Trăng Lặn
Chương 5

Từng ngày, từng tuần, rồi từng tháng lê thê trôi đi. Tuyết rơi và tan đi, lại rơi và tan đi, rồi cuối cùng rơi và đọng lại. Trong thị trấn nhỏ bé, những tòa nhà u ám bị tuyết phủ trắng trên mái, trên vòm che cửa sổ. Trước cửa nhà lối đi ra đào thành rãnh xẻ luồn trong tuyết như những chiến hào. Trên bến cảng những chiếc xà lan trống đến chất đầy than đá rồi tách bến, nhưng than không thể dễ dàng lấy ra khỏi hầm mỏ. Những người thợ giỏi làm việc có sơ suất và họ vụng về chậm chạp. Máy móc hỏng hóc mất nhiều thời gian để sửa chữa. Người dân của bị nước bị bại trận đang âm thầm chậm chạp sắp đặt một cuộc trả thù hằng mong đợi. Những kẻ phản bội, những người tiếp tay cho quân xâm lăng - nhiều người trong bọn họ tin tưởng việc họ làm sẽ mang lại một tình trạng tốt đẹp hơn và một lối sống lý tưởng - thấy quyền hành họ đoạt được là nỗi bất an, và thấy những người họ quen biết nhìn họ với ánh mắt lạnh lùng trong câm lặng.

Quanh quất đâu đó cái chết đang lởn vởn chờ đợi. Tai nạn xảy ra trên những con đường sắt bám vòng quanh núi nối liền thị trấn với những vùng khác của đất nước. Tuyết truồi đổ xuống lấp mất đường ray. Xe lửa không thể chạy nếu đường không được kiểm tra trước. Dân chúng bị đem ra bắn để trả thù mà vẫn không thay đổi được gì. Lâu lâu lại có một nhóm thanh niên vượt thoát đến Anh quốc. Người Anh ném bom mỏ than, gây một số tổn thất, giết vài người của cả đôi bên, bạn lẫn thù. Việc ném bom làm tình hình xấu đi. Lòng căm thù lạnh lẽo càng chất chứa thêm theo ngày đông tháng giá; lòng căm thù im lặng, câm nín; căm thù trong rình rập đợi chờ. Việc cung cấp lương thực bị kiểm soát - chỉ phát cho những ai phục tùng, không phát cho những kẻ ương bướng - khiến toàn thể đân chúng trở nên lạnh nhạt vâng lời. Có những nơi mà thực phẩm không thể hạn chế được, vì người thợ đói không thể đào than trong mỏ, không thể khuân, không thể vác. Và lòng căm thù nằm ẩn sâu trong mắt, giấu mình dưới một lớp vỏ.

Bây giờ thì kẻ chiến thắng bị bao vây, những người lính của tiểu đoàn đứng trơ trọi giữa những địch thủ câm lặng, không một người lính nào có thể buông lơi cảnh giác cho dù chỉ trông chốc lát. Nếu không, hắn sẽ biến mất, xác hắn vùi trong một đụn tuyết. Nếu hắn một mình đi đến một người đàn bà, hắn sẽ biến mất, lại thêm một cái xác vùi trong tuyết. Nếu hắn nhậu say, hắn cũng sẽ biến mất. Những người lính chỉ có thể cùng hát với nhau, cùng nhảy với nhau. Nhảy múa rồi cũng thôi và ca hát chỉ bộc lộ niềm nhớ mong quê nhà. Những chuyện họ nói là về bạn bè và người thân, những người họ thương yêu, và là nỗi nhớ mong đến tình thương và sự đầm ấm. Một người đàn ông chỉ có thể làm một người lính trong bao nhiêu giờ một ngày, hay trong bao nhiêu tháng một năm, và hắn cần phải trở lại làm một người đàn ông, cần gái, cần nhậu nhẹt, cần tiếng nhạc, tiếng cười và sự nhàn hạ; khi những cái đó bị tước đoạt đi, trong lòng chỉ còn lại nỗi thèm khát khó kiềm chế được.

Và người lính của tiểu đoàn luôn nghĩ đến quê nhà. Họ dần dần ghê tởm nơi chốn mà họ đánh chiếm, họ cộc cằn với dân chúng; và dân chúng cũng cộc cằn lại với họ. Dần dần một chút lo sợ nhen nhúm trong lòng kẻ xâm chiếm, sợ là chiến tranh rồi sẽ không bao giờ chấm dứt, và họ sẽ không bao giờ được thảnh thơi hay được quay về nhà, sợ là một ngày kia họ sẽ tan vỡ và bị săn lùng trong rừng núi như loài thỏ, vì những người bị bại trận không bao giờ nguôi đi lòng căm thù. Ðội tuần tra nghe thấy có ánh sáng, tiếng cười, khi họ đến gần bên đám lửa, tiếng cười ngưng đi, sự ấm cúng biến mất, những người ở đó trở nên lạnh nhạt, phục tùng. Những người lính ngửi thấy mùi thức ăn nồng ấm từ những nhà hàng nhỏ, họ vào gọi thức ăn và được dọn cho những đĩa quá mặn hay quá nhiều tiêu.

Những người lính đọc được tin tức từ quê nhà và từ những nước bị đánh chiếm khác, tin tức luôn tốt lành, lúc đầu họ tin vào chúng, nhưng một thời gian ngắn sau đó họ không còn tin vào chúng nữa. Mọi người mang trong lòng một nỗi sợ hãi. “Nếu ở quê nhà có sụp đổ, chúng ta sẽ không được nói cho biết, và rồi khi biết được sẽ quá trễ. Dân chúng ở đây họ sẽ không tha cho chúng ta, họ sẽ giết hết.” Họ nhớ lại chuyện binh lính bọn họ rút lui băng qua xứ Bỉ và những người lính rút ra khỏi nước Nga. Những người biết chữ nghĩa hơn nhớ đến cuộc triệt thoái hỗn loạn, bi đát ở Moscow, khi đó mỗi chiếc xỉa xới rơm của những nông dân đều vấy máu, và những lớp tuyết đọng bị ung vữa vì xác chết.

Họ biết khi nào họ suy sụp, buông lơi, hay mê ngủ quá lâu, những chuyện giống như xưa khi sẽ xảy ra ở đây; giấc ngủ của họ không được yên và ban ngày tâm thần họ hoảng hốt. Họ hỏi những điều mà các sĩ quan của họ không thể trả lời, vì chính những sĩ quan cũng không biết. Họ cũng không được nói cho biết. Họ cũng không còn tin vào những bản tường trình từ quê nhà nữa.

Vậy là đến một lúc kẻ chiến thắng trở nên sợ hãi kẻ chiến bại; tinh thần bị bào mòn, họ bắn vào những chiếc bóng vào ban đêm. Họ luôn lạnh lùng, câm lặng. Trong vòng một tuần có ba người lính phát cuồng, họ kêu khóc suốt đêm ngày và được gửi trả về quê nhà. Và những người lính khác hẳn có thể phát cuồng nếu họ không được nghe nói rằng cái chết ân huệ đang chờ họ ở quê nhà. Cái chết ân huệ là một chuyện kinh khủng khi nghĩ đến. Sợ hãi len vào trong đồn quân làm binh lính ủ rũ, len vào đội tuần tra làm họ trở nên tàn độc.

Ðã đến cuối năm và đêm càng lúc dài thêm. Mới ba giờ chiều trời đã tối và buổi sáng mãi đến chín giờ mới thấy ánh mặt trời. Ánh đèn vui tươi từ trong nhà không còn hắt lên trên tuyết, vì luật lệ buộc mọi người phải che tối các khung cửa để tránh máy bay ném bom. Nhưng khi máy bay ném bom của Anh quốc đến,vài ngọn đèn luôn xuất hiện ở gần mỏ than. Vài lần lính canh bắn được người mang đèn, có một lần họ bắn một cô gái dùng đèn bấm. Và chuyện đó không giúp ích gì. Không có thể trị ai được bằng cách bắn người.

Những sĩ quan là hình ảnh phản chiếu của binh lính, họ có thể tự kiềm chế khá hơn vì được huấn luyện đầy đủ hơn, họ có khả năng ứng biến hơn vì họ có nhiều trách nhiệm hơn; nhưng trong lòng lại họ càng chôn sâu hơn cùng một nỗi sợ hãi, và trong tim cũng thắt chặt hơn cùng một nỗi khát khao. Và tinh thần họ càng căng thẳng hơn gấp đôi, gần đến mức đổ vỡ, vì kẻ chiến bại đang trông chờ họ phạm phải sai lầm, còn những binh lính để ý xem những nhược điểm của họ. Những kẻ chiến thắng tinh thần đang bị vây khốn, và mọi người, kẻ chiến thắng cũng như kẻ chiến bại, đều biết là chuyện gì sẽ xảy ra một khi vết rạn nứt đầu tiên xuất hiện.

Trong căn phòng ở tầng trên của dinh Thị trưởng vẻ thoải mái đã biến mất. Giấy đen được ghim chặt che kín khung cửa sổ, rải rác quanh phòng có những đống quân cụ quí giá - những quân cụ không thể bỏ cho hư hỏng, kính che mắt, mặt nạ phòng hơi độc và nón sắt. Kỉ luật ở đây ít ra cũng buông lơi, mặc dầu những sĩ quan biết rằng phải nới lỏng kỉ luật ở đâu đó nếu không cỗ máy sẽ bục vỡ. Trên bàn hai chiếc đèn bão thắp xăng hắt ra ánh sáng rưng rức chói mắt, chiếu lên tường những cái bóng đen to lớn. Tiếng rít xè xè của hai chiếc đèn âm ỉ vọng khắp phòng.

Thiếu tá Hunter làm việc không ngưng. Chiếc bảng vẽ của hắn lúc này để sẵn thường trực, vì những trái bom phá hỏng công trình của hắn nhanh chóng gần bằng tiến độ hắn xây dựng lên. Hắn hơi phiền muộn, vì với thiếu tá Hunter, xây dựng là sự sống, nhưng ở đây công việc cần hắn xây dựng nhiều hơn khả năng hắn có thể thiết kế hay hoàn tất. Hắn ngồi cạnh chiếc bảng vẽ, chiếc đèn ở sau lưng, và cây thước vuông chữ T đưa lên đưa xuống tấm bảng cùng cây bút chì đang bận rộn.

Thiếu úy Prackle, một cánh tay còn bị buộc băng đeo trước ngực, ngồi trên một chiếc ghế dựa thẳng đằng sau cái bàn kê giữa phòng; hắn đang đọc một tờ họa báo. Ở cuối bàn thiếu úy Tonder đang ngồi viết thư. Hắn kẹp cao cây viết trong tay và thỉnh thoảng hắn đưa mắt nhìn lên trần nhà, tìm chữ đặt vào thư.

Prackle lật một trang của tờ họa báo, hắn nói, “Nhắm mắt lại tớ có thể thấy mọi cửa hiệu ở trên con phố này đấy.” Hunter tiếp tục làm việc và Tonder viết xuống thêm vài chữ. Prackle nói tiếp, “Có một cái nhà hàng ở ngay sau chỗ này. Trong hình không thấy được. Nhà hàng tên là Burden’s.”

Hunter không ngẩng lên. Hắn nói, “Tôi biết chỗ đó. Sò điệp ở đó được lắm.”

“Hẳn vậy rồi,” Prackle nói. “Món nào ở đó cũng ngon lành. Không có món nào tệ cả. Và cà phê…”

Tonder rời mắt khỏi bức thư nhìn lên, hắn nói, “Họ bây giờ không còn có cà phê hay sò điệp gì nữa.”

“Vậy à, tớ không biết chuyện đó,” Prackle nói. “Trước kia họ đã từng có thì sau này họ sẽ có lại. Và ở đó có một cô em hầu bàn.” Hắn làm động tác mô tả hình dáng của cô gái, bằng cánh tay không bị thương. “Tóc vàng, đại khái như vậy.” Hắn cúi nhìn tờ tạp chí. “Cô em có đôi mắt là lạ lùng nhất - ý tôi là - lúc nào cũng ươn ướt như mới vừa khóc hay mới vừa cười trước đó.” Hắn liếc nhìn lên trần nhà và nói nho nhỏ. “Tớ với em đi dạo. Em thật dễ thương. Không hiểu tại sao tớ không trở lại với em thường hơn. Không biết em còn ở đó không.”

Tonder nói, giọng buồn rầu, “Có lẽ không. Hoặc có thể đang làm việc ở một xưởng máy.”

Prackle cười, “Tớ hi vọng người ta không chia khẩu phần đối với các cô gái ở quê nhà.”

“Sao không?” Tonder nói.

Prackle nói đùa, “Cậu chẳng bao giờ lo nghĩ nhiều đến mấy đứa con gái, phải không? Không nhiều lắm, đúng không?”

Tonder nói, “Tớ thích con gái vì những gì tụi nó có thể đáp ứng cho tớ. Tớ không để tụi nó lấn quấn quanh những mặt khác của cuộc sống.”

Prackle châm chọc, “Tớ thấy dường như lúc nào tụi nó cũng lấn quấn khắp người cậu.”

Tonder cố gắng thay đổi đề tài. Hắn nói, “Tôi ghét mấy cái đèn này quá. Thưa thiếu tá, đến khi nào máy phát điện sửa xong?”

Thiếu tá từ từ ngẩng lên nhìn hắn nói, “Bây giờ chắc đã xong rồi. Tôi cho mấy người thợ giỏi làm việc với nó. Tôi nghĩ từ nay về sau tôi sẽ tăng số người canh gác lên gấp đôi.”

“Thiếu tá có bắt giữ được tên phá hoại không?” Prackle hỏi.

Thiếu tá Hunter nói giọng khắc nghiệt, “Trong đám năm tên đó chắc có một tên. Tôi bắt hết cả năm.” Hắn đăm chiêu nói tiếp, “Nếu anh biết cách, thì việc phá hư một cái máy phát điện rất dễ dàng, chỉ cần đoản mạch là tự nó sẽ hỏng.” Hắn nói, “Ðèn điện sắp sáng lên ngay bây giờ.”

Prackle vẫn còn nhìn vào tờ tạp chí. “Tôi thắc mắc không biết khi nào chúng ta được thay thế, khi nào chúng mình sẽ được về nhà nghỉ một thời gian. Thiếu tá ông có thích được về nhà nghỉ ngơi không?”

Hunter rời mắt khỏi bảng vẽ, ngẩng lên, khuôn mặt trong khoảnh khắc lộ vẻ tuyệt vọng. “Vâng, dĩ nhiên.” Hắn bình tâm trở lại, “Tôi xây đoạn rẽ đường ray này đã bốn lần rồi, không hiểu tại sao bom luôn lúc nào cũng phá tung đoạn đường này mãi. Tôi đã phát mệt với khúc đường ray này rồi. Mỗi lần vậy tôi lại phải đổi tuyến đi vì hố bom. Không có thì giờ để lấp chúng. Ðất lại lạnh đông, quá cứng. Dường như có quá nhiều việc.”

Ðột nhiên đèn điện bật sáng và Tonder máy móc bước lại tắt ngay hai ngọn đèn bão thắp xăng. Tiếng xè xè trong phòng ngưng bặt.”

Tonder nói, “Cám ơn chúa! Tiếng xè xè đó làm tớ phát cáu lên được. Nó làm tớ nghĩ có người đang lầm thầm nói nhỏ với nhau.” Hắn gấp bức thư lại và nói, “Có chuyện lạ là không có thêm thư gữi đến nữa. Tớ chỉ có một lá trong cả hai tuần qua.”

Prackle nói, “Có lẽ không có ai viết thư cho cậu.”

“Có lẽ,” Tonder nói. Hắn quay sang Thiếu tá, “Nếu có chuyện gì ở nhà - ý tôi là - thiếu tá nghĩ họ có cho chúng ta biết - chuyện không hay, ý tôi là, có chết chóc hay những chuyện tương tự.”

Hunter nói, “Tôi không biết.”

“Thực tình,” Tonder nói tiếp, “Tôi muốn thoát khỏi cái lỗ bị chúa-chối-bỏ này!”

Prackle xen vào, “Tớ nghĩ cậu sẽ ở lại đây sinh sống sau chiến tranh chứ?” Hắn nhại giọng Tonder. “Ghép chung bốn năm nông trại với nhau. Dựng thành một nơi xinh đẹp, một nơi để lập gia đình. Có phải vậy không? Làm tiểu chúa ở một thung lũng, phải không? Dân chúng tốt lành, vui vẻ, đồng cỏ xinh đẹp, có hươi nai và trẻ con. Có phải như vậy không, Tonder?”

Lúc Prackle nói, Tonder buông thỏng hai tay. Rồi hắn đưa hai tay lên ôm chặt lấy màng tang và xúc động nói, “Im đi! Ðừng nói như vậy nữa! Lũ người đó! Lũ người ghê sợ đó! Lũ người lạnh lùng! Chúng chẳng bao giờ nhìn cậu.” Hắn run rẩy, “Chúng không bao giờ nói. Chúng trả lời như những người chết. Chúng phục tùng, lũ người ghê sợ. Những đứa con gái như những tảng băng!”

Có tiếng gõ nhẹ ở cửa và Joseph bước vào với một xô than. Ông lặng thinh đi vào phòng, đặt chiếc xô thật nhẹ nhàng đến mức không gây một tiếng động. Ông xoay người, không ngẩng lên nhìn bất cứ ai, và đi ra cửa. Prackle nói lớn, “Joseph!” Joseph quay lại không đáp, không ngước lên, ông chỉ hơi nghiêng người cúi chào. Prackle nói tiếp, vẫn lớn tiếng, “Joseph, có rượu chát hoặc rượu mạnh không?” Joseph lắc đầu.

Tonder từ bên chiếc bàn đứng bật dậy, gương mặt điên tiết lên vì giận dữ, hắn hét, “Trả lời đi, đồ lợn! Mở miệng ra đi!”

Joseph không ngẩng lên. Hắn nói giọng đều đều. “Không, thưa ngài; không, không có rượu chát.”

Và Tonder nói trong cơn điên cuồng, “Cũng không có rượu mạnh?”

Joseph lại vẫn cúi mặt xuống và nói giọng đều đều, “Không có rượu mạnh, thưa ngài.” Rồi ông đứng lặng yên không một cử động.

“Muốn gì?” Tonder nói.

“Tôi muốn được đi, thưa ngài.”

“Thì đi đi, tên quỷ quái!”

Joseph xoay người im lặng đi ra khỏi phòng và Tonder rút khăn mùi xoa trong túi ra lau mặt. Hunter ngẩng lên nhìn hắn và nói, “Anh không nên để hắn hạ anh dễ dàng như vậy.”

Tonder ngồi lại xuống ghế, đưa tay bịt lấy màng tang, giọng nói đứt quảng, “Tôi cần một đứa con gái. Tôi muốn về nhà. Tôi cần một đứa con gái. Có một đứa con gái ở thị trấn, một đứa xinh xắn. Tôi gặp nó luôn. Con bé tóc vàng. Con bé ở bên cạnh tiệm bán đồ sắt cũ. Tôi muốn đứa con gái ấy.”

Prackle nói, “Coi chừng đấy. Coi chừng đầu óc của cậu đi.”

Ngay lúc ấy đền điện lại tắt lần nữa và căn phòng tối om. Hunter nói trong lúc có tiếng đánh diêm cố thắp sáng lại mấy ngọn đèn bão; hắn nói, “Tôi tưởng tôi đã bắt hết tất cả bọn chúng. Tôi chắc còn sót một tên. Tôi không thể chạy xuống dưới đó mãi. Tôi đã có những người thợ giỏi dưới đó rồi.”

Tonder thắp sáng chiếc đèn thứ nhất rồi đến chiếc kia. Hunter nghiêm khắc nói với Tonder. “Thiếu úy, anh có chuyện muốn nói hãy nói với chúng tôi. Ðừng để kẻ địch nghe thấy anh nói những điều ấy. Không có gì đám dân chúng kia thích cho bằng biết được tinh thần anh đang bị bào mòn. Ðừng để kẻ địch nghe được.”

Tonder ngồi lại xuống ghế. Ánh đèn chói gắt trên gương mặt hắn, và tiếng xè xè tràn ngập căn phòng. Hắn nói, “Vậy đó! Kẻ địch ở khắp nơi! Ðàn ông, đàn bà, cả con nít! Kẻ địch khắp nơi! Khuôn mặt họ dòm ở khung cửa. Những khuôn mặt trắng nhợt sau những bức màn, lắng tai nghe. Chúng ta đã đánh bại họ, chúng ta chiến thắng khắp nơi; và họ chờ đợi, họ phục tùng, và chờ đợi. Một nửa thế giới thuộc về chúng ta. Ở các nơi khác cũng vậy hay sao, thưa thiếu tá?”

Hunter nói, “Tôi không biết.”

“Vậy đó,” Tonder nói. “Chúng ta không biết. Những bài tường trình - mọi việc đều ở trong lòng bàn tay. Các nước bại trận hoan hô binh lính của chúng ta, hoan hô trật tự mới.” Giọng hắn thay đổi, càng lúc càng nhỏ đi. “Những bài tường trình nói gì về chúng ta? Có phải nói là chúng ta được tung hô, yêu mến, và hoa rải đầy trên lối chúng ta đi? Ôi, những con người ghê sợ kia đang chờ đợi chúng ta trong tuyết!”

Và Hunter nói, “Bây giờ nói ra được, anh có cảm thấy đỡ hơn không?”

Prackle đang nắm tay lại, cánh tay không bị thương, đập nhè nhẹ lên mặt bàn. Hắn nói, “Hắn không nên nói kiểu đó. Hắn phải tự kiềm giữ chúng ở trong lòng. Hắn là một quân nhân, phải không? Hãy để hắn làm một quân nhân.”

Cánh cửa lặng lẽ mở ra, đại úy Loft bước vào, tuyết bám trên nón sắt và trên vai hắn. Lỗ mũi hắn bị cóng, đỏ gay; và chiếc cổ áo choàng lật đứng trùm tới vành tai. Hắn dỡ nón sắt ra, tuyết rơi rắc trên sàn, và hắn phủi tuyết trên vai. “Việc ôi là việc!” hắn nói.

“Có chuyện rắc rối nữa sao?” Hunter hỏi.

“Luôn luôn là rắc rối. Tôi thấy chúng lại phá máy phát điện của thiếu tá. Hừm, tôi nghĩ tôi ổn định mỏ than được một thời gian.”

“Chuyện rắc rối của anh ra sao?” Hunter hỏi.

“Ồ, chuyện thường xảy ra với tôi - gây trì trệ công việc và phá hỏng xe chở than. Tôi bắt gặp một tên phá hoại, và bắn hắn. Tôi nghĩ lúc này tôi có cách trị chúng, thiếu tá. Tôi mới nghĩ ra. Tôi sẽ khiến mỗi tay thợ phải đào được một số than nhất định. Tôi không thể bỏ đói chúng vì như vậy chúng không thể làm việc được, nhưng tôi có cách. Nếu tên thợ không có than đem lên, sẽ không có lương thực cho gia đình hắn. Tôi sẽ cho thợ ăn tại mỏ, vậy là chúng sẽ không thể chia phần cho gia đình. Cách đó chắc sẽ trị được. Chúng phải làm việc, hay là con chúng không có ăn. Tôi mới vừa bảo cho chúng biết.”

“Chúng nói sao?”

Cặp mắt Loft nheo lại hung dữ, “Nói? Chúng có từng nói gì đâu? Không một lời! Không cả một tiếng! Nhưng bây giờ để coi xem than có đem lên được khỏi mỏ không.” Hắn cởi áo khoác giũ tuyết bám, mắt hắn nhìn về hướng chiếc cửa ra vào, thấy chiếc cửa hơi hé mở. Hắn im lặng đến bên cánh cửa, giật mạnh cho nó mở bung ra, rồi đóng lại. “Tôi nghĩ tôi đã đóng chặt cửa rồi,” hắn nói.

“Anh đã đóng rồi mà,” Hunter nói.

Prackle vẫn lật những trang họa báo. Giọng nói hắn đã trở lại bình thường. “Ðây là những cây súng khổng lồ chúng ta đang dùng ở bên miền đông. Tôi chưa từng thấy cái nào, ông có thấy chưa, thưa Ðại úy?”

“Ồ, có,” Ðại úy Loft nói. “Tôi đã từng thấy chúng bắn. Thật là tuyệt vời. Không có gì có thể đương nổi với chúng.”

Tonder nói, “Ðại úy, ông nhận được khá nhiều tin tức từ quê nhà chớ?”

“Cũng có một số tin tức,” Loft nói.

“Mọi việc đều khá cả chứ?”

“Tuyệt vời!” Loft nói. “Quân đội đang tiến công khắp nơi.”

“Bọn Anh chưa bị đánh bại sao?”

“Chúng bị đánh bại trong tất cả các cuộc giao tranh.”

“Nhưng chúng vẫn tiếp tục chiến đấu?”

“Một vài cuộc oanh tạc bằng phi cơ, có vậy thôi.”

“Và bọn Nga?”

“Chúng nó xong rồi.”

Tonder khăng khăng hỏi tiếp, “Nhưng họ vẫn chiến đấu?”

“Một vài cuộc chạm trán nhỏ, không hơn.”

“Vậy chúng ta sắp thắng rồi, phải không, thưa đại úy?” Tonder hỏi.

“Phải.”

Tonder nhìn sát vào mặt hắn và nói, “Ông tin chuyện đó hả, thưa đại úy?”

Prackle xen vào, “Ðừng để hắn khơi lại chuyện đó!”

Loft cau mặt nhìn Tonder. “Tôi không hiểu anh muốn nói gì.”

Tonder nói, “Ý tôi là: không bao lâu nữa chúng ta sẽ được về nhà, phải không?”

“Thế đấy, cuộc cải tổ sẽ tốn thời gian,” Hunter nói. “Trật tự mới không thể được thực hiện xong ngay trong một ngày, đúng không?”

Tonder nói, “Suốt cả đời của chúng ta, có lẽ thế?”

Và Prackle nói, “Ðừng để hắn khơi lại chuyện đó!”

Loft bước tới sát Tonder, hắn nói, “Thiếu úy, tôi không thích cái giọng thắc mắc của anh. Tôi không thích giọng điệu hoài nghi.”

Hunter ngẩng lên và nói, “Ðừng quá cứng rắn với hắn, Loft. Hắn đã mệt mỏi. Chúng ta thảy đều mệt mỏi.”

“Phải, tôi cũng mệt mỏi,” Loft nói, “nhưng tôi không để những hoài nghi phản bội xâm nhập.”

Hunter nói, “Tôi bảo anh nghe! Ðừng hành hạ hắn. Ðại tá ở đâu, anh biết không?”

“Ông đang soạn báo cáo. Ông đang hỏi xin tăng cường lực lượng,” Loft nói. “Công việc to tác hơn chúng ta tưởng.”

Prackle phấn khởi hỏi, “Ông sẽ có được - lực lượng tăng cường?”

“Làm sao tôi biết được?”

Tonder mỉm cười. “Tăng cường!” hắn nói dịu giọng lại. “Hay là thay thế. Có thể chúng ta sẽ được về nhà một thời gian.” Và hắn nói, mỉm cười, “Có thể tôi sẽ được dạo trên phố và người ta sẽ nói, ‘Chào anh,’ và họ nói ‘Kìa! một quân nhân,” rồi họ sẽ chào mừng tôi và vui mừng vì tôi. Và sẽ có bạn bè bao quanh, tôi sẽ quay lưng lại với người ta mà không lo sợ.”

Prackle nói, “Ðừng khơi lại chuyện đó! Ðừng để hắn hoảng loạn nữa!”

Và Loft nói, giọng chán ghét, “Không cần phải đến sĩ quan ban tham mưu nổi điên, chúng ta bây giờ cũng đã có đủ rắc rối rồi.”

Nhưng Tonder vẫn nói tiếp, “Ông có nghĩ lực lượng thay thế sẽ đến không, đại úy?”

“Tôi không nói vậy.”

“Nhưng ông nói họ có thể đến.”

“Tôi nói tôi không biết. Ðây này, thiếu úy, chúng ta đánh chiếm một nửa thế giới. Chúng ta cần phải có một thời gian để bình định, trị an. Anh biết điều đó.”

“Nhưng còn nửa kia?” Tonder hỏi.

“Họ sẽ kháng cự trong tuyệt vọng một thời gian,” Loft nói.

“Vậy chúng ta phải dàn trải ra khắp nơi.”

“Một thời gian,” Loft nói.

Prackle bồn chồn nói, “Tôi xin đại úy hãy bảo hắn im miệng. Xin ông hãy làm hắn im miệng đi. Bảo hắn im đi.”

Tonder rút chiếc khăn mùi xoa và hỉ mũi, hắn nói lảm nhảm như một người mất trí, và cười ngượng ngùng. Hắn nói, “Tôi có một giấc mơ vui nhộn. Tôi nghĩ đó là một giấc mơ. Có thể là tưởng tượng. Có thể là tưởng tượng mà cũng có thể là một giấc mơ.”

Prackle nói, “Bảo hắn im đi, đại úy!”

Tonder nói, “Ðại úy, có phải nơi đây đã bị chinh phục?”

“Dĩ nhiên,” Loft nói.

Có một ít âm sắc cuồng loạn xen lẩn trong tiếng cười của Tonder. Hắn nói, “Chinh phục và chúng ta sợ hãi; chinh phục và chúng ta bị bao vây.” Giọng cười của hắn càng ré lên lanh lảnh. “Tôi mơ - hay tôi tưởng tượng - ngoài trời tuyết rơi với những bóng đen, khuôn mặt sau những khung cửa, khuôn mặt lạnh câm sau những bức màn. Tôi mơ hay tôi tưởng tượng.”

Prackle nói, “Bảo hắn im đi!”

Tonder nói, “Tôi mơ Ngài Lãnh tụ hóa điên.”

Loft và Hunter cùng bật cười và Loft nói, “Kẻ địch đã thấy ông ấy điên rồ thế nào. Tôi phải viết chuyện đó gữi về nhà. Báo chí sẽ đăng tải chuyện đó. Kẻ địch sẽ biết được Ngài Lãnh tụ điên rồ như thế nào.”

Tonder vẫn tiếp tục cười. “Hết cuộc chinh phục này đến cuộc chinh phục khác, càng lúc càng lún sâu trong mật ngọt.” Hắn bị nghẹn đi vì cười, và ho sặc sụa vào chiếc khăn mùi xoa. “Có lẽ Ngài Lãnh tụ điên rồ. Những con ruồi đi đánh chiếm giấy bắt ruồi. Những con ruồi chiếm đoạt được hai trăm dặm giấy bắt ruồi mới!” Tiếng cười của hắn lúc này càng cuồng loạn hơn.

Prackle nghiêng người qua và lay hắn bằng cánh tay không bị thương, “Im đi! Cậu im đi! Cậu không có quyền!”

Loft dần dần nhận ra sự cuồng loạn trong tiếng cười và hắn bước tới tát vào mặt Tonder. Hắn nói, “Thiếu úy, im đi!”

Tonder vẫn tiếp tục cười, Loft tát vào mặt hắn lần nữa, hắn nói, “Im đi, thiếu úy! Anh có nghe tôi không?”

Ðột nhiên Tonder ngưng bặt, căn phòng trở lại lặng lẽ ngoại trừ tiếng xè xè của hai chiếc đèn bão. Tonder sững sờ nhìn đôi tay, hắn hết đưa tay sờ khuôn mặt bị bầm, rồi nhìn lại đôi bàn tay, đầu hắn gục xuống bàn. “Tôi muốn về nhà,” hắn nói.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương