Tháng ba ở thôn Thanh Hà gió xuân lành lạnh, mưa phùn liên tục.

Cuối thôn có một ngôi nhà nhỏ gần sườn núi, bên trong có một người nằm trên giường ván gỗ. Thiếu niên khoảng 15-16 tuổi, dáng người mảnh khảnh, nước da màu lúa mạch, chỉ là thiếu niên mặc bộ đồ ngắn tay màu nâu không hợp với thời tiết tháng ba hiện tại.

Mặt hắn trắng bệch, môi mỏng mím chặt không có chút huyết sắc. Hai mắt nhắm nghiền, hàng lông mày không tự chủ nhíu lại đầy khó chịu, giống như bản thân trong mơ đã chịu điều gì thống khổ.

Đột nhiên cánh tay để bên cạnh giường có chút co giật, lông mày càng lúc càng nhíu chặt. Thiếu niên rên một tiếng đầy đau đớn, cuối cùng cũng mở mắt ra.

Tầm mắt hắn có chút mơ hồ, mùi bùn đất hôi thối không biết từ đâu xộc thẳng vào mũi. Thiếu niên nằm trên giường ép bản thân bình tĩnh, cố gắng chớp mắt nhiều lần mới khiến tầm nhìn rõ ràng.

Ngay trước mặt là xà nhà giống hệt căn nhà của bà nội dưới quê. Hắn đánh mặt sang bên cạnh một chút, cách đó không xa là một chiếc ghế gỗ thấp bé đen xám, không biết cái ghế đã cũ đến mức nào, hắn thoáng có thể thấy các lỗ mọt đục chiếc ghế muốn mòn.

Đảo mắt một vòng cuối cùng cũng nhìn rõ bộ dáng căn phòng.

Phòng không lớn, bốn mặt tường đều được trát bằng đất bùn sần sùi, ở trên tường là mảng lớn màng nhện với vết nước do bị dột. Ngoài cái giường đang nằm cùng với cái ghế đẩu thấp, thì nội thất trong phòng chỉ có một cái tủ gỗ không quá lớn, bốn chân tủ được kê thêm vài miếng gỗ vụn cho cao, tầm tới vai của thiếu niên, rộng khoảng 60cm.

Thiếu niên liếc mắt nhìn về cái cửa bị gió thổi kêu cót két nãy giờ, lúc này mới thấy cả người có chút lạnh, hắn khẽ rùng mình. Đắp trên người hắn là cái chăn to, nhưng nhìn thế nào cũng giống một chiếc giẻ lau lớn, vài chỗ bị cáu bẩn cứng hết lại, đến mức có thể đem nó dựng đứng lên tường, dù hiện tại thiếu niên bị gió quật tới run rẫy cũng không muốn đắp nó lên người mình.

Hắn lại tiếp tục nhìn qua mặt tường, muốn tìm cái đồng hồ để xem giờ nhưng lại không thấy.

Lần nữa hắn dời mắt ra cửa, trong khe cửa cũng không thấy được chút ánh sáng nào. Thế nên hắn suy nghĩ một chút, muốn rời giường đi ra ngoài xem lúc này đã mấy giờ rồi, mà bản thân đang ở chỗ nào.

Rõ ràng lúc nãy hắn còn đang trong phòng ngủ của mình, sao giờ tỉnh dậy lại ở chỗ nguy hiểm thế này.

Hắn vừa mượn lực cánh tay ở trên giường chống người dậy, cửa đã bị một người đàn ông trung niên mở ra từ bên ngoài.

Người đàn ông cầm một cái chén, thấy hắn muốn ngồi dậy, vội vàng để chén ngay mép giường, nhẹ nhàng dìu hắn về lại trên giường, nói: “Chớ, còn đang bệnh đấy, coi chừng bị lạnh, sao con không đắp chăn. Có chuyện chi sao không đợi chú, hay kêu An ca sao với Văn ca nhi giúp con làm hử?”

Nói xong người đàn ông lôi cái chăn lại đắp kín cho hắn, còn nghiêm túc dặm lại những chỗ bị hở.

Không đợi hắn từ chối đắp cái chăn kia thì ngay lúc người đàn ông vừa nói xong, hắn nghe bản thân mình khàn giọng trả lời: “Chú Lâm, con không sao.”

Lời vừa dứt đến chính hắn cũng bị bản thân làm cho hết hồn: Không sao? Không sao cái gì cơ? Ai không sao?

Chú Lâm? Tại sao hắn biết người đàn ông này gọi là chú Lâm?

Văn ca nhi? Hiện tại việc kêu anh trai cũng phải luyến âm hả?

Mấy câu hỏi liên tục xuất hiện, hỏi đến chính hắn cũng hoang mang.

Đột nhiên hắn thấy đầu đau nhức, lượng lớn tin tức như lũ tràn bờ đê ập tới khiến hắn nhịn không được rên lên đau đớn.

Sau đó thứ hắn tiếp nhận là loạt tin tức khiến hắn đờ đẫn một hồi.

“Hắn” cũng tên Trần Nhạc, giống hệt tên bản thân.

Thiếu niên năm nay 16 tuổi, cha mẹ đã qua đời nhiều năm, để lại một đứa trẻ nhỏ xíu phải sống dựa vào căn nhà nhỏ với hai mẫu đất. Vốn là ruộng đất cũng không ít nhưng do cha và a ma đột ngột qua đời, lúc đó Trần Nhạc chỉ mới 5-6 tuổi, gia đình cũng chả giàu là bao. Vì để có tiền an táng cha và a ma và có tiền lo cuộc sống mà nhóc Trần Nhạc đã đem ruộng đất đi bán.

Dù sao làm đám tang cũng phải tốn tiền, mà ruộng đất cũng nhiều, một đứa trẻ 5-6 tuổi cũng chẳng trông nổi, còn không bằng đem bán ruộng đất đổi lấy chút tiền, coi như cho đứa nhỏ có tiền tiêu xài.

Thế nên dưới sự chứng kiến của lý chính và sự chấp thuận của đứa nhỏ, phần lớn đất canh tác được bán ra ngoài.

Không nhiều không ít, chỉ lưu lại cho nhóc con Nhạc Nhạc hai mẫu đất để tự mình trồng trọt.

Có câu nói, trẻ nhà nghèo thì trưởng thành sớm.

Nhóc Trần Nhạc tự lập từ sớm, tuổi nhỏ phải tự học nấu cơm, việc nhà cũng sắp xếp chu toàn, lại theo các trưởng bối trong thôn học cày ruộng trồng lương thực. Bởi vì nhà Trần Nhạc đơn côi, sau khi song thân qua đời cũng không có mấy người thân tới giúp đỡ, cho nên trong nhà chỉ còn lại một mình Trần Nhạc.

Từ nhỏ nhóc Trần Nhạc đã không giống mấy đứa nhỏ khác lúc nào cũng có cha a ma kề bên, kết thêm vài người bạn cùng nhau vui đùa, dù sao trong nhà cũng chỉ có một mình hắn, nếu không tự làm thì sẽ không có ăn.

Như lúc mấy đứa nhỏ trong thôn chạy nhảy chơi đùa, thì hắn cày bừa nhổ cỏ tưới nước. Người khác ăn cơm nghỉ ngơi, thì hắn đang nấu cơm, quét sân, giặt quần áo. Cũng đành thôi, còn nhỏ mà, hắn lại không biết cày ruộng, không quen việc nhà nên làm cái gì cũng chậm hơn người khác rất nhiều.

Vì tuổi thơ của nhóc Trần Nhạc chỉ xoay quanh những việc này, tạo nên tính cách hắn cũng kiệm lời, hiền lành còn có chút mạnh mẽ. Hắn lớn lên nhờ người trong thôn chiếu cố tiếp tế nên mới có thể bình an lớn lên như vậy.

Chú Lâm trong lời Trần Nhạc nói tên là Trần Lâm, là nam chủ nhân nhà cách vách, nhà có tới bốn miệng ăn, lúc phân gia với nhà anh cả chú đã dời từ đầu thôn đến cuối thôn ở. Vừa hay ở kế bên nhà Trần Nhạc.

Chuyện là Trần Lâm không chịu được việc anh cả suốt ngày chơi bời lêu lổng, không công ăn việc làm lại còn hay nói dóc bảo sẽ đưa cả nhà lên trấn trên ở nhà gạch xanh. Mà cha mẹ Trần Lâm lại tin đó là thật, tin vào lời nói không xương của anh cả vẽ nên khung cảnh giàu có. Còn đối với Trần Lâm thật thà, chỉ biết liều mạng làm việc rất có ý kiến, cả ngày đem chú ra mắng nhiếc, nói chú làm việc gì cũng chẳng ra ôn ra hồn.

Ngay cả phu lang của Trần Lâm cũng không được yêu thích, làm cái gì họ cũng chì chiết bắt bẻ, động chút là đánh mắng, lúc phu lang chú mang thai cũng phải dậy sớm ra đồng làm việc.

Trần Lâm nhìn phu lang từ một người sáng sủa dần trở nên trầm mặc dè dặt, ngày càng ít nói chuyện mà thấy đau lòng không thôi, nhưng chú lại không thể làm gì.

Có lần Trần Lâm chứng kiến anh cả đánh mắng khiến phu lang chú bị sảy thai phải sinh non, lúc này Trần Lâm nhịn không được nhất định phải phân gia.

Mà dĩ nhiên, đứa trẻ không được trưởng bối yêu thích lúc nào cũng sẽ thiệt thòi, dù tách ra cũng không được cho đồ tốt gì. Ngoài một số vật dụng đang dùng trong phòng Trần Lâm, thì chú được chia cho 3 lượng bạc, 2 mẫu đất với một ít nông cụ.

Trần Lâm đem 3 lượng được chia mua căn nhà cuối thôn, số tiền đó cũng không còn lại bao nhiêu, thêm việc phu lang chú sinh non thể nhược cần tiền để bốc thuốc thường xuyên, đoạn thời gian đó phải nói là chật vật vô cùng.

Lúc đó hàng xóm mới cũng giúp chú rất nhiều, đúng là kiểu đưa than trong ngày tuyết rơi —— mà hàng xóm này là nhà Trần Nhạc.

Lúc Trần Lâm luống cuống chân tay, nhóc con Trần Nhạc và a ma của hắn thỉnh thoảng đến giúp đỡ, nói cho chú biết nên làm gì trong thời gian phu lang ở cữ, em bé mới sinh thì nên chú ý điều gì, hay đơn giản là qua nói chuyện với phu lang của chú.

Trần Lâm cũng thấy được biến hóa trên người phu lang, đã không còn nhát gan sợ hãi khi gặp người ngoài nữa, thêm không phải làm nhiều việc đồng áng mệt nhọc mà cả người cũng dần tốt lên, cũng đã nói nhiều hơn xưa.

Thấy phu lang nhà mình thay đổi, Trần Lâm biết ơn cả nhà Trần Nhạc rất nhiều, a ma Trần Nhạc đôi khi sẽ đem trứng gà qua, nói là để cho phu lang Trần Lâm bồi bổ. Hiện tại trứng gà vẫn còn là đồ quý chứ đừng nói gì giá trị của nó vào mười mấy năm trước, phải nói quý giá vô cùng.

Cho nên phần ân tình này cả nhà Trần Lâm đều khắc ghi trong lòng.

Sau khi song thân Trần Nhạc qua đời, Trần Lâm cũng đem ân tình đó dành hết trên người Trần Nhạc. Có thể nói nhóc Trần Nhạc bình an lớn lên, có một phần công lao nhờ vào nhà Trần Lâm.

Trần Lâm có 2 đứa con, đứa trẻ sinh non tên là Trần Võ, nhỏ hơn Trần Nhạc, bây giờ mới 14 tuổi, do lúc sinh ra gầy yếu nên mọi người hy vọng hắn lớn lên khỏe mạnh, nên đặt tên là Trần Võ, là một hán tử.

Người còn lại tên Trần Văn em trai của Trần Võ, là một ca nhi.

Đúng vậy, thứ mà làm cho Trần Nhạc ngu người nãy giờ chính là nguyên nhân này, cậu đã xuyên tới một địa phương kỳ lạ rồi.

Nhà nơi này của Trần Nhạc là một quốc gia không có trong lịch sử —Nam Bình quốc.

Thôn này gọi là thôn Thanh Hà, là một sơn thôn nằm trong một góc nhỏ của Nam Bình quốc.

Ở nơi đây không có phái nữ, chỉ có hai loại giới tính. Chia ra là hán tử và ca nhi, sinh con dưỡng cái quán xuyến việc nhà là chuyện của ca nhi, sau tai ca nhi có một nốt ruồi son để phân biệt.

Mà Trần Nhạc là hán tử.

Quốc gia này đời sống tập quán có chút giống thời kỳ nhà Hán, và đương nhiên, nơi sầm uất nhất vẫn là thị trấn hay huyện lớn.

Thôn nhỏ này vẫn tương đối nghèo khổ lạc hậu.

Nhưng Trần Nhạc chỉ kinh ngạc một chút rồi chấp nhận sự thật này.

Đừng nói tới việc quốc gia này có phải bị lịch sử quên lãng hay không, cho dù nó có tồn tại, thì với tư cách là sinh viên khoa học bị xã hội bào mòn như hắn, môn lịch sử là cái gì đó quá cao siêu.

Vả lại thân thể này lại trùng tên trùng họ với hắn, ngay cả cuộc đời cũng hao hao giống hắn coi như có chút duyên phận, nhưng Trần Nhạc cảm thấy cuộc sống của hắn hạnh phúc hơn một chút.

Tuy nói thời thơ ấu của Trần Nhạc trải qua không có cha mẹ ở bên, nhưng bà nội là người nuôi hắn khôn lớn, thêm việc cha mẹ là liệt sĩ, mà trợ cấp chính phủ dành cho con liệt sĩ cũng không quá tệ. Hơn nữa khi có thời gian Trần Nhạc còn đi làm thêm, có đủ học phí cũng như tiền để trang trãi, Trần Nhạc còn thi đậu vào đại học mình yêu thích, sau khi tốt nghiệp lại thuận lợi tìm được một công việc tốt.

Nhưng lúc Trần Nhạc học cấp 2 thì bà nội qua đời, hắn như cây lục bình không rễ, không biết cảm giác được trở về nhà là như nào, mà hắn cũng không muốn về nhà, hắn như một kẻ vô cầu vô dục sống giữa thế gian rộng lớn này.

Cho nên lúc này xuyên đến một nơi xa lạ Trần Nhạc không có quá nhiều mâu thuẫn.

Đến mức dù nơi này không có phái nữ hắn cũng không để ý. Trước kia lo học với bận đi làm thêm, nên hắn không có tinh lực quan tâm thứ tình yêu xa xỉ này.

Chính là nói, Trần Nhạc là cái tên độc thân từ trong bụng mẹ.

Trần Nhạc tự an ủi bản thân, coi như lần này hắn nhặt được tiện nghi, từ một thanh niên 20 tuổi bán mình cho tư bản 996, giờ biến thành thiếu niên 16 cũng là một chuyện đáng giá.

Năng tự tự an ủi của Trần Nhạc không tệ, dù ban đầu có hơi luống cuống, nhưng tóm lại hắn đã đón nhận tình cảnh hiện tại của mình rồi.

*996: có nghĩa là 9 giờ sáng sẽ bắt đầu làm việc và kết thúc ngày làm việc vào 9 giờ tối và tiếp diễn liên tục trong suốt 6 ngày mỗi tuần



Đăng 1 chương thả thính cái đã. Truyện mình gõ dù niên đại nào mình cũng đưa về thuần Việt hết, như Lâm thúc – chú Lâm, Võ đệ – em Võ, Nhạc ca – anh Nhạc chẳng hạn. Và thoại mình sẽ dùng một ít từ địa phương cho nó thân thiện. Truyện khá ít thoại, chủ yếu là mấy vấn đề sinh hoạt thường ngày, ai thích thể loại nhiệt huyết có thể sẽ bị chán, đọc tên chương mọi người cũng biết nó bố y sinh hoạt cỡ nào ròi nè. Nếu ai không thích kiểu như này thì thoát trang bấm X ở góc phải để rời khỏi nhà mình nhé. Xin cảm ơn nhiều ọ!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương