Đầu tháng Mười, bên bờ phía Nam sông Vị, ngoài thành cách con sông tầm mấy dặm, trên một mỏm đất có địa thế tương đối cao ráo, một người đàn ông khoác áo bào màu xanh mặt mày thư sinh đứng chắp tay sau lưng, trên khuôn mặt tinh tế của ông ta mang theo vài phần cương nghị, dáng người cao gầy, gió sông lạnh thấu xương, khiến y phục của ông ta bay phần phật trong gió, nơi này gần với mặt sông, cảnh sắc phía xa như một bức tranh sơn thủy, tư thế người trong tranh tiêu sái phiêu diêu, bóng lưng trông lại càng cứng nhắc trầm trọng hơn, khi không lại tô điểm cho ông ta vài phần ưu tư.

Doanh trại quân đội dày đặc đóng quân ở đối diện phía bên kia sông, những lá cờ màu đen tung bay phấp phới, ngựa phi rầm rập, tiếng người la hét theo gió truyền tới, bầu không khí xơ xác tiêu điều nặng nề kéo đến.

Hàn Đường quá bộ đến bờ sông, trái tim trầm xuống: “Kỷ luật quân đội của người Khương nghiêm minh, người ngựa hung hãn, chỉ trong có hai tháng một nửa cương thổ tiêu vong, quốc gia lâm nguy, bách tính lầm than.”

“Lão gia, vào thành thôi.” Thư đồng đi tới gần quan tâm nói với Hàn Đường.

Hàn Đường trầm mặc hồi lâu, quay người lại, để thư đồng khoác thêm áo choàng bông cho mình, rồi bước xuống khỏi mỏm đất, một cỗ xe ngựa có lều che màu đen đã dừng sẵn bên đường, ông ta lên xe, bánh xe chầm chậm lăn về hướng thành Dương Châu.

Hàn Đường này xuất thân từ gia đình bần hàn, người huyện Phân Nghi, Lương Châu, là Tiến sĩ nhị giáp năm thứ hai mươi ba Gia Hy triều đình Đại Yến, năm ấy ông ta mới chỉ có mười tám tuổi đang thời trai tráng, sau đó vào viện Hàn Lâm, giữ chức Biên tu của viện Hàn Lâm, ba năm sau thăng chức đảm nhiệm vị trí Học sĩ Thị đọc, ba năm sau nữa lại thăng chức lên làm Quang lộc tự khanh, từ đó cho đến khi tân đế đăng cơ, một đường thuận buồm xuôi gió, trải qua hai đời vua, số làm quan hưng thịnh, có thể nói là tuổi trẻ mà đã thành đạt.

(Biên tu là chức quan thuộc Hàn Lâm viện, hàm Chánh thất phẩm, giữ việc ghi chép quốc sử.)

(Thị đọc là chức quan trong việc Hàn lâm, giữ việc đọc sách cho vua nghe.)

(Quang lộc tự khanh là chức quan coi sóc việc ăn uống yến tiệc cho nhà vua.)

Mùa thu năm Cảnh Đức thứ ba, đột nhiên Hàn Đường nhận được thánh chỉ, đảm nhận chức vụTuần sát sứ Lương Châu, lập tức lên đường, trước khi Hàn Đường rời kinh, trong triều đã nhận được tin báo chiến trường từ phủ Lương Châu đã bị địch chiếm đóng, nhưng hoàng lệnh vẫn giữ nguyên như cũ, phủ Lương Châu đã nằm dưới gót sắt của người Khương, Hàn Đường không hiểu rốt cuộc cái chức Tuần sát sứ này của ông ta còn phải đi để kiểm tra cái gì nữa, đêm khuya ông ta đến thăm Thừa tướng, Hàn thừa tướng hiện đang là nguyên lão hai triều khuyên ông ta hai câu: “Từ xưa đến nay thứ Tuần sát sứ tuần tra giám sát đều là người, liên quan gì đến đất?” Rồi lại bồi thêm một câu nữa: “Cái Hoàng thượng muốn nghe là sự thật, sau này ngài ngồi lên cái vị trí Thừa tướng này rồi, lục bộ vẫn sẽ quanh đi quẩn lại xét nét hành động của ngài lần này, hy vọng ngài có thể tự mình giải quyết ổn thỏa!”.

(Tuần sát sứ là một chức quan thay mặt triều đình đến các địa phương để kiểm tra, thị sát. Thường sau khi xảy ra thiên tai như lũ, lụt hạn hán sẽ phái một vị quan ngũ phẩm trở lên đảm nhiệm chức này, điều tra quan lại, cứu trợ nạn dân.)

Hàn Đường rời khỏi kinh được vài ngày, lúc này phần lớn cương thổ từ phía Bắc Duyệt Châu của sông Vị đã thất thủ, dân thường quý tộc ùn ùn trên đường bỏ chạy về phía Nam nhiều như mây, nên bị tắc nghẽn chậm trễ, đợi đến khi ông ta đến được Dương Châu thì người Khương đã vung đao chiếm được một nửa sông Vị hình thành thế cục giằng co.

Hàn Đường đến Dương Châu đã được ba ngày, liên tiếp cả ba ngày đã ba lần đưa thiệp tới quân doanh Lương Châu đóng quân ở ngoài thành Dương Châu để tìm Hoắc Chân, nhưng không lần nào gặp được, Hoắc Chân rất bận, tốc độ của người Khương quá nhanh, phản ứng của triều đình lại quá chậm, trong vòng hai tháng binh mã ở các châu phủ lần lượt tập kết lại, quân trướng bên ngoài thành Dương Châu mọc lên không ngớt, mười mấy vạn đại quân từ đủ nơi đổ về đông như kiến, nên công việc của Hoắc Chân rất bận, hôm nay ở chỗ này ngày mai ở chỗ khác Hàn Đường chẳng chặn đường chạm mặt được đến lấy một lần.


Hôm nay Hàn Đường vẫn chưa gặp được Hoắc Chân, từ ngoài thành về, ông ta quyết định đi đến phủ Thái thú ở Dương Châu một chuyến, ông ta nghe nói mấy ngày nay Hoắc Chân thường ra vào phủ Thái phú, nên muốn thử xem có may mắn gặp được ở đó không.

Đường thủy ở Dương Châu rất phát triển giao thông cũng thuận lợi, xưa nay vô cùng thịnh vương, phủ Thái thú đương nhiên cũng phải bề thế cho tương xứng, trước cửa là con sư tử đá trấn thủ cực lớn, cánh cửa đỏ tươi vừa mở ra, thì đập ngay vào mắt là cảnh tượng khá kỳ quái, thủ vệ ở cửa chia ra làm hai trường phái, một bên là hộ vệ mặc áo giáp buộc khăn đỏ cao lớn sừng sững, thắt lưng đeo bội đao, chắc chắn là vệ binh thân tín trong quân doanh, trong khi đó người còn lại cũng đeo trường đao, nhưng lại mặc trang phục nha dịch bình thường, đây mới là thủ vệ của phủ Thái thú.

Hàn Đường bước xuống khỏi xe ngựa, gã mặc trang phục nha dịch đưa mắt liếc nhìn người còn lại, trong ánh mắt ẩn chứa sự phẫn nộ và đố kị vì sự thấp kém của bản thân, nhưng người kia lại bất động như núi đá, vẻ mặt nghiêm túc, bất kể người này có động tĩnh gì, thì bọn họ đều đứng im như tượng.

Hàn Đường đứng đó rất lâu cũng không có ai để ý đến ông ta, đang chuẩn bị bước lên bậc thang thì sau lưng đột nhiên truyền đến tiếng vó ngựa dồn dập, vốn dĩ cứ tưởng người đến chắc chắn là võ sĩ dũng mãnh lắm, kết quả quay đầu lại nhìn, người cưỡi ngựa lao đến lại là một văn sĩ trung niên mặc áo xanh.

Kỹ thuật cưỡi ngựa của người này rất tốt, tuy ngựa phi tới rất nhanh nhưng lúc sắp tới gần liềm ghìm lại thế ngựa, con ngựa ở nguyên chỗ cũ xoay nửa vòng rồi ổn định được thân mình ngay, vị văn sĩ này nhảy xuống ngựa, quét ánh mắt nhìn về phía Hàn Đường, rồi bước thẳng tới chỗ ông ta, cung tay nói: “Vị này là Tuần sát sứ Hàn Đường của Dương Châu, Hàn đại nhân đúng chứ?”.

Hàn Đường cung tay trả lễ: “Đúng là tại hạ.”

Người này lại nói: “Ngài đến tìm Hoắc Đại tướng quân à?”.

Hàn Đường ngạc nhiên đáp: “Đúng vậy.”

Người đến nhìn chắc chỉ tầm hơn bốn mươi tuổi, dáng vẻ tầm thước, trên người mặc một bộ quần áo dài đơn giản nhưng rất sạch sẽ, ngũ quan mang theo khí chất phóng khoáng và hiền hòa, ông ta lập tức nói: “Vừa hay, ta cũng có chuyện tìm ngài ấy, chúng ta cùng vào thôi.”

Hàn Đường thoáng ngây người, sau đó lập tức cung tay cảm ơn: “Đa tạ, không biết nên xưng hô với đại nhân thế nào?”.

Người này mỉm cười, đi trước dẫn đường: “Tại hạ không phải là đại nhân gì cả, tại hạ là quân sư trong phủ của Đại tướng quân, Đường Thế Chương.”

Theo lý mà nói thái độ của Đường Thế Chương đối với Hàn Đường là cực kỳ vô lễ, không nói đến thân phận Tuần sát sứ của Hàn Đường, mà chỉ riêng việc bình thường chức quan của ông ta là đại thần tòng tam phẩm trong triều, nếu về ở địa phương thì bất kỳ vị Tri phủ nào nhìn thấy ông ta đều phải hành đại lễ qua lại thăm hỏi rồi, nhưng Đường Thế Chương không quan không chức nhưng lại không bái không lạy, thì đúng là cạn lời, nếu Hàn Đường thật sự tính toán muốn trị ông ta tội bất kính thì dư sức, nhưng con người này tính cách ung dung, cử chỉ lễ độ, cũng không phải người quá câu lệ tiểu tiết, ngược lại Hàn Đường còn cảm thấy ông ta thông suốt, nên rất thích.


Hai người đi thẳng vào phủ Thái thú tuyệt không một ai ngăn cản, Đường Thế Chương nhiệt tình dẫn đường đưa ông ta đi xuyên qua ba tiểu viện, gần như là đã tới hậu đường của phủ Thái thú, cuối cùng tiến vào một gian đình viện, bên trong có hồ nước giả sơn, tuy rằng đã vào đông, nhưng đất Giang Hoài xưa nay ấm áp, nên bốn bề xung quanh cây cối tươi non mơn mởn, lưu thủy hờ hững trôi.

Trong đình viện gồm một dãy ba gian phòng, mái ngói xanh cột trụ đỏ vô cùng tinh xảo, cửa lớn của gian phòng chính giữa đang mở, thấp thoáng nhìn thấy được thư phòng được bố trí bên trong, hai người còn chưa vào đến nơi, thì tiếng cãi nhau đã truyền đến từ xa.

“Hoắc Chân ta nói ông nghe, ta không quan tâm ông muốn làm gì, muốn thế cục lớn đến mức nào, ông cứ làm việc của ông, đừng có kéo theo ta xuống nước.” Giọng nói cực kỳ to, chứng tỏ thân thể, sức lực của người này vô cùng khỏe mạnh.

“Bùi Thế Lâm, ta nói này, nhớ năm ấy lúc ông và ta cùng nhau đèn sách ông là chàng thiếu niên anh tuấn dũng cảm, hào khí ngất trời biết bao, giờ mới qua được bao nhiêu năm nào? Tri phủ thanh liêm ba năm, kiếm mười vạn nén bạc trắng, ông cùng làm đến chức Thái thú rồi, ông nói xem ông đã tham ô được bao nhiêu hả? Ông nhìn bụng ông đi, eo nữa kìa, có thấy xấu hổ không?” Giọng điệu của người này tùy tiện, nhưng thanh âm lại rất dễ nghe.

Đường Thế Chương và Hàn Đường tiến vào, chỉ thấy trong phòng có hai người đàn ông đang đứng rất gần nhau, một người giày cao áo bào đỏ, đai lưng đính bạch ngọc, là quan phục của quan văn nhị phẩm trong triều, quả nhiên người này tướng tá vạm vỡ, sắc mặt đỏ hồng khỏe mạnh, khuôn mặt khôi ngô, nhưng lại có dấu hiệu phát phì của người trung niên, bụng mỡ hơi to.

Người còn lại cũng mặc quan phục, nhưng phục sức thêu hình kỳ lân trên áo lại là của võ tướng nhất phẩm, khuôn mặt của người này trắng trẻo không có râu, ngũ quan cương nghị, mang một loại anh tuấn được tích lũy theo năm tháng đặc hữu của đàn ông trung niên, chỉ là khí chất của người này hiện giờ rõ ràng là có hơi dung tục, chen đến giữa vị quan văn và thư án, thò tay chọc vào cái bụng của ông ta, đầu mày khóe mắt đều mang theo vẻ trêu đùa.

Hàn Đường chưa thấy hai người này bao giờ, nhưng cũng dễ dàng đoán ra được thân phận của bọn họ, hai người này có thể coi là những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy của triều đình Đại Yến, một người thân phận có lớn một chút, thân vương thế tập, Dụ vương, Tổng đốc binh mã Lương Châu, và chức Phiêu kỵ Đại tướng quân nhất phẩm do Tiên đế đích thân phong cho, đều là hàm tước của ông ta, người còn lại là Thái thú Dương Châu, cháu của Thái hậu, hai người này một người là hoàng thân một người là ngoại thích, thân phận đều cao quý như nhau.

(Thế tập là tước vị được cha ông truyền lại cho con cháu.)

Trong phòng Bùi Thái thú hất bàn tay của Hoắc Chân đang chọc vào bụng của mình ra, bực mình thở phì phò: “Hoắc Chân ta nói cho ông nghe, không phải ta hụt hơi đâu nhé, ông nói xem ông đã làm những gì hả? Nếu ông muốn chết thì cứ đi chết đi, kéo theo mẹ già và cả mười mấy thê thiếp của ông bồi táng cùng đi, ta không có quan hệ khỉ gió gì với ông hết, tội gì phải rơi đầu vì ông.”

Hai người trong phòng phát hiện ra hai người ở ngoài cửa, bọn họ nhất loạt đưa mắt nhìn ra, rồi coi bọn họ như mấy cái cọc gỗ, Hoắc Chân thu ánh mắt lại, vắt ngang cánh tay lên vai Bùi Thái thú, sống chết siết chặt, ánh mắt ngả ngớn nói: “Thiếu Ung, ông sợ rồi, thật giống hệt đám đàn bà con gái.”

“Cút!” Bùi Thái thú hung hăng lắc mạnh vai muốn giãy ra khỏi cánh tay của Hoắc Chân, đáng tiếc giãy không thoát, gầm lên: “Ngươi chiếm phủ Thái thú của ông đây, tự ý mở kho lương của châu phủ, nhồi cho cái đám binh nhãi nhép của ngươi, suốt dọc đường lương thực Lương Châu, Ký Châu, Duyệt Châu ngươi cướp còn ít sao? Đã thế còn mở cả kho lương của ông, ông đã chẳng tính toán gì, giấu không báo lên trên thì thôi. Ngươi còn muốn thế nào? Hả? Còn muốn thế nào nữa?”.


Hoắc Chân sống chết ôm lấy Bùi Thái thú, nói bằng giọng cực kỳ tội nghiệp, uyển chuyển bảo: “Thiếu Ung, ông hiểu mà, ta luôn khắc sâu tình nghĩa chúng ta cùng nhau đèn sách năm ấy, ta biết trong lòng ông chứa đầy tinh thần báo quốc, nên muốn cùng ông cùng tiến cùng lùi.”

Dường như Bùi Thái thú giận thật, ra sức vặn vẹo để giãy thoát khỏi sự kiềm chế của Hoắc Chân, tiếc là không được như ý muốn, trừng mắt gào toáng lên: “Cút đi, lão già lưu manh nhà ngươi.”

“Không cút.”

“Nếu ngươi không chịu bỏ ra, ngươi có tin ông đây sẽ tẩn cho ngươi một trận nhừ tử không.”

“Không tin.”

“Hôm nay ông đây sẽ cho ngươi biết tay.”

Một tiếng “bốp” giòn tan vang lên, một tay của Bùi Thái thú toàn mực đen, còn mặt của Hoắc tướng quân thì như đang nở hoa, lớp mực đen sì chảy xuống mặt ông, bên trong còn loáng thoáng có chút đỏ tươi, trong cơn giận dữ Bùi Thái thú đã lấy nghiên mực nện lên đầu Hoắc tướng quân.

Hai vị quan lớn chốn biên cương, đường đường là trọng thần của triều đình, mà cãi nhau như mấy bà hàng tôm hàng cá, Hàn Đường không mấy kinh ngạc trước nội dung cãi nhau của bọn họ, ngược lại còn thấy vô cùng ngạc nhiên trước màn diễn sâu của hai người.

Trong khi hai người trong phòng cãi nhau ầm ĩ đến nỗi không thể cứu vãn nổi, thì Hàn Đường lại thấy Đường Thế Chương cực kỳ bình tĩnh bước vào phòng, coi như không nhìn thấy ai, nhẹ nhàng đóng hai cánh cửa lại, sau đó ra khỏi phòng, xoay người mỉm cười với ông ta đoạn nói: “Để Hàn đại nhân chê cười rồi.”

Hàn Đường nắm tay che miệng ho khan một tiếng, ánh mắt đảo một vòng quanh tiểu viện nói: “Tại hạ cảm thấy cảnh sắc trong tiểu viện này rất tinh tế.”

Hai người ở bên ngoài phòng nhìn nhau bật cười, có những chuyện không nên nói công khai ngay trước mặt mọi người làm gì.

Cãi nhau thành ra thế này, có thể thấy hôm nay Hàn Đường tới bái kiến Hoắc Chân lại bất thành rồi, nhưng may là vừa nãy từ cuộc đối thoại trong phòng của hai người, biết được dạo gần đây Hoắc Chân thực sự đóng quân trong phủ Thái thú, trong lòng ông ta lập tức có tính toán liền cáo từ Đường Thế Chương luôn.

Đường Thế Chương cũng không giữ, tiễn Hàn Đường ra khỏi phủ Thái thú, hai người đứng trước cửa nói vài câu khách sáo rồi cáo biệt nhau, Hàn Đường chuẩn bị bước lên xe, thì đột nhiên Đường Thế Chương lên tiếng gọi tên ông ta: “Hàn đại nhân.”

Hàn Đường quay người lại hỏi: “Đường huynh có chuyện gì không?”.


Đường Thế Chương hơi nhíu mày, tựa hồ như suy nghĩ rất lâu rồi mới mở miệng nói: “Ta thấy nếu Hàn đại nhân muốn hiểu rõ người Khương đã tác loạn ra sao, cùng với tình hình bên bờ phía Bắc sông Vị hiện giờ, thì so với việc tìm Hoắc tướng quân, chi bằng tìm người khác, người này có lẽ còn nắm rõ mọi việc hơn tướng quân nhiều.”

“Ồ? Người nào vậy?” Hàn Đường hứng thú hỏi.

Đường Thế Chương đưa tay vuốt chòm râu ngắn, không nhanh không chậm đáp: “Không biết Hàn đại nhân có nghe nói Hoắc tướng quân có một cô con gái không?”.

Ánh mắt Hàn Đường lóe sáng, tuy rằng con trai con gái của Hoắc Chân nhiều, nhưng rõ ràng chỉ cần nghĩ một lúc là ông ta biết ngay Đường Thế Chương đang nói đến là ai, sự tồn tại của Hoắc Thời Anh trong triều đình Đại Yến có thể nói là khiến người ta lúng túng không biết nên miêu tả thế nào, chỉ cần mỗi lần tên của nàng ta xuất hiện trên báo cáo tình hình chiến trường giữa triều đình, thì nhất định sẽ có một làn sóng ồn ào nổi lên, cô gái này quả thực rất nổi tiếng, Hàn Đường gật gật đầu: “Đương nhiên là biết.”

Đường Thế Chương cười khẽ nói: “Người ta muốn nói với ngài chính là cô bé đó, Hoắc Đô úy trấn thủ biên thành đầu tiên ở Tây Bắc, con bé cũng là tướng lĩnh cuối cùng rút khỏi Lương Châu, không ai hiểu rõ quân tình ở Lương Châu hơn con bé đó đâu, hơn thế lần này con bé thất lạc với đại quân, vừa mới liều chết xông ra khỏi bờ phía Bắc, tình hình cụ thể bên đó như thế nào làm gì còn ai có thể tường tận bằng con bé.”

“Hả? Liều chết xông ra?” Hàn Đường lòng tràn đầy kinh hãi.

Đường Thế Chương cười thản nhiên đáp: “Phải, ngài không nghe thấy động tĩnh vừa bờ đối diện lúc sáng sao? Đó là lúc người Khương đang truy sát bọn họ đấy, nghe nói vì con bé, mà bên ấy còn phái hẳn một đội kỵ binh người Khương đuổi theo, giờ không biết đã chém giết đến đâu rồi.”

Hàn Đường nhớ ra sáng nay quả thực ông ta có loáng thoáng nghe thấy những âm thanh náo loạn từ phía quân doanh bên bờ sông đối diện, trong lòng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.

Đường Thế Chương tiếp tục nói: “Nơi ở của Đô úy là ngôi nhà cuối cùng ở hẻm Chiết Quế phía Đông thành Dương Châu, giờ có thể coi như đã ổn thỏa cả rồi, nếu Hàn đại nhân có lòng, thì có thể qua đó tìm con bé.”

Hàn Đường cung tay cám ơn Đường Thế Chương: “Đa tạ Đường huynh đã chỉ điểm.”

Đường Thế Chương cũng nắm tay lại trả lễ: “Hàn đại nhân khách khí rồi.”

Hai người lại chia tay nhau thêm lần nữa, rồi Hàn Đường mới lên xe rời đi.

Xe ngựa của Hàn Đường đi khỏi, Đường Thế Chương vẫn đứng nguyên chỗ cũ cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi mới quay người đi vào trong, còn Hàn Đường lên xe ngựa xong đắn đo một lát, cuối cùng gõ vào vách cửa sổ, nói vọng ra bên ngoài: “Đến hẻm Chiết Quế.”


Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương