Tiểu Thư Hầu Phủ
-
25: Học Viện Hoàng Gia
Học viện Hoàng gia do Bùi Hiếu Duệ, Trạng nguyên đầu tiên của Ung quốc kể từ khi dựng nước sáng lập nên.
Bùi Hiếu Duệ phong thái nho nhã vừa mới đậu Trạng nguyên đã bị Hạ Uyển Nguyệt, người con gái được Ung Cao Tông Hạ Tổ Huy cưng chiều nhất, cũng chính là Công chúa Phụ Nhân năm đó cướp đi làm phò mã.
Người làm Phò mã của triều này cũng giống như ở thời kỳ sau của tiền triều, không được đảm nhiệm chức vị quan trọng trong triều đình.
Lý do chủ yếu là bởi trong những năm đầu tiền triều, có một vị Công chúa đã từng tham dự vào cuộc chiến đoạt đích, còn suýt chút nữa thành công kế thừa ngôi vị Hoàng đế, trong đó không thể bỏ qua công lao của vị phò mã giữ chức Thừa tướng của nàng, để lại ảnh hưởng tới sau này.
Bởi vậy, triều đại này quả quyết vịn vào tấm gương của tiền triều, hủy bỏ luật lệ phò mã đảm nhiệm thực quyền.
Đương nhiên, dựa vào năng lực thực tế của phò mã, triều đình sẽ cho một phong hào làm phần thưởng an ủi.
Trong đó, người có công trạng sẽ được ban tước vị phẩm cấp cao, còn người không có công trạng thì rất xin lỗi, chỉ có thể được một cái danh hiệu Phò mã Đô úy ngũ phẩm mà thôi.
Lần này được tứ hôn cho Công chúa Phụ Nhân, con đường làm quan tương lai của Bùi Hiếu Duệ lòng đầy hoài bão cũng xem như hoàn toàn bị đóng băng.
Sau lễ cưới, Bùi phò mã bi thảm, chẳng những phải ở trong phủ công chúa mà còn không được phép cưới thiếp.
Trước đây ông chính là một tài tử phong lưu nổi danh khắp kinh thành.
Biến cố lần này đã khiến cuộc sống của Bùi Hiếu Duệ như rơi xuống đáy vực sâu.
Bùi phò mã âu sầu tuyệt vọng đã từng sống những tháng ngày không lý tưởng rối ren mụ mị.
May mà sau đó có cao nhân chỉ ra sai lầm: Chẳng phải học vấn của ngươi rất giỏi sao? Ngươi đừng can dự vào chuyện ở Thượng thư phòng và Quốc Tử giám nữa.
Ngươi không biết tự mình mở học viện, dạy vỡ lòng cho con cháu các nhà danh môn vọng tộc sao? Ngoài việc có thể bồi dưỡng học trò, người xuất thân nghèo hèn như ngươi còn có thể nhân tiện kết giao với những gia đình quyền quý này.
Phải biết rằng "Thiên, địa, quân, thân, sư"*, địa vị của người thầy cực kỳ cao.
Mặc dù ngươi không thể thực hiện hoài bão ở chốn triều đình, thế nhưng, các học trò của ngươi lại có thể thay ngươi hoàn thành tâm nguyện mà ngươi không thể hoàn thành.
(*) Thiên, địa, quân, thân, sư: Trời, đất, vua, cha mẹ, thầy.
Những lời này như "Thể hồ quán đỉnh"*, mở ra con đường truyền thụ đạo lý, giải đáp thắc mắc, thậm chí là gây dựng sự nghiệp của Bùi Phò mã thích làm thầy thiên hạ.
(*) Thể hồ quán đỉnh: Là một thành ngữ của Trung Quốc, ví von việc truyền thụ trí tuệ, khiến người ta hoàn toàn tỉnh ngộ.
Thượng thư phòng là nơi học tập của con cháu hoàng gia.
Quốc Tử Giám là trường học cấp cao nhất của triều Đại Ung, tương đương với đơn vị giáo dục đại học ở hiện đại.
Thầy giáo dạy học trong trường đều là quan viên có phẩm cấp trong triều đình.
Học trò của Quốc Tử Giám gọi là giám sinh.
Nhiều người là học trò được lựa chọn từ các tỉnh, phủ, châu, huyện, cũng có những người do quyên tiền mà được vào.
Thế nhưng chủ yếu học trò vẫn là con cháu đến từ các gia đình danh môn vọng tộc.
Chế độ giáo dục ba năm.
Ba năm sau tham gia kỳ thi cuối năm do triều đình tổ chức.
Kết thúc cuộc thi, danh sách những người đạt tiêu chuẩn sẽ được báo cáo cho Lại bộ, có thể dùng để lựa chọn quan viên, cũng có thể tương đương với thân phận của cử nhân tham gia thi Hội giành công danh.
Từ thời tiền triều tới nay, học trò nhà nghèo và thứ tử gia đình quý tộc phần lớn đều thông qua thi cử để đi lên con đường làm quan.
Phong cách sống của người triều Đại Ung tương đối cởi mở.
Về phần nữ tử, nhất là đích nữ nhà danh môn vọng tộc cũng không phải tuân theo cái nguyên tắc gọi là "Phụ nữ không tài, chính là đức hạnh" mà hạn chế việc đọc sách.
Ngược lại, những đích nữ xuất thân từ các gia đình như vậy mặc dù không dựa vào đọc sách để an cư lạc nghiệp giống nam tử, nhưng có thể thông qua đọc sách để hiểu biết lý lẽ, dùng tri thức học được quản lý việc trong nhà.
Thời tiền triều, mặc dù rào cản giữa nam và nữ không quá lớn, nhưng nền giáo dục hai phái được hưởng vẫn rất khác biệt.
Học viện do Bùi Hiếu Duệ sáng lập đã phá vỡ quy củ biết bao năm qua, mở đầu cho con đường đồng giáo dục cả nam và nữ.
(Vương Tự Bảo thầm nghĩ rằng, có lẽ trên phương diện hôn sự, người anh em này đã phải chịu nhục, cho nên mới có hành động này).
Ban đầu, học trò mà học viện thu nhận đều là con cái gia đình danh môn vọng tộc từ mười tuổi trở xuống, nhân số cũng không nhiều, vì chẳng qua chỉ là dạy vỡ lòng cho chúng mà thôi.
Sau này, bởi Bùi Phò mã thật sự là người đại tài, những học trò lúc đầu chỉ ôm thái độ để ông dạy vỡ lòng xem sao càng ngày càng ngưỡng mộ vị ân sư đã truyền đạt kiến thức cho mình.
Nội dung bài giảng của ông cũng không giới hạn trong tri thức vỡ lòng, rất phong phú và sâu sắc.
Cuối cùng, đại đa số những học trò đi ra từ học viện trực tiếp tham dự cuộc thi của Quốc Tử Giám đều thuận lợi thông qua.
Phải biết rằng hàng năm, số lượng học trò toàn quốc được vào Quốc Tử Giám cộng lại chẳng qua cũng chỉ có mấy chục người mà thôi.
Lúc này, danh hiệu của học viện nổi tiếng vang dội.
Học trò chạy theo Bùi Phò mã càng ngày càng nhiều.
Tuổi tác cũng càng ngày càng lớn.
Vì vậy học viện liên tục được mở rộng, số lượng môn học được dạy cũng tăng lên theo từng năm.
Cuối cùng dứt khoát hợp nhất với Quốc Tử Giám, xây dựng chương trình học chiếu theo các môn có trong cuộc thi của Quốc Tử Giám.
Đồng thời cũng chiếu theo tiêu chuẩn gần tương tự với Quốc Tử Giám để tuyển giáo viên, Bùi Phò mã tự mình giữ chức viện trưởng học viện.
Bởi Bùi Hiếu Duệ thân là Phò mã của hoàng gia, cũng bởi học viện do ông sáng lập có thể giúp hoàng gia lung lạc càng nhiều danh môn vọng tộc hơn, nên Ung Cao Tông Hạ Tổ Huy đã đồng ý đặt tên cho học viện đồng thời còn tự tay viết bốn chữ lớn "Học viện Hoàng gia".
Học viện Hoàng gia căn cứ vào tuổi tác và học thức, từ trên xuống dưới chia thành bốn cấp bậc Thiên, Địa, Huyền, Hoàng.
Cấp Hoàng là cấp bậc thấp nhất, là giai đoạn giáo dục kiến thức vỡ lòng, chia làm năm lớp, mỗi lớp bốn mươi người.
Cấp Huyền tương đương với giáo dục tiểu học ở hiện đại, chia làm bốn lớp, mỗi lớp ba mươi người.
Cấp Địa tương đương với giáo dục trung học cơ sở ở hiện đại, chia làm ba lớp, mỗi lớp hai mươi người.
Tới cấp Thiên tương đương với trung học phổ thông ở hiện đại, cũng chỉ còn lại có hai lớp, mỗi lớp chỉ có mười người.
Tại sao tới cấp Thiên tổng cộng chỉ có hai mươi người, mà lại còn phải chia thành hai lớp? Nghe đâu là để tạo ra cạnh tranh giữa hai lớp.
Có ganh đua mới có thể càng khuyến khích động lực học tập giữa các học trò.
Có ganh đua mới có thể càng thôi thúc con người ta tiến bộ.
Không thể không nói, cách nghĩ của vị Bùi Phò mã thành lập trường trước đây không chỉ rất tiến bộ, mà còn rất toàn diện.
Căn cứ vào thành tích kiểm tra đánh giá, các lớp trong từng cấp được sắp xếp theo thứ tự Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu.
Thành tích thi càng tốt thì sẽ được phân tới lớp có cấp bậc càng cao.
Mỗi cấp bậc này đều có chế độ giáo dục ba năm, nói cách khác, ba năm Học viện Hoàng gia mới tuyển sinh một lần.
Trong quá trình này, lúc có học trò rời khỏi học viện thì có thể sắp xếp cho học trò mới chuyển vào.
Từ khi Học viện Hoàng gia mở lớp tới nay, các công trình trong sân trường càng ngày càng hoàn thiện, chất lượng dạy học càng ngày càng cao, đã trở thành học viện tốt nhất sau Quốc Tử Giám của triều Đại Ung.
Trước mắt nó cũng là học viện duy nhất nhận học trò cả nam lẫn nữ.
Vì người muốn vào Học viện Hoàng gia học tập càng ngày càng nhiều, trong khi lượng học trò trường tuyển lại có hạn, nên điều kiện nhập học cũng theo đó mà nâng cao.
Đương nhiên, những chuyện này đều không làm khó được người là đích nữ của Hầu phủ, ngự phong nhị phẩm Quận chúa, tiểu quý nữ chính cống như Vương Tự Bảo.
Thời điểm Vương Tự Bảo lựa chọn đi học là vào sau sinh thần năm tuổi của cô bé, cũng chính là lúc gần trung tuần tháng Sáu.
Hiện tại các lớp cấp Hoàng của Học viện Hoàng gia đã nhập học được hai năm rưỡi, nếu Vương Tự Bảo muốn bắt đầu học từ đầu, tốt nhất là nên sắp xếp vào đầu năm sau.
Mà với tiến độ học tập bây giờ của Vương Tự Bảo mà nói, như vậy chẳng khác nào uổng phí mất ba năm thời gian.
Lại nói, lý do chủ yếu cô bé đến trường không phải để học tập, mà là để kết giao bạn bè.
Vì vậy cả nhà trên dưới nhất trí quyết định, chúng ta chen lớp, cuối năm lên thẳng cấp Huyền.
Cứ như vậy, Vương Tự Bảo muốn nhập học thì phải đợi đến khi có học trò lớp cấp Hoàng thôi học mới được.
Đến đầu tháng Bảy, có một học trò được chọn vào Thượng thư phòng làm thư đồng của công chúa nên lớp Hoàng thừa ra một vị trí.
Từ thời gian xảy ra thì sẽ không khó nhận ra, phía sau chuyện này nhất định có sự tác động của Tưởng Thái hậu.
Bằng không làm sao đang yên đang lành lại cứ phải chọn thư đồng cho Công chúa Nghi Bình còn chưa tròn bốn tuổi chứ?
Mặc kệ quá trình như thế nào, dù sao Vương Tự Bảo cũng nghênh đón cơ hội đến trường lần thứ hai trong hai đời của mình.
Giống như tất cả những đứa trẻ lần đầu được đi học khác, sau khi hưng phấn qua đi, Vương Tự Bảo cũng lại lo lắng không yên.
Hưng phấn là vì có thể có bạn chơi mới.
Thấp thỏm là bởi mình là học trò chen lớp, mới đến một hoàn cảnh lạ lẫm nhất định sẽ bị người khác bài xích.
Cô bé còn không biết mình cần bao nhiêu thời gian mới có thể hoà hợp được với những người đó.
Cũng may mấy năm nay cô bé đi theo Tưởng thị quen biết được không ít quý nữ, cũng may những hoàng tử công chúa kia học tập ở Thượng thư phòng trong hoàng cung.
Thân phận của mình sẽ cao quý hơn những học trò khác trong học viện một chút, do đó chắc chắn sẽ không bị người ta bắt nạt.
Cùng ôm tâm trạng thấp thỏm còn có mọi người trong Hầu phủ, bọn họ đều khá lo lắng liệu tiểu bảo bối nhà mình đến học viện có thể thích ứng được cuộc sống mới ở nơi đó hay không.
Chung quy nếu như đến học viện đi học rồi, có rất nhiều chuyện đều cần Vương Tự Bảo tự mình làm, không giống như lúc ở Hầu phủ, mọi thứ đều có bọn nha hoàn hầu hạ đúng lúc.
Ngày thứ hai sau khi nhận được thông báo nhập học, dưới sự hướng dẫn của phụ thân Vương Tử Nghĩa, Vương Tự Bảo tới học viện, giải quyết thủ tục liên quan tới việc nhập học.
Học viện Hoàng gia được xây dựng ở một nơi yên tĩnh tại cửa Đông Ung Đô, từ một biệt viện của Công chúa Phụ Nhân năm xưa cải tạo mà thành.
Nơi đây khá yên tĩnh là bởi tất cả đất đai xung quanh đều bị học viện mua lại, dùng để mở rộng thêm.
Xe ngựa chạy khoảng nửa canh giờ, cuối cùng cũng dừng lại.
Hai cha con xuống xe.
Học viện Hoàng gia quy mô hùng vĩ, trải dài tới năm dặm.
Hai bên cửa chính cũng giống như phủ nha, mỗi bên có một tượng đá sư tử cao lớn.
Lúc vào học, cửa lớn đồ sộ màu đỏ đóng chặt, chỉ mở một cửa hông bên cạnh.
Tiểu tư* Tùy Ba của Vương Tử Nghĩa tiến lên đưa danh thiếp Hầu phủ, không lâu sau, Phó viện trưởng học viện Bạch Hồng Tín dẫn theo tùy tùng đích thân tới đón tiếp.
(*) Tiểu tư: Gã sai vặt.
Bạch Hồng Tín hơn bốn mươi tuổi, da thịt trắng nõn, tướng mạo dễ nhìn, cử chỉ nhã nhặn.
Nếu ông đứng một mình thì cũng có thể xem là một đại thúc trung niên tuấn tú, thế nhưng nếu đứng chung một chỗ với Vương Tử Nghĩa, Bạch Hồng Tín chỉ có thể cảm thấy tự ti mặc cảm.
"Vương huynh, đã lâu không gặp, phong thái của huynh vẫn như trước!" Bạch Hồng Tín trông thấy hai cha con bọn họ, dẫn đầu tiến lên mỉm cười, đánh tiếng chào hỏi.
"Nào có! Nào có! Bạch hiền đệ mới là phong độ không giảm chứ!" Vương Tử Nghĩa cũng vô cùng nhiệt tình hỏi han.
Rõ ràng hai người rất quen thân với nhau.
"Vương huynh chê cười rồi.
Đây là tiểu nữ nhi của Vương huynh, Bảo Quận chúa phải không?" Bạch Hồng Tín nhìn Vương Tự Bảo đang mở đôi mắt to đen láy, ngẩng đầu nhìn hai người hàn huyên, thân thiết hỏi.
Vương Tự Bảo từ bên người phụ thân mình tiến lên một bước, rất cung kính hành lễ của hậu bối, cất cao giọng nói: "Chào thúc thúc! Cháu tên là Vương Tự Bảo, năm nay năm tuổi.
Sau này tới đây học còn phải làm phiền thúc thúc chỉ bảo nhiều hơn."
Bạch Hồng Tín kinh ngạc, rồi cười ha hả.
"Ôi, đứa nhỏ này thật là không đơn giản.
Vương huynh đúng là khiến người ta phải hâm mộ, lại có một đứa con gái đáng yêu xinh đẹp, lễ phép nền nã như vậy."
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook