Paul gườm gườm nhìn theo cô, ngấn thịt quanh cổ ông ngày càng chuyển màu đỏ tía. Dẫu vốn có bản chất hiền lành, ông cũng sẽ không nề hà xử Margot như cách cô vừa muốn làm với ông. Ông băn khoăn tự hỏi người đi cùng cô là ai và Albinus đang ở đâu; ông tin chắc rằng ông này chắc quanh quẩn đâu đây thôi và cảm thấy không chịu nổi ý nghĩ con bé có thể bất chợt nhìn thấy ông ta. Ông thấy nhẹ nhõm hơn hẳn khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên và ông có thể cùng Irma chuồn khỏi đó.

Họ về đến nhà. Con bé có vẻ mệt, và khi trả lời những câu hỏi của mẹ về trận đấu nó chỉ gật đầu, môi nở cái nụ cười bí ẩn vốn là nét riêng biệt quyến rũ nhất của nó.

“Họ lao bổ đi trên sân băng trông mới đáng kinh ngạc làm sao chứ,” Paul nói.

Elisabeth tư lự nhìn ông rồi quay sang con gái. “Đến giờ đi ngủ, đến giờ đi ngủ rồi,” bà nói.

“Ôi, chưa đâu,” Irma ngái ngủ khẩn khoản.

“Trời ơi. Đã gần nửa đêm rồi, con chưa bao giờ thức khuya như thế.”

“Hãy nói cho chị biết, Paul này,” Elisabeth nói, khi Irma đã được ấp ủ trên giường ngủ yên ổn. “Chị cảm thấy có chuyện gì đó đã xảy ra. Lúc em vắng nhà chị thấy rất bồn chồn. Paul, nói cho chị biết đi.”

“Nhưng em chẳng có gì để nói cả,” ông đáp, mặt mỗi lúc một đỏ hơn.

“Em không gặp ai hết sao?” bà đánh bạo hỏi. “Em không gặp ai thật sao?”

“Điều gì làm chị có ý nghĩ như vậy?” ông lẩm bẩm, hoàn toàn bối rối trước độ nhạy gần như thần giao cách cảm mà bà chị ông có được từ khi ly thân với chồng.

“Chị luôn lo sợ điều đó,” bà thì thầm, chầm chậm cúi đầu.

Sáng hôm sau Elisabeth bị cô bảo mẫu đánh thức, cô này đi vào phòng tay cầm chiếc cặp nhiệt độ.

“Irma bị ốm, thưa bà,” cô nói nhanh nhảu. “Thân nhiệt con bé lên đến hơn ba mươi tám độ.”

“Hơn ba mươi tám,” Elisabeth nhắc lại và bất chợt nghĩ: “Vì thế mà hôm qua mình mới thấy bất an đến vậy.”

Bà nhảy ra khỏi giường chạy như bay vào phòng trẻ. Irma đang nằm ngửa, nhìn đăm đăm lên trần nhà với đôi mắt long lanh.

“Một người đánh cá và một chiếc thuyền,” nó nói, tay chỉ lên trần nhà nơi ánh sáng từ chiếc đèn ngủ hắt lên thành hình kiểu như họa tiết. Lúc đó còn khá sớm, tuyết đang rơi.

“Con có đau họng không, cục cưng?” Elisabeth hỏi trong khi vẫn đang trầy trật mặc áo váy vào người. Rồi bà lo lắng cúi xuống khuôn mặt nhỏ nhòn nhọn của con bé.

“Chúa ơi, trán nó mới nóng làm sao!” bà thốt lên, tay gạt mớ tóc màu sáng ra khỏi lông mày con bé.

“Rồi một, hai, ba, bốn cây sậy,” Irma khẽ nói khi vẫn đang nhìn lên.

“Tốt hơn ta phải gọi bác sĩ thôi,” Elisabeth nói.

“Ôi, không cần vậy đâu, thưa bà,” cô bảo mẫu đáp. “Tôi sẽ cho con bé uống nước trà nóng với chanh và đủ một liều aspirin. Ai lúc này cũng bị cúm mà.”

Elisabeth gõ cửa phòng Paul. Ông đang cạo râu, và để nguyên bọt xà phòng trên má ông đi vào phòng của Irma. Paul hay làm xước mặt khi cạo râu kể cả khi dùng dao cạo an toàn – và lúc này một mảng đỏ tươi đang lan rộng qua đám bọt trên cằm ông.

“Dâu và kem đánh bông,” Irma nói khẽ khi ông cúi xuống con bé.

Khoảng chập tối bác sĩ đến, ông ngồi xuống mép giường Irma, mắt nhìn không chớp vào góc phòng, và bắt đầu bắt mạch cho nó. Irma nhìn đăm đăm vào chiếc lông trắng trong hốc cái tai rộng có cấu trúc phức tạp và vào mạch máu hình chữ W trên thái dương hồng hồng của ông.

“Được rồi,” bác sĩ nói, nhìn con bé qua gọng kính. Rồi ông bảo Irma ngồi dậy và Elisabeth kéo váy ngủ của nó lên. Thân người Irma rất trắng và gầy, đôi xương bả vai nhô hẳn lên. Bác sĩ đặt ống nghe lên lưng con bé, ông thở nặng nhọc và cũng bảo nó thở.

“Được rồi,” ông lại nói.

Rồi ông gõ vào những chỗ khác trên ngực con bé và nắn bụng nó bằng những ngón tay lạnh như băng. Cuối cùng ông đứng lên, vỗ nhẹ lên đầu con bé, rửa tay, kéo cổ tay áo xuống, sau đó Elisabeth dẫn ông vào phòng làm việc, ở đó ông ngồi thoải mái xuống, vặn nắp bút máy ra và viết đơn thuốc.

“Vâng,” ông nói, “có nhiều người đang bị cúm. Có buổi biểu diễn hôm qua cũng bị hủy bỏ vì nữ ca sĩ và người đệm đàn đều dính bệnh cúm.”

Sáng hôm sau, thân nhiệt Irma hạ xuống đáng kể. Paul thì ngược lại trông phờ phạc, ông thở khò khè và liên tục xì mũi, nhưng ông vẫn thẳng thừng từ chối lên giường nghỉ và thậm chí vẫn đến văn phòng như thường lệ. Cả cô bảo mẫu cũng sụt sịt nốt.

Tối đó, khi rút ống thủy tinh ấm nóng từ dưới nách con gái ra, Elisabeth vui mừng nhận thấy cột thủy ngân hầu như không chạm đến vạch mốc đỏ. Irma chớp mắt, ánh sáng làm lóa mắt con bé; nên nó giờ quay mặt vào tường. Căn phòng tối trở lại. Khung cảnh thật ấm cúng, dễ chịu và đôi chút phi lý. Irma nhanh chóng rơi vào giấc ngủ, nhưng rồi giữa đêm con bé tỉnh dậy vì một giấc mơ thoáng vẻ không vui. Nó khát nước và muốn uống cốc nước chanh dinh dính để trên bàn ngủ, nó uống cạn và cẩn thận đặt lại cốc như cũ, môi chép khe khẽ.

Nó thấy căn phòng dường như tối hơn mọi khi. Ở phòng kế bên, cô bảo mẫu đang ngáy ầm ầm, gần như ngây ngất đê mê. Irma lắng nghe tiếng cô ngáy, và rồi bắt đầu ngóng đợi tiếng xình xịch thân quen của chiếc tàu điện chạy ra từ đường hầm rất gần ngôi nhà. Nhưng chẳng có gì cả. Có lẽ đã quá muộn, nên tàu đã ngừng chạy. Irma nằm mở mắt thao láo. Bỗng nhiên con bé nghe thấy từ ngoài phố một tiếng huýt sáo quen thuộc theo nhịp bốn nốt. Đó đúng là cách huýt sáo của cha nó hồi ông vẫn còn về nhà – chỉ để họ biết lát nữa thôi ông sẽ đến và bữa tối có thể dọn ra rồi. Irma biết chắc đó không phải cha mình, mà là người đàn ông suốt hai tuần lễ nay thường đến thăm cái bà ở tầng bốn – cô bé con ông gác cổng nói với nó thế và còn thè lưỡi ra khi Irma đưa ra nhận xét rất hợp lý rằng chỉ có ngốc thì mới đến chơi muộn như vậy. Nó cũng biết là không nên nhắc đến chuyện cha mình cũng đang sống với cô bạn trẻ: điều này Irma nghe được từ câu chuyện giữa hai bà lúc họ đi xuống cầu thang phía trước nó.

Tiếng huýt sáo dưới cửa sổ lặp lại. Irma nghĩ: “Ai biết được nào? Có khi cuối cùng lại chính là cha chăng? Và chẳng ai cho cha vào nhà cả; có thể họ cố tình nói với mình đó là một người lạ chăng?”

Con bé tung chăn ra và nhón chân đi về phía cửa sổ. Trên đường đi, nó va vào một chiếc ghế và một vật gì mềm mềm (con voi của nó) rơi xuống nghe thịch và lại nghe chít chít, nhưng cô bảo mẫu vẫn ngáy không chút lo âu. Nó mở cửa sổ ra và một luồng gió lạnh như băng dễ chịu ùa vào phòng. Ngoài phố, trong bóng đêm, ai đó đang đứng nhìn chăm chăm lên ngôi nhà. Nó nhìn xuống ông ta một lúc khá lâu, nhưng rồi rất thất vọng nhận ra đó không phải cha mình. Người đàn ông cứ đứng mãi, đứng mãi. Rồi ông ta quay người và chậm rãi bước đi. Irma cảm thấy thương ông. Người nó tê cóng đến độ không đóng nổi cửa sổ, vì thế khi quay về giường không ấm lại được. Cuối cùng, nó ngủ thiếp đi và mơ thấy mình chơi khúc côn cầu với cha. Ông cười ha hả, trượt chân ngã bệt và đánh mất chiếc mũ chóp cao, còn nó cũng ngã bổ chửng. Mặt băng lạnh kinh người, nhưng nó không thể đứng dậy nổi, gậy khúc côn cầu của nó thì bò đi xa dần theo kiểu sâu đo.

Sáng hôm sau, thân nhiệt con bé tăng đến bốn mươi độ, mặt nó tím ngắt và nó kêu đau ở bên sườn. Bác sĩ được triệu đến ngay lập tức.

Mạch bệnh nhân đạt một trăm hai mươi, chỗ đau trên ngực không phản ứng khi gõ lên và ông bác sĩ phát hiện qua ống nghe những tiếng lép bép khe khẽ. Ông kê đơn thuốc đắp, phenacetin và thuốc giảm đau. Elisabeth bỗng thấy mình sắp phát điên lên, rằng sau những chuyện vừa xảy ra, đơn giản là định mệnh không có quyền hành hạ bà như thế. Với một nỗ lực rất lớn và cố tĩnh tâm lúc chào tạm biệt bác sĩ. Trước khi đi, ông khám thêm cho cô bảo mẫu đang sốt cao, nhưng trong trường hợp người phụ nữ cường tráng này thì không có gì đáng báo động cả.

Paul tiễn bác sĩ ra đến sảnh và lạc giọng hỏi han – ông cố nói qua tiếng khò khè do cơn cảm – rằng liệu có gì nguy hiểm không.

“Tôi sẽ khám lại cho con bé ngay hôm nay,” bác sĩ chậm rãi trả lời.

“Lúc nào cũng vẫn thế,” ông bác sĩ già Lampert nghĩ ngơi khi đi xuống cầu thang. “Lúc nào cũng vẫn mấy câu hỏi đó, vẫn ánh mắt khẩn cầu đó.” Ông kiểm tra sổ ghi hẹn của mình và trườn vào sau vô lăng ô tô, đóng sập cửa. Năm phút sau ông bước vào một ngôi nhà khác.

Albinus đón ông trong chiếc áo vét ấm viền lụa mà ông mặc khi làm việc ở nhà. “Cô ấy không được khỏe lắm từ hôm qua,” ông lo lắng thông báo. “Cô ấy than là đau khắp người.”

“Có sốt không?” Lampert hỏi lại và băn khoăn chẳng biết có nên nói cho người tình lo âu này hay rằng con gái ông đang bị viêm phổi không.

“Không, chỉ thế thôi, cô ấy không có vẻ bị sốt” Albinus đáp với giọng báo động. “Còn tôi thì nghe nói cúm mà không có triệu chứng sốt là đặc biệt nguy hiểm.”

(“Sao mình lại phải nói cho ông ta nhỉ?” Lampert nghĩ bụng. “Ông ta bỏ rơi gia đình mà không chút dằn vặt. Họ sẽ tự nói cho ông ta nếu họ muốn. Tại sao mình lại can thiệp vào?”)

“Hừm,” Lampert nói với một tiếng thở dài, “để tôi khám cho bệnh nhân quyến rũ của chúng ta nào.”

Margot đang nằm trên xô pha, cáu kỉnh và mặt đỏ ửng, người quấn trong chiếc áo choàng ở nhà bằng lụa với một đống dây đăng ten. Cạnh cô là Rex ngồi vắt chéo chân, đang phác họa khuôn mặt yêu kiều của cô lên mặt sau vỏ bao thuốc lá.

(“Một tạo vật tuyệt đẹp, không cần bàn cãi gì nữa,” Lampert nghĩ, “nhưng cô nàng có vẻ gì đó giống loài rắn.”)

Rex rút vào phòng kế bên, vừa đi vừa huýt sáo, Albinus lượn quanh gần ngay đó. Lampert tiến hành khám cho bệnh nhân. Một cơn cảm lạnh nhẹ, vậy thôi.

“Tốt nhất cô nên ở nhà khoảng hai ba hôm,” Lampert nói. “Nhân đây, bộ phim làm đến đâu rồi? Đã xong chưa?”

“Vâng, ơn Chúa,” Margot đáp, uể oải kéo chăn đắp quanh người. “Tháng sau sẽ có buổi chiếu riêng. Tôi cần phải khỏi bệnh vào lúc đó, dù chuyện gì xảy ra đi nữa.”

(“Và thêm nữa.” Lampert nghĩ ngợi lan man, “con bé lẳng lơ này sẽ làm ông ta lụn bại cho xem.”)

Khi bác sĩ đi khỏi, Rex quay lại bên Margot và vơ vẩn tiếp tục vẽ cô, miệng không ngừng huýt sáo. Trong vài giây, Albinus đứng cạnh hắn, nghếch đầu theo dõi những chuyển động nhịp nhàng của bàn tay trắng xương xương đó. Rồi ông đi vào phòng làm việc để viết nốt bài báo về một cuộc triển lãm đang được dư luận bàn tán nhiều.

“Khá hay đấy, làm người bạn ở ngôi nhà này cũng khá hay đấy,” hắn nói và cười hô hố.

Margot nhìn hắn rồi giận dữ đáp:

“Ừ, em yêu anh đấy, cái đồ xấu xí – nhưng chẳng đi tới đâu đâu, tự anh biết điều đó mà.”

Hắn vo tròn vỏ bao thuốc rồi ném xoáy nó lên bàn.

“Nghe này, em yêu quý, hôm nào em phải đến chỗ anh, đơn giản thế thôi. Những buổi ghé thăm này của anh quả là vui vẻ lắm, dĩ nhiên rồi, và còn đủ thứ, nhưng anh phát ớn cái lối vui này rồi.”

“Trước hết, xin anh đừng có hét lên. Anh thì chẳng bao giờ thấy thỏa mãn nếu chúng ta không làm điều gì đó liều lĩnh một cách ngu ngốc. Chỉ một công kích nhỏ nhất, chỉ một chút nghi ngờ nhỏ nhất, ông ta sẽ giết chết em hay tống em ra khỏi nhà, và chúng ta chẳng ai sẽ có được một xu nào cả.”

“Giết chết à,” Rex cười khùng khục, “ghê nhỉ.”

“Xin anh đợi thêm chút nữa. Anh không hiểu sao? Một khi ông ta cưới em, em sẽ bớt lo lắng hơn và sẽ tự do hành động như ý em hơn. Là vợ rồi thì không dễ bị tống khứ đi được. Ngoài ra, còn bộ phim. Em đã có đủ mọi loại kế hoạch.”

“Bộ phim à,” Rex lại cười rộ.

“Ừ, rồi anh sẽ thấy. Em tin chắc nó sẽ rất thành công. Chúng ta phải đợi. Em cũng nóng lòng y như anh mà, anh yêu.”

Hắn ngồi xuống mép xô pha và choàng tay qua vai cô.

“Đừng, đừng,” cô nói, người run rẩy và mắt đã khép hờ.

“Chỉ hôn một chút xíu thôi.”

“Một chút xíu thôi,” cô ngạt thở đáp.

Hắn cúi xuống người cô, nhưng đột nhiên cánh cửa nào đó kêu lách cách ở xa và họ nghe thấy Albinus đang đến gần: tiếng bước chân trên thảm, trên sàn, trên thảm rồi lại trên sàn.

Rex sắp sửa đứng dậy thì đúng lúc đó nhận ra khuy áo khoác của hắn đang mắc vào đám dây đăng ten trên vai Margot. Margot cố gỡ nó thật nhanh. Rex giật mạnh nhưng đám dây không chịu rời ra. Margot luống cuống cằn nhằn trong lúc dùng móng tay nhọn giật cái nút thắt. Đúng lúc đó, Albinus lao nhanh vào phòng.

“Không, không phải tôi đang ôm cô Peters đâu,” Rex nói bình thản. “Tôi chỉ đang giúp cô ấy cho thoải mái và rồi bị vướng, ông thấy đấy.”

Margot vẫn còn đang giằng đám dây mà chưa ngước nhìn lên. Tình huống khôi hài đến đỉnh điểm và Rex thấy thích thú hết sức.

Albinus lặng lẽ rút ra một con dao gấp bỏ túi to có cả tá lưỡi dao và cái ông bẩy ra được hóa ra là một chiếc giũa nhỏ. Ông cố thử lần nữa và làm gãy cả móng tay mình. Trò khôi hài đang tiến triển thú vị.

“Vì Chúa, đừng có đâm cô ấy,” Rex ngây ngất nói.

“Bỏ tay ra đi,” Albinus nói, nhưng Margot hét lên:

“Anh dám cắt dải đăng ten à, cắt cái khuy ra ấy!”

“Ngừng lại ngay, đó là khuy áo của tôi,” Rex la lên.

Trong giây lát cả hai người đàn ông trông như đang ngã lên người cô. Rex kéo mạnh lần cuối, có cái gì đó đứt phụt, và hắn thoát được ra.

“Đi vào phòng làm việc của tôi ngay,” Albinus u ám nói với hắn.

“Này, chúng ta hãy khôn ngoan nào,” Rex nghĩ, và hắn nhớ đến một mánh khóe từng giúp hắn lừa được một đối thủ.

“Xin mời anh ngồi xuống,” Albinus nói, mày cau lại nặng nề. “Điều tôi muốn nói với anh khá quan trọng. Đó là về buổi triển lãm tranh Quạ Trắng này. Tôi đang tự hỏi không biết anh có muốn giúp tôi không. Anh thấy đấy, tôi vừa mới viết xong một bài báo khá đi sâu vào chuyên môn và, hừm, nhạy cảm, rồi một số họa sĩ triển lãm tranh sẽ bị xử lý khá thô bạo trong tay tôi.”

(“Ô hô!” Rex nghĩ. “Hóa ra vì thế mà trông ông mới sầu thảm đến vậy. Nỗi sầu thương của bộ óc có học chăng? Hay nỗi thống khổ của cảm hứng? Tuyệt vời.”

“Giờ việc tôi muốn anh làm,” Albinus nói tiếp, “là minh họa cho bài báo của tôi bằng cách đưa vào đó những bức biếm họa nho nhỏ nhằm nhấn mạnh những điều tôi phê bình, đả kích và cả màu sắc lẫn đường nét… như anh từng làm với Barcelo.”

“Tôi sẵn sàng phục vụ ông,” Rex nói. “Nhưng tôi cũng có một đề xuất nhỏ. Ông biết tôi muốn nói gì rồi đấy – phải tính đến một số chi phí, mà tôi thì đang hơi cạn tiền mặt. Ông có thể cho tôi một khoản ứng trước được không? Một món nhỏ thôi – năm trăm mác chẳng hạn.”

“Sao không, dĩ nhiên rồi. Nhiều hơn, nếu anh muốn. Đằng nào thì anh cũng phải định giá cho các bức minh họa mà.”

“Đây là ca ta lô à?” Rex hỏi. “Tôi xem được chứ? Thiếu nữ, thiếu nữ, lại thiếu nữ,” hắn vừa xem tiếp với vẻ ghê tởm ra mặt vừa xem các bản chụp. “Thiếu nữ vuông chữ điền, thiếu nữ dặt dẹo, thiếu nữ phù voi…”

“Và, xin anh cho biết,” Albinus ranh mãnh hỏi, “các thiếu nữ làm anh chán ngấy đến thế là vì sao?”

Rex giải thích khá thẳng thắn.

“Hừm, đó chỉ là vấn đề gu, tôi nghĩ vậy,” Albinus nói; ông vốn tự hào về tính khoáng đạt của bản thân. “Dĩ nhiên tôi không lên án cậu. Đó là điều khá phổ biến, tôi tin là thế, trong giới đàn ông có máu nghệ sĩ. Nếu ở một người bán hàng thì tôi sẽ thấy tởm lợm, nhưng ở một họa sĩ thì lại rất khác – thật ra khá dễ thương và lãng mạn – sự lãng mạn đến từ Rome. Tuy nhiên,” ông nói thêm, “tôi có thể đảm bảo với cậu rằng như vậy thì cậu sẽ bỏ phí khá nhiều thứ đó.”

“Ồ không đâu, cảm ơn ông. Phụ nữ với tôi chỉ là loại động vật có vú không gây hại, hoặc là bạn đồng hành vui vẻ - đôi khi.”

Albinus cười. “Hừm, do cậu đã thẳng thắn về việc này đến thế, đến lượt tôi thú nhận với cậu một điều. Cô nàng diễn viên đó, Karenina ấy, ngay khi vừa nhìn thấy cậu đã nói rằng cô ta tin chắc cậu là người thờ ơ với phái yếu.”

(“Ồ, cô ta đã nói vậy sao?” Rex nghĩ bụng.)

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương