Hà Tiến trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, vừa lên sân khấu là chào ra đi luôn.
Để chừa đất diễn cho Hà Tiến chân chính!.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook