Tuyển Tập Truyện Ngắn Bạch Ngọc Sách (Tập 1)
-
Chương 1: Hiên nhà có nắng
Tác giả: Xuân An
***
Tháng sáu cộc cằn đổ cái nóng rát bỏng lên ngôi nhà. Tôi ngồi xổm trước hè, tay cầm nhánh cây còng queo vẽ những đường ngoằn ngoèo vô định trên nền gạch. Cánh đồng mênh mông trước mặt bạc một màu nắng. Bầu trời cao vời vợi, xanh ngắt chẳng một bóng mây. Ngọn gió đìu hiu mang theo hơi thở gắt gỏng của ngày hè phả vào mà tôi nóng rát. Tôi nhìn ra xa hơn, thấy thấp thoáng trên những vạt đồi nhạt màu một cái bóng nhà liêu xiêu, chợt thấy ùa về trong kí ức xưa cũ cái mái tranh ủ dột mỗi khi trời đổ mưa.
Ngồi mãi như thế cũng mỏi, mà trời nắng chói thế này cũng chẳng chạy đi đâu chơi được, tôi vứt cái que ra giữa sân, đứng dậy đi vào trong nhà. Cá Mắm đang ngồi học. Thế là tôi cố đi sao cho đôi dép kêu lẹt cà lẹt quẹt. Căn nhà gạch thênh thang rộn rạo âm thanh khó chịu. Cá Mắm ngẩng đầu lên, liếc mắt nhìn tôi một cái rồi lại chúi đầu học bài. Tự nhiên tôi thấy mình chẳng đáng bằng con mèo mướp của nó. Thế là tôi lừ mắt, bỏ qua, đi vào góc tủ lấy quyển truyện ra đọc. Dù tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần rồi.
Cái không gian nóng nực mà im lặng này thật dễ khiến người ta mất kiên nhẫn. Nằm vắt chân trên giường, tôi chốc chốc lại trở người đổi tư thế. Quần áo với mặt chiếu cọ vào nhau sột soạt. Cá Mắm dường như đã chịu hết nổi. Tôi nghe tiếng nó mất kiên nhẫn giở sách soàn soạt. Thế là lòng tôi lại nhen lên niềm vui quái đản. Tôi cố sức lăn qua lăn lại, tạo ra tiếng động càng ngày càng lớn hơn. Rồi làm thế mãi cũng mệt, tôi ngủ quên đi lúc nào không biết.
Tiếng mở cổng sắt rin rít làm tôi tỉnh giấc, bật dậy. Cái bóng áo hoa của Cá Mắm ào ra ngoài sân. Tôi nghe tiếng nó tíu tít.
– Mẹ! Sao muộn thế này mẹ mới về?
Rồi nó lăng xăng xách hộ cái túi, cầm lấy cái nón khi mẹ cười dịu dàng với nó rồi dắt xe vào sân. Con nhỏ còn chạy ào vào nhà lấy ra cốc nước. Nhìn cảnh ấy tôi đâm ra tự trách mình ngủ quên. Mấy câu vui mừng tự động nuốt lại trong bụng. Tôi xỏ dép đi ra hè, khuôn mặt không tự chủ mà hơi xị ra.
– Con chào mẹ…
Quà của mẹ mang về (lại) là hai đôi dép nhựa kiểu dáng giống hệt nhau, chỉ khác nhau ở màu bông hoa trang trí. Tôi thấy hơi ngán ngẩm. Lúc nào cũng vậy, từ quần áo, bút vở, giày dép đến món đồ ăn vặt, mẹ đều mua hai phần như nhau cho tôi và Cá Mắm. Mẹ làm như chúng tôi là hai chị em sinh đôi vậy. Mà cũng có lẽ mẹ sợ hai đứa ghen tị lẫn nhau hay thấy… tủi thân, nên lúc nào cũng đối xử làm sao cho thật công bằng.
Cá Mắm xỏ ngay chân vào đôi dép mới. Trông nó thích thú ra mặt. Còn tôi thì nhìn đôi dép trên tay mình, tự nhủ sẽ dùng khi nào Cá Mắm không đi. Dù là đồ gì cũng vậy, tôi luôn canh chừng sao cho không có món đồ nào mặc giống Cá Mắm hết. Mà hình như cả nó cũng vậy. Chúng tôi đều không thích sự trêu chọc của lũ trẻ cùng xóm.
– Mít, thích không con?
Mẹ thấy tôi cứ tần ngần mãi với đôi dép trên tay liền hỏi. (Tên ở nhà của tôi là Mít).
– Dạ! – Tôi nhìn mẹ, tự nhiên gật đầu, cười toe.
Mẹ mỉm cười, xoa xoa đầu tôi rồi đi xuống bếp chuẩn bị cơm tối. Tôi nhìn lại đôi dép trên tay, liếc sang bên xem Cá Mắm lúc này đã cất đôi dép cẩn thận lên giá. Tôi để đôi dép vào góc nhà, lại đi về phía giường cầm quyển truyện lên, dù chẳng có chữ nào vào đầu cả…
***
Một ngày bạc nắng, tôi và mẹ đã đến ngôi nhà này. Mẹ cầm tay tôi thật chặt, tưởng chừng như thả lỏng một chút thôi, tôi sẽ chạy ào đi mất. Ngôi nhà mẹ nói sẽ có bố mới cho tôi, cả một người chị thật hiền.
Người đàn ông ấy trông lầm lì, ít nói. Sau chuyến công tác dài ngày, ông ta ngượng ngùng cầm cái áo đỏ lại gần tôi, lúc này đang núp sau lưng mẹ, chỉ chừa đôi mắt nhìn ông ta chăm chăm. Khuôn mặt vuông vức đen sạm vẽ ra một nụ cười ngượng ngập, rồi ông ta mở miệng nói:
– Mít, thích không con?
Tôi lúc ấy vẫn đang mặc chiếc áo cũ mà bố mua cho, dù với tốc độ lớn của tôi, nó đã trở nên cộc hỡn. Tôi nhìn đôi mắt chờ mong của người đàn ông trước mặt, rúc đầu sâu hơn vào lưng mẹ, kêu lên:
– Không thèm. Xấu òm…
Chiếc áo rực rỡ bị tôi hất xuống nền đất. Mẹ quát lên nạt nộ:
– Mít, không được hỗn!
Rồi mặc cho người đàn ông ấy ngăn cản, mẹ túm tôi lại phát vào mông mấy phát. Tôi thấy mình uất ức làm sao. Ngay lập tức tôi khóc ré lên, luôn miệng kêu “Bố ơi, bố ơi…”
Mẹ sững người lại, dừng tay. Không gian căn phòng rơi vào sự gượng gạo. Tôi chạy biến ra ngoài hè khóc thút thít. Chiếc áo đỏ nằm chỏng chơ nên nền nhà.
…
– Đây là chị Chi. Hơn con một tuổi. Gọi chị đi con. – Mẹ nhẹ nhàng bảo.
Ấn tượng của tôi về Cá Mắm cũng có từ ngày hôm ấy. Lúc ấy, Cá Mắm dè dặt ôm cái cột nhà. Nó đen đen, gày còm. Đôi mắt đen hơi sếch, cái mũi khá tẹt. (Vì thế mà sau này tôi tự đặt cho nó cái biệt danh là Cá Mắm). Do thiếu đôi tay người mẹ, quần áo nó hơi xộc xệch. Cá Mắm cũng như bố nó; nói ít, làm nhiều.
Cá Mắm chỉ hơn tôi vài tháng tuổi, học hơn tôi một lớp, nhưng người lớn hơn nhiều lắm. Khi tôi còn đang ấm ức khóc lóc ngoài hè, mặc cho sự dọa nạt, dỗ dành của mẹ, Cá Mắm lẳng lặng cầm cái áo bị bỏ quên dưới sàn nhà lên, nhẹ nhàng phủi bụi rồi để lên bàn.
Tôi là một đứa bướng bỉnh nên chẳng mấy khi chịu làm theo lời mẹ. Trước mặt mẹ, tôi cố nói sao cho không phải gọi Cá Mắm là chị, cùng lắm thì cố mà xưng tên. Còn sau lưng ban lãnh đạo ư? Tất nhiên tôi gọi là Mắm, thậm chí cả nói trống không luôn. Tôi không ưa nó. Nó cũng chả thích tôi. Và thế là chúng tôi chiến tranh…
Nhìn bề ngoài vậy thôi, nhưng tôi phải công nhận là Cá Mắm học rất giỏi. Điểm của nó trên lớp lúc nào cũng toàn chín với mười. Tôi thì học hành làng nhàng, tầm tầm ở giữa bảng. Lúc nó ở nhà gạo bài thì tôi chạy tung tăng ngoài xóm đi chơi mà.
Dẫu vậy khi nhìn nó khoe điểm với mẹ, cái mũi tẹt hếch hếch lên khi được khen ngợi, đôi mắt liếc tôi đầy thách thức, tôi vẫn thấy tức tối. Cứ dần dà như thế, nó sẽ chiếm hết tình cảm mẹ dành cho tôi mất.
***
Buổi tối, Cá Mắm tá hỏa lên nhìn bàn học gọn gàng của nó be bét vết đen loang lổ từ cái bình mực đổ nghiêng trên mặt bàn. Và tôi xin thề là tôi không hề làm việc đó. Thủ phạm chỉ có thể là con mèo mướp của Cá Mắm thôi. Tôi đã thanh minh với mẹ với đôi mắt và thái độ hết sức chân thật. Thế mà mẹ lại chẳng tin tôi, phạt tôi phải úp mặt vào tường cả buổi tối. Tôi còn bị cấm đi chơi suốt hai tuần liền. Tôi đứng ở góc nhà với sự khó chịu đang gặm nhấm từng chút, từng chút một…
Nhưng dù sao nhìn cảnh Cá Mắm phải mất công chép lại một đống vở (con nhỏ đi thi vở sạch chữ đẹp), tôi cũng thấy hả hê phần nào.
Chiều hôm sau, khi tôi vừa đi chơi đồ hàng ở nhà cái Ốc về, đã thấy một đàn vịt mẹ, vịt con đỏ chót đang tung tăng bơi ngoài sân. Trời đất, đống bài kiểm tra của tôi. Tôi đã giấu đi rất kĩ rồi cơ mà.
– Mít. Sao bị điểm kém còn mang đi giấu? – Mẹ tôi bước ra ngoài sân, lên tiếng.
– Con… – Tôi lí nhí.
– Học hành thế này hả? Chỉ giỏi chơi bời thôi. Có biết mẹ thất vọng về con thế nào không hả? Suốt ngày không chịu học hành. Chỉ đi chơi là giỏi.
Tôi đứng im giữa sân, mặt cúi gằm nghe mẹ thịnh nộ. Rồi đột nhiên, mẹ lôi đâu ra đống truyện mà tôi cất rất kĩ, mang ra ngoài đốt. Tôi hốt hoảng van xin. Nhưng đống truyện thì đã thành đống tro tàn. Đôi mắt tôi mờ đi, khóc vì ấm ức. Đúng là ở nhà-người-ta, không cái gì có thể giấu được. Rồi tôi nhìn thấy Cá Mắm, lúc này đang đứng ở góc nhà. Lúc ấy, càng nhìn tôi càng thấy mắt nó sếch, càng nhìn càng thấy như mép nó đang nhếch lên ngày một cao.
– Xoảng!
Tôi giơ chân đạp đổ đống chậu cây hoa đá mà nó mất công chăm sóc bấy lâu đang nằm ngoan bên hè nhà. Tôi gào lên:
– Là mày chứ gì? Chính mày hớt lẻo với mẹ tao. Đồ lẻo mép. Đồ đáng ghét. Đồ cá mắm gầy nhẳng…
Mẹ tôi bước đến túm vai áo tôi, phát vào mông vài cái đau điếng.
– Đã học dốt và còn đổ lỗi cho người khác. Lại còn phá phách. Mẹ dạy con thế hả?
Tôi nức nở, nhìn thẳng vào mẹ, gào toáng lên:
– Mẹ không cần con nữa chứ gì? Lúc nào mẹ cũng chỉ bênh nó thôi. Mẹ chê con học dốt. Con ham chơi. Mẹ không cần con nữa chứ gì? Con chỉ thế thôi đấy. Bố ơi… Bố ơi…
Nói rồi tôi ôm mặt chạy biến ra ngõ. Tôi nghe tiếng mẹ đằng sau quát lớn:
– Mít. Đứng lại!
Tôi chạy mãi, chạy mãi. Chạy ra khỏi xóm. Chạy hết con đê. Chạy lên cái chòi cũ bí mật trên đồi. Ở đấy, tôi nức nở đến thiếp đi. Trưa hôm đó tôi không về nhà…
Tôi lại mơ về ngôi nhà trên triền đồi. Với cuộc sống hạnh phúc của riêng tôi. Nơi có đủ cả bố và mẹ. Bố cưng chiều tôi. Mẹ chăm lo cho tôi. Cả hai cố gắng vẽ cho tôi một cái vòng tròn hoàn thiện. Nhưng có lẽ việc ấy đã khiến bố mệt mỏi. Để rồi một ngày mưa tầm tã, xóa nhòe con đường đất đầy dấu chân xưa cũ, bố đã ra đi mà không bao giờ quay lại. Tôi thì vẫn bám áo mẹ, ngây thơ mà hỏi rằng:
– Mẹ ơi, bao giờ bố về?
Mẹ không trả lời. Bà ôm lấy tôi, im lặng. Nhưng tôi cảm nhận trên vai mình những giọt nước đau thương nóng hổi. Vòng tròn mong manh ngày nào nay đã vỡ tan…
***
Lúc tôi tỉnh dậy thì đã là buổi chiều. Bụng tôi bắt đầu biểu tình đòi ăn. Tôi chần chừ, không dám quay về nhà, cũng không muốn thấy khuôn mặt của Cá Mắm. Tôi ngồi đấy, giữa cái hốc dưới cây nhãn mà tôi vẫn hay chơi đồ hàng, nằm nghĩ miên man.
Bất chợt, tôi nghe có người gọi, không lấy gì làm thân thiện.
– Này!
Tôi ngước lên. Là Cá Mắm. Mặt con nhỏ đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi.
– Sao… Sao mày biết tao ở đây? – Sau một chút ngần ngừ, tôi nói.
– Mày thì đi chỗ nào được nữa chứ… Trưa mày không về. Mẹ đi tìm nên bị ngã xe đấy.
– Ngã xe? Có… Có sao không? – Tôi thấy ruột thắt lại, một lỗi sợ mơ hồ tràn đến.
Cá Mắm nhìn mặt tôi, chắc lúc ấy đã chuyển thành màu trắng. Nhưng cái tôi ngu ngốc thì vẫn nhất quyết đứng đó, không chịu di chuyển.
– Chỉ sứt sát nhẹ thôi. Nhưng mày làm thế mà được à? Làm mẹ với bố phải mất công đi tìm. Cơm trưa cũng không ăn.
Tôi lúc ấy như tháo được cục sắt trong lòng, nhưng vẫn cố nói. Chắc không khác gì một con gà trụi vẫn cố khoe mẽ.
– Thì… đã làm sao. Ai khiến bố mày phải lo? – Tôi hất mặt.
– Mày nói thế hả? – Cá Mắm bắt đầu sầm mặt.
– Sao tao không được nói? Tao có bố của tao rồi. Bố mày chỉ là kẻ chiếm chỗ bố tao thôi. Cả mày nữa. Mày chiếm mất mẹ của tao. Đồ cá mắm! – Tôi gân cổ lên nói.
– Mày… mày… Đồ con lợn béo ú! – Cá Mắm phản kháng.
Tôi hếch mặt nhìn nó. Nó giương đôi mắt gườm gườm lại. Bầu không khí trong chốc lát chìm xuống. Rồi không thông báo trước, tôi với nó lao vào nhau. Tôi cấu. Nó cào. Tôi túm áo. Nó giật tóc. Hai đứa dùng dằng rồi ngã lăn ra đất. Hai con nhóc mười tuổi quần nhau trên triền đồi.
– Mày cướp mẹ của tao. Đồ chết tiệt!- Tôi gào lên.
– Bố tao đã mất công chọn áo cho mày. Thế mà mày vứt như đồ bỏ đi. Đồ vô ơn!
Tôi với Cá Mắm chửi bới. Tức tối bao năm xả hết ra ngoài. Nó bắt đầu đấm mạnh. Tôi cũng chẳng vừa, nhéo thịt nó vài phát đau điếng. Nó hét lên, xô tôi xuống dưới, cấu cào đủ kiểu. Tôi há mồm cắn luôn vào tay nó. Tôi dùng sức rất mạnh, cố hết sức mà nghiến xuống. Vì tôi biết, về khoản đánh nhau hôm nay tôi cũng thua kém nó nốt. Nó đang phẫn nộ, còn tôi thì không ăn cơm trưa. Cá Mắm dùng sức cấu má tôi, bắt tôi nhả ra. Rồi nó lại lấy tay túm tóc. Lần này thì tôi chỉ còn biết chống chọi, bị nó quần cho mệt lử.
Tàn cuộc chiến, con nhỏ đứng lên. Đôi mắt rực lửa, thở dốc nhìn tôi, kẻ bại trận, lúc này vẫn đang ngồi bệt dưới đất. Tôi nhìn nó. Đến cả đánh lộn cũng thua. Bao uất ức dồn nén không phát ra được như dồn hết lên mắt, cay cay. Nhưng tôi không muốn tỏ ra kém cỏi trước Cá Mắm. Tôi cố giương đôi mắt trừng trừng đầy thách thức.
Kẻ thắng trận nhìn lại, hình như giờ đã bị tôi ảnh hưởng, cũng có thể vì những lời nói cay độc giờ mới phát huy tác dụng. Đòn đau thì luôn có tác dụng tức thì, những lời thương tổn có tác dụng chậm hơn, nhưng sâu hơn nhiều. Nó bỗng ngồi sụp xuống. Lấy tay ôm mặt, vừa khóc vừa nói:
– Mẹ ơi… Mẹ ơi…
Tôi biết người Cá Mắm gọi không phải mẹ mình. Không hiểu sao tôi cũng khóc theo. Hai con nhóc te tua như hai con gà nhúng nước đã khóc rống lên trên triền đồi, mặc cho cảm xúc tuôn trào. Những bí mật cố giấu đi bị đối phương moi móc đến tận chỗ sâu kín nhất, giờ phơi ra trước nắng rọi, méo mó và thảm thương. Và chúng tôi chỉ biết khóc. Đột nhiên tôi thấy nó không hề đáng ghét. Ngược lại, tôi cảm thấy có thể hiểu nó hơn.
Tôi bỗng thấy tội lỗi với những lời nói vô tâm của mình. Nó còn thiếu thốn hơn tôi. Mẹ nó mất khi nó chưa thể nhớ được kí ức gì về mẹ. Tôi từng thấy nó len lén giở tấm ảnh một người phụ nữ ra ngắm. Rồi khi xong lại vội vàng giấu vào tủ quần áo, tận góc sâu nhất.
Sau đó, hai chiến binh bại trận dắt díu nhau về nhà. Vì tội đánh nhau, cả hai cùng bị phạt. Dù tôi bị nhiều lươn vào mông hơn, nhưng Cá Mắm cũng không khá hơn tôi. Chắc tại mông tôi nhiều thịt hơn. Buổi tối nhìn nó xoa xoa mông, mặt nhăn nhó. Tôi bất chợt phì cười. Nó quay ngoắt sang tôi, lườm một cái cháy mặt.
***
– Ê, đứng đấy hong da à?
Tôi thấy Cá Mắm đứng chần chừ trên bờ mương. Nó đang cầm chồng vở, chắc mới đi học nhóm về. Tôi đi chơi ngang qua, nhìn thấy nó như vậy không hiểu sao lại lên tiếng. Nó nhìn tôi, ậm ừ. Tôi nhìn xuống chân nó, liếc qua con mương, nơi chiếc dép hoa đang mắc ở bãi rêu giữa dòng. Mương nước mùa này không sâu lắm, chắc chỉ khoảng đầu gối người lớn.
– Sao không xuống mà lấy đi?
– Tao… tao sợ nước – Nó nói nhỏ.
Tôi nhếch mép. Cá Mắm lúc nào cũng có muôn vàn lí do để sợ. Sợ sâu, sợ ếch, sợ nước, sợ những gì không rõ ràng… Tôi thì khác. Như bao đứa cùng xóm, tôi sợ nhất cái chổi lông gà ở góc tường thôi. À, chắc trừ thằng Bi, bố nó đã ưu tiên sắm hẳn một cái roi mây rồi. Tôi cười, bỏ dép, xắn quần rồi bước ào xuống mương. Tôi lấy chiếc dép mắc ở đám rêu giữa mương, quăng về phía Cá Mắm.
– Có vậy cũng không làm được. Nhát cáy quá đi.
Rồi tôi bước về phía bờ. Nhưng bỗng nhiên, tôi thấy nhói chân, kêu “Á” lên một tiếng. Tôi hơi sững lại, mặt nhăn nhó, vẫn bước về phía bờ. Cá Mắm ở trên bờ lo lắng. Tôi lên trên bờ mương, ngồi sụp xuống, giở bàn chân ra xem xét. Một vết cắt sâu ở trên lòng bàn chân tôi, đã bắt đầu bê bết máu. Chắc tại mảnh sành dưới mương rồi. Cá Mắm nhìn vết thương, mặt xám ngoét. Nó lắp bắp:
– Có… có sao không? Làm gì bây giờ?
Tôi nhăn mặt. Nhìn khuôn mặt nó, lúc này trông thật thảm hại.
– Làm gì nữa? Đi kiếm lá chó đẻ đi.
Cá Mắm chỉ biết lập cập làm theo. Tôi nhai đống ngọn lá, đắp vào vết thương. Cá Mắm thì lo lắng đứng bên, chân tay thừa thãi chẳng biết làm gì. Xong, tôi đứng dậy, đi trước. Rồi tôi quay lại, nhìn con nhóc gầy còm vẫn đang đứng yên một chỗ.
– Còn đứng đó làm gì?
Cá Mắm lập cập chạy theo.
– Mày không sao thật chứ?
– Sao là sao? Đứt chân tí thôi. Bình thường.
Về nhà, tôi giấu nhẹm chuyện bị đứt chân. Nhưng mấy hôm sau, tôi bị sốt. Nhìn vết thương ở chân tôi, mẹ vội vàng tra hỏi. Cá Mắm khai hết mọi việc.
Mẹ đưa tôi đi bệnh viện. Cũng may tôi không phải sốt vì bị uốn ván. Nhưng cũng đủ cho mọi người một trận tá hỏa. Chắc sau khi tôi khỏi, thể nào cũng bị một trận giáo huấn đã đời.
Cá Mắm đến thăm tôi, có mang theo một quyển truyện mới làm quà. Chắc nó phải cho con lợn đất yêu dấu ở nhà ra đi đây. Con nhỏ mang quà đến rồi một lúc lấy cớ về luôn. Tôi nhìn quyển truyện, ngần ngừ giở giở. Con nhỏ biết tặng đúng kiểu truyện tôi thích. Rồi một hàng chữ tím đậm nhỏ nhắn ở ngay trang đầu lọt vào mắt tôi.
“Chóng khỏe nha Mít.
Mắm.”
Con nhỏ nắn nót viết từng chữ, còn kí là Mắm mới ghê. Tôi cười. Bỗng nhiên nhớ ra cả xóm mỗi Mắm là được gọi bằng tên thật – Chi. Mỗi mình tôi đặt cho nó biệt danh và lúc nào cũng réo. Đôi lúc con nhỏ nghe tiếng ai đó gọi lũ bạn với những cái biệt danh ngồ ngộ, nó bất chợt hơi ngây ra, buồn buồn. Tôi tự hỏi, khi mình gọi nó “Mắm, mẹ gọi về ăn cơm!”, sau cái nhìn như dao cạo, nó có từng mỉm cười không nhỉ?
Ừ thì… Hai nửa vỡ ra ghép lại tuy chẳng thể toàn vẹn, vẫn đôi chỗ va vấp, méo mó. Nhưng chỉ cần chúng tôi tin rằng nó tròn trịa và toàn vẹn, thì mọi việc cũng sẽ ổn thôi.
Như khi mẹ dắt tôi đi trên triền đê, rời xa mái nhà ủ dột trên triền đồi, đi từ vùng mưa rơi đến miền nắng dội. Nhìn ngôi nhà lấp ló sau rặng cây với mái hiên nắng đổ vàng óng, tôi đã nghĩ, nó thật đẹp làm sao.
______
Xuân An (Đ.Q.N – 12/2011)
***
Tháng sáu cộc cằn đổ cái nóng rát bỏng lên ngôi nhà. Tôi ngồi xổm trước hè, tay cầm nhánh cây còng queo vẽ những đường ngoằn ngoèo vô định trên nền gạch. Cánh đồng mênh mông trước mặt bạc một màu nắng. Bầu trời cao vời vợi, xanh ngắt chẳng một bóng mây. Ngọn gió đìu hiu mang theo hơi thở gắt gỏng của ngày hè phả vào mà tôi nóng rát. Tôi nhìn ra xa hơn, thấy thấp thoáng trên những vạt đồi nhạt màu một cái bóng nhà liêu xiêu, chợt thấy ùa về trong kí ức xưa cũ cái mái tranh ủ dột mỗi khi trời đổ mưa.
Ngồi mãi như thế cũng mỏi, mà trời nắng chói thế này cũng chẳng chạy đi đâu chơi được, tôi vứt cái que ra giữa sân, đứng dậy đi vào trong nhà. Cá Mắm đang ngồi học. Thế là tôi cố đi sao cho đôi dép kêu lẹt cà lẹt quẹt. Căn nhà gạch thênh thang rộn rạo âm thanh khó chịu. Cá Mắm ngẩng đầu lên, liếc mắt nhìn tôi một cái rồi lại chúi đầu học bài. Tự nhiên tôi thấy mình chẳng đáng bằng con mèo mướp của nó. Thế là tôi lừ mắt, bỏ qua, đi vào góc tủ lấy quyển truyện ra đọc. Dù tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần rồi.
Cái không gian nóng nực mà im lặng này thật dễ khiến người ta mất kiên nhẫn. Nằm vắt chân trên giường, tôi chốc chốc lại trở người đổi tư thế. Quần áo với mặt chiếu cọ vào nhau sột soạt. Cá Mắm dường như đã chịu hết nổi. Tôi nghe tiếng nó mất kiên nhẫn giở sách soàn soạt. Thế là lòng tôi lại nhen lên niềm vui quái đản. Tôi cố sức lăn qua lăn lại, tạo ra tiếng động càng ngày càng lớn hơn. Rồi làm thế mãi cũng mệt, tôi ngủ quên đi lúc nào không biết.
Tiếng mở cổng sắt rin rít làm tôi tỉnh giấc, bật dậy. Cái bóng áo hoa của Cá Mắm ào ra ngoài sân. Tôi nghe tiếng nó tíu tít.
– Mẹ! Sao muộn thế này mẹ mới về?
Rồi nó lăng xăng xách hộ cái túi, cầm lấy cái nón khi mẹ cười dịu dàng với nó rồi dắt xe vào sân. Con nhỏ còn chạy ào vào nhà lấy ra cốc nước. Nhìn cảnh ấy tôi đâm ra tự trách mình ngủ quên. Mấy câu vui mừng tự động nuốt lại trong bụng. Tôi xỏ dép đi ra hè, khuôn mặt không tự chủ mà hơi xị ra.
– Con chào mẹ…
Quà của mẹ mang về (lại) là hai đôi dép nhựa kiểu dáng giống hệt nhau, chỉ khác nhau ở màu bông hoa trang trí. Tôi thấy hơi ngán ngẩm. Lúc nào cũng vậy, từ quần áo, bút vở, giày dép đến món đồ ăn vặt, mẹ đều mua hai phần như nhau cho tôi và Cá Mắm. Mẹ làm như chúng tôi là hai chị em sinh đôi vậy. Mà cũng có lẽ mẹ sợ hai đứa ghen tị lẫn nhau hay thấy… tủi thân, nên lúc nào cũng đối xử làm sao cho thật công bằng.
Cá Mắm xỏ ngay chân vào đôi dép mới. Trông nó thích thú ra mặt. Còn tôi thì nhìn đôi dép trên tay mình, tự nhủ sẽ dùng khi nào Cá Mắm không đi. Dù là đồ gì cũng vậy, tôi luôn canh chừng sao cho không có món đồ nào mặc giống Cá Mắm hết. Mà hình như cả nó cũng vậy. Chúng tôi đều không thích sự trêu chọc của lũ trẻ cùng xóm.
– Mít, thích không con?
Mẹ thấy tôi cứ tần ngần mãi với đôi dép trên tay liền hỏi. (Tên ở nhà của tôi là Mít).
– Dạ! – Tôi nhìn mẹ, tự nhiên gật đầu, cười toe.
Mẹ mỉm cười, xoa xoa đầu tôi rồi đi xuống bếp chuẩn bị cơm tối. Tôi nhìn lại đôi dép trên tay, liếc sang bên xem Cá Mắm lúc này đã cất đôi dép cẩn thận lên giá. Tôi để đôi dép vào góc nhà, lại đi về phía giường cầm quyển truyện lên, dù chẳng có chữ nào vào đầu cả…
***
Một ngày bạc nắng, tôi và mẹ đã đến ngôi nhà này. Mẹ cầm tay tôi thật chặt, tưởng chừng như thả lỏng một chút thôi, tôi sẽ chạy ào đi mất. Ngôi nhà mẹ nói sẽ có bố mới cho tôi, cả một người chị thật hiền.
Người đàn ông ấy trông lầm lì, ít nói. Sau chuyến công tác dài ngày, ông ta ngượng ngùng cầm cái áo đỏ lại gần tôi, lúc này đang núp sau lưng mẹ, chỉ chừa đôi mắt nhìn ông ta chăm chăm. Khuôn mặt vuông vức đen sạm vẽ ra một nụ cười ngượng ngập, rồi ông ta mở miệng nói:
– Mít, thích không con?
Tôi lúc ấy vẫn đang mặc chiếc áo cũ mà bố mua cho, dù với tốc độ lớn của tôi, nó đã trở nên cộc hỡn. Tôi nhìn đôi mắt chờ mong của người đàn ông trước mặt, rúc đầu sâu hơn vào lưng mẹ, kêu lên:
– Không thèm. Xấu òm…
Chiếc áo rực rỡ bị tôi hất xuống nền đất. Mẹ quát lên nạt nộ:
– Mít, không được hỗn!
Rồi mặc cho người đàn ông ấy ngăn cản, mẹ túm tôi lại phát vào mông mấy phát. Tôi thấy mình uất ức làm sao. Ngay lập tức tôi khóc ré lên, luôn miệng kêu “Bố ơi, bố ơi…”
Mẹ sững người lại, dừng tay. Không gian căn phòng rơi vào sự gượng gạo. Tôi chạy biến ra ngoài hè khóc thút thít. Chiếc áo đỏ nằm chỏng chơ nên nền nhà.
…
– Đây là chị Chi. Hơn con một tuổi. Gọi chị đi con. – Mẹ nhẹ nhàng bảo.
Ấn tượng của tôi về Cá Mắm cũng có từ ngày hôm ấy. Lúc ấy, Cá Mắm dè dặt ôm cái cột nhà. Nó đen đen, gày còm. Đôi mắt đen hơi sếch, cái mũi khá tẹt. (Vì thế mà sau này tôi tự đặt cho nó cái biệt danh là Cá Mắm). Do thiếu đôi tay người mẹ, quần áo nó hơi xộc xệch. Cá Mắm cũng như bố nó; nói ít, làm nhiều.
Cá Mắm chỉ hơn tôi vài tháng tuổi, học hơn tôi một lớp, nhưng người lớn hơn nhiều lắm. Khi tôi còn đang ấm ức khóc lóc ngoài hè, mặc cho sự dọa nạt, dỗ dành của mẹ, Cá Mắm lẳng lặng cầm cái áo bị bỏ quên dưới sàn nhà lên, nhẹ nhàng phủi bụi rồi để lên bàn.
Tôi là một đứa bướng bỉnh nên chẳng mấy khi chịu làm theo lời mẹ. Trước mặt mẹ, tôi cố nói sao cho không phải gọi Cá Mắm là chị, cùng lắm thì cố mà xưng tên. Còn sau lưng ban lãnh đạo ư? Tất nhiên tôi gọi là Mắm, thậm chí cả nói trống không luôn. Tôi không ưa nó. Nó cũng chả thích tôi. Và thế là chúng tôi chiến tranh…
Nhìn bề ngoài vậy thôi, nhưng tôi phải công nhận là Cá Mắm học rất giỏi. Điểm của nó trên lớp lúc nào cũng toàn chín với mười. Tôi thì học hành làng nhàng, tầm tầm ở giữa bảng. Lúc nó ở nhà gạo bài thì tôi chạy tung tăng ngoài xóm đi chơi mà.
Dẫu vậy khi nhìn nó khoe điểm với mẹ, cái mũi tẹt hếch hếch lên khi được khen ngợi, đôi mắt liếc tôi đầy thách thức, tôi vẫn thấy tức tối. Cứ dần dà như thế, nó sẽ chiếm hết tình cảm mẹ dành cho tôi mất.
***
Buổi tối, Cá Mắm tá hỏa lên nhìn bàn học gọn gàng của nó be bét vết đen loang lổ từ cái bình mực đổ nghiêng trên mặt bàn. Và tôi xin thề là tôi không hề làm việc đó. Thủ phạm chỉ có thể là con mèo mướp của Cá Mắm thôi. Tôi đã thanh minh với mẹ với đôi mắt và thái độ hết sức chân thật. Thế mà mẹ lại chẳng tin tôi, phạt tôi phải úp mặt vào tường cả buổi tối. Tôi còn bị cấm đi chơi suốt hai tuần liền. Tôi đứng ở góc nhà với sự khó chịu đang gặm nhấm từng chút, từng chút một…
Nhưng dù sao nhìn cảnh Cá Mắm phải mất công chép lại một đống vở (con nhỏ đi thi vở sạch chữ đẹp), tôi cũng thấy hả hê phần nào.
Chiều hôm sau, khi tôi vừa đi chơi đồ hàng ở nhà cái Ốc về, đã thấy một đàn vịt mẹ, vịt con đỏ chót đang tung tăng bơi ngoài sân. Trời đất, đống bài kiểm tra của tôi. Tôi đã giấu đi rất kĩ rồi cơ mà.
– Mít. Sao bị điểm kém còn mang đi giấu? – Mẹ tôi bước ra ngoài sân, lên tiếng.
– Con… – Tôi lí nhí.
– Học hành thế này hả? Chỉ giỏi chơi bời thôi. Có biết mẹ thất vọng về con thế nào không hả? Suốt ngày không chịu học hành. Chỉ đi chơi là giỏi.
Tôi đứng im giữa sân, mặt cúi gằm nghe mẹ thịnh nộ. Rồi đột nhiên, mẹ lôi đâu ra đống truyện mà tôi cất rất kĩ, mang ra ngoài đốt. Tôi hốt hoảng van xin. Nhưng đống truyện thì đã thành đống tro tàn. Đôi mắt tôi mờ đi, khóc vì ấm ức. Đúng là ở nhà-người-ta, không cái gì có thể giấu được. Rồi tôi nhìn thấy Cá Mắm, lúc này đang đứng ở góc nhà. Lúc ấy, càng nhìn tôi càng thấy mắt nó sếch, càng nhìn càng thấy như mép nó đang nhếch lên ngày một cao.
– Xoảng!
Tôi giơ chân đạp đổ đống chậu cây hoa đá mà nó mất công chăm sóc bấy lâu đang nằm ngoan bên hè nhà. Tôi gào lên:
– Là mày chứ gì? Chính mày hớt lẻo với mẹ tao. Đồ lẻo mép. Đồ đáng ghét. Đồ cá mắm gầy nhẳng…
Mẹ tôi bước đến túm vai áo tôi, phát vào mông vài cái đau điếng.
– Đã học dốt và còn đổ lỗi cho người khác. Lại còn phá phách. Mẹ dạy con thế hả?
Tôi nức nở, nhìn thẳng vào mẹ, gào toáng lên:
– Mẹ không cần con nữa chứ gì? Lúc nào mẹ cũng chỉ bênh nó thôi. Mẹ chê con học dốt. Con ham chơi. Mẹ không cần con nữa chứ gì? Con chỉ thế thôi đấy. Bố ơi… Bố ơi…
Nói rồi tôi ôm mặt chạy biến ra ngõ. Tôi nghe tiếng mẹ đằng sau quát lớn:
– Mít. Đứng lại!
Tôi chạy mãi, chạy mãi. Chạy ra khỏi xóm. Chạy hết con đê. Chạy lên cái chòi cũ bí mật trên đồi. Ở đấy, tôi nức nở đến thiếp đi. Trưa hôm đó tôi không về nhà…
Tôi lại mơ về ngôi nhà trên triền đồi. Với cuộc sống hạnh phúc của riêng tôi. Nơi có đủ cả bố và mẹ. Bố cưng chiều tôi. Mẹ chăm lo cho tôi. Cả hai cố gắng vẽ cho tôi một cái vòng tròn hoàn thiện. Nhưng có lẽ việc ấy đã khiến bố mệt mỏi. Để rồi một ngày mưa tầm tã, xóa nhòe con đường đất đầy dấu chân xưa cũ, bố đã ra đi mà không bao giờ quay lại. Tôi thì vẫn bám áo mẹ, ngây thơ mà hỏi rằng:
– Mẹ ơi, bao giờ bố về?
Mẹ không trả lời. Bà ôm lấy tôi, im lặng. Nhưng tôi cảm nhận trên vai mình những giọt nước đau thương nóng hổi. Vòng tròn mong manh ngày nào nay đã vỡ tan…
***
Lúc tôi tỉnh dậy thì đã là buổi chiều. Bụng tôi bắt đầu biểu tình đòi ăn. Tôi chần chừ, không dám quay về nhà, cũng không muốn thấy khuôn mặt của Cá Mắm. Tôi ngồi đấy, giữa cái hốc dưới cây nhãn mà tôi vẫn hay chơi đồ hàng, nằm nghĩ miên man.
Bất chợt, tôi nghe có người gọi, không lấy gì làm thân thiện.
– Này!
Tôi ngước lên. Là Cá Mắm. Mặt con nhỏ đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi.
– Sao… Sao mày biết tao ở đây? – Sau một chút ngần ngừ, tôi nói.
– Mày thì đi chỗ nào được nữa chứ… Trưa mày không về. Mẹ đi tìm nên bị ngã xe đấy.
– Ngã xe? Có… Có sao không? – Tôi thấy ruột thắt lại, một lỗi sợ mơ hồ tràn đến.
Cá Mắm nhìn mặt tôi, chắc lúc ấy đã chuyển thành màu trắng. Nhưng cái tôi ngu ngốc thì vẫn nhất quyết đứng đó, không chịu di chuyển.
– Chỉ sứt sát nhẹ thôi. Nhưng mày làm thế mà được à? Làm mẹ với bố phải mất công đi tìm. Cơm trưa cũng không ăn.
Tôi lúc ấy như tháo được cục sắt trong lòng, nhưng vẫn cố nói. Chắc không khác gì một con gà trụi vẫn cố khoe mẽ.
– Thì… đã làm sao. Ai khiến bố mày phải lo? – Tôi hất mặt.
– Mày nói thế hả? – Cá Mắm bắt đầu sầm mặt.
– Sao tao không được nói? Tao có bố của tao rồi. Bố mày chỉ là kẻ chiếm chỗ bố tao thôi. Cả mày nữa. Mày chiếm mất mẹ của tao. Đồ cá mắm! – Tôi gân cổ lên nói.
– Mày… mày… Đồ con lợn béo ú! – Cá Mắm phản kháng.
Tôi hếch mặt nhìn nó. Nó giương đôi mắt gườm gườm lại. Bầu không khí trong chốc lát chìm xuống. Rồi không thông báo trước, tôi với nó lao vào nhau. Tôi cấu. Nó cào. Tôi túm áo. Nó giật tóc. Hai đứa dùng dằng rồi ngã lăn ra đất. Hai con nhóc mười tuổi quần nhau trên triền đồi.
– Mày cướp mẹ của tao. Đồ chết tiệt!- Tôi gào lên.
– Bố tao đã mất công chọn áo cho mày. Thế mà mày vứt như đồ bỏ đi. Đồ vô ơn!
Tôi với Cá Mắm chửi bới. Tức tối bao năm xả hết ra ngoài. Nó bắt đầu đấm mạnh. Tôi cũng chẳng vừa, nhéo thịt nó vài phát đau điếng. Nó hét lên, xô tôi xuống dưới, cấu cào đủ kiểu. Tôi há mồm cắn luôn vào tay nó. Tôi dùng sức rất mạnh, cố hết sức mà nghiến xuống. Vì tôi biết, về khoản đánh nhau hôm nay tôi cũng thua kém nó nốt. Nó đang phẫn nộ, còn tôi thì không ăn cơm trưa. Cá Mắm dùng sức cấu má tôi, bắt tôi nhả ra. Rồi nó lại lấy tay túm tóc. Lần này thì tôi chỉ còn biết chống chọi, bị nó quần cho mệt lử.
Tàn cuộc chiến, con nhỏ đứng lên. Đôi mắt rực lửa, thở dốc nhìn tôi, kẻ bại trận, lúc này vẫn đang ngồi bệt dưới đất. Tôi nhìn nó. Đến cả đánh lộn cũng thua. Bao uất ức dồn nén không phát ra được như dồn hết lên mắt, cay cay. Nhưng tôi không muốn tỏ ra kém cỏi trước Cá Mắm. Tôi cố giương đôi mắt trừng trừng đầy thách thức.
Kẻ thắng trận nhìn lại, hình như giờ đã bị tôi ảnh hưởng, cũng có thể vì những lời nói cay độc giờ mới phát huy tác dụng. Đòn đau thì luôn có tác dụng tức thì, những lời thương tổn có tác dụng chậm hơn, nhưng sâu hơn nhiều. Nó bỗng ngồi sụp xuống. Lấy tay ôm mặt, vừa khóc vừa nói:
– Mẹ ơi… Mẹ ơi…
Tôi biết người Cá Mắm gọi không phải mẹ mình. Không hiểu sao tôi cũng khóc theo. Hai con nhóc te tua như hai con gà nhúng nước đã khóc rống lên trên triền đồi, mặc cho cảm xúc tuôn trào. Những bí mật cố giấu đi bị đối phương moi móc đến tận chỗ sâu kín nhất, giờ phơi ra trước nắng rọi, méo mó và thảm thương. Và chúng tôi chỉ biết khóc. Đột nhiên tôi thấy nó không hề đáng ghét. Ngược lại, tôi cảm thấy có thể hiểu nó hơn.
Tôi bỗng thấy tội lỗi với những lời nói vô tâm của mình. Nó còn thiếu thốn hơn tôi. Mẹ nó mất khi nó chưa thể nhớ được kí ức gì về mẹ. Tôi từng thấy nó len lén giở tấm ảnh một người phụ nữ ra ngắm. Rồi khi xong lại vội vàng giấu vào tủ quần áo, tận góc sâu nhất.
Sau đó, hai chiến binh bại trận dắt díu nhau về nhà. Vì tội đánh nhau, cả hai cùng bị phạt. Dù tôi bị nhiều lươn vào mông hơn, nhưng Cá Mắm cũng không khá hơn tôi. Chắc tại mông tôi nhiều thịt hơn. Buổi tối nhìn nó xoa xoa mông, mặt nhăn nhó. Tôi bất chợt phì cười. Nó quay ngoắt sang tôi, lườm một cái cháy mặt.
***
– Ê, đứng đấy hong da à?
Tôi thấy Cá Mắm đứng chần chừ trên bờ mương. Nó đang cầm chồng vở, chắc mới đi học nhóm về. Tôi đi chơi ngang qua, nhìn thấy nó như vậy không hiểu sao lại lên tiếng. Nó nhìn tôi, ậm ừ. Tôi nhìn xuống chân nó, liếc qua con mương, nơi chiếc dép hoa đang mắc ở bãi rêu giữa dòng. Mương nước mùa này không sâu lắm, chắc chỉ khoảng đầu gối người lớn.
– Sao không xuống mà lấy đi?
– Tao… tao sợ nước – Nó nói nhỏ.
Tôi nhếch mép. Cá Mắm lúc nào cũng có muôn vàn lí do để sợ. Sợ sâu, sợ ếch, sợ nước, sợ những gì không rõ ràng… Tôi thì khác. Như bao đứa cùng xóm, tôi sợ nhất cái chổi lông gà ở góc tường thôi. À, chắc trừ thằng Bi, bố nó đã ưu tiên sắm hẳn một cái roi mây rồi. Tôi cười, bỏ dép, xắn quần rồi bước ào xuống mương. Tôi lấy chiếc dép mắc ở đám rêu giữa mương, quăng về phía Cá Mắm.
– Có vậy cũng không làm được. Nhát cáy quá đi.
Rồi tôi bước về phía bờ. Nhưng bỗng nhiên, tôi thấy nhói chân, kêu “Á” lên một tiếng. Tôi hơi sững lại, mặt nhăn nhó, vẫn bước về phía bờ. Cá Mắm ở trên bờ lo lắng. Tôi lên trên bờ mương, ngồi sụp xuống, giở bàn chân ra xem xét. Một vết cắt sâu ở trên lòng bàn chân tôi, đã bắt đầu bê bết máu. Chắc tại mảnh sành dưới mương rồi. Cá Mắm nhìn vết thương, mặt xám ngoét. Nó lắp bắp:
– Có… có sao không? Làm gì bây giờ?
Tôi nhăn mặt. Nhìn khuôn mặt nó, lúc này trông thật thảm hại.
– Làm gì nữa? Đi kiếm lá chó đẻ đi.
Cá Mắm chỉ biết lập cập làm theo. Tôi nhai đống ngọn lá, đắp vào vết thương. Cá Mắm thì lo lắng đứng bên, chân tay thừa thãi chẳng biết làm gì. Xong, tôi đứng dậy, đi trước. Rồi tôi quay lại, nhìn con nhóc gầy còm vẫn đang đứng yên một chỗ.
– Còn đứng đó làm gì?
Cá Mắm lập cập chạy theo.
– Mày không sao thật chứ?
– Sao là sao? Đứt chân tí thôi. Bình thường.
Về nhà, tôi giấu nhẹm chuyện bị đứt chân. Nhưng mấy hôm sau, tôi bị sốt. Nhìn vết thương ở chân tôi, mẹ vội vàng tra hỏi. Cá Mắm khai hết mọi việc.
Mẹ đưa tôi đi bệnh viện. Cũng may tôi không phải sốt vì bị uốn ván. Nhưng cũng đủ cho mọi người một trận tá hỏa. Chắc sau khi tôi khỏi, thể nào cũng bị một trận giáo huấn đã đời.
Cá Mắm đến thăm tôi, có mang theo một quyển truyện mới làm quà. Chắc nó phải cho con lợn đất yêu dấu ở nhà ra đi đây. Con nhỏ mang quà đến rồi một lúc lấy cớ về luôn. Tôi nhìn quyển truyện, ngần ngừ giở giở. Con nhỏ biết tặng đúng kiểu truyện tôi thích. Rồi một hàng chữ tím đậm nhỏ nhắn ở ngay trang đầu lọt vào mắt tôi.
“Chóng khỏe nha Mít.
Mắm.”
Con nhỏ nắn nót viết từng chữ, còn kí là Mắm mới ghê. Tôi cười. Bỗng nhiên nhớ ra cả xóm mỗi Mắm là được gọi bằng tên thật – Chi. Mỗi mình tôi đặt cho nó biệt danh và lúc nào cũng réo. Đôi lúc con nhỏ nghe tiếng ai đó gọi lũ bạn với những cái biệt danh ngồ ngộ, nó bất chợt hơi ngây ra, buồn buồn. Tôi tự hỏi, khi mình gọi nó “Mắm, mẹ gọi về ăn cơm!”, sau cái nhìn như dao cạo, nó có từng mỉm cười không nhỉ?
Ừ thì… Hai nửa vỡ ra ghép lại tuy chẳng thể toàn vẹn, vẫn đôi chỗ va vấp, méo mó. Nhưng chỉ cần chúng tôi tin rằng nó tròn trịa và toàn vẹn, thì mọi việc cũng sẽ ổn thôi.
Như khi mẹ dắt tôi đi trên triền đê, rời xa mái nhà ủ dột trên triền đồi, đi từ vùng mưa rơi đến miền nắng dội. Nhìn ngôi nhà lấp ló sau rặng cây với mái hiên nắng đổ vàng óng, tôi đã nghĩ, nó thật đẹp làm sao.
______
Xuân An (Đ.Q.N – 12/2011)
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook