Thị Mầu
-
C34: Nỗi Lòng Thị Kính
Mầu trút gan bầy ruột, lời sau dồn dập, máu tưới đầm đìa hơn lời trước, khiến chính bản thân cũng đau đớn khó nhịn, chốt xong lời cuối tưởng như thoát hơi, đầu óc mê mang, hổn hển rít sâu.
Phía đối diện, Kính Tâm chắp tay trước ngực, thầm tụng kinh trì chú, những mong giúp con người đau khổ trước mắt này bớt đi được phần nào oán khí, mà Mầu nói nhanh quá, nói đau quá, đến mức nhịp môi Thị cũng bấn loạn theo, cả cõi lòng rẩy rung, chao đảo.
Lâu lắm rồi không có ai nói với Thị những lời cay đắng như thế, vấn Thị những sự tình trần trụi đến thế.
Ngày mới xuất gia, Thị thường hay tự dằn vặt bản thân mình, cũng từng đem những sự mình không tháo gỡ nổi vấn sư cụ, hết lần này đến lần khác. Nước mắt tủi hờn đầm gối đêm khuya, khô rồi lại ướt. Nhưng rồi ngày dài tháng rộng nơi cửa thiền đã giúp Thị lắng được lại. Thị bằng lòng bỏ lại sau lưng tất cả, không nhớ tới nữa, không nghĩ đến nữa, chỉ sống với hiện tại trong thân phận là một chú tiểu không màng thế sự, một lòng kính phật mà thôi.
Còn chuyện cũ xưa như một vết đao chém sâu hoắm trong lòng Thị, để mà bới ra, đành máu chảy thành sông.
Tại sao Thị lại không nói ư?
Tại sao Thị lại không giãi bày ư?
Thị đã từng không tiếc thân chịu đánh, không tiếc lòng tự trọng bị chà đạp mà quỳ xuống, lê lết đến níu ống quần chồng, níu vạt áo mẹ chồng cầu chút xót thương, cầu xin được nói lời biện hộ. Thị oan uổng quá. Thị đã làm gì nên tội. Chẳng qua Thị chỉ mượn con dao cắt chỉ hòng nhíp đi cọng râu mọc ngược trên cằm chồng, chứ nào có ý muốn giết chàng. Nhưng người ta không muốn nghe, người ta còn vin vào cố gắng của Thị làm cớ mắng mỏ Thị hỗn láo, mạt sát Thị gái đĩ già mồm, còn nhân thể đào cả tổ tông, lôi cả thầy mẹ của Thị ra mà đay nghiến, nhục mạ. Đớn đau nhất là người chồng đầu gối tay ấp, suốt tự lúc theo về, Thị luôn một niềm cung kính, chong đèn mài mực, khay nâng ngang mày, tảo tần săn sóc sớm khuya, nào dám phạm một ly sai quấy, chốc lát lại đổ ra mê muội coi Thị như phường rắn rết. Ánh mắt trắng dã không hàm chút tình nghĩa mà ken đặc cái thứ ghét bỏ, ruồng rẫy khoá lấy thân Thị. Như thể người chồng văn nhược của Thị đã bị ma mãnh tha hồn đâu mất, chỉ còn cái túi da mà Thị chẳng còn có thể nhận quen.
Thị cùng đường rồi. Cha mẹ chồng xô Thị ra khỏi cửa, vứt vào mặt những áo quần đồ cưới Thị từng khấp khởi nhịp gánh về, dồn ép đến độ Thị phải ôm đầu tất tưởi chạy đi. Lúc ấy Thị vẫn còn nước mắt. Thị khóc từ đầu cổng nhà khóc vào. Rũ rượi. Thị quỳ xuống ôm lấy hông mẹ Thị, dập đầu trước cha Thị nức nở thuật lại, ấy thế mà thầy mẹ chẳng chịu tin Thị hoàn toàn vô tội. Chồng Thị - con người nho nhã như thế, gia đình chồng - dòng dõi thư hương như thế, chả nhẽ sai lời quấy quá cho Thị, xử sự bạc bẽo được vậy hay sao. Không có lửa làm sao có khói. Hẳn Thị phải làm ra chuyện gì không nên, không phải rồi. Con gái đã gả ra ngoài như bát nước đổ đi, đã là con nhà người ta, muốn đánh, muốn răn dạy là quyền ở người ta, phận dâu con phải biết nhẫn nại, cắn răng mà chịu. Không có lý nào, mới nếm một chút khổ đã vất cả chữ tòng đèo về nhà mẹ. Nhục nhã lắm con ơi. Thầy mẹ biết giấu mặt vào đâu cho được!
Thị đờ ra, nước mắt bẽ bàng đậu cứng nơi bờ mi, tưởng như lận cả vào trong, không rớt nổi nữa. Khóc mà để ai xem. Kể lể mà ai nghe. Nghĩ nát cũng không biết phải thế nào. Mà tấm thân này thầy mẹ ban cho, tự sát là phải tội bất nhân, bất hiếu. Nung nấu canh thâu, Thị nhân lúc thầy mẹ ngả giấc, xé cửa thoát tầng giam giữ, bước chân quýnh quáng suýt vấp phải chồng lễ vật sắp đầy gian ngoài. Thầy mẹ Thị bảo, thôi thì con dại thì cái phải mang. Sớm mai ra, thầy mẹ đã định dù muối mặt cũng nhất quyết phải lót đường dắt Thị về đoàn viên với bên ấy. Thị cắn chặt mu bàn tay giấu đi tiếng nấc, cười chua xót. Nhà chồng ruồng rẫy Thị. Mẹ cha cũng không cần Thị sớm hôm hiếu đễ nữa rồi. Thị quỳ xuống vái khung cửa đã chứng kiến từng khắc Thị lớn lên, dấn bước ra đi.
Lưu lạc một tuần trời, đầu đường xó chợ, màn trời chiếu đất, chịu bao khổ sở, bỗng đâu thôi thúc khiến Thị dừng chân trước chùa Vân. Thị ngửa đầu, xoè năm ngón tay hứng ánh mặt trời xiên qua đỉnh mái Tam quan. Bóng râm đổ xuống, bao trọn người Thị, như chở che, làm tâm Thị chợt an tường kỳ lạ. Thị cách xa cửa một đoạn, phía trước bụi cây, xếp bằng trên mặt đất đầy bụi, tay chắp trước ngực, đung đưa theo nhịp tụng kinh từ trong vọng ra. Cả không gian xung quanh như tĩnh tại.
Nhờ lòng hướng Phật bền bỉ, Thị được sư cụ trụ trì thu nhận, xuống tóc, ban cho pháp danh Kính Tâm. Nhưng lòng Thị vẫn chưa khi nào thôi thắc thỏm. Duyên cửa phật là duyên lành. Thị lại trót se dựa trên sự dối trá về thân phận thì có bền nổi không. Cổ nhân đã dạy "Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Thị sợ dấu giếm rồi sẽ đến lúc bị phát hiện. Nhưng không có chốn nương náu, Thị còn sợ hơn.
Bởi vậy đứng trước Thị Mầu sắc như dao cau, biết là ả mười mươi sai quấy, mà Thị không phản bác được lời nào, chỉ còn nước yên lặng giữ mình. Bởi tâm không chính, tất ngôn không thuận. Đến bản thân Thị còn hoài nghi thì giao giảng đạo lý được cho ai.
Nhưng hôm nay, cái sự mà Mầu tiết lộ kia nó quá nghịch thiên, nó quá gớm ghê, làm lòng Thị cồn cào sóng cả. Phật pháp nhiệm mầu. Ra tất cả những sự bất lực, những oan sai đeo đẳng phận số Thị, gông chặt lấy cổ Thị lại là thử thách của Phật Tổ, xem xem Thị bền gan vững chí đến đâu, xem xem Thị có thể vì chúng sinh mà hi sinh bản thân đến đâu.
Nhưng đồng thời Thị cũng lại lấy làm hổ thẹn.
Lời Mầu khiến tâm tư Thị cào cấu, đảo lộn. Còn có thể suy nghĩ như thế kia ư? Còn có thể nhìn từ khía cạnh như thế kia ư? Thị đây chỉ một lòng tâm niệm, mình chẳng gây nên chuyện gì, mình xử thế bằng sự khoan hồng của Phật giáo, thế là vẹn đạo. Nhưng Thị không nghĩ đến, sự im lặng của Thị lại có thể tiếp tay đẩy Mầu đến cái kết cục bi thảm ấy. Rõ ràng là từ đầu chí cuối đều do Mầu tự chuốc lấy. Rõ ràng là trong mọi sự, Thị đã hết sức nhún nhường cùng hi sinh, mà sao phỏng qua con Mắt Mầu, nó chẳng khác gì sự ích kỷ, sợ sệt, bo bo giữ mình lại được điểm trang bằng lớp áo mỹ miều, thanh cao. Rốt cuộc là Mầu sai hay Thị mới là người sai.
Bản thân Thị một lòng phụng thờ Phật tổ, sớm tối kinh cầu, cũng không tránh khỏi có lúc hoài nghi, vật vã, bởi tại sao Thị sống có đức, có tâm làm vậy, trước sau vẹn tròn, chẳng làm hại một ai, mà Phật Tổ ngài để Thị phải kinh qua bao nhiêu oan ức, khổ sở. Nay đã biết ra là phép thử để kiểm nghiệm tấm lòng kiên định của Thị. Nhưng đời người, mấy ai có thể vượt nổi, giả mà sảy chân có phải ngàn công đức đều bị đạp nát rồi sao! Khó khăn, cay đắng trăm bề là vậy, nếu không phải Thị chẳng còn đường lùi, chưa chắc Thị đã có thể chịu đựng được. Hoá ra ý Mầu là vậy, là nhờ có cái ngu dại của ả lót chân mà Thị thành công vượt ải. Toà sen thị ngồi, lại cắm rễ vươn lên từ lầm lạc, từ mạng số của chúng sinh. Rồi lúc ở ngôi cao ấy, trở thành tượng đài cho người người khấn vái, mà lại không thấu triệt được nỗi khổ của chúng sinh, không phổ độ được cho chúng sinh, thì đặt Thị ngồi trên toà cao mà ích gì.
Thế gian có hàng vạn người, dẫu có là thần phật trăm tay nghìn mắt, Thị cũng không dám cam đoan đảm đương hết được. Nhưng chả nhẽ một Thị Mầu con con, có mấy phần là thân cận, cái người Thị đã chạm mặt từ buổi vẫn đương còn là một cô con gái hoàn bích đầy hãnh tiến, dám yêu dám hận, dám gạt lễ giáo, không ngại bao lần Thị chối từ vẫn cứ nhân danh tình yêu một niềm lăn xả như con thiêu thân, mà Thị lại đang tâm thờ ơ, để cô ta ôm sự hiểu nhầm, không biết trời cao đất dày lao đầu vào nấm mồ định sẵn, còn mênh mang đem đất lấp luôn phận mình.
Ra là Thị có lỗi như thế, không nói Thị cũng chẳng thể nào nhận ra.
Thị run rẩy, mấp máy cánh môi đã tái tê.
- Xin tạ lỗi với thí chủ!
Thị ngừng một lát, he hé đôi mắt ra nhìn, thấy gương mặt Mầu quết đầy vẻ thảng thốt, xong bất chợt dồn xô, nhăn nhúm, cả bàn tay bám chặt khuôn miệng, giấu đi tiếng khóc nghẹn ngào.
- Cuối cùng... thầy cũng đã nói rồi. Cuối cùng... tôi cũng có ngày được thầy xem như một con người...!!!
Kính Tâm tưởng như có tiếng vỡ toang trong lồng ngực, tim thắt đau muốn chết, nước mắt vắng bóng đã lâu ùa đến như mưa lũ tháng 7, chứa chan. Chẳng phải Thị cũng từng chỉ có cái ước muốn nhỏ nhoi là nhà chồng với lại thầy mẹ xem Thị như một con người, có tư tâm, có hỉ nộ đấy sao.
Dần về sáng, mưa nhẹ rồi ngưng hẳn, nhường chỗ cho màn sương đêm nhói buốt. Mầu với Thị Kính chuyển ngồi tựa lưng vào chân tường mái Tam quan, mỗi người bận lặng lẽ trong cõi riêng. Tiếng ếch nhái kêu ran tăng thêm sự cô tịch, làm tâm trạng cả hai càng thêm chìm đắm.
Đến chừng hai má khô lệ, không còn nấc nghẹn, Mầu mới cất giọng khàn khàn, kể lại những chuyện kiếp trước một cách rành mạch cho Kính Tâm nghe. Từ cái buổi gặp nhau lần đầu đến khi xảy ra cớ sự làng phạt vạ, rồi kết vào ngày Mầu tự vẫn đền tội. Tất cả cảm xúc qua đi, dường như Mầu đang đứng ở vai một ai đó khác, bạo tay lật mạnh từng vết thương, tỉ mỉ quan sát nó, kỹ lưỡng mà khắc hoạ nó. Cũng không khó như Mầu tưởng. Đúng là, vạn sự khởi đầu nan. Chỉ chùn lòng một chút, hẳn sẽ không bao giờ có thể mở ra những ngăn kéo kín kẽ làm vậy.
- Chuyện đã xảy ra như thế đấy, thầy ạ. Từ đận sống lại, tôi đã gắng hết sức sửa nết răn mình, không còn dám coi trời bằng vung nữa. Nhờ thế mà giờ đây tôi được ngồi cùng thầy, không như kiếp trước lôi nhau ra đình phạt vạ - Mầu thoáng nhếch môi cười, lại ngay lập tức trở về vẻ tư lự - Thầy không biết tôi đội ơn thầy đến thế nào đâu, quá khứ tôi phạm sai quấy thật nhiều chỉ mong thầy lượng thứ. Mầu tôi cha sinh mẹ đẻ trần tục quen tính, phải im lặng bao ngày khiến tôi khổ tâm cùng cực. Nay lôi chuyện cũ nói với thầy, một là ích kỷ riêng tôi, để tôi khỏi vật vã thêm nữa, hai là tôi mong thầy cũng nên tự mở lối cho mình. Tôi nói thật, vào phải tôi, tôi sẽ tranh cãi đến cùng, mình là con người, không phải nắm đất, họ định tội sai cho mình, xúc phạm đến thầy mẹ mình, mình hê được hết, thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành, mình càng cam chịu, đời càng phũ đau. Trừ bỏ những người tôi quý mến, ai tôi cũng không nể, động vào tôi, người thân của tôi là không xong với tôi đâu.
Tôi lại trần tục quá rồi, thầy thông cảm, có lẽ bây giờ mới đúng là lúc tôi được sống lại. Thú thực tôi kính quý cơ hội mà Phật Tổ ban cho tôi vô cùng, cũng hiểu cái thế khó của thầy. Có điều, thầy ạ, ai mà chả muốn sống tử tế, ai cũng có quyền được sống cho ra sống cả.
Thôi, Thầy ở, tôi về kẻo thầy tôi mong.
Nói rồi Mầu nhoẻn cười. Trên gương mặt lấm lem, loang lổ những vệt nước mắt, phủ lên một vẻ nhẹ nhõm, thư thái.
Mầu đi một đoạn, ngoái lại thấy mái Tam quan vẫn leo lét bấc đèn. Cô quay đi, đá văng đôi dép đã nặng trĩu bùn sình, bấm ngón chân trần vào lớp đất, cảm nhận làn da lún xuống mát lạnh. Có cái gì rừng rực, lan tỏa khắp châu thân làm Mầu như đang bay trong gió. Hẳn là sự tự do đã từ lâu cô vẫn hằng khắc khoải kiếm tìm.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook