Trong màn đêm yên lặng, tôi cầm điện thoại như một đứa trẻ to gan trộm kẹo.

Tôi vừa lo lắng vừa đề phòng với lọ kẹo ở trên tủ cao vì thừa biết nếu ngã xuống sẽ vỡ đầu, chảy máu.
Đáy lòng tôi sợ hãi bất an, vì đầu óc tôi nóng lên, sợ cậu ấy thấy tôi vô duyên.
Một lát sau, cuối cùng tôi cũng đợi được câu trả lời của Chu Gia Dã: [Tôi không biết đâu.]
[Nhưng mà…]
Cậu ấy tạm dừng, sau đó mới gửi tiếp câu sau: [Tôi sẽ ăn thịt trẻ con, nhất là mấy đứa trẻ nửa đêm không ngủ.]
Nhìn thấy phản hồi của Chu Gia Dã, tôi bỗng không kìm được mà mỉm cười.

Đêm khuya rất yên tĩnh, tôi sợ làm phiền đến bạn cùng phòng nên chui vào chăn, cố gắng kiểm soát bản thân.
Câu trả lời của Chu Gia Dã lúc nào cũng ngoài dự đoán của tôi.

Còn đứa trẻ to gan kia không đập đầu chảy máu, mà nó đã cẩn thận nếm được kẹo ngọt rồi.
Tôi cực khổ lắm mới ổn định lại tâm tình và trả lời cậu ấy: [Nghe như thể cậu là ma quỷ ấy.]
Chu Gia Dã bảo: [Hồi nhỏ cậu không nghe người lớn hù vậy hả? Tối mà không ngủ ngoan là sẽ bị bắt đi ăn thịt luôn.]
[Không.] Tôi giải thích: [Lúc nhỏ tớ ngoan lắm, cũng chẳng có ai bắt tớ ngủ sớm.]
Thật ra Chu Gia Dã không biết quá khứ của tôi, đây coi như là lần đầu tiên tôi kể với cậu ấy.
Chu Gia Dã lập tức hiểu thành ý khác: [Cậu được tự do thế ư?]
Tôi không muốn trốn tránh nữa, tôi chọn lời lẽ bình thường nhất để kể cho cậu ấy: [Không phải là tự do, mà là không có ai muốn quản lý tớ.]
Tôi nhớ rõ vào ngày đầu năm ấy, cậu ấy dẫn tôi đi dạo phố Văn Hòa, hỏi rằng Đế Đô tốt thế sao lại về thành phố nhỏ phía Nam này.

Lúc đó tôi không nói cho cậu ấy biết.
Sau đó tôi và cậu ấy lạc nhau giữa thế gian, cả năm lớp 12 đều không có tin tức gì, cũng không cho cậu ấy biết nguyên do.
Cái giá của việc làm kẻ nhát gan là đánh mất Chu Gia Dã.
Đến tận bây giờ cậu ấy vẫn không hỏi tôi tại sao lúc đó luôn tránh né, không có tin tức.

Không biết là cậu ấy không để ý hay là đã quên rồi.

Nhưng tôi không muốn phải chịu đựng cái giá như thế nữa, tôi không muốn làm kẻ nhát gan nữa.

Nếu cậu ấy hỏi, tôi sẽ nói cho cậu ấy nghe hết.
Nhìn khung chat vẫn lặng im, tôi bỗng nhận ra có lẽ lời nói của tôi sẽ khiến cậu ấy khó xử và mang cho cậu ấy gánh nặng tâm lý.

Bởi không phải ai cũng muốn nghe những điều tiêu cực của người khác.
Cậu ấy quay phim đến tận bây giờ, cả ngày mệt mỏi đến giờ chắc đã rã rời, bây giờ cậu ấy không muốn nghe mấy chuyện này đâu.
Ngay khi tôi không biết phải làm sao, vừa định thăm dò coi cậu ấy ngủ chưa thì cậu ấy nhắn tin cho tôi: [Cậu lấy tai nghe đi.]
Tôi ù ù cạc cạc: [Tớ á?]
[Đúng vậy, cậu đó.]
Tôi luôn để tai nghe cạnh gối, vì mất ngủ nên tôi dễ tỉnh giữa đêm, mà mỗi khi thức giấc thì cảm xúc vô cùng khó chịu, tôi cần vài bản nhạc hoặc video xoa dịu cảm xúc của mình.
Tôi đeo tai nghe xong xuôi, hỏi cậu ấy: [Sau đó thì sao?]
Sao đó, màn hình chuyển đổi, Chu Gia Dã gọi điện cho tôi.
Khoảnh khắc đó, tim tôi đập rất nhanh, cảm giác như đang nằm mơ vậy.

Tôi nhận cuộc gọi, mọi âm thanh đều được phóng đại qua tai nghe, tôi nghe thấy tiếng sột soạt của quần áo, cũng nghe thấy tiếng va chạm của thứ gì đó vừa được cậu ấy đặt xuống.
Chỉ nghe thấy tiếng nên tôi không đoán được cậu ấy đang làm gì.
Khi cậu ấy phát hiện cuộc gọi đã được kết nối, bên tai tôi có tiếng cười khẽ: [Nhận điện thoại chậm dữ vậy?]
Vừa mở miệng ra là chê cười tôi, tôi muốn giải thích theo bản năng.
Chỉ là tôi không thể mở miệng nói chuyện được, vì bạn cùng phòng của tôi đều đang ngủ.

Tôi chỉ đành chậm chạp gõ chữ: [Tớ không chậm.]

[Ừm, cậu không chậm.] Giọng điệu của cậu ấy chứa chan ý cười, nghe như nói cho có lệ.
Sau đó có tiếng đàn piano vang lên, cậu ấy hỏi tôi: [Cậu nghe được tiếng đàn không?]
Tôi gõ: [Được.]
[Có rõ không?]
[Rõ lắm.] Tôi hỏi cậu ấy ngay: [Cậu kiếm đâu ra cây đàn vậy?]
[Bên hàng xóm có người chơi keyboard trong ban nhạc, tôi mượn đàn của người ta một chút.]
Tôi nhìn thoáng qua thời gian trên điện thoại, đã là hai giờ sáng rồi, tôi ngạc nhiên hỏi: [Giờ này mà cậu đi mượn á?]
[Bọn họ mới ra ngoài ăn khuya.] Cậu ấy đàn một loạt nốt, rồi bảo: [Tôi mới học gần đây, để tôi đàn cho cậu nghe một đoạn chúc ngủ ngon.]
Tôi gõ chậm hơn cậu ấy nói, khi tôi còn đang nhập thì cậu ấy lại nói tiếp: [Tôi chỉ có thể nghĩ ra cách này để dỗ cậu ngủ thôi.

Nếu cậu không ngủ được thì cũng không được trách tôi, tôi đã cố hết sức rồi.

Nghe không?]
Giọng điệu của cậu ấy không dịu dàng chút nào, thậm chí còn hơi dữ dằn như đang đe dọa.
Nhưng tôi nhớ lại vài phút trước khi cậu ấy chưa trả lời tin nhắn, hóa ra là do cậu ấy sang hàng xóm mượn đàn, cậu ấy đã tính trước rồi.
Bỗng nhiên tôi thấy mũi mình cay cay, chỉ gửi cậu ấy một chữ ồ.
Cậu ấy không nói nữa, trong tai nghe chỉ có tiếng đàn du dương rất êm ái, như lời nỉ non khe khẽ, khiến người ta dần dần bình tĩnh lại.
Tôi chưa từng nghe Chu Gia Dã đàn bao giờ, trong hiểu biết của tôi, mấy việc như đánh đàn rất xa vời với cậu ấy.

Ấn tượng mà cậu ấy cho tôi là hình ảnh mồ hôi đầm đìa nhưng lại sảng khoái trên sân bóng.

Cậu ấy quay người về phía ánh sáng nhưng lại rực rỡ hơn cả ánh dương vàng chói.
Ngay khi nốt nhạc đầu tiên vang lên, tôi khó lòng tưởng tượng ra Chu Gia Dã trong đầu mình.
Cảm giác này giống như ngày đó tôi nhất quyết gặp cậu ấy ở con đường cạnh đài phun nước, cậu ấy ngồi dưới ánh trăng mờ ảo.

Cậu ấy mặc âu phục, tay đeo đồng hồ đắt tiền, gương mặt sắc lẹm.

Cậu ấy vẫn lười biếng ngồi trên ghế dài, lúc ngước mắt lên nhìn tôi thì nhướng mày cười, cho tôi một cảm giác áp bức không chịu nổi.
Tôi không thể tưởng tượng ra đây là Chu Gia Dã từng dắt tôi dạo khắp phố Văn Hòa hồi 15 tuổi, nhưng tim tôi đập như trống bỏi, tôi biết rõ đây là cậu ấy.
Tiếng đàn của cậu ấy rất êm, êm đến mức những cảm xúc tồi tệ, ồn ào đều lặn mất, chỉ thấy được màn hình cuộc gọi, ảnh đại diện của cậu ấy trông như một chú bướm.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Thời gian trên màn hình trôi qua từng giây.
Tôi muốn gặp cậu ấy hơn bao giờ hết.
Đàn đến nốt cuối cùng, tiếng đàn dịu êm của cậu ấy kết thúc, tai nghe yên lặng một hồi lâu.
Cậu ấy cũng không cất tiếng, chỉ gõ chữ hỏi tôi: [Ngủ rồi à?]
Tôi cầm điện thoại, không đáp lại.
Tôi nghe thấy tiếng cậu ấy từ từ đứng dậy, động tác rất khẽ khàng, dường như cậu ấy đang bước ra khỏi phòng.

Cuộc gọi vẫn không ngắt, màn hình vẫn đang đếm giờ, từng phút từng giây cứ trôi qua.
Cuối cùng khi tôi nghe được tiếng đóng cửa rất khẽ, chắc là cậu ấy đã về phòng của mình.
Tôi chỉ lặng lẽ nhìn màn hình, nhìn con bướm mà tôi không nhận ra, sau đó yên lặng nhìn cuộc gọi kết thúc.
Sau khi cúp máy, cậu ấy nhắn cho tôi hai chữ: [Ngủ ngon.]
Sau này tôi mới biết, hôm đó cậu ấy quay phim cả ngày, sáng sớm hôm sau lại phải quay tiếp lúc bảy giờ.

Nhưng ngay khi tôi bảo không ngủ được, cậu ấy vẫn nghĩ cách ru tôi ngủ.
Một tuần sau, tôi đến Tô Thành.
Không có lý do gì cả, quyết định cũng vội vàng.

Có lẽ sau đêm đầy rung động kia, tôi cực kỳ muốn gặp cậu ấy.
Khi tiết học của tuần này kết thúc là đến kỳ nghỉ lễ 1-5, bạn cùng phòng đến từ khắp mọi miền, mấy ngày nghỉ ngắn ngủi không thể về nhà kịp nên họ đều ở lại Đế Đô.


Họ muốn hẹn nhau đi du lịch đâu đó, chọn lựa mấy lượt, nghiêm túc cân nhắc xem nên đến thành phố nào.
Có người nhắc đến Tô Thành, bảo rằng Tô Thành có nhiều điểm du lịch, có nhiều món ăn vặt.

Sau đó nói đến Tô Thành thì nhất định phải đến thăm phim trường, nhiều khi còn gặp được ngôi sao nữa.
Nhưng cuối cùng Tô Thành đã bị loại, họ lại lựa chọn giữa hai thành phố khác.

Song khi nghe họ nói, lần đầu tiên tôi biết hóa ra phim trường không chỉ để quay phim mà cũng có thể là địa điểm du lịch.
Tôi nhắn tin cho Chu Gia Dã: [Phim trường có thể vào tham quan luôn hả? Tớ mới nghe mấy bạn cùng phòng bàn với nhau.]
Phải mấy tiếng sau Chu Gia Dã mới trả lời tin nhắn của tôi: [Chỉ cần mua vé là có thể vào phim trường Tô Thành.

Sao thế? Mấy bạn cùng phòng của cậu muốn đến chơi hả?]
Lúc đó nhóm bạn cùng phòng của tôi đã thảo luận xong, họ chốt địa điểm rồi, không chọn Tô Thành.
Tôi trả lời cậu ấy: [Không, bọn họ chỉ cân nhắc thôi.]
[Còn cậu thì sao?]
Bốn chữ thình lình xuất hiện khiến tôi không kịp phòng ngừa.
Tôi nói thật với cậu ấy: [Bọn họ bàn bạc hết rồi, tớ không đi với họ vì tớ không thích ra ngoài.]
Cậu ấy vẫn thích gửi tin nhắn thoại, tôi nghe thấy cậu ấy đang cười: "Ừm, coi như tôi chưa hỏi gì ha."
Tôi vốn thật sự không định ra ngoài.
Nhưng lời nói vô tình của Chu Gia Dã khiến tôi lung lay.
Từ lung lay ý định đến hành động đặt vé, đặt khách sạn chỉ mất vỏn vẹn chưa đến nửa tiếng.

Khi nhìn thấy thông báo đã thanh toán thành công, tôi mới nhận ra mình vừa làm gì.
Tôi nằm ngả ra giường, nghe tiếng tim đập rất nhanh như một đoàn tàu lao đi với tốc độ chóng mặt, từng giây từng phút chạy về đích.
Tiết học của tuần này kết thúc, vào nửa ngày cuối cùng, mấy bạn cùng phòng của tôi đã xuất phát đi chơi.

Bọn họ không biết tôi sắp đến Tô Thành, thật ra tôi cũng không cho ai biết cả.
Mấy ngày nay Chu Gia Dã vẫn đang chạy theo tiến độ, bận rộn hơn bình thường.

Lâu lâu mới trả lời tin nhắn của tôi được, lịch sử trò chuyện luôn bị ngắt quãng.
Cậu ấy bảo vốn phải quay xong trong mấy ngày nay rồi, 1-5 sẽ được nghỉ hai ngày.

Nhưng tiến độ quay chụp có vấn đề, có lẽ sẽ không có ngày nghỉ nào nữa.
Vì vậy tôi không cho cậu ấy biết mình đã mua vé, tôi vẫn chọn đến Tô Thành.
Coi như là đi du lịch giải sầu, đi ngắm phong cảnh ngoài kia, nhìn nơi ở hiện tại của cậu ấy, chỉ đi một chuyến rồi về.
Tôi nghĩ thế.
Nhưng không ngờ rằng, ngày đó tôi vẫn gặp được Chu Gia Dã.
Lúc đến Tô Thành là hơn 8 giờ tối, mấy khu tham quan đã đóng của nên tài xế chở tôi về thẳng khách sạn.
Tôi không mang theo hành lý gì nhiều, chỉ đeo một chiếc balo to với đồ sạc, ô và mấy thứ thiết yếu.

Khi ấy tôi hơi đói bụng, nhận phòng xong liền tìm đồ ăn ở gần đó, nhân tiện ngó nghiêng tình hình xung quanh.
Màn đêm đã buông xuống, người người tới lui trên đường, vẫn còn sôi nổi lắm.
Tuy không vào được phim trường nhưng con phố bán buôn bên ngoài rất sầm uất, người qua người lại liên hồi.

Có đủ loại quần áo từ dân quốc đến hán phục, đi dạo trên đường cảm giác như bản thân cũng đang dần dần hòa mình vào khung cảnh nơi đây.

Thậm chí có nhiều người còn mặc đồ diễn, chắc là diễn viên quần chúng bên trong.


Họ tụ lại một bàn để ăn, mấy chủ quán ở đây cũng quen rồi.
Tôi không biết khẩu vị Tô Thành thế nào, cũng không biết mấy món này ngon không.

Tôi chậm rãi thả bước dọc con phố, nhìn biển tên quan ăn nhưng chưa thấy hứng thú với quán nào.
Phải nói là con phố này rất đẹp, có lẽ đây là đặc điểm của phim trường, kiến trúc ở đây rất giống đường phố thời dân quốc, đi trên đường mà như đang ở thế kỷ trước vậy.
Tôi cứ vừa đi vừa xem, chẳng để ý mình rẽ mấy lần.

Bên đường có rất nhiều cửa hàng trang trí rực rỡ.

Tôi quay đầu lại nhìn mấy ngã rẽ, đầu óc hơi hoang mang.
Tôi không giỏi xác định phương hướng, nếu không hồi khai giảng lớp 10 tôi đã không ngồi nhầm trạm rồi suýt đi học trễ.
May là tôi có cầm điện thoại, tôi mở bản đồ ra mới phát hiện tôi đã đi rất xa.

Bản đồ vạch ra cho tôi một hướng đi nhưng vẫn không dẫn tôi trở về đường cũ.
Mà con đường đó càng đi càng vắng, nhiều cửa tiệm đã đóng cửa, người đi đường cũng thưa thớt hơn, chỉ có đèn đường vô cảm ở bên lề.
Đứng giữa những kiến trúc thời dân quốc hoang vu, tôi bỗng có một cảm giác vô cùng ghê rợn, càng đi càng run.
Cuối cùng khi sắp rẽ vào con đường cạnh cây đèn đường mờ mờ đằng trước, nỗi lo sợ của tôi dâng lên đỉnh điểm, không dám đi về phía trước nữa.
Tôi quay đầu lại thì thấy đằng sau không còn ai, biển hiệu ở mấy cửa hàng dân quốc phấp phới trước cánh cửa đã đóng, cảm giác hoang vu lạnh lẽo này khiến đầu tôi tê rần.

Tôi bước vội, sau đó đi biến thành chạy, quay về điểm xuất phát ban đầu.
Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net
Khi trở lại con đường sầm uất, tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm.
Tôi sợ bóng sợ gió một hồi, đi bộ cũng lâu nên chân mềm nhũn.
Tôi ngồi xuống bậc thềm trước một cửa hàng vắng, muốn xem kỹ lại hướng dẫn trên bản đồ rồi tìm cách quay lại con đường ban đầu.
Lúc này, thông báo hiện lên, là tin nhắn thoại WeChat dài vài giây mà Chu Gia Dã gửi cho tôi: [Hôm nay suôn sẻ lắm, tôi xong việc sớm, ngày mai được nghỉ một ngày.]
Tôi nghe giọng Chu Gia Dã trong điện thoại, cảm xúc hỗn loạn như được lắng xuống.

Tự dưng tôi muốn bật khóc, vội vàng hỏi cậu ấy: [Xíu nữa cậu có bận gì không?]
[Sao thế?] Cậu ấy đáp: [Tôi chuẩn bị đi ăn cơm với bạn, sẽ về muộn đó.]
[Vậy cậu ăn cơm xong rồi gọi điện cho tớ được không…]
[?]
Ngay lập tức, Chu Gia Dã đã gọi tới.
Tôi bắt máy, ở đầu bên kia điện thoại, Chu Gia Dã cười hỏi tôi: [Cơm nước xong cũng trễ rồi, có chuyện gì vậy, giờ cậu nói luôn đi.]
Tôi nhìn kiến trúc dân quốc trên con phố trước mặt, bỗng không thốt thành lời.
[Lâm Ý?]
"Chỉ là...!giờ tớ bị lạc rồi.

Con đường mà bản đồ chỉ tối quá, trên đường cũng chẳng có người.

Tớ không dám đi, cũng không nhớ hướng đi về đường cũ..."
Điện thoại tạm im lặng vài giây.
Chu Gia Dã phì cười: [Ở trường mà cậu cũng lạc được nữa hả?]
Tôi im lặng không lên tiếng.
Cậu ấy tiếp lời: [Đợi tôi ăn cơm xong mới nói thì trễ rồi, mấy chuyện này cậu cứ gọi thẳng cho tôi.

Nhóm bạn cùng phòng của cậu không ở đó à? Có số liên lạc của các bạn khác không? Cậu kiểm tra bảng thông tin trong lớp đi.

Đừng ngại gọi điện, an toàn về ký túc xá là quan trọng nhất.

Đừng sợ, cậu tìm số của một bạn nữ cùng ký túc xá gọi đi.

Nếu cậu không dám gọi thì gửi số cho tôi, tôi nói chuyện giúp cậu, nhé?]
Ở đầu bên kia, cậu ấy nói chuyện rất kiên nhẫn, nghĩ cách giúp tôi, thậm chí còn nghĩ tới tính cách ngại gọi điện cho bạn học không thân nữa.

Giọng điệu của cậu ấy khiến tôi thấy mình như một đứa trẻ đi lạc vậy.
Nghe tiếng "nhé" cuối cùng như đang dỗ dành tôi, chóp mũi tôi bỗng cay cay.

Khoảnh khắc đó, tôi thật sự thấy mình là một đứa trẻ đi lạc, ngồi giữa phố người qua lại, chỉ cần khóc thật to là sẽ có người tới đón về nhà.
Tôi khịt mũi, lí nhí bảo: [Chu Gia Dã à, tớ không ở trường…]

[Thế cậu đang ở đâu?]
[Đợi chút, tớ gửi định vị cho cậu.]
Tôi vội cúp máy, chọn đúng vị trí của mình trên WeChat rồi nhất gửi đi.

Lúc này con tim tôi lại thấp thỏm.
Khung chat im lặng, chỉ hiển thị định vị tôi vừa gửi đi.
Tôi như một đứa trẻ mắc lỗi, lo sợ bị mắng nhưng vẫn ngoan ngoãn ngồi đây, chờ được đón về.
Chỉ là lần này, Chu Gia Dã không gọi lại.

Sau khi tôi gửi định vị, cậu ấy không hỏi thêm gì, cũng chẳng nói năng gì, chỉ nhắn vài chữ ngắn gọn: [Đứng yên đó nhé, đừng đi lung tung.]
Tôi nhắn lại chữ ừm.
Tôi ngoan ngoãn ngồi trên bậc thềm, nhìn kẻ qua người lại trên đường.

Tay cầm điện thoại, trên màn hình vẫn là tin nhắn đừng đi lung tung mà Chu Gia Dã gửi vài phút trước.
Không biết đã đợi bao lâu, có chiếc xe bật đèn pha khi đang rẽ trên đường lớn, ánh sáng chói lòa lướt qua mắt tôi.

Tầm nhìn trở nên trắng xóa, không thấy rõ cái gì.
Sau khi chiếc xe chạy vụt qua tôi, tầm nhìn trở lại trong màn đêm.

Cuối cùng tôi cũng thấy bóng dáng ai đó dưới ánh đèn bên kia đường, đang đi thẳng về phía tôi.
Con đường này không quá rộng, quán xá hai bên đường thiết kế theo kiểu phim trường, các kiểu kiến trúc nối tiếp nhau như đang ở con đường thời dân quốc.
Đèn đường như những hàng kỵ sĩ nghiêm nghị, vài con thiêu thân kiên quyết bu quanh bóng đèn.
Ánh đèn lờ mờ như ánh trăng bị mây che khuất.
Tôi bỗng nhớ cách đây rất lâu, vào đại hội thể thao năm 16 tuổi.

Trên sân vận động toàn là người với người, tôi cầm ghế đứng ngây người giữa đám đông, không tìm thấy chỗ của lớp tôi ở đâu.

Trời cực kỳ nóng, ánh nắng chói mắt, sáng đến mức khiến người ta hoảng loạn.
Ngay lúc ấy, tôi nghe thấy có ai đó gọi tên tôi.

Cách cả biển người, giữa tiếng nhốn nháo nên tôi không nghe rõ.
Nhưng ngày hôm đó, khi tôi vừa quay đầu lại, giữa dòng người nhộn nhịp, tôi nhìn một cái liền thấy được Chu Gia Dã cạnh đường chạy.
Ngày đó ánh mặt trời chói mắt như vụn bạc rơi rụng từ tầng mây, phủ lên gương mặt cậu ấy một vầng sáng.

Cậu ấy mặc đồ học sinh thời dân quốc, nhưng bộ đồ chính thống trên người cậu ấy không toát ra vẻ văn nhã của người thời trước.

Gương mặt cậu ấy kiêu hãnh sáng ngời, dáng người dong dỏng đứng giữa đám đông trên sân vận động, rực rỡ như ánh nắng lúc 8 giờ khi ấy.
Đó là lần đầu tiên tôi lấy hết can đảm để băng qua đám đông, đi về phía cậu ấy.

Còn bây giờ Chu Gia Dã đang tiến về phía tôi.
Chu Gia Dã đến trước mặt tôi, tôi vẫn cầm điện thoại và ngồi ở bậc thang, tay vòng qua đầu gối, ngửa cổ nhìn cậu ấy.
Cậu ấy ngồi xổm xuống trước mặt tôi, tầm mắt ngang với tôi.

Bấy giờ tôi mới thấy rõ mái tóc hơi rối của cậu ấy, đôi mày hơi nhíu lại, nhìn qua thì khó phát hiện nỗi lo lắng và tức giận.

Khi nhìn thấy tôi rõ ràng, sắc mặt cậu ấy mới nhẹ nhàng hơn.
Cậu ấy cong môi, muốn cười khẽ nhưng khi cất lời, giọng nói vừa trầm vừa nặng, vẫn phải đè nén hơi thở gấp gáp : "Lâm Ý, bây giờ cậu chưa tỉnh hay tôi vẫn đang mơ vậy?"
Tôi tỉnh táo lại, cụp mắt xuống, chun mũi rồi khẽ nói: "Tớ xin lỗi."
Cậu ấy cười khì.
Tôi chẳng dám thở mạnh.
"Lâm Ý."
Cậu ấy mở miệng gọi tên tôi.
Tôi ngại quá nên chỉ ừm một tiếng, vẫn cúi đầu không dám nhìn cậu ấy.
Tôi đã sẵn sàng bị cậu ấy chất vấn và trách móc, nhưng cậu ấy bỗng dưng vươn tay, xoa đầu tôi thật mạnh.

Cậu ấy vò tóc tôi rối tung, lúc này mới hả giận rồi rút tay về.
Cậu ấy lại cất lời, dường như đã chấp nhận số phận của mình: "Tôi thật sự chỉ chịu thua cậu thôi.".

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương