Tiểu Thư Bụi Đời
-
C8: 8. Đi Biển
Khi đang chất hàng lên xe chở về, Hoàng Nam thấy Mai Chi từ đâu chạy vào một ngõ hẻm. Liền sau đó có tiếng phụ nữ la thất thanh.
- Móc túi, móc túi, bớ làng xóm bắt thằng móc túi!
Anh ngán ngẩm lắc đầu.
- Cô không bỏ được tật xấu à?
Tiếng Hoàng Nam sau lưng làm Mai Chi giật thót tim.
- Còn anh thì sao? Không ám tôi thì không chịu được à?
- Được, vậy tôi đi qua chỗ mấy bà bị móc túi kia...
- Đừng đừng, đáng đời cho mấy bả.
- Đáng đời?
- Mấy bà đó ỷ có chồng làm quan mà hách dịch. Nếu không muốn mua vé số của mấy đứa bé thì thôi, cớ sao lại vứt hết vào vũng sình. Tôi chỉ lấy lại số tiền mà mấy bả phải đền bù.
Hoàng Nam trầm mặc nhìn Mai Chi. Anh cứ tưởng cô gái này thờ ơ với tất cả, nhưng thật ra cô luôn để tâm đến những thứ mà người khác không coi trọng.
Tối hôm đó, Hoàng Nam lại ngồi ăn một mình với ông Mệnh Phát. Cứ một hai bữa, Mai Chi lại đến với tụi trẻ xóm nghèo. Anh tò mò muốn gặp bọn chúng nhưng mặt không đủ dày để đòi cô dẫn theo. Chẳng biết cô còn bao nhiêu bí ẩn mà anh không biết?
Mấy ngày này khách cứ hỏi tại sao vẫn chưa có món cháo cá Đù. Đây là món tủ của ông Mệnh Phát, ngay cả Mai Chi cũng không nhịn được, lên tiếng đòi ăn. Vì anh Năm Hà đã lâu không đến giao cá nên ông Mệnh Phát dẫn Mai Chi và Hoàng Nam đến thẳng thuyền đánh cá.
- Ông thông cảm, con dâu tôi sinh non, đứa cháu đầu lại bị viêm phổi. Bà nhà cùng thằng con tôi phải túc trực ở bệnh viện. Một mình tôi không thể làm được trò trống gì.
Anh Năm Hà không ở nhà, tiếp chuyện ba người là cha anh, ông Hà Ngư.
- Nếu ông không ra biển thì sao có tiền chăm lo cho mấy đứa cháu?
- Tôi biết chứ, ông bạn già. Nhưng ông xem nè, chân tôi bị tật, đi đứng khó khăn. Mỗi lần ra biển phải đi mấy ngày, bình thường có bà nhà lo cơm nước, thằng con phụ một tay kéo lưới. Nay không còn ai, tôi cũng đành chịu chết ở đây.
Nghe lời tự sự của ông Hà Ngư, Mai Chi không khỏi chạnh lòng. Cha mẹ ngày xưa khi dạy con thường khuyên: Thà chết trên bờ chứ đừng sống dưới biển. Điều đó cũng đủ thấy đi biển là một trong những cái nghề nghiệt ngã nhất. Mỗi lần ra khơi thường dài ngày, nhiều khi phải đối mặt với bão tố hay hải tặc. Người ở lại chỉ có thể chờ đợi và cầu nguyện cho người đi xa.
- Hay để cháu đi với ông. Tuy cháu không biết gì về biển nhưng chắc cũng có thể kéo lưới.
Câu nói của Mai Chi làm ba người đàn ông trợn mắt. Hoàng Nam bên cạnh thấy mắt phải hơi bị giật. Cô lại muốn gây chuyện gì nữa đây?
- Mai Chi, ngươi... Việc này... liệu được không?
- Cháu gái à, cám ơn lòng tốt của cháu nhưng đi biển vất vả lắm, lại đòi hỏi sức lực...
- Cái đó không thành vấn đề. Vất vả thì cháu không sợ. Sức lực thì có Hoàng Nam đây. Ông thấy thế nào?
Vừa nói, Mai Chi vừa nheo mắt cười nhìn Hoàng Nam. Biết ngay mà, thế nào cô cũng sẽ lôi anh vào chuyện này. Hình như thấy anh thảnh thơi, cô không chịu được. Trừng mắt nhìn Mai Chi, anh định lên tiếng từ chối thì nghe ông Hà Ngư cười mừng rỡ.
- Được quá còn gì. Anh chàng này trẻ khỏe. Thân mình săn chắc. Mặt mày sáng láng. Chỉ cần ta chỉ dẫn vài lần thì đảm bảo cái gì cũng làm được.
- Thế thì tốt, mai khởi hành. Bọn cháu về chuẩn bị đồ, sáng mai quay lại.
- Được được, mai đi, mai đi.
Thấy ông Hà Ngư hớn hở trở lại bên trong thuyền để thu dọn chài lưới, Mai Chi cũng vui lây.
- Cô muốn đi thì đi, sao lại kéo tôi theo?
Hoàng Nam thấp giọng cằn nhằn, không che dấu thái độ bực bội. Làm như không nhận thấy, Mai Chi vẫn hiên ngang bước đi.
- Ở quán Mệnh Phát chỉ có anh là trai tráng, không phải anh đi thì ai đi. Hơn nữa chính anh nói sẽ nghe tôi nếu tôi bao ăn ở.
- Trên biển thì ăn cái gì? Cá sống à?
- Hừ, có ăn là tốt rồi, còn đòi làm sang.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook