Truy Tìm Dracula
-
Chương 57
“Khi Stoichev cho biết ông cũng có một trong các lá thư của Sư huynh Kiril, Helen và cha trố mắt nhìn nhau, sửng sốt. ‘Ý ông là sao?’ cuối cùng Helen thốt lên.
“Stoichev gõ gõ ngón tay lên bản sao lá thư của Turgut, vẻ kích động. ‘Năm 1924, ông bạn Atanas Angelov của tôi đã trao cho tôi một lá thư viết tay. Nó thuật lại một giai đoạn khác của cuộc hành trình này, tôi chắc chắn như vậy. Tôi không biết liệu còn tồn tại bất kỳ tài liệu nào khác nói về các chuyến đi này nữa không. Thực ra, ông bạn khốn khổ của tôi đã bất ngờ qua đời ngay sau khi trao lá thư cho tôi. Xin chờ một lát…’ Ông đứng bật dậy, vội vàng đến độ lảo đảo suýt ngã, cả Helen và cha đều lao đến để đỡ ông. Tuy nhiên, ông tự đứng thẳng trở lại mà không cần đến sự trợ giúp nào rồi bước vào một trong các phòng nhỏ hơn, ra hiệu cho chúng ta đi theo và tránh vấp vào những đống sách xếp dọc vách tường. Stoichev dò tìm trên các ngăn kệ và với tay lên một cái hộp, cha phải giúp ông lấy nó xuống. Ông lôi từ trong hộp ra một tập hồ sơ bìa cứng, được cột lại bằng loại dây thừng tước nhỏ. Mang tập hồ sơ trở lại bàn, Stoichev mở nó trước cặp mắt háo hức của chúng ta, kéo ra một tài liệu mỏng mảnh đến mức cha cảm thấy rùng mình khi nhìn ông cầm nó trong tay. Ông đứng lặng nhìn trang giấy một lúc lâu, tựa như bị tê liệt, rồi buông một tiếng thở dài. ‘Như các bạn thấy, đây là bản gốc. Chữ ký…’
“Chúng ta cúi xuống trang giấy, và cha chợt nổi da gà khi nhìn thấy ở đó một cái tên viết bằng chữ Kiril(1), nét chữ thanh tú, ngay cả cha cũng có thể đọc hiểu cái tên ấy - Kiril - và cái niên đại kia: 6985. Cha nhìn Helen, cô đang cắn môi. Cái tên đã phai mờ của vị tu sĩ hiển hiện như một sự thực sờ sờ trước mắt. Ông ta đã từng sống như chúng ta đang sống, đã từng cầm một cây bút lông ngỗng viết lên tờ giấy da này, bằng một bàn tay ấm nóng và sinh động.
“Stoichev trông có vẻ kinh sợ giống như cha, mặc dù nhìn thấy một bản thảo cổ viết tay hẳn là một phần công việc hàng ngày của ông. ‘Tôi đã dịch nó sang tiếng Bungari,’ một lúc sau ông nói, rồi rút ra một tờ giấy khác, loại giấy vỏ hành mỏng. Chúng ta ngồi xuống. ‘Tôi sẽ cố gắng đọc cho các bạn.’ Ông hắng giọng rồi dịch thẳng từ tiếng Bungari ra cho chúng ta nghe, một phiên bản tuy chưa trau chuốt nhưng khá hoàn chỉnh của bức thư sau này được dịch ra rộng rãi.
Thưa Đức cha tu viện trưởng Maxim Eupraxius,
Tôi cầm bút để hoàn thành bổn phận mà tôi phải gánh vác theo sự sắp đặt sáng suốt của ngài, cũng như để tường thuật chi tiết sứ mệnh của chúng tôi. Cầu cho tôi hoàn thành sứ mệnh và thỏa mãn những mong ước của ngài, nhờ ơn Thượng đế phù trợ. Đêm nay, chúng tôi đã ngủ lại ở tu viện Thánh Vladimir gần Virbius, cách ngài hai ngày đường, các sư huynh sùng đạo ở đó đã đón tiếp chúng tôi nhân danh ngài rất chân tình. Như ngài chỉ dạy, tôi đã một mình đến gặp và bộc bạch với cha tu viện trưởng sứ mệnh của chúng tôi, hoàn toàn bí mật, không có sự hiện diện của một tu sĩ hay người hầu nào. Ông đã ra lệnh khóa chiếc xe ngựa của chúng tôi vào chuồng ngựa ở sân trong, dưới sự canh gác của hai tu sĩ ở tu viện và hai người trong nhóm chúng tôi. Tôi hy vọng có thể thường xuyên nhận được sự cảm thông và bảo vệ như vậy, ít nhất là cho đến khi chúng tôi bắt đầu tiến vào những xứ sở ngoại đạo. Như ngài chỉ dạy, tôi đã trao tận tay cha tu viện trưởng cuốn sách có các huấn thị của ngài, tôi thấy ông giấu cuốn sách ngay tức khắc, thậm chí còn không mở nó ra trước mặt tôi.
Lũ ngựa đã mệt mỏi sau chuyến leo núi nên chúng tôi sẽ nghỉ ở đây thêm một đêm nữa. Hiện tại, chúng tôi đã hồi phục nhờ sự giúp đỡ của nhà thờ ở đây, trong nhà thờ này có hai ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh tám mươi năm về trước đã thực hiện những điều diệu kỳ. Một ảnh thánh vẫn còn nhỏ nước mắt nhiệm màu để than khóc cho một kẻ tội lỗi, những giọt nước mắt giờ đã trở thành trân châu quý hiếm. Chúng tôi đã dâng lên Đức Mẹ những lời cầu nguyện thiết tha nhất, xin Người bảo vệ sứ mệnh của chúng tôi, xin cho chúng tôi có thể an toàn đến thành phố vĩ đại và thậm chí trong hang ổ của kẻ thù cũng tìm được một nơi trú ẩn để từ đó cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhân danh Cha, Con, và Thánh thần - Kẻ tôi tớ hèn mọn của ngài,
Sư huynh Kiril
Tháng Tư, năm của Chúa 6985
“Cả Helen và cha gần như không dám thở trong khi Stoichev đọc bản dịch. Ông dịch chậm rãi, có phương pháp và đầy lão luyện. Lúc cha suýt kêu to lên vì sự liên quan không thể chối cãi giữa hai lá thư thì tiếng bước chân thình thịch trên cầu thang gỗ làm tất cả chúng ta phải ngước lên. ‘Họ đang quay trở lại,’ Stoichev khẽ nói. Ông cất lá thư đi, và cha cũng tạm thời để ông ta giữ bản sao lá thư của chúng ta cho an toàn. ‘Gã Ranov ấy… anh ta được phân công làm người hướng dẫn cho các bạn à?’
“ ‘Đúng vậy,’ cha trả lời ngay. ‘Và anh ta có vẻ quá quan tâm đến công việc của chúng tôi ở đây. Chúng tôi phải nói với ông rất nhiều điều về cuộc tìm kiếm của mình, nhưng đó là việc khá bí mật và cũng…’ cha ngập ngừng.
“ ‘Nguy hiểm?’ Stoichev tiếp lời, quay gương mặt già nua kỳ lạ về phía chúng ta.
“ ‘Làm sao ông đoán được?’ Cha không giấu nổi sự ngạc nhiên. Cho đến lúc này chẳng có gì trong những điều chúng ta nêu ra hàm ý có thể có nguy hiểm.
“ ‘Chà.’ Ông lắc đầu, và cha nghe trong tiếng thở dài của ông một trải nghiệm sâu sắc và cả nỗi hối tiếc mà cha không tài nào dò thấu. ‘Còn vài điều nữa tôi muốn nói với các bạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhìn thấy một lá thư nào khác như thế này. Nói với gã Ranov kia càng ít càng tốt nhé.’
“ ‘Ông đừng lo.’ Helen lắc đầu, hai người nhìn nhau một lát, mỉm cười.
“ ‘Cứ yên lặng nhé,’ Stoichev nói, giọng từ tốn. ‘Tôi sẽ lo liệu để chúng ta có cơ hội trò chuyện một lần nữa.’
“Irina và Ranov bước vào phòng trong tiếng lanh canh của bát đĩa, Irina bắt đầu bày ly và một chai chứa thứ chất lỏng màu hổ phách. Ranov đứng sau cô, tay cầm ổ bánh mì và đĩa đậu trắng. Gã đang mỉm cười và trông gần như một người trong gia đình. Cha ước gì mình có thể cảm ơn cô cháu gái của Stoichev. Sau khi thu xếp cho ông cậu mình ngồi thoải mái trên ghế, cô mời chúng ta ngồi xuống, và cha chợt nhận ra chuyến tham quan sáng nay cũng đã khiến cha đói cồn cào.
“ ‘Xin mời, các vị khách quý, xin cứ tự nhiên.’ Stoichev khoát tay quanh bàn, tựa như trên bàn là một bữa đại tiệc của hoàng đế ởConstantinople. Irina rót rượu ra ly - rượu nặng đến mức chỉ riêng hơi của nó thôi có khi cũng có thể hạ gục một con thú nhỏ - và Stoichev vừa điệu nghệ nâng ly vừa cười thật tươi và chân thành, để lộ hàm răng đã ố vàng. ‘Tôi xin uống mừng tình hữu nghị giữa các học giả khắp nơi trên thế gian này.’
“Tất cả chúng ta đều nồng nhiệt nâng ly chúc mừng, trừ Ranov, gã vừa nhìn chúng ta khắp lượt vừa nâng ly lên với vẻ mặt mỉa mai.
“ ‘Cầu cho học vấn uyên thâm của các vị nâng cao được kiến thức của Đảng và nhân dân,’ gã lên tiếng, khẽ nghiêng đầu về phía cha. Câu nói đó làm cha không còn thấy ngon miệng; gã chỉ nói chung chung hay gã muốn nâng cao tri thức của cái Đảng kia nhờ một điều cụ thể mà chúng ta biết? Cha gật đầu đáp lại rồi nốc cạn ly rakiya của mình. Cha không còn cách nào khác để uống loại rượu này ngoài nốc ực thật nhanh, và rồi cái cảm giác tra tấn cháy bỏng cuối cổ họng nhanh chóng nhường chỗ cho một cảm giác hào hứng khoái trá. Xin đủ cái thứ đồ uống này, cha nghĩ, hình như cha có nguy cơ có chút cảm tình với tay Ranov kia.
“ ‘Tôi rất vui khi có cơ hội tiếp chuyện với bất cứ ai quan tâm đến lịch sử thời Trung cổ của đất nước chúng tôi,’ Stoichev nói với cha. ‘Có lẽ anh và cô Rossi sẽ thấy thích thú nếu được xem ngày lễ tưởng niệm hai trong số những gương mặt xuất sắc của chúng tôi thời Trung cổ. Ngày mai là ngày tưởng niệm Kiril và Methodii, những người lập ra bảng chữ cái Xlavơ tuyệt vời của chúng tôi. Trong tiếng Anh các bạn gọi họ là Cyril và Methodius, còn hệ thống chữ cái đó là Cyrillic, đúng vậy chứ? Chúng tôi thì gọi là kirilitsa, để tưởng nhớ đến Kiril, vị tu sĩ đã sáng tạo ra bảng chữ cái ấy.’
“Trong một thoáng cha mơ hồ liên tưởng đến vị Sư huynh Kiril của các lá thư, nhưng phải đến khi Stoichev nói tiếp, cha mới hiểu rõ ý định của ông và nhận ra quả thực ông xoay xở rất khéo.
“ ‘Chiều nay tôi bận viết lách,’ ông nói, ‘nhưng nếu muốn, ngày mai các bạn có thể quay lại, một vài sinh viên cũ của tôi sẽ có mặt ở đây để kỷ niệm ngày này, và lúc đó tôi có thể trò chuyện với các bạn nhiều hơn về Kiril.’
“ ‘Ồ, ông thật vô cùng tử tế,’ Helen lên tiếng. ‘Chúng tôi không muốn làm lãng phí quá nhiều thời gian của ông, nhưng cũng rất hân hạnh được gặp lại ông. Việc này có thể thu xếp được chứ, đồng chí Ranov?’
“Hai tiếng đồng chí có vẻ như không thoát khỏi tai Ranov, gã quắc mắt nhìn Helen qua ly rượu thứ hai của mình. ‘Dĩ nhiên,’ gã gằn giọng. ‘Tôi sẵn lòng giúp một tay nếu việc đó giúp các bạn hoàn tất nghiên cứu.’
“ ‘Tốt lắm,’ Stoichev nói. ‘Chúng ta sẽ tụ tập ở đây vào khoảng một giờ rưỡi, và Irina sẽ chuẩn bị một món gì đó ngon lành để ăn trưa. Bao giờ chúng tôi cũng là một nhóm vui vẻ. Các bạn sẽ thấy thích thú với công việc của một vài học giả mình sắp gặp đấy.’
“Chúng ta rối rít cảm ơn ông và ăn uống theo sự thúc giục của Irina, mặc dù cha để ý thấy Helen cũng tránh không đụng chạm đến phần rượu rakiya còn lại trong ly. Khi đã dùng xong bữa ăn đạm bạc, Helen đứng dậy ngay và tất cả chúng ta cũng đứng lên theo. ‘Chúng tôi không dám làm phiền ông thêm, thưa giáo sư,’ cô nói rồi bắt tay Stoichev.
“ ‘Tôi có mệt gì đâu, bạn thân mến,’ Stoichev bắt tay Helen, vẻ nồng nhiệt, nhưng cha thấy quả thực ông có vẻ mệt mỏi. ‘Tôi rất mong cuộc gặp mặt của chúng ta vào ngày mai.’
“Irina lại đưa chúng ta ra cổng, ngang qua mảnh sân vườn xanh ngắt. ‘Mai nhé,’ cô nói, mỉm cười với chúng ta, rồi liến thoắng nói thêm một câu gì đó bằng tiếng Bungari khiến Ranov vuốt vuốt tóc trước khi đội mũ lên lại. ‘Cô ấy thật xinh đẹp,’ gã hài lòng nhận xét khi chúng ta bước về chiếc xe, và Helen đảo mắt nhìn cha sau lưng gã.
“Mãi đến tối chúng ta mới có được vài phút riêng tư với nhau. Ranov đã bỏ đi sau bữa tối dài lê thê trong phòng ăn trống trải của khách sạn. Helen và cha phải cuốc bộ lên cầu thang - thang máy lại hỏng - và cùng thơ thẩn trong hành lang gần phòng cha, những khoảnh khắc ngọt ngào hiếm hoi giữa cái tình thế quái lạ mà chúng ta đang lâm vào. Khi cho rằng Ranov đã thực sự bỏ đi, chúng ta lại xuống tầng dưới, tản bộ đến một quán cà phê trên con phố nhỏ gần đó, và ngồi dưới những tán cây.
“ ‘Ở đây cũng có người theo dõi chúng ta nữa,’ Helen khẽ nói khi chúng ta ngồi vào một cái bàn kim loại. Cha thận trọng để chiếc cặp vào lòng; cha thậm chí còn không đặt nó xuống dưới gầm bàn trong quán ăn như trước nữa. Helen mỉm cười. ‘Nhưng ít ra nơi này không bị đặt máy nghe lén như trong phòng em. Và phòng anh.’ Cô nhìn lên những tán lá xanh rì trên đầu. ‘Cây đoan,’ cô trầm giọng. ‘Một hai tháng nữa chúng sẽ trổ đầy hoa. Ở quê em, người ta dùng hoa đoan thay cho trà, có lẽ ở đây cũng vậy. Khi ngồi ở một bàn ngoài trời như thế này, trước tiên người ta phải chùi sạch bàn ghế vì hoa và phấn rơi khắp nơi. Chúng có mùi như mật ong, rất ngọt và mát.’ Cô bỗng khoát tay, tựa như đang gạt qua một bên hàng ngàn cánh hoa màu xanh nhạt.
“Cha cầm lấy bàn tay Helen và lật ngược lại để có thể nhìn thấy những đường chỉ tay thanh mảnh. Cha hy vọng chúng chỉ ra rằng cô sẽ cùng cha sống một cuộc đời hạnh phúc đến trăm năm. ‘Em nghĩ gì về việc Stoichev có lá thư ấy?’
“ ‘Đó có lẽ là một may mắn bất ngờ đối với chúng ta,’ cô nói, không giấu được vẻ trầm ngâm. ‘Thoạt tiên, em cho rằng đó chỉ là một mẩu trong trò chơi ghép hình của lịch sử - một mẩu kỳ diệu, nhưng liệu nó có ích gì cho chúng ta? Nhưng khi Stoichev đoán lá thư của chúng ta có thể gây nguy hiểm, em đã vô cùng hy vọng ông ấy biết một điều gì đó rất quan trọng.’
“ ‘Anh cũng hy vọng như vậy,’ cha thú nhận. ‘Nhưng anh cũng nghĩ có thể ông ấy chỉ hàm ý lá thư đó là tài liệu nhạy cảm về mặt chính trị, giống như phần nhiều công việc của ông - bởi công việc ấy liên quan đến lịch sử giáo hội.’
“ ‘Em biết.’ Helen thở dài. ‘Có thể sự việc chỉ có ý nghĩa như vậy.’
“ ‘Và chỉ việc đó cũng đủ khiến ông ấy thận trọng khi trò chuyện trước mặt Ranov.’
“ ‘Đúng vậy. Chúng ta phải chờ đến ngày mai mới biết được ông ấy có ý gì.’ Helen đan các ngón tay vào tay cha. ‘Thực là khổ sở vì ngày nào cũng phải chờ đợi không cái này thì cái nọ, phải không anh?’
“Cha từ tốn gật đầu. ‘Em mà biết thầy Rossi thì,’ cha nói, và đột ngột dừng lại.
“Cô nhìn sững vào mắt cha rồi chậm rãi đưa tay gạt mớ tóc vừa tuột khỏi ghim cài ra sau. Cử chỉ đó trông buồn đến độ làm cho những lời nói tiếp theo của Helen càng nặng nề hơn. ‘Em bắt đầu hiểu cha rồi, nhờ có anh.’
“Ngay lúc ấy, một cô phục vụ áo trắng đến bên chúng ta và hỏi gì đó. Helen quay sang cha. ‘Anh uống gì?’ Cô nàng phục vụ tò mò nhìn chúng ta, những con người nói một thứ ngôn ngữ xa lạ.
“ ‘Em biết phải gọi món gì như thế nào rồi chứ?’ cha trêu Helen.
“ ‘Chai(2),’ Helen nói, trỏ vào người mình và người cha. ‘Cho chúng tôi trà. Moyla(3).’
“ ‘Em học nhanh thật,’ cha nói khi cô phục vụ đã quay vào bên trong.
“Helen nhún vai. ‘Em đã học qua tiếng Nga mà. Tiếng Bungari cũng gần tương tự thôi.’
“Khi cô phục vụ trở lại với hai tách trà, Helen khuấy khuấy tách trà với vẻ mặt buồn thiu. ‘Thật là nhẹ cả người khi thoát khỏi cái gã Ranov kia, đến độ em hầu như không thể chịu nổi khi nghĩ đến ngày mai lại phải nhìn thấy bản mặt gã. Em không hiểu làm thế nào mà tìm hiểu được cái gì ra hồn khi gã cứ lẽo đẽo sau lưng như thế.’
“ ‘Anh sẽ thấy dễ chịu hơn nếu biết liệu hắn có thực sự nghi ngờ gì về cuộc tìm kiếm của chúng ta hay không,’ cha thú nhận. ‘Điều kỳ lạ là hắn gợi cho anh nhớ đến một người anh đã gặp trước đây, nhưng có vẻ như anh bị mắc chứng quên, không thể nhớ nổi đó là ai.’ Cha liếc nhìn gương mặt nghiêm nghị đáng yêu của Helen, và đúng giây phút này cha cảm thấy đầu óc mình dò dẫm được một cái gì đó, như đang chấp chới bên rìa lời giải một câu hỏi khó, và không phải là câu hỏi về khả năng Ranov có một người anh em song sinh. Đó là một điều liên quan đến gương mặt Helen trong cảnh tranh tối tranh sáng này, liên quan đến động tác cha nâng cốc trà lên uống, liên quan đến cái từ lạ lùng mà cha đã chọn. Tâm trí cha đã từng chạm đến đó, nhưng lần này ý tưởng ấy bùng lên như một tia chớp.
“ ‘Chứng quên lãng,’ cha thốt lên. ‘Helen... Helen, chứng quên lãng.’
“ ‘Gì cơ?’ Cô cau mày, bối rối trước vẻ xúc động của cha.
“ ‘Những lá thư của thầy Rossi!’ cha gần như reo lên. Cha mở cặp ra hấp tấp đến mức làm trà đổ ra mặt bàn. ‘Thư của thầy, chuyến đi Hy Lạp của thầy!’
“Phải mất vài phút cha mới tìm ra lá thư quái quỷ đó trong mớ giấy tờ của mình, dò tìm đoạn thư và đọc cho Helen nghe, mắt cô mỗi lúc một mở to rồi dần tối sầm lại đầy kinh ngạc. ‘Em còn nhớ lá thư kể về việc thầy trở về Hy Lạp - về đảo Crete - như thế nào sau khi bị lấy mất tấm bản đồ ở Istanbul, rồi vận may của thầy trở thành vận rủi, và mọi chuyện trở nên xấu đi chứ?’ Cha đọc một mạch trang thư ngay trước mặt cô. ‘Em nghe này: “Những ông lão trong các quán rượu trên đảo Crete có vẻ như thích kể cho tôi nghe về hai trăm mười câu chuyện ma cà rồng của họ hơn là giải thích xem tôi có thể tìm ở đâu ra những mảnh gốm vỡ khác như mảnh gốm kia, hoặc những con tàu đắm cổ xưa nào cha ông họ đã lặn xuống để tìm chiếm cổ vật. Một tối nọ, tôi đã để một người lạ mặt mời mình một chầu thứ nước uống đặc sản địa phương có tên gọi rất quái dị là amnesia - quên lãng, hậu quả là tôi phải nằm bẹp suốt cả ngày hôm sau.” ’
“ ‘Ôi, lạy Chúa,’ Helen khẽ thốt lên.
“ ‘Tôi để một người lạ mặt mời uống một thứ gọi là amnesia - quên lãng,’ cha diễn giải, cố hạ giọng. ‘Em nghĩ gã lạ mặt quái quỷ đó là ai? Và đó là lý do vì sao thầy Rossi đã quên...’
“ ‘Ông đã quên...’ Helen như bị cái từ ấy thôi miên. ‘Ông đã quên đất nước Rumani...’
“ ‘... quên là thầy đã từng ở đó. Những lá thư gửi cho anh bạn Hedges viết rằng thầy từ Rumani trở về Hy Lạp để lấy một ít tiền và tham gia vào một vụ khai quật khảo cổ...’
“ ‘Và ông đã quên mẹ em,’ Helen kết luận, giọng lí nhí hầu như không thể nghe được.
“ ‘Mẹ em,’ cha lặp lại, chợt liên tưởng đến hình ảnh mẹ Helen đứng ở cửa dõi nhìn chúng ta ra đi. ‘Thầy chưa từng có ý định không quay trở lại. Thầy đã đột ngột quên tất cả mọi chuyện. Và đó là... đó là lý do vì sao thầy nói với anh thầy không thể nhớ rõ nghiên cứu ấy.’
“Khuôn mặt Helen giờ đã trắng bệch, hàm nghiến chặt, mắt rực lên vẻ khắc nghiệt và ngấn đầy nước mắt. ‘Em căm ghét hắn,’ cô khe khẽ nói, và cha biết cô không ám chỉ cha mình.”
Chú thích:
1. Phiên âm từ nguyên bản tiếng Anh Cyrillic, là bảng chữ cái sử dụng trong một số ngôn ngữ Xlavơ, chẳng hạn như tiếng Nga.
2. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "trà".
3. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "thưa cô".
“Stoichev gõ gõ ngón tay lên bản sao lá thư của Turgut, vẻ kích động. ‘Năm 1924, ông bạn Atanas Angelov của tôi đã trao cho tôi một lá thư viết tay. Nó thuật lại một giai đoạn khác của cuộc hành trình này, tôi chắc chắn như vậy. Tôi không biết liệu còn tồn tại bất kỳ tài liệu nào khác nói về các chuyến đi này nữa không. Thực ra, ông bạn khốn khổ của tôi đã bất ngờ qua đời ngay sau khi trao lá thư cho tôi. Xin chờ một lát…’ Ông đứng bật dậy, vội vàng đến độ lảo đảo suýt ngã, cả Helen và cha đều lao đến để đỡ ông. Tuy nhiên, ông tự đứng thẳng trở lại mà không cần đến sự trợ giúp nào rồi bước vào một trong các phòng nhỏ hơn, ra hiệu cho chúng ta đi theo và tránh vấp vào những đống sách xếp dọc vách tường. Stoichev dò tìm trên các ngăn kệ và với tay lên một cái hộp, cha phải giúp ông lấy nó xuống. Ông lôi từ trong hộp ra một tập hồ sơ bìa cứng, được cột lại bằng loại dây thừng tước nhỏ. Mang tập hồ sơ trở lại bàn, Stoichev mở nó trước cặp mắt háo hức của chúng ta, kéo ra một tài liệu mỏng mảnh đến mức cha cảm thấy rùng mình khi nhìn ông cầm nó trong tay. Ông đứng lặng nhìn trang giấy một lúc lâu, tựa như bị tê liệt, rồi buông một tiếng thở dài. ‘Như các bạn thấy, đây là bản gốc. Chữ ký…’
“Chúng ta cúi xuống trang giấy, và cha chợt nổi da gà khi nhìn thấy ở đó một cái tên viết bằng chữ Kiril(1), nét chữ thanh tú, ngay cả cha cũng có thể đọc hiểu cái tên ấy - Kiril - và cái niên đại kia: 6985. Cha nhìn Helen, cô đang cắn môi. Cái tên đã phai mờ của vị tu sĩ hiển hiện như một sự thực sờ sờ trước mắt. Ông ta đã từng sống như chúng ta đang sống, đã từng cầm một cây bút lông ngỗng viết lên tờ giấy da này, bằng một bàn tay ấm nóng và sinh động.
“Stoichev trông có vẻ kinh sợ giống như cha, mặc dù nhìn thấy một bản thảo cổ viết tay hẳn là một phần công việc hàng ngày của ông. ‘Tôi đã dịch nó sang tiếng Bungari,’ một lúc sau ông nói, rồi rút ra một tờ giấy khác, loại giấy vỏ hành mỏng. Chúng ta ngồi xuống. ‘Tôi sẽ cố gắng đọc cho các bạn.’ Ông hắng giọng rồi dịch thẳng từ tiếng Bungari ra cho chúng ta nghe, một phiên bản tuy chưa trau chuốt nhưng khá hoàn chỉnh của bức thư sau này được dịch ra rộng rãi.
Thưa Đức cha tu viện trưởng Maxim Eupraxius,
Tôi cầm bút để hoàn thành bổn phận mà tôi phải gánh vác theo sự sắp đặt sáng suốt của ngài, cũng như để tường thuật chi tiết sứ mệnh của chúng tôi. Cầu cho tôi hoàn thành sứ mệnh và thỏa mãn những mong ước của ngài, nhờ ơn Thượng đế phù trợ. Đêm nay, chúng tôi đã ngủ lại ở tu viện Thánh Vladimir gần Virbius, cách ngài hai ngày đường, các sư huynh sùng đạo ở đó đã đón tiếp chúng tôi nhân danh ngài rất chân tình. Như ngài chỉ dạy, tôi đã một mình đến gặp và bộc bạch với cha tu viện trưởng sứ mệnh của chúng tôi, hoàn toàn bí mật, không có sự hiện diện của một tu sĩ hay người hầu nào. Ông đã ra lệnh khóa chiếc xe ngựa của chúng tôi vào chuồng ngựa ở sân trong, dưới sự canh gác của hai tu sĩ ở tu viện và hai người trong nhóm chúng tôi. Tôi hy vọng có thể thường xuyên nhận được sự cảm thông và bảo vệ như vậy, ít nhất là cho đến khi chúng tôi bắt đầu tiến vào những xứ sở ngoại đạo. Như ngài chỉ dạy, tôi đã trao tận tay cha tu viện trưởng cuốn sách có các huấn thị của ngài, tôi thấy ông giấu cuốn sách ngay tức khắc, thậm chí còn không mở nó ra trước mặt tôi.
Lũ ngựa đã mệt mỏi sau chuyến leo núi nên chúng tôi sẽ nghỉ ở đây thêm một đêm nữa. Hiện tại, chúng tôi đã hồi phục nhờ sự giúp đỡ của nhà thờ ở đây, trong nhà thờ này có hai ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh tám mươi năm về trước đã thực hiện những điều diệu kỳ. Một ảnh thánh vẫn còn nhỏ nước mắt nhiệm màu để than khóc cho một kẻ tội lỗi, những giọt nước mắt giờ đã trở thành trân châu quý hiếm. Chúng tôi đã dâng lên Đức Mẹ những lời cầu nguyện thiết tha nhất, xin Người bảo vệ sứ mệnh của chúng tôi, xin cho chúng tôi có thể an toàn đến thành phố vĩ đại và thậm chí trong hang ổ của kẻ thù cũng tìm được một nơi trú ẩn để từ đó cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhân danh Cha, Con, và Thánh thần - Kẻ tôi tớ hèn mọn của ngài,
Sư huynh Kiril
Tháng Tư, năm của Chúa 6985
“Cả Helen và cha gần như không dám thở trong khi Stoichev đọc bản dịch. Ông dịch chậm rãi, có phương pháp và đầy lão luyện. Lúc cha suýt kêu to lên vì sự liên quan không thể chối cãi giữa hai lá thư thì tiếng bước chân thình thịch trên cầu thang gỗ làm tất cả chúng ta phải ngước lên. ‘Họ đang quay trở lại,’ Stoichev khẽ nói. Ông cất lá thư đi, và cha cũng tạm thời để ông ta giữ bản sao lá thư của chúng ta cho an toàn. ‘Gã Ranov ấy… anh ta được phân công làm người hướng dẫn cho các bạn à?’
“ ‘Đúng vậy,’ cha trả lời ngay. ‘Và anh ta có vẻ quá quan tâm đến công việc của chúng tôi ở đây. Chúng tôi phải nói với ông rất nhiều điều về cuộc tìm kiếm của mình, nhưng đó là việc khá bí mật và cũng…’ cha ngập ngừng.
“ ‘Nguy hiểm?’ Stoichev tiếp lời, quay gương mặt già nua kỳ lạ về phía chúng ta.
“ ‘Làm sao ông đoán được?’ Cha không giấu nổi sự ngạc nhiên. Cho đến lúc này chẳng có gì trong những điều chúng ta nêu ra hàm ý có thể có nguy hiểm.
“ ‘Chà.’ Ông lắc đầu, và cha nghe trong tiếng thở dài của ông một trải nghiệm sâu sắc và cả nỗi hối tiếc mà cha không tài nào dò thấu. ‘Còn vài điều nữa tôi muốn nói với các bạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhìn thấy một lá thư nào khác như thế này. Nói với gã Ranov kia càng ít càng tốt nhé.’
“ ‘Ông đừng lo.’ Helen lắc đầu, hai người nhìn nhau một lát, mỉm cười.
“ ‘Cứ yên lặng nhé,’ Stoichev nói, giọng từ tốn. ‘Tôi sẽ lo liệu để chúng ta có cơ hội trò chuyện một lần nữa.’
“Irina và Ranov bước vào phòng trong tiếng lanh canh của bát đĩa, Irina bắt đầu bày ly và một chai chứa thứ chất lỏng màu hổ phách. Ranov đứng sau cô, tay cầm ổ bánh mì và đĩa đậu trắng. Gã đang mỉm cười và trông gần như một người trong gia đình. Cha ước gì mình có thể cảm ơn cô cháu gái của Stoichev. Sau khi thu xếp cho ông cậu mình ngồi thoải mái trên ghế, cô mời chúng ta ngồi xuống, và cha chợt nhận ra chuyến tham quan sáng nay cũng đã khiến cha đói cồn cào.
“ ‘Xin mời, các vị khách quý, xin cứ tự nhiên.’ Stoichev khoát tay quanh bàn, tựa như trên bàn là một bữa đại tiệc của hoàng đế ởConstantinople. Irina rót rượu ra ly - rượu nặng đến mức chỉ riêng hơi của nó thôi có khi cũng có thể hạ gục một con thú nhỏ - và Stoichev vừa điệu nghệ nâng ly vừa cười thật tươi và chân thành, để lộ hàm răng đã ố vàng. ‘Tôi xin uống mừng tình hữu nghị giữa các học giả khắp nơi trên thế gian này.’
“Tất cả chúng ta đều nồng nhiệt nâng ly chúc mừng, trừ Ranov, gã vừa nhìn chúng ta khắp lượt vừa nâng ly lên với vẻ mặt mỉa mai.
“ ‘Cầu cho học vấn uyên thâm của các vị nâng cao được kiến thức của Đảng và nhân dân,’ gã lên tiếng, khẽ nghiêng đầu về phía cha. Câu nói đó làm cha không còn thấy ngon miệng; gã chỉ nói chung chung hay gã muốn nâng cao tri thức của cái Đảng kia nhờ một điều cụ thể mà chúng ta biết? Cha gật đầu đáp lại rồi nốc cạn ly rakiya của mình. Cha không còn cách nào khác để uống loại rượu này ngoài nốc ực thật nhanh, và rồi cái cảm giác tra tấn cháy bỏng cuối cổ họng nhanh chóng nhường chỗ cho một cảm giác hào hứng khoái trá. Xin đủ cái thứ đồ uống này, cha nghĩ, hình như cha có nguy cơ có chút cảm tình với tay Ranov kia.
“ ‘Tôi rất vui khi có cơ hội tiếp chuyện với bất cứ ai quan tâm đến lịch sử thời Trung cổ của đất nước chúng tôi,’ Stoichev nói với cha. ‘Có lẽ anh và cô Rossi sẽ thấy thích thú nếu được xem ngày lễ tưởng niệm hai trong số những gương mặt xuất sắc của chúng tôi thời Trung cổ. Ngày mai là ngày tưởng niệm Kiril và Methodii, những người lập ra bảng chữ cái Xlavơ tuyệt vời của chúng tôi. Trong tiếng Anh các bạn gọi họ là Cyril và Methodius, còn hệ thống chữ cái đó là Cyrillic, đúng vậy chứ? Chúng tôi thì gọi là kirilitsa, để tưởng nhớ đến Kiril, vị tu sĩ đã sáng tạo ra bảng chữ cái ấy.’
“Trong một thoáng cha mơ hồ liên tưởng đến vị Sư huynh Kiril của các lá thư, nhưng phải đến khi Stoichev nói tiếp, cha mới hiểu rõ ý định của ông và nhận ra quả thực ông xoay xở rất khéo.
“ ‘Chiều nay tôi bận viết lách,’ ông nói, ‘nhưng nếu muốn, ngày mai các bạn có thể quay lại, một vài sinh viên cũ của tôi sẽ có mặt ở đây để kỷ niệm ngày này, và lúc đó tôi có thể trò chuyện với các bạn nhiều hơn về Kiril.’
“ ‘Ồ, ông thật vô cùng tử tế,’ Helen lên tiếng. ‘Chúng tôi không muốn làm lãng phí quá nhiều thời gian của ông, nhưng cũng rất hân hạnh được gặp lại ông. Việc này có thể thu xếp được chứ, đồng chí Ranov?’
“Hai tiếng đồng chí có vẻ như không thoát khỏi tai Ranov, gã quắc mắt nhìn Helen qua ly rượu thứ hai của mình. ‘Dĩ nhiên,’ gã gằn giọng. ‘Tôi sẵn lòng giúp một tay nếu việc đó giúp các bạn hoàn tất nghiên cứu.’
“ ‘Tốt lắm,’ Stoichev nói. ‘Chúng ta sẽ tụ tập ở đây vào khoảng một giờ rưỡi, và Irina sẽ chuẩn bị một món gì đó ngon lành để ăn trưa. Bao giờ chúng tôi cũng là một nhóm vui vẻ. Các bạn sẽ thấy thích thú với công việc của một vài học giả mình sắp gặp đấy.’
“Chúng ta rối rít cảm ơn ông và ăn uống theo sự thúc giục của Irina, mặc dù cha để ý thấy Helen cũng tránh không đụng chạm đến phần rượu rakiya còn lại trong ly. Khi đã dùng xong bữa ăn đạm bạc, Helen đứng dậy ngay và tất cả chúng ta cũng đứng lên theo. ‘Chúng tôi không dám làm phiền ông thêm, thưa giáo sư,’ cô nói rồi bắt tay Stoichev.
“ ‘Tôi có mệt gì đâu, bạn thân mến,’ Stoichev bắt tay Helen, vẻ nồng nhiệt, nhưng cha thấy quả thực ông có vẻ mệt mỏi. ‘Tôi rất mong cuộc gặp mặt của chúng ta vào ngày mai.’
“Irina lại đưa chúng ta ra cổng, ngang qua mảnh sân vườn xanh ngắt. ‘Mai nhé,’ cô nói, mỉm cười với chúng ta, rồi liến thoắng nói thêm một câu gì đó bằng tiếng Bungari khiến Ranov vuốt vuốt tóc trước khi đội mũ lên lại. ‘Cô ấy thật xinh đẹp,’ gã hài lòng nhận xét khi chúng ta bước về chiếc xe, và Helen đảo mắt nhìn cha sau lưng gã.
“Mãi đến tối chúng ta mới có được vài phút riêng tư với nhau. Ranov đã bỏ đi sau bữa tối dài lê thê trong phòng ăn trống trải của khách sạn. Helen và cha phải cuốc bộ lên cầu thang - thang máy lại hỏng - và cùng thơ thẩn trong hành lang gần phòng cha, những khoảnh khắc ngọt ngào hiếm hoi giữa cái tình thế quái lạ mà chúng ta đang lâm vào. Khi cho rằng Ranov đã thực sự bỏ đi, chúng ta lại xuống tầng dưới, tản bộ đến một quán cà phê trên con phố nhỏ gần đó, và ngồi dưới những tán cây.
“ ‘Ở đây cũng có người theo dõi chúng ta nữa,’ Helen khẽ nói khi chúng ta ngồi vào một cái bàn kim loại. Cha thận trọng để chiếc cặp vào lòng; cha thậm chí còn không đặt nó xuống dưới gầm bàn trong quán ăn như trước nữa. Helen mỉm cười. ‘Nhưng ít ra nơi này không bị đặt máy nghe lén như trong phòng em. Và phòng anh.’ Cô nhìn lên những tán lá xanh rì trên đầu. ‘Cây đoan,’ cô trầm giọng. ‘Một hai tháng nữa chúng sẽ trổ đầy hoa. Ở quê em, người ta dùng hoa đoan thay cho trà, có lẽ ở đây cũng vậy. Khi ngồi ở một bàn ngoài trời như thế này, trước tiên người ta phải chùi sạch bàn ghế vì hoa và phấn rơi khắp nơi. Chúng có mùi như mật ong, rất ngọt và mát.’ Cô bỗng khoát tay, tựa như đang gạt qua một bên hàng ngàn cánh hoa màu xanh nhạt.
“Cha cầm lấy bàn tay Helen và lật ngược lại để có thể nhìn thấy những đường chỉ tay thanh mảnh. Cha hy vọng chúng chỉ ra rằng cô sẽ cùng cha sống một cuộc đời hạnh phúc đến trăm năm. ‘Em nghĩ gì về việc Stoichev có lá thư ấy?’
“ ‘Đó có lẽ là một may mắn bất ngờ đối với chúng ta,’ cô nói, không giấu được vẻ trầm ngâm. ‘Thoạt tiên, em cho rằng đó chỉ là một mẩu trong trò chơi ghép hình của lịch sử - một mẩu kỳ diệu, nhưng liệu nó có ích gì cho chúng ta? Nhưng khi Stoichev đoán lá thư của chúng ta có thể gây nguy hiểm, em đã vô cùng hy vọng ông ấy biết một điều gì đó rất quan trọng.’
“ ‘Anh cũng hy vọng như vậy,’ cha thú nhận. ‘Nhưng anh cũng nghĩ có thể ông ấy chỉ hàm ý lá thư đó là tài liệu nhạy cảm về mặt chính trị, giống như phần nhiều công việc của ông - bởi công việc ấy liên quan đến lịch sử giáo hội.’
“ ‘Em biết.’ Helen thở dài. ‘Có thể sự việc chỉ có ý nghĩa như vậy.’
“ ‘Và chỉ việc đó cũng đủ khiến ông ấy thận trọng khi trò chuyện trước mặt Ranov.’
“ ‘Đúng vậy. Chúng ta phải chờ đến ngày mai mới biết được ông ấy có ý gì.’ Helen đan các ngón tay vào tay cha. ‘Thực là khổ sở vì ngày nào cũng phải chờ đợi không cái này thì cái nọ, phải không anh?’
“Cha từ tốn gật đầu. ‘Em mà biết thầy Rossi thì,’ cha nói, và đột ngột dừng lại.
“Cô nhìn sững vào mắt cha rồi chậm rãi đưa tay gạt mớ tóc vừa tuột khỏi ghim cài ra sau. Cử chỉ đó trông buồn đến độ làm cho những lời nói tiếp theo của Helen càng nặng nề hơn. ‘Em bắt đầu hiểu cha rồi, nhờ có anh.’
“Ngay lúc ấy, một cô phục vụ áo trắng đến bên chúng ta và hỏi gì đó. Helen quay sang cha. ‘Anh uống gì?’ Cô nàng phục vụ tò mò nhìn chúng ta, những con người nói một thứ ngôn ngữ xa lạ.
“ ‘Em biết phải gọi món gì như thế nào rồi chứ?’ cha trêu Helen.
“ ‘Chai(2),’ Helen nói, trỏ vào người mình và người cha. ‘Cho chúng tôi trà. Moyla(3).’
“ ‘Em học nhanh thật,’ cha nói khi cô phục vụ đã quay vào bên trong.
“Helen nhún vai. ‘Em đã học qua tiếng Nga mà. Tiếng Bungari cũng gần tương tự thôi.’
“Khi cô phục vụ trở lại với hai tách trà, Helen khuấy khuấy tách trà với vẻ mặt buồn thiu. ‘Thật là nhẹ cả người khi thoát khỏi cái gã Ranov kia, đến độ em hầu như không thể chịu nổi khi nghĩ đến ngày mai lại phải nhìn thấy bản mặt gã. Em không hiểu làm thế nào mà tìm hiểu được cái gì ra hồn khi gã cứ lẽo đẽo sau lưng như thế.’
“ ‘Anh sẽ thấy dễ chịu hơn nếu biết liệu hắn có thực sự nghi ngờ gì về cuộc tìm kiếm của chúng ta hay không,’ cha thú nhận. ‘Điều kỳ lạ là hắn gợi cho anh nhớ đến một người anh đã gặp trước đây, nhưng có vẻ như anh bị mắc chứng quên, không thể nhớ nổi đó là ai.’ Cha liếc nhìn gương mặt nghiêm nghị đáng yêu của Helen, và đúng giây phút này cha cảm thấy đầu óc mình dò dẫm được một cái gì đó, như đang chấp chới bên rìa lời giải một câu hỏi khó, và không phải là câu hỏi về khả năng Ranov có một người anh em song sinh. Đó là một điều liên quan đến gương mặt Helen trong cảnh tranh tối tranh sáng này, liên quan đến động tác cha nâng cốc trà lên uống, liên quan đến cái từ lạ lùng mà cha đã chọn. Tâm trí cha đã từng chạm đến đó, nhưng lần này ý tưởng ấy bùng lên như một tia chớp.
“ ‘Chứng quên lãng,’ cha thốt lên. ‘Helen... Helen, chứng quên lãng.’
“ ‘Gì cơ?’ Cô cau mày, bối rối trước vẻ xúc động của cha.
“ ‘Những lá thư của thầy Rossi!’ cha gần như reo lên. Cha mở cặp ra hấp tấp đến mức làm trà đổ ra mặt bàn. ‘Thư của thầy, chuyến đi Hy Lạp của thầy!’
“Phải mất vài phút cha mới tìm ra lá thư quái quỷ đó trong mớ giấy tờ của mình, dò tìm đoạn thư và đọc cho Helen nghe, mắt cô mỗi lúc một mở to rồi dần tối sầm lại đầy kinh ngạc. ‘Em còn nhớ lá thư kể về việc thầy trở về Hy Lạp - về đảo Crete - như thế nào sau khi bị lấy mất tấm bản đồ ở Istanbul, rồi vận may của thầy trở thành vận rủi, và mọi chuyện trở nên xấu đi chứ?’ Cha đọc một mạch trang thư ngay trước mặt cô. ‘Em nghe này: “Những ông lão trong các quán rượu trên đảo Crete có vẻ như thích kể cho tôi nghe về hai trăm mười câu chuyện ma cà rồng của họ hơn là giải thích xem tôi có thể tìm ở đâu ra những mảnh gốm vỡ khác như mảnh gốm kia, hoặc những con tàu đắm cổ xưa nào cha ông họ đã lặn xuống để tìm chiếm cổ vật. Một tối nọ, tôi đã để một người lạ mặt mời mình một chầu thứ nước uống đặc sản địa phương có tên gọi rất quái dị là amnesia - quên lãng, hậu quả là tôi phải nằm bẹp suốt cả ngày hôm sau.” ’
“ ‘Ôi, lạy Chúa,’ Helen khẽ thốt lên.
“ ‘Tôi để một người lạ mặt mời uống một thứ gọi là amnesia - quên lãng,’ cha diễn giải, cố hạ giọng. ‘Em nghĩ gã lạ mặt quái quỷ đó là ai? Và đó là lý do vì sao thầy Rossi đã quên...’
“ ‘Ông đã quên...’ Helen như bị cái từ ấy thôi miên. ‘Ông đã quên đất nước Rumani...’
“ ‘... quên là thầy đã từng ở đó. Những lá thư gửi cho anh bạn Hedges viết rằng thầy từ Rumani trở về Hy Lạp để lấy một ít tiền và tham gia vào một vụ khai quật khảo cổ...’
“ ‘Và ông đã quên mẹ em,’ Helen kết luận, giọng lí nhí hầu như không thể nghe được.
“ ‘Mẹ em,’ cha lặp lại, chợt liên tưởng đến hình ảnh mẹ Helen đứng ở cửa dõi nhìn chúng ta ra đi. ‘Thầy chưa từng có ý định không quay trở lại. Thầy đã đột ngột quên tất cả mọi chuyện. Và đó là... đó là lý do vì sao thầy nói với anh thầy không thể nhớ rõ nghiên cứu ấy.’
“Khuôn mặt Helen giờ đã trắng bệch, hàm nghiến chặt, mắt rực lên vẻ khắc nghiệt và ngấn đầy nước mắt. ‘Em căm ghét hắn,’ cô khe khẽ nói, và cha biết cô không ám chỉ cha mình.”
Chú thích:
1. Phiên âm từ nguyên bản tiếng Anh Cyrillic, là bảng chữ cái sử dụng trong một số ngôn ngữ Xlavơ, chẳng hạn như tiếng Nga.
2. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "trà".
3. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "thưa cô".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook