Tôi là Ê-ri
Chương 47

Mọi người đã vào chỗ ngủ xong xuôi cả, tôi vẫn không thể nào nhắm mắt được. Đêm đó, gối không có, còn cái chăn mà họ đưa cho là tài sản để lại từ một phạm nhân nào đó mà tôi không quen biết, có điều là cái chăn bốc mùi quá. Tôi phải giặt sạch trước thì mới dùng tiếp được. Tôi gối đầu lên tay, không ngủ được tôi ngồi dậy thấy xung quanh tù nhân nằm chen lấn nhau mà ngủ. Tôi thấy nơi này chẳng khác gì địa ngục. Tôi bắt đầu lo lắng, nếu chị tôi kháng cáo không được thì chẳng phải tôi sẽ phải ở đây hơn ba năm sao. Tôi cũng bắt đầu chuẩn bị tâm lý từng chút một bởi đã có rất nhiều người kháng cáo không thành công, cũng đành phải cam chịu ngồi tù mà thôi. Đêm đó, tôi khóc thầm một mình. Bốn, năm giờ sáng, mệt quá tôi mới thiếp đi được một lát thì năm rưỡi đã thấy tiếng còi báo thức. Tất cả chúng tôi phải trở dậy.

Tòa nhà đó có khoảng hơn mười phòng giam, mỗi phòng khoảng ba, bốn mươi tù nhân.

Tôi thấy cũng chẳng khác gì so với trường học, mỗi phòng giam giống như một lớp học, chỉ khác là không có bàn ghế mà thôi.

Trong phòng giam cũng có nhà vệ sinh và phòng khách giống như chung cư nhưng không có cửa che chắn thành các phòng mà là một phòng chung rộng. Chỉ có duy nhất một bức tường cao khoảng tám mươi centimet che phía trước nhà vệ sinh, đi ra khỏi bức tường chắn phía trước đó thì có thể thấy hết tất cả. Do đo, dù ai đi nặng hay đi nhẹ thì cả mùi và tiếng động cứ phải gọi là rõ mồn một. Điện sáng cả đêm để giám thị đi kiểm tra.

Phòng giam tôi ở toàn là tù nhân mới, chưa nhận quyết định chính thức của tòa án, lúc đó có khoảng bốn, năm mươi người, còn những người đã tuyên án chính thức sẽ bị chuyển vào các phòng giam danh cho tù nhân chia theo tội danh.

Sáng ngày thứ hai trong tù, sáu giờ tôi vội ra khỏi phòng ngủ đã gặp ngay Kích đang đứng đợi trước cửa phòng giam cùng với kem đánh răng. Còn bàn chải đánh răng Kích bảo tôi phải tự đi mua.

Hôm đó, Kích hỏi tôi chuyện này, chuyện kia với vẻ rất quan tâm. Cô ta hỏi: "Trước khi vào trại giam cô có hút thuốc lá không?". Tôi trả lời: “Hút chứ! Cô có thuốc lá bán hả?”. Kích liền bảo: “Nếu cô muốn hút thì để tôi nhờ người mua cho. Một bao năm trăm bạt”. Tôi hỏi: "Sao mà đắt vậy? Thế có thuốc Marlboro không? (bởi tôi chỉ hút được đúng loại thuốc Marlboro thôi)”. Kích trả lời loại nào cũng có, đưa tiền trước rồi cô ta mua cho. Tôi đưa cho Kích năm trăm bạt, Kích hẹn: "Ngày mai gặp nhau buổi tối, phía sau tòa này, khi đã ăn tối xong". Tôi gật đầu dù bụng nghĩ chắc gì cô ta đã giữ lời.

Vừa đúng năm giờ chiều, tôi đến đợi Kích theo như đã hẹn trước. Lúc đó có rất nhiều người muốn nói chuyện với tôi vì tôi mới vào và có tiền. Lát sau, Kích và một người nữa đi tới gặp tôi. Tôi thấy Kích gọi người phụ nữ đi cùng là “bà”, có nghĩa là to hơn cả mẹ rồi! Cô ta xăm hình con rồng ở chân rất to, sau lưng xăm hình con hổ cũng to như thế. Nó khiến tôi lo lắng. Rồi cô ta đưa cho tôi một điếu thuốc được cuốn bằng giấy báo, tôi hỏi: “Cái gì thế này?... Tôi không hút loại này đâu! Tôi không biết hút, mùi nó hôi hôi thế nào ấy… Sợ lắm!”. Cô ta đốp lại ngay: “Mày đừng có mà nhiều chuyện. Tao bảo hút thì mày phải hút, không giám thị đến thì chết cả lũ. Hút luôn bây giờ đi”. Tôi nói với cô ta: “Tôi bảo mua thuốc Marlboro… Tại sao lại đưa cái thứ thuốc gì cho tôi thế này?”. Tôi biết lúc đó giá một túi thuốc sợi kiểu này bên ngoài chỉ có hai bạt, thế mà bà cô này lại lấy của tôi tận năm trăm bạt, lại còn chỉ cho tôi hút mỗi một hơi mà thôi! Cô ta trả lời: “Nếu mày muốn hút Marlboro thì bảo bố mày mua cho mày hút nhé, nhân tiện mua hộ tao một cây luôn nhé!”. Cuối cùng tôi cũng phải hút loại thuốc lá đó, nếu không có thể bị đập cho bẹp đầu cũng nên.

Khi tôi vừa hít được một hơi thì đã say và ngã xuống đất. Vừa khi đó giám thị ập đến, tù nhân gọi nhau: “Giám thị đến đấy!” rồi bọn chúng khoảng mười người chia nhau chạy thoát hết, còn lại mình tôi say thuốc nằm đấy. Giám thị liền hỏi tôi: “Cô ra đây ngồi làm gì? Hút cá sấu hả?”. Tôi ngạc nhiên: “Cá sấu là cái gì ạ?”. Chỉ có thế thôi, giám thị nhà tù bèn “À!” lên một tiếng vẻ đã nhận ra tôi vừa mới đến nên chắc không biết “cá sấu”. Rồi họ vội đi tuần tiếp, còn tôi thoát thân. Thật ra, “cá sấu” là thuốc lá sợi mà tù nhân giấu mang vào trong tù, đó là tiếng lóng tù nhân dùng để nói chuyện với nhau nhằm qua mặt các giám thị nhưng cuối cùng họ vẫn biết.

Đến sáng ngày tiếp theo, cả bà già kia và Kích cùng đi đâu mất nên tôi coi như bị cướp mất năm trăm bạt.

Tôi mang theo khoảng hơn ba nghìn, gần bốn nghìn bạt, nhưng bị tù nhân cùng phòng vay mua bột giặt mất ba trăm, thêm năm trăm bị Kích và nhóm của cô ta lừa lấy nên tôi còn lại khoảng gần ba nghìn bạt thôi. Số tiền còn lại đó tôi dùng để mua cơm và canh mỗi ngày ba bữa, gộp lại một ngày tiêu mất khoảng bảy, tám mươi bạt cộng thêm khoản mua xà bông, kem đánh răng hoặc bánh kẹo. Thời gian đầu tôi chi tiêu hơi hoang vì nghĩ số tiền mang theo dùng được tầm một tháng, sau đó tôi sẽ được bảo lãnh ra. Tôi tin như thế nên tự an ủi bản thân "Thôi cứ cho là mình đi cắm trại một tháng đi!". Một tháng đó, tôi sống trong niềm hy vọng dạt dào và vẫn chưa chấp nhận bản thân đã là tù nhân. Bởi trong vòng ba mươi ngày ấy, tôi vẫn còn cơ hội để kháng cáo. Tôi tin chị Chiếp sẽ kháng cáo giúp tôi.

Tôi bắt đầu có nhiều bạn hơn có lẽ bởi trông tôi có vẻ là người có tiền, nhưng tiền tiêu mãi cũng dần hết đi. Sau hơn hai mươi ngày tôi hết nhẵn tiền. Khi không còn tiền mua cơm trắng nữa tôi quyết nhịn cơm vì nghĩ sắp tròn một tháng rồi, chắc chắn chị gái tôi sẽ tới thăm và mang tiền cho tôi. Chịu đựng một chút thôi! Hai ngày trôi qua, nhưng mãi không thấy bóng dáng ai đến thăm tôi cả. Đến ngày thứ ba, tôi đói quá đành ăn cơm đỏ miễn phí của nhà nước. Thôi thì phải bảo toàn tính mạng trước đã.

Bao ngày qua tôi đã cố gắng không ăn cơm đỏ và nghĩ dù thế nào đi nữa cũng không cho vào mồn cái thứ cơm đó, nhưng hôm nay tôi đã không còn lựa chọn nào nữa rồi.

Tôi xuống nhà ăn, ngồi nhìn bát cơm đỏ để trước mặt một lúc rồi quyết tâm: “Ăn! Dù sao cũng phải ăn!”. Tôi nhớ rất rõ bữa ăn hôm đó có canh gà, dai vô cùng, mọi người ở đó gọi là “Canh gà bị bỏ bùa”, răng nhai mãi không nát, muốn nhè ra nhưng buộc phải nuốt vì đói. Cơm đỏ vừa cứng vừa có thêm dòi.

Tôi cắn răng nuốt miếng cơm đầu tiên bỗng nước mắt từ đâu rơi lã chã vào đĩa cơm, nó cho tôi biết rằng ngày hôm đó tôi ăn cơm đỏ, tôi đã là tù nhân. Nhiều tù nhân khác từng bảo tôi, khi ăn cơm đỏ nước mắt sẽ chảy ra, khi đó tôi thầm nghĩ làm gì đến mức ấy. Nhưng đến hôm nay, khi tôi ăn bữa cơm đỏ đầu tiên nước mắt tôi đã rơi giống như họ từng nói. Tôi đã thấu hiểu cảm giác của khoảng khắc biết mình trở thành tù nhân là như thế đấy.

Sau bữa cơm đó, Kích tới an ủi tôi: “Usumi ăn đi. Tôi cũng ăn mà”. Rồi cô ta tiếp tục: “Usumi lại đây, tôi múc canh gà cho mà ăn”. Kích được như vậy vì cô ta làm việc tại nhà bếp, có nhiệm vụ xúc cơm và thức ăn cho các tù nhân nên thường lén xúc đồ ăn ngon để ăn riêng. Tôi liền nói với Kích: “Kích! Tao không ăn được đâu, nó dai quá!”. Tôi vừa nói vừa khóc, nước mắt chảy ròng ròng. Kích an ủi: “Usumi ăn đi. Cậu biết không, ăn vào mới có sức. Cái thứ cơm đỏ này có nhiều công dụng lắm. Người ngoài không có mà ăn đâu”. Kích thấy tôi khóc mãi nên càng cố an ủi: “Ăn đi mà, rồi sẽ quen thôi, lúc đầu Kích cũng thế”.

Rồi Kích cứ loanh quanh bên tôi như thế, đặc biệt là chuyện rủ rê tôi hút thuốc lá sợi được coi là công việc thường xuyên của cô ta.

Được một tháng mười ngày thì chị Chiếp đến thăm tôi, đồng thời báo tin nhà tôi không lo được tiền bảo lãnh. Tôi như thấy sét đánh ngang tai, thêm lần nữa tôi gào khóc thảm thiết, tôi thấy mình đã hết cơ hội được tự do.

Chị gái tôi mang cho tôi một nghìn bạt nhưng tôi cũng không dùng số tiền đó để mua cơm trắng như trước bởi đã bắt đầu quen với việc ăn cơm đỏ rồi. Tôi cất tiền để mua đồ dùng cần thiết phòng khi không có ai tiếp tế, tôi vẫn có thể mua đồ dùng thiết yếu như xà bông, bột giặt, kem đánh răng, dầu gội đầu, băng vệ sinh...

Chị tôi cố gắng giải thích cho tôi rằng bố bệnh nặng, đã bị liệt, mẹ phải túc trực chăm sóc bố. Hai người lại ở nhờ nhà họ hàng ở ngoại tỉnh nên không thể đến thăm tôi được. Anh trai tôi làm việc không có ngày nghỉ, bản thân chị Chiếp cũng sẽ ít đến thăm hơn vì không có nhiều tiền, chị gái thứ ba thì bận chăm sóc cả bố và mẹ, thêm nữa chị ấy cũng không bình thường giống như người khác.

Gia đình tôi, mọi người đều có vấn đề, giống như một gia đình bất hạnh, bị nguyền rủa. Từ đó, tôi cũng sẵn sàng nhận quả báo tiếp theo. Tôi chỉ xin chị gái dù thế nào cũng đừng vứt bỏ tôi, nếu không đến thăm thường xuyên được thì cũng cố đến thăm tôi mỗi tháng một lần, chỉ cần mua cho tôi băng vệ sinh thôi cũng được. Tôi rất sợ bị bỏ quên ở đây, tách biệt với thế giới ngoài kia.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương