Thuật Yêu Đương
Chương 9: Thuật yêu đương

A. LÀM VUI LÒNG NHAU

Yêu, tức là hy sinh, là tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người. Làm vui lòng nhau phải chăng là một trong những cách để biểu lộ lòng hy sinh của mình, yếu tố cần thiết nhất để nuôi dưỡng tình yêu cũng như để xây dựng tình yêu.

1. Biết nghe

Một nhà văn sành tâm lý con người nói: “Muốn làm vui lòng kẻ khác, hãy nói chuyện với họ những gì họ ưa thích hoặc là những vấn đề gì quan hệ đến họ; hãy tránh những cuộc cãi vã về những câu chuyện không đâu và đừng bao giờ tỏ ra là mình có ý hơn họ”. Một lời khuyên thật là sâu sắc!

Nên nhớ rằng: cái mà ai ai cũng thích nhất, cho là quan hệ nhất trong đời mình, chính là mình. Ta sẽ không bao giờ làm chán một người đàn bà khi ta bàn bạc đến tính tình của họ, sắc đẹp của họ; cũng như ta sẽ không bao giờ làm chán người đàn ông khi ta khuyến khích họ nói chuyện với mình về họ.

Kẻ nào có cái tài biết nghe, kẻ đó đã nắm được cái chìa khóa để mở rộng cõi lòng thiên hạ. Biết chăm chú và say mê nghe người khác nói, tức là một cách tỏ ra biết tôn trọng và nhiệt liệt khen họ. Có nhiều người có cái tật ham “nói đến mình” trước mặt người khác, thích đem chuyện mình ra khoe khoang, bắt người khác phải nghe hằng giờ. Đó là cái thuật làm cho người ta chán ghét mình một cách không sai chạy.

Dù có tài nói khéo đến bậc nào, biết nghe vẫn hay hơn biết nói. Biết nghe, hoặc ít ra làm như mình thích nghe người ta nói, đó là cả một nghệ thuật. Có nhiều cô gái không đẹp mà cũng không có gì là duyên dáng, thế mà lại được người con trai đàn ông để ý, chỉ vì họ đã biết được cái thuật ấy. Họ không cần phải thật thông minh, nhưng với nghệ thuật biết nghe, họ đã là cho kẻ khác hài lòng và tưởng mình là thông minh. Thật vậy, người mà được người ta chăm chú nghe sẽ cảm thấy quan trọng, và càng thấy mình đáng quý mến hơn. Không có gì làm phật lòng người, làm mất thiện cảm của họ, bằng cách không để ý nghe câu chuyện của họ muốn nói với mình.

Ông Carnegie có thuật một câu chuyện của chính ông rất là ý vị: “Trong một bữa cơm tối, tại nhà một người bạn, tôi gặp một nhà thực vật học có danh. Ông nói chuyện rất hay. Tôi lại gần bên ông để nghe ông giảng về các loại cây cỏ… Trong bữa tiệc đó có 12 ông khách khác, nhưng tôi không để ý đến ai tất cả, và chỉ chăm chú nghe ông mà thôi. Tới nửa đêm, tôi xin phép ra về. Sau này có người cho tôi biết rằng: tôi vừa ra khỏi phòng khách thì nhà thông thái ấy quay lại nói với ông chủ nhà, khen tôi hết sức và cho rằng câu chuyện của tôi rất là hứng thú, và tôi là người ăn nói có duyên… Nhưng mà trong buổi tối ấy, tôi có thốt ra nửa lời nào đâu? Tôi chỉ mê mẩn nghe ông nói mà thôi. Có gì lạ đâu: Chăm chú nghe một người nào, tức là mình nhiệt liệt khen họ đấy. Một nhà văn có nói: “Say mê nghe lời nói của một người nào, tức là tỏ lòng tôn trọng người đó vậy. Và chắc chắn là họ sẽ rất cảm thông trước sự tôn kính đó”. Hôm ấy, tôi chẳng những say mê nghe mà thôi, mà lại còn tỏ ra một tấm lòng quý mến và ngưỡng mộ chân thành là khác nữa… Đó, chỉ vì thế mà tôi được ông khen là người nói chuyện có duyên, mà thực ra, tôi chỉ là một thính giả kiểu mẫu đã biết khuyến khích ông nói mà thôi.”

Bởi vậy, có gì lạ khi ta thấy một cậu thanh niên khen một cô gái là tuyệt thế thông minh, chỉ vì cô ấy biết chăm chỉ nghe anh chàng “khoe khoang” suốt giờ mà không biết chán. Rất ít bạn thanh niên chịu cưới một người vợ quá khôn lanh sắc sảo. Ánh sáng quá sẽ làm cho họ chóa mắt và khó chịu. Trái lại, họ cần có một người bạn đời sút kém hơn và biết trầm trồ khen ngợi để khuyến khích và nâng đỡ tinh thần họ.

Nơi người đàn bà, sự thông minh là một đức hay, nhưng cần phải khéo léo che giấu. Bạn gái nào muốn được người đàn ông để ý và săn sóc đến mình, đừng tỏ ra là thông thạo, khôn khéo và hơn họ. Mà trái lại, hãy tỏ ra sự yếu đuối của mình, sự vụng về dốt nát, sự sợ sệt nhút nhát của mình. Đó là mình tìm cho họ có được cơ hội đề cao sức mạnh của họ, sự thông thạo khéo léo của họ, sự tài giỏi và lòng hào hiệp của họ. Người con trai đàn ông nào cũng vậy, đều có tính tự cao tự đại cả và luôn luôn muốn được chung quanh thán phục mình, nhất là đàn bà con gái. Vì vậy, có nhiều người đàn bà khôn lanh, khéo lợi dụng “nhược điểm” ấy, nên khiến người đàn ông “nai lưng” làm cho họ suốt đời.

Bất cứ là người đàn ông nào, trẻ hay già, có vợ hay chưa có vợ… đối với người đàn bà luôn luôn sẵn sàng tỏ ra cho người thấy sự quan trọng của mình. Hỏi ý kiến hoặc xin họ một lời giảng giải về một việc gì… đó là một cách kín đáo khen tặng họ đấy và làm cho họ hãnh diện vô cùng.

2. Đừng cãi vã…

Đối với người yêu, đừng cãi vã với nhau về chuyện không đâu.

Những bằng chứng dài dòng để làm hậu thuẫn cho cái lẽ phải của mình, sẽ làm cho đối phương của mình thêm bực dọc và mất mặt, không ích lợi gì cả. Hơn nữa, nếu mình lại tỏ ra có lý hơn họ, thì lại là một điều không hay… Người ta rất có thể nhìn nhận rằng mình lập luận đứng đắn không thể chối cãi được, và rất sẵn sàng nhìn nhận cái lẽ phải của mình, nhưng trong thâm tâm họ không bao giờ tha thứ cho mình đâu. Người đàn ông, trong tình yêu không phải đi tìm sự tranh đua hay chiến đấu, mà là đi tìm sự hòa bình và yên ổn. Người đàn ông không bao giờ có thể yêu thương thật tình người đàn bà cứ mãi tranh khôn và kình chống với họ. Hạnh phúc thay người đàn bà nào biết dịu dàng và âu yếm! Không gì làm bực lòng người đàn ông bằng gặp phải người đàn bà ham biện bác và gây sự! Những người đàn bà nào khôn lanh miệng lưỡi sẽ được người ta nể, nhưng chắc chắn ít được người ta thương.

3. Đừng nói xấu

Lại còn một phương pháp lương thiện để làm vui lòng kẻ khác là đừng bao giờ nói xấu, mà trái lại, chỉ nên nói tốt cho họ mà thôi. Nếu may ra họ được nghe người nói lại cho họ thì họ sẽ lấy làm sung sướng và mang ơn mình vô cùng. Trái lại, một lời nói xấu mà bị kẻ khác lặp lại cho họ biết sẽ làm cho họ biến thành kẻ thù đáng ghê sợ. Nhất là phải tránh những sự chế giễu, châm biếm, đem cái dở cái xấu của người để làm cái bia, trò đùa cho thiên hạ. Đừng phê bình chỉ trích ai cả: kẻ thích phê bình chỉ trích là người mà ai ai cũng ghét.

4. Đừng nói thẳng sự thật…

Đừng bao giờ nói thẳng sự thật, một sự thật không hay không đẹp trước mặt một người đàn bà nào. Đó là một sự tàn nhẫn, ác độc mà họ không bao giờ có thể tha thứ được. Người đàn bà rất xúc cảm, dù đối với một việc mà họ đã vui lòng tha thứ và quên đi, vẫn luôn luôn còn giữ lại một vết thương lòng rất lâu; không dễ gì hàn gắn được. Một lời phê bình thẳng thắn, tuy đúng với sự thật, nhưng chạm đến lòng tự ái của người đàn bà, là một mũi tên độc làm cho họ đau đớn suốt đời, có lẽ họ không bao giờ quên được. Đừng viện lẽ rằng mình là người ngay thẳng, không bao giờ chịu nói sai với ý tưởng mình để “tạt” trong mặt người ta “những sự thật” mà không bao giờ ta nên nói trước mặt một ai cả. Như thế, đâu phải là mình ngay thẳng, mà tỏ ra là mình “mất dạy”, nếu không muốn nói là “thiếu lòng nhân”. Nhất là đối với người mình yêu.

5. Giữ lễ độ…

Vấn đề lễ độ là vấn đề tối quan trọng trong đời sống chung hàng ngày. Tai hại thay, có nhiều người cư xử rất là lễ phép đối với người ngoài, nhưng mà đối với người bạn trăm năm của mình thì lại cư xử một cách tồi tệ vô lễ không biết chừng nào! Họ nghĩ rằng: cần gì phải lễ phép. Cưới vợ lấy chồng dĩ nhiên là được sống một cách thân mật với nhau, bằng không thì cưới hỏi làm gì? Nghĩ như thế, thật là sai lầm không biết chừng nào!… Đành rằng trong đạo vợ chồng cần phải thành thật và sáng suốt để chỉ dạy lẫn nhau, chứ không phải để nịnh hót nhau luôn. Nhưng thành thật với nhau đâu có nghĩa là thô lỗ vụng về, sỗ sàng trắng trợn? Người ta, ai cũng vậy đều muốn được khen và sợ bị chê, nhất là đối với người mình yêu, họ muốn được kính nể lẫn nhau chứ nào ai lại muốn khinh rẻ lẫn nhau. Trong đời có ai là người hoàn toàn. Lòng tự ái là một lò thuốc nổ, không nên khinh thường mà tình yêu tan vỡ!

Vấn đề “thành thật” trong đời sống chung của vợ chồng, là một vấn đề rất quan trọng. Một người đàn bà đã thấy đặng cái chân tướng và tật xấu của chồng mình, có nên nói thẳng ra không? Tôi tưởng tốt hơn là không nên. Có nhiều sự thật mà chính mình đây lắm khi không dám tự nhận, tại sao lại có thể để cho một người khác nói thẳng ra một cách dễ dàng trắng trợn được. Đối với mình mà đã mất lòng tự tin, thì làm sao có thể thành công trên đường đời?

Như thế, người đàn bà thông minh và hiền hậu đã thấy rõ mình phải làm như thế nào rồi. Đành rằng mình có quyền và hơn nữa, mình có bổn phận phê bình chỉ trích để mà xây dựng chồng mình. Nhưng, trong lúc phê bình phải luôn luôn tỏ ra có thái độ công bình và nhân đạo, tức là phải biết pha vào những lời chỉ trích ấy những lời khen ngợi chính đáng. Có cái dở nào mà lại chẳng có cái hay của nó không? Chỉ trích nhưng đừng tỏ ra tuyệt vọng, chê bai… Đừng làm cho người đàn ông mất lòng tự tin của họ. Không có tội ác nào tàn nhẫn bằng làm cho người ta tự thấy mình đáng khinh, tự phải xấu hổ với mình. Bất cứ là ai trên đời này cũng có một ảo mộng về tài năng cũng như về đức hạnh của mình. Phải có chút ít tin tưởng nơi mình mới có thể thành công được trên đường đời. Những bậc nhân tài xuất chúng bao giờ cũng được có người khuyến khích.

Có nhiều người đàn bà hay đem những sút kém của chồng mình để so sánh và châm biếm. Người đàn ông rất kỵ đem ra mà so sánh với bạn bè của họ, mà đại chính khách Aristide Briand có nói: “Bất kỳ ai, nếu muốn đeo đuổi theo con đường chính trị, đừng bao giờ cưới vợ… Tôi đây sở dĩ giữ được một tấm lòng thản nhiên, điềm tĩnh, cái chí khí cương quyết, không sờn lòng, suốt một đời tranh đấu cực nhọc là nhờ đâu? Nhờ những buổi chiều, sau khi tranh đấu suốt ngày, ê chề với thế sự… tôi có thể quên… quên hết những điều khốn khổ tôi đã trải qua… Là nhờ tôi không phải có mãi bên tôi một người vợ có nhiều cao vọng và ganh tị, luôn luôn sẵn sàng nhắc nhở khêu gợi sự đắc thắng của những bạn tôi trong trường chính trị, hoặc bươi móc châm biếm tôi, hoặc bắt tôi phải nghe mãi những lời nói xấu mà người khác đã gièm pha tôi, mải so sánh địa vị bất hạnh của tôi với địa vị cao sang của những kẻ may mắn hơn tôi nhiều. Đó cũng là cái hay riêng của những người thờ chủ nghĩa độc thân!”.

Một đôi khi cũng cần phải làm cho chồng mình hay vợ mình “sáng mắt ra”. Nhưng phải dè dặt khéo léo. Những vết thương do lòng tự ái gây ra là những vết thương độc: lắm khi nó giết chết ngay tình yêu. Mới là bạn thân, lại có thể biến thành một kẻ thù. Vì quá thành thật mà nhiều cặp vợ chồng đã vô tình “chôn cất ái tình” mà không hay. Nếu sự chỉ trích phê bình của ta đi quá độ, thì người đàn ông cũng như người đàn bà sẽ đi tìm nơi khác sự tán tụng cùng thán phục, mà chính mình đã từ khước một cách bất công đối với họ.

Huống chi, sự phê bình chỉ trích nhau cũng rất có thể là những sự chỉ trích bất công, bởi vì bản tính đôi bên khác nhau, nên sở thích của đôi bên cũng không thể giống nhau. Chồng thích xem đánh banh hay đá bóng, vợ lại thích nghe âm nhạc và “xi nê”… đều là vì cái tính thích của đôi bên không giống nhau chứ không phải “tội tình” gì? Người đàn bà bản tính ưa “tịnh” thiên về tình cảm, làm gì có thể hiểu nổi tại sao chồng mình “say mê” những trận đấu bóng hay quần vợt, nơi mà họ có thể “bài tiết” được cái thiên tính ham tranh đấu của họ… Dĩ nhiên, không phải nói như thế là bảo người đàn bà không thích xem những trận đấu bóng. Có rất nhiều người đàn bà mà tâm hồn đàn ông, cũng như có rất nhiều người đàn ông, tính khí và tâm hồn giống hệt đàn bà. Bởi vậy, trong khi lựa chọn lúc ban đầu, phải thận trọng để ý đến “sở thích” của đôi bên, để tránh sau này những sự đối chọi nhau về vấn đề ưa thích.

Đừng trách cứ, khích bác những cuộc giải trí vui chơi của chồng mình hay của vợ mình; phải cố gắng để tìm hiểu cái hay trong những cuộc vui chơi giải trí ấy, và nếu có thể được, hãy cùng chia sẻ với họ. Nếu mình không biết vui thích những cái vui thích của người bạn đời mình, thì đừng có trách vì sao họ lại “bỏ rơi” mình mà chạy theo bè bạn cùng đồng một chí hướng với họ.

Tóm lại, muốn đừng chán nhau thì điều thứ nhất là trong chỗ thân mật của tình yêu vẫn nên giữ lịch sự lễ độ như hồi mới gặp gỡ. Đối với những người có giáo dục, sự nhã nhặn đâu phải nghịch với sự tự nhiên, hay nói một cách khác, tự nhiên không có nghĩa là sỗ sàng vô lễ. Người ta rất có thể hết sức thành thực mà không cần phải dùng đến những cử chỉ thô lỗ.

6. Việc ăn mặc

Vấn đề ăn mặc cũng không nên xem thường. Có nhiều người tưởng rằng chỉ nên giữ lễ độ với người ngoài còn đối với trong nhà, nhất là giữa vợ chồng trong nhà thì cần gì đến sự phục sức. Có nhiều ông chồng trong nhà chỉ mặc một cái quần đùi, râu ria không cạo… Còn người đàn bà thì đầu cổ bù xù; mặc sơ sài một cái áo túi, mặt mày dơ dáy, hôi hám… Họ hiểu rằng sự thân mật giữa vợ chồng, có nghĩa là tự do “phô bày” cho nhau bất cứ cái gì xấu xa trong người của họ cũng không sao. Thì trước đây, họ cũng đã tưởng lầm không cần “trang sức” lời ăn tiếng nói cho lịch sự đối với bạn trăm năm. Họ lầm và lầm to như vậy!

Tại sao người ta đứng trước người lạ mặt, không bao giờ dám ăn mặc lôi thôi hay cẩu thả? Phải chăng họ biết đó là sự vô lễ? Đối với người bạn mới biết, họ còn “nể” nhau mà không dám sỗ sàng trong việc ăn mặc, tại sao đối với người bạn đời của họ, họ lại “xem thường” đến thế? Đành rằng, không phải đối với người chí thân của mình, mình lại phải giữ nghi thức quá về bề ngoài như đối với người khách lạ, nhưng không nên thái quá mà thành ra vô lễ.

Người đàn ông không thể “cảm” được người đàn bà ăn mặc dơ dáy, lôi thôi… Người đàn bà cũng thế. Sự săn sóc đến dung nhan cùng sự ăn mặc không những là một sự làm vui lòng nhau mà còn là một sự nhã nhặn và lễ độ tỏ ra lòng yêu thương mà luôn biết vì nể nhau.

Tóm lại, nếu những cử chỉ lễ phép, nhã nhặn, những chiều chuộng săn đón, những âu yếm tỏ ra mình luôn luôn nhớ đến người yêu, gây cho người đàn bà những cái sung sướng nho nhỏ; thì trái lại, những cử chỉ lạnh nhạt, những lời thô lỗ, cộc cằn, những thái độ sỗ sàng mất lịch sự sẽ là những cái đau khổ nho nhỏ làm cho đời người đàn bà cảm thấy tăm tối lạnh lùng. Hạnh phúc cũng như những bất hạnh của con người là ở những cái vui cái buồn nho nhỏ ấy của cuộc đời mà góp thành. Người đàn ông, nếu thực tâm muốn làm vui lòng người bạn trăm năm của mình, dĩ nhiên đều biết những gì phải làm và những gì phải tránh.

Những lo nghĩ về nghề nghiệp cùng những phiền lụy của cuộc đời, làm cho người chồng quá bực dọc rồi dần dần vô tình quên mất cả những cử chỉ chiều chuộng âu yếm, và tìm đủ phương thế làm vui lòng người yêu như thuở mới yêu nhau trong buổi ban đầu. Trách nào người đàn bà không cảm thấy mình như “vỡ mộng”!

B. MỘT VÀI NGHỆ THUẬT GÌN GIỮ TÌNH YÊU

Lại cũng còn một vài nguyên tắc “đơn giản” nữa để gìn giữ tình yêu mà ta không thể xem thường.

1. Thứ nhất, là bất cứ trường hợp nào, phải cố gắng luôn luôn gìn giữ một cái vẻ “trào lộng”, biết đem mình ra mà chế nhạo, nghĩa là đừng quan trọng hóa việc gì cả, mà lắm khi làm nhiều việc không đâu lại biến thành đại sự.

Phải biết bỏ qua và tha thứ… Phải có nhiều độ lượng. Trong khi cãi vã với nhau, đừng bao giờ nhắc nhở lại những gì không tốt đã qua. Những việc lầm lỗi đã qua, phải “chôn” nó đi và đừng làm “phục sinh” nó lại, bất cứ dưới hình thức nào. Không gì đáng buồn cười bằng chỉ biết chỉ trích phê bình người bạn mình mà không bao giờ biết quy sự chỉ trích phê bình ấy về mình.

2. Thứ hai, là phải “tin nhau”, đừng bao giờ tỏ vẻ “ghen bóng ghen gió”.

Một đôi khi tỏ ra mình ghen một cách kín đáo là một hãnh diện đối với người yêu. Nhưng sự “ghen bóng ghen gió” một cách công khai sỗ sàng lại là một thứ thuốc độc giết chết tình yêu một cách chắc chắn. Thái quá cũng như bất cập đều không nên: quá dửng dưng không biết “ghen” chút nào, cũng như tỏ vẻ ngờ vực, rình mò như người ta rình bắt kẻ trộm, lục soát thư từ, kiểm soát từ hành vi cử chỉ của người bạn trăm năm của mình là những hành vi lăng nhục. Kẻ mà cảm thấy đã bị mất lòng tin, sẽ không trung thành với mình nữa. Trái lại, lòng tin cậy tuyệt đối sẽ tạo nơi lòng người được mình tin tưởng một mặc cảm tội lỗi, có thể nắm giữ họ mãi trong tình yêu, và dù họ có lỡ lầm… rồi họ cũng sẽ trở về với mình. Trái lại, tỏ ý ngờ vực tức là xui họ dễ sa vào vòng tội lỗi. Khi mà người ta cảm thấy mình bị ngờ vực rồi, thì không ai còn bụng dạ nào để gìn giữ lòng tin tưởng của mình đối với họ nữa. Một đại văn hào Âu Châu có nói: “Điều kiện đầu tiên của một tình yêu chân thật là dám tin tưởng nơi người mình yêu”.

3. Thứ ba, là thỉnh thoảng cũng nên xa nhau để mà yêu mến nhau thêm. Tìm cách xa nhau trong một thời gian ngắn sẽ làm cho lòng mình nhớ nhung thấm thía, và nếu thường thư từ với nhau thì lại càng hay. Có khi vì thói quen và lười biếng mà đôi bạn đã quên mất giọng yêu đương âu yếm trong những câu chuyện hàng ngày, nay bỗng tìm thấy lại trong những lời viết cho nhau khi xa cách.

4. Và nguyên tắc cuối cùng là nên nhớ luôn luôn rằng: “Dù người yêu đã thuộc về mình, nhưng không phải bị bắt buộc là người của mình mãi mãi”.

Đừng tưởng rằng đây là quan niệm Tây phương, cũng đừng quá tin tưởng nơi hiệu lực của giá thú, vì không có luật pháp nào bắt người ta yêu nhau mãi mãi. Tình yêu phải là sự chinh phục từng ngày một, từng giờ phút. Người ta rất có thể vì luật pháp, vì luân lý bắt buộc mà phải sống một bên mình với danh nghĩa vợ chồng, nhưng lòng yêu của người ta đã không còn thuộc về mình nữa, không có quyền lực nào cấm cản nổi. Ta há lại không nghe nói có rất nhiều cuộc hôn nhân mà không có ái tình hay sao? Chỉ vì người ta quá tin nơi luật pháp nên tưởng rằng hôn thú là bảo đảm cho cái quyền sở hữu của mình, nên chỉ khi chiếm đoạt người yêu bằng giá thú là đã cầm chắc rằng người họ yêu đã thuộc quyền sở hữu của họ rồi, bởi vậy, họ bất cần phải đắn đo lo nghĩ gì đến sự gìn giữ tình yêu nữa. Thật không gì lầm lạc to tát bằng! Đây là một đầu đề mà tất cả mọi người, đàn ông cũng như đàn bà, nên nghiền ngẫm cẩn thận.

Tóm lại, cần nhớ kỹ điều này: Muốn gìn giữ tình yêu nguyên vẹn và thân thiết; người đàn ông cũng như người đàn bà, phải biết tâm niệm câu “thủy chung như nhất”, nghĩa là trước kia mới bắt đầu yêu nhau cách nào thì ngày nay cũng phải cư xử y như thế mãi… Đừng trước niềm nở, sau sỗ sàng; trước nâng niu, sau hắt hủi… Những kẻ có “thủy” mà không có “chung”, đừng trách sao tình yêu của mình mau tan vỡ.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương