Thuần Hoá
13: Ngày Thứ Nhất Giúp Đỡ


Dịch: Amelie.Vo
(Bắt đầu từ chương này nữ chính đổi tên nhé mọi người)
Tuyết rơi suốt một đêm ròng.
Frankfurt (Đức) vào mùa đông cực kỳ giống xứ sở tuyết trắng trong chuyện cổ tích, dù là nhà cửa hay đường phố đều trắng xóa một màu.

Loria tựa người vào ô cửa sổ phòng học, nhìn thầy giáo đang vất vả gạt sạch sẽ lớp tuyết đọng trên chiếc xe hơi.

Đột nhiên, ông cúi người quan sát biển số xe rồi đứng thẳng dậy, dùng tay vỗ lên trán cái “bép”.
Tiếp theo ông lại lụi cụi đi qua dọn tuyết trên chiếc xe bên cạnh.

=]]
Tiết học hôm nay được giảng dạy bởi một vị giáo sư hóm hỉnh và hài hước.

Là một người Đức lớn tuổi và lớn tướng, ông khác hẳn những người Đức lạnh lùng trong ấn tượng rập khuôn: Ông giảng bài vô cùng nhiệt tình, lại học rộng biết nhiều, văn chương lai láng.

Ông am hiểu từ kiến trúc Rococo [1] thời vua Louis XIV cho đến phong cách kiến trúc đền thờ, ông giảng giải về việc thờ cúng các vị thần vào thời đại đó, cũng như cuộc “thanh trừng phù thuỷ” đã càn quét gần như toàn bộ châu Âu thời Trung cổ.
“Tại Bảo tàng Đại học Oxford (Anh) có một bộ sưu tập các đồ tạo tác liên quan đến phù thuỷ được sưu tầm ở Yorkshire (miền Bắc nước Anh) vào năm 1993…” Giáo sư hùng hồn diễn giải: “…Đó là một chiếc bánh quy hình hải quỳ.

Tương truyền rằng nếu đem đốt chiếc bánh này, sẽ gây đau nhức dữ dội cho bàng quang của phù thuỷ…”
Loria lặng lẽ ghi chép bài học.
Nghe đến đây, cô không cười rộ lên như những bạn học khác trong lớp, cũng không giơ tay đặt câu hỏi.

Mực đen thấm vào trang giấy trắng, cô hít thở có chút khó khăn.
Thật quái lạ!

Có rất nhiều người bị dị ứng với đậu phộng, một số người khác bị dị ứng với không khí lạnh, còn số người giống như cô, bị dị ứng với hai tiếng “phù thuỷ” có lẽ là không quá nhiều.
Loria rất khoẻ mạnh, lần cuối cô bị cảm là hồi còn học trung học, ngay cả cảm nắng cũng rất hiếm khi mắc phải.

Song, duy nhất một thứ khiến cô không ổn, là nghe đến những chuyện liên quan đến phù thuỷ.
Loria cố gắng vuốt ngực để ép xuống cảm giác kỳ quặc này.
Thế nhưng hôm nay thầy giáo giảng bài hết sức hăng say.

So với những lý thuyết kiến trúc cùng với phong cách nghệ thuật nhàm chán, đa phần sinh viên vẫn thích nghe những bài giảng về lịch sử thú vị cùng với những truyền thuyết mang sắc màu huyền bí hơn.
“… ‘Phù thuỷ tuyết trắng’ nổi tiếng, người ta đồn rằng thế hệ phù thuỷ đầu tiên được giải cứu bởi tà thần Fassbinder – kẻ được coi là dị giáo vào thời điểm đó, dẫn đến cuộc tàn sát trong vòng ba thế kỷ liên tục.

Đứa con gái cuối cùng mang dòng máu phù thuỷ đã chết trong tay những sinh vật hắc ám trong cuộc thảm sát trang viên.

Tuy vậy, cũng có những kẻ hầu bỏ trốn đã kể lại rằng cô gái ấy bị sinh vật hắc ám đưa vào trong rừng, đồng thời biến mất cùng cô ấy còn có một người hầu bên cạnh…”
Tiết học vừa kết thúc, các sinh viên đập bàn phấn khích, hoan hô tiết học sôi động ngày hôm nay.

Giáo sư giơ tay ra dấu cho cả lớp yên tĩnh lại: “Thầy có điều muốn nói cùng lớp mình.

Bắt đầu từ tuần sau, sẽ có giáo sư mới đến dạy môn học này…”
Giữa những tiếng thở dài tiếc nuối của các bạn cùng lớp, Loria cất giấy bút vào trong cặp.
Cô âm thầm cầu mong có một vị giáo sư có thể dùng tiếng Anh để giảng bài.

Đối với cô, việc sử dụng tiếng Đức để giao tiếp hàng ngày không có vấn đề gì, nhưng những lúc lên lớp, một số từ vựng chuyên ngành mà thầy giáo sử dụng khiến cô vô cùng mờ mịt.
Loria đeo trên vai một chiếc ba lô vải mà cô đã sử dụng từ rất lâu.

Phải nói chiếc túi này đã dầm mưa dãi nắng đi theo cô từ lúc cô được nhận giấy báo trúng tuyển đại học, trải qua một học kỳ trong nước, sau đó cô thành công nộp hồ sơ sang Đức du học.


Viền dây đeo dù đã bạc màu vì ma sát nhưng vẫn rất mực chắc chắn.
Loria đi bộ đến siêu thị cạnh trường học để mua đồ ăn.

Bị ảnh hưởng bởi vị trí địa lý, rau quả và trái cây ở Đức không được đa dạng cho lắm.

Do dự hồi lâu, Loria chỉ mua mỗi cam, táo và một vài củ khoai tây rẻ bèo nhất.
Tiền lương làm thêm tháng này vẫn chưa được nhận, mà hôm qua cô vừa mới phải trả tiền nhà.
Bố mẹ Loria đều thuộc tầng lớp lao động, ban đầu họ hoàn toàn ủng hộ quyết định du học của cô, vì vậy cô cũng không muốn làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
Vứt vỏ chai vào máy tái chế [2], Loria lấy tờ biên lai từ trong máy, sau đó lựa thêm vài loại rau củ quả chứa ít nước rồi mới đi tính tiền.
Vì không xin vào ở ký túc xá dành cho sinh viên được, Loria chỉ đành thuê một phòng trong khu nhà cũ kỹ cách trường 2km đi bộ, tiền nhà ở đó dù sao cũng rẻ hơn những nơi khác.

Tuy các trường đại học công lập ở Đức không thu học phí, nhưng chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà hàng tháng không hề thấp chút nào.
Loria vác cái ba lô đựng đồ cũ mèm của mình đi đến nhà hàng nằm trên một con đường khác.
Đây là công việc mà một chị cùng là du học sinh Trung Quốc ở lớp trên giới thiệu cho cô.

Mỗi ngày tan học cô đều đến đây làm việc, mỗi tháng kiếm được tầm 300 euro, không những thế nhà hàng này còn bao bữa tối.

Ban đầu, Loria chỉ phụ trách rửa bát ở sau bếp.

Làm được một thời gian, ông chủ bắt đầu giao cho cô trách nhiệm ghi order và phục vụ bàn.
Cô đội một chiếc mũ len và đôi găng tay màu đỏ lần trước mua ở một cửa hàng vào đợt giảm giá.


Dù mang cả khẩu trang nhưng hai má Loria vẫn rát buốt vì gió lạnh.

Bão tuyết đã dừng lại, những bông tuyết đọng trên tán cây vân sam bị gió cuốn đi mất hút.

Bước chân cô giẫm trên nền đất phát ra những âm thanh kèn kẹt vang vọng.

Hơi thở thoát ra khỏi lớp khẩu trang, ngưng tụ thành một tầng sương trắng.
Nhà hàng nhỏ này kinh doanh rất đắt khách.

Loria cất chiếc túi nặng trịch của mình vào trong phòng nghỉ của nhân viên, sau đó nhanh như thoắt thay một bộ đồng phục.

Ở trong gương, trông cô khá mảnh mai, nhưng vì làm việc hằng ngày nên tay chân cũng khá rắn chắc.

Làn da Loria trắng hồng, là sắc màu khoẻ mạnh đầy sức sống.

Tuy vậy, cô không có thời gian ngắm nghía mình, chỉ chỉnh lại áo mũ chỉnh tề, rồi lon ton chạy ra phía trước.
Loria đã quen thuộc với cuộc sống của du học sinh: ở trong một căn hộ cũ kỹ, làm việc tại một nhà hàng sầm uất, mỗi ngày đi học với những tiết tiếng Anh và tiếng Đức xen kẽ.
Ông chủ nhà hàng là một người Đức gốc Tây Ban Nha, tính tình nhiệt tình và cởi mở.

Ngay khi một ngày làm việc của cô chuẩn bị kết thúc, ông chủ liền dặn dò: “Gần đây lại có thêm một nhóm người tị nạn mới, trên đường về nhớ chú ý an toàn nhé.”
Loria đã gom xong bữa tối ngày hôm nay, là những món mà nhà hàng bán còn dư lại như là: bánh mì baguette, gan gà, cơm hải sản đậu que và thịt thỏ kiểu Tây Ban Nha, thỉnh thoảng ở đây sẽ có món bạch tuộc Galicia ăn kèm khoai tây [3].

Ông chủ cũng tương đối thông cảm cho nỗi vất vả của những du học sinh vừa đi làm vừa đi học, thế nên cho phép bọn họ được mang đồ ăn về nhà.
Loria mỉm cười chào tạm biệt ông chủ.

Vác trên vai cái ba lô, cô cầm theo một chiếc móc khoá báo động tự vệ [4] mà ông chủ nhà hàng đã nhét vào người cô, cứ thế “lết” về nhà trọ trên con đường phủ đầy tuyết trắng.
Giờ phút này, Loria đã đói lả người.

Học hết một buổi chiều và làm việc đến tám giờ tối, cô chỉ uống mỗi 1,5 lít nước.


Lúc băng qua đường cái, cơn đói bắt đầu hành hạ dạ dày cô, vì thế cô bèn cởi một bên dây đeo và chuyển cái túi ra phía trước để lấy một chiếc bánh mì ra ăn lót dạ tạm thời.
Còn chưa kịp mở khoá kéo, một bóng đen từ phía sau Gloria bất ngờ nhào tới, dùng sức tông mạnh vào bả vai cô, cướp mất chiếc ba lô trong tay.
Loria đã đứng làm việc liên tục ba giờ liền, lúc này cô đuối sức đến mức không kịp phản ứng hay ngăn tên cướp lại, cứ vậy bị đẩy ngã ra đất, rơi vào trong lớp tuyết lạnh bên đường.

Hơi lạnh xộc vào mũi và miệng cô, thuận lợi len lõi và ngấm vào trong phổi, khiến Loria lạnh run cả người.
Cái trán đột nhiên đau nhói, không biết có bị thương hay không nữa.
Hai tay chống xuống đất, Loria giơ tay định kéo móc khoá báo động, nhưng còn chưa chạm vào nó, thì đã nghe thấy một giọng nam trầm thấp ở sau đầu.
“Bé con đáng thương, có cần ta giúp hay không?”
Loria ngẩng đầu lên liền nhìn thấy một đôi bàn tay thon dài trắng tái đưa ra trước mặt mình.
Dưới ánh đèn đường mờ ảo, mượn ánh trăng phản chiếu lên nền tuyết trắng, cô nhìn thấy trên mu bàn tay người nọ có một dấu vết màu đỏ sẫm, trông như một ấn ký.
Nhìn theo cánh tay lên phía trên, khuôn mặt đẹp đẽ trác tuyệt của một người đàn ông trưởng thành chợt hiện ra.
Cùng với một đôi mắt đen sâu như màn đêm thăm thẳm.Tác giả có lời muốn nói:Ở phương Tây không có khái niệm luân hồi chuyển kiếp, vì vậy đây là thứ tác giả sáng tạo ra.Từ cuối thời Trung cổ đến thời cận đại, ở châu Âu quả thật có phong trào săn giết phù thuỷ.

Cái gọi là “thanh trừng phù thuỷ” đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết mà nạn nhân đều là những người phụ nữ vô tội *thở dài*Còn về “tà thần” và “phù thuỷ tuyết trắng” cũng là do tác giả tự nghĩ ra:pChú thích:
[1] Kiến trúc Rococo là phong cách nghệ thuật và thiết kế nội thất của Pháp, xuất phát từ kiến trúc Baroque (triều đại vua Louis XIV), sau đó lan rộng khắp Pháp và châu Âu đến các nước Áo, Đức, Ý, Nga…

[2] Ở Đức, máy bán nước tự động thường tích hợp cả máy tái chế chai nhựa mà người ta gọi nôm na là “máy bán ve chai tự động”.

Sau khi mua một chai nước rồi uống hết, mọi người có thể mang tới bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào, đặt nó vào máy tái chế và nó sẽ trả lại 25 cent (khoảng 5k VND).

Cho nên có một số người đi sẽ tìm vỏ chai nhựa để lấy tiền.

[3] Món bạch tuộc Galicia ăn kèm khoai tây (Galician style octopus)

[4] Móc khoá báo động tự vệ cá nhân: chỉ cần rút dây chốt là nó tự phát ra âm thanh cực lớn trong tình huống khẩn cấp
.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương