Sân khấu hôm đó chỉ đơn giản thôi, dàn nhạc cũng đơn giản và khán giả ngồi dưới khán đài cũng đều đơn giản, không quần áo xúng xính cầu kỳ đẹp mắt như cảnh đi xem ca nhạc thường thấy, họ, những con người ngồi dưới khán đài hôm ấy chỉ mặc duy nhất một bộ đồ đồng phục không ai mong muốn: đồ bệnh nhân.
Anh Toàn tôi cũng là một trong số đó, có người còn vài sợi tóc ít ỏi lưa thưa trên đầu, có người thì tóc đã trở thành thứ gì đó trong hoài niệm xa tít tắp, có người còn cười nói vỗ tay nhiệt tình, có người mệt mỏi dựa lưng vào một người cùng cảnh ngộ nào đó còn khỏe hơn một chút, cũng có người không còn sức lực để đi ra tới đây nữa, họ ngồi xe lăn, trên tay vẫn cắm ống truyền.
Từng bài hát trên sân khấu lần lượt cất lên, có bài là sự thổn thức của một nuối tiếc nào đó chưa làm được, có bài diễn tả tâm trạng đau đớn tột cùng khi ngày ngày đối diện với bốn bức tường lạnh lẽo, cũng có bài là cảm xúc da diết của một tiếng yêu chưa kịp nói thành lời…
Có đau đớn, có nuối tiếc, có dằn vặt bi thương nhưng trên hết sau cùng toát lên một hi vọng cháy bỏng, một hi vọng được sống trọn vẹn cho ngày hôm nay, cho ngay giây phút này, sau tất cả là tình yêu thương vô bờ bến của những người xung quanh dành cho họ, là gia đình, là ở một nơi nào đó vẫn có mái ấm đang ngóng đợi họ về, sau tất cả là vinh quang vì đã có một cuộc chiến kiên cường hơn tất thảy…
Mẹ tôi ngồi dưới, chốc chốc lại đưa tay lên lau nước mắt rồi quay sang hỏi bố:
-Sao thằng Toàn nhà mình nó chưa lên hát ông nhỉ?
-Thế ông có biết lát nữa nó hát bài gì không?
-Lúc nãy ông không ghé mua cho tôi bó hoa để tôi lên tặng nó.
-…
Bố tôi choàng tay qua vai mẹ nắn nắn:
-Thì bà cứ ngồi nghe mấy ca sĩ người ta hát đi, con mình nó có phải ca sĩ đâu mà lên hát.
-Thế sao nó lại kêu mình lên đây ?
-Ừ thì chắc lát nữa ca sĩ hát xong thì nó lên góp vui một bài thôi, bà cứ đợi đi.
-Tôi nóng ruột quá, chẳng biết nó lên đó có run không nữa.
Mẹ tôi cứ thế, lâu lâu lại ghé vào tai bố tôi thầm thì một chút.
Bố nói đúng, anh tôi không phải là ca sĩ, thế nhưng cũng không phải anh gọi bố mẹ lên để nghe anh hát.

Khi bài hát cuối cùng kết thúc thì tôi thấy bác sĩ Vinh bước ra, anh cúi chào khán giả và cất lời giới thiệu, lời giới thiệu về người anh suốt đời tôi trân quí :
-Cậu ấy hơn ba mươi, một năm trước nhập viện với bệnh án in dòng chữ đáng ghét nhất trong cuộc đời của tôi : Bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính.
Hơn ba mươi tuổi, một lứa tuổi tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy hoài bão bỗng chốc một ngày tỉnh dậy trước mắt là bốn bức tường lạnh toát, sức lực kiệt quệ, tinh thần như rơi xuống tận đáy vực, đã có lúc tôi tưởng chừng cậu ấy bỏ cuộc, thế nhưng không, bằng một sức mạnh diệu kỷ nào đó cậu ấy đã vươn mình trở lại cuộc chiến, đoạn đường phía trước còn nhiều cam go, có thể ngày hôm nay cậu ấy chưa chiến thắng được bệnh tật, nhưng cậu ấy đã chiến thắng được chính bản thân mình.

Tôi muốn gọi cậu ấy là người truyền lửa.
Rồi anh hướng mắt về sân khấu vẫy tay gọi anh tôi :
-Toàn, lên đây.
Anh tôi bước lên sân khấu đứng cạnh anh Vinh, anh cứ đưa tay gãi tai rồi lại gãi lên cái đầu nhẵn thính của mình vừa bối rối vừa ngại ngùng :
-Tôi không phải là người truyền lửa như anh Vinh nói, tôi chỉ như một đốm lửa sắp lụi tàn, chính tình yêu thương vô bờ bến của gia đình tôi, chính vì được chứng kiến tinh thần kiên cường của mọi người ở đây nên tôi mới lạc quan được như ngày hôm nay, và tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta ai cũng có một ngọn lửa trong mình, hãy thắp nó lên, bất kể đoạn đường phía trước còn dài hay ngắn thì hôm nay hãy cứ sống trọn vẹn cái đã, tôi cũng sẽ trọn vẹn trở về với bố tôi, với người mẹ và em gái dù không cùng huyết thống nhưng đã luôn yêu thương tôi hơn bất cứ thứ gì trên đời.
Những lời cuối cùng anh vừa nói vừa nhìn về phía mẹ tôi, cái Nhi đứng bên cạnh nức nức lên mấy tiếng rồi không nín được òa lên khóc, nó ôm chầm lấy tôi :
-An ơi, anh Toàn tuyệt nhỉ.
Duy vẫn chăm chú hướng mắt về phía sân khấu, thân hình rắn rõi vững chắc nhưng đáy mắt hình như lộ ra nhiều xúc cảm.

Bố tôi đưa tay lên lau dòng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo, từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng thấy bố khóc như vậy, tôi sà sang ôm lấy vai bố, không biết nói gì hơn ngoài lặp lại câu nói của Nhi:
-Bố ơi anh Toàn tuyệt bố nhỉ.
Bố tôi cười, giọng vẫn rưng rưng:
-Ừ, bố sinh nó ra, nuôi nó lớn, sống bên cạnh nó bao nhiêu năm nay mà không biết nó có thể viết nhạc, chẳng biết nó học ở đâu đây chứ.
-Vâng, hình như ông trời thương bố nhỉ, ai mà ngờ được giữa lúc tuyệt vọng nhất thì đam mê trong lòng anh lại trỗi dậy như thế, anh làm được tất cả những điều đó là vì biết ơn bố đấy bố ạ, cả con nữa, con cũng luôn biết ơn bố.
Tiếng của anh Vinh vang lên lần nữa:
-Tiền thu được từ các bài hát hôm nay sẽ được Toàn góp một phần vào buổi tổ chức tết đoàn viên cho chúng ta ở đây.

Nào, vì một cái tết đoàn viên trọn vẹn, vỗ tay đi ạ.
Phải, không cần biết ngày mai sẽ ra sao, chỉ cần hôm nay cứ sống hết mình trước đã, có lẽ anh tôi nói đúng, trên đời này chiến thắng được nỗi sợ hãi trong lòng là chiến thắng vinh quang nhất.

Khu ung bướu hôm đó bỗng ấm hơn mọi ngày.
Duy vẫn đứng bên cạnh đưa mắt nhìn tôi, khóe miệng con cong, hai cái lúm đồng tiền hiện lên sâu tít tắp, dáng vẻ hiền lành hơn bao giờ hết.
Tôi biết buổi biểu diễn hôm nay ít nhiều có sự giúp đỡ của Duy, thật tâm mà nói tôi rất biết ơn vì những gì mà Duy làm cho anh tôi, nghe tôi cảm ơn Duy chỉ khoát tay rồi cười:
-Cô thua rồi, nhớ trả kèo cho tôi là được.
Một bữa ăn thì nhằm nhò gì, tôi mạnh miệng:
-Yên tâm, anh cứ thoải mái chọn chỗ mà anh muốn.
-Chắc không?
Tôi lưỡng lự một chút:
-Chắc thì chắc nhưng mà anh chọn chỗ hơi hơi sang thôi nha, chứ chỗ sang quá tôi không đủ tiền trả đâu.
Duy cười thêm lần nữa:
-Chiều mai, nhà hàng gần chỗ tôi, nhớ sang đấy.
Tôi tò mò:
-Sao lại phải ăn tận bên đó? Tìm chỗ nào gần gần nhà mình để về cho tiện.
Duy hơi nghiêng đầu nhìn tôi:
-Địa điểm do người thắng cuộc chọn.
Chắc sợ tôi dẫn đi ăn bánh xèo, chắc thế.
Hôm đó trên đường về Duy tấp vào một cửa hàng thời trang khá lớn, thấy tôi cứ đứng lóng ngóng bên ngoài Duy giục:
-Vào đi, nhanh cái chân lên.

Tôi tò mò hỏi:
-Anh mua gì à?
Duy đang bước phía trước bỗng xoay người lại nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới rồi nhún vai :
-Tôi nổi tiếng trước giờ luôn được các hot girl vây quanh, cô không biết à?
-Không.

Mà cũng có liên quan gì đến tôi đâu ?
-Có đấy, bạn tôi thường lui tới đó, cô nghĩ đi cùng tôi với bộ dạng như thế này thì có ai tin cô là vợ tôi không ?
Tôi thì nghĩ bộ dạng của mình cũng không đến nỗi thảm hại, thế nhưng đúng là cũng chẳng bằng một góc của các hot girl như lời Duy nói, thôi thì cũng chẳng mất mát gì, khi không lại có người mua đồ miễn phí cho thì tội gì mà không nhận ?
Đúng là Duy khó tính từ ăn uống cho tới áo quần, tôi thử tới thử lui mấy bộ vẫn thấy hai hàng lông mày của Duy chau lại tỏ vẻ không hài lòng, cái thì kêu già quá, cái thì chê màu tối quá, cũng có cái lại chê không đủ dịu dàng nữ tính.
Chọn mãi mới được một chiếc váy màu hồng phấn có điểm xuyến thêm vài cánh hoa nhỏ xíu :
-Cái này đi, ít ra nó cũng vớt vát cho cô được phần nào.
Ừ thì tôi xấu, đứng bên cạnh đúng là không bằng Duy thật thế nên mặc Duy nói trời nói đất gì tôi cũng im lặng không hé răng nửa lời.
Đi ra tới cửa Duy quay lại nói nhỏ :
-Mai tôi đưa cô đi gặp một người.
Lúc đó tôi cứ nghĩ có thể Duy sẽ đưa tôi đi gặp một người bạn hoặc người quen nào đó của Duy chẳng hạn, vì trước đó Duy có nói bạn Duy cũng thường lui tới chỗ đó.
Chỉ là đến cuối cùng không những tôi không gặp được người nào đó mà đến lời cá cược với Duy cũng không thực hiện được.
Hôm sau khi xe đi gần tới nhà hàng thì Vy gọi điện, giọng nó thều thào :
-Chị ơi, chị đang ở đâu vậy ? Em đau bụng quá chị ơi, chị ơi…
Nó cứ thều thào rồi đứt quãng dần, tôi hoảng hốt gọi :
-Vy, Vy, em sao rồi? Thế đang ở đâu? Đã nhờ người đưa đi viện hay chưa?
-Em đang ở cửa hàng chị ạ, chị ơi em đau quá.
Tôi cũng cuống, thế nhưng cũng trấn an nó:
-Em chịu khó một chút, nói cái Thư lấy nước ấm chườm cho, đợi chị chút chị gọi xe tới cho.
-Thư không có ở đây chị ạ, có mình em ở đây thôi.

Chị ơi…

Tôi thì lại đang tới gần giờ hẹn với Duy, thế nhưng giờ này book xe mãi không được, thôi thì cũng chỉ là một bữa ăn, không ăn hôm nay thì để ngày mai cũng được.

Tôi đành nhờ bác tài quay xe lại rẽ vào hướng cửa hàng với Vy.
Lúc tôi tới thì thấy Vy đang ôm bụng quằn quại, mặt mày tái nhợt, tóc tai rối bù cả lên, nó nhào vào lòng tôi mếu máo:
-Chị ơi, từ nhỏ tới giờ em chưa bao giờ đau kinh hoàng như vậy, ở đây nè chị, em đau ở đây nè chị, có phải em bị đau ruột thừa không chị nhỉ?
Nó vừa yếu ớt nói vừa đưa tay chỉ chỉ vào phần bụng bên phải.
Tôi lật đật vực nó dậy và dìu ra xe, tới bệnh viện thăm khám siêu âm các kiểu xong bác sĩ kết luận không phải ruột thừa, mà tạm thời cũng chưa tìm ra nguyên nhân nên dặn chúng tôi về nhà theo dõi một thời gian.
Nó cười méo mó:
-Hay tại em ăn linh tinh chị nhỉ? Mong là thế chứ mà ruột thừa rồi phải mổ xẻ em sợ lắm.
-Ừ, về nhớ để ý đi, có gì thì quay lại bệnh viện liền nghe không?
-Vâng, mà chị đang định đi đâu mà mặc đẹp thế ạ?
-À, chị định đi ăn với anh Duy.
Vy nghe thế thì áy náy:
-Em lại làm lỡ hẹn của chị mất rồi, em xin lỗi.
-Không sao, hôm khác bọn chị đi cũng được.
-Vâng ạ, thế để hôm khác em mời anh chị nhé, xem như chuộc lỗi cho hôm nay.
Khám xong xuôi thì cũng đã muộn, với cả lúc nãy đã nhắn tin báo hủy với Duy rồi nên tôi không ghé nhà hàng nữa mà đi về luôn.

Về tới nhà mãi một lúc lâu sau cũng không thấy Duy về, điện thoại thì không bắt máy, tôi đợi không được nên lên giường ngủ trước.
Chiếc giường bình thường vốn đã rộng mênh mông, vắng Duy lại càng thêm trống trãi, tôi cứ vô thức nhìn mãi về phía gối của Duy.

Từ trước tới nay ít khi Duy ngủ ngoài qua đêm, muộn mấy cũng cố gắng về, việc ngủ cùng giường với Duy đã trở thành chuyện đương nhiên hàng ngày, giây phút này tôi nhận ra hình như nó đã trở thành thói quen, quen mỗi sáng mở mắt ra sẽ nhìn thấy Duy, quen việc thỉnh thoảng thức dậy nữa đêm sẽ có một tấm ngực rắn chắc của ai đó đang ép sát mình, quen vài lần ngủ quên vượt qua khỏi ranh giời chân tay gác ngang gác ngửa lên người của Duy, quen đến mức đêm nay thiếu Duy tôi thấy giấc ngủ của mình chập chờn hơn bao giờ hết.
Mãi tới chiều hôm sau Duy mới trở về, người nồng nặc mùi rượu, ánh mắt đỏ au mệt mỏi quăng mình xuống ghế.

Duy nằm xoài ra đó, thân hình vắt vẻo nửa trên ghế nửa dưới ghế, hàng cúc áo mở phăng ra, bộ dạng lôi thôi không giống với hình ảnh chỉn chu thường thấy.
Chẳng biết Duy có chuyện gì, dù nghĩ không liên quan tới việc mình hủy hẹn nhưng tôi cũng áy náy lại gần hỏi:
-Duy này, có chuyện gì sao anh uống nhiều thế?
-…
-Để tôi xuống pha cho anh ly trà giải rượu nhé.
Duy vẫn lặng thinh, hai bàn tay lạnh ngắt, tự nhiên tôi lại có cảm giác muốn được sờ vào bàn tay đó, muốn thử dùng chút hơi ấm của mình sưởi cho cái lạnh lẽo trên bàn tay kia, Duy ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt sâu thăm thẳm khó đoán, có chút buồn bã, có chút đau lòng nhưng vẫn để yên bàn tay cho tôi nắm.
Hồi lâu Duy nằm vật ra ghế, giọng buồn bã:
-Không có gì.
-Có chuyện gì thì nhớ nói với tôi nhé, hoặc nếu tôi có thể giúp gì cho anh thì cũng nói với tôi.
-Ừ.

Tôi xuống bếp pha cho Duy ly trà giải rượu, lúc mang lên thì Duy đang lim dim nhưng không phải ngủ, bàn tay day day lên trán như đang suy nghĩ gì một điều gì đó.

Bỗng nhiên Duy hỏi tôi:
-Sao hôm qua không đến?
Tôi lúng túng:
-Tôi…tôi có việc đột xuất nên không đến được, thật đấy, hay để mai nhé, hoặc ngày nào cũng được, ngày nào anh rỗi thì mình đi.
-Ừ.
Sực nhớ tới người quen nào đó của Duy nên tôi áy náy:
-Khi nào đi thì anh nhớ rủ thêm bạn anh nữa nhé, để tôi xin lỗi luôn, hôm qua tự nhiên lại thất hẹn như thế.
-Không cần đâu, người quen của tôi đi rồi, không ở đây nữa.
-Tiếc thế, thế anh cho tôi gửi lời xin lỗi tới người đó nhé, chỉ tại hôm qua em gái tôi đau bụng nên tôi phải quay xe rẽ vào với nó, lúc đó tôi tới gần nhà hàng rồi ấy chứ.
Duy nghe nói thế thì đưa mắt nhìn tôi ngạc nhiên, lát sau mới nhàn nhạt đáp:
-Tôi hiểu rồi.
Tôi không ngờ Duy là người giỏi dấu đi cảm xúc của mình tới thế, chỉ mới hôm qua còn thất thểu như một thằng ất ơ nào đó vậy mà ngủ qua một đêm lại lột xác thành Duy thường thấy, sạch sẽ, chỉn chu, mặt vẫn lạnh nhưng không thấy buồn nữa.
Mẹ chồng tôi thấy Duy xuống thì xót ruột hỏi:
-Công việc bận lắm hay sao mà phải thức đêm thức hôm thế hả con? Làm gì thì làm cũng phải chú ý sức khỏe chứ.
Duy đáp nhỏ:
-Vâng.
-Tối nay nhớ về sớm nhé, mẹ làm món gỏi bạch tuộc mà con thích, lúc sáng mẹ ra chợ mua được ít bạch tuộc ngon lắm.
-Vâng.
Thấy Duy cứ đáp đi đáp lại có một lời củn lủn nên tôi vội nói:
-Trùng hợp thật mẹ ạ, hôm qua anh Duy cũng mới nói là thèm gỏi bạch tuộc nên con đang định nhờ cô Hoa, may mà mẹ mua rồi ạ, thế để chiều con về sớm phụ với mẹ nhé.
Mẹ chồng tôi khoát tay:
-Không cần đâu, mẹ với cô Hoa làm được rồi, con cứ ở lại rồi hai vợ chồng cùng về cho vui.
Duy bỗng lên tiếng:
-Chiều nay con về sớm, mẹ làm thêm cho con lẩu riêu cua được không? Lâu rồi con chưa ăn.
Mẹ nghe Duy nói thế thì sững lại một chút, đôi mắt bà hấp háy lát sau mới cười nói:
-Ừ, được rồi, được rồi, thế để lát nữa mẹ dặn cô Hoa ra chợ mua ít cua đồng ngon ngon.
Bố chồng tôi đang ngồi đọc báo, ông không ngẩng đầu lên, chỉ dặn:
-Làm gì thì làm, buổi tối chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ mới ngủ ngoài còn không thì về nhà mà ngủ, có nhà mà không về ăn về ngủ cùng mọi người trong gia đình thì gọi là nhà làm gì nữa?
Giọng bố chồng tôi không gay gắt như trước, chỉ đều đều dặn Duy, hệt như bố tôi mỗi lần dạy anh em tôi, sợ Duy lại cáu kỉnh nên tôi định thò tay nhéo cho một cái thì đã thấy Duy đáp:
-Vâng ạ, con biết rồi..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương