Uế Sinh
-
C18: Chương 18
Bây giờ, muốn xuất quan là chuyện khó hơn lên trời.
Để đề phòng nội gián của tộc Đào thị truyền tin, giờ đây, ải Trường Xà Cốc bị phong tỏa. Thương nhân hai bên tụ tập, hình thành khu chợ ngày một lớn ở ngoài thành.
Trương Dẫn Tố đã nghĩ ra cách – mua chuộc lính canh cửa. Trường Xà Cốc là trấn quan trọng ở biên quan, rất nhiều lính gác, nhưng nhiều người thì trái lại vàng thau lẫn lộn, cậu từng thấy lính gác bán chứng từ ra thành cho thương nhân lúc nửa đêm.
Nhưng cậu bỏ đi vội, không mang theo nhiều tài sản. Thực chất để tới được trấn Trường Xà cũng đã phải tiêu pha gần hết rồi.
Phần đông những người hay qua lại trên trấn Trường Xà là đội buôn làm ăn với Đào thị. Nay đội buôn bị cản đường, vật giá trong thành cũng leo thang.
Trương Dẫn Tố mua cháo loãng ăn sáng, Liễu Chí tròn mắt nhìn, cũng ké nửa bát.
Thứ này hoàn toàn không cần ăn uống, ăn bao nhiêu phun hết khỏi tai bấy nhiêu. Trương công tử trừng mắt: Lãng phí thức ăn.
Liễu Chí: Đằng nào cũng là ngươi mua mà! Đồ mình mua muốn làm sao cũng được hết!
Trương Dẫn Tố bóp túi tiền trong tay áo, xẹp lép. Y đã cầm hết toàn bộ trang sức, trước kia y chưa từng để ý đến những thứ này bao giờ, không ngờ lúc này lại thấy tiếc.
Đến trưa, y mua bát cháo và dưa muối rẻ tiền nhất. Y không quen ăn thế này, phải ép mình nuốt bằng hết. Liễu Chí còn đổ thêm dầu vào lửa: Ta có thể cho ngươi ăn một cánh tay!
Y mặc kệ nó. Từ bây giờ, y phải cố gắng tiết kiệm sức nhất có thể. Ban ngày loanh quanh gần các cửa khẩu, quan sát lính canh nào chịu nhận tiền, đến tối thì tìm chỗ nào rẻ tiền ngủ qua đêm.
So với đám con cháu nhà giàu, y đã thuộc dạng chịu khổ được rồi. Khi Trương Dẫn Tố rời Hoàng đô đến đạo Xá Uy, y đã chuẩn bị tinh thần chịu khổ, y biết đạo gia là nơi thanh tịnh, không xa hoa như Hoàng đô.
Sau khi đi, y cũng cảm nhận được láng máng sự chăm sóc của gia đình, hoàn cảnh sống của y tốt hơn các đệ tử bình thường khá nhiều. Xuân Y thường xuyên lôi chuyện này ra chế nhạo y, nói những lời cay nghiệt.
Đến đêm, y thiếp đi với thân thể ngày càng mệt mỏi. Thỉnh thoảng Liễu Chí cố ý chọc vào y cũng không thấy phản ứng gì, nó còn tưởng y đã chết rồi.
Một đêm nọ, y đang ngủ thì có thứ gì đó lạnh lẽo dán lên mặt y.
Trương Dẫn Tố đẩy ra: Yên nào.
Nhưng thứ này cứng, như tảng đá vậy.
Y mở mắt… một miếng ngọc trắng treo lơ lửng trên chi mảnh, lắc lư trước mặt y. Liễu Chí đắc chí: Không phải ngươi lo thiếu tiền sao? Cần bao nhiêu ta lấy cho.
…
Hôm sau, Trương Dẫn Tố tóm Liễu Chí đến cửa hàng ngọc nó trộm trả đồ.
Y bảo Liễu Chí xin lỗi người ta: Xin lỗi, học trò của ta không biết điều, lấy nhầm đồ của nhà ông.
Liễu Chí không chịu cúi đầu, đứng im giả chết, chủ tiệm cũng tức giận: Đây là trộm! Trả lại rồi vẫn phải báo quan!
Trương Dẫn Tố đành phải ấn nó xin lỗi tiếp. Liễu Chí nghển cổ, nhất quyết không nghe lời.
Y cũng tức theo, kéo lưng áo nó: Xin lỗi người ta đi!
Liễu Chí: Không chịu, không chịu, không…
Chưa dứt lời, một thứ gì đó chợt lăn xuống đất. Ngay sau đó, chủ cửa hàng, người qua đường đứng hóng xung quanh, cùng chìm trong sự im lặng chết chóc…
Liễu Chí lắc rơi cả đầu, cái đầu lăn lông lốc dưới đất vẫn còn đang nói: Không chịu!
Thê tử của ông chủ chưa kịp thốt tiếng nào đã ngất xỉu. Đám đông xung quanh rối loạn, tiếng la hét nổi lên. Trương Dẫn Tố vội vàng đuổi theo cái đầu nhảy tưng tưng trên đường kia, còn phải đề phòng phần thân của nó chạy lung tung.
Mãi mới bắt được cái đầu, y giấu vào trong áo rồi mang về, đến lúc này thì không thấy cơ thể đâu. Y tìm cả buổi trời mới thấy nó để đặt lại đầu. Nhưng vụ ồn ào đã kéo quan binh đến bao vây bọn họ.
Họ yêu cầu Trương Dẫn Tố và Liễu Chí trình giấy tờ thân phận ra để kiểm tra. Nhưng hai người đều không mang văn thư, trước giờ đều là chạy trốn.
Tình hình bất ổn.
Trương Dẫn Tố âm thầm nhéo tay Liễu Chí… Nếu không ổn thì họ sẽ dùng vũ lực phá vòng vây, lợi dụng năng lực của Liễu Chí để nhảy khỏi quan ải giữa ban ngày.
Nhưng làm vậy quá rủi ro với mục tiêu của họ. Trương Dẫn Tố lợi dụng thân phận bị truy nã trà trộn vào Đào thị điều tra nội gián, nếu gây chuyện ầm ĩ như thế rất có thể sẽ bị nghi ngờ.
Chẳng qua đã hết cách…
Y ra hiệu cho Liễu Chí. Cuối cùng bàn tay lạnh băng kia nhéo lại y.
Sau đó lại nhéo thêm lần nữa. Có vẻ nó thấy chơi thế rất vui.
Trương Dẫn Tố bắt đầu tuyệt vọng rồi.
Đúng lúc này, một giọng nói dịu dàng vọng lại: Đây là tùy tùng của chúng ta, biết ít trò ảo thuật Tây Vực, làm các vị sợ rồi.
Giọng nói này khiến họ đều bất ngờ… Không xa đó có một bóng người mảnh mai khoác áo bào màu xanh nhạt, mỉm cười nhìn về phía này.
Liễu Nam Phật và Dương Kích.
Dương Kích đưa văn thư của mình cho đám lính xem. Danh tiếng của phủ tướng quân Viễn Uy vẫn rất vang dội nơi biên thành. Đám lính tản đi, Trương Dẫn Tố thở phào.
…
Cứ nghĩ sau khi Lý Dung thả đi, hai người họ sẽ tìm nơi yên ổn kết làm phu thê, song Dương Kích lại dẫn cô tới đây.
Liễu Ô không oán trách. Dọc đường đi lạ nước lạ cái, cô đổ bệnh lâu ngày. Hai người vừa đi vừa dừng, thời gian đến nơi không khác Trương Dẫn Tố là bao.
Trương Dẫn Tố đang định hỏi tại sao họ đến biên thành thì phát hiện hai người đều tò mò nhìn Liễu Chí… Y chợt nhớ ra, Liễu Chí mà mọi người thấy lúc trước chỉ là trò che mắt thứ ô uế tạo ra, còn Liễu Chí bây giờ, là… một người chết. Vậy nên hai người họ không nhận ra Liễu Chí này.
Biết nói từ đâu đây, chuyện thế này…
Trương Dẫn Tố hãy còn suy nghĩ, Liễu Chí đã mừng rỡ reo lên: Tỷ tỷ!
Liễu Ô: …Hả?
Liễu Chí: Ta đây! Là ta đây! Kéo dài mắt ra chút… thế này, cằm nhọn hơn một chút…
Liễu Ô vẫn nghi ngờ nhìn hắn, không thể chấp nhận tên tàn tật thiếu bộ phận khắp nơi này là đệ đệ mình.
Trương Dẫn Tố hắng giọng: Chuyện… là thế này, Nam Phật tiểu thư… Liễu Chí… bị thương trên mặt. Bị thương hơi…
Dương Kích vẫn luôn im lặng bỗng mở miệng: Vốn dĩ mặt mũi hắn như nào?
Liễu Ô nghĩ hồi, phát hiện mình cũng không nhớ rõ được. Dường như Liễu Chí trước kia cũng không có đặc điểm gì, chỉ nhợt nhạt một cách bình thường.
Mặt Liễu công tử bị thương, sau khi hồi phục đã hơi khác trước. Bởi tướng mạo của Liễu Chí ban đầu cũng chẳng xuất sắc bao nhiêu nên tỷ tỷ và tỷ phu cũng không đau lòng, bình tĩnh chấp nhận.
Liễu Chí: Nói huynh đó! Sao đưa tỷ tỷ ta tới đây?
Dương Kích không đáp.
Liễu Chí: Có phải huynh có ý đồ khác không? Ta nhớ ra rồi! Trương Dẫn Tố từng nói huynh thua tộc Đào thị bao nhiêu lần! Huynh có vấn đề!
Dương Kích không đáp. Nhưng Liễu Ô trả lời.
Liễu Ô: Thật ra là chúng ta hết tiền rồi.
Liễu Ô: Chúng ta… không mang theo nhiều tiền…
Thiên kim nhà Thừa tướng, công tử phủ tướng quân đều là người không thiếu tiền, thường ngày cũng không biết đồng tiền trông như thế nào.
Tự dưng phải ra ngoài sống, không dựa vào gia đình, họ cầm ít đồ đạc đáng tiền xong thì cũng chẳng khác mấy với hoàn cảnh của Trương Dẫn Tố.
Dương Kích nói: Ta sẽ chăm sóc cho nàng, không cần lo.
Liễu Chí: Huynh chăm sóc kiểu gì?
Dương Kích: Tòng quân.
Dương Kích định tham gia quân thủ vệ biên quan của Tấn Vương Lý Hàn, lập công dựng nghiệp. Tuy hắn là con nhà tướng song chưa từng đánh trận nào nở mày nở mặt, trong lòng vẫn còn khúc mắc.
Rời khỏi trấn Trường Xà đến ải Trường Xà Cốc là có thể đến chỗ Tấn Vương tự tiến cử. Tấn Vương và Dương Dụ cùng là võ tướng, không có ân oán gì, có lẽ sẽ nhận hắn.
Trương Dẫn Tố: Không được, Tấn Vương không ở ải Trường Xà Cốc. Ngài về cung dự tiệc Trung thu rồi.
Dương Kích: Không lâu nữa cũng sẽ về thôi.
Trương Dẫn Tố: Ngài ấy… phải chữa thương. Có lẽ phải lâu nữa mới về.
Dương Kích: Tham gia tiệc trong cung sao lại bị thương?
Liễu Chí: Trương Dẫn Tố đâm đó! Cầm cái kiếm dài ~~ thế này này, xoẹt xoẹt, đâm liền mấy chục nhát, phát điên luôn!
Dương Kích:…
Liễu Ô:…
Trương Dẫn Tố: … Ta… đúng, là ta đâm. Nhưng không phải mấy chục nhát…
Liễu Chí: Mười mấy nhát!
Trương Dẫn Tố: Cũng không luôn!
Dương Kích ho khan, cúi đầu uống trà bình tĩnh lại. Tiên sinh dạy học của em rể hắn đâm vương gia mười mấy nhát, chuyện này kích thích quá, hắn chưa tiếp thu ngay được.
Trương Dẫn Tố giải thích qua loa mấy câu cho hai người đừng hỏi thêm nữa. Dương Kích và Liễu Ô chuẩn bị ra ngoài bằng thân phận của Dương Kích, giờ xem ra phải đeo theo hai người này nữa.
…
Xuân Y đã đọc hồ sơ trong Lam Đài thư khố nhiều ngày.
Lam Đài là nơi cất giữ các loại hồ sơ, tài liệu. Ngự sử đã tìm hết toàn bộ sổ sách ghi về Viễn Uy tướng quân Dương Dụ trong ba mươi năm qua theo lệnh của hắn.
Dương Dụ lập công là vì thảo phạt Đào thị. Lão từng đánh bại quân địch nhiều lần, ép chúng lùi vào sa mạc. Chiến công được ghi lại hiển hách, đều được ấn dấu vàng.
Trông có vẻ bình thường, giống như mọi vị danh tướng khác, có chiến công, cũng từng “ăn vụng” tí quân lương, nhưng đều là chuyện thường tình.
Xuân Y xem đi xem lại nhiều lần. Nếu phải có chỗ nào đáng ngờ thì đó là một chỗ ghi chép chiến công có sự khác biệt rất nhỏ với những chỗ khác… Nếu soi lên ánh sáng sẽ thấy được nơi đó từng bị sửa lại. Khi quan văn viết sai sẽ cắt lụa trắng thành mảnh nhỏ dán lên chữ ban đầu, viết đè chữ mới.
Hắn lấy kim khều miếng vải kia lên, nét chữ bị che phủ loang lổ không thấy rõ, khi miếng vải được xé ra, chúng bắt đầu vỡ vụn rồi đổ máu như mạch máu dưới da…
Nơi bị che khuất đã thấy ánh mặt trời. Khi Xuân Y đọc được nội dung bên dưới, khuôn mặt luôn tủm tỉm của hắn cũng nhăn lại.
Ban đầu viết là: Dương Dụ đánh tan năm vạn kỵ binh Đào thị, đốt quân doanh.
Chữ bị che mất là: Dương Dụ đánh tan năm vạn kỵ binh Đào thị, đánh bại Đào thị vương, bắt…
Nội dung được ghi tới đây thì như bị bắt phải dừng lại, không viết nốt chiến lợi phẩm Dương Dụ bắt về mà dán vải trắng lên, che đậy tất cả.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook