Trên Núi Có Chuyện Gì? - Uông Nhạ Nhạ
Chương 39: Bánh nướng Hoàng Sơn

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Xung quanh khu vực Hoàng Sơn có rất nhiều ngôi làng cổ. Hôm sau, hai người lái xe đến một ngôi làng để dạo chơi.

Những căn nhà cổ kính yên bình nép mình dưới chân dãy núi phủ tuyết trắng. Bức tường trắng, mái ngói đen xen kẽ nhấp nhô soi bóng xuống mặt nước tĩnh lặng, nơi những cành cây khẳng khiu in dấu bóng mờ ảo. Phong cảnh Hoàng Sơn mang vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa tráng lệ.

Đá xanh lát dưới chân ướt nhẹp vì tuyết tan, trong không khí lạnh giá của mùa đông thoảng qua mùi thơm mát của đất. Họ theo dòng người qua cây cầu cổ. Ở mép cầu, có người dân đang giặt quần áo, tiếng chày đập vải đều đều vang lên, nhịp nhàng mà xa xăm. Những du khách lác đác vào mùa thấp điểm làm làng quê vốn yên tĩnh thêm đôi chút rộn ràng. Dẫu sao đây cũng là thành phố du lịch, nên nét thương mại hóa ở ngôi làng cổ này là điều không tránh khỏi.

Băng qua cầu, con đường dẫn đến một khu phố buôn bán. Những ngôi nhà dân đã được sửa lại thành cửa hàng, bày bán các món ăn và đặc sản địa phương.

Hai người vừa đi vừa được mời ăn thử, mà đúng hơn là được “nhét” đồ ăn vào tay. Một cửa hàng bán bánh nướng Hoàng Sơn, nhân viên cầm khay lớn niềm nở nói:

“Tụi em không cắt đâu, bánh nhỏ mà, mấy anh chị cứ tự lấy. Bên trái là loại cay, bên phải là không cay. Ở giữa là vị mới: muối tiêu, rong biển, và chà bông.”

Uông Tễ nghe mà bật cười: “Không sợ ông chủ la hả?”

Nhân viên cũng cười tươi: “Ông chủ không có ở đây, hổng quản được đâu!”

Những chiếc bánh vừa mới nướng xong, còn nóng hổi. Lớp vỏ ngoài thơm phức, cắn một miếng, bên trong là nhân cải mặn trộn với thịt heo béo ngậy.

Uông Tễ nhớ lần trước đến Hoàng Sơn cách đây hơn mười năm, anh cũng ăn loại bánh này, nhưng bánh khi đó nhỏ, tròn, phồng lên và lớp vỏ ngoài bóng bẩy hơn. Còn bây giờ, chiếc bánh anh cầm trên tay là loại bánh dẹt, vỏ giòn rụm, nhân bên trong được ép mỏng nên nướng lên thơm lừng.

Nhân viên nghe anh hỏi thì giải thích: “Dạ, cái đó là loại truyền thống. Chỗ tụi em là kiểu cải tiến. Nếu anh muốn ăn loại truyền thống thì đi qua con hẻm ở cuối con đường này, có tiệm làm đúng vị xưa luôn. Mùa cao điểm là khách xếp hàng dài cả ngày, ông chủ tụi em nhìn mà ghen tị hoài!”

Nghe xong, ngay cả Phù Tô cũng phải bật cười.

Tuy vậy, hai người vẫn mua vài túi bánh cải tiến để mang về. Vị mặn vừa đủ, thơm ngon mà không ngấy, rất đậm đà. Uông Tễ nghĩ chú Uông và thím Uông hẳn sẽ thích.

Đi hết con đường nhộn nhịp nhất, phía trong làng có nhiều con hẻm sâu. Cả hai cứ bước đi không mục đích, thấy lối nhỏ nào cũng ghé vào.

Trong hẻm có vài hộ dân sinh sống. Những cụ già ngồi trước cửa nhà, vừa chuyện trò bằng phương ngữ địa phương vừa tỉ mẩn vá đế giày. Dưới chân họ là những chú chó vàng lớn lười biếng cuộn tròn, thỉnh thoảng vẫy đuôi xuống đất, trông thấy khách lạ cũng không buồn động đậy.

Cả ngôi làng không lớn, đi dạo chưa đầy hai tiếng đã hết. Cuối cùng, họ dừng chân bên cầu, nhìn ngắm mấy sinh viên mỹ thuật đang ngồi vẽ tranh.

Đến khi gió thổi mạnh hơn, bầu trời xa xăm trở nên âm u, đứng ở cầu cũng thấy lạnh, hai người mới quay về homestay.

Homestay nằm ngay trong làng, nép mình giữa những bức tường cao và con hẻm cổ. Đây vốn là ngôi nhà cũ của chủ nhà, được sửa sang lại thành nơi lưu trú. Phòng không lớn nhưng sạch sẽ, ấm cúng và tiện nghi.

Chủ nhà là một cô gái vui vẻ, tên Uông Bàn, cũng mang họ Uông như Uông Tễ.

Khi làm thủ tục nhận phòng, họ đã trò chuyện đôi chút. Uông Bàn không chỉ cùng họ với Uông Tễ mà còn giống anh ở điểm đều từng từ bỏ công việc ở thành phố lớn để về quê. Chỉ khác ở chỗ Uông Tễ trở về để sống an nhàn, còn Uông Bàn thì mạnh mẽ hơn, cô mở homestay để khởi nghiệp.

Khi hai người bước qua ngưỡng cửa, trong sân nhỏ hình vuông, Uông Bàn đang quấn một chiếc khăn choàng lớn, tóc xoăn xõa tự nhiên, ngồi bên lò than nấu trà.

Thấy họ về, cô ngẩng đầu hỏi: “Dạo xong rồi hả?”

“Dạ xong rồi, phong cảnh đẹp lắm.”

“Khách nào cũng khen vậy hết trơn. Chớ ở lâu rồi, như tụi tôi, thấy nhà cửa chật chội, tối tăm, đâu có sáng sủa gì.” Uông Bàn chỉnh lửa trong lò than, đặt một vỉ nướng lên trên. “Giữa buổi chiều, không làm gì thì thôi, ra đây ăn chút gì uống miếng trà, cho đỡ buồn, thơm lắm nghen.”

Trong ngày đông dài lê thê, về phòng cũng chẳng biết làm gì, Uông Tễ và Phù Tô đành ngồi xuống bên bàn gỗ, nghe theo lời chủ nhà.

Trời thay đổi, gió bắt đầu lùa qua sân, nhưng bên bếp lò than thì vẫn ấm áp. Cái ấm từ than không giống với hơi nóng từ máy điều hòa, mà là một cảm giác khô ráo, giản dị, ấm từ da thịt thấm vào tận trong lòng.

“Bữa trà chiều này hả? Sao làm nhiều vậy?”

Uông Bàn nuôi một chú mèo nhỏ, lông cam, mắt tròn vo, tên là Bánh Nướng. Chú mèo khá thân thiện, vốn đang nằm ngủ trong ổ của mình, nhưng khi Phù Tô ngồi xuống, nó lập tức chạy tới, cọ đầu vào lòng hắn. Vừa vuốt ve bộ lông mềm mại của mèo, Phù Tô vừa hỏi.

Bên cạnh hắn là một chiếc giỏ tre được đan tinh xảo, bên trong đầy ắp các loại đồ ăn như hạt dẻ, quýt, bánh gạo nếp, và mấy quả hồng đỏ mọng, có lẽ vừa hái từ cây hồng trong sân.

Uông Bàn nhặt từng món lên đặt lên vỉ nướng trên lò than, sắp xếp một cách khéo léo: “Còn cách nào khác đâu, giờ homestay cạnh tranh dữ lắm, làm ăn khó khăn lắm đó. Hai năm nay cái vụ ngồi quanh lò nấu trà đang hot, tui tính chụp vài tấm ảnh, quay clip rồi ghép nhạc đăng lên mạng để câu khách. Về nhớ giúp tôi quảng cáo nha, trên mạng nhớ để lại bình luận tốt tốt chút.” Nói xong, cô chắp tay làm bộ cảm tạ.

Uông Tễ cười gật đầu: “Nhất định rồi.”

Đồ trên vỉ nướng chưa kịp chín, Uông Tễ đã lấy một túi nylon bên cạnh mở ra đưa cho cô: “Chị ăn thử không?”

Uông Bàn liếc nhìn túi bánh, bất ngờ reo lên: “Bánh tát! Là của bà cụ trong hẻm Đông đúng không?”

Uông Tễ nói: “Hẻm nào thì tôi không nhớ, nhưng đúng là bà cụ bán đó.”

Hai người họ lúc lang thang dạo chơi đã tình cờ thấy cửa tiệm nhỏ trong một con hẻm rất hẹp.

Quán bé xíu, cũ kỹ, trước cửa chỉ có một chiếc chảo lớn đang bốc khói nghi ngút. Trên tấm bảng gỗ tróc sơn treo ở tường ghi các loại nhân bánh tát và giá cả.

Bánh tát nhìn qua tưởng chẳng có gì đặc biệt, thực chất là một loại bánh bột mỏng nhân đủ vị, nhưng cách làm thì rất lạ. Sau khi nhồi nhân vào, bà cụ cán mỏng bánh, rồi thả lên chảo dầu, sau đó còn đặt một cục đá nhỏ lên mặt bánh để ép.

Dù là mùa thấp điểm, quán vẫn đông khách, thậm chí có cả dân địa phương xếp hàng mua. Những người này rất nhiệt tình giới thiệu cho họ, bảo rằng đây là món lương khô mà thương nhân vùng Hoài cổ ngày xưa thường mang theo mỗi khi đi xa làm ăn.

“Đúng là chỗ đó, tiệm ngon nhất vùng. Bà cụ này bán cả mấy chục năm rồi, tôi ăn từ bé tới giờ.” Uông Bàn vừa nói vừa muốn cầm thử, nhưng bánh tát của quán này gói gém rất giản dị, chỉ là mấy lớp bánh đặt trong một túi nhựa. Cầm tay chắc chắn sẽ dính dầu.

Nhìn thấy vậy, Uông Tễ rút một tờ khăn giấy từ bên cạnh, bọc lấy góc miếng bánh rồi đưa cho cô.

Bánh vẫn còn nóng hổi, lớp vỏ dẻo dai bên trong là nhân thịt heo và bột đậu vàng. Hương thơm béo ngậy của bột đậu quyện cùng vị ngọt mềm của thịt mỡ tan ra ngay khi cắn miếng đầu tiên.

Bánh Nướng nghe mùi thơm, ngóc đầu ra khỏi lòng Phù Tô, “meo meo” kêu vài tiếng. Phù Tô vừa xoa đầu nó vừa trêu: “Nghe lời đi nào, đây là đồng loại của mày, không được ăn đâu.”

Uông Bàn vừa cắn một miếng bánh, suýt nữa phì cười: “Đúng vậy, Bánh không thể ăn bánh được.”

Bỗng có tiếng gõ cửa, cả ba người đồng loạt ngẩng lên.

Đứng trước cổng là một cô gái trẻ mặc trang phục Hán phục, tựa như một vệt màu rực rỡ giữa nền tường trắng mái ngói xám. Cô ngó đầu vào hỏi: “Chào chị, em có thể chụp ảnh ở đây được không ạ?”

Ngoài cổng homestay của Uông Bàn vẫn giữ nguyên phong cách cổ kính. Cánh cửa gỗ treo chiếc khóa đồng cũ đã gỉ sét, trên bức tường trắng là những vết nứt trông mộc mạc mà nhuốm màu thời gian. Cành cây hồng từ sân vươn ra ngoài, từng góc nhỏ đều toát lên phong vị cổ kính của vùng đất Hoài.

Uông Bàn thoải mái đáp: “Được chứ, nếu muốn, em có thể vào trong sân mà chụp, trong này còn đẹp hơn. Nhưng nhớ về đăng ảnh thì giúp chị quảng cáo một chút nha.”

Không lâu sau có người gọi điện đặt phòng, Uông Bàn vội ăn nốt miếng bánh cuối rồi vào nhà.

Cô gái trẻ ngoài cổng dường như đã hẹn trước với một nhiếp ảnh gia và một trợ lý cầm tấm hắt sáng. Họ chụp vài bức trước cổng, sau đó vào sân chụp thêm vài góc, cả quá trình đều trao đổi rất khẽ khàng.

Để họ không cảm thấy gò bó, Uông Tễ và Phù Tô cũng không cố tình quan sát. Uông Tễ chăm chú xem điện thoại, còn Phù Tô mải mê đùa Bánh Nướng. Chỉ đến khi cô gái ấy liên tục liếc mắt về phía họ, có vẻ đang ngắm bếp trà, Uông Tễ mới kéo Phù Tô đứng dậy, lịch sự nhường chỗ: “Lại đây mà chụp đi.”

“Cảm ơn anh ạ!” Cô gái cười tươi đáp lời.

“Không có gì.” Uông Tễ đáp, rồi sau vài giây ngẫm nghĩ vì đã nghe cô nói vài câu không mấy tự tin với nhiếp ảnh gia, anh liền bổ sung: “Rất đẹp.”

Câu khen ngợi ấy rất chân thành, không chút khách sáo, khiến cô gái ngẩn ra một thoáng rồi mỉm cười rạng rỡ. Đôi mắt cong cong, nụ cười ấy còn tỏa sáng hơn cả những bông hoa cô cầm trong tay, khiến nhiếp ảnh gia bấm máy liên tục.

Sau khi chụp xong, cô gái vẫn chưa rời đi ngay, có lẽ hơi ngại ngùng, nhưng cũng muốn đáp lễ nên quay sang khen Uông Tễ từ đầu tới chân. Cuối cùng tự mình đỏ mặt, bước đi nhẹ nhàng như cánh bướm.

“Em sao vậy? Thả thính khắp nơi à?” Phù Tô nhướn mày, liếc theo bóng dáng cô gái rồi quay sang nhìn Uông Tễ. Trong lòng, Bánh Nướng cũng kêu meo một tiếng phụ họa.

Uông Tễ cười, xoa đầu mèo: “Chỗ nào thả thính? Với lại, cô ấy cũng khen anh mà.”

Phù Tô nhướng mày, nhớ lại: “Ừ, khen mắt thẩm mỹ của tôi tốt, bạn bè chọn cũng đẹp trai.”

Uông Tễ cười lớn: “Vậy chẳng phải cô ấy khen anh đẹp trai sao? Chú em đây còn đi ghen với cả cô bé này à?”

“Cô bé hả?” Phù Tô nhìn anh, giọng điệu trầm thấp: “Tôi ghen hết, không kể nam nữ, già trẻ lớn bé.”

“Đừng dùng từ bậy bạ.” Uông Tễ bật cười, trong sân yên ắng, Uông Bàn vẫn đang bận trong nhà xác nhận đặt phòng với khách. Anh cúi sát tai Phù Tô, khẽ nói: “Không có thả thính. Tất cả tình cảm đều dành cho anh. Yêu anh nhất.”

Đôi mắt cong cong, tràn đầy ý cười.

Trong lòng Phù Tô, Bánh Nướng đang chăm chú liếm bàn chân nhỏ xinh của mình. Đột nhiên, gương mặt tròn vo của nó bị bóp bẹt lại. Phù Tô quay đầu, giữa khu sân vắng người, hắn nghiêng qua hôn lên môi Uông Tễ.

Nụ hôn chan chứa sự dịu dàng, nhưng ẩn sâu trong đó là chút chiếm hữu không cách nào che giấu được. Khi môi rời nhau, Uông Tễ khẽ chạm lên môi mình, ánh mắt chứa ý cười: “Anh bị con trai mình nhập à? Sao lại cắn người thế này?”

“Lúc hôn tôi mà còn nghĩ đến nó? Về nhà tôi đổ hết thịt khô và đồ hộp của nó đi cho xem.” Phù Tô trầm giọng.

“Anh phát điên gì vậy chứ?” Uông Tễ bật cười.

Lúc này, Uông Bàn đã xử lý xong việc đặt phòng, cô khoác chiếc khăn choàng lớn, hối hả bước ra sân. Hai người đồng loạt nhìn sang. Uông Bàn hớn hở thông báo:

“Tôi đã bảo mà, cứ chăm chỉ quảng bá là được! Vừa nhận được hai lượt đặt phòng, khách ở tận ba đêm lận! Phát tài rồi!”

Cô tranh thủ hào hứng giơ điện thoại lên, quay một đoạn video về góc sân, chiếc bàn gỗ trước mặt và khung cảnh xung quanh.

Hoàng hôn đang dần buông xuống, ánh trời chiều nhuốm màu ấm áp trên nền trời xám lạnh. Gió bắc thổi qua, tuyết đọng trên cành cây hồng rơi xuống lả tả.

Lửa trong lò than vẫn cháy đều, hơi ấm lan tỏa khắp sân. Chiếc ấm gốm trên lò khẽ sôi, từng làn khói mỏng manh vấn vít. Bánh nếp và hạt dẻ đặt trên lò nổ bung lớp vỏ, phát ra tiếng lép bép vui tai.

Video gần như không cần chỉnh sửa, chỉ thêm chút nhạc nền là đã đẹp lung linh. Uông Bàn cầm điện thoại, ngồi nhíu mày, cố nghĩ một câu chú thích thật ấn tượng.

Đột nhiên, Uông Tễ ngước lên, nhìn bầu trời sẫm màu, khẽ nói: “Lại sắp có tuyết nữa rồi.”

Cả Uông Bàn và Phù Tô đều ngẩng lên, mỗi người một cách. Một người nhìn trời, một người nhìn người, ánh mắt cả hai đều dịu dàng, ấm áp.

Một khu sân nhỏ, một chiếc lò than, ba kẻ vô ưu, một chú mèo đang lơ mơ ngủ. Họ cùng nhau chờ đợi một cơn tuyết lớn sắp đến, để tất cả hòa vào khoảnh khắc chậm rãi mà đầy vấn vương của thời gian.

Uông Bàn khẽ thở ra, đôi mày giãn ra đầy thư thái. Ngón tay lướt nhẹ trên màn hình, cô chậm rãi gõ:

Rượu Lục-Nghị mới cất xong,

Chiếc lò đất nhỏ sẵn trong góc này.

Trời e đổ tuyết chiều nay,

Anh sang uống chén rượu này được không?

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương