Trăng Sáng Cố Hương
Chương 12-3: NGỌC NÁT (tt)

Nói đến đó, A Chước bỗng nhiên ngưng lại, nhìn thấy Vân Hy vẻ mặt nhợt nhạt, ông ta nuốt lại lời đã thốt ra đến bên khóe môi, chỉ nói: “Bất kể là như thế nào, thiếu chủ tin tưởng cô nương, thì A Chước ta cũng tin tưởng cô nương! Có bất cứ yêu cầu gì, cô nương cứ nói, Vân Tiêu cổ lâu chúng ta tất sẽ làm theo!”

Trên môi Vân Hy nở một nụ cười rất miễn cưỡng, sáu phần như cười, bốn phần như khóc. Chỉ thấy cô đưa bàn tay duy nhất nắm chặt ngọn thương bạc lạnh ngắt, khẩn khoản nói: “Ta muốn nhờ Vân Tiêu cổ lâu rèn đúc mười vạn mũi tên.”

“Đúc tên?” A Chước giật mình, nói. “Ở nơi hoang vu này, lấy nguyên liệu đâu ra để đúc tên?”

Vân Hy cầm cán thương chống nhẹ xuống đất, hỏi lại: “Đây không phải là nguyên liệu ư?”

“Ý của cô nương là lấy băng làm tên ư?” A Chước lập tức hiểu ý, vỗ tay nói: “Đó cũng là một cách! Không có đủ sắt, đầu mũi tên ta sẽ dùng băng đá thay thế, lực sát thương cũng không hề kém!”

Vân Hy gật gật đầu, lại nói: “Không chỉ có tên, chúng ta còn cần mười cỗ máy bắn đá, còn như đạn đá, cũng có thể làm chảy tuyết thành nước, rồi lại đông thành băng, và lấy băng thay đá. Tuy không được cứng bằng, không thể công phá thành lâu, nhưng nếu dùng vào việc giết giặc thì cũng đủ sức.”

“Tùy cô nương an tâm, ta sẽ đi làm ngay!” Nói xong, A Chước lập tức gọi các đệ tử của Vân Tiêu cổ lâu, nghiên cứu xem nên làm thế nào để thu thập vật liệu, chế tạo máy bắn đá.

Mấy ngày sau, khi đôi cánh của ưng vương lướt qua đại lục Trung Nguyên, ẩn sau vẻ bình lặng của các ngõ phố trong các thành trấn, đã có những biến động. Từ các chân trời mênh mang xuất hiện thêm những chiếc đèn trời chậm rãi bay lên không trung. Những chiếc đèn lồng trên các cây cầu đá, miếu thổ địa, hay trà lầu tửu quán bị những người qua đường tựa như vô tình thổi tắt đi mấy ngọn, những người lữ hành thần sắc căng thẳng, vội vã đi lên phía bắc càng lúc càng đông. Cùng lúc ấy, môn nhân các phái trong Thái Bình minh: Xung Tiêu kiếm các, Tử Vân môn, Thiên Ba lâu, Thụy Kim môn và Cửu Hoa phái cũng tiến quân lên biên cương phía bắc.

Đại địch ở trước mặt, bất luận là danh môn chính đạo hay tà ma ngoại đạo, quân đội triều đình, những võ nhân và quân nhân đều dần dần tụ tập cả lại mảnh đất giá buốt nơi cực bắc ấy. Đâu cần biết xưa kia từng có oán thù, đâu cần biết từng là kẻ địch sinh tử, lúc này đây, bất kể là ân oán xưa cũ hay lập trường hắc bạch, tất thảy đều được vứt bỏ sang một bên. Những võ nhân mang tuyệt kỹ trên mình, những quân sĩ tay cầm chắc vũ khí, tất cả đều có một mục tiêu chung, đó là chặn đứng đại quân Bắc Nhung, không để cho những kẻ ngoại tộc như hùm sói ấy đánh phá quan ải, xâm chiếm nước nhà, chà đạp lên mảnh đất thần châu này.

Tuyết bay đầy trời bời bời rơi xuống, phủ kín cả một vùng phương Bắc.

Ánh lửa ngút trời, rừng rực bầu không, núi non đều biến thành biển lửa.

Cửa ải Dương Sơn trên biên cương phía bắc, cảnh tượng hai tầng băng lửa đã kéo dài liên tục hơn mười ngày. Một mặt, trên dãy núi Tùng Dương lửa cháy ngùn ngụt tạo thành một vành đai lửa. Một mặt khác, trong thung lũng giữa hai bên núi, quân Bắc Nhung hết lớp này đến lớp khác tìm mọi cách để phá hàng rào tuyết, xông qua được ải Dương Sơn, để vó ngựa sắt phương Bắc có thể giẫm lên cánh đồng tuyết mênh mông của Trung Nguyên. Nhưng thủ quân sao có thể cho chúng được toại ý? Ngô Quý chỉ huy hai vạn thủ quân, cùng các võ nhân, tử thủ ải Dương Sơn, chiến đấu sống chết với đại quân Bắc Nhung ở quan ải dài hẹp đó.

Gió bấc gào rít phát ra những tiếng gầm thét phẫn nộ, những tiếng kêu gào thảm thiết. Thấu qua lớp tuyết rơi mênh mang, Tùy Vân Hy có thể nhìn thấy hàng ngàn hàng vạn tay đao Bắc Nhung đang chạy đến trên con đường đầy tuyết. Cô giơ cao tay trái, nắm chặt cây thương bạc, đợi đến khi bọn chúng xông tới khu vực có thể bắn được, tay trái cô lại vung mạnh xuống, đồng thời tiếng hô to vang lên: “Bắn!”

Gió lướt qua bên tai, cỗ máy bắn đá phía sau lưng phát ra những tiếng trầm đục, từng tảng băng lớn dưới xung lực của cỗ máy vọt xé bầu không, phi thẳng xuống đám đại quân Bắc Nhung. Những tảng băng dài rộng đều tầm hai thước, rơi vào đội ngũ của địch vỡ ra làm bốn, năm mảnh, những tên lính Bắc Nhung không kịp né tránh, bị những khối băng từ trên trời rơi xuống làm vỡ đầu tan xác, những xác chết vừa đổ sập xuống đất lại bị những kẻ đang chen lấn phía sau giẫm đạp lên nát thành một đống trắng đỏ lẫn lộn.

Mười cỗ máy bắn đá, dưới sự điều khiển của quân sĩ giữ thành, liên tiếp bắn những viên đạn băng đã chuẩn bị sẵn sàng, nhắm thẳng về phía trận địa của quân địch. Cùng lúc ấy, những tay cung đứng phía sau các võ nhân đã kéo căng dây bắn những mũi tên sắc không thể đếm hết được, nhằm vào đám giặc đang xông đến đông như ong vỡ tổ. Những đầu mũi tên được làm bằng băng cứng, dưới ánh mặt trời phản chiếu ánh lên những vệt sáng chói mắt, những mảnh băng tuyết trắng trong không tì vết lại trở thành vũ khí sắc bén chặn đứng quân thù, trong gió rét căm căm, xé toạc bầu không, xuyên thấu ngực kẻ địch rồi lại tan chảy trong máu nóng của chúng.

Trận tuyến băng tuyết được làm bằng đạn băng và mũi tên băng đã có tác dụng làm chậm lại thế tấn công của quân Bắc Nhung. Nhưng những kẻ ngoại tộc phương Bắc hung hãn không biết sợ hãi là gì ấy không hề vì thế mà dừng lại bước chân xâm lược thần châu. Những tay đao dũng mãnh của chúng hò hét xông tới quan ải, từ sau lưng chúng, mấy chục võ nhân thi triển khinh công thượng thừa, giẫm lên vai những tên lính Bắc Nhung như đạp gió mà đi. Trước những cơn mưa tên của thủ quân, bọn võ nhân Thất Phách đường tay cầm đao bán nguyệt, múa tít trước mặt, tựa hồ làm thành một tấm lá chắn, gạt bay hết tất cả những mũi tên bắn về phía chúng. Khi tiến sát đến tuyến giao chiến đầu tiên, chúng vung mạnh tay, lập tức mấy chục viên hỏa lôi đạn đã được ném về phía đội ngũ cung thủ của quân thủ thành. Tạc đạn nổ tung khiến các tay cung thân thể bị xé nát, những mảnh thi thể văng cả lên không trung, máu bắn tóe đầy trời.

“Ta giết ông nội ngươi!” Thấy các quân sĩ đồng đội bị tử thương, Cuồng Đao Khách Cố Lương uất ức gào lên, ông ta vung tới tấp cây trường đao cao bằng nửa người đeo phía sau lưng, quay về phía Hà Nhân, hét to một câu: “Thủy Quỷ!” Hà Nhân lập tức hiểu ý, giơ ngang cây gậy trúc trên tay. Cố Lương nhún chân nhảy lên một đầu gậy, Hà Nhân lấy hết sức hất mạnh, Cố Lương mượn đà lực ấy, liền như mũi tên bắn khỏi dây cung, xông thẳng vào trận thế của giặc. Chỉ thấy trường đao của ông ta quét ngang một đường, cắt đứt cổ một loạt quân Bắc Nhung ở xung quanh. Máu nóng phun trào, từng cái đầu văng tít ra xa, rơi xuống giữa đội quân đang ào ào xông tới. Cố Lương nhún chân hạ thấp người xuống, vận hết kình lực toàn thân, hét to một tiếng “ha”, rồi bất ngờ xoay người vung đao, công lực bung ra chấn động bốn phía, khiến bụi tuyết tung lên mù mịt, bay theo chiều ngược lại. Chiêu Toàn Phong Trảm ấy đúng như cơn gió lốc cuồng bạo, cuộn lên một luồng sát khí huyết nhục giữa thế trận của quân giặc, những luồng máu phun ra nhuộm đỏ cả mặt mũi đầu tóc Cố Lương. Ông ta hệt như một viên đao phủ hành hình dưới địa ngục, hóa thân thành tu la ác quỷ, những nơi ánh đao lướt tới chẳng khác gì một cỗ máy xay thịt lấy mạng hết các tay đao trong quân Bắc Nhung.

Nhưng tuy Cố Lương dũng mãnh phi thường cũng chỉ là thân xác bằng xương bằng thịt, một Cuồng Đao Khách làm sao có thể chặn được hàng ngàn vạn quân Bắc Nhung đang xông tới như sóng cuộn? Huống chi, thấy ông ta sát chiêu hung hãn, ba tên cao thủ của Thất Phách đường lập tức phi thân nhảy đến bên cạnh, cây đao bán nguyệt trong tay chúng ào ào xuất thủ, bay liệng ngang dọc trên không trung, một cây đao bán nguyệt phong tỏa chặn đường đao của Cố Lương, va chạm với cuồng đao phát ra những tiếng choang choang, cây thứ hai vù vù hồi chuyển tấn công thẳng tới trước mặt ông ta. Cố Lương ngửa mặt tránh được, nhưng nào hay cây đao thứ ba của chúng đã nhanh như bay tấn công vào sau lưng ông ta, định chém đứt ngang lưng dũng sĩ.

“Đại cô nương, chớ có dũng mãnh theo lối thất phu thế!” Một tiếng kêu to vang rõ, biệt hiệu đã rất lâu không được nghe thấy chợt dội vào bên tai Cố Lương. Chỉ thấy một bóng đen phi thân nhảy tới, một đôi thiết bút giơ nghiêng chặn lại đường đao bán nguyệt đang chém tới Cố Lương. Người ấy vung tay phải, cây thiết bút trong tay như viết một nét móc, cây đao bán nguyệt bị đường bút ấy hất tung quay tròn bay ngược trở lại phía tên võ nhân của Thất Phách đường. Hắn không kịp tránh, đã bị binh khí của chính quân mình chém trúng, phạt bay mất nửa đầu!

Trên chiến trường, đâu có thời gian để hàn huyên tâm sự chuyện cũ, nhưng Cố Lương vẫn kịp cười lớn, chửi một câu: “Mẹ kiếp! Ta cứ tưởng con rùa họ Lục ngươi mất tích rồi cơ đấy!”

Người kia họ Lục, tên Nhất Phùng, cũng là một thành viên của Thương Thiên, chính là sư huynh của Điểm Mặc Giang Sơn Trương Văn Thư. Do vậy, tuy anh ta không ở cùng cứ điểm với bọn Cố Lương nhưng vẫn biết biệt hiệu “Đại cô nương” ấy của Cuồng Đao Khách. Cùng anh ta đến ải Dương Sơn còn có hai chục võ nhân của Thương Thiên ở cứ điểm Tần An. Không nói một câu, tất cả mọi người đều đã phi thân xông vào trận địch, ai nấy thể hiện hết thân thủ của mình, đánh giết bốn bên.

Võ nhân Thương Thiên từ giang hồ loạn thế mà ra, phần lớn đều là những kẻ nhàn vân dã hạc vô môn vô pháp, những vũ khí trong tay họ cũng đủ mọi thể loại khác nhau. Lục Nhất Phùng sử dụng một đôi thiết bút, chỉ thấy anh ta dùng lực nhẹ, đưa bút nhanh, nhanh chóng thay đổi điểm tấn công, phong huyệt khiến kẻ địch bị thương, bút pháp hệt như cách viết nhấc bút móc nét trong thư pháp, rồi lại lập tức chuyển sang dùng mãnh lực đưa xiên một đường, chính như viết một nét mác, cuối cùng đưa một nét ngang khí lực cân bằng. Mấy chiêu ấy, chính là chiêu mà giang hồ vẫn truyền nhau gọi là Tẩy Mặc Bút, chẳng những có thể dùng khí lực làm đối thủ bị thương, còn có thể phong huyệt, điểm huyệt: Một phẩy một ngang bằng sổ thẳng, trực tiếp dồn hết nội lực, mạnh mẽ ổn trọng mực ngấm vào gỗ ba phân. Nét phẩy nét mác thì như cuồng thảo, linh động mà phóng túng không gò bó, khí lực mạnh mẽ thấu tận xương cốt. Nhưng hôm nay, vốn là “tẩy mặc bút” nhưng những giọt rơi xuống lại là máu nóng nơi chiến trường, thuận theo đầu bút sắt, trong những đường đâm thẳng chém xiên, tuôn trào vương vãi, bay tứ tán cùng những bông tuyết bời bời.

Lại có một vị kỳ nhân sử dụng một sợi dây dài, một đầu buộc một hồ rượu đúc bằng sắt. Ông ta vóc dáng linh hoạt nhưng không phải là đứng như thông, ngồi như chuông giống phần lớn các võ nhân khác, mà lại tựa như một người say rượu, xoay người loạng chà loạng choạng, thân hình tựa như quỷ mị, như một con thoi xuyên qua xuyên lại giữa những cây đao dài của đám quân Bắc Nhung. Chỉ thấy tay phải ông ta vung lên, sợi dây dài trong tay liền cuộn một vòng đánh ra, chiếc hồ rượu sắt văng tới đâu, đầu bọn đao khách Bắc Nhung vỡ toang đến đó, tất thảy đều bị ông ta đập như đập gáo dừa.

Cây gậy trúc của Hà Nhân quét ngang thân quân giặc, một mình ông ta chọi lại rất nhiều tên. Sái Tiểu Xà rút sợi roi mềm bên lưng ra. Cây roi dài ấy tựa như con linh xà ông ta điều khiển, vút ra quấn chặt lấy cổ kẻ địch, bàn tay phải xoay một đường, liền nghe một tiếng trầm đục vang lên, sống lưng của những tên đao khách Bắc Nhung đã bị Sái Tiểu Xà vặn gãy. Tùy Vân Hy chỉ còn lại một cánh tay trái, không thể nhấc nổi cây thương nặng, bèn học theo cách của Hạ Thiên Thu ngày nào trên núi Hợp Hư, dùng một dải vải buộc cây trường thương vào cánh tay phải của mình, nên vẫn có thể vung múa đâm chém như thường.

Hơn ba mươi võ nhân Thương Thiên, hình dáng ăn mặc, cùng các thứ vũ khí mang theo mỗi người một kiểu, nhưng đều đồng lòng tử thủ quan ải. Nhưng vạn con kiến còn có thể ăn hết được con voi, huống chi quân Bắc Nhung tên nào tên nấy đều kiêu dũng thiện chiến, tuy không tinh thông võ nghệ, nhưng chém giết sát thương đối thủ cũng rất giỏi giang. Chỉ dựa vào hơn ba mươi võ nhân làm sao có thể ngăn chặn được hàng ngàn vạn binh sĩ? Cố Lương tuy cầm trường đao trên tay, rất có lợi thế một kẻ giữ ải muôn người khó phá, nhưng trên đầu, trên tay, trên ngực ông ta cũng đã có mấy vết chém bị thương, máu đỏ lăn dài từ trán xuống, dần dà làm tầm nhìn mờ mịt hẳn đi. Ông ta không thôi thở dốc, nhưng hai tay trước sau vẫn nắm chặt trường đao, mỗi khi có kẻ địch xông tới, lập tức vung đao trảm sát!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương