Vương Vũ Hoành chẳng bao giờ tin rằng, lần nói chuyện đầu tiên với con trai của hắn, lại khiến hắn sững sờ tới vậy.

“Thằng bé là thiên tài vượt trên tất cả thiên tài. Nó là người sẽ đem Vương tộc đạt tới vinh quang vô hạn! Ta không thể để nó phí hoài tài năng tại nơi này. Nhưng, phải nói chuyện với mẹ nó thế nào đây...” Ngổn ngang những suy nghĩ trong đầu, Vương Vũ Hoành vẫn bảo trì một nét mặt bình thản. Hắn nhìn thấy thằng bé vẫn đang đăm chiêu suy nghĩ.

- Những điều cháu nói rất có lý, nhưng cháu còn suy nghĩ chuyện gì nữa vậy?

- Cháu đang nghĩ, tìm được cách để lực của mình không bị triệt tiêu là tốt rồi, nhưng vấn đề then chốt là lực của cháu phải đủ lớn. Nếu lực của cháu không đủ mạnh thì dù không bị triệt tiêu đi nữa thì cũng không tác dụng gì.

- Vậy bình thường cháu ra đòn như thế nào?

- Cháu đứng hai chân bằng vai, và tung quyền.

- Khà khà, vậy cháu thử nghĩ xem, theo như cách thức mà cháu vừa phân tích, vẫn còn phương pháp để gia tăng lực lượng mà.

Văn cúi đầu ngẫm nghĩ. Theo như những điều nó vừa nói, nó cần nhịp điệu. Hơi thở, nhịp tim, cơ bắp, đều cần có nhịp điệu. Theo như Thiên Anh dạy, nó đã sử dụng tất cả những yếu tố đó vào trong nắm đấm. Liệu còn thứ gì cũng có nhịp điệu nữa không? Theo tầm mắt, nó nhìn thấy 2 bàn chân của mình đang ngập trong cát...

- Là bước chân! Bước chân cũng có nhịp điệu. Khi ta tung nắm đấm, ta có thể bước chân lên, vừa có thể tăng tốc độ của nắm đấm, vừa để bổ sung thêm 1 loại nhịp điệu. Hơn nữa, phải rồi, không chỉ có bước chân, mọi cơ quan có thể vận động của cơ thể đều có nhịp điệu. Ngón chân, ức bàn chân, cổ chân, đầu gối, cổ đùi, hông, lưng, bụng, ngực, bả vai, bắp tay, khuỷu tay, cẳng tay, cho tới nắm đấm. - Vừa nói, nó vừa sờ dọc theo thân mình - Lạ chưa nè, tất cả đều chạy dọc theo 1 đường. Nếu ta dung hoà nhịp điệu của tất cả các cơ quan đó, và phát 1 lực chạy xuyên suốt đường thẳng này, lực bộc phá sẽ vô cùng mạnh mẽ!!! Xem nào, để các cơ quan ấy nằm trên 1 đường thẳng, vậy khi cháu đấm bằng tay phải, cháu phải bước chân trái lên.

Vừa nói, nó vừa bước về phía trước tung thử 1 quyền.

- Chà, không thể tạo 1 đường thẳng được, nếu thế thì cơ thể sẽ bị chúi về phía trước. Nếu hạ gục được đối phương ngay thì không sao, chứ nếu đối phương không gục mà có thể phản công, thì mình sẽ rất khó xoay sở. Để không chúi về trước, thì lưng phải thẳng. Vậy thì từ ngón chân chạy tới ngón tay, chỉ có thể tạo thành 1 đường cong.

- Tuy không phát được uy lực mạnh nhất, nhưng đường cong này sẽ giúp cơ thể cháu chống chịu tốt hơn trước phản lực của chính cú đấm. Nên nhớ, nếu cháu tác động lên đối phương một lực, cháu cũng nhận lại một phản lực tương đương.

Nghe người đàn ông nói, Văn gật đầu. Nó chưa học Vật lý, nhưng nguyên lý này, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Ông ta nói tiếp.

- Suy nghĩ vừa rồi của cháu rất chính xác, thậm chí không phải ai cũng nhận ra. Nhiều người cho rằng Quyền chỉ là do cánh tay tạo nên, mà không biết rằng để tung một Quyền, mọi bộ vị của cơ thể đều phải vận động! Cách kiến giải của cháu về nhịp điệu có hơi khác lạ, bản thân ta cũng mới nghe tới lần đầu. Các Võ đạo Tông sư cũng có những kiến giải hơi khác cháu, nhưng về mục đích cuối cùng lại là tương đương nhau. Họ không nói về nhịp điệu, nhưng có nói về sự hoà hợp của toàn cơ thể. Và ranh giới tối thiểu để thể hiện điều đó, chính là kết hợp giữa Bộ Pháp với Quyền Pháp. Một bước một quyền. Nhất Bộ Nhất Quyền!

Nhất Bộ Nhất Quyền! Gia tăng tối đa lực lượng mà cơ thể con người có thể tạo ra. Nếu có thể cảm nhận thuần thục được thứ mà mình gọi là nhịp điệu, mình hoàn toàn có thể đạt tới cảnh giới đó. Bộc Phá Quyền, không, phải là, Triều Quyền! Văn hít một hơi thật sâu. Nhưng...

- Theo như bác nói, Nhất Bộ Nhất Quyền, phải sử dụng Bộ Pháp. Mà Bộ Pháp, phải đạt đủ yêu cầu môn Điền Kinh mới có thể học được. Mặc dù mỗi ngày cháu có chạy vài cây số, nhưng cũng chưa đủ yêu cầu...

- Bác thì lại nghĩ khác. Chẳng phải lý thuyết về nhịp điệu của cháu vừa rồi, có thể khiến cháu bớt đi rất nhiều thời gian đó sao? Cháu cứ nghĩ đơn giản rằng Bộ Pháp là cách thức di chuyển. Mà di chuyển, thì cần đôi chân, cần cả việc điều khiển trọng tâm nữa...

- A! Phải rồi! Sao cháu không nghĩ ra nhỉ. Đôi chân muốn cử động, đều cần nhịp điệu, trọng tâm con người muốn di dời, cũng cần nhịp điệu. Triều Quyền cũng thế, Bộ Pháp cũng vậy, tất cả những gì cháu cần, là cảm nhận được nhịp điệu.

Nó phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, hớn hở nói.

- Nơi để cảm nhận nhịp điệu, không gì lý tưởng hơn bãi cát này. Nếu miệt mài tập chạy trên cát, nhất định cháu sẽ có thể cảm nhận được nhịp điệu của cát! Phải rồi, cháu phải luyện tập ngay. Nếu không nỗ lực, cháu sẽ chẳng đạt được cái gì cả.

Tiếng sóng đánh vào bờ. Vương Vũ Hoành mỉm cười nhìn thằng bé. Ông quay người bước đi.

- À phải rồi bác ơi! Nếu bác có gặp mẹ cháu, đừng kể với mẹ cháu là cháu đang tập võ nhé. Mẹ cháu không thích cháu đ-ng đến mấy thứ bạo lực đâu. À, còn mẹ cháu là ai thì, mẹ cháu sống trong cái nhà nhỏ phía cuối chợ cá ấy. À, mà tốt nhất thì bác đừng kể cho bất kì ai trong chợ là cháu đang tập võ nha.

Thằng Văn gọi với theo. Người đàn ông dường như đã nghe thấy lời nó, ông giơ cao ngón tay cái lên trời. Thằng Văn nhìn theo, giờ nó mới để ý ông ta cầm theo một chiếc túi đựng đầy rau quả và thịt cá.

“Chậc, ăn mặc sang trọng vậy mà cũng phải tới đây đi chợ, lạ ghê”. Nó nghĩ thầm, sau đó bắt đầu tập chạy trên nền cát.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương