Tàn Dương Kiếm - Lãnh Nguyệt Đao
6: Yên Vũ Đình Thính Vũ Tiểu Cô Nương Đón Chân Nhân Khởi Nguyên Quán Vọng Lâu Mộ Dung Nhân Áp Độc Vương


Trời thu, những cơn mưa hiếm hoi không vội vã như mưa rào ngày hạ khiến người ta hít một hơi sảng khoái khi cái nóng bức bị đánh tan, cũng chẳng lất phất như bụi mưa xuân làm người ta khẽ mỉm cười rảo bước dưới tán lộc non mới nhú.

Mưa thu nhìn chung là buồn.

Mưa rả rích, đủ lớn để không ai nhận ra những giọt nước mắt của người lãng khách dưới mưa, nhưng cũng đủ nhỏ để nghe tiếng ai bất giác thở dài vì một nỗi buồn không tên nào đó.

Vĩnh Tình dẫu có là một cô bé mười hai tuổi thì cũng vẫn thở dài thậm thượt.

Nhìn các sư tỷ và sư phụ đang tập trung điều khí, tu tập nội công, không gian xung quanh im lặng như tờ, chỉ có tiếng mưa rơi khe khẽ ngoài sân.

Mưa mang theo mùi nồng nồng, ngai ngái của đất ẩm khiến chân của Vĩnh Tình ngứa ngáy, chỉ muốn chạy ra ngoài chơi cho thỏa thích.

Nhưng nhìn sư phụ nghiêm nghị trực tiếp quản thúc, cô lại phải tự cấu vào chân mình một cái cho yên.

Ấy vậy mà tiếng mưa vẫn tí tách mời gọi, ra sân chơi đi cô nhỏ.
Vĩnh Tình hít một hơi thật sâu, rồi thở ra se sẽ, rón rén nhích mông từng chút từng chút một ra ngoài cửa.

Theo quy môn, các đệ tử nhập môn trước sẽ ngồi hàng trên, các đệ tử nhập môn sau ngồi hàng dưới.

Vĩnh Tình nhập môn khá muộn nên cô ngồi cũng gần cửa chính đường.

Cháy hết nửa nén hương nhỏ thì cô đã lẩn được ra ngoài.

Lẳng lặng bò sát đất đến khi rời xa chính đường, cô mới khoan khoái đứng lên, chạy ù ra bếp, nhóm sẵn bếp lửa để tí nữa hong áo.

Bếp vừa lên lửa là cô đã chạy ù ra phía hậu đường, thả chân trần lên còn đường lát đá xanh mát lạnh dẫn ra rừng thông và hồ Yên Vũ.

Cô tựa lưng vào thạch trụ ở đình rồi đung đưa chân ra ngoài cho mưa rửa trôi những những bụi đất trên đôi chân trắng hồng.

Mỗi khi ngắm mưa ở Yên Vũ Đình, cô đều có cảm giác buồn buồn đến nao lòng, nhưng nó dễ chịu một cách kỳ lạ.

Buồn vì cũng tại đây cô tạm biệt mẹ, một lời tạm biệt đến giờ đã tám năm.

Dễ chịu..

cũng vì nơi này nơi gần nhất cô đã từng cầm bàn tay mẹ.

Hôm đó trời mưa lớn hơn hôm nay nhiều, mẹ cõng cô trên lưng, tay che ô sâu ra phía sau để cô đỡ bị mưa hắt còn mẹ thì mặc kệ cho nước mưa ướt đẫm mặt mũi, áo quần.

Sau khi anh trai Tuệ Phong bị bắt đi, cô kinh hãi mà ngất lịm, đến khi tỉnh lại thì đã ở trên lưng mẹ rồi.

Mẹ cần mẫn cõng cô đi qua bao nhiêu trấn thành, mẹ im lặng mỗi khi cô hỏi về Tuệ Phong, mẹ bật khóc khi cô hỏi chúng ta đi đâu thế.

Đường xa, đôi chân mẹ nhiều khi run run mỏi mệt.

Nhưng cô nhớ ánh mắt mẹ chưa bao giờ tắt ánh nhìn kiêu dũng, khí khái, kiên cường của người con gái Mông Cổ.

Ngày đi, đêm nghỉ, hai mẹ con rồi cũng đến Nga My.

Mệt nhọc vươn tay gõ cửa, mẹ gạt lọn tóc mái lòa xòa vì nước mưa, kiên nhẫn chờ đợi trong cơn mưa vẫn trút xuống xối xả.

Được một lát thì sư tỷ Tĩnh Huyền đi ra, đưa hai mẹ con vào trong phòng khách đợi.

Lần đầu tiên cô nhìn thấy sư phụ, cô sợ lắm.

Ở sư phụ toát ra một vẻ uy nghiêm, khó gần hơn mẹ cô nhiều.

Mẹ cô hay cười, ánh mắt mẹ cũng hay cười.

Còn sư phụ thì nghiêm khắc, ánh mắt lúc nào cũng như muốn khép cô vào kỷ luật.

Sư phụ và mẹ nói chuyện gì lâu lắm.

Cô chỉ nghe loáng thoáng rằng cô bị ốm, mẹ cần phải lên đường tìm thuốc chữa cho cô nên phải gửi cô ở đây một thời gian.

Lạ nhà lạ cửa, cô chẳng dám đi đâu, cũng chẳng dám ăn bánh trên bàn dù đã khá đói.

Cô cứ lặng lẽ ngồi một góc, nơm nớp chờ mẹ quay lại.

Rồi mẹ cô cũng quay lại, nhưng ánh mắt của mẹ khiến cô có cảm giác giá mẹ cứ nói chuyện với sư phụ tiếp đi thì cô có thể được nhìn mẹ lâu hơn một chút.

Và lời mẹ nói khẳng định điều cô lo sợ là thật:
- Vĩnh Tình, con đang bị ốm.

Mẹ không thể đưa con đi theo mẹ để tìm thuốc được nên con..
Cô hoảng sợ ôm lấy mẹ, rúc đầu vào ngực mẹ mà khóc:
- Mẹ ơi, con xin mẹ, mẹ cho con đi với! Đừng bỏ con ở đây mẹ ơi!
Mẹ cô nghẹn lời, ôm chặt lấy cô vào lòng.

Cô cảm thấy nước mắt mẹ ấm nóng ướt vai áo cô.

Cô biết mẹ đau lòng lắm.

Cô cũng không muốn mẹ phải bận lòng nhưng cô mới chỉ là một đứa bé bốn tuổi, với cả thế giới chỉ có cha mẹ và anh trai.

Cha biến mất từ sau khi đến quán trọ Ô Quy Hồ, anh trai cô bị đưa đi mất, nếu giờ mẹ cũng đi, thế giới của cô còn lại gì? Vừa thương mẹ, vừa thương mình, cô cứ thế khóc và ghì chặt lấy cổ mẹ không buông.

Sư phụ cô đứng ở góc phòng cũng không cầm được nước mắt, lặng lẽ quay đầu đi, lấy tay áo khẽ thấm giọt lệ đang chực tuôn ra.

Nhưng rồi mẹ cô cũng gỡ tay cô ra, ôm mặt rồi nhìn sâu vào đôi mắt cô, nghẹn ngào nói:
- Con phải kiên cường lên! Phận nữ nhi chúng ta nếu không kiên cường sẽ bị thế gian chà đạp.

Con mang họ của cha con, đầy lòng nhân nghĩa, nhưng cũng mang dòng máu của Đặc Mục Nhĩ, khí khái kiên cường.

Trong nghịch cảnh không cúi đầu, trước cường bạo không lùi bước.

Mẹ hứa sẽ trở lại với con, nhưng con phải hứa cũng kiên cường vì mẹ.

Được chứ?
Vĩnh Tình định lắc đầu, nhưng nhìn đôi mắt mẹ, tự nhiên cô thấy yên tâm một cách lạ thường.

Có lẽ đó là sự hi vọng của lời hứa mẹ dành cho cô.

Cô khóc to, nhưng gật đầu, buông tay khỏi cổ mẹ.

Mẹ dắt tay cô đến trao lại vào tay sư phụ rồi rời đi.

Trời hôm đó vẫn mưa to lắm..
Mưa rơi trên mặt hồ Yên Vũ để lại những vòng tròn to nhỏ loang ra khắp mặt hồ.

Cô mải nhìn theo bóng nước đến qua bên kia hồ, bỗng thấy có sáu người lạ mặc áo tơi đang tiến lại.

Họ đội nón lá che khuất mặt nên trông lại càng tăng thêm vẻ ám muội.

Trong lòng cô bỗng giật thót như vừa có một quả cân rơi xuống bụng cô vậy.

Cô nghĩ thầm:
- Có khi nào có địch nhân đến ám toán Nga My không? Mình phải quay về báo với sư phụ ngay mới được!
Chưa kịp quay lại báo với sư phụ thì một người trong đám kia hỏi vọng đến:
- Cô nhỏ! Có thể mở cửa cho chúng ta vào không? Chúng ta có chuyện cần gặp Chu chưởng môn!
Cô thấy người đó còn đứa cách xa vậy, lại chẳng thấy người đó bắc tay gân cổ hô mà giọng vẫn đưa đến bên tai rõ ràng như đang đứng cạnh, lại càng hoảng sợ nghĩ:
- Thôi chết! Có khi nào đây là lũ quỷ âm ty đến đây quấy rối không? Nơi đây có điện thờ Quan Thế Âm, không khi nào bọn chúng lại có thể vào được chứ?
Vĩnh Tình thần hồn nát thần tính, nào có biết đây là công phu Thiên Lý Truyền Âm, những ai nội lực sung mãn ít nhiều đều có biết qua.

Cô co cẳng, chạy vụt quay lại con đường đá, miệng la hoảng hốt:

- Cứu với! Có quỷ đến! Cứu với!
Bên kia một người tung người, đạp nhẹ trên mặt nước, khinh công ngang qua hồ lướt đến đuổi theo cô.

Vừa khinh công đuổi theo vừa nói:
- Cô nhỏ đừng sợ! Chúng ta là người, đến đây có ý tốt! Đừng chạy nữa!
Càng nói thì Vĩnh Tình càng ra sức chạy cho nhanh.

Đôi chân thoăn thoắt trên những phiến đá xanh nhắn thín, trơn như bôi mỡ mà không ngã.

Nhưng sức đứa trẻ làm sao so được với khinh công của người kia.

Chỉ thêm hai nhịp chạm đất, người kia đã túm được cổ áo Vĩnh Tĩnh.

Cô vớ bừa được một khúc gậy trúc, vụt loạn về phía sau.

Người kia một là không muốn hại cô, hai là gậy vụt rát quá, cũng đành thả cô ra.

Vĩnh Tình biết mình chạy cũng không thoát, nhớ lại lời mẹ dặn là không được lùi bước trước cường bạo, cô run run quay lại, cầm gậy trúc thay kiếm, quát:
- Ngươi chớ có tiến lên! Ta là đệ tử Nga My! Nếu tiến thêm một bước đừng trách "kiếm" trong tay ta độc ác!
Lời này nói ra từ miệng đứa trẻ mười hai tuổi, quả có chút buồn cười.

Nhưng nhìn ánh mắt cô lúc đó, không ai nỡ cười.

Dù còn nhỏ, nhưng ánh mắt quật cường đến vậy thực hiếm có.

Người kia cũng lúng túng chưa biết làm gì thì một người mặc áo tơi khác đã lên tiếng, giọng trầm ấm, nhưng nghiêm nghị:
- Tùng Khê, đừng làm đứa nhỏ sợ.

Chúng ta đã đến đây rồi, kiên nhẫn đợi Chu chưởng môn một chút.

Chu chưởng môn chắc cũng gần tới rồi.
Quả nhiên dứt lời thì Chỉ Nhược dẫn theo các đệ tử che ô đi tới.

Cửa vừa mở, Chỉ Nhược cùng các đệ tử nhất loạt xuất kiếm, chỉ vào mấy người lạ nói:
- Các ngươi là ai? Dám mạo nhận Trương chân nhân và Võ Đang Ngũ Hiệp đến đây giả thần giả quỷ! Nếu không khai ra danh tính, đừng trách kiếm của Chỉ Nhược này không dung tình!
Người mặc áo tơi đứng đầu khẽ cười rồi bỏ nón xuống, cởi áo tới.

Mái tóc bạc phơ búi cao gọn ghẽ, tấm áo trắng xám đơn sơ nhưng sạch sẽ.

Nhưng nhất là luồng nội lực âm trầm như sóng ngầm thoạt đến thoạt đi liên miên bất đoạn.

Chỉ Nhược nhìn những giọt nước mưa gặp luồng nội lực bao quanh người này phải chảy xéo đi, biết trước mặt chính là Trương Tam Phong, vội thu kiếm, ôm quyền nói:
- Trương chân nhân! Vãn bối có mắt không thấy Thái Sơn.

Khi nãy có lời không hợp lẽ, mong chân nhân thứ tội.

Chỉ là mới tháng trước còn thân hành đến viếng ở Võ Đang, không hiểu phép mầu nào lại khiến người và Ngũ Hiệp đây cải tử hoàn sinh, lại đến trước cửa vi môn thế này?
Trương Tam Phong vuốt râu cười nói:
- Chu chưởng môn quá lời rồi.

Người không biết không có tội.

Chúng ta trong võ lâm vốn là đã chết rồi.

Hôm nay đến đây, các người cũng hãy coi như chỉ là hồn ma bóng quế thôi.
Chỉ Nhược nghe mấy lời này, biết đằng sau hẳn còn nhiều cơ duyên chưa rõ ràng, bèn ôm quyền thưa:
- Trương chân nhân, hôm nay dù thế nào đã đến đây rồi, xin mời vào khách phòng để vãn bối đón tiếp cho chu đáo.
Nói đoạn, nàng sai đệ tử đi trước bố trí khách phòng, bản thân lại tự tay che ô, đưa Trương Tam Phong cùng Võ Đang Ngũ Hiệp theo đường mòn hậu viện đến phòng khách.

Đi ngang qua Vĩnh Tình, lúc đó vẫn đang sững người nhìn, cây gậy trúc trong tay vẫn đang cầm chặt, Chỉ Nhược mắng:
- Vĩnh Tình, con làm gì mà không chào lão tổ sư đi chứ?
Vĩnh Tình thấy người trước mặt bỏ áo tới ra là một cụ già mặt mũi hồng hào, râu tóc trắng như cước, bước chân nhẹ nhàng nhưng vững vàng, điệu bộ khoan thai, từ tốn đầy khí độ tông sư, mới thôi hốt hoàng, vội quăng gậy trúc ra đằng sau rồi lúng túng ôm quyền thưa:
- Vĩnh Tình bái kiến lão tổ sư.
Trương Tam Phong nghe tên Vĩnh Tình, trong mắt bỗng ánh lên tia mừng rỡ, định tiến lại vỗ về thì Chỉ Nhược đã bước tới một bước, nói khẽ:
- Trương chân nhân, Vĩnh Tình trong lòng vẫn chưa nguôi chuyện xưa, mong người thông cảm.
Trương Tam Phong lúc bấy giờ mới gật đầu, rồi chỉ tiến lại xoa đầu Vĩnh Tình nói:
- Đúng là một đứa trẻ ngoan.

Ban nãy con định xuất chiêu kiếm gì vậy?
Vĩnh Tình tưởng Trương Tam Phong định mắng chuyện cũ, lúng túng nói:
- Con..

con ban nãy không biết là lão tổ sư và mọi người nên mới định xuất kiếm ra tay.

Con là con không biết nên lão tổ sư đừng trách tội nhé.
Trương Tam Phong mỉm cười hiền hậu, nói:
- Con chưa từng gặp chúng ta bao giờ, lại có tinh thần cảnh giác như vậy là rất tốt.

Lúc đó con không chạy đi, lại có dũng khí quay lại đối đầu như vậy thực hiếm có.
Vĩnh Tình thấy Trương Tam Phong không suy tính chuyện ban nãy, mừng lắm, lại thấy ông đáng mến hơn nhiều lần, hồn nhiên tiến lại cầm tay ông rồi dẫn đi nói:
- Lão tổ sư, để con dẫn người đi vào khách phòng.

Đường đi mưa trơn lắm, người đi cẩn thận nhé.
Ai nấy nghe xong, nghĩ đến công phu tuyệt thế của Trương Tam Phong mà muốn bật cười.

Nhưng không muốn Vĩnh Tình xấu hổ nên ai cũng nín lại, chỉ khẽ quay mặt đi cười thầm.

Trương Tam Phong vui vẻ hùa theo:
- Được, con dẫn lão tổ sư đi cẩn thận nhé.
Vĩnh Tình hăng hái đi trước, cẩn thận dẫn tay Trương Tam Phong theo sau.

Một già, một trẻ, một tuyệt thế cao thủ, một môn sinh tiềm năng cứ vậy dắt tay nhau vào khách phòng.

Khi chủ khách đã an tọa, Chỉ Nhược sai một nữ đệ tử pha trà, rồi bảo các đệ tử còn lại:
- Ta có việc cần trao đổi với Trương chân nhân và Ngũ Hiệp.

Các con về chính đường tọa thiền, tự rèn nội công.

Các sư tỷ lưu ý chỉ dẫn cho các sư muội cẩn thận.

Vĩnh Tình, con nhớ lưu tâm rèn luyện nội công.

Võ công Nga My chúng ta tuy thạo về kiếm pháp nhưng căn cốt vẫn là nội lực, con phải lưu tâm chuyện này.
Các đệ tử để ôm quyền lĩnh mệnh rồi lui về chính đường.

Lúc bấy giờ Chỉ Nhược mới hỏi Trương Tam Phong:
- Trương chân nhân, tiểu nữ nghe nói người và Ngũ Hiệp đều bị hạ độc mà mất cả rồi.

Lại nghe đồn trên võ lâm chuyện này do Mẫn Mẫn tỷ gây ra.

Tiểu nữ vốn không tin chuyện này là thật.

Nhưng tháng trước đích thân đến Võ Đang đã thấy tang sự, nay lại thấy người ở đây, quả thực không hay chuyện này thế nào?
Du Liên Châu lên tiếng, đỡ lời cho sư phụ:
- Chu chưởng môn có điểm chưa hay.

Quả thực sư phụ và các huynh đệ chúng tôi bị hạ độc.

Nhưng độc đó vốn đã được cháu dâu trung hòa lại nên chỉ gây ra trạng thái giả chết thôi.

Qua ba ngày bế khí, chúng tôi đều tự thoát ra ngoài bằng mật đạo.
Trương Tam Phong nối lời:
- Chỉ Nhược, hôm nay ta đến đến cũng là vì chuyện Triệu Mẫn gửi gắm.

Vĩnh Tình thì ta đã gặp rồi.


Nhưng Vô Kỵ và Tuệ Phong, con có tin tức gì hai người này chăng?
Chỉ Nhược biết nội tình vụ đầu độc ở Võ Đang, lại biết mọi người đã an toàn, Triệu Mẫn bị vu oan thì trong lòng rất nhẹ nhõm.

Nhưng nghĩ đến Vô Kỵ và Tuệ Phong đang bặt vô âm tín, nàng không khỏi đau lòng mà thở dài, nói:
- Hai cha con họ đến nay đã nhiều năm bặt vô âm tín, không biết còn giữ được mạng không nữa.

Nếu Vô Kỵ huynh ấy mà còn sống, hẳn đã đến đây hỏi thăm tung tích rồi.

Xem ra chuyện này lành ít dữ nhiều..
Trương Tam Phong và Ngũ Hiệp đều trầm ngâm không nói gì thêm, trong lòng ai cũng một bề suy nghĩ.

Cuối cùng Tống Viễn Kiều cũng lên tiếng:
- Thôi, chuyện của Vô Kỵ trước mắt chưa có thông tin gì.

Chúng ta cần bàn chuyện chính đã.

Hiện giờ Triệu Mẫn mang danh đầu độc Võ Đang, đang bị cả võ lâm truy sát, đến nay việc liên lạc với cháu dâu không hề thuận lợi.

Tuy nhiên lần gần nhất cũng được biết người đứng sau chuyện này là một nhân vật có tên là Lãng Nghệ.
Trương Tùng Khê nói thêm:
- Trên đường đi đến đây, chúng ta cũng đã bí mật dò la tin tức của người này nhưng tuyệt nhiên không một người nào hay biết.

Xem ra không phải nhân vật trong giang hồ.

Người này có thể thao túng được cháu dâu, chắc chắn đã lấy tính mạng Trương gia ra làm đối trọng.

Vĩnh Tình ở đây rồi, xem ra Tuệ Phong nhất định đang nằm trong tay người này.
Chỉ Nhược nói:
- Vĩnh Tình tuy ở đây nhưng trong người mang một loại bệnh lạ, hàng năm đều có người bí mật gửi thuốc đến, uống thì mới giữ được tính mạng.

Nếu không có thuốc, toàn thân ngứa ngáy nổi mẩn đỏ, bên trong người lại như bị vạn trùng cắn xé, đau đớn vô cùng.

Tội cho nó còn nhỏ mà đã phải trúng phải loại độc kinh khủng đến vậy.

Kẻ đầu độc hẳn không còn tính người nữa!
Ân Lê Đình cũng nóng mặt đập bàn nói lớn:
- Tên Lãng Nghệ này xem ra không bằng loài cầm thú! Ta mà biết hắn là ai nhất định phải vạn kiếm phân thây hắn mới hả nỗi hận trong lòng này.

Chỉ Nhược, cô nói Vĩnh Tình bị trúng độc, chẳng lẽ không có danh y nào có thể cứu chữa?
Chỉ Nhược kín đáo nhìn ra ngoài cửa để chắc rằng Vĩnh Tình không nghe lén, mới nói:
- Tiểu nữ cũng đã tìm rất nhiều danh y đến nhưng xem ra không ai nhận được loại độc này là gì.

Năm xưa có Thất Trùng Thất Hoa Cao cũng có dấu hiệu tương tự nhưng lại không bị tái phát định kỳ hàng năm thế này.

Mà điểm lạ là cứ vào đúng ngày rằm tháng hai là độc tính phát tác.

Thuốc cũng được đưa đến đúng đêm rằm hôm đó, không sớm hơn, không cũng không muộn hơn.
Trương Tam Phong thở dài nói:
- Năm xưa Vô Kỵ được Hồ Điệp Y Tiên – Hồ Thanh Ngưu cứu.

Người này y thuật cao thâm, chỉ tiếc là đã không còn tại thế.

Vĩnh Tình xem ra phải chịu khổ rồi.
Du Đại Nham bất ngờ lên tiếng:
- Sư phụ, đệ tử trước kia trong lúc hành tẩu giang hồ có từng nghe về một người họ Đoàn, tên Trường Lạc được người dân vùng Quý Châu ca tụng là Thần Y.

Nếu chúng ta mời người này đến chữa cho Vĩnh Tình, biết đâu sẽ có hy vọng.
Du Liên Châu nhíu mày nhớ lại:
- Người này huynh cũng từng nghe nói đến nhưng e rằng vô vọng thôi.

Đoàn Trường Lạc thì ngoài danh Thần Y ra thì còn có một ngoại hiệu khác nổi tiếng hơn là Đạo Vương.

Thử hỏi vua trộm mà dễ tìm thì đâu có cái tên tuổi đó chứ.
Du Đại Nham cười cười nói:
- Vậy thì huynh thời gian gần đây chắc không nghe tin Ân cô nương lên giữ chức Hộ Pháp của Minh Giáo chăng? Dù trước kia không có danh vọng gì lớn nhưng nghe đâu Ân cô nương thời gian gần đây mới tu luyện được môn công phu Tróc Linh Ngân Ty rất bá đạo.

Nhờ vậy mới lập được nhiều công lớn cho Minh Giáo.
Du Liên Châu vỗ tay nói:
- Tróc Linh Ngân Ty là công phu độc môn của Đoàn Trường Lạc! Vậy chúng ta nếu hỏi Ân cô nương hẳn sẽ biết tung tích người này rồi.

Chúng ta mau tới Minh Giáo một chuyến, tìm thần y về chữa cho Vĩnh Tình.
Trương Tam Phong nãy giờ im lặng không nói gì, chỉ thong thả nhấp trà nhưng nhìn đôi lông mày ông nhíu lại, Chỉ Nhược biết ông đang suy nghĩ nhiều lắm.

Nàng hỏi khẽ:
- Trương chân nhân, người có cao kiến gì không?
Trương Tam Phong gật đầu, nhìn các đệ tử nói:
- Việc cứu Vĩnh Tình hiển nhiên rất quan trọng.

Nhưng việc tìm Vô Kỵ, Tuệ Phong và dò la kế hoạch của Lãng Nghệ cũng không được khinh suất.

Đại Nham, con đến Minh Giáo tìm hiểu hành tung Thần Y một chuyến.

Viễn Kiều, Lê Đình, hai con tiếp tục dò la tin tức của Vô Kỵ và Tuệ Phong.

Liên Châu, con tìm cách liên lạc với Triệu Mẫn và tìm hiểu thêm về Lãng Nghệ.
Ngũ Hiệp ôm quyền nhận lệnh.

Du Liên Châu hỏi:
- Sư phụ, vậy người..
Trương Tam Phong vuốt râu trầm ngâm nói:
- Ta có một vài nơi cần phải đến trước.

Các con cứ chia nhau ra hành sự, phải tuyệt đối cẩn mật.

Nên nhớ, chúng ta trên giang hồ đã vong mạng vì độc dược.

Chỉ Nhược, vốn là ta nên đưa Vĩnh Tình về Võ Đang để chỉ dạy.

Nhưng tình hình lúc này phức tạp, trước mắt đành nhờ vào con vậy.
Chỉ Nhược mỉm cười, ôm quyền nói:
- Người yên tâm, Chỉ Nhược nhất định sẽ coi sóc Vĩnh Tình cẩn thận, tuyệt không để xảy ra chuyện gì với nó.
Đến đây trời cũng đã ngớt mưa, Trương Tam Phong cùng các đồ đệ cáo biệt Chỉ Nhược rồi lên đường.

Mấy người bọn họ không hay, trong lúc họ đang đàm đạo thì Vĩnh Tình đã lại lẻn ra ngoài đi chơi.

Lần này cô không ra Yên Vũ Đình nữa mà đi hẳn ra ngoài Nga My Sơn du hí.

Rừng núi Nga My sau khi tắm dưới cơn mưa thu trở nên thoáng đãng một cách lạ kỳ.

Cây rừng lá xanh đỏ nương theo ánh mặt trời dần hé mà rực rỡ thêm một chút trước ngày vào đông.

Chim muông phần nhiều đã về phương nam tránh rét, còn ở lại mấy đôi chim chao lượn đưa đón nhau rời tổ kiếm mồi.

Mặt đất ẩm ướt kia chỉ ngày mai, ngày kia thôi là lại la liệt nấm rừng đủ loại.

Vĩnh Tình ở đây tám năm, đã quen thuộc lắm.

Cô nhảy chân sáo ven theo con đường mòn trong rừng, đến một cái hang hẹp mà cô thường gọi là Yên Bình Động vì mỗi lần sư phụ nổi giận gì cô đều trốn ra đây đến khi sư phụ nguôi ngoai mới quay lại.


Lúc còn nhỏ cô bước vào dễ lắm, giờ lớn rồi, xem ra muốn đi vào động phải cúi người lom khom mới được.

Đang loay hoay bỗng đầu cô đụng vào một mỏm đá nhô ra đau đớn.

Vĩnh Tình bực mình, lấy tay đấm một cái, nào ngờ mỏm đá đó lung lay rồi rời ra, để lộ một cái hốc nhỏ.

Vĩnh Tình nhìn thấy hốc đen ngòm, không dám thò tay vào, chỉ lấy một cái que rồi chọc vào quét qua quét lại.

Một lúc thì trong hốc rơi ra một túi bọc giấy dầu, mở ra có một quyển kinh thư.

Vĩnh Tình liếc mắt đọc thì thấy ghi "Cửu Âm Chân Kinh".

Nguyên lai sau khi Chỉ Nhược luyện được một phần Cửu Âm Chân Kinh, ỷ vào bộ võ công tuyệt thế này mà gây náo động ở đại hội Đồ Sư và cũng gây ra nhiều tội nghiệt, sau này hồi đầu thị ngạn đã quyết không dùng võ công Cửu Âm Chân Kinh mà chuyên tâm nghiên cứu, phát triển kiếm pháp Nga My.

Bộ Cửu Âm Chân Kinh này cũng vì thế mà bị Chỉ Nhược giấu kín vào hốc đá trong hang nhỏ không tên này, không một ai hay.

Nay Vĩnh Tình gặp cơ duyên thiên định mà nhận lại được Chân Kinh, nhưng cô còn nhỏ, cũng chưa từng nghe nói đến Cửu Âm Chân Kinh bao giờ nên cũng chỉ nghĩ đây là một môn công phu lạ.

Cô mở chân kinh ra thì thấy bên trong kinh ngôn vi diệu, thâm sâu khó hiểu.

Một đứa trẻ mười hai tuổi như cô đọc chân kinh cũng chỉ như ê a đọc Chính Kinh mà không hiểu chi cả.

Chỉ có điều Vĩnh Tình là đứa trẻ thông minh, đọc đâu nhớ đó.

Cầm Cửu Âm Chân Kinh đọc hết một lượt đã nhớ nửa mặt chữ.

Đọc thêm lần nữa có thể đọc vanh vách từng chữ trong bộ chân kinh.

Thấy cũng chẳng có gì thú vị, cô đọc xong lại cất vào túi rồi để vào chỗ cũ.

Thấy mỏm đá đã bị đánh gãy mất, cô hì hục tìm đất sét trộn với cỏ rồi trét cho đầy hốc rồi ung dung đi về.

Về đến nơi cũng vừa lúc thấy lão tổ sư cùng các vị thái sư thúc, thái sư bá chuẩn bị rời đi, lại thấy sư phụ đích thân tiễn chân, cô không dám ló mặt ra ngay mà nấp ở gốc cây gần đó.

Chờ sư phụ đi rồi mới lao ra ôm lấy tay lão tổ sư, nói:
- Lão tổ sư vừa đến mà đã đi đâu ngay thế?
Tuy lần đầu gặp lão tổ sư nhưng cô thấy ở Trương Tam Phong có một nét bình dị dễ mến, không giống các bậc chưởng tôn võ lâm khác, trong lòng bất chợt có điểm yêu mến vô cùng.

Trương Tam Phong thấy Vĩnh Tình, bèn cười nói:
- Lão tổ sư hôm nay đến đây để hỏi thăm sư phụ con đôi chuyện rồi phải đi ngay.

Con ở lại nhớ chăm chỉ tu tâm, luyện võ, rèn trí nghe chưa?
Vĩnh Tình gật đầu rồi cầm tay lão tổ sư, hỏi:
- Vậy khi nào lão tổ sư lại quay lại đây chơi với con nhé.

Con ở trên núi lâu buồn lắm.
Trương Tam Phong mỉm cười, ôn tồn nói:
- Nhất định.

Con cũng mau lớn rồi đến Võ Đang Sơn thăm ta nhé.

Võ Đang luôn là nhà của con, chờ gia đình con trở về.

Lần này lão tổ sư đi, nhất định sẽ tìm được cha mẹ và anh trai cho con.
Nhìn vào đôi mắt già nua nhưng vẫn rạng vẻ tinh anh của Trương Tam Phong, Vĩnh Tình thấy một cảm giác yên tâm lạ thường.

Người như lão tổ sư nói được nhất định làm được, cô biết vậy.

Thế nên cô nhoẻn miệng cười, nói:
- Vâng, con mấy năm nữa lớn rồi nhất định sẽ đến thăm lão tổ sư và các vị thái sư bá, thái sư thúc ạ.

Lão tổ sư và mọi người trường đồ túc bộ nhé..
Lá vàng che bóng người ở lại
Mắt biếc dõi theo bước người đi
Dương tà soi nghiêng đầu ai bạc
Nặng bước theo lời hứa hài nhi
**************
Lãng Nghệ thư thả dựa lưng trên ghế da hổ ở vọng lầu phía sau Khởi Nguyên Đạo Quán, nhìn bách tính ra vào đạo quán tấp nập.

Có người đến xin quẻ, giải điểm, có người đến cầu sao giải hạn, lại có người đến xin cắt thuốc chữa bệnh.

Hắn nhếch mép cười, trong bụng nghĩ thầm:
- Đúng là một lũ dân đen ngu ngốc.

Mang tiền đến đây đổi lấy mấy lời chẳng đáng một xu nhưng xem kìa, chúng vẫn đến như kiến.

Chẳng phải động tay chân tiền bạc cũng chảy vào đầy kho.
Lãng Nghệ nâng tẩu thuốc, kéo một hơi dài khoan khoái rồi nhả khói mơ màng.

Khói vương vấn quanh mái tóc búi cao cẩn thận, ve vuốt nơi làn da nâu đồng của hắn rồi từ từ tan biến vào thinh không.

Đã hơn mười năm đến Trung Thổ, hắn học theo người nơi đây mà búi tóc cao, mặc Hán Phục cho dễ bề trà trộn hoạt động.

Nhìn bề ngoài thì đúng là một vị đạo trưởng đức hạnh.

Đôi mắt nâu như biết cười, luôn dễ dãi, thân tình chào hỏi người dân quanh đây đến thăm đạo quán.

Miệng cười rạng rỡ khiến người bệnh đến đây cũng thấy an lòng mà thuyên giảm bệnh phần nào.

Có ai hay nơi đạo quán này toàn chữa bệnh tận gốc do gốc bệnh từ đây mà ra.

Giờ chưa đến lúc phải trưng phô bộ mặt đạo mạo của vị trưởng đạo quán, hắn nhàn nhã ngồi hút thuốc, ăn trái cây, lưng vãi đã có một cô nương rất mực xinh đẹp nhẹ nhàng đấm bóp.

Từ ngoài cửa có tiếng chân người chậm rãi, lúc nặng lúc nhẹ bước đến.

Lãng Nghệ lắng tai nghe rồi cười khẽ, bảo:
- Độc Vương, ngài không nhanh vào đi mà còn đứng đấy làm gì.

Đồ giải khát cho ngài ta đã chuẩn bị rồi đây.
Bên ngoài cửa vang tiếng cười lớn.

Cửa bật tung như bị ai đá trúng, một lão già thân mặc áo chùng đen, tay cầm mộc trượng, lưng đeo hồ lô đủ loại lướt vào như một cơn hắc toàn phong.

Tay lão chụp ngay lấy nàng hầu trong phòng, kề miệng nàng ta vào miệng lão.

Chỉ thấy nàng hầu ú ớ trong kinh hoàng rồi bỗng như khí huyết như bị hút trọn vào miệng lão.

Đến khi lão bỏ tay ra chỉ còn một lớp da bèo nhèo, vương tóc dưới sàn.

Điền Thái Tuế thở ra một hơi đầy sảng khoái, nói:
- Lãng Nghệ ngươi thực biết cách đón khách đấy.

Đi xa quay về được giải khát thế này thật khoái khẩu!
Lão đá đống da người văng vào góc nhà rồi kéo ghế, chễm chệ ngồi trước mặt Lãng Nghệ, khệnh khạng nói:
- Xem ra nhờ ta mà đạo quán của chúng ta thật là đông khách.

Bõ công ta đi khắp nơi rải Bạch Nhẫn Cổ Trùng.
Sau khi khốn khổ bởi Thất Trùng Thất Hoa Cao năm nào, Điền Thái Tuế đã biệt tích giang hồ nhiều năm.

Gần đây rải rác các địa phương liên tục bị những căn bệnh lạ không có thuốc giải, chỉ có đến đây xin nước tiên thì mới mong cứu sống được khiến tiếng tăm của Khởi Nguyên Đạo Quán càng ngày càng vang xa, tất cả đều một tay đều do lão đi khắp nơi hạ độc bách tính.

Bạch Nhẫn Cổ Trùng là một một loại trùng cổ, bé như bụi, có thể theo gió bụi mà phát tán khắp một vùng rộng lớn.

Khi đã vào cơ thể người, cổ trùng sẽ sinh sôi và ăn dần nội tạng của người bệnh, để lại trên ngón tay một vòng tròn trắng như nhẫn bạc.

Khi vòng tròn khép kín, cũng là lúc người bệnh bị ăn rỗng nội tạng mà chết.

Lần này quay lại đây, hẳn là để lão lấy thêm bạc và đưa thêm thuốc giải cho đạo quán chuẩn bị đón tiếp đợt bệnh nhân mới sắp đến.

Lãng Nghệ hút thêm một hơi thuốc rồi nói:
- Bạc đối với chúng ta chỉ là một chuyện.

Hẳn ngươi không quên mục đích chính của chúng ta.

Nếu có thể lật đổ Minh Triều, cướp lấy thiên hạ về tay nhà Nguyên, ngươi sẽ là khai quốc công thần.

Lúc đó mấy cái đồng bạc lẻ này có xá vào đâu.
Điền Thái Tuế đắc chí nhìn từ vọng lầu xuống đạo quán, hỏi:
- Vậy khi nào chúng ta bắt đầu đảo chính? Đã gần chục năm rồi, chẳng lẽ vẫn chưa đến thời cơ sao?
Lãng Nghệ lắc đầu, nhịp tay lên bàn, thư thả buông một làn khỏi mỏng, nói:
- Dục tốc bất đạt.

Anh hùng mưu sự mười năm, hành sự một khắc, quyết khi đã làm là phải thành công.


Đến khi nào bách tính coi ta là một vị thánh, ta mới có thể hiệu triệu được thiên hạ mà nổi lên lật đổ gã Chu Nguyên Chương khốn khiếp đó.
Điền Thái Tuế gật gù, bỗng trở nên trầm ngâm, nói:
- Thiên hạ tuy rộng lớn, nhưng dần dà cứ theo thuốc của ta thì cũng phải quy thuận ngươi cả thôi.

Nhưng thế lực võ lâm chính phái có uy tín rất lớn trong dân chúng.

Chúng ta nếu không gạt được chúng ra khỏi cuộc chơi thì việc thu nhân tâm xem ra không đơn giản.
Lãng Nghệ cười khẩy, nói:
- Đối với ta, bọn võ lâm chính phái đó chẳng hơn gì một đám võ biền ngu ngốc chỉ biết đánh lộn xằng bậy.

Tuy vậy ngươi đừng lo, ta đã có an bài rồi.

Bạc này ngoài để chiêu dụ ngoại binh, còn để mua chuộc đám hắc đạo.

Ngươi không thể lường được đám hắc đạo vốn như loài gián hôi vậy mà sức mạnh lớn đến thế nào đâu.
Điền Thái Tuế lắc đầu nói:
- Ngày nay cao thủ đa phần đều là người chính phái.

Đám hắc đạo ngươi mua chuộc được chẳng có mấy người sánh được đâu.

Năm xưa Huyền Minh Nhị Lão được coi là cao thủ hắc đạo thì đã bị phế võ công.

Nhất Kiếm Đoạt Mệnh – Cẩm Tý từ lâu đã không còn nghe tiếng trên giang hồ, nghe đồn lão đã chết khi Chu Nguyên Chương lên ngôi..
Lời Điền Thái Tuế bị ngắt bởi một giọng trầm khàn vang lên từ đằng sau lưng:
- Ngươi nói ai chết rồi? Ngươi tin ta có thể lấy đầu ngươi trước khi mắt ngươi nhắm lại không?
Một người đàn ông vóc dáng trung bình, tóc đã bạc trắng, gương mặt khắc khổ chi chít sẹo ngang dọc, mặc áo đoạn đen, lưng đeo hai thanh kiếm một ngắn, một dài.

Thanh kiếm dài thì xanh sẫm một màu tựa nước biển sâu thăm thẳm, chưa tuốt khỏi bao đã thấy hàn khí bức người.

Thanh kiếm ngắn thì sẫm màu huyết dụ, lại tựa như thấy dươi bao kiếm có một sự sống mãnh liệt kỳ quái.

Lãng Nghệ thấy người này bước vào, vội đứng dậy, kính cẩn mời:
- Mộ Dung sư phụ hôm nay ghé thăm không báo trước, Lãng Nghệ này đón tiếp sơ suất rồi.

Mời người ngồi đây, tại hạ sẽ sai người chuẩn bị tiệc rượu tẩy trần cho người ngay.
Điền Thái Tuế thấy Lãng Nghệ coi mình chỉ như người bằng vai phải lứa, lại coi người đàn ông nhất mực kính trọng, trong lòng bực bối, nói xẵng:
- Ngươi cũng nên biết điều mà chớ có ngồi vào chỗ đó.

Khách mà dám phản chủ sao?
Người đàn ông kia chẳng những điềm nhiên ngồi vào chỗ, lại tự nhiên lấy trái cây ăn, khoan thai nói:
- Trước kia thì chắc ta không dám dĩ khách áp chủ đâu, nhưng giờ thì khác rồi.

Nếu ngươi thích thì cũng có thể ngồi xuống ghế này.

Chỉ là xem ngươi bản lĩnh thế nào.
Điền Thái Tuế thấy người này xem mình chẳng đâu vào đâu, khí uất trong người dâng trào, liền chống mộc trượng xuất đất làm đà, người phiêu hốt lướt đến người đàn ông kia tựa như một cơn dơi đen khổng lồ.

Vi Nhất Tiếu nếu có thấy cảnh này hẳn cũng phải trầm trồ vì khinh công của lão Điền này vi diệu quá.

Một tay lão vụt mộc trượng xuống theo lối Lôi Phách Kinh Thiên, mộc trượng đập xuống như sét đánh, vừa nhanh vừa mạnh.

Chiêu này vốn phải sử dụng hai tay mới có thể đi được đường trượng uy lực đến vậy.

Nhưng tí lực của Điền Thái Tuế được bổ trợ của bí dược nên mạnh hơn người thường nhiều lần mới có thể một tay sử trượng như vậy.

Tay kia của lão lại phất một đường Bách Độc Họa Chưởng tung đến.

Bách Độc Họa Chưởng là độc công đắc ý của lão Điền.

Năm xưa chỉ bằng một chiêu này mà thành danh khắp đất Vân Nam, Quý Châu.

Bách Độc Hỏa Chưởng vốn là dùng cổ trùng mang theo kịch độc mà điều động tấn công địch thủ.

Chưởng này không lợi hại ở chỗ nhanh, cũng không mạnh, nhưng tầm phát tán độc công rất lớn, lại hoàn toàn được kiểm soát bởi lão Điền khiến chiêu này xuất ra gần như trăm phần đoạt mệnh, hiếm người thoát được.

Chỉ thấy người đàn ông kia khẽ đạp ghế trượt lùi lại, né mộc trượng, chớp mắt đã thấy lưỡi thanh kiếm xanh ngắt kề cổ Điền Thái Tuế.

Người đàn ông đó mỉm cười nói:
- Độc Vương ngươi hẳn muốn xem cổ trùng của ngươi cắn ta nhanh hơn hay kiếm của ta hút máu ngươi nhanh hơn chăng? Nên nhớ, thanh Hấp Huyết Kiếm này của ta chỉ cần cứa một đường nhỏ cũng đủ ngươi chảy máu đến chết, không cầm được đâu.
Điền Thái Tuế thấy người đó xuất kiếm nhanh đến không nhìn thấy bóng, trong lòng đã ngầm hoảng sợ đến toát mồ hôi lạnh.

Lại nghe đến tên Hấp Huyết Kiếm thì mắt lão mới trợn tròn, thốt lên đầy kinh ngạc:
- Cẩm Tý! Ngươi đã chết rồi cơ mà? Sao lại có thể đến đây ám chúng ta được!
Người đàn ông đó từ tốn đứng dậy, thanh Hấp Huyết Kiếm vẫn kề cổ lão Điền.

Ông ghé tai lão nói khẽ:
- Ta là Mộ Dung Bình Sơn..

ngươi chớ có dại mà nói cái tên Cẩm Tý ra.

Nếu không..
Điền Thái Tuế bỗng thấy Hấp Huyết Kiếm như nhấn vào cổ mình sâu hơn một chút, bèn vội vã gật đầu, đoạn thu cổ trùng lại.

Cẩm Tý gật gù hài lòng, thu kiếm lại rồi ngả người lên ghế da hổ thư thả nói:
- Vậy mới đúng chứ.

Điền Thái Tuế, ta biết ngươi cũng là một cao thủ nhất hạng, cùng ngồi xuống đi.
Lãng Nghệ vỗ tay, tấm tắc khen:
- Mộ Dung sư phụ quả nhiên kiếm pháp cao thâm, đức hạnh cũng hơn người.

Lãng Nghệ này còn phải học hỏi nhiều lắm.
Mộ Dung Bình Sơn hừ giọng, nói:
- Ta ghét nhất là lời nịnh nọt, vuốt đuôi ngươi biết chứ.

Với lại hôm nay ta đến đây không phải vì mấy lời khen này.

Việc chiêu dụ đám hắc đạo đã làm đến đâu rồi?
Lãng Nghệ lấy từ trên kệ ra một cuốn sổ, mở ra bên trong là danh sách đã cao thủ thành danh trong giới hắc đạo đã được liệt kê đầy sổ.

Dấu khoanh son đánh dấu chi chít hầu hết qua các tên.

Lãng Nghệ đắc ý nói:
- Thế gian này không gì không mua được.

Không mua được bằng tiền thì bằng sắc, không được nữa thì bằng áp bức, đe dọa.

Mấy kẻ hắc đạo trong này đều đã được ta thu phục cả rồi, chỉ chờ hiệu lệnh sẽ nổi lên như sóng cuốn trôi đám võ lâm ngụy chính đạo kia.
Mộ Dung Bình Sơn lướt qua quyển sổ, nhướng mày nói:
- Đường Bá Chi của Đường Môn? Yên Viên Bình của Hắc Long Bang? Kiếm Ma – Trần Thiên Quyết? Mấy người này sao ngươi không mời được?
Lãng Nghệ ấp úng nói:
- Thực ra mấy người này đã tuyệt tích giang hồ từ lâu.

Đường Bá Chi sau trận đánh ở Vu Sơn đã từ nhiệm chưởng môn Đường Môn, đưa xác con trai đi đâu không rõ.

Yên Viên Bình đã biến mất khỏi giang hồ có lẽ hơn hai mươi năm nay, không rõ sống chết thế nào.

Còn Kiếm Ma..

người này đã chẳng còn lí tính nữa.

Bao nhiêu người tại hạ sai đến đều không kẻ nào toàn thây trở về.
Mộ Dung Bình Sơn trầm ngâm nói:
- Cho ta địa danh nơi Kiếm Ma đang ở, ta sẽ đích thân đến tìm hắn.
Điền Thái Tuế nhếch mép nghĩ thầm:
- Kiếm Ma là tuyệt đỉnh cao thủ dùng kiếm.

Dẫu ngươi có Cửu Đoạn Cư Hợp Kiếm Pháp thì cũng chẳng thể sánh được.

Mò đến đấy chỉ có đường chết thôi.
Nghĩ vậy nhưng lão mở miệng, tươi cười nói:
- Kiếm Ma thì nhất định phải có Kiếm Hoàng đến mới thu phục được.

Các hạ lần này đích thân đến thì Kiếm Ma còn phải quỳ xuống mà xin được nhập hội ấy chứ.
Mộ Dung Bình Sơn quắc mắt nhìn Điền Thái Tuế, gằn giọng:
- Ngươi có biết Kiếm Hoàng là ai không mà dám nói bừa bãi như vậy? Kiếm Hoàng – Nam Cung Thiết Tâm là sư huynh cùng thầy với ta..

và ngươi không xứng được nhắc đến tên huynh ấy..

rõ rồi chứ? Ta đến tìm Kiếm Ma, vốn không phải định mang kiếm ra đấu với hắn.
Lãng Nghệ ngạc nhiên hỏi:
- Vậy Mộ Dung sư phụ định làm cách nào thu phục hắn?
Mộ Dung Bình Sơn nhếch mép cười, nói:
- Kẻ thù của kẻ thù thì chẳng phải là đồng minh sao?.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương