Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ
Chương 4: Bánh rau tề thái

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Người ở quê thường dậy sớm, mới hơn 9 giờ sáng mà trên đường, các cửa tiệm đã mở cửa gần hết.

Uông Tễ dừng lại trước một tiệm thịt heo. Trên thớt là những miếng thịt tươi vừa mới mổ sáng nay, dù không có ánh đèn chiếu vào, lớp mỡ trên thịt vẫn bóng lên, ánh sáng tự nhiên đầy hấp dẫn.

Ở nông thôn, heo được nuôi bằng bắp, khoai và cỏ nên thịt mềm, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Vì muốn làm thịt viên, chủ quán chọn cho anh một miếng thịt ở phần chân trước: “Thịt chân trước ba phần mỡ, bảy phần nạc, làm viên là chuẩn ngon nhất.”

Uông Tễ quét mã trả tiền, nhưng vì tay chủ quán còn dính dầu mỡ, ông gọi bà chủ ra gói thịt cho anh. Bà chủ nhìn Uông Tễ thêm vài giây, bỗng nhiên hỏi: “Có phải cậu là cháu ông Uông ở thôn Vân Lĩnh không?”

Uông Tễ khẽ đáp: “Dạ vâng.”

Bà chủ tiệm thịt bật cười, nhìn anh rồi nói: “Nhìn cháu mà cứ ngỡ như đang thấy bà nội cháu ngày trước. Giống lắm!” Vừa nói, bà vừa đặt dao xuống, đưa tay chỉ vào mặt mình làm minh họa. “Đúng nét này đây, y như đúc.”

Đã nghe câu này nhiều lần, Uông Tễ chỉ mỉm cười gật đầu. Bà chủ tiệm đang lấy thịt cho anh thì tiện tay thêm một miếng tai heo vào. Anh rút tiền ra trả, nhưng bà vội xua tay, ngăn không cho quét mã thanh toán: “Mấy thứ này có đáng bao nhiêu đâu, nhà cô cũng chỉ để lại nấu ăn thôi. Lần sau cháu mua thịt cứ ghé đây, cô sẽ lựa cho cháu miếng ngon nhất.”

Uông Tễ nói lời cảm ơn, cầm thịt rời đi. Bên cạnh tiệm thịt là cửa hàng bán thực phẩm khô, anh ghé vào mua thêm một ít đồ ăn. Rau củ trên núi giờ vẫn chưa có nhiều, nên anh qua tiệm tạp hóa đối diện mua thêm mấy cái sọt tre và vài dụng cụ làm vườn đơn giản.

Đồ dùng ở nhà lâu không động tới, sọt tre thì mốc meo, dụng cụ làm vườn cũng đã cũ, không còn tiện dùng.

Sau khi treo thịt và rau củ lên phía trước, Uông Tễ buộc sọt tre và dụng cụ vào yên sau rồi đạp xe về nhà.

Khi ngang qua nhà chú Uông, anh định ghé vào nhờ thím Uông nấu giúp ít đồ ăn trưa, lát nữa anh sẽ mang qua. Nhưng cổng nhà đóng kín, có lẽ họ ra vườn làm việc cả rồi. Uông Tễ đành tiếp tục đạp xe về.

Về đến nhà, anh cất đồ, thay giày, đội nón rơm rồi cầm chiếc sọt tre mới mua cùng cây cuốc nhỏ đi lên núi.

Mấy ngày nay trời mưa, đất trên núi vẫn còn ướt sũng. Uông Tễ lội bùn tìm một lúc lâu mới phát hiện một góc có rau dại mọc lên xanh tốt.

Lúc này cây rau chưa ra hoa, cọng còn non mềm. Uông Tễ ngồi xổm xuống, dùng cuốc đào một bụi.

Ban đầu anh còn lóng ngóng, lưỡi cuốc toàn cắt trúng lá hoặc rễ cây. Nhưng làm vài lần liền quen tay, anh cuốc xuống đất bên cạnh, rồi nhẹ nhàng bứng lên nguyên một bụi rau dại lành lặn.

Chậm rãi đào được nửa sọt, anh ngồi tại chỗ giũ bớt đất bám trên cây, sau đó vác sọt về. Trên núi lúc này thứ gì cũng có, dọc đường anh còn nhìn thấy cả một đám rau diếp cá, nhưng không chịu được mùi rau này nên đi vòng qua chỗ khác.

Về nhà, anh lấy một thau nước để ngâm rau dại. Đất bám nhiều, rửa không sạch ngay được nên phải ngâm trước cho dễ làm.

Sau đó anh thay giày, lau sạch sàn nhà, rồi vào bếp rót một ly trà bồ công anh uống. Trà bồ công anh đắng, nên sáng nay anh đã cho thêm mấy cánh hoa hồng để dịu vị.

Cây tề thái được cắt gốc, rửa sạch đất bùn. Trời vẫn còn sớm, Uông Tễ mang đống rau vào bếp chuẩn bị nấu ăn.

Dạo này anh hay dùng bếp gas để tiện lợi, nhưng ngày hôm nay rảnh rỗi, anh quyết định thử lại bếp củi. Dù bếp củi bất tiện, nhóm lửa khó khăn và thường bị ám khói, nhưng cơm nấu từ bếp củi luôn thơm ngon đặc biệt.

Bên cạnh bếp, chú Uông và thím Uông đã chuẩn bị sẵn một đống củi tốt từ trước, phòng khi Uông Tễ cần dùng. Họ sợ anh mới về quê còn lạ lẫm, thiếu củi nhóm lửa vào bữa cơm.

Việc nhóm bếp củi đòi hỏi khéo tay và kỹ thuật. Lâu ngày không làm, Uông Tễ lúng túng mất hơn nửa tiếng mới đốt được lửa ổn định. Bếp củi nhà anh có hai nồi lớn và hai nồi nhỏ. Hai nồi lớn đặt hai bên, một để nấu cơm, một để xào rau. Hai nồi nhỏ phía trước và phía sau dùng để nấu nước hoặc hầm canh.

Sau khi vo gạo sạch và cho vào nồi bên trái để nấu cơm, Uông Tễ đổ nước vào nồi bên phải để trụng rau. Khi nước sôi, anh cho cây tể thái vào, màu rau xanh nổi lên, nhìn rất tươi mát. Trụng xong, anh vớt rau ra, ép ráo nước rồi dùng dao thái nhuyễn để riêng.

Thịt heo sáng nay mua được xay nhuyễn, trộn cùng một chút muối, tiêu và lòng trắng trứng. Để thịt bớt mùi, anh thêm nước hành gừng, rồi cho rau tể thái đã thái nhỏ vào. Thêm chút tinh bột khoai lang đỏ và củ mài nghiền, hỗn hợp trở nên dẻo mịn.

Từ nhỏ, Uông Tễ đã sống cùng ông nội. Tuy ông nội anh rất thương cháu nhưng lại nấu ăn dở đến mức khó tin. Đồ ăn cháy khét ông cũng tiếc không bỏ, chỉ dành tiền cho Uông Tễ đi mua cơm, còn mình ăn tạm đồ cháy. Thương ông, Uông Tễ quyết tâm học nấu ăn từ hàng xóm. Trong khi bạn bè còn kén ăn, anh đã biết nấu những món ngon lành. Những năm đi làm xa, dù thường ăn cơm hộp, tay nghề nấu ăn của anh vẫn không bị mai một.

Hỗn hợp thịt được anh vo thành những viên tròn đều, một nửa đem luộc, một nửa chiên trên bếp gas. Trong lúc chờ nồi nước sôi, anh thay nước mới để nấu viên thịt luộc.

Đến khi món ăn hoàn tất, kim đồng hồ chỉ 11 giờ rưỡi. Uông Tễ múc một chén đầy những viên thịt luộc thơm phức, đem qua biếu chú Uông và thím Uông.

Nhà chú thím chỉ cách vài phút đi bộ, nên anh không lấy xe mà bưng chén thịt đi bộ qua.

Cổng nhà mở, Uông Tễ bước vào, thấy chú thím đang tất bật trong bếp. Chú Uông ngồi nhóm lửa, còn thím Uông đứng xào rau, khói bếp bay nghi ngút.

Uông Tễ đứng bên ngoài bếp nhà chú thím, nhìn hai vợ chồng đang loay hoay với bếp củi mà không khỏi cảm thấy thán phục. Anh một mình nhóm bếp củi đã thấy phiền, vừa phải chỉnh lửa vừa phải nấu nướng, mà bọn họ lại phối hợp ăn ý, xoay quanh bếp như không hề thấy phiền toái.

“Chú Uông, thím Uông, đang nấu cơm à?”

Nghe tiếng Uông Tễ, hai người quay lại, mỉm cười chào hỏi. Thím Uông định giữ anh ở lại ăn trưa, nhưng anh lắc đầu, từ chối:

“Không được đâu, nhà cháu cơm cũng nấu rồi. Sáng nay cháu ra chợ quê mua được ít thịt heo, làm thành viên, mang qua cho chú thím nếm thử.”

“Trời, sao mang nhiều thế này? Không cần mang nhiều như vậy đâu, bây để dành đấy ăn đi chứ.” Thím Uông nhìn hai chén đầy viên thịt mà xuýt xoa, vừa nói vừa bị khói bếp làm sặc, ho mấy tiếng.

“Ăn không hết thì bỏ tủ đông, khi nào cần hấp lại ăn cũng được.” Uông Tễ đặt hai chén thịt xuống, rồi đi đến bật máy hút khói trong bếp, phàn nàn: “Sao thím không bật máy hút khói? Khói nhiều thế này vừa ngộp vừa không tốt cho sức khỏe.”

Thím Uông vừa ho vừa cười xòa: “Xào hai món rau thôi mà, thím nghĩ mở cửa sổ cho thoáng là được, khỏi phải bật máy cho tốn điện.”

Biết chú thím tiết kiệm, Uông Tễ vẫn không đồng tình: “Máy hút khói bật vài phút cũng không tốn là bao. Nhìn xem, khói dầu thế này hại sức khỏe. Nếu thím không bật lần sau, cháu sẽ mách Dịch Dương đấy.”

“Ấy, đừng nói với nó!” Thím Uông hoảng hốt xua tay. “Cái thằng đó lải nhải lắm. Mà biết chuyện này thì nó sẽ nói mãi, hết ngày cũng chưa xong. Không hiểu giống ai mà nói nhiều như vậy.”

“Chú thím sợ bị nó nhắc thì sửa đi chứ.” Uông Tễ cười, tiện tay lấy một chiếc đĩa sạch, giúp thím bày món vừa xào ra.

Chú Uông ngồi gần đó cũng gật gù hùa theo: “Sửa, sửa ngay! Từ nay chú sẽ nhắc thím bây bật máy hút khói, không để quên nữa.”

Trò chuyện thêm vài câu, Uông Tễ nếm thử một miếng thịt cá khô thím vừa xào, khen ngon, rồi cầm tay không trở về nhà.

Trời hôm nay mát mẻ, gió từ rừng trúc thổi qua, làm cả khu rừng xào xạc. Uông Tễ đi bộ, vừa cảm nhận không khí thoáng đãng vừa thấy tâm trạng nhẹ nhõm lạ thường.

Nhưng khi bước gần đến cổng nhà mình, anh bất chợt thấy một bóng người đang đứng bên ngoài sân.

Đầu xuân, dù trời không lạnh lắm nhưng sáng nay Uông Tễ vẫn mặc một chiếc áo khoác mỏng. Lúc này anh đã cởi áo khoác, chỉ mặc áo thun bên trong mà vẫn thấy dễ chịu. Ngược lại, người đứng ngoài cổng lại mặc áo len đen dài tay.

Màu đen làm nổi bật nước da trắng trẻo của người đó, và dáng vóc cao lớn khiến anh ta trông thật nổi bật. Người đó quay lưng lại phía Uông Tễ, dường như đang chăm chú nhìn vào sân nhà qua cổng. Hàng mày hơi nhíu lại, vẻ mặt trầm tư.

Uông Tễ bước đến gần, định lên tiếng, thì người kia đã cất giọng trước. Âm thanh thấp và đều: “Gâu gâu, ra rồi.”

Câu nói khiến Uông Tễ ngẩn người. Anh nhíu mày, hỏi lại: “Gâu gâu? Ai ra? Ai ở trong nhà tôi?”

Nghĩ rằng mình để cửa mở, Uông Tễ liếc vào sân, không thấy gì lạ nhưng lòng vẫn có chút hoang mang.

Khi anh bước gần hơn, người kia bỗng giật mình, quay phắt lại. Cả hai bất ngờ chạm mắt nhau, rồi đồng thời lùi lại một bước vì kinh ngạc.

Uông Tễ cố gắng giữ bình tĩnh, hỏi: “Nhà tôi có ai sao?”

Phù Tô khẽ híp đôi mắt, ánh nhìn mang theo chút gì đó nhàn nhạt khó đoán. Chỉ vài giây sau, ánh mắt hắn dịu lại, nhận ra đây là nhà Uông Tễ. Hắn khẽ mở miệng, nói lời xin lỗi: “Xin lỗi.”

Rồi hắn quay về phía trong sân, bất ngờ cất giọng: “Gâu gâu.”

Tiếng hắn gọi không lớn, nhưng lại trầm ấm hơn lúc nãy.

Vừa dứt lời, Uông Tễ đã nghe thấy trong sân vang lên tiếng bước chân dồn dập, lạch cạch lạch cạch từ xa vọng lại gần.

Chỉ chốc lát, ánh mắt anh hạ xuống, thấy từ cửa hông của căn bếp nhà mình lao ra một con… chó nhỏ.

Đó là một con chó ta nhỏ xíu, bụng trắng, tai vàng. Dáng vẻ thì bình thường, nhưng nhìn kỹ lại vô cùng đáng yêu. Vì nó mập ú, bộ lông xù lên như bông gòn, từ xa nhìn cứ như một cục bông biết chạy.

Con chó nhỏ chạy tới, lượn hai vòng quanh chân Phù Tô, đôi mắt long lanh nhìn hắn một chốc, rồi quay đầu phóng đến chân Uông Tễ, phịch xuống đất hai cái.

“Vậy là nó chạy vô đây hả? Rồi kêu ‘gâu gâu’ như thiệt?” Uông Tễ bật cười, lấy mũi giày chạm nhẹ vào bụng mềm mại của con chó, phát hiện nó nằm yên không động đậy. Anh cúi đầu nhìn nó, cười nói: “Chó ta đúng không? Anh nuôi nó hả?”

Con chó nhỏ nằm gọn dưới chân, Uông Tễ ngồi xổm xuống, đưa tay vuốt nhẹ lên đầu nó.

Phù Tô đáp: “Đi tới cửa nhà cậu tự nhiên nó chạy thẳng vô đây. Xin lỗi, cậu coi thử coi nó có đụng phá gì không.”

“Không sao đâu, nhỏ xíu vầy thì làm được gì.” 

Uông Tễ vẫn cầm cái chén trên tay, vừa ngồi xuống là con chó nhỏ lập tức hưng phấn hẳn lên. Nó ngẩng đầu nheo mắt hưởng thụ khi được vuốt ve, đồng thời cứ cố gắng chồm vào cái chén trên tay anh.

Uông Tễ cúi nhìn cái chén còn sót chút vụn đồ ăn bên trong, liền hiểu ra. Chắc hẳn là con chó ngửi thấy mùi thịt từ bếp nhà mình nên mới chạy vô.

“Đúng là mũi thính như chó thiệt!” Anh khẽ cười.

Cái chén thì to, mà con chó lại nhỏ xíu. Nó cứ cố chui đầu vào, liếm sạch đáy chén đến nỗi suýt thì chui lọt cả thân mình vào luôn. Nhìn nó loay hoay buồn cười quá, Phù Tô cúi người định bế nó lên.

Ngón tay dài của hắn vừa chạm vào lông con chó, nó đã khó khăn lách ra, rồi lại xoay người chạy vụt vào sân. Không quên ngoái đầu nhìn Phù Tô, khe khẽ sủa: “Gâu gâu.”

Tiếng sủa nhỏ xíu như chính vóc dáng của nó.

Con chó vừa chạy ra ngoài sân chưa được bao lâu lại lò dò quay vào. Uông Tễ nhìn thấy vẻ mặt bất đắc dĩ của Phù Tô, liền lên tiếng: “Vô nhà ngồi chút không? Không sao đâu, trong thôn chó là nuôi chung, nó thấy mùi đồ ăn thì nhà nào cũng vô hết. Nhà tôi chắc còn mùi đồ ăn trong bếp á.”

Con chó nhỏ vẫn chưa chịu dừng lại, còn mon men tới sát cửa bếp nhà Uông Tễ. Nó ngẩng đầu nhìn Phù Tô, cái đuôi ngoe nguẩy đầy phấn khích, chẳng chút đoái hoài đến việc chủ nhân của mình đang lúng túng thế nào.

Phù Tô đứng tại chỗ, vụng về cúi đầu nói: “Vậy làm phiền cậu rồi!”

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương