Tàng Châu
Chương 1-2

Editor: Châu

Beta: Manh

Dương Tư Mị là thành trì lớn nhất của Nam Chiếu, được thống trị bởi quý tộc địa phương đã nhiều đời nay. Vào thời kỳ cường thịnh nhất của nhà Hán, sau khi Mộc thị thống nhất Lục Chiếu[1], quy thuận triều đình, hoàng đế phong tộc trưởng của Mộc thị làm Vân Nam vương, ban thưởng ấn chương vàng cùng lụa tím[2], đời đời cha truyền con nối. Đến đời Mộc Thành Tiết, hắn lấy nữ nhi của Thôi thị Thanh Hà tiếng tăm lừng lẫy, chỉ sau một năm đã hạ sinh một nữ nhi, được triều đình phong làm Ly Châu quận chúa.

[1] 六诏 (Lục Chiếu): Khởi đầu từ thế kỷ thứ 7 tại khu vực Nhĩ Hải, Vân Nam ngày nay từ 6 bộ lạc lớn (Mông Huề Chiếu, Việt Tích Chiếu, Lãng Khung Chiếu, Đằng Đạm Chiếu, Thi Lãng Chiếu và Mông Xá Chiếu), tự xưng là "Lục Chiếu", "Chiếu" nghĩa là "tù trưởng".

[2] Con dấu/ ấn chương màu vàng cùng lụa tím, là phục sức đại diện cho phẩm cấp.

Mười lăm năm trôi qua, Ly Châu quận chúa càng lớn càng trở nên xinh đẹp, nhưng nay Mộc Thành Tiết lại đang đau đầu vì nữ nhi của mình.

Vào ngày hội tháng ba truyền thống của Nam Chiếu, khi Ly Châu quận chúa cưỡi ngựa ra phố, nàng tình cờ gặp một nam tử. Hai người vừa gặp đã yêu, khó lòng chia lìa. Chờ đến khi Mộc Thành Tiết nhận được thư nhà báo tin, ngựa đã gần kề thành Kiếm Xuyên mà còn phải chạy về, nữ nhi đã khóc hết nước mắt, không phải người nọ quyết không gả.

Mộc Thành Tiết sai người điều tra lai lịch của nam tử kia, hóa ra y chính là tiết độ sứ Hoài Tây Ngu Bắc Huyền danh tiếng lẫy lừng.

Hơn ba mươi năm trước, tuy triều đình giành thắng lợi trong trận đại loạn ở Trung Nguyên, nhưng cũng đồng thời chôn xuống rất nhiều mầm họa. Vì không thể thu phục quân đội dưới trướng một số bại tướng, triều đình phong những bại tướng ấy làm tiết độ sứ trấn thủ một vùng, nổi danh nhất trong số đó là ba tiết độ sứ Lư Long, Thành Đức và Ngụy Bác, tự xưng Hà Sóc tam trấn.

Từ đó, các thế lực Phiên trấn chia cắt lãnh thổ[3], người mạnh thì chiếm đoạt hơn mười châu[4], kẻ yếu cũng nuốt trọn ba, bốn châu, thỉnh thoảng lại có những cuộc nổi loạn hoặc đấu đá lẫn nhau, không ngừng tranh chấp.

[3] 割据 (Cát cứ, hay cắt cứ): Chia cắt lãnh thổ để chiếm giữ và lập chủ quyền riêng, không phục tùng triều đình.

[4] 州 (Châu): Đơn vị hành chính thời Đường, tương đương với quận.

Quân Hoài Tây đóng bên bờ sông Hoài vốn không phải là một thế lực mạnh, cho đến khi Ngu Bắc Huyền chiếm đoạt vị trí của nghĩa phụ, tiếp quản chức tiết độ sứ Hoài Tây. Y thu nhận và giúp đỡ những kẻ lưu vong, xếp bọn họ vào quân đội, những kẻ không quy thuận trong đất phiên đều phải chịu sự đàn áp đẫm máu. Khi dò xét các châu, phủ, vì chiêu mộ các loại nhân tài, y thậm chí còn không tiếc tiền mời thanh quan triều đình đầu nhập làm phụ tá.

[5] 府 (Phủ): Đơn vị hành chính thời Đường, giống như châu.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, quân Hoài Tây vốn chỉ quản lý bốn châu mở rộng địa bàn thành bảy châu, có thể sánh ngang với Hà Sóc tam trấn.

Khi ấy, y còn chưa đến 30 tuổi.

Mộc Thành Tiết biết Ngu Bắc Huyền tuyệt đối không phải kẻ tầm thường, hắn chỉ không ngờ y lại dám nhăm nhe Nam Chiếu, nhúng chàm ái nữ của mình, đương nhiên là lửa giận ngút trời.

Giữa trưa, hai cha con lại tranh chấp vì chuyện này, Mộc Thành Tiết nổi nóng, giáng cho Mộc Gia Nhu một cái tát mạnh thấu trời. Tuy thường ngày hắn có phần nghiêm khắc với nữ nhi nhưng chưa bao giờ động tay đánh nàng, tát con rồi, chính bản thân hắn cũng kinh hãi tột độ. Mộc Gia Nhu bị đánh khóc ngất tại chỗ, đến nay vẫn chưa tỉnh.

"Đại vương, phía ngoại trạch... Nhất quyết mời ngài phải qua một chuyến." Tùy tùng đứng ngoài cửa thấp giọng bẩm báo.

Mộc Thành tiết đang phiền lòng vì chuyện của nữ nhi, sẵng giọng hỏi: "Có chuyện gì?"

"Thời gian trước ngài vắng nhà nên ngoại trạch không dám báo lại đây, vị nương tử kia đã hạ sinh một tiểu lang quân rồi." Tùy tùng cung kính nói.

Mộc Thành Tiết cau mày, chần chừ trong chốc lát, cuối cùng vẫn đẩy cửa ra ngoài.

*

Hậu trạch trong vương phủ được chia thành mấy sân, trong đó, khu nhà phía bắc được trang hoàng vô cùng xinh đẹp, là nơi ở của vương phi Thôi thị.

Khi xuất giá, Thôi thị không chỉ mang theo của hồi môn phong phú mà còn dẫn theo rất nhiều thợ khéo tay, Vân Nam vương phủ chính là kiệt tác đầy tâm huyết của họ. Đình đài lầu các, nước chảy dưới cầu, tinh tế phô bày sự xinh đẹp và thanh tú của khu vườn[6].

[6] 园林 (Viên lâm): Khu đất trồng cây, hoa cỏ, có dựng đình gác để dạo chơi hoặc nghỉ ngơi.

Tại nhà chính, hạ nhân yên lặng, ai làm việc nấy.

Trong nội thất, Thôi thị ngồi bên mép giường, cầm khăn lau mặt cho thiếu nữ nằm trên gường, khuôn mặt nhuốm vẻ sầu lo. A Thường, nhũ mẫu hồi môn của nàng khẽ an ủi: "Nương tử đừng sốt ruột, khi nào tiểu nương tử tỉnh, chúng ta lại tiếp tục khuyên nhủ."

Thôi thị thở dài: "Tính tình Chiêu Chiêu vú cũng biết rồi đấy, nó mà đã quyết cái gì thì không ai có thể thay đổi được. Chẳng biết Ngu Bắc Huyền đã mê hoặc nó bằng cách nào, chúng ta căn bản không khuyên nổi. Giờ ta chỉ lo cho cọc hôn ước với Lý gia thôi."

A Thường nhìn thoáng qua thiếu nữ nhắm nghiền hai mắt đang đắp chăn gấm ở trên giường, âm thầm lắc đầu. Tiểu nương tử bất mãn với hôn ước cũng chẳng phải chuyện ngày một ngày hai.

Năm xưa, khi tiến về phía bắc Trường An, Mộc Thành Tiết cùng Lý gia từng có một đoạn tình cảm thâm hậu. Hai nhà ước định làm thông gia, chỉ chờ Mộc Gia Nhu tròn 16 tuổi là xuất giá.

Lý gia bắt nguồn từ Lý thị ở Triệu Quận, cùng Lý thị ở Lũng Tây, Thôi thị ở Bác Lăng, Thôi thị ở Thanh Hà, Lư thị ở Phạm Dương, Trịnh thị ở Huỳnh Dương, Vương thị ở Thái Nguyên tụng xưng là ngũ tính thất gia[7], là những danh môn bậc nhất trong thế gia đại tộc.

[7] 五姓七望 (Ngũ tính thất gia): Năm họ bảy nhà.

Tuy thế lực của những sĩ tộc ấy đã dần dần suy yếu ở triều đại này, không còn khả năng hô mưa gọi gió như tiền triều, nhưng họ vẫn nắm giữ một phần quyền thế và tài phú cực lớn của Trung Nguyên, áp đảo người thường.

Thôi thị biết gia phong của Lý gia rất nghiêm, nếu biết nhi tức chưa vào cửa muốn bỏ nhà theo nam tử khác, hôn sự khó thành là chuyện thứ yếu, hai nhà kết thù vì việc này mới là chuyện trọng đại.

Thiếu nữ nằm trên giường bỗng nâng hai tay lên đè cổ, không ngừng giãy dụa, dường như đang cảm thấy vô cùng khó chịu.

"Tiểu thư!" A Thường hô lên.

Thôi thị hoàn hồn, vội vàng vuốt ve cánh tay của nữ nhi, dịu dàng dỗ nàng: "Chiêu Chiêu, nương ở đây, con đừng sợ."

Theo tiếng trấn an mềm mại của mẫu thân, thiếu nữ dần dần bình tĩnh lại.

Nàng còn chưa biết, một sự thay đổi lớn cỡ nào đang đợi mình.

*

Hai ngày sau.

Giữa trưa, trong hoa viên phía sau vương phủ, có hai hàng vú già cùng tỳ nữ ăn vận rực rỡ đứng ngoài thủy đình.

Trong đình, một thiếu nữ đang nằm trên lan can. Nàng mặc áo lụa trắng thêu mây, để lộ nửa cánh tay, phối với chiếc váy xếp ly thêu hoa tường vi màu ngọc bích, dưới váy là một đôi giày thêu mây tinh xảo, xinh xắn.

Trong hồ bát ngát lá sen, nước hồ trong thấy đáy, có mấy chú cá chép đầu đỏ đang nô đùa dưới tán sen. Một con chuồn chuồn lướt qua, đậu trên mặt nước yên ả, khiến đàn cá giật mình bơi tứ tán.

Khi vừa tỉnh lại, Mộc Gia Nhu cực kỳ khiếp sợ, không thể tin rằng mình không chỉ không chết mà còn trở lại năm 15 tuổi, người và việc xung quanh vẹn nguyên như trong ký ức. Hai ngày nay, nàng đã thoáng hoàn hồn, nhưng trong đầu lại đong đầy suy nghĩ.

Nàng trọng sinh, sống lại tại thời điểm sau khi quen biết Ngu Bắc Huyền, trước khi chuẩn bị trốn nhà theo y. Nàng cho y chín năm tốt nhất của cuộc đời mình, những tưởng phu thê cùng chung hoạn nạn, tâm đầu ý hợp, mãi cho đến khi sắp mất mạng mới biết, hóa ra mình chỉ là một trò cười.

Tỉnh mộng kiếp trước, đầu óc vốn mù quáng vì tình cũng thức tỉnh.

Đời này, hoành đồ bá nghiệp mà y mưu cầu, Trường Bình quận chúa mà y cưới, tất cả đều chẳng liên quan gì tới nàng nữa.

Tỳ nữ Ngọc Hồ vào đình, thấy quận chúa vẫn ngồi ngẩn người thì vô cùng lo lắng. Rõ ràng đại phu đều đã đến xem, nói thân thể quận chúa không còn gì đáng ngại, vì sao tính tình người lại đột nhiên thay đổi nhiều như vậy?

Nàng buông mâm song ngư làm từ bạc ròng, bước tới bên người Gia Nhu, dò hỏi: "Quận chúa, khoái mã đưa vải chín sớm từ Lĩnh Nam đến, người có muốn nếm thử không?"

Gia Nhu quay đầu, trông thấy những quả vải căng mọng trong mâm, vỏ ngoài đỏ au, hẳn là chưa lìa cành được hai ngày.

Trái vải là vật quý ở phương bắc, người có tiền chưa chắc đã mua được, chủ yếu là bởi vì nó khó bảo quản, sau bốn, năm ngày hái xuống là sẽ hỏng. Tuy nhiên, ở Vân Nam vương phủ, vải lại chẳng phải vật hiếm có gì.

"Cha còn chưa về sao?"

Ngọc Hồ đáp vâng. Hai ngày trước, Mộc Thành Tiết có việc ra ngoài phủ, đến nay vẫn chưa về.

Nhìn bốn bề vắng lặng, Ngọc Hồ cúi người khẽ nói: "Quận chúa, bọc quần áo mà người sai nô tỳ thu thập đã được đặt ở trong phòng rồi. Nếu người muốn rời khỏi vương phủ, không bằng thừa dịp Đại Vương vắng nhà..."

Thái độ của Gia Nhu lại khác thường, kiên quyết răn: "Em cất quần áo đi, từ nay về sau không được phép nhắc lại việc này nữa."

Ngọc Hồ vô cùng giật mình. Mấy hôm trước, quận chúa còn sẵn sàng bỏ trốn cùng người kia bất cứ lúc nào, phân phó nàng ta sắp xếp bọc quần áo, sao đột nhiên lại thay đổi chủ ý?

"Tiểu nương tử!" A Thường vào đình nghỉ mát, bước chân tuy gấp nhưng dáng đi vẫn đoan trang.

"Làm sao thế?" Gia Nhu ngẩng đầu hỏi.

A Thường lấy hơi rồi mới nói: "Đại vương đã trở lại, còn dẫn theo mấy kẻ ở ngoại trạch về, đang ở sân của nương tử."

Ngoại trạch là nói thị thiếp Liễu thị của Mộc Thành Tiết và Thuận Nương, nữ nhi do nàng ta sinh. Mấy năm nay hai bên vẫn luôn nước giếng không phạm nước sông, lại càng chưa từng gặp mặt.

A Thường trầm mặt nói tiếp: "Liễu thị sinh được con trai, nay ả ôm con trai đến cửa cầu xin, muốn danh phận tới mức bất chấp cả thân thể đang ở cữ, nương tử thiện tâm, bằng lòng để bọn họ ở lại. Ai da, tức chết nô tỳ rồi, đại vương làm thế không phải sẽ khiến nương tử khó chịu sao?"

Thôi thị Thanh Hà là danh gia vọng tộc có tuổi đời mấy trăm năm, chỉ cần vung tay kêu gọi thì không có chuyện sĩ thứ[8] không đáp. A Thường vào Thôi gia hầu hạ từ khi còn trẻ, ngạo khí hơn người của danh môn cũng ăn vào xương cốt phần nào, đương nhiên chướng mắt với loại thiếp thất ở ngoại trạch như Liễu thị.

[8] 士庶 (Sĩ thứ): Kẻ sĩ cùng và thứ dân (Dân chúng bình thường).

"Vú đừng tức giận, chỉ là một thiếp thất nho nhỏ mà thôi, chẳng lẽ nương còn không xử lý được? Chúng ta đi xem đi." Gia Nhu đứng đậy, rời khỏi đình trước nhất.

A Thường cố ý đi chậm lại, liếc mắt nhìn Ngọc Hồ: "Hai ngày này quận chúa có gì lạ không?"

Ngọc Hồ khẽ trả lời: "Vừa rồi nô tỳ thử dò hỏi, quận chúa không những bảo không trốn nữa mà còn cấm nô tỳ nhắc lại sự kiện kia."

A Thường không khỏi ngờ vực.

Bà theo Thôi thị gả tới đây, tận mắt chứng kiến Gia Nhu trưởng thành, có thể nói là vô cùng hiểu tính tình nàng, gần như không đụng tường nam thì không quay đầu.

Hai ngày trước, khi Gia Nhu vừa tỉnh lại, nàng lộ vẻ kinh ngạc khiếp sợ, sau đó nhào vào lòng Thôi thị khóc rống lên. Về sau, nàng không còn quá giống "nàng" khi xưa nữa.

Mời đại phu qua phủ chẩn bệnh cũng không chẩn ra cái gì.

"Như thế là tốt nhất. Kia vốn chẳng phải chuyện vẻ vang gì, nếu truyền ra ngoài thì sẽ hủy hoại khuê danh của quận chúa, sau này không ai được phép nhắc lại nữa. Ngươi gần gũi với quận chúa nhất, hàng ngày nhớ chú ý săn sóc quận chúa đấy." A Thường dặn dò.

"Vâng, nô tỳ đã rõ." Ngọc Hồ cung kính đáp.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương