Tra Công Nhẹ Chút Đi!
5: Cha Mẹ Hận Tôi Muốn Chết


Loay hoay một hồi, nồi cháo sườn heo đã bốc lên khói thơm nghi ngút.

Sau khi chuyển sang chế độ giữ ấm, tôi múc một bát nhỏ đặt lên bàn, vừa ăn vừa ngẩn người nhìn ra ngoài vườn.
Nắng sớm mai nghiêng mình nhảy nhót trên khóm hồng sau ô cửa nhỏ, Sài Gòn cuối thu hiếm hoi được ngày nắng ráo, bởi vì hôm nay là thứ hai, mọi người đều bận đi học đi làm nên tôi dự định sẽ ôm giá vẽ ra Thảo Cầm Viên, ở đó đang lúc vắng vẻ, tôi có thể nằm dài cả ngày ở đó để ngắm mấy con thú dễ thương rồi vẽ vời bọn chúng.
Nhưng trước khi đi, tôi đến tủ thuốc lấy ra mấy gói thuốc đau dạ dày đặt bên nồi cháo, viết mấy dòng chữ lên giấy nhớ rồi dán lên tủ lạnh.
‘Không biết trưa anh có về không nhưng em nấu sẵn cháo rồi, dạ dày anh không tốt, đêm qua lại uống nhiều rượu, bụng rỗng không nên ăn cơm hay đồ dầu mỡ, mà anh cũng nhớ uống thuốc.’
Rồi sợ anh cậy mạnh bỏ qua, tôi xuống dòng viết tiếp một câu.
‘Tuy đau dạ dày không chết nhưng cũng không thể sống an ổn.”
Một mình em sống không an ổn là đủ rồi.

Tôi thở dài, học anh vẽ lên giấy bộ mặt ma quỷ như lúc anh trưng ra bắt nạt tôi rồi bất giác cười ngu ngốc.
Làm xong tất cả, tôi khoác thêm chiếc áo sơ mi màu xám rồi ôm dụng cụ vẽ ra cửa.


Bởi vì nhà anh ở khá xa khu dân cư nên tôi phải đi bộ một quãng dài mới đón được xe buýt, bác tài hiền lành không vì tôi đem nhiều đồ lặt vặt lên xe mà phiền hà, ngược lại còn cười chào tôi một cái.

Tôi luống cuống cúi người chào bác rồi tìm một chỗ khuất trong xe để ngồi xuống.

Liêp tiếp đổi ba tuyến xe buýt, lúc đến được Thảo Cầm Viên đã gần một tiếng đồng hồ.
Tôi men theo đường gạch đi vào cổng, loanh quanh một hồi nhìn bọn thú được cho ăn sáng, tôi ngơ ngác nhìn chúng mà chúng cũng ngơ ngác nhìn tôi, thật buồn cười biết bao.
Sau đó tôi ngồi xuống cạnh hồ nước, hồ nước nằm sâu tít trong công viên nên vắng người qua lại, trước mặt tôi là bầy thiên nga đang lội nước rỉa lông, xa hơn năm mươi bước là dì bán bánh mình ngồi bán ở góc tư đường.
Tôi chậm chạp bày biện mọi thứ vào đúng vị trí, và dự định sẽ đóng đô tại đây tới tận xế chiều.
Nắng hôm nay không quá gắt, gió hanh hao đuổi đám cỏ mơn man nghiêng ngả.

Tôi chăm chú nhìn hai con thiên nga tách đàn đang bơi tới bờ hồ, một đực một cái, đằng sau chúng còn có hai chú thiên nga con nhỏ bé.

Bỗng dưng tôi cảm thấy nhớ nhà, tôi cũng từng có một gia đình, có cha có mẹ, có anh hai.

Cha tôi là giám đốc bệnh viện Indochina, mẹ tôi là giảng viên thanh nhạc, anh hai tôi là thủ khoa đại học RMIT.

Vốn dĩ tốt đẹp như thế, nhưng bây giờ anh hai bặt vô âm tín, hình bóng cha mẹ chìm trong ký ức, thảng hoặc nhìn cha mẹ trên báo đài tivi, tôi mới có thể chân thực khắc sâu được dáng vẻ hiện giờ của hai người.
Từ nhỏ cha mẹ đã không thương tôi, ngoại trừ những lúc ăn cơm, tôi hầu như chỉ nhìn thấy bóng lưng của cha mẹ, họ như thể muốn tránh né tôi, lòng họ vẫn chưa thể đón nhận có thêm một đứa con khiếm khuyết như tôi.
Tôi không giận cha mẹ, chỉ luyến tiếc chưa từng được trò chuyện với họ câu nào.

Tôi luôn mường tượng cặn kẽ cách phát âm hai tiếng “cha,” “mẹ” trong đầu, nhưng những gì thốt ra chỉ có tiếng “ú ớ” vô nghĩa.

Tôi không thể giống anh hai mang tự hào đến hai người, chỉ có thể khiến họ rơi từ thất vọng đến tuyệt vọng vô bờ.
Giờ ấy à, có lẽ bọn họ hận tôi đến chết đi sống lại, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt khi cha mẹ bắt gặp tôi và anh trong phòng, ánh mắt như thể nhìn thấy dòi bọ lúc nhúc, ghê tởm đến mức muốn nôn và chạy xa khỏi đó.
Thật xin lỗi, con không cố ý, chưa bao giờ cố ý khiến cha mẹ đau lòng, kể là lúc con sinh ra đời…

Mắt tôi cay nhoè, hình dáng thiên nga vì tôi xúc động mà chệch hướng lem ra một vệt dài, chợt có tiếng con nít vang lên:
“Bị lem rồi! Nhưng mà anh vẽ đẹp lắm, thiên nga trong ảnh giống y hệt thiên nga trong hồ, anh là hoạ sĩ sao?”
Tôi ngơ ngác nhìn về hướng phát ra âm thanh, một đứa bé cột tóc hai sừng, gương mặt nhem nhuốc nhưng ánh mắt trong veo lấp lánh.

Tôi nhìn chăm chăm, chợt nhớ là bé đang hỏi tôi, cho nên tôi lắc đầu.
Anh không phải hoạ sĩ đâu.
Tôi tiếp tục chỉ về miệng mình, sau đó lắc lắc tay.
Xin lỗi, anh không thể nói được.
Bé cười toe toét nhìn tôi, sau đó ngồi xuống bên cạnh tôi, chống cằm đưa mắt nhìn tôi vẽ từng chút một.

Từ nhỏ đến lớn, số người mà tôi từng tiếp xúc chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi vậy mà đối với người lạ tôi có chút e dè sợ hãi, nhưng đứa bé này không hề giống mấy người kia, tôi vừa gặp đã thấy thân thiết, cho nên hai đứa tôi ngồi cạnh nhau ngắm thiên nga cũng một lúc lâu rồi.
Chợt bụng bé phát ra tiếng “ọt ọt”, bé che bụng xấu hổ nhìn tôi.
Hình như là bé đói.
Tôi lúng túng nhìn bé, vốn dĩ tôi không có nhiều tiền, hôm nay bắt mấy chuyến xe buýt, còn trả tiền vé vào cổng nên cũng không còn mấy đồng, tôi lần khắp túi áo túi quần, vừa vặn moi ra được đúng 30 nghìn đồng, trừ bỏ 20 nghìn vé xe buýt trở về, tôi đưa bé 10 nghìn, rồi chỉ vào dì bán bánh mì ở đằng xa.
Em có muốn ăn không?
Em bé lắc đầu tiu nghỉu nói: “Mẹ em dặn không được xin tiền người khác.”
Tôi lắc tay phản đối, chỉ về phía bụng bé, rồi nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu.

Nhưng trẻ em nhịn đói là không tốt nha!
Em bé chần chừ một hồi, ánh mắt lấp lánh sáng, đúng là bụng đói thật khó chịu, dường như em đang âm thầm xin lỗi mẹ, sau đó em cầm lấy 10 nghìn trên tay tôi, háo hức hỏi:
“Em cầm đi mua bánh mì nha? Anh có ăn không?”
Tôi cũng không còn mấy tiền, buổi sáng còn mới ăn cháo nên thành thật lắc đầu, lại chỉ tay về phía dì bán bánh mì giơ lên 1 ngón trỏ, ngụ ý.
Anh không ăn đâu, em đi mua 1 ổ bánh mì ăn đi kẻo đói.
“Vậy em đi mua nha, em cảm ơn anh nhiều.” Bé nói rồi chạy ù về bên đường, hai bím tóc nhảy nhót như hai đoá bồ công anh ngây thơ tươi sáng.
Tôi nhìn theo bóng dáng nho nhỏ của bé, chợt con người co lại khẩn thiết, phía trước là bé đang té ngã lên đất.

Bởi vì bé chạy nhanh quá, lúc sang đường không nhìn xung quanh nên vô tình tông trúng mấy người đang đi đến.
Cũng do tôi quá chủ quan, biết vậy lúc nãy tôi dẫn bé sang đường là được rồi.

Tôi vội vã đứng lên, chạy nhanh về phía bé, đám người kia mặt mũi bặm trợn, người xăm trổ xăm rồng khiến tôi có chút ghê sợ.
“Á, đau, mấy chú buông con ra, con xin lỗi rồi mà!”.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương