Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Thanh Minh vừa đến, làng quê vốn yên ả nay rộn ràng hẳn lên.

Nhiều nhà mở toang cửa sân, người người tay đội nón rơm, tay xách giỏ tre. Những búp trà non đầu mùa đã đón gió xuân mà vươn ra, xanh mướt. Cả làng chuẩn bị lên núi hái trà.

Trà hái về, hoặc sẽ được cân bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập, hoặc mang đến xưởng chế biến thành trà khô, cất giữ uống dần. Mỗi năm vào dịp Thanh Minh, từ đồi trà đến các xưởng chế biến đều nhộn nhịp, náo nhiệt nhất làng. Ban ngày, mọi người bận rộn hái búp; ban đêm, tiếng máy xao trà rì rầm. Hương trà thanh thoát len lỏi khắp ngọn đồi, thơm ngát cả không gian.

Những đồi trà trong làng vốn được chia đều cho từng hộ từ mấy chục năm trước. Khu vực này thuộc nhà ai thì người đó tự hái, không được xâm phạm vào phần của người khác. Nếu hái nhầm, đôi khi còn xảy ra tranh chấp.

Nay sau mấy thập niên, phần lớn các gia đình trong làng đều chỉ còn lại người già, con cháu đã đi làm ăn xa. Có những ngôi nhà nay đã bỏ trống, không còn ai trông nom. Đồi trà vẫn vậy, nhưng người hái trà ngày càng ít đi.

Trời vừa tảng sáng, sương mù mờ ảo phủ kín cả đồi.

Uông Tễ dậy từ sớm, ăn tạm củ khoai lang nướng cho bữa sáng rồi ra ngoài lấy nước hồ. Anh mang theo một chiếc giỏ tre, tiếng cổng gỗ đóng lại phát ra âm thanh khô khốc trong sương mai.

Đồi trà nhà anh nằm giữa lưng chừng núi, đường xa lại dốc nên anh không định lên đó. Phía sau núi có một mảnh trà dại, dù không nhiều nhưng cũng đủ để hái được vài cân, làm chút trà uống trong nhà là vừa.

Một đường đi đến chân núi, Uông Tễ dừng lại để kéo ống quần cao lên, cẩn thận che chắn. Trên đồi trà có nhiều đỉa lớn, loại sinh vật vừa đáng sợ vừa phiền phức. Chúng cắn người còn hút máu, khiến ai nấy đều phải dè chừng.

Hồi nhỏ anh từng bị đỉa cắn một lần nhớ đời. Lần đó đang hái quả dại trên núi, anh xuống đường thì bà ngoại bắt gặp vệt máu đỏ loang trên cổ áo. Bà hốt hoảng kéo anh lại, vạch áo ra xem thì phát hiện một con đỉa to đang bám chặt trên vai, máu rỉ ra từng giọt. Uông Tễ khóc òa tại chỗ, quả dại trong tay rơi lăn lóc khắp mặt đất. Bà ngoại vội vàng chạy vào bếp pha nước muối, đổ lên chỗ bị đỉa bám suốt một hồi mới gỡ được nó ra. Sau đó bà dắt anh về nhà, lấy trong tủ vài viên kẹo sữa dỗ dành.

Sáng nay trời đẹp. Đứng trên cao nhìn ra xa, anh thấy người hái trà lốm đốm trên đồi trà đối diện. Đúng mùa trà, khung cảnh thiên nhiên như được nhuộm màu xanh ngát, sương mù giăng lững lờ giữa những tán trà, điểm xuyết những bóng người đội nón rơm hái trà, trông như những nét vẽ sinh động trên bức tranh thanh xuân.

Cây trà mọc dọc theo thế núi, uốn lượn thành từng hàng ngay ngắn. Uông Tễ mang theo một chiếc ghế nhỏ, đặt sọt tre bên cạnh, rồi ngồi xuống cạnh một gốc trà.

Hái trà là một việc nhìn thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không dễ. Thoạt nhìn cảnh những ngón tay thoăn thoắt hái chồi non trong tiếng chim hót, hòa quyện cùng hương trà dịu dàng, thật thư thái và nhẹ nhàng. Nhưng đến khi chính mình hái, Uông Tễ mới cảm nhận được sự tỉ mỉ và mệt mỏi khác hẳn việc đồng áng.

Từ hơn sáu giờ sáng, anh hái trà đến lúc mặt trời lên cao. Uông Tễ đứng dậy, vặn người một cái, các khớp xương kêu răng rắc.

Hơn hai giờ làm việc, trong sọt tre chỉ lấp ló một lớp mỏng. Nếu là nông dân chuyên nghiệp, chắc chắn tốc độ này không đạt tiêu chuẩn, nhưng anh đã rất hài lòng. Bởi việc hái trà này, đối với anh, chỉ là tìm chút niềm vui nhàn nhã mà thôi.

Những công việc như trồng trọt hay hái trà, gắn liền với ký ức tuổi thơ, khiến anh cảm thấy ấm áp và yên bình. Nó tựa như mỗi buổi chiều, khi anh ngồi ăn cơm trong sân, ngẩng đầu là thấy khói bếp vờn quanh những ngọn núi phía xa.

Đến giữa trưa, Uông Tễ đấm đấm eo, để lại nửa sọt lá trà cùng chiếc ghế nhỏ trên núi, rồi xuống nhà ăn cơm trưa.

Nhiều người hái trà thường không về nhà ăn trưa. Họ đem theo vài gói mì tôm, một chiếc bình giữ nhiệt, rồi ngồi trên đồi pha mì ăn qua loa. Có người còn đơn giản hơn, chỉ ăn bánh bao kèm cải muối để tiết kiệm thời gian và sức lực.

Còn bữa trưa của Uông Tễ, dù đơn giản nhưng vẫn đủ ngon. Anh lấy cơm nguội từ hôm qua trong tủ lạnh, đánh thêm hai quả trứng, rồi chiên thành cơm chiên trứng vàng óng. Anh thêm chút lạp xưởng thái nhỏ, rắc hành lá tươi khi gần tắt bếp. Cơm chiên bóng bẩy, kết hợp với dưa muối thím làm, vừa thơm ngon vừa đủ để cân bằng vị béo của cơm.

Ăn xong, anh rửa sạch nồi niêu rồi lên núi tiếp tục hái trà.

Buổi chiều, tốc độ hái nhanh hơn nhiều, không phải chỉ nhờ anh, mà còn nhờ có thêm người hỗ trợ.

Khi Phù Tô lên núi, Uông Tễ đã bắt đầu thấm mệt. Anh ngồi bệt xuống, úp mặt vào hai tay mà ngủ gật. Sáng dậy sớm, lại không chợp mắt buổi trưa, giờ anh cảm giác cơ thể như đang rã rời.

Nghe tiếng bước chân lạo xạo trên lớp cát đá, anh gắng gượng ngẩng đầu, đôi mắt vừa hé mở đã mơ màng phủ sương. Chưa kịp nhìn rõ người tới, Uông Tễ đã nghe giọng vang lên trước.

“Ngủ ở đây à?”

Nghe ra người quen, anh mới khẽ mở mắt, rồi lại nhắm ngay, tiếp tục nằm gục xuống, cười nhàn nhạt: “Tôi đang làm việc mà cậu hai.”

Không để ý lời bông đùa, Phù Tô đặt đồ trong tay xuống đất, ngồi xuống cạnh anh, hờ hững nói: “Ngủ thì cứ ngủ đi.”

Vậy là cả hai chẳng nói thêm gì. Uông Tễ mơ màng thêm vài phút, đến khi hơi tỉnh táo, anh mới nhận ra bên cạnh yên lặng lạ thường. Ngẩng đầu nhìn sang, cảnh tượng trước mắt khiến anh hết buồn ngủ.

“Anh làm gì vậy?”

Phù Tô ngồi trên cái ghế thấp, đội mũ lưỡi trai, im lặng hái trà một cách nghiêm túc.

“Làm công cho cậu,” hắn đưa một nắm lá trà tới trước mặt anh, “Thế này ổn không?”

Uông Tễ cúi xuống nhìn. Những búp trà xanh tươi được hái gọn gàng, không dính lẫn chút tạp chất.

“…Kỹ thuật hái trà cũng giỏi đấy, nhưng tôi trả lương không nổi đâu.”

Phù Tô thản nhiên bỏ lá trà vào sọt bên cạnh anh: “Trả không nổi tiền lương thì cho ăn cơm.”

Uông Tễ bật cười, còn ngái ngủ nên giọng hơi kéo dài: “Cơm thì chắc chắn no.”

“Vậy là được rồi.” Phù Tô đáp.

“Nhưng mà sao anh biết tôi đang hái trà ở đây? Lại còn tự chuẩn bị ghế nhỏ nữa.” Uông Tễ chỉ chỉ chiếc ghế thấp Phù Tô ngồi, nhìn đôi chân dài của hắn hơi co lại, có vẻ không thoải mái.

Phù Tô dừng động tác, quay đầu chỉ tay về phía xa.

Uông Tễ nhìn theo hướng tay hắn, thấy một ngôi nhà nhỏ khuất nửa trong rừng cây.

“Ra vậy, anh nhìn thấy tôi từ phòng ngủ hả?” Buổi chiều anh đổi chỗ hái trà, vị trí này vô tình lại đối diện với căn phòng của Phù Tô qua lớp cửa kính.

Cả hai cùng hái trà, tốc độ nhanh hơn hẳn. Dù nhìn qua, Phù Tô trông như người chẳng quen việc nhà nông, nhưng khi hái trà lại nhanh nhẹn và khéo léo đến bất ngờ. Đầu ngón tay linh hoạt, từng búp non được hái sạch sẽ, không sót lại chút nào.

Hái được một lúc lâu, Uông Tễ vừa hái xong mấy cây trà phía trước, định xách ghế đổi chỗ. Như thói quen, anh dậm chân một cái để kiểm tra xem có đỉa bám không. Đang dậm dậm, anh sực nhớ gì đó, liền xoay người đi về phía Phù Tô. Nhưng vừa bước được vài bước, chân bỗng trượt. Trước khi kịp phản ứng, cả người anh đã chật vật ngã nhào xuống, quỳ rạp dưới chân Phù Tô.

Phù Tô bị bóng người bất ngờ lao đến làm giật mình, suýt nữa thì cùng chiếc ghế đổ xuống sườn núi. May mắn là phản ứng nhanh, hắn chống tay giữ thăng bằng lại được.

Ổn định xong, hắn nắm lấy cổ tay Uông Tễ, kéo người từ dưới đất lên: “Bảo ăn cơm thôi, đâu có bảo làm lễ lớn thế này.”

“Lễ lộc cái gì,” Uông Tễ dở khóc dở cười, đứng dậy phủi quần áo, “Tôi chỉ bị trượt chân chút xíu thôi, không sao đâu, anh có bị đụng không?”

“Không,” Phù Tô lắc đầu, rồi nhìn anh từ trên xuống dưới: “Nhưng cậu có chắc là mình không sao không?”

“Không sao mà,” Uông Tễ cười xòa, “Tôi định nhắc anh trên núi có đỉa lớn, cắn một phát là máu chảy thành dòng. Anh nhớ buộc chặt ống quần lại.”

Phù Tô giơ chân lên khoe: hắn mặc quần thể thao rộng, ống quần kéo cao, bên trong còn có thêm một lớp nữa, cổ chân được băng chặt bằng dây chun chuyên dụng, kín mít không chừa chỗ cho đỉa bò.

Uông Tễ thấy vậy mới thở phào nhẹ nhõm: “Anh biết cách phòng đỉa à, tôi còn lo anh không biết, bị cắn thì khổ.”

Phù Tô buông ống quần xuống, nhún vai: “Trước đây tôi đi bộ trong núi, bị cắn mấy lần nên rút kinh nghiệm rồi.”

Uông Tễ nhìn lại bản thân, so với Phù Tô, ống quần anh nhét vào trong tất, tất thì chui vào giày, mà giày thì đầy bùn chưa chùi sạch, trông cả người như một anh nông dân chính hiệu.

Thấy hơi khát, anh xách chiếc bình thủy tinh bên cạnh lên uống nước. Khi trở về quê, anh chỉ mang theo bình giữ nhiệt, nhưng uống nước bằng cái đó hơi bất tiện, nên hôm nay tiện tay lấy đại một chiếc bình thủy tinh để dùng.

Nhìn chiếc bình lớn cùng bộ đồ chất phác của mình, Uông Tễ không khỏi cảm thấy hài lòng: bản thân đã hoàn toàn rũ bỏ dáng vẻ người thành phố, chính thức nhập vai nông dân.

Ánh nắng xuyên qua tán lá chiếu xuống, anh nhắm mắt ngửa mặt đón ánh sáng, cảm giác như niềm vui ngày mùa đang tràn ngập trước mắt.

Phù Tô cắt ngang suy nghĩ: “Tôi cũng muốn uống nước.”

Cảm giác “ngày mùa rộn rã” của Uông Tễ bị phá vỡ. Anh mở mắt nhìn quanh: “Anh không mang theo ly sao?”

Phù Tô gật đầu: “Ừ, tôi từ trong phòng bước ra, nhìn thấy cậu mang ghế và sọt tre đi, nhưng không thấy mang ly, nên quên luôn.”

Uông Tễ bật cười: “Anh đúng là học giả tinh ranh. Cái này mà cũng phải nhìn tôi để đoán à?”

Nói rồi anh nhìn bình nước trong tay, băn khoăn không biết mình vừa uống bên nào, nhưng còn đang nghĩ, Phù Tô đã chìa tay ra, giục: “Không nói cơm nước gì hết, trước cho tôi uống hai ngụm đã.”

Lời nói nghe có chút đáng thương, Uông Tễ đưa bình thủy tinh cho Phù Tô, còn anh thì cúi đầu lục lọi trên người, sờ soạng khắp nơi. Nhưng trước khi anh kịp tìm ra thứ gì, Phù Tô đã cầm lấy bình, đưa lên miệng uống.

Nước từ miệng bình tràn xuống, nhỏ giọt trên cằm hắn. Phù Tô giơ tay lau, ngẩng đầu hỏi: “Sao nước này lại có vị ngọt?”

Uông Tễ khựng lại động tác, giải thích: “Tại cái bình này vốn là từ hộp trái cây. Tôi đổ hết trái cây bên trong ra, rồi trực tiếp rót nước vô. Dưới đáy bình còn dính chút nước đường.”

Phù Tô gật gù, rồi liếc mắt nhìn anh: “Vậy cậu đang tìm cái gì?”

Uông Tễ đáp: “Định kiếm cái khăn giấy hay gì đó, để cậu lau miệng bình. Nhưng giờ coi bộ không cần nữa rồi.”

Phù Tô bật cười, đôi môi vừa chạm nước giờ trông đỏ hơn: “Cậu có mang theo không?”

“Không mang.”

“Vậy còn kiếm làm gì?”

Uông Tễ cũng bật cười: “Thói quen thôi. Theo bản năng kiếm thử, sợ anh ngại chuyện uống chung. Dù gì tôi cũng đã uống trực tiếp từ bình rồi.”

Phù Tô lắc đầu, cười nhẹ: “Không khó tính vậy đâu.”

Trời dần về chiều. Hai người ngồi trên băng ghế, luân phiên uống nước từ chiếc bình thủy tinh. Ánh nắng vàng nhạt phủ lên cả hai, khiến bóng họ trải dài trên nền đất.

Phù Tô xoay chiếc bình trong tay, làn da trắng của hắn nổi bật dưới ánh nắng. Hắn thở dài, chậm rãi nói: “Thật ra, tôi thấy hơi kiệt sức rồi.”

Uông Tễ ngửa cổ uống hết ngụm nước cuối cùng, rồi đặt bình vào sọt tre: “Anh còn biết mệt à? Từ nãy giờ nhìn anh cúi đầu hái trà, tôi tưởng anh không biết chán. Nói chuyện với anh còn chẳng thấy anh buồn trả lời.”

Phù Tô đáp: “Sợ hái ít quá, cậu lại thiệt thòi.”

Uông Tễ bật cười: “Người đi làm thuê không được suy nghĩ như vậy. Ông chủ sẽ không bao giờ chịu thiệt đâu.”

Hai người nhìn nhau, rồi đồng loạt nghiêng đầu cười lớn.

Buổi sáng lên núi, Uông Tễ chỉ mang theo một chiếc sọt nhỏ, vì vốn không kỳ vọng hái được nhiều. Nhưng buổi chiều có Phù Tô phụ giúp, tốc độ hái tăng gấp đôi. Đến giờ, chiếc sọt nhỏ đã gần đầy.

Uông Tễ đứng dậy, cõng chiếc sọt lên vai: “Thôi, về nhà lãnh tiền công và thưởng thôi.”

Phù Tô nhấc hai chiếc băng ghế lên, lười biếng hỏi: “Còn có thưởng nữa hả?”

“Ừ, sau khi cân nhắc, tôi quyết định thưởng cho anh danh hiệu ‘nhân viên xuất sắc’.”

“Cảm ơn à. Tiền thưởng là gì?”

“Bất ngờ không. Đợi chút rồi biết.”

Mặt trời dần khuất núi, những người hái trà quanh đó cũng lục tục trở về. Bóng hai người trải dài trên nền trời ngập ánh hoàng hôn, hòa vào sự tĩnh lặng của buổi chiều tà.

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương