Thị Mầu
-
C10: Phú Ông Nổi Giận
Buổi tối, lúc Mầu đương khom lưng rửa bát ngoài giếng thì nghe nhà trên đánh xoảng một tiếng thật vang. Cô nhỏng đầu dậy, mặt thoắt chốc biến sắc.
- Mày cút được thì cút ngay! - Tiếng thầy Mầu gầm muốn tung nóc nhà.
Chân Mầu tê dại, lồng ngực như có trống trận bên trong, vô phương cử động, đứng sững tại chỗ nhìn về phía cửa.
Nô nơi ấy khom lưng thật sâu, mặt sắp chạm đầu gối, nhưng thân hình cứng nhắc không chút run rẩy, vẻ vô cùng cương liệt lẫn quyết tâm.
Cái người này, uyển chuyển cùng thầy Mầu một chút thì chết à, sao lại cứ phải thẳng băng đến vậy, thầy Mầu là chúa ghét ai ra mặt chống đối ông.
- Lạy ông, con xin phép! - Nô rốt cục khẽ khàng một câu, xong quả quyết vươn dậy xoay người đi xuống, thẳng chân ra cổng, mắt không đưa ngang quét dọc lấy một chút.
- Thầy! - Mầu sau phút Nô khuất dạng, ba bước nhào vào nhà, suýt đạp phải cái ống gác điếu cày bằng sứ đã vỡ tan gần bậu cửa, nước thuốc lào loang ra đất, thẫm đen một khoảng, nồng nặc mùi hôi ngái. Cô nhìn thầy mình hẵng còn thở phì phì, nín thinh cúi xuống dọn dẹp.
- Thằng trời đánh - Phú ông phẫn nộ - Rặt một phường ăn cháo đá bát, nuôi nó từ tấm bé, nói bỏ là bỏ...
Tim Mầu nhói lên. Nô về năm ấy ra sao, chính Mầu là người rõ nhất. Thân thể gầy guộc nhỏ con nhưng cậu bé mới mấy tuổi đầu chưa hề nề hà cực khổ, coi việc nhà Mầu như việc nhà mình, chu toàn hết lòng. Từ cái độ thầy Mầu còn đang thử làm bún, làm hương, trầy trật thức khuya dậy sớm, canh nắng lường mưa, cực nhọc trăm bề, đến bây giờ Phú ông chuyển sang buôn bán qua tay thì mới tạm thời ít việc hơn, nhưng chăn trâu, cấy cày một món vẫn không thiếu. Nay thầy mình cả mắng anh thế, thật là giận quá mất khôn rồi.
- Thầy cũng biết là không phải - Mầu dọn hết mảnh vỡ, lại gần nắm tay ông thẽ thọt - Cả chục năm nay thầy con ta đã ở cùng anh Nô, tính nết anh ấy như thế nào cũng một hai thông tỏ, hẳn anh ấy có nỗi khổ tâm mới như thế, thầy, thầy giơ cao đánh khẽ...
- Khổ tâm - Phú ông kẹn răng ken két - Có mà khổ tâm cái rắm...
- Thầy nói bậy! - Mầu khẽ nhéo tay ông, giọng kéo dài tựa như trách lại như làm nũng. Tình cảm ấm áp rót vào tim làm nỗi tức tối của Phú ông cũng mấy phần dịu lại. Ông thở dài, tay vỗ nhẹ tay Mầu, con ngươi xoay qua chuyển lại nơi hốc mắt đã nhiều vết mộng mờ đục.
- Thầy, mảnh ruộng của nhà con cáng được, thầy con ta ít ăn ít tiêu một chút.
- Dở hơi - Phú ông liếc Mầu xẵng giọng - Mày có bao sức!
Miệng mắng hung vậy nhưng tay Phú ông lại nương nhẹ cầm tay con gái vẻ dịu dàng. Mang tiếng con gái Phú ông, Mầu cũng còn vất vả hơn ối đứa con gái nhà bình bình trong làng, nay bảo ông đem cái cày cái quốc ấn nốt vào tay cô, có lãi vàng mười ông cũng không đành lòng. Có điều, cha con ông sống đơn chiếc, của nả không mười thì cũng có tám, lựa phải kẻ ở không ra gì thì thật là dâng dê béo vào miệng cọp. Vừa nghĩ đến đây lòng ông lại hừng hực cơn giận.
- Để rồi tính, xem xem nó không có tao, cách nào sống.
Mầu nhìn ra bóng tối ngoài sân, nén xuống sầu não, an ủi cha mình thêm mấy lời rồi ra giếng dọn nốt bát đũa.
Ánh trăng chênh chếch đầu mái nom đã sắp tròn. Mầu nhìn lên như thôi miên, tự hỏi hôm nay đã là ngày mấy nhỉ? Hôm xưa ấy, đã thật lâu rồi, cô từng trông con trăng với tâm trạng như thế nào, là cõi lòng rạo rực, là mắt sóng ánh sao, là nụ cười thẹn thùng mãi đậu nơi khóe miệng. Còn hôm nay chỉ còn lại một nỗi chán ngán, một khoảng cô lặng, trống vắng không cách nào lấp đầy.
Cùng một ánh trăng, cùng một thời điểm, bởi vì tâm trạng biến chuyển nên đã không còn giống nhau nữa rồi!
Mầu liếc về gian Nô ở, phía ấy tối bưng đến ánh trăng cũng không len vào nổi. Mầu còn nhớ, sau khi trải qua cơn bốc đồng cùng Nô đã từng vô cùng hối hận, nhưng do qúa kiêu ngạo, tự lừa mình dối người đổ hết tội rù quyến cho Nô, đối với anh thù nghịch ra mặt, còn tát nước theo mưa khiến anh bao phen bị Phú ông trách phạt. Nô ngày ấy tâm tình ra sao, là yêu, là hận, là bất lực, là chịu nhận, là trải qua chuỗi ngày thế nào? Rồi lúc lạy lục xin cưới bị Mầu thóa mạ, Phú ông xua đuổi? Rồi cái cảm giác khi dắt mẹ mình đi biệt khỏi chốn chôn rau cắt rốn?
Cái bóng tối ấy, Mầu cũng như ánh trăng lạnh lẽo kia một chút cũng chưa từng chạm được tới.
Thôi thì vì người, vì mình, buông xuống là hơn.
Mầu lết chân vào buồng trong, ngả người xuống phản, tay mân mê chuỗi chạm khắc, mắt nhắm lại mở ra, toàn thân như bị nhúng trong sình, nặng nề, mỏi rũ.
Bên ngoài vách, tiếng người, tiếng vật dần dần thưa thớt rồi lặng hẳn, cũng không nghe thấy tiếng cổng nhà động. Mãi đến khi tiếng gà đầu tiên vang lên mới nghe loạt xoạt rất nhẹ. Mầu nín thở, mắt cay đến nỗi tràn lệ, trong đầu trống rỗng, từ từ chìm vào mênh mang.
Mầu ngủ quên, lúc tỉnh đã sáng rõ, vội vàng búi tóc đi ra thì thấy chăn màn nơi phản cha mình nằm đã gấp lại gọn ghẽ, người không thấy đâu. Ít khi Phú ông dậy sớm vậy, chắc là đêm qua cũng khó ngủ. Mầu xuống bếp gầy cơm, khói hun lại thêm ngáp ngủ khiến mắt cô ràn rụa nước, người bê trễ cả đi.
- Mày không đi chợ à? - Cái Thơ mấy ngày mất mặt chợt ló vào cửa bếp, hai tay ôm đùm lá chuối, mùi thơm từ đó tỏa ra mê người.
Mầu đương đói, nuốt nước bọt cái ực, lắc lắc đầu.
- Cho mày - Thơ chìa cái đùm ra, lá chuối bung nhẹ để lộ có đến non chục bánh còn đang tỏa hơi nóng bên trong - Qua nhà tao trẩy dừa, mẹ tao gói đấy - Nó ngừng lại liếm môi, mắt đảo liên - Thầy mày có nhà không?
- Thầy tao đi vắng - Mầu hắng giọng lên tiếng, tay đón đùm bánh hít một hơi, tròng mắt không nhịn được lại nóng rực.
Mẹ cái Thơ giỏi tay bếp có tiếng trong làng. Khi trước Mầu thân với Thơ, cả ngày quấn nhau như ruột thịt, vẫn thường không biết thẹn chạy sang nhà nó ăn chực, mà món Mầu thích nhất kỳ thực chỉ là chút bánh tẻ đơn giản này.
Là cái năm mẹ mất, Mầu khóc suốt, nhác ăn, được mẹ Thơ dúi cái bánh nóng vào tay, bụng đầy, tim liền ấm áp đến tận giờ.
Quậy một nồi bột được xay mịn cùng nước dừa thành hồ, rải lên lớp lá chuối tươi mát, thêm nhân thịt mỡ cùng chút mộc nhĩ băm nhuyễn đã xào chín, rồi cho vào nồi luộc. Lúc bóc ra, bánh trắng, lá xanh, chấm với nước mắm vắt chanh, thêm ớt, cắn một miếng vị thơm ngọt béo ngậy tràn đầy kẽ răng, nóng hôi hổi lại vô cùng đằm vị.
Mầu ngước nhìn cái Thơ, nhoẻn cười, chân thành nói:
- Cảm ơn mày.
- Xùy, cái gì thế? - Cái Thơ phóng điệu giả ôm ngực lui lại sau, xong cũng cười hớn hở, thế mà nó cứ sợ Mầu ghét nó rồi, không làm bạn với nhau được nữa.
Hai đứa con gái mới đôi chín, tóc xanh óng ả, má ánh măng, nhìn nhau cười đùa, câu này câu kia rôm rả đến tận khi Phú ông về mới chấm dứt. Thơ quả thật sợ thầy Mầu, tìm cớ chạy vội, khéo còn thần tốc hơn cả lúc đến.
Mầu ôm đùm bánh lá, le lưỡi cười với Phú ông, cũng có cái vẻ vô tâm vô tư đúng với tuổi của mình.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook