Về Người Tôi Yêu
Chương 63: Bí mật

Hiếm khi mấy chị em già tụ tập với nhau nên đến tận một hai giờ sáng họ vẫn còn chưa ngủ, tập trung ở phòng ngủ chính tâm sự những chuyện riêng tư buồn bực.

Mấy người đàn ông cũng không ngủ, mặc áo khoác vào ngồi ở trên ban công lớn hút thuốc trò chuyện. Thế hệ trước không có gì để nói, chỉ lắng nghe những lời phàn nàn của thế hệ trẻ về áp lực cuộc sống. Nói trên có già dưới có trẻ, ở giữa là tiền vay mua nhà; là trụ cột của gia đình, họ sợ nhất là cha mẹ già đều đau ốm, nhất là bị những căn bệnh có liên quan đến chữ ung thư. Nếu không có tiền thuê y tá, điều dưỡng chăm sóc thì một trong hai vợ chồng phải xin nghỉ việc ở nhà để làm việc đó.

Dượng ba nói vài câu với họ, nói bây giờ bọn dượng đều lớn tuổi cả rồi nên trở thành gánh nặng cho mấy đứa hay sao? Cuộc sống mà mấy đứa đang sống bây giờ sướng còn hơn tiên, nào khó khăn như bọn dượng ngày xưa!

Sau đó, chủ đề chuyển sang người anh họ thứ ba, mọi người hỏi anh ấy tình trạng trầm cảm của vợ anh ấy như thế nào rồi. Anh họ thứ ba hút thuốc một lúc lâu mới nói là vẫn vậy. Dượng hai nói hay là thôi việc đi, trở về nghỉ ngơi một thời gian.

Anh họ thứ ba nói nào đơn giản như vậy, tiền vay mua ô tô hàng tháng, tiền phí sinh hoạt, tiền học phí và các loại phí tham gia lớp tài năng của con cái, tiền lương của hai vợ chồng cộng lại cũng không dư nổi một đồng.

“Vậy thì đừng đăng ký cho con vào mấy lớp học thêm này nọ nữa, bọn trẻ cũng bớt áp lực hơn. Hồi nhỏ mấy đứa cũng đâu có học thêm gì, chẳng phải vẫn giỏi đó sao?”

Lần này không chỉ có anh họ thứ ba phản bác, mà tất cả lớp trẻ cũng đều không đồng ý: Thời thế khác nhau, ai cũng đều đăng ký cho con mình đi học, không học thì sẽ bị tụt lại phía sau.

Mà không chỉ có mỗi chuyện đăng ký lớp học không thôi. Ngoài ra còn có các vấn đề giao tiếp của con ở trường. Anh họ thứ ba còn nói, tuần trước vợ mình phải dậy từ 3 giờ sáng để làm cupcake phát cho các bạn trong lớp của con, vì có rất nhiều phụ huynh làm vậy nên họ không thể không làm theo. Hơn nữa đi mua thì không có thành ý, phải tự tay làm mới được.

Chị họ thứ hai cũng rất thấu hiểu, nói bây giờ vừa mang thai thì đã phải bắt đầu dưỡng thai, sau đó là giáo dục con từ sớm, sau này con đi nhà trẻ có thể phát triển nhiều kỹ năng hơn. Lý do làm vậy thật ra là vì họ sợ con mình quá bình thường và tầm thường, vì cả xã hội đều chối bỏ kẻ yếu kém. Và khi những đứa trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, ba mẹ chỉ có thể cố gắng hết sức để chúng trở nên tốt hơn, ít nhất là tốt hơn hầu hết những đứa trẻ khác. Kết quả là ba mẹ lo lắng không thôi, còn con cái thì khổ không thể tả.

“Có một câu thế này, ‘Cố gắng thì sẽ thành công, cố gắng thì sẽ trở nên nổi bật’, nhưng  con nghĩ có một số việc dù có cố gắng đến đâu, nếu chúng ta không làm được thì kết quả vẫn là không làm được. Có một số người vốn đã đần, không thể chạy nhanh thì chính là không thể chạy nhanh, nếu cứ buộc họ phải chạy nhanh lên, chắc chắn họ sẽ đuối sức ngay.” Chị họ thứ hai nói: “Xã hội này đối với những người bình thường đều thật bất công. Minh Nguyệt chưa bao giờ bị giục kết hôn, chỉ vì em ấy có sự nghiệp thành công. Còn mấy đứa tụi con thì lúc trước đều bị hối lấy chồng, nói đều lớn tuổi hết rồi, lại còn không có năng lực kiếm tiền, bây giờ mà không lấy thì sao này chẳng có ai thèm.”

Ba Lương nghe mà phát rầu, vịn ghế đứng dậy đi vào phòng vệ sinh. Anh họ thứ ba do dự một lúc rồi đi theo, anh ấy muốn vay tiền, dù thế nào cũng phải gom đủ tiền trả trước tiền mua nhà cái đã. Anh ấy nấn ná thật lâu không mở miệng, sợ lời nói của mình không có trọng lượng, cân nhắc đến việc nhờ mẹ mình đi hỏi dì.

Vừa định quay lại ban công thì nghe thấy tiếng động lớn ở trong phòng vệ sinh, ba Lương bị té xỉu.

Mấy người cháu không dám manh động, gọi cấp cứu ngay.

Lương Minh Nguyệt đang ở trong khách sạn, không có ở nhà.

Anh em họ theo xe cứu thương đến bệnh viện, mấy dượng chia nhau gọi điện cho Lương Minh Nguyệt và Lương Tị. Mẹ Lương cũng muốn đi theo, nhưng mấy dì khuyên bà đừng gây rắc rối thêm, chỉ cần ở nhà đợi là được rồi, chuyện ở bệnh viện cứ để cho bọn nhỏ lo.

Mẹ Lương không có lòng dạ nào đi ngủ, bà đỡ eo đứng ở cửa lớn, nhìn về hướng xe cấp cứu rời đi.

Dì nhỏ trấn an bà là sẽ không sao, vất vả lắm mới thuyết phục bà quay lại giường. Khi dì từ phòng khách đi ra, chị hai và chị ba cũng đang lo lắng ngồi trên sô pha, anh rể thứ hai nói: “Hồi đó khuyên bọn họ nhận một đứa bé trai mà nuôi, tốt xấu gì thì lúc gặp tình huống khẩn cấp trong nhà cũng có người lo, còn hai đứa con gái thì sau này đều đi lấy chồng… có lương tâm thì về nhìn một chút, không có lương tâm thì…”

“Anh rể, anh uống say rồi à?” Dì nhỏ nói với ông ấy: “Con trai cũng hiếm đứa nào có hiếu lắm anh.”

Những lời này khiến ông ấy xấu hổ, năm ngoái ông ấy nhập viện, hai đứa con trai của ông ấy ở Bắc Kinh nghe nói bệnh nhẹ, không có một đứa nào về thăm. Nuôi chúng được ích lợi gì chứ?

Dì nhỏ đi ra gọi điện thoại cho Lương Minh Nguyệt, nghe nói không có gì nghiêm trọng thì mới yên tâm trở lại phòng khách giục mọi người đi ngủ, trời sắp sáng rồi. Thấy Chu Toàn vẫn luôn không một ai để ý đến chuẩn bị đi ra ngoài, liền hỏi cậu: “Em định đi đâu đó?”

“Em đi chợ, mua ít thức ăn về nấu bữa sáng…”

“Chị đi với em.” Dì nhỏ đi theo cậu lên xe.

Dọc đường hai chị em không nói gì với nhau cả, lúc sắp xuống xe nhìn thấy tóc hai bên thái dương của em trai mình bạc trắng, lòng dì đau xót, dặn cậu ăn ít lại để giảm cân, mập quá cũng không tốt cho sức khỏe của cậu khi về già.

Ba Lương không có gì nghiêm trọng, bệnh viện cũng không tìm ra nguyên nhân tại sao, họ chỉ kê một số loại thuốc an thần, nói rằng ngất xỉu có liên quan đến việc nghỉ ngơi không tốt. Người già ngủ không ngon giấc sẽ bị suy giảm chức năng cơ thể nghiêm trọng.

Lương Minh Nguyệt thấy ông không sao thì quay trở lại nhà máy, trưa hôm sau Lương Tị cũng làm thủ tục xuất viện đưa ba Lương về biệt thự. Khi họ về đến nhà, mẹ Lương phàn nàn nói tại sao ông không ở lại đó vài ngày rồi hãy về, ba Lương xua tay, thôi thôi, ông không nằm viện đâu. Chỉ cần nhìn thấy mấy tấm ga trải giường màu trắng trên giường bệnh là ông đã sợ lắm rồi.

Thấy ba Lương không sao, mọi người lần lượt rời đi, kỳ nghỉ lễ đã kết thúc, ngày mai những người nên đi làm sẽ bắt đầu đi làm, những người nên đi học thì lại đi học. Một nhà đầy người, thoáng một cái đều đi hết.

Mẹ Lương phát cho mấy đứa cháu của mấy cô em gái mỗi đứa một bao lì xì, lấy đồ bổ trong kho ra, mỗi nhà chia thành mấy thùng, vẫy tay chào, dặn họ đi đường cẩn thận. Sau đó bà đỡ eo vào nhà, nhỏ giọng lẩm bẩm điều gì đó.

Bà là chị lớn nhất trong nhà, sắp bảy mươi tuổi rồi. Người nhỏ tuổi nhất là Chu Toàn cũng đã năm mươi, mấy chị em sau này muốn gặp nhau đủ mặt e rằng cũng khó.

Ba Lương bị ép nằm ở trên giường, thấy mẹ Lương trở vào, liền hỏi: “Về rồi?”

“Về hết rồi.”

Ba Lương an ủi: “Em đừng buồn, đợi đến Tết trung thu năm sau sẽ lại đến.”

Lúc ở bệnh viện Lương Tị đã nói chuyện với Lương Minh Nguyệt qua điện thoại, chị đã tìm được người rồi, để Lương Tị trực tiếp đưa ba Lương đến Trịnh Châu, thiết bị y tế ở nơi nhỏ không đủ tốt, ông phải đến bệnh viện lớn khám thì mới an tâm.

Ba Lương không muốn đi, dì nhỏ và mẹ Lương khuyên mãi mới dỗ được ông lên xe. Vốn dĩ dì nhỏ cũng định đi cùng, nhưng dì phải ở nhà chăm sóc cho mẹ Lương nên đành để Lương Tị đi một mình.

Lương Tị đã miễn dịch với bệnh viện, đối với việc có chỗ để đậu xe hay không cô cũng không trông mong gì. Đầu tiên cô đưa ba Lương đến khu dành cho bệnh nhân, bảo ông tìm một chiếc ghế ngồi xuống đợi mình, sau đó cô lái xe đến bãi đậu xe tư nhân bên ngoài, rồi chạy một mạch về, dẫn ba Lương đi gặp người quen.

Đối phương sắp xếp cho bọn họ một phòng, để bọn họ ở trong đó trước, sáng mai bụng đói sẽ tiến hành các loại kiểm tra. Ba Lương lẩm bẩm: “Biết vậy để sáng mai đến sớm là được rồi.”

Lương Tị nói: “Ba ở lại qua đêm thì tám giờ sáng mai có thể làm kiểm tra ngay. Còn đợi ngày mai mới đến thì phải nhịn đói đến trưa.”

Ba Lương không nói thêm lời nào, cũng không có nằm ở trên giường bệnh, nói muốn đi xuống đi dạo một vòng.



Cũng may là y tá ngăn lại, dặn ông không được tự ý xuống lầu. Lần này được sắp xếp một phòng đơn, nhưng ba Lương không hài lòng, ông thích phòng ba người hơn. Còn Lương Tị thì lại rất hài lòng, bởi vì ba Lương mà ở trong phòng ba người thì rất thích hóng chuyện, cứ hỏi người ta bị bệnh gì cho bằng được. Người ta không muốn nói mà ông vẫn cứ hỏi, đến nỗi người ta thấy ngại luôn.

Trước khi trời tối, cô mua một tờ báo cho ba Lương, sau đó lấy thẻ nhân viên do người quen đưa, đến căn tin mua cơm cho ông. Căn tin ở đây nổi tiếng nấu ăn ngon.

Đầu tiên, Lương Tị gọi cho Lý Thiên Thuỷ để anh an tâm, sau đó xếp hàng đứng phía sau một phụ nữ mang thai để mua cơm. Bà bầu trông như đã được tám chín tháng, đang chuẩn bị chọn một dĩa gà cay, lúc này có một người phụ nữ trung niên chạy tới ngăn cản, nói cô ấy là con mèo tham ăn, bác sĩ đã nhiều lần dặn là không được ăn đồ cay rồi.

Nghe thấy giọng nói, Lương Tị nhìn người phụ nữ trung niên ấy, sau đó nhìn ngón tay út bị cụt của bà ấy, rồi quay lưng đi lấy những món ăn khác.

Người phụ nữ trung niên vẫn đang nói chuyện với người phụ nữ mang thai phía sau, nói đã cho người đặt giường rồi, cô ấy sẽ sinh con trong phòng sinh tốt nhất, có bảo mẫu chuyên môn chăm sóc.

Giọng nói của người phụ nữ mang thai rất nhỏ nhẹ, nghe như là từ nhỏ đã được nâng niu trong lòng bàn tay, cô ấy nói mẹ chồng muốn cô ấy ở phòng sinh thường, bà ấy sẽ giúp chăm sóc đứa trẻ, nói không cần bảo mẫu.

Người phụ nữ trung niên đổi giọng nói đã đặt chỗ xong rồi, cô ấy sẽ ở trong phòng sinh tốt nhất, một người phụ nữ chỉ sinh con một hai lần trong đời, tiền bạc không là vấn đề gì cả, hơn nữa còn phải để cho bảo mẫu chăm sóc đủ tháng, nếu nhà chồng không bỏ số tiền này ra, thì ba cô ấy có lương hưu. Hai mẹ con trò chuyện thân mật, mua cơm xong rồi đến khu ăn uống.

Lương Tị đóng gói cơm của mình lại, lách qua họ quay trở lại phòng bệnh. Sau khi ba Lương ăn cơm và ổn định chỗ nằm, cô xuống lầu đi dạo, đi một hồi cảm thấy mệt, tùy tiện ngồi xuống một chiếc ghế.

Cô đặt hai tay lên đầu gối ngồi lặng lẽ trên ghế một lúc lâu, rất lâu. Sau đó, cô lấy điện thoại ra gọi cho Lý Thiên Thuỷ, nói với anh rằng cô vừa nhìn thấy mẹ ruột của mình. Bà ấy đang cùng con gái đi khám thai.

Cô nói kể cũng lạ, một đứa trẻ hai ba tuổi thì có thể nhớ được gì? Ấy vậy mà cô lại nhớ mẹ mình mê cờ bạc, thường lấy dây thừng quấn vào mắt cá chân cô, trói cô vào chân bàn rồi nhốt cô ở nhà để đi chơi mạt chược. Vì dùng sức kéo căng sợi dây thừng kia mà trên cổ chân cô luôn bị siết thành những vết lằn đỏ.

Cô vẫn nhớ mẹ ruột của mình là một người tàn nhẫn, vì cai nghiện cờ bạc mà dám chặt ngón tay út của mình. Cô còn nhớ lúc mẹ ném mình vào cô nhi viện thì đã vác một cái bụng lớn.

Vốn dĩ cô không có chút ký ức nào về những chuyện này, nhưng vừa nhìn thấy mẹ ruột, tất cả những hình ảnh ấy đều hiện lên trong đầu cô. Cô không biết đó là thật hay chỉ là do mình tưởng tượng ra nữa.

Nhưng điều cô có thể chắc chắn là, nguyên nhân trực tiếp khiến mẹ cô năm đó bỏ rơi cô là do bà ấy có thai và sắp tái hôn, mà cô lại là gánh nặng của bà ấy. Bởi vì ngay từ mười năm trước, cô đã tìm được mẹ ruột của mình ở một huyện của thành phố bên cạnh.

Cụ thể tại sao cô tìm được bà ấy? Chắc là do tâm lý đen tối nào đó, cô muốn xem bà ấy có bị quả báo sau khi bỏ mình không, có bị lưu lạc đầu đường xó chợ hay không.

Thế nhưng, không có.

Bà ấy không những không bị quả báo mà còn sống rất tốt. Vợ chồng hòa thuận, con cái khỏe mạnh. Quan điểm của cô về thiện ác đã bị xé nát và lật đổ, hóa ra không phải như sách vở đã viết: Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Người tốt cả đời bình an.

Nó không giống như những gì ba mẹ nuôi của cô luôn dạy cô: Phải biết giúp đỡ mọi người.

Sau đó, cô phải mất vài năm và rất nhiều nỗ lực để chấp nhận thế giới người lớn phức tạp này. Chấp nhận rằng sau khi mẹ cô đã bỏ rơi cô, bà ấy đã sống một cuộc sống rất tốt. Cũng đã chấp nhận rằng những người đã làm điều ác trong quá khứ cũng sẽ vẫn cảm thấy thanh thản, bình tĩnh và sống lâu.

Cô nói nếu là mười năm trước, cô sẽ tức giận khi nhìn thấy bà ấy, và sẽ có đủ loại suy nghĩ đen tối, xấu xa. Nhưng bây giờ gặp bà ấy cô cũng không thấy tức giận như vậy nữa, chỉ có nhàn nhạt ác ý, con gái của bà ấy sao có thể mang thai?

Chẳng phải ai cũng nói cha mẹ nên tích đức cho con sao? Nếu không, quả báo sẽ được truyền lại cho con cháu sau này? Có gì tội lỗi hơn một người mẹ bỏ rơi con mình?

Cô nhẹ nhàng nói, những thứ đen tối tích tụ trong lòng cũng tan biến theo lời nói của cô. Đây vốn là bí mật trong lòng không thể cùng người khác chia sẻ, có lẽ là vì cô giả bộ quá lâu, hiện tại vừa mở miệng, nhất định sẽ có rất nhiều lời nói tục tĩu phun ra.

Cô buộc mình phải gọi cho Lý Thiên Thuỷ, buộc mình phải phơi bày những bí mật này dưới ánh mặt trời, nhìn thẳng vào nó, đối mặt với nó, phun nước miếng và ném nó đi.

Sau khi cuộc gọi kết thúc, cô lại gọi cho Lương Minh Nguyệt, làm nũng gọi chị ơi, nói rằng cô thương chị lắm.

Lương Minh Nguyệt mắng cô là đồ điên, nhưng cô không thấy nó khó nghe chút nào, tiếp tục nói mấy lời buồn nôn, nói thật may mắn khi họ có thể làm chị em ở kiếp này. Nếu nói điều tuyệt vời nhất sau khi bị bỏ rơi, thì đó chính là gặp được chị gái và ba mẹ nuôi, thành toàn cho bọn họ, để những người không hề có máu mủ gì như bọn họ trở thành một gia đình.

Lương Minh Nguyệt hỏi cô ở bệnh viện có mệt không? Cô nói mình không mệt. Hai chị em hàn huyên một lúc rồi cúp máy việc ai nấy làm.

Chỉ một lúc sau, cô nhận được một vài bức hình trên WeChat, Lương Minh Nguyệt kêu cô chọn hai chiếc túi bất kỳ. Lương Tị trả lời chị, nói mình không còn cần những chiếc túi này nữa rồi.

Khi mọi chuyện kết thúc, cô biết trong lòng mình vẫn chưa hoàn toàn an ổn. Nhưng có làm sao đâu? Cô biết rằng một ngày nào đó trong ba, năm, mười hay hai mươi năm tới, rồi cô cũng sẽ hoàn toàn quên nó đi.

Cô lững thững ra khỏi cổng bệnh viện, mua một củ khoai lang nướng đưa cho ba Lương ăn.

Ba Lương ăn khoai lang, xem tin tức phát sóng, tự hỏi khi nào cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macao sẽ thông xe. Lương Tị giúp ông điều chỉnh độ cao của giường bệnh, nói: “Ba, ba nên lo lắng cho bản thân mình trước đi đã.”

Ba Lương múc khoai lang và ăn từng muỗng nhỏ, ông thích khoai lang nướng vì không cần phải nhai. Vừa ăn ông vừa ba hoa về lịch sử tình ái của mình với mẹ Lương.

“Mẹ của con đó hả, khi đó mới 22 tuổi, tóc vàng vàng, người hốc hác, thoạt nhìn là do suy dinh dưỡng mà ra. Nhưng khi đó ai cũng đều ăn không đủ no, nhấn một cái lên má, phải mất một lúc lâu mới đàn hồi lại.” Ba Lương nói: “Buổi hẹn hò đầu tiên của ba với mẹ con là trong một hợp tác xã. Cả hai đứng nhìn từ xa, ba không thấy bà ấy, bà ấy chê ba lùn… nhưng ba thấy bà ấy khẩu thị tâm phi thì có.”



“Gia đình ba khi đó điều kiện khá tốt, ba còn là cán bộ, bà mai bà mối đạp cửa tới tấp… “

Lương Tị không nhịn được, xen vào nói: “Điều kiện của mẹ con cũng không kém, mẹ nói mẹ là phát thanh viên…”

“Phát thanh viên cũng chỉ tạm ổn mà thôi. Vào thời điểm đó công việc tốt nhất chính là làm nhân viên bán hàng… Con biết nhân viên bán hàng không? Chính là đứng ở quầy và bán mấy thứ nhu yếu phẩm. Mọi người đều xu nịnh… “

“Được rồi, con hiểu rồi. Sau buổi xem mắt của hai người, tại sao mẹ con lại khẩu thị tâm phi?”

“Mẹ con đích thân đến đơn vị công tác của ba, nói hai người chúng ta không thể được…”

“Mẹ con tự mình đi tìm ba? Nói là không thích ba?”

“Con đừng có ngắt lời ba, để ba nói xong đã.” Ba Lương ngồi thẳng người, nói: “Ba vốn không có thích mẹ con, nhưng là mẹ con tới gặp ba, cố ý thu hút sự chú ý của ba…”

Ha ha ha ha, Lương Tị cười đến mức không thể nghe được nữa. Điều này hoàn toàn khác với những gì mẹ Lương nói. Mẹ Lương nói là bà hoàn toàn không vừa mắt ông, chê ông thấp bé, là do ông mặt dày tìm đến cửa.

Ba Lương vẫn còn đang nổ vô tư, Lương Tị nhận được cuộc gọi từ Lý Thiên Thuỷ, hỏi cô đang ở khu nào.

Lương Tị đứng trong hành lang phòng bệnh đón anh, anh từ cầu thang đi lên với bộ dạng phong trần mệt mỏi, nói: “Vừa lúc đến đây có việc, anh tiện đường ghé qua thăm một chút.”

Lương Tị biết rất rõ rằng anh không hề tiện đường, mà là cố ý.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương