Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con
Chương 217: Nhất Huyện

Editor: Tựa Thủy Lưu Niên

Chương 217: Nhất Huyện

Cô hỏi vậy thôi chứ thật ra cô rất tin tưởng người đàn ông của mình, dù thế nào anh cũng sẽ không làm chuyện xằng bậy có lỗi với cô.

“Không có gì.” Chu Thanh Bách đổi quần cộc rồi leo lên giường ôm vợ ngủ.

Lúc nãy nằm đợi chồng cũng chợp mắt được tí cho nên đột nhiên bây giờ tinh thần lại phấn chấn lạ thường. Cô nhoẻn miệng cười gian tà, lôi kéo ai kia làm chuyện xấu.

Cầu còn không được, tiếng cười trầm thấp phát ra từ lồng ngực, Chu Thanh Bách lật người đè cô vợ nhỏ xuống dưới yêu chiều một hồi lâu.

Nóng bỏng qua đi, Lâm Thanh Hoà mỉm cười thoả mãn, dựa sát vào lồng ngực anh ngủ ngon lành.

Ngày hôm sau, cô mới biết đêm qua phát sinh chuyện gì.

Thì ra nhân lúc đêm khuya thanh vắng có kẻ dám to gan lớn mật lẻn vào kho thóc đại đội trộm lương thực.

Ở đây mỗi ngày đều cắt cử người canh giữ, thế là tối qua người trực ban phát hiện có trộm.

Lúc đó Chu Thanh Bách đang bơi dưới sông, nghe thấy phía kho thóc có người hô hoán, anh liền vọt qua hỗ trợ.

Kẻ trộm bị tóm, tưởng ai xa lạ hoá ra là người quen…chính là tên đàn ông thông dâm bị đánh thành thái giám - Chu Cùng.

Công cụ duy trì nòi giống đã bị đánh hỏng cho nên hiện giờ hắn sống rất bất cần, cả ngày không chịu lao động, tới đêm hành nghề trộm cắp bất lương.

Vụ này cũng không phải lần đầu.

Người trực đêm ở kho thóc nói, từ đầu vụ hè, cứ tới nửa đêm là anh ta nghe có tiếng động lạ, thế nhưng do buồn ngủ quá nên anh ta tưởng mình bị ảo giác.

Chính vì trót lọt nhiều lần cho nên đêm qua định chơi lớn một phen, hốt nhiều lương thực một lần cho đỡ tốn công. Ai ngờ tiếng động lớn quá lại đúng lúc người trực ban ra ngoài đi tiểu đêm cho nên bị phát hiện.

Chu Cùng bỏ của chạy lấy người, rất tiếc hắn quá xui xẻo đụng ngay con trai đại đội trưởng và Thái lão nhị nhà Thái gia đang trên đường ra kho thóc thay ca.

Thế là hắn bị tóm gọn. Quá trình nghiêm hình bức cung diễn ra ngay trong đêm, Chu Thanh Bách cũng đi qua dự cho nên mới về nhà trễ.

Vì khoảng cách kho thóc với khu dân cư khá xa cho nên không nhiều người biết.

Tới sáng sớm nay, mọi người thức dậy biết chuyện thì Chu Cùng đã bị áp giải đi rồi.

Không ai không lắc đầu ngao ngán, thật là cặn bã. Bao nhiêu thói hư tật xấu rơi hết trên con người hắn ta, mà toàn là tội tày trời mới đáng kinh tởm chứ, lúc trước thì thông dâm, bây giờ lại đào góc tường xã hội chủ nghĩa, toàn là những chuyện người đời kiêng kị nhất.

Đúng là đáng khinh mà, cả tập thể còng lưng lao động vất vả, hắn nằm khểnh rồi đi ăn trộm mấy trăm cân. Nếu không nghiêm trị sẽ trở thành tiền lệ xấu, sau này thể nào cũng có kẻ lười biếng học theo.

Sau khi bị định tội, Chu Cùng bị áp giải đi cải tạo, khỏi cần nghĩ cũng biết nửa đời sau của hắn thảm cỡ nào.

Dân làng tức giận chửi mắng Chu Cùng rồi vòng sang chửi mắng họ hàng thân thích nội ngoại 2 bên hắn ta. Cha mẹ, anh chị em mất sạch thể diện, đi ra đường chỉ dám cúi gằm mặt mà bước, không dám ngẩng đầu nhìn bà con chòm xóm.

Mỗi mình Lâm Thanh Hoà nghe xong rồi thôi vì cô chỉ nghe cho biết chứ không tham gia bình luận với cả chửi bới.

Cô chỉ quan tâm tới vấn đề bữa cơm cho gia đình.

Món bì lạnh thì để bữa tối đi.

Bữa trưa nay cô tính chưng màn thầu ăn với giá đỗ xào, ớt xanh xào thịt, trứng gà luộc và canh xương sườn rong biển.

Ngoài ra còn có một nồi chè đậu xanh giải nhiệt. Chè được đựng trong cặp lồng để trên bờ ruộng, ai khát chỉ việc rót ra chén uống.

Tuy vụ hè không bận rộn, gấp gáp bằng vụ thu nhưng thời tiết nắng như đổ lửa khiến cho người lao động vô cùng mệt mỏi vì mất nước.

Mệt mỏi, vất vả như thế ấy vậy người nông dân chẳng nề hà gì, họ còn rất vui vẻ và mong trời nắng to hơn nữa để lương thực mau được phơi khô, có như thế mới có thể hoàn thành sớm việc giao nộp thuế lương.

Chỉ khi nào công đoạn nộp thuế hoàn tất, mọi người mới có thể yên tâm ăn no ngủ yên. Ở cái niên đại này, nếu không giao được thuế lương là một điều vô cùng đáng xấu hổ, còn nếu đại đội nào mà phải chìa tay ăn cứu tế thì nhục, nhục lắm, ra ngoài không dám ngẩng mặt nhìn đời.

À, bên cạnh đó vẫn có người không vui nha, đó là đám nhóc nhà Lâm Thanh Hoà. Lý do là tụi nó chờ từ đầu vụ tới cuối vụ mà không được bữa thịt thỏ nào. Vụ nào cha cũng bắt thỏ cho ăn đã thành quen rồi, tự nhiên không có làm chúng hụt hẫng vô cùng.

Không phải Chu Thanh Bách không muốn bắt, lúc đi gặt anh cũng có chú ý nhưng lạ thay anh lại chẳng nhìn thấy con nào, làm như chúng nó bảo nhau né anh không bằng. Những người khác thì có thấy nhưng ngặt một nỗi phản ứng chậm nên toàn tóm hụt.

Bắt thỏ chỉ là tiện tay, bắt được thì bắt không bắt được thì thôi, không ảnh hưởng tới không khí sôi nổi trên cánh đồng. Mọi người động viên nhau, hô hào nhau mau nhanh tay cắt lúa, mau nhanh chân khiêng lúa đi phơi, bởi nhìn trời kiểu này có lẽ lại sắp mưa tới nơi rồi.

Nửa tháng sau, vụ hè kết thúc. Thu hoạch năm nay kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái, rất may là không kém quá nhiều, ít nhất vẫn đảm bảo người dân no bụng, đủ ăn tới vụ thu.

Càng thu được nhiều lương thực chín, thì lúc phân lương người dân sẽ được chia nhiều hơn.

Chỉ mấy ngày sau khi kết thúc thu hoạch vụ hè, mọi người lại bắt tay vào gieo hạt vụ thu.

Hạt giống vừa được gieo xuống đất, trời bắt đầu đổ mưa.

Trời chiều lòng người, cả đại đội thoải mái vì được nghỉ ngơi sớm.

Cùng lúc đó, Huyện thành công bố kết quả kỳ thi Cao trung.

Vốn dĩ Lâm Thanh Hoà đánh giá với sức học của con mình chắc chắn kết quá lần này sẽ không quá kém, ngờ đâu điểm số của nó đứng nhất huyện. Điều này vượt xa tưởng tượng của cô.

Tin tức truyền về tới thôn, Chu Thanh Bách và Lâm Thanh Hoà khá bình tĩnh trong khi ông Chu bà Chu mừng rối rít, cười nói luống cuống tay chân.

Haha đầu bảng nha, cháu trai của ông bà đứng đầu toàn huyện đó nha. Toàn bộ huyện thành biết bao nhiêu thí sinh tham gia thi Cao trung, thế mà thằng cháu trai yêu dấu của ông bà đứng thứ nhất.

Quá tự hào, quá phấn khởi!

Ông đại đội trưởng đích thân tới tận nhà chúc mừng, còn nói chắc như đinh đóng cột rằng thằng nhóc này tương lai sẽ là sinh viên.

Đây không phải lời nịnh nọt mà ông thật sự nghĩ như vậy. Thành tích đứng đầu huyện thành mà không đậu đại học thì cái dạng gì mới có thể thi đậu?

Đại Oa trúng tuyển Cao trung với điểm số quá ấn tượng cho nên nhà trường quyết định khen thưởng thông qua hình thức miễn giảm học phí.

Mặc dù không được nhận học bổng nhưng miễn học phí cũng tốt, giảm một phần gánh nặng cho cha mẹ.

Ông bà Chu mừng lắm, nhìn thằng cháu trai như nhìn bảo bối trong khi đó cha mẹ ruột là Lâm Thanh Hoà và Chu Thanh Bách thì lại bình tĩnh như không.

Cô nói với con: “Không nên kiêu ngạo, cần phải tiếp tục cố gắng.”

Chu Thanh Bách không nói ra miệng nhưng cũng rất lấy làm hài lòng, khá lắm, cứ theo đà này tương lai rất có triển vọng học cùng trường đại học với mẹ nó.

Lúc mới biết kết quả, tất nhiên Đại Oa rất kích động, nhưng chỉ thoáng qua một chút rồi thôi, rất nhanh nó đã cân bằng được cảm xúc.

Hơn nữa nó thừa hiểu lần này nó chiếm được ưu thế tất cả là nhờ công lao của mẹ. Mẹ ra đề rất tài, lúc cầm bài thi trên tay nó không có bất cứ lạ lẫm hay bối rối nào vì tất cả dạng đề đều quen thuộc, mẹ đã luyện cho nó hết rồi.

Đặc biệt là câu hỏi cuối cùng trong môn Toán học, đây là câu hỏi mang tính chất phân loại thí sinh cho nên vô cùng khó và lắt léo, thế nhưng nó vẫn giải ngon ơ. Sở dĩ nó có thể trổ hết tài năng đều nhờ một công mẹ mài dũa bao lâu nay.

Trong thôn xóm, những người trước kia có sẵn ý từ giờ lại càng thể hiện rõ ràng hơn, ví dụ điển hình là bà Thái.

Hôm nay bà Thái cố tình sang nhà ngồi chơi, còn cầm theo một rổ đậu nành, đúng lúc Lâm Thanh Hoà đang bận phơi hạt mè để sắp tới mang đi nghiền thành bột chuẩn bị nguyên liệu cho món chè mè đen yêu thích của cả nhà.

Bà Thái lân la khơi chuyện: “Mẹ Đại Oa này, năm nay Đại Oa 11 tuổi rồi nhỉ?!”

Lâm Thanh Hoà cũng không phải kiểu người tự luyến tới nỗi nghĩ rằng ai đến cửa đều để ý tới con trai mình nên cô nào kịp nhận ra ý tứ ẩn sau câu nói, cô trả lời rất thản nhiên: “Dạ vâng, tốn cơm tốn gạo lắm thím ạ, giờ ăn nhiều hơn cả cha nó rồi đấy. Mấy năm nữa tới lượt 2 thằng nhỏ, cháu đang lo không nuôi nổi đây này.”

Bà Thái tươi cười: “Thì các cụ xưa đã dạy rồi tiểu tử choai choai ăn nghèo lão tử mà lại.”

Lâm Thanh Hoà cũng cười theo.

Đang lúc vui vẻ, bà Thái nhân cơ hội nói luôn: “Nhà ta có đứa cháu gái thứ ba, xấp xỉ tuổi Đại Oa. Con bé chăm chỉ, thành thật lắm, rất ngoan ngoãn và hiếu thuận với trưởng bối.”

Hả, là sao, sao tự dưng lại nhắc tới đề tài này, Lâm Thanh Hoà mờ mịt hỏi: “À, Hình như con bé kêu Tiểu Trà phải không ạ?”


“Đúng đúng” Bà Thái tươi cười niềm nở: “Mẹ Đại Oa thấy Tiểu Trà thế nào?”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương