Tu Hú Kêu Trăng
C4: Chương 4

Hiện tại MOMO đang gặp 1 số lỗi, nếu sau 30p-1h nạp vẫn chưa có xu, các bạn vui lòng liên hệ fanpage, gởi ảnh chuyển tiền, copy mã giao dịch, copy username để kiểm tra và xử lí nhé!

Con Nguyệt cầm đèn trái trám, nhe răng cười, cái điệu cười không ý không tứ quen quá trời quen mà bỗng dưng thằng Giàu thấy dễ thương đến lạ.

Tụi nó đi không bao lâu thì đụng mặt mấy đứa con nít xóm Gạo, bọn kia cũng múa lân múa rồng, mấy đứa ở chính giữa è ạch khiêng cái đèn ông sao cao cỡ ngang ngang đầu thằng Giàu dán giấy bóng đỏ au, hắt ra thứ ánh sángđỏ rực cả một khoảnh đất bờ sông.

Hai bên chạm mặt nhau, không thèm nói tiếng nào đã bắt đầu "trận chiến". Lúc này thằng Giàu mới hiểu "đấu đèn" mà con Nguyệt nói là thi coi bên nào lồng đèn lớn hơn, đẹp hơn và quan trọng là chắc chắn, mạnh mẽ hơn đối phương mới được. Sau một hồi cà qua cựa lại, để chứng minh đèn mình làm ra là vô địch, tụi xóm Gạo coi bộ thằng Giàu khờ khờ dễ ăn hiếp nên hè nhau lấy đầu nhọn của cánh sao giả bộ vô ý ủi rách quả đèn trái trám của nó, chẳng những không xin lỗi mà còn hả họng mà cười ha hả.

- Đã nghèo thì thôi, lồng đèn còn làm xấu quắc, bỏ đi cho rồi.

Bị chọc ngoáy ngay chỗ đau, thằng Giàu buồn thiu, im thin thít. Con Nguyệt thấy vậy bực quá đi ra phía sau nói với tụi trong xóm cái gì đó, một lát sau mấy con lân sư né hết qua một bên, nhường đường cho con rồng giấy bìa uốn lượn bay lên, cái đầu vuông vuông cứ nhè ngay cái đèn sao của tụi xóm Gạo mà vờn qua vờn lại một hồi mới chịu "bay" đi, theo sau đuôi nó là cái lồng đèn hình phi thuyền bự chà bá lù lù xuất hiện.

Đèn dán bằng giấy kính vàng, bên trên điểm thêm tranh Hằng Nga bái nguyệt. Nguyệt đi phía mũi phi thuyền, nó vẫy tay một cái thì tụi xóm Lúa ào ào khiêng phi thuyền chạy như bay về phía trước, cũng học theo tụi kia, giả bộ không thấy đường tông cái bùm vô chính giữa đèn ông sao của bọn nó làm rách một lỗ thật lớn, ngọn đèn cầy bên trong ngã nghiêng rồi cả cái đèn bén lửa cháy phừng phừng. Ông Địa ngững vẫy quạt, lân cũng ngừng múa, thanh la chập cheng gì cũng im rít im ru.

Nguyệt chống nạnh, hất cằm nhìn mấy đứa xóm Gạo đang tức tối giậm chân, cao giọng nói mỉa:

- Đã nghèo thì thôi, lồng đèn còn làm xấu quắc, đốt luôn cho rồi.

Đứa nào cũng biết con Nguyệt là con ông bà Sáu Lân, nên tức anh ách cũng không dám làm gì nó, chỉ có thể đứng xa xa xí xô xí xào.

Lần này đương nhiên là xóm Lúa đại thắng. Trên đường về nhà, Nguyệt vui vẻ nhảy chân sáo tung tăng, còn Giàu cầm cái đèn rách của nó, buồn ơi là buồn.

Hai đứa nó cùng nhau lớn lên, ông Sáu Lân thấy thằng Giàu còn nhỏ mà thông minh nhanh nhạy, học không nhiều nhưng chữ viết ngay ngắn, sạch sẽ, vẽ cũng rất đẹp lại thêm chơi thân với con gái cưng nên cũng có ý cho nó theo Nguyệt đi học rồi dạy nó múa lân. Ban đầu ngoại thằng Giàu không chịu, nhưng nghĩ tới cảnh nhà mình, không đi học thì sau này làm sao ngóc đầu dậy nổi? Người ta đã hết lòng như vậy mà từ chối thì cũng tội thằng nhỏ. Nên bà đắn đo mấy hôm rồi cũng đồng ý, định bụng nhắn với má thằng Giàu là bán miếng đất vườn để lấy tiền cho thằng Giàu ăn học. Má nó hay tin cũng không nhắn gửi lại cái gì, chỉ đưa cho ngoại ít tiền rồi dặn sau này chuyện hai đứa nhỏ không cần hỏi qua bả nữa. Ngoại nó khóc cả đêm, vừa thương thân mình vừa thương hai đứa cháu số khổ.

Ông Sáu đoán không sai, thằng Giàu nó khôn lanh sáng dạ, học đâu biết đó, theo đoàn chẳng bao lâu nó đã múa được trên Mai Hoa Thung, qua thêm một năm đã có thể leo cột, được cái vóc người nó nhỏ mà nó khỏe như trâu, dân trong ngờ ai cũng khen nứt mũi.

Mấy năm này nó lớn lên bên cạnh Nguyệt, hai đứa hết trèo trâm lội suối lại ra ruộng bắt cá mò cua, tình cảm cứ theo mấy mùa trăng tới trăng đi mà lớn lên. Qua ánh mắt hai đứa nhìn nhau, ba má Nguyệt cũng ngầm đoán biết. Dù ông bà quý nó, thương nó nhưng cũng chỉ là thương vậy thôi chớ nó mà có ý với Nguyệt, ông bà nhất định không bằng lòng. Hồi nhỏ hai đứa chơi chung quậy phá với nhau cái gì cũng là hai đứa con nít, còn Nguyệt năm nay đã mười tám, tới tuổi cưới gả, để người ta nói ra nói vô cũng không phải chuyện tốt đẹp gì.


Một bữa Giàu đi múa về, lúc đang lay hoay bắt ghế để treo đầu lân lên tường, thì ông Sáu bỗng đâu lù lù đi vô, ổng kêu một tiếng làm nó giật mình xém tí nữa là té ghế. Ổng kịp thời nhảy tới, đỡ nó bằng một tay, tay còn lại thì sau lưng, thủng thẳng nói:

- Giàu! Lấy cho tao con lân màu đen treo trên cùng.

- Dạ..

Giàu trả lời mà trong bụng cứ bồn chồn, nó ngước mắt nhìn cái đầu lân trấn đường của nhà ông Sáu lâu nay treo tít tù tì ở trên cao một hồi rồi chạy ra sân khiêng một cái thang tầm vông vào trong nhà. Vậy mà leo lên tới nấc thang cao nhất, rướng căng cả người vẫn còn cách một đoạn xa. Nó loay hoay một hồi thì trèo xuống đất, ngại ngùng gãi đầu nhìn ông Sáu.

Dường như Sáu Lân đã sớm đoán biết kết quả nên cũng không lấy làm ngạc nhiên, ổng chỉ mỉm cười, đưa tay khẽ vỗ vào vai thằng Giàu, trịnh trọng nói:

- Nhà tao chỉ có nó là quý nhất! Thôi bỏ đi! Mày với không có tới.

Ổng không nói thẳng mà Giàu nghe lòng mình nhoi nhói. Tại.. nó hiểu. Nó biết, ổng nói có sai đâu.

Sáng hôm sau, nó qua xin phép ông bà Sáu nghỉ ít bữa đặng ở nhà nuôi ngoại bệnh thì mới hay ông sáu đưa Nguyệt lên Sài Gòn rồi, chỉ còn bà sáu ở nhà. Bả nhìn Giàu đầy thông cảm.

- Cha con nó đi gấp quá, con Nguyệt không kịp chào con, thôi, cũng đừng có buồn, để khi nào nó dề chơi thì dì nhắn.

Giàu gật đầu, nó biết Nguyệt đã đậu tú tài nên ba má cho cổ học tiếp lên cao, chớ có hay đâu "khi nào" là cái khi không bao giờ chờ tới. Ông bà Sáu vẫn đối xử với nó như xưa, một năm đôi ba bận, lại gọi nó đi múa với đoàn mấy dịp tết nhứt lễ lộc, mà ngộ cái không có lần nào nó gặp được Nguyệt. Chờ hoài chờ hoài, chờ suốt bảy năm, chờ tới cái ngày Nguyệt lên xe hoa. Nó nghe tin mà ngồi thẩn thờ ở bờ sông hết cả buổi chiều. Đã có thời, nó ngây thơ mơ đến một ngôi nhà có đủ má với ba, nó là con còn Nguyệt là sự hiện hữu tất yếu trong cái gọi là "gia đình" trong tương lai của nó. Giàu đâu có ngờ, nó chỉ là chậu nước soi trăng..

Đã qua hè tới giữa thu, mà con tu hú ở đâu cất tiếng kêu đêm nghe não ruột, coi bộ, chim cũng buồn cũng đau cũng lẻ loi như nó. Giàu thả tờ giấy đã bị vò nát xuống sông, tâm tư cũng theo sóng nước tan vào giữa ánh trăng loang.

Bậu qua cầu trong tiếng nhạc rình rang

Cánh hoa theo pháo tiễn chân nàng


Bóng trăng trong mộng hoài trong mộng

Bậu bước lên cầu, Bậu sang ngang..

Từ dạo Nguyệt lấy chồng, Giàu cũng thôi, không dám nghĩ tới nữa. Ngoại nó yếu lắm rồi, còn thằng Lắm thì hồi ba bốn năm trước, ông già nó có tới đón đi, nghe đâu là tại bà vợ sau của ổng không có sanh con. Giàu nghe ngoại nói mà không biết nên vui hay buồn.

Được đâu thêm hai năm, ngoại nó cũng mất. Một lần nữa Giàu sống chèo queo một mình. Cái lúc sắp nhắm mắt lìa trần, ngoại nắm tay nó, ứa nước mắt mà dặn:

- Con đừng buồn má con tội nghiệp, nó cũng khổ tâm lắm. Cũng đừng giận ba con, tại.. con không phải là con của nó, không phải máu mủ mà nó nuôi dùm nhiêu đó năm là cũng tốt lắm rồi. Sau này còn ên, ráng sống cho tốt, con à..

"Con không phải là con của nó", ngoại nói nhỏ thật nhỏ mà Giàu nghe ầm ầm như núi đổ bên tai. Nó không phải con ba nó, vậy nó con ai?

- Sao xưa giờ không ai nói với con? Hả ngoại?

- Thì.. hồi ba thằng Lắm dề dắt thằng Lắm đi, nó mới nói.. tao biết.

Đến tận lúc đó Giàu mới hiểu tại sao hồi đó ba nó về rước thằng Lắm mà không cho nó theo, cũng không thèm chờ nó về để gặp mặt lấy một lần, cứ vậy mà đi. Mọi khi nó hay nghĩ mà giận thằng Lắm hại nó mất gia đình, hại ba má nó bỏ nhau, hại nó cù bất cù bơi không ai thương xót. Nó có ngờ đâu.. nó mới là con tu hú ở nhờ nhà thiên hạ.

Hồi đám tang ngoại, cũng không biết là ai cho hay mà má nó về. Tính ra hơn chục năm rồi, Giàu mới gặp lại má. Bà giờ khác hồi xưa cũng nhiều, nghe đâu má cũng lấy chồng mới là dân buôn, hai người quen nhau cái dạo mà bả hết bịnh đi kiếm việc làm. Làm công rồi thành bà chủ, vậy nên sắc mặt bả hồng hào, bàn tay cũng mơn mởn khác hẳn hồi xưa.

Trong lúc đốt giấy tiền, Giàu bần thần hỏi nhỏ má, miệng nó mếu máo y chang mấy con nít, nhìn thấy mà thương. Cũng chẳng biết là nó khóc ngoại hay khóc cuộc đời bơ vơ lạc lõng của mình,

- Má. Ba con là ai hả má? Giờ ổng ở đâu dậy má?


Bàn tay đang thả tiền giấy vào chậu đất khựng lại, hình như má thằng Giàu không ngờ nó lại hỏi điều đó lúc này. Bả im lặng một hồi rồi làm như không có chuyện gì, bình thản trả lời.

- Ba mày là ba mày chứ là ai. Ổng bỏ đi cả chục năm hơn rồi, hỏi ở đâu.. làm sao má biết.

- Ngoại nói với con hết rồi. Má.. con là con ai hả má?

- Mày hỏi làm chi? Để đi tìm ổng hả? Hồi xưa ổng bỏ mày, kệ thây mày sống chết, giờ còn tìm ổng làm cái gì?

- Con không tìm ông rồi con sống với ai? Hả má?

Má thằng Giàu làm thinh, rồi bả thở dài. Ngẩn ngơ giống như một pho tượng đồng ngồi im bên chậu lửa, trong mắt chỉ có ánh lửa sáng tối nhập nhoạng cháy, tới khi lửa hóa giấy tiền trong chậu sắp tắt ngúm, mới như vừa tỉnh cơn mê, lật đật châm dầu lên cho nó cháy. Má nó có ngồi canh lửa đâu.

Thằng Giàu chờ hoài không nghe kêu "thôi, con về sống với má."

Nó buồn dữ, mà không dám nói. Tại Giàu biết, có còn chồng má, còn con má, còn gia đình của má. Còn nó con ai, nhà cửa ở đâu.. nó không có biết. Má thương nó, thương thằng con cả đời côi cút, mà.. má nó cứ làm thinh.

Bả muốn nói, nó cũng đâu phải con mình, mà hồi đó.. bả lượm được nó ngoài bãi sông rồi bồng về nuôi. Ba nó biết chớ ngoại không có biết, ngoại tưởng nó là cháu ngoại, ngoại tưởng là má nó đi nạ dòng. Hồi xưa ba má nó bỏ nhau cũng vì năm đó khổ quá, ổng muốn đem nó cho người ta để bớt đi miệng ăn, bớt đi gánh nặng trong nhà, má nó không đành lòng, mà nuôi.. thì không nuôi nổi. Đêm cứ lẳng lặng trôi trong sự gượng gạo của má, còn nó lặng thinh, nước mắt dầm dề chờ đến sớm mơi đưa ngoại ra ngoài đồng.

Má ở lại với nó thêm một đoạn thời gian. Hai má con ở chung dưới một mái nhà mà cứ như hai người xa lạ vô tình tụ chung một chỗ. Nó không sống với má đã mười mấy năm rồi, tay mẹ ra làm sao, hơi ấm như thế nào cũng sớm quên hết sạch. Nhưng nó vẫn muốn ở cạnh bà, vì trên đời này, ngoài má, nó đâu còn ai thân thuộc.

Một bữa, má đốt nhang cho ngoại xong, trong lúc ăn cơm, má nói:

- Ít bữa nữa, tao dề trên kia, mày coi..

Giàu ngừng đũa, nó nghe ngực mình nghèn nghẹn, cuối cùng nó cũng chờ được lúc này, cái lúc má mở lời kêu nó về ở chung. Nó đã sắp khóc.

- Mày coi thu xếp, tao muốn đưa ngoại về trển thờ cúng.


Má.. vậy mà.. muốn đưa ngoại đi, muốn bỏ nó nữa. Mặt Giàu méo xệch, nói sắp không thành tiếng.

- Má.. dề với con má, con.. con ở lại đây còn có mình ngoại.. mà má cũng đành đoạn đưa ngoại đi luôn hả má?

Má thằng Giàu nhìn nó tức tưởi, bả cũng đau lòng. Dù không phải máu mủ ruột rà nhưng cũng là đứa nhỏ bả đã nuôi cả chục năm, giờ nó như vậy nói sao bả không rầu? Chỉ là.. con bả đâu chỉ có mình nó, bả cũng khổ tâm lắm chứ. Biết sao được.

- Mày nghĩ sao dậy Giàu? Tao làm dậy cũng vì mày. Mày còn trẻ, còn bay nhảy được nên tao muốn để mày đi, chớ không lẽ mày định học cho có cái bằng tú tài xong rồi chết dí ở cái xứ này hoài sao con? Tao.. sợ mày đi rồi không ai nhang khói cho ngoại. Chứ ngoại mất rồi, thằng Lắm cũng về với cha nó, rồi mày ở lại mày sống với ai?

Giàu không nói nữa, nó bỏ chén đũa quay vô buồng đóng cửa, úp mặt xuống gối khóc òa. Khóc y chang cái kiểu mà hồi xưa nó buồn nó tủi nó khóc mà không dám để ba má nó hay. Nó muốn nín mà nín không nổi, cứ nghĩ tới ngoại, tới ba, tới má, tới thằng em trai, tới Nguyệt là nó lại nghẹn ngào nức nở suốt cả đêm. Má nó ngồi ở ngoài cửa, nghe nó khóc, buồn dữ lắm mà cũng đành vậy, chứ làm sao cho vẹn đôi ba đường.

Chắc mệnh thằng Giàu sanh ra cô độc, gần ba chục tuổi đầu có quá nửa là ở mình ên. Nhiều đêm nó ngủ nằm mơ, chỉ ước sao mai tỉnh ra mình còn có ba, có má, có những người mà nó gọi là người nhà.. Nó thèm hơi ấm của thân thuộc, của máu mủ ruột rà, thèm tiếng nhằn nhì của má, tiếng quát mắng của ba, tiếng ọ ẹ của thằng em mỗi đêm trời trở gió. Nó thèm.. tiếng cười của đám bạn, ánh lửa đèn lồng chạy dài theo bãi sông mỗi lần tới Trung Thu, và thèm cả.. tiếng Nguyệt.

Ngoại mất lâu rồi, má nó cũng không còn về lại. Căn nhà tranh vách đất và mảnh vườn nho nhỏ ngoại để lại cho nó, quanh năm suốt tháng im lìm, hình như trăng đi qua mái nhà cũng không thèm sáng nữa. Mấy năm nay, nỗi cô đơn, khao khát tình thân và mong muốn tìm về nguồn cội thôi thúc nó từng ngày. Nó muốn tìm cha. Mà biết tìm từ đâu giữa biển người mênh mông không bờ không bến?

Ngoài đồng có con tu hú lạc mùa lẻ loi kêu, nó kêu từ trưa cho tới tận khi chập tối trăng lên, nó không theo bầy đi về nơi nắng ấm, mà nó ở lại, cô đơn lạc lõng có một mình. Không phải nó không muốn đi tìm thân thuộc, mà có đi thì cũng biết đâu mà tìm.

Thôi, ai đâu mà thương tu hú.

Tết Trung Thu là lúc mà gia đình người ta sum họp quây quần, còn nó.. chắc sum hợp với cái nhà tranh vách đất và bàn thờ nghi ngút khói nhang của ngoại. Giàu thấy, cái con tu hú đang núp đâu trong mấy bụi cây bên kia ao với mình giống y chang nhau, đêm nay chỉ có ông trăng trên trời làm bạn. Phải mà nó hiểu tiếng người, Giàu cũng ráng kêu nó vô nhà ngồi ăn chung bữa cơm cho đỡ buồn chớ có đâu mà lẻ loi kêu đứt ruột đứt gan hoài như vậy.

Giàu gác đũa, ngó ra mấy đốm lửa cam cam vàng vàng đuổi nhau chạy ngoài bãi sông, tiếng trẻ con rổn rảng vang vang hệt như cái hồi nó còn nhỏ xíu.

Tùng dinh dinh, tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh..

Tiếng tụi nó hát còn chưa dứt thì tới nửa đêm mưa đổ xuống ào ào, trăng trên trời cũng biến đâu mất tăm mất tích. Giàu ngơ ngẩn nhìn ra bờ ao, thẩn thờ nói vào trong không khí:

- Thôi! Mày đừng kêu trăng nữa, vô đây với tao, tu hú ơi!

________________________ (Hết) _________________________

Hiện tại MOMO đang gặp 1 số lỗi, nếu sau 30p-1h nạp vẫn chưa có xu, các bạn vui lòng liên hệ fanpage, gởi ảnh chuyển tiền, copy mã giao dịch, copy username để kiểm tra và xử lí nhé!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương