Thanh Cung Mười Ba Triều
-
Chương 29: Hại Người Chẳng Bõ Khi Người Hại Ta
Giữa lúc còn đang nghe tình hình của tên thám tử thứ nhất, thì tên thám tử thứ hai lại đã vào trướng bẩm trình:
- Diệp Hách tù trưởng họp với chín lộ binh mã của các bộ lạc Ô Lạp Huy Phát, Khoa Nhĩ Bị, Tích Bát Quái Cần Sát theo ba ngả tiến đánh Hưng Kinh.
Xin Đại bối lặc cấp tốc chuẩn bị chống địch.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề nghe xong, không hề tỏ vẻ hoang mang cúi đầu suy nghĩ trong chốc lát rồi cho người đi gọi đệ Tam bối lặc Nhã Nhĩ Cáp Tề vào trướng.
Hai anh em thì thào bàn tán hồi lâu, rồi Nhã Nhĩ Cáp Tề ra khỏi trướng, nhảy lên lưng ngựa, phóng như bay về hướng đông bắc.
Còn Nỗ Nhĩ Cáp Tề vẫn y theo kế hoạch đã định sẵn, huy động binh mã tiến về phía bắc quan ngoại.
Sau năm ngày hành quân liên tiếp, Nỗ Nhĩ Cáp Tề gặp một con sông lớn chặn ngang.
Đội tiên phong vào bẩm báo:
- Con sông chắn ngang trước mặt chính là sông Tô Tử hà.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề bèn truyền lệnh hạ trại dọc theo bờ sông, riêng đại binh của nguyên soái thì đóng lùi sâu vào trong khu rừng già, cây cối um tùm.
Mặt khác ông cho lệnh nhà bếp sửa soạn rượu thịt.
Chiều hôm đó, các chiếu rượu đã bày xong, ngay tại khu rừng già.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề ra khỏi trướng, đích thân tới mời tướng sĩ ăn uống.
Các tướng sĩ vội bò xuống đất hành lễ tạ thưởng.
Nỗ Nhĩ lên tiếng:
- Hỡi chư vị tướng quân! Hãy uống cạn chén này rồi an nghỉ đêm nay.
Sáng mai ta sẽ xung trận.
Một tràng tiếng hoan hô vang lên như sấm.
Tướng sĩ kẻ nào kẻ nấy miệng nuốt rượu ừng ực, hết chén này qua chén khác.
Trong trướng, Nỗ Nhĩ cùng với nàng Phú Sát cũng nâng chén.
Dưới trướng, đoàn nữ nhạc, mặt hoa da phấn cất tiếng ca trầm bổng theo nhịp đệm những cây tỳ bà.
Mười hai tên thị nữ khác, đứng đàn thành hai hàng, rót rượu dâng thịt theo lệnh của vợ chồng Nỗ Nhĩ.
Tiệc vui kéo dài mãi tới lúc lên đèn, chén cạn mâm quang mới tan.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề truyền lệnh tắt đèn nghỉ ngơi, cấm ngặt chuyện trò bàn tán.
Tướng lệnh được thi hành triệt để, chỉ trong nháy mắt đèn lửa tắt sạch.
Cả một vùng dinh trại rộng lớn hàng mấy vạn người ngựa thế mà nhất loạt im lặng như tờ, chỉ còn nghe tiếng vi vu của những làn gió thoảng trên ngọn cây lá cỏ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề cũng hạ lưng xuống giường, trong chốc lát tiếng ngáy đã như sấm dậy, rộn cả vùng.
Bà phi Phú Sát không dám ngủ, cùng với bọn thị nữ tựa lưng bên cây đèn dầu, thì thào chuyện vãn.
Bên ngoài, lính gác đã báo canh ba.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề vẫn mê man trong giấc ngủ say sưa.
Phú Sát thị bỗng thấy như mặt đất chuyển động.
Nàng lắng tai nghe thì như có tiếng người chạy, quân đi.
Nàng sợ hãi, vội đứng dậy, miệng khẽ kêu:
- Mau tỉnh dậy! Mau tỉnh dậy! Quân binh của chín nước hình như đánh tới nơi rồi! Thế mà chàng cứ ngủ hoài vậy!
Nỗ Nhĩ Cáp Tề choàng tỉnh, nghe tiếng vợ chỉ cựa mình một cái rồi lại ngáy lên như sấm.
Bên ngoài, tiếng vó ngựa, chân người nghe mỗi lúc một gần.
Phú Sát thị lại gọi chồng lần nữa.
Nàng vừa lay vừa nói:
- Chàng sợ hay sao mà không dám dậy vậy?
Nỗ Nhi vụt mở to mắt, nhìn nàng cười nói:
- Chính thế! Ta sợ lắm! Bởi vậy, muốn ngủ mà ngủ chẳng được ngon giấc.
Mấy hôm trước, ta nghe nói Diệp Hách bộ đem binh của chín nước lại đánh ta.
Ta chẳng biết khi nào chúng tới đánh.
Nay chúng đã tới rồi thi ta còn có gì phải lo nữa!
Nói xong Nỗ Nhĩ lại nhắm mắt, quay mình vào trong ngủ lỳ như cũ.
Phú Sát thị nghe chồng nói vậy chẳng hiểu ra sao nhưng lần này không dám gọi tiếp vì sợ Nỗ Nhĩ nổi nóng, nàng chỉ còn biết lặng lẽ ngồi tựa bên cạnh giường chờ đợi.
Tiếng vó ngựa, chân người nghe càng rõ hơn, tựa hồ như đoàn quân nào đó đã tới cửa dinh.
Nhưng rồi tiếng rầm rộ đó bỗng nín bặt.
Phú Sát thị chẳng hiểu ra sao, lòng nghi hoặc càng làm cho nàng bối rối muôn phần.
Bỗng ngoài cửa dinh, một tiếng gầm long trời lở đất nổi lên.
Trong nháy mắt, ánh lửa sáng rực trời.
Cuộc ác đấu xảy ra, đao kiếm va nhau chan chát.
Phú Sát thị hoảng hồn, hối hả lay chồng.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề khoát tay bảo nàng đừng làm rộn.
Bên ngoài, tiếng hò hét chém giết mỗi lúc một lớn hơn, tuy ngồi trong trướng nhưng nàng cảm thấy như ngồi trong một vùng có động đất, có núi lở, biển sôi.
Hồi lâu sau, tiếng hò hét chém giết xa dần.
Nỗ Nhĩ từ trên giường nhảy xuống đất, vỗ tay cười lớn rồi kéo Phú Sát thị lại ngồi bên cạnh giường mà bảo nàng:
- Nàng đã thấy kế sách của ta chưa? Ta vốn biết quân binh của Diệp Hách bộ và chín nước ở trước mặt, có ý muốn đánh tới cho nhanh.
Bởi vậy ta giả bộ bày tiệc cho quân sĩ ăn uống no say rồi ngủ miết để chúng hí hửng đem quân cướp trại.
Kỳ thực rượu của bọn ta uống đó chỉ là nước trà chứ đâu phải là rượu.
Binh sĩ của ta có ai ngủ đâu.
Họ đều nai nịt gọn gàng, cầm binh khí lặng lẽ chực sẵn để phản công đấy chứ! Quả nhiên quân địch kéo tới cướp trại, không ngoài kế hoạch của ta đã dự liệu.
Bốn mặt quân mai phục của ta đều có.
Bất cứ chỗ nào, địch quân cũng không thể nào thoát được.
Chúng đã bị kế mai phục của ta ắt không biết quân ta nhiều ít ra sao, nên hoảng hồn, bắt buộc phải rút lui qua bên kia sông.
Hơn nữa ta còn do thám được tin quân chủ lực chúng hiện đóng trại suốt dọc sông Hỗn Hà.
Bởi vậy ta đã sai tam đệ lặng lẽ tới Cáp Đạt bộ bảo Mông Cách Bố Lộc mau đem quân đánh tập hậu, quân Diệp Hách.
Đợi khi chúng vượt qua sông Hỗn Hà, ta cùng Lộc tiền hậu giáp công, phen này Bốc Trại khó thoát được tay ta.
Giữa lúc vợ chồng Nỗ Nhĩ còn trò chuyện với nhau, bên ngoài tin tức báo vào dồn dập:
- Tiền đội tiên phong đã đánh qua sông Tô Tử hà.
- Giết quân Diệp Hách được hơn ba trăm tên, bắt sống hơn năm trăm tên.
- Cướp được lương thảo, binh khí, lều vải rất nhiều, hiện chất đống ngoài cửa dinh, xin mời Đại bối lặc ra xem xét.
Lúc đó Nỗ Nhĩ Cáp Tề mới từ từ đứng dậy, bước ra khỏi trướng, thẩm vấn suốt lượt tất cả bọn tướng sĩ bị bắt của Diệp Hách bộ.
Ông lại đi xem số lương thực vũ khí tịch thu được, xong xuôi truyền lệnh nhổ trại cho đoàn quân tiến tới bờ phía tây sông Hỗn Hà.
Giữa lúc đó, quân Diệp Hách đang từ từ qua đò sang sông.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề tức tốc hạ lệnh truy kích.
Quân Diệp Hách luống cuống, rớt xuống sông chết chìm không biết bao nhiêu mà kể.
Bốc Trại lúc đó đã vượt qua bờ bên kia.
Một cánh quân bỗng từ đâu đánh tới, kéo cao lá cờ Cáp Đạt.
Quân của Trại bị Lộc đánh cho một trận tơi bời, manh giáp không còn.
Bốc Trại thấy mặt trước bị quân Cáp Đạt chặn đường vội đem một tiểu đội binh sĩ vượt qua thượng lưu, về lại phía cũ.
Nhưng vừa mới lên được bờ, Trại đã gặp ngay một đại đôi người ngựa ùn ùn kéo tới.
Thật là oan gia gặp đường hẹp, kẻ kéo binh tới đó chẳng phải ai xa lạ mà là Nỗ Nhĩ Cáp Tề.
Trại thấy Nỗ hoảng hồn bạt vía, một mình hối hả chạy trốn.
Nỗ Nhĩ đâu có chịu bỏ, cung đơn thương độc mã đuổi theo.
Miền đất này vốn có một khu rừng cây cao rậm.
Trại quất ngựa lẩn vào trong các hàng cây, khi chạy qua đông, lúc chạy sang tây.
Nỗ đuổi gấp, không cho Trại rảnh lấy một phút nghỉ ngơi.
Hai người, một trước một sau, đuổi nhau vào mãi trong rừng sâu.
Trại quay đầu lại thì thấy Nỗ đuổi kịp, đầu ngựa Nỗ đã bắt kịp đuôi ngựa mình.
Trại hoảng hốt bối rối.
Một tiếng quát vang như sấm, Nỗ cầm thương đâm tới.
Trại giật mình, biết thế nguy, vội đập mạnh chân cho ngựa lao nhanh về phía trước, mong lách qua một cây cổ thụ chắn ngang đường mà lên.
Không ngờ cây này có một cành nằm ngang cao bằng đầu người, chìa ngang qua đường.
Trại trong lúc vội vã, không chú ý tới, hơn nữa, ngựa phi lại nhanh, thế nhào tới quá gấp nên tránh không kịp.
Nỗ chỉ kịp nghe một tiếng đốp tức thì Trại rớt phịch xuống đất như đống thịt.
Đáng thương cho Trại, một tay hảo hán sức mạnh hơn người, thế mà một phút sa cơ, chết thảm!
Giết được Bốc Trại rồi, Nỗ Nhĩ Cáp Tề thừa thế vượt qua sông, họp binh với Mông Cách Bố Lộc rồi kéo đi thu phục hết các thành trì của Diệp Hách bộ.
Quân binh bảy nước liên minh với Diệp Hách được tin Bốc Trại tử trận, kẻ nào cũng rụt cổ như rùa, trốn biệt, không dám xuất đầu lộ diện nữa.
Trong cuộc đại thắng này, công lao của Mông Cách Bố Lộc thực không nhỏ.
Bởi vậy Nỗ Nhĩ Cáp Tề mời Lộc tới dinh, mở yến tiệc thết đãi.
Ông còn bảo Phú Sát cho đoàn thị nữ xinh đẹp hầu rượu Lộc.
Mông Cách Bố Lộc lại hiếu sắc, khi thấy đám giai nhân xinh đẹp, chàng chẳng khỏi say mê, dần dần cử chi có chiều lả lơi, cuồng phóng.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề vẫn không giận Lộc, còn cấp cho Lộc rất nhiều trâu, ngựa, lương thảo rồi đưa tiễn về nước.
Đến hồi này, binh lực Kiến Châu đã trở thành cường thịnh, ai cũng phải e sợ kinh nể.
Thế mà đối với Nỗ Nhĩ, ông vẫn chưa hài lòng.
Ông thường nghĩ tới các bộ lạc lân cận.
Thấy trong số đó có Ô Lạp bộ là một bộ lạc mạnh tợn hơn cả, Nỗ Nhĩ bèn cho rằng việc tiêu diệt bộ lạc này để tiếp thông với biển Đông là rất cần.
Tháng giêng năm thứ 35 niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, có Sách Mạc Mặc Hắc tù trưởng bộ lạc Ngoã Nhĩ Khách ở Đông Hải, sai người tới nói với Nỗ Nhĩ Cáp Tề:
- Bộ lạc tôi vốn ở xa nên đành phải quy phục bọn Ô Lạp.
Bối lặc Ô Lạp tên gọi Bố Chiên Thái ngược đãi bọn tôi quá tệ! Chúng tôi không còn cách nào hơn là tới xin đẩu hàng Kiến Châu của quý ngài, chỉ xin quý ngài mau mau phát binh tới giúp đỡ chúng tôi đuổi bọn Ô Lạp.
Nỗ Nhĩ coi lời yêu cầu này là dịp may nghìn năm một thuở.
Ông nhảy lên vì sung sướng, vội điểm đủ quân mã và cho gọi người em thứ hai Thư Nhĩ Cáp Tề, phong làm tiên phong, đem ba ngàn quân từ thượng lưu sông Tùng Hoa qua Hắc Giang, vượt Đồ Môn Giang, xuyên qua thành trại Triều Tiên, đến bờ sông Khánh Nguyên phủ, lại vượt Đồ Môn giang, tiến thẳng tới thành Phi Du, của bộ lạc Ngoã Nhĩ Khách.
Tin này đồn đi.
Bộ chủ Ô Lạp là Bố Chiêm Thái hay được, liền xuất binh tới Đồ Môn giang, định chẹn hậu Thư Nhĩ Cáp Tề.
Trên đường hành quân, đội tiên phong của Thư Nhĩ bắt được mấy ngàn ngựa trâu của bách tinh.
Tới Thư Thành giang, phải vượt qua đỉnh núi, thấy địch quân người ngựa rầm rộ kéo tới liền phi báo cho chủ.
Thư Nhĩ tức khắc xuất binh khai chiến.
Giữa lúc Bố Chiêm Thái đem toàn binh lực để đối phó địch quân, bỗng ở phía sau, ba lộ quân mã của Nỗ Nhĩ hùng hổ kéo tới, lộ thứ nhất xông đánh chặn hậu, lộ thứ nhì vượt qua bãi sông khúc dưới chặn đường rút, còn lộ thứ ba, do chính Nỗ Nhĩ và con trai tên Đại Thiện đánh thẳng vào trung quân của địch.
Đại Thiện là một bối lặc trẻ tuổi, dũng cảm hơn người.
Bố Chiêm Thái thân xuất mã đối địch với Thiện.
Hai bên đánh nhau bốn, năm mươi hiệp mà không phân cao thấp.
Thái rút lui, để viên mãnh tướng Trác Đẩu thay thế.
Đẩu giao chiến luôn một hơi hơn ba mươi hiệp mà vẫn không thắng nổi.
Thiện tạo một sơ hở để lừa Đẩu.
Đẩu không ngờ, tưởng chắc ăn, vội chập cả hai tay nhè ngang hông Thiện chém vát xuống một đao hết sức lẹ.
Thiện chờ ngọn đao chém tới liền né sang một bên khiến lưỡi đao bị hụt, vút mạnh vào chỗ không.
Thiện liền giục ngựa tiến lên vài bước, một tay nắm chắc cán đao của Đẩu, tay kia giơ cao cây đao của mình, dùng hết sức bình sinh chém một nhát, cắt đứt nửa đầu Đẩu.
Quân sĩ của Đẩu thấy chủ tướng đã bị giết, vội hè nhau bỏ chạy.
Mặt sau, trận thế không giữ được vững, cuối cùng cũng tan vỡ, quân mã chạy có cờ.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề ngồi trên ngựa, thấy quân mình thắng thế, liền cầm cây cờ vàng nhỏ phất lên.
Tức thì đại đội quân mã như tuyết tan núi lở, rùng rùng truy kích.
Giữa lúc đó, một cơn gió lốc từ đâu cuốn tới, khiến đá cát bay tung, mù mịt cả trời đất.
Bố Chiêm Thái hốt hoảng đem quân vừa đánh vừa lùi.
Khốn thay, đường núi thì gồ ghề khó bước, trời đất lại mù mịt khó nhận ra lối, thành thử quân của Thái dẫm đạp lên nhau mà chết hoặc té sấp té ngửa xuống đường, què gẫy không biết bao nhiêu mà kể.
Binh Kiến Châu đuổi tới.
Bối lặc Đại Thiện phóng ngựa lên trước, múa tít cây đại đao, khi chạy ngang, lúc chạy dọc chém người như chém chuối.
Chỉ trong chốc lát, Thiện đã hạ đến hơn ba chục viên tướng, còn quân binh thì vô kể.
Một viên quan tải lương vốn là chú ruột của Thái, tên gọi Xương Chủ Đích, chỉ vì xe lương chậm chạp rớt lại sau bị Thiện đuổi kịp bắt trói lại.
Thiện rút cung tên ra, song chưa kịp bắn bỗng nghe có tiếng hô lớn từ phía sau: "Tướng kia không được dùng ám tiễn bắn người", rồi một viên mãnh tướng lao tới cản Thiện.
Nhưng Thiện không để cho kịp trở tay, nhanh như chớp nắm lấy giải mũ của đối thủ rồi thuận tay mặt cắt luôn đầu y.
Trường ác đấu này khiến Bố Chiêm Thái tổn thất mất hơn bảy ngàn quân.
Thái hốt hoảng chạy trốn, lui mãi về miền Cát Lâm.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề đại thắng, ban sư hồi kinh.
Đông tàn.
Đầu hạ năm sau Nỗ Nhĩ Cáp Tề đem theo cậu con trai thứ tám là Hoàng Thái Cực xuất quân đánh phá miền Cát Lâm để tiêu diệt Ô Lạp quốc.
Bố Chiêm Thái được tin, hoảng hồn bạt vía, vội vàng đích thân đem mấy tên tuỳ tùng, đi thuyền qua sông Phục Nhĩ Cáp để cầu hoà.
Nỗ Nhĩ Cáp Tề không cho, kéo rốc đại binh tới Ô Lạp, phá tan thành trì, chém giết thả cửa luôn năm ngày, đến nỗi dân trong thành gần như không còn ai.
Bố Chiêm Thái đại bại, vội trốn qua Diệp Hách bộ mất dạng….
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook